Có vẻ như thuật ngữ “Lợi ích cốt lõi” đang gây ra những phiền toái đối với giới hoạch định chính sách Bắc Kinh: gây phản ứng tiêu cực đối với cộng đồng thế giới và tự “trói chân” đối với dư luận trong nước. Nội dung chính bài viết “China Hedges Over Whether South China Sea Is a ‘Core Interest’ Worth War” đăng trên báo New York Times ngày 31/3 về vấn đề này như sau.
Khái niệm “Lợi ích cốt lõi” xuất phát từ việc một số quan chức Trung Quốc đã tung ra ý tưởng “lợi ích cốt lõi” từ đầu năm 2010 trong những cuộc gặp kín với các đối tác Mỹ. Cũng trong năm 2010, một số quan chức Mỹ cho biết quan chức Trung Quốc đã dán mác “lợi ích cốt lõi” cho Biển Đông. Mặc dù vậy, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn không tuyên bố rõ ràng trong các văn kiện chính sách của mình về việc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, tuy nhiên họ cũng không phủ nhận điều đó.
Mùa xuân 2010, các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền cao hơn bình thường bằng việc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”. Trong bài phỏng vấn tháng 11/2010 với Tạp chí “The Australian”, NT Clinton cho biết ông Đới Bỉnh Quốc, một quan chức chính sách đối ngoại cao cấp trong chính phủ Trung Quốc, nói với bà điều đó tại cuộc gặp cấp cao tháng 5/2010. Bà Clinton nói: “Tôi đã ngay lập tức trả lời và nói rằng chúng tôi không đồng ý với điều đó”, mặc dù một số học giả tại Mỹ và Trung Quốc nghi ngờ liệu có đúng ông Đới đã phát ngôn như vậy. Giáo sư tại Học viện Công nghệ Massachusetts Taylor Fravel cho biết phát biểu của bà Clinton là nhằm phản ứng lại một loạt những hành động tại Biển Đông được cho là để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.
Quá trình sử dụng thuật ngữ “lợi ích cốt lõi” tại Trung Quốc: Ông Michael Swaine, chuyên gia phân tích của Carnegie Endowment for Peace, đã xuất bản một bài viết nghiên cứu trên tờ “China Leadership Monitor” về việc sử dụng thuật ngữ “lợi ích cốt lõi”. Từ 2004, các quan chức, học giả và báo chí Trung Quốc đã sử dụng thuật ngữ này ngày càng nhiều để nhắc đến chủ quyền. Ban đầu, thuật ngữ này ám chỉ Đài Loan, sau đó thêm Tây Tạng và Tân Cương. Sau khi nghiên cứu kỹ nhiều nguồn tài liệu của Trung Quốc, ông Swaine đã kết luận Trung Quốc chưa chính thức coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”. Ông Swaine còn phân tích thêm: “Sự thiếu thống nhất trong quan điểm, cùng với tình thế khó xử trong việc khẳng định Biển Đông là lợi ích cốt lõi cho thấy lãnh đạo Trung Quốc đang bất đồng về vấn đề này”.
Các quan điểm khác nhau trong nội bộ Trung Quốc về “lợi ích cốt lõi”
Diều hâu: Việc ông Dai tăng cường sử dụng thuật ngữ “lợi ích cốt lõi” đã làm vấn đề thêm trầm trọng. Năm 2009, ông đã mở rộng thuật ngữ này, cho rằng Trung Quốc có 3 lợi ích cốt lõi: duy trì hệ thống chính trị, bảo vệ tuyên bố chủ quyền và phục vụ phát triển kinh tế. Một số quan chức Trung Quốc có thể hiểu là Biển Đông và những tranh chấp chủ quyền khác là “lợi ích cốt lõi”.
Ôn hòa: Ông Zhu Feng, giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nói: “Chính sách của Trung Quốc là không coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi, nhưng khó khăn là việc phủ nhận điều đó trước công luận sẽ bị coi là một hành động hèn nhát của các lãnh đạo Trung Quốc. Vì vậy chính phủ không muốn kích động người dân”. BNG, Hội đồng Nhà nước và Chính phủ Trung Quốc không trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề này, mặc dù được hỏi nhiều lần.
Trung Quốc hiện vẫn đang tranh luận về việc có nên chính thức nâng cấp Biển Đông thành “lợi ích cốt lõi” bằng cách đặt vấn đề này ngang với những vấn đề chủ quyền khác như Tây Tạng, Đài Loan và Tân Cương mà có thể can thiệp quân sự hay không.
Trang web Nhân dân Nhật báo của ĐCS/TQ thăm dò dư luận về liệu đã cần thiết để coi Biển Đông là: “lợi ích cốt lõi” hay chưa? Đến tháng một năm 2011, 97% (tương đương với 4.300 người) trả lời là có.
Sau phát biểu của bà Clinton, Tạp chí tiếng Anh “Global Times” của Trung Quốc, đăng bài xã luận gay gắt gắn Biển Đông vào lợi ích cốt lõi của Trung Quốc - “Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền của mình để bảo vệ lợi ích cốt lõi bằng biện pháp quân sự”.
Các quan chức quân sự cao cấp phát biểu ở cả hai cực của vấn đề. Ông Han Xudong, đại tá quân đội và là giáo sư tại Đại học Quốc phòng viết trên Tạp chí Outlook rằng: “Sức mạnh tổng thể của Trung Quốc, đặc biệt là tiềm lực quân sự, chưa đủ để bảo vệ tất cả các lợi ích cốt lõi của đất nước. Vì thế, không nên cho người khác biết lợi ích cốt lõi của Trung Quốc là gì”.
Các quan điểm khác nhau trên cho thấy chia rẽ trong nội bộ Trung Quốc.
Vào mùa Thu năm 2010, lãnh đạo Trung Quốc đã ra lệnh cấm các cơ quan thông tấn không được viết về chủ đề này nữa. Ông Joseph Nye Jr, giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Harvard và là cựu quan chức Lầu năm góc, nói: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang thoái lui và giảm nhẹ vấn đề này vì những rắc rối trong quan hệ với Mỹ và các nước ASEAN”.
Theo New York Times
Văn Cường (gt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét