Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Trung Quốc, Nga âm thầm vũ trang cho Gaddafi?

Theo nhiều nguồn tin tình báo của Debka, Trung Quốc và nhiều quốc gia
Đông Âu như Nga, Ukraine, Belarus và Serbia cung cấp vũ khí cho phe
Tổng thống Moammar Gaddafi; cũng như cử nhiều quân nhân Đông Âu
tới đây.
 

Tình trạng trên khiến nhiều người liên tưởng tới cuộc đối đầu năm 1999 ở Nam
Tư (Serbia ngày nay), khi một bên được Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương
(NATO) ủng hộ và bên kia là sự hậu thuẫn của Nga, Trung Quốc về tình báo, 
cố vấn quân sự, vũ khí…


Các nguồn tin quân sự trên cho biết từ giữa tháng 3, hàng trăm “tình nguyện viên” gia nhập quân đội trung thành với ông Gaddafi. Họ tự gọi mình là “những người ái quốc” và tới Libya nhằm ngăn chặn phương Tây tấn công Gaddafi. Nhiều người trong số họ con hoạt động trong cả những tổ chức bán quân sự mà chẳng ai biến là họ chịu sự kiểm soát của Chính phủ nước nào.
Một nhóm bán vũ trang tuyên bố, họ tới Libya để hoàn tất những gì mà họ còn làm dang dở với phương Tây ở Bosnia và Kosovo, nhất là với đối thủ Mỹ.
Anh, Pháp, Mỹ, Qatar và Italy viện trợ vũ khí, cố vấn quân sự cho phe nổi dậy. Ảnh minh họa.
Tương tự, nhà báo Patrick Henningsen nhận định, chiến dịch quân sự của NATO vào Libya thực sự nhắm vào một bên thứ 3, đó là Trung Quốc.
Ông chia sẻ: “Nếu nhìn lại cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và phương Tây, chúng ta có thể thấy, đây không phải cuộc đấu giáp lá cà của quân đội hai bên mà là cuộc chiến diễn ra theo kiểu ủy nhiệm ở khu vực thứ 3. Và những gì đang diễn ra tại Bắc Phi cũng tương tự như vậy”.
Ông Henningsen nhấn mạnh, động cơ thực sự của NATO khi can dự tại Libya khác hoàn toàn so với nội dung nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an.
“Mục tiêu thực sự là thay đổi chế độ và quan trọng hơn là kiểm soát nguồn tài nguyên của khu vực, qua đó, đánh đổ được các lợi ích kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi”, nhà báo khẳng định.
Theo ông, riêng tại Libya, các hợp đồng kinh tế của Trung Quốc đạt giá trị lên tới 20 tỷ USD. Và tình hình bất ổn hiện nay tại Libya và khu vực Bắc Phi nói chung có thể khiến cho lợi nhuận thu về từ các khoản đầu tư tại Bắc Phi giảm tới 15% trong hai tháng đầu năm nay, theo ước tính của Bộ Thương mại Trung Quốc.
“Nói tóm lại, gây bất ổn tại Bắc Phi đồng nghĩa với việc đập tan ảnh hưởng cũng như lợi ích kinh tế của Trung Quốc tại khu vực này”, ông Henningsen kết luận.
Trung Quốc "thèm" dầu của Libya. Ảnh minh họa.
Do đó, theo những nguồn tin trên, Trung Quốc không trực tiếp viện trợ vũ khí cho Libya mà qua đường vòng là các láng giềng châu Phi. Đồng thời, Bắc Kinh còn cung cấp thông tin các cuộc không kích của liên minh nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra.
Một động cơ của Bắc Kinh khi giúp ông Gaddafi là do lo ngại Mỹ sẽ “độc chiếm” Libya, không cho Trung Quốc biến nước này thành nguồn cung năng lượng lớn nhất cho họ ở châu Phi.
Việc Trung Quốc lo ngại và “lăn xả” đi kiếm các nguồn cung dầu khác nhau là hoàn toàn có cơ sở bởi với nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng trung bình 9% mỗi năm, dầu mỏ là nguyên liệu không thể không có.
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Không chỉ vậy, IEA ước tính, tiêu thụ của Bắc Kinh sẽ tăng lên 13,1 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2030, tăng 3,5 triệu thùng so với năm 2006.
Dù Trung Quốc không ngừng đầu tư cho hoạt động tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế nhưng thực tế cho thấy, ngay cả khi 25 nhà máy hạt nhân của nước này đi vào hoạt động, nó cũng chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các công ty dầu mỏ của Trung Quốc cũng đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại nhiều quốc gia khác, từ Angola, Sudan đến Kazakhstan. Tuy nhiên, số liệu năm 2006 cho thấy, tổng sản lượng dầu sản xuất ở nước ngoài cũng chỉ được 1,675 triệu thùng mỗi ngày – ít hơn 19% so với mức nhập khẩu của Trung Quốc.
Nói cách khác, trong tương lai, Trung Quốc còn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu trên thế giới và Libya là điểm đến hứa hẹn.
Bắc Kinh đang muốn sử dụng các mỏ dầu của Libya để giải tỏa “cơn khát” dầu mỏ của mình, chuyên gia phân tích Praveen Swami nhận định.
Về phía Nga, họ cũng có nhiều lý do ủng hộ ông Gaddafi. Theo VTC, công ty dầu mỏ Tatneft của Nga công bố tổn thất kinh tế do diễn biến tình hình Libya bước đầu gây ra là 100 triệu USD. Có chuyên gia theo đó dự đoán, nếu công ty này buộc phải hoàn toàn rút khỏi Libya thì tổn thất ít nhất có thể lên đến 200 - 220 triệu USD.
Về vấn đề này, Giám đốc Tatneft Phinehas Ivanov từng tiết lộ: “Nếu Libya thay đổi Chính phủ thì hợp đồng giữa Công ty dầu mỏ Tatneft và Chính phủ hiện tại của Libya rất có thể bị hủy bỏ, khi đó công ty có khả năng tổn thất 240 đến 260 triệu USD”.
Một nhà tư vấn kinh tế của Nga cho biết: “Diễn biến bất ngờ của tình hình Libya khiến cho các doanh nghiệp Nga đầu tư tại Libya gặp phải nhiều tổn thất với nhiều mức độ khác nhau, có khác chỉ là về số tiền tổn thất”.
Được biết, trước khi có biến động ở Libya, công ty đường sắt Nga đang thi công đường sắt dài 550 km nối liền thành phố Hilt và thành phố Benghazi cho Chính phủ Libya. Năm 2008, công ty đường sắt Nga chính thức kí hợp đồng trị giá 2,2 tỉ euro với Libya.
Ngoài ra, tháng 2/2011, Công ty Khai thác dầu mỏ thuộc Công ty TNHH cổ phần công nghiệp khí đốt của Nga kí hợp đồng trị giá 160 triệu USD với công ty năng lượng Eni của Italy, chuẩn bị cùng khai thác giếng dầu tại Libya.
Trên thực tế, ngoài những hợp đồng năng lượng và xây dựng công trình nói trên, Nga còn có hợp đồng bán vũ khí quân sự với Libya. Người phụ trách Công ty xuất khẩu kĩ thuật Nga Chemezov tiết lộ, do Nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Libya, Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga không thể bán vũ khí cho Libya theo hợp đồng hai bên kí kết, dẫn đến rất có khả năng mất phi vụ làm ăn béo bở với tổng giá trị bốn tỷ USD này.

Nguồn: http://baodatviet.vn/Home/thegioi/Trung-Quoc-Nga-am-tham-vu-trang-cho-Gaddafi/20114/141960.datviet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét