Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

Đánh chìm tàu, nã bom căn cứ là có thể hất cẳng Mỹ khỏi châu Á-TBD? Trung Quốc cần "tỉnh mộng"

Bắc Kinh cần một chiến lược tốt hơn nếu muốn hất cẳng Mỹ khỏi châu Á-Thái Bình Dương.


Đánh chìm tàu, nã bom căn cứ là có thể hất cẳng Mỹ khỏi châu Á-TBD? Trung Quốc cần "tỉnh mộng"

Loại bỏ Mỹ không hề dễ dàng
Nhiều nhà quan sát tin rằng Trung quốc đang xây dựng quân đội, đặc biệt là hải quân, để xuyên phá vào các chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai, “hất cẳng” Mỹ ra khỏi châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, các động thái bành trướng quân đội của Trung Quốc trong khu vực được xem là mối đe dọa lớn đối với an ninh và các lợi ích của Mỹ.
Tuy nhiên, theo tờ Foreign Policy, có một vấn đề lớn về ngôn ngữ được sử dụng ở đây.
Các cụm từ như “đẩy Mỹ ra khỏi châu Á-Thái Bình Dương”, “bành trướng quân sự của Trung Quốc ở châu Á” hay “xuyên phá hai chuỗi đảo” đều tạo ra hình ảnh của một “quá trình vật chất” liên quan tới việc Trung Quốc gây ra áp lực quân sự cho binh lính và các căn cứ Mỹ tại châu Á-TBD, cho tới khi họ không còn có thể kháng cự và buộc phải rời đi.
Trên thực tế, cả mục tiêu và quá trình ở đây đều có sự khác biệt, và nếu các nhà chiến lược Mỹ không điều chỉnh lại cách họ nghĩ về điều đó, thì họ có thể sẽ đi tới những kết luận nguy hiểm.
Đây không phải là một kết quả “vật chất”, mà là một kết quả mang tính chính trị. Nó không chỉ đề cập tới các căn cứ Mỹ ở Nhật Bản hay Hàn Quốc. Mỹ không có các căn cứ quân sự thường trực ở Philippines nhưng do hiệp ước bảo vệ lẫn nhau giữa hai phía, lực lượng Mỹ sẽ phải bảo vệ Philippines trong trường hợp bị tấn công.
Mục đích của Trung Quốc không phải chỉ nhằm loại bỏ lực lượng và thiết bị Mỹ trong khu vực, mà thậm chí là ngăn các đợt triển khai xoay vòng, hoặc các cuộc diễn tập chung của Mỹ tại châu Á-TBD.
Họ muốn hạn chế hoặc loại bỏ tầm ảnh hưởng của Washington đối với các quốc gia trong khu vực, thông qua việc hủy bỏ hiệp ước quốc phòng giữa các phía và Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó cam kết Mỹ sẽ ủng hộ sự phòng vệ của hòn đảo này.
Điều này không có nghĩa Trung Quốc đang tìm cách tách bỏ hoàn toàn Mỹ với các quốc gia châu Á-TBD: họ vẫn thấy chấp nhận được nếu Mỹ tiếp tục các hoạt động thương mại, hoặc các công ty Mỹ đầu tư vào khu vực này.
Tuy nhiên, mục tiêu của Trung Quốc là kiềm chế sức ảnh hưởng của Washington tới mức mà nước này sẽ không tìm cách thử thuyết phục hoặc thậm chí không thể thuyết phục chính phủ các nước/vùng lãnh thổ trong khu vực tiến hành các biện pháp chống lại Trung Quốc, chẳng hạn như ngăn cấm công nghệ thế hệ 5 của Huawei.
Sẽ có lợi cho Bắc Kinh một chút nếu lực lượng Mỹ rời khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng hiệp ước giữa các phía vẫn có hiệu lực.
Chỉ cần Washington vẫn là đối tác chính của hai nước này, chính phủ Mỹ vẫn có đủ khả năng thuyết phục Tokyo và Seoul tiến hành các biện pháp chống Trung Quốc, ví dụ như hạn chế các công ty công nghệ của Trung Quốc mà họ coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, ngay cả khi sự cam đoan của lực lượng Mỹ - đóng vai trò như “dây bẫy” chống lại sự hung hăng của Bắc Kinh - không còn nữa.
Tại cả Bắc Kinh và Washington, vẫn có những ý kiến tin rằng, nếu Trung Quốc thiết lập được ưu thế quân sự vượt Mỹ trong khu vực, thì Bắc Kinh sẽ có khả năng hất cẳng Mỹ khỏi châu Á-TBD. Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa ưu thế quân sự thành sức ảnh hưởng về mặt chính trị khó nhằn hơn nhiều so với bề ngoài.
Hãy tưởng tượng đây là năm 2025, quân đội Trung Quốc đã trở nên mạnh hơn và xông xáo hơn, trong khi Mỹ không thể bắt kịp họ ở châu Á-TBD. Nhiều tổ chức tư vấn và chuyên gia cảnh báo rằng cán cân quân sự đã nghiêng về phía Trung Quốc và trong trường hợp nổ ra chiến tranh, có khả năng Trung Quốc sẽ thắng thế.
Nhưng liệu các đồng minh của Mỹ, từ Seoul tới Canberra, có quyết định bỏ rơi Mỹ và kết liên minh với thế lực bá quyền đang trỗi dậy, đáp ứng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Hoa Đông như Senkaku/Điếu Ngư? Hay liệu họ sẽ sát cánh bên Mỹ, tăng cường năng lực quân đội và củng cố các liên minh quân sự khác?
Các đồng minh của Mỹ và cả những quốc gia trung lập ở châu Á-TBD đều lo ngại sức mạnh ngày càng gia tăng và những yêu sách địa-chính trị của Trung Quốc. Điều này đang xảy ra ngay cả khi cán cân sức mạnh vẫn nghiêng về phía Washington.
Nếu Trung Quốc trở nên mạnh hơn thì họ sẽ trở thành mối đe dọa lớn hơn. Những quốc gia nhỏ bé, nếu phải chiến đấu một mình, sẽ có thể phải chấp nhận bất cứ yêu sách nào của Bắc Kinh, và họ sẽ không có cơ hội chiến thắng nếu nổ ra một cuộc xung đột quân sự song phương.
Dù có yếu hơn đi nữa thì Mỹ vẫn sẽ là hy vọng duy nhất của những nước này trong một môi trường địa-chính trị bất lợi như vậy. Một Trung Quốc hung hăng hơn cũng sẽ thúc đẩy chính phủ Mỹ và cộng đồng quốc tế chống lại họ. Các hành động bành trướng quân sự không thể giúp Bắc Kinh đạt được những mục tiêu của mình.
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc có thể buộc Mỹ phải rời khỏi khu vực châu Á-TBD theo 2 kịch bản: Một là Trung Quốc lấn lướt sự hiện diện của Mỹ trong khu vực tới mức sức mạnh của Bắc Kinh không thể bị chiếm lĩnh, và thứ hai là Bắc Kinh giành được một chiến thắng quân sự mang tính quyết định.
Trong kịch bản đầu tiên, Mỹ phải suy yếu tới mức các nhà hoạch định quân sự trong khu vực không còn tin rằng họ có thể khiến Trung Quốc phải trả giá.
Kết hợp với các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc giao tranh quân sự, Trung Quốc sẽ buộc các quốc gia châu Á-TBD phải cắt đứt liên hệ với Mỹ. Song, khả năng chính phủ Mỹ để cho một lỗ hổng khổng lồ như vậy xuất hiện là rất thấp.
Ở kịch bản còn lại, Trung Quốc cần có một chiến thắng quân sự rõ ràng trước Mỹ, và chiến thuật đơn thuần không đủ để Bắc Kinh đạt được điều đó.
Nếu Trung Quốc đánh bại liên minh Mỹ-Nhật bằng cách đánh chìm một số con tàu hoặc đánh bom một số căn cứ, dẫn tới thỏa thuận ngoại giao cho phép Bắc Kinh kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư thì liệu chính phủ Nhật Bản sau đó có từ bỏ hiệp ước quốc phòng với Mỹ và phó mặc cho Bắc Kinh hay không? Điều này không có ý nghĩa chiến lược nào cả.
Trái lại, Nhật Bản sẽ có xu hướng tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ và có thể phát triển năng lực hạt nhân để răn đe hơn nữa các mối đe dọa từ trung Quốc.
Chỉ có một thất bại tàn khốc của Mỹ trong cuộc xung đột toàn diện, đe dọa bùng nổ chiến tranh hạt nhân, mới có thể giúp Bắc Kinh đạt được thứ mà họ khao khát. Tuy nhiên, đi đến chiến tranh hạt nhân là điều mà Trung Quốc, cũng như bất cứ quốc gia nào khác, đều không mấy mong muốn.

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

Campuchia trong “ván cờ siêu cường” của Trung Quốc

Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) nhắc lại một thực tế: Năm 1988, ông Hun Sen đã gọi Trung Quốc là “nguồn gốc của mọi tội lỗi” ở Campuchia. 12 năm sau, Trung Quốc lại trở thành “người bạn đáng tin cậy nhất của Campuchia”, theo lời ông Hun Sen. Điều gì có thể lí giải cho sự thay đổi thái độ này?
Ông Hunsen và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Ông Hunsen và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Vào tháng 6/2016, Trung Quốc buộc ASEAN phải rút lại tuyên bố mạnh mẽ về tranh chấp Biển Đông, gây khó chịu cho nhiều nước đối tác trong khu vực. Điều này cũng từng xảy ra vào năm 2012. Một vài ngày sau đó, Trung Quốc đã cam kết khoản tiền 600 triệu USD cả viện trợ lẫn cho vay với Campuchia. Thủ tưởng Hun Sen tuyên bố cáo buộc chính phủ của ông bị mua chuộc là hoàn toàn không công bằng với Campuchia: “Tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai xúc phạm đến dân tộc Khmer chúng tôi. Tôi không ủng hộ cho bất kỳ nước nào cả”.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc chắc chắn cho rằng Campuchia tôn kính Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc ở Campuchia, bà Bố Kiến Quốc, đã ca ngợi “lập trường trung lập và công bằng của Campuchia về vấn đề Biển Đông”. Bà bổ sung rằng: “Không chỉ chính phủ mà còn hàng triệu nhân dân Trung Quốc đánh giá cao lập trường của Thủ tướng Hun Sen”.
Với cách tiếp cận nhanh chóng của ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, suy nghĩ phổ biến là Campuchia sẽ lại một lần nữa giành được sự ca ngợi của Trung Quốc nhờ vào việc ngăn chặn bất cứ phong trào đoàn kết nào về vấn đề Biển Đông. Trong những tháng gần đây, chính phủ Campuchia đã giành cho Trung Quốc nhiều lời tán đương. Vào ngày 3/8, Phó Thủ tướng Hor Namhong đã tuyên bố rằng sự phát triển của Campuchia “không thể tách rời khỏi viện trợ của Trung Quốc”. Người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Phay Siphan nhiệt tình nói : “Nếu không có viện trợ của Trung Quốc, chúng tôi sẽ chẳng đi đến đâu”. Những lời nhận xét này là minh chứng rõ ràng cho thấy quan hệ Trung Quốc và Campuchia đã gần gũi đến mức nào.
Nhưng Diplomat chỉ ra rằng không phải lúc nào cũng như vậy. Tạp chí Nhật Bản nhắc lại một thực tế như sau: Năm 1988, ông Hun Sen đã gọi Trung Quốc là “nguồn gốc của mọi tội lỗi” ở Campuchia. 12 năm sau, Trung Quốc lại trở thành “người bạn đáng tin cậy nhất của Campuchia”, theo lời ông Hun Sen. Điều gì có thể lí giải cho sự thay đổi thái độ này? Trung Quốc đã làm cách nào để biến mình từ “con rắn vườn Eden” của Campuchia trở thành người hướng dẫn đáng tin cậy của nước này?
Để lí giải điều này cần nhìn lại lịch sử. Năm 1958, 5 năm sau khi Campuchia giành được độc lập, Hoàng thân Norodom Shihanouk đã chính thức thiết lập quan hệ với đảng cộng sản Trung Quốc (ông Shihanouk lên ngôi năm 1941 và cai trị đến tận năm 1970). Viện trợ bắt đầu chảy vào Campuchia và được Shihanouk sử dụng để đảm bảo tính trung lập của đất nước này giữa Mỹ và Liên Xô, cùng với đối tác của Liên Xô là Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi từ bỏ viện trợ của Mỹ vào năm 1963, ông Shihaouk đã tiến gần hơn tới Trung Quốc và khối chủ nghĩa xã hội hơn là “trung lập”. Campuchia cung cấp một cơ sở vững chắc cho Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Tất nhiên địa chính trị là điều kiện của mối quan hệ này, nhưng một yếu tố nữa chính là những mối quan hệ cá nhân. Một bài viết sâu sắc của cựu thư ký riêng của ông Shihanouk, Julio A.Jeldres, xuất bản năm 2012, đã kể về mối quan hệ giữa các lãnh đạo Campuchia và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, bắt đầu từ sau cuộc gặp đầu tiên năm 1955. Diplomat nhấn mạnh rằng những lời ngon ngọt luôn là trật tự của thời đại và “ông Shihanouk thật sự bị ấn tượng bởi sự giúp đỡ của ông Chu Ân Lai, điều khiến ông Shihanouk cảm thấy một nước Campuchia nhỏ bé cũng sánh vai với Trung Quốc vĩ đại và ông Shihanouk và ông Chu Ân Lai cũng ngang hàng với nhau”, Jeldres viết. Không thể coi thường tầm quan trọng của cộng đồng người Hoa ở Campuchia. “Quan hệ giữa cộng đồng người bản ngữ và cộng đồng người Hoa ở Campuchia tốt đẹp hơn ở bất kỳ nước Đông Nam Á nào”, William E.Willmott viết như vậy vào năm 1967, trong cuốn “Người Hoa ở Campuchia.”
Tuy nhiên sự nổi dậy của chính quyền Khmer Đỏ lại gây ra vấn đề. Vì sự ủng hộ của Trung Quốc với chế độ này, ông Shihanouk đã bắt đầu cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, Nhưng hai nước đã phục hồi quan hệ sau một cuộc đảo chính chống lại Shihanouk vào năm 1970, ông ta trở thành gương mặt đại diện của chính quyền Khmer Đỏ ở Trung Quốc. Khi chế độ Pol Pot sụp đổ năm 1979, 4 năm sau khi tiếm quyền, sau khi được Việt Nam giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, Campuchia không thể tránh khỏi vòng xoáy chiến tranh lạnh.
Mỹ và Trung Quốc đã phản đối chính phủ do Việt Nam ủng hộ và ông Hun Sen lãnh đạo kể từ năm 1985. Thay vào đó, họ ủng hộ Liên minh chính phủ Campuchia Dân chủ, một “chính phủ lưu vong” bao gồm những thành phần không có vẻ gì là cùng một phe: Khmer Đỏ, Đảng bảo hoàng Funcinpec, Mặt trận giải phóng quốc gia nhân dân Khmer. Trung Quốc muốn một chính phủ được điều hành bởi Shihanouk, người bạn cũ của nước này. ASEAN năm 1985 (bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) vẫn ở trong tình trạng đoàn kết với Mỹ. Liên Xô ủng hộ Việt Nam, do đó ủng hộ cho chính quyền Hun Sen.
Hai cha con ông HunsenHai cha con ông Hunsen
Vợ chông ông HunsenVợ chồng ông Hunsen
Nhưng ngay sau đó bắt đầu có những rạn nứt. Thủ tướng Thái Lan Chatichai Choonhavan năm 1988 đã từ bỏ hướng đi cũ của ASEAN để ủng hộ cho chính quyền Hun Sen. Điều này được ủng hộ bởi sự bình thường hóa quan hệ Liên Xô- Trung Quốc. Sau đó, ngày 26/9/1989, quân đội Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế rút khỏi Campuchia và hai năm sau, bốn phe Campuchia (chính quyền Hun Sen cộng với ba thành phần của Liên minh chính phủ Campuchia Dân chủ) đã gặp nhau tại Paris để kết thúc cuộc nội chiến Campuchia.
Một lực lượng chuyển tiếp do Liên hợp quốc lãnh đạo đã giám sát sự chuyển đổi của Campuchia từ một nước xã hội chủ nghĩa trên danh nghĩa sang một nước dân chủ trên danh nghĩa và hoạt động bắt đầu tổ chức bầu cử. Tuy nhiên, ông Hun Sen đã gây ra một sự om sòm vào cuộc bầu cử năm 1993, Đảng Funcinpec và lãnh đạo, hoàng tử Norodom Ranariddh đã giành chiến thắng, còn Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Hun Sen đứng thứ hai. Một sự dàn xếp đã diễn ra để ông Hun Sen và Ranariddh đều là Thủ tướng và đảng CPP và Funcipec cùng chia sẻ quyền lực trong chính phủ. Điều này là sự lựa chọn tốt nhất lúc bấy giờ và như nhà ngoại giao Mỹ Timothy Carney từng nói thì “mọi người về cơ bản đều mệt mỏi sau tất cả mọi việc và muốn dàn xếp sao cho người dân Campuchia có thể sống yên ổn”.
Những năm đầu của mối quan hệ Trung Quốc- Campuchia diễn ra năm 1996 và 1997, Vào 18/7/1996, ông Hun Sen được mời đến thăm Trung Quốc theo nghi lễ viếng thăm cấp nhà nước. Trung Quốc thậm chí phái một chiếc máy bay đến tiếp đón riêng để gây ấn tượng với Thủ tướng Campuchia. Trước khi cất cánh, ông thông báo rằng chuyến thăm này sẽ chấm dứt “mối nghi kỵ của quá khứ”. Trong suốt 5 ngày tiếp theo, ông Hun Sen đã gặp Chủ tịch Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng và ký một thỏa thuận mới về thương mại và đầu tư và thành lập một hiệp ước tạo điều kiện cho các thành viên của CPP và đảng cộng sản Trung Quốc gặp mặt.
Nhưng ý nghĩa nhất là Trung Quốc không mời các lãnh đạo Đảng Fucinpec tham dự đoàn đại biểu Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Điều này không phải là ngẫu nhiên. Trung Quốc đã lập luận rằng Hun Sen là người giúp Trung Quốc có thể hợp tác với Campuchia (cũng trong năm 1996, Hun Sen đã giám sát việc đào tẩu của chế độ Khmer Đỏ Ieng Sary báo hiệu sự kết thúc của chế độ này, và Campuchia đã chính thức cắt đứt quan hệ với Đài Loan, kẻ thù lâu đời của Trung Quốc).
Phấn chấn bởi chuyến thăm Trung Quốc và có lẽ cũng tự tin dưới ô bảo hộ của nước này, trong tháng 7/1997 ông Hun Sen đã phát động một cuộc chiến quyền lực chống lại Đảng Funcinpec, lật đổ các chính trị gia của đảng này khỏi chính quyền đang cùng chia sẻ quyền lực lúc đó. Các nhà tài trợ phương Tây đã cắt mọi loại viện trợ trừ viện trợ nhân đạo và trừng phạt sự tiếp quản của CPP. ASEAN đã đình chỉ tư cách thành viên của Campuchia trong khối. Tuy nhiên Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt lấy cơ hội này, hỗ trợ tài chính cho Campuchia. Những sự kiện năm 1997 đã khiến ông Hun Sen tự tin rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ chính phủ của mình khi các nước phương Tây rút chân, cho dù hết sức dè dặt và Trung Quốc cũng sẽ tăng cường viện trợ để làm như vậy.
Quan hệ Campuchia-Trung Quốc ngày càng nồng ấmQuan hệ Campuchia-Trung Quốc ngày càng nồng ấm
Trong quan hệ với Mỹ, chính quyền Hun Sen nghĩ rằng họ đang sống có trước có sau. Chính quyền Mỹ cũng có những vấn đề trong lập trường với Campuchia: chính quyền Obama (giống như chính quyền trước đây) đã dao động giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lý tưởng. Khi tổng thống Obama thăm Phnom Penh tháng 11/2012, các chính trị gia Mỹ đã thúc giục ông công khai giải quyết các vụ xâm hại nhân quyền khi gặp ông Hun Sen.
Hiện nay, sau sự việc bắt giữ các nhà lập pháp đối lập và các công nhân xã hội dân sự và cái chết của nhà bình luận chính trị Kem Ley, Mỹ vẫn chống lại việc giữ một vị thế quan trọng trong chính quyền Hun Sen. Có ý kiến cho rằng Mỹ ưa thích một nước Campuchia ổn định hơn là một Campuchia dân chủ nhưng hỗn loạn, điều tương tự cũng được bày tỏ trong đầu những năm 1990. Ý kiến khác lại cho rằng Mỹ đã chống lại việc áp đặt lệnh trừng phạt lên Campuchia vì sợ rằng nó buộc Phnom Penh lại gần hơn với Trung Quốc. Ông Hun Sen biết rõ điều này và điều khiển nó theo lợi ích riêng của mình, Diplomat đánh giá.

Washington cảnh báo Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia, Bắc Kinh và Phnom Penh phủ nhận

Theo truyền thông Mỹ, Trung Quốc đã giành được quyền sử dụng 20% bờ biển của Campuchia trong 99 năm thông qua Dự án Dara Sakor. Phía Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ quân sự ở đây và biến Campuchia thành một tiền đồn quân sự thực tế. Tuy nhiên, chính phủ Campuchia đã phủ nhận việc họ cho phép quân đội Trung Quốc xây dựng căn cứ ở Campuchia.
Sân bay quốc tế Dara Sakor có đường băng dài 3.200 mét đang được Trung Quốc xây dựng. (Ảnh: The New York Times)
Sân bay quốc tế Dara Sakor có đường băng dài 3.200 mét đang được Trung Quốc xây dựng. (Ảnh: The New York Times)
Trung Quốc muốn xây dựng sân bay và cảng quân sự?
Theo New York Times ngày 26/12, một công ty Trung Quốc có quan hệ chính trị đang xây dựng một sân bay và cảng ở vùng biển Dara Sakor của Campuchia. Thông qua giao dịch đất đai của dự án Dara Sakor, Trung Quốc sẽ có quyền sử dụng 20% bờ biển của Campuchia trong 99 năm.
Sau khi hoàn thành vào năm 2020, sân bay quốc tế Dara Sakor sẽ có đường băng dài nhất ở Campuchia. Ở gần sân bay, các công nhân đang chặt hạ cây cối trong công viên quốc gia để xây dựng một cảng đủ sâu để các hạm tàu hải quân neo đậu.
Theo lời giải thích của nhà đầu tư, mục đích xây dựng sân bay chủ yếu là từ việc xem xét đến năng lực không đủ của các sân bay ở Phnom Penh và Siem Reap để tăng cường năng lực bay trực tiếp quốc tế của Campuchia.
Tuy nhiên, trong một bài viết dài có tựa đề “Sân bay trong rừng: Mối lo ngại từ dự án của Trung Quốc ở Campuchia”, tờ New York Times đã cáo buộc các công ty Trung Quốc phát triển Dự án Dara Sakor ở Campuchia không chỉ phá hoại môi trường mà còn vì mục đích quân sự.
Washington cảnh báo Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia, Bắc Kinh và Phnom Penh phủ nhận - ảnh 1
Một công trình đang được Tập đoàn Ưu LIên xây dựng thuộc Dự án Dara Sakor.
Bài báo viết, vụ giao dịch đất đai này ngay từ đầu đã có vấn đề. Trong tình huống không qua trình tự, thủ tục đấu thầu công khai, Tập đoàn công ty Ưu Liên (Youlian) ở Thiên Tân, Trung Quốc đã có được hợp đồng thuê 99 năm với diện tích đất được thuê lớn gấp ba lần mức được Luật đất đai Campuchia cho phép. Công ty này còn được miễn tiền thuê đất trong 10 năm đầu tiên.
New York Times viết, hôm 9/12, Tướng Kun Kim, cựu Tổng tham mưu trưởng Quân đội Campuchia và gia đình, đã trở thành mục tiêu bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vì trục lợi từ mối quan hệ của họ với “thực thể sở hữu nhà nước của Trung Quốc”. Họ bị buộc tội “sử dụng lực lượng vũ trang đe dọa và phá hoại để đạt được mục đích giải phóng mặt bằng”. Mặc dù Mỹ không tiết lộ tên của thực thể Trung Quốc, nhưng nhiều người cho rằng đó là Tập đoàn Ưu Liên.
Người chủ trì lễ ký kết Hiệp nghị Khu vực phát triển Dara Sakor năm 2008 là một cựu lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc – Phó thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli). Các tài liệu tuyên truyền của Tập đoàn Ưu Liên gọi kế hoạch phát triển này là “dự án đầu tư thành phố ven biển lớn nhất Đông Nam Á và thế giới”. Các dự án mới của Ưu Liên tại Dara Sakor bao gồm một đường băng dài 3.200 mét và cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 tấn.
Washington cảnh báo Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia, Bắc Kinh và Phnom Penh phủ nhận - ảnh 2
Cảng quân sự Ream đang được Trung Quốc giúp cải tạo và nâng cấp.
Vào tháng 7 năm nay, một ngư dân địa phương là Thim Lim nói rằng một quan chức của Bộ Quản lý đất đai Campuchia nói với ông ta rằng nhà của ông sẽ bị dỡ bỏ vào năm 2020 để nhường chỗ cho “Trung Quốc xây dựng cảng quân sự”. Những người dân khác cùng tham dự cuộc họp đã xác nhận lời của Thim Lim. Nhưng các quan chức quản lý đất đai Campuchia đã từ chối bình luận về điều này.
“Sẽ thay đổi quy tắc trò chơi”
Bài báo của New York Times nói, các hoạt động của Trung Quốc tại Dara Sakor đang gây lo ngại rằng Bắc Kinh có ý định biến Campuchia thành một tiền đồn quân sự thực tế.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Trung tá Dave Eastburn nói: “Chúng tôi lo ngại về quy mô xây dựng của đường băng sân bay và các cơ sở cảng được xây dựng ở Dara Sakor. Quy mô này vượt xa nhu cầu cơ sở hạ tầng hoạt động thương mại hiện nay và trong tương lai, có thể sẽ được dùng cho mục đích quân sự”.
Washington cảnh báo Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia, Bắc Kinh và Phnom Penh phủ nhận - ảnh 3
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Dave Eastburn: “Chúng tôi lo ngại về quy mô xây dựng của đường băng sân bay và các cơ sở cảng được xây dựng ở Dara Sakor. Quy mô này vượt xa nhu cầu cơ sở hạ tầng hoạt động thương mại hiện nay và trong tương lai, có thể sẽ được dùng cho mục đích quân sự".
Ông Eastburn cũng nói: “Bất kỳ bước đi nào của chính phủ Campuchia nhằm mời quân đội nước ngoài đến đồn trú đều sẽ phá hoại hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á”.
Ngoài ra, tướng Joel B. Vowell, phó Giám đốc hoạch định chiến lược và chính sách của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ hồi tháng 8 cũng nói rằng Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ quân sự gần căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Căn cứ Ream là một cảng nước sâu đối diện với Vịnh Thái Lan và từ đây có thể trực tiếp tiến vào Biển Đông.
Ông Donald Emmerson, Giám đốc nghiên cứu Đông Nam Á Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Stanford nói rằng, nếu Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream, sẽ “cực kỳ nguy hiểm”.
Ông Sophal Ear, một nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Occidental ở Los Angeles, nói: “Điều này sẽ cho phép Trung Quốc triển khai lực lượng không quân trong khu vực và nó sẽ thay đổi toàn bộ quy tắc trò chơi”.
Các quan chức quân đội Mỹ nói rằng Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với Campuchia để giành độc quyền mở rộng căn cứ hải quân hiện có ở Campuchia trên bờ biển phía nam Dara Sakor, nhưng Bắc Kinh đã phủ nhận việc có căn cứ quân sự nước ngoài ở Campuchia.
Hãng Reuters ngày 1/7 đưa tin, Hoa Kỳ đã đề nghị giúp Campuchia sửa chữa nâng cấp một căn cứ hải quân, nhưng bị phía Campuchia bất ngờ từ chối. Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu Campuchia giải thích điều này, nói rằng quyết định này làm gia tăng suy đoán rằng Trung Quốc có thể lên kế hoạch đóng quân ở đó.
Washington cảnh báo Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia, Bắc Kinh và Phnom Penh phủ nhận - ảnh 4
Lễ đón tàu chiến của Hải quân Trung Quốc thăm cảng Ream hồi tháng 1/2019.
Trung Quốc và Campuchia cùng phủ nhận
Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã bác bỏ việc cho phép quân đội Trung Quốc xây dựng căn cứ ở Campuchia. Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen nói rằng, sân bay và cầu cảng Dara Sakor sẽ biến khu rừng nhiệt đới xa xôi này thành một trung tâm logistics toàn cầu.
Người phát ngôn của chính phủ Campuchia Pay Siphan nói: “Campuchia sẽ không có quân đội Trung Quốc, hoàn toàn không có! Những người nói có quân đội nước ngoài đồn trú là bịa đặt”, “Có lẽ người da trắng muốn cản trở Campuchia bằng cách không cho chúng tôi phát triển kinh tế”. Bộ Quốc phòng Campuchia cũng phủ nhận những tin liên quan và nhấn mạnh rằng Hiến pháp Campuchia cấm Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân ở đó.  
Đây không phải là lần đầu tiên truyền thông Mỹ cảnh báo về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia. The Wall Street Journal ngày 21/7 từng đưa tin rằng Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Campuchia cho phép Trung Quốc có được độc quyền sử dụng một phần của căn cứ hải quân Ream gần cảng Sihanoukville của Campuchia.
Washington cảnh báo Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia, Bắc Kinh và Phnom Penh phủ nhận - ảnh 5
Chính phủ và quân đội Campuchia đều bác bỏ thông tin nói Campuchia cho phép Trung Quốc đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này.
Trong một cuộc họp báo do Văn phòng Thông tin Quốc Vụ viện Trung Quốc tổ chức hôm 24/7 tại Bắc Kinh, Ngô Khiêm (Wu Qian), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bác bỏ tin nói rằng Trung Quốc sẽ thiết lập một căn cứ quân sự ở Campuchia. Ngô Khiêm nói: “Cái gọi là việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia là không đúng sự thật. Quân đội Trung Quốc và Campuchia luôn tiến hành trao đổi và hợp tác tốt trong các mặt huấn luyện quân sự, đào tạo nhân viên và trang thiết bị hậu cần; sự hợp tác này không nhằm vào bên thứ ba”.
 Ông Trương Dục Tài (Zhang Yucai), Giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc, cũng phản bác và nói, Trung Quốc là một quốc gia kiểu phòng ngự chiến lược và thực hiện chiến lược phòng thủ trong phạm vi khu vực; các biện pháp được tiến hành chủ yếu để triển khai chiến lược phòng thủ. Ông nói: “Trung Quốc không có chiến lược nào đe dọa các quốc gia khác, cũng không triển khai chiến lược quân sự tấn công và chưa từng có lịch sử đe dọa các quốc gia khác” (!).
Ông ta còn nhấn mạnh: “Trung Quốc phải đối mặt với mối đe dọa quân sự mới là hiện thực và điều cấp bách là nếu không có khả năng đối phó nhất định, e rằng một cuộc chiến tranh cục bộ quy mô lớn chống lại Trung Quốc và một số nước ở Đông Á sẽ sớm xảy ra”.