Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Covid-19: Các "chiến lang" đối ngoại của Trung Quốc trở nên hung hăng là do đâu?

Ít nhất 7 Đại sứ Trung Quốc tại nước ngoài đã bị chính quyền nước sở tại triệu tập vào tuần trước để giải trình các lùm xùm trong nhiều vấn đề.


Covid-19: Các "chiến lang" đối ngoại của Trung Quốc trở nên hung hăng là do đâu?

Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn đang phải chiến đấu với Covid-19, các nhà ngoại giao Trung Quốc đang ứng phó với chỉ trích dành cho nước này về những phản ứng trong thời điểm đầu dịch bệnh, và những quan ngại về nguồn gốc virus corona chủng mới (SARS-Cov-2).
Trong những tuần gần đây, một số ngài Đại sứ đã tham gia vào cuộc "khẩu chiến" với các nước sở tại.
Các Đại sứ bị triệu tập
Chỉ riêng tuần trước, ít nhất bảy Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, Kazakhstan, Nigeria, Kenya, Uganda, Ghana và Liên minh châu Phi (AU), đã bị chính quyền sở tại triệu tập để giải trình những cáo buộc từ việc truyền bá tin đồn và những thông tin sai lệch, cho đến việc phân biệt đối xử với người châu Phi ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc.
Bất đồng đang dần gia tăng khi một số nước như Đức, Pháp, Anh, Úc và Canada, Mỹ đòi hỏi Trung Quốc minh bạch hơn về cáo buộc "che đậy thông tin" và những phản ứng thiếu chính xác trong giai đoạn ban đầu của dịch Covid-19.
Tuần trước, Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin đã công khai tỏ thái độ bất bình khi tờ báo Bild của Đức đòi bồi thường hơn 160 tỷ USD với lý do Trung Quốc đã không thể giữ được virus trong phạm vi nước mình.
Các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Úc và Canada chỉ trích chính trị gia và phương tiện truyền thông địa phương thiên vị Mỹ, bởi các nước này đưa ra những yêu cầu tương tự Washington.
Trước đó, các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc ở Thụy Điển, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Singapore và Peru gây sự chú ý khi công kích truyền thông, các quan chức hay các học giả mà họ cho rằng đang đứng về phe chỉ trích cách xử lý của Bắc Kinh trong khủng hoảng y tế lần này.
Covid-19: Các chiến lang đối ngoại của Trung Quốc trở nên hung hăng là do đâu? - Ảnh 1.
Một khu vực điều trị Covid-19 tại Vũ Hán - Trung Quốc (ảnh: Tân Hoa Xã)
Sự thay đổi trong ngoại giao thời gian gần đây là do đâu?
Sự thay đổi trong vấn đề ngoại giao của Trung Quốc trong những tháng gần đây đã làm xuất hiện thêm nhiều những "chiến lang" (Wolf Warrior) là Đại sứ và các nhà ngoại giao cấp cao. Ban lãnh đạo nước này cũng cảnh báo rằng mối quan hệ xấu đi nhanh chóng với Mỹ khiến Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức và bất lợi chưa từng có.
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp ông Lu Shaye không còn xa lạ gì với những tranh cãi. Trong suốt thời gian trước đó với hai năm làm Đại sứ tại Canada, ông nổi tiếng với những chỉ trích dành cho Ottawa, đặc biệt liên quan đến vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu - giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn công nghệ Huawei.
Tuần trước, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã triệu tập ông Lu để bày tỏ sự không tán thành sâu sắc đối với một bài báo nặc danh được đăng tải trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc, buộc tội các công nhân của viện dưỡng lão Pháp bỏ việc và "để người dân chết vì đói và bệnh tật".
Yun Sun, thành viên cao cấp tại Trung tâm Stimson - Viện chính sách có trụ sở tại Washington, cho biết rằng sự tăng lên của những phản ứng đầy giận giữ từ các đại sứ hoặc các nhà ngoại giao cấp trung - như phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên, là bằng chứng cho thấy chính sách của Trung Quốc đã có sự điều chỉnh từ cấp cao, có khả năng từ chính Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Triệu Lập Kiên nổi tiếng với phát ngôn gây tranh cãi trên Twitter khi tháng trước, ông ám chỉ thuyết âm mưu rằng chính Mỹ đã tuồn virus corona vào Trung Quốc. Vụ tranh cãi làm gia tăng nghi ngờ và phức tạp thêm quan hệ Mỹ-Trung.
"Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, cách tiếp cận xuyên suốt từ trên xuống dưới là tuyệt đối. Điều này đồng nghĩa quyết định của lãnh đạo phải được thực thi. Các quan chức ngoại giao không đưa ra quyết định mà chỉ thừa hành quyết định," bà Yun nhận định.
Covid-19: Các chiến lang đối ngoại của Trung Quốc trở nên hung hăng là do đâu? - Ảnh 2.
Chủ tịch Trung Quốc - ông Tập Cận Bình (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Đường lối đối ngoại thay đổi này có ảnh hưởng đến hình ảnh đến Trung Quốc?
Steve Tsang, giám đốc viện SOAS Trung Quốc tại London, Anh, đồng ý rằng cách tiếp cận của Trung Quốc trong mối quan hệ quốc tế đã thay đổi dưới thời ông Tập Cận Bình.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy cách đối đầu trực diện của những nhà ngoại giao Trung Quốc phần nào đã tác động tiêu cực đến hình ảnh của nước này trên thế giới.
Theo khảo sát được công bố bởi Trung tâm nghiên cứu Pew tại Washington, gần 2/3 số người Mỹ tham gia nghiên cứu bày tỏ thái độ không tốt đối với Trung Quốc do hiềm khích song phương trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Một nghiên cứu của Trung tâm này công bố hồi tháng 12/2019 chỉ ra, những người tham gia khảo sát từ 24/34 quốc gia tại 6 lục địa cho thấy thái độ tiêu cực với Trung Quốc.
Pang Zhongying, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nói rằng bất chấp những cố gắng của Bắc Kinh trong việc hồi sinh quân đoàn ngoại giao của mình với những đầu tư cho các chính khách trẻ, chuyên nghiệp, họ vẫn thiếu những kĩ năng phù hợp.
Ông George Yeo - người đứng đầu mảng địa chính trị tại công ty tư vấn chiến lược Brunswick đồng thời cũng là cựu Ngoại trưởng Singapore - cho biết, thái độ tiêu cực với Trung Quốc ở các nước phương Tây đã chuyển biến xấu đi trong những năm gần đây.
Theo ông Yeo, Bắc Kinh "phải kiềm chế lối đi khắt khe của mình trong việc bảo vệ vị trí của Trung Quốc hoặc hạ thấp những nước kém phát triển hơn".
Trong một bài báo được đăng tải trên trang web chính thức của Brunswick vào tuần trước, ông Yeo nói rằng "thậm chí các quốc gia ngưỡng mộ thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn đại dịch cũng có thái độ không tốt đối với các hành động độc đoán của nước này."

"Mỹ đang giấu gì vậy?": Tỏ ý nghi ngờ cách đối phó dịch bệnh của Mỹ, TQ đòi câu trả lời thỏa đáng

Mới đây, Bắc Kinh đã kêu gọi Washington trả lời những câu hỏi của người dân nước này về phản ứng và cách ứng phó của Mỹ trong đại dịch COVID-19.


"Mỹ đang giấu gì vậy?": Tỏ ý nghi ngờ cách đối phó dịch bệnh của Mỹ, TQ đòi câu trả lời thỏa đáng

Theo RT, khi được đề nghị bình luận về một loạt các thông tin từ truyền thông Mỹ về cách ứng phó chậm chạp của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng y tế ở nước này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã trả lời bằng cách đặt câu hỏi ngược lại rằng "liệu có phải Mỹ đang giấu thông tin về virus hay không".
"Gần đây, có nhiều người ở Mỹ đặt ra câu hỏi như vậy và họ lo ngại không biết chính quyền Mỹ đã phản ứng với đại dịch một cách kịp thời và hiệu quả hay không," ông Cảnh nói. "Tôi hi vọng Mỹ sẽ sớm trả lời được những câu hỏi đó".
Lời bình luận được phát ngôn viên Trung Quốc đưa ra giữa bối cảnh nhiều nhà lập pháp và quan chức Mỹ liên tục chỉ trích Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nhắm tới Bắc Kinh trong vài tuần gần đây, nói rằng Trung Quốc đã "che giấu" đại dịch COVID-19 với "sự giúp đỡ" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông Trump cũng không phủ nhận những lời đồn đoán cho rằng có thể virus đã thoát khỏi phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Mới đây, tài khoản Twitter của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đăng bài viết: "Ngày càng nghi ngờ cách chính phủ Mỹ đối phó với dịch #COVID19, ví dụ như Ca nhiễm đầu tiên ở Mỹ là khi nào? Có phải Mỹ đang giấu điều gì đó không? Tại sao Mỹ lại muốn đổ lỗi cho người khác? Người Mỹ và cộng đồng quốc tế cần câu trả lời từ chính quyền Mỹ"

Growing doubts over the US government’s handling of the , e.g. When did the first infection occur in the US? Is the US government hiding something? Why they opt to blame others? American people and the international community need an answer from the US government.

796 người đang nói chuyện về điều này
Ngoài ra, ông Cảnh Sảng cũng cho rằng bất kì lời cáo buộc nào yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm cũng sẽ thất bại, khẳng định Mỹ và Trung Quốc đều là nạn nhân của virus corona và đại dịch là "kẻ thù chung của nhân loại".
"Tại sao một số tổ chức chính trị tại Mỹ luôn làm mọi việc để chỉ trích và làm mất uy tín của Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch? Một số chính trị gia đã chi phối thông tin về nguồn gốc của virus để tấn công chính trị và làm mất uy tín của những quốc gia khác, nỗ lực của họ sẽ thất bại," ông Cảnh Sảng nói.
Trong khi đó, bang Missouri, Mỹ, đã đệ đơn kiện Trung Quốc vì "gây ra đại dịch toàn cầu và số lượng người tử vong, mắc bệnh và tổn thất kinh tế to lớn".
Tuy nhiên, theo RT, việc thắng kiện vẫn còn rất xa vời vì tới nay không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang "che đậy" thông tin trong khi Bắc Kinh vẫn tuyên bố rằng Trung Quốc đã cung cấp cho thế giới thông tin về đại dịch sớm nhất có thể.

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Trung Quốc đương đầu với việc bị truy cứu trách nhiệm và đòi bồi thường ra sao?

Ngày 26/4, Nhân dân Nhật báo, được coi là “phong vũ biểu” lập trường chính thức của Trung Quốc, đã dùng tiêu đề “Đây là lập trường của chúng tôi” đăng trên tài khoản Weibo tin nhắn kiểu áp phích: Không ai là đồng phạm của virus, mọi người đều là nạn nhân. Thật nực cười khi “đòi nạn nhân bồi thường”...

Cuộc chiến pháp lý giữa Phương Tây và Trung Quốc chủ yếu là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: AP).


Đây là phản ứng công khai mới nhất của Trung Quốc trước những tiếng nói đòi Trung Quốc bồi thường gần đây xuất hiện ở nhiều nước phương Tây do dịch bệnh COVID-19.
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu lan rộng, tàn phá châu Âu và Hoa Kỳ, những tiếng nói đòi Trung Quốc bồi thường đã bắt đầu xuất hiện ở phương Tây và ngày càng trở nên phổ biến, trở thành xu hướng “bao vây tứ phía” chống lại Trung Quốc.
Những tiếng nói đòi truy trách nhiệm và đòi bồi thường này đã được đưa tới Trung Quốc, gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận Trung Quốc. Do đó, “Hiệp ước Tân Sửu” và “Bồi thường Canh Tý”, đã bị bụi bao phủ, một lần nữa được lôi ra khỏi đống giấy cũ. Mặc dù nhiều ý kiến phân tích cho rằng cái gọi là thuyết đòi bồi thường chỉ do một số chính trị gia có ý thúc đẩy, một kiểu di chuyển, phát tiết tình cảm của phương Tây, nhưng những lo lắng về hiểm họa “Liên quân 8 nước” mới sẽ xâm chiếm một lần nữa đã hình thành trong dư luận Trung Quốc và kích thích tình cảm đối lập với phương Tây.

Trung Quốc đương đầu với việc bị truy cứu trách nhiệm và đòi bồi thường ra sao? - ảnh 1
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Jim Banks (trái) ngày 16/3  nói trên chương trình của Fox TV ông đang tìm cách đòi Trung Quốc bồi thường bằng cách không thanh toán các trái phiếu quốc gia Hoa Kỳ mà Trung Quốc đã mua (Ảnh: Đa Chiều).
Bị kiện cáo tứ phía
Những tiếng nói cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh COVID-19, từ đó đòi Trung Quốc bồi thường đầu tiên xuất hiện ở Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump) ngày 13/3 tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Cùng ngày, một công ty luật có tên Berman Law Group tại Palm Beach County, Florida đã đệ đơn lên Tòa án quận phía Nam của tiểu bang khởi xướng một vụ kiện tập thể chống lại Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự lây lan của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới và yêu cầu Trung Quốc bồi thường hàng tỷ đô la.
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 27/4, cơ sở thực tế cho việc họ cáo buộc, đòi Trung Quốc bồi thường là cuốn “Nhật ký Vũ Hán”, sắp được xuất bản của nữ nhà văn Trung Quốc Phương Phương (Fang Fang). Trong tháng 3 năm 2020, tại các bang Florida, Texas, Nevada và California, đã khởi xướng ít nhất 4 vụ khởi tố chống lại Trung Quốc, một trong số đó thậm chí còn đưa ra thuyết “vũ khí sinh hóa” chống lại Viện nghiên cứu virus Vũ Hán và Quân đội Trung Quốc.  
Nhiều “phương án” khác nhau về cách đòi Trung Quốc bồi thường cũng bắt đầu xuất hiện: Hạ nghị sĩ Cộng hòa Jim Banks ngày 16/3 trên chương trình “Tucker Carlson Tonight” của Fox cho biết ông đang tìm cách đòi Trung Quốc bồi thường bằng cách  không thanh toán hầu hết các trái phiếu quốc gia Hoa Kỳ mà Trung Quốc đã mua. Sau đó, Nghị sĩ Australia George Christensen ngày 3/4 đã đề xuất với Quốc hội nước này “thu hồi cảng Darwin và đất nông nghiệp đã cho các công ty Trung Quốc thuê để bồi thường cho dịch bệnh”.
Tạp chí National Review cũng khuyến nghị chính phủ Mỹ thuyết phục các quốc gia khác tịch thu tài sản của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tại các quốc gia dọc theo “Vành đai, con đường” để bù đắp cho những tổn thất do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Ngày 16/4, hai nghị sĩ Cộng hòa thậm chí đã khởi xướng một dự luật tại Quốc hội Hoa Kỳ để tước quyền “miễn trừ chủ quyền quốc gia” của Trung Quốc để các công dân và chính quyền địa phương Mỹ có thể kiện chính phủ Trung Quốc ra tòa án liên bang và yêu cầu bồi thường.

Trung Quốc đương đầu với việc bị truy cứu trách nhiệm và đòi bồi thường ra sao? - ảnh 2
Người Anh đòi Trung Quốc phải bồi thường 351 tỷ Bảng vì dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Daily Express).
Rất nhanh chóng, làn sóng “đòi bồi thường” chống lại Trung Quốc đã phát triển từ Hoa Kỳ, Australia lan đến Châu Âu và cả Ấn Độ. Hai hiệp hội luật sư Ấn Độ ngày 4/4 đã đệ đơn tới Liên Hợp Quốc kiện Trung Quốc “bí mật phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt virus Corona mới, đòi bồi thường 20 ngàn tỷ USD.
Ngày 5/4 một cơ quan nghiên cứu của Anh có tên Henry-Jackson Society cũng đã công bố bản báo cáo dài 44 trang, trong đó nói virus Corona mới gây ra thiệt hại khoảng 3,2 nghìn tỷ Bảng cho các nước G7 và kêu gọi Vương quốc Anh yêu cầu Trung Quốc bồi thường 351 tỷ Bảng tổn thất. Thậm chí tại Đức, cũng có cơ quan truyền thông (tờ Bild) ngày 16/4 đã đăng tải một bức thư ngỏ tiêu đề “Trung Quốc gây nguy hại cả thế giới”, viện dẫn một số thông tin chưa được xác nhận hoặc làm rõ như “Phòng thí nghiệm Vũ Hán nghiên cứu Dơi” và đưa ra một “hóa đơn” khủng liệt kê các khoản tiền đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường.
Chỉ trong một thời gian, Trung Quốc dường như lại bị mắc kẹt một lần nữa bởi sự bao vây của “Liên quân tám nước” 120 năm trước. Các giả thuyết “Liên quân tám nước mới bao vây Trung Quốc”, “Bồi thường năm Canh Tí” và “Liên quân tám quốc gia đòi Trung Quốc bồi thường” nối nhau xuất hiện trong dư luận Trung Quốc. Thậm chí còn có ý kiến nói, một khi yêu sách của phương Tây thành công, ngân khố của Trung Quốc sẽ bị cạn kiệt và Trung Quốc sẽ một lần nữa sụp đổ, lặp lại lịch sử nhục nhã hàng thế kỷ.

Trung Quốc đương đầu với việc bị truy cứu trách nhiệm và đòi bồi thường ra sao? - ảnh 3
Tài khoản Weibo của Nhân dân Nhật báo đăng các áp phích "Không ai là đồng lõa của virus Corona mới, mọi người đều là nạn nhân" (Ảnh: Weibo).
“Liên quân tám nước” ập tới?
Những giả thuyết này bắt nguồn từ một lịch sử mất chủ quyền nhục nhã ở Trung Quốc cận đại. Năm 1900, năm Canh Tí theo cách tính niên đại Thiên can địa chi Trung Quốc cổ đại, Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn với khẩu hiệu “Phò Thanh diệt Tây” khiến cho các lực lượng Liên quân 8 nước gồm Nga, Đức, Pháp, Anh, Mỹ,  Nhật Bản, Italy và Áo can thiệp bằng vũ lực. Một năm sau, chính quyền nhà Thanh buộc phải ký “Hiệp ước Tân Sửu” cam kết bồi thường 450 triệu lạng bạc. Thời gian bồi thường là từ năm 1902 đến 1940, lãi suất hàng năm là 4%, tổng số tiền cả gốc và lãi là 980 triệu lạng, được gọi là “Bồi thường Canh Tí”.
“Liên quân tám nước” và “Bồi thường Canh Tí” tồn tại trong ký ức của người Trung Quốc như là khởi đầu cho sự suy tàn của Trung Quốc hiện đại. Khi ngày nay những tiếng nói tuyên bố đòi Trung Quốc bồi thường xuất hiện trở lại ở nhiều nước phương Tây, ký ức dân chúng Trung Quốc về nỗi nhục dân tộc lại bị đánh thức. Tình cảm dân tộc và tâm lý bài xích phương Tây lại dâng cao ở Trung Quốc.
Ngoài ra, vào cuối tháng 3, Bộ Tư lệnh miền Bắc Hoa Kỳ đã sơ tán bộ chỉ huy quan trọng vào boongke núi Cheyenne nổi tiếng ở Colorado và một địa điểm bí mật khác nhằm cách ly để đảm bảo rằng quân đội Mỹ có thể hoạt động bình thường trong điều kiện dịch bệnh bùng phát. Đầu tháng 4, chính phủ Mỹ bắt đầu sơ tán công dân ở khắp thế giới, điều này khiến thế giới bên ngoài, đặc biệt là người dân Trung Quốc suy đoán rằng Hoa Kỳ đã chuẩn bị cho chiến tranh. Dù sao, trong vài thập kỷ qua, trước chiến tranh, Hoa Kỳ cũng động viên công dân của mình ở nước ngoài trở về nước sớm nhất có thể. Khi Hoa Kỳ tấn công Iraq năm 2003, họ đã có một động thái tương tự. Điều này đã trở thành một cơ sở quan trọng cho suy đoán công khai rằng Mỹ có thể tiến hành chiến tranh một lần nữa.
Liệu có phải để giảm suy thoái kinh tế và các vấn đề xã hội khác như thất nghiệp do dịch COVID-19, Hoa Kỳ sẽ liên kết với các nước khác để đòi bồi thường và thậm chí tuyên chiến với Trung Quốc?
Xét từ hiện thời, khả năng này là rất nhỏ. Những tiếng nói đòi bồi thường được đề cập ở trên được cho là xuất phát từ một số quan chức có lập trường cứng rắn chống Trung Quốc, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan truyền thông không chính thống với mục tiêu chính là thu hút sự chú ý. Đây không phải là hành động chính thức của chính quyền (Thực tế, chính quyền hai bang Missouri và Missisipi cũng đã chính thức khởi kiện Trung Quốc).
Theo Đa Chiều, một số quan chức “phái diều hâu” có lập trường cứng rắn chống Trung Quốc tất nhiên sẽ ảnh hưởng một phần đến chính phủ của nước sở tại, nhưng ngay cả khi có chính phủ nào đưa ra yêu cầu bồi thường từ Trung Quốc, những yêu cầu bồi thường đó cũng sẽ gặp phải những trở ngại pháp lý và thực tế. Quyền miễn trừ chủ quyền trong luật pháp quốc tế có nghĩa là quốc gia và tài sản của họ được bảo vệ khỏi quyền tài phán của pháp luật nước ngoài và tòa án nước ngoài. Do đó, chính phủ phương Tây không có quyền yêu cầu bồi thường từ Trung Quốc.
Trước những tiếng nói đòi Trung Quốc bồi thường, ngày 20/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, đã đặt ra ba câu hỏi về lý thuyết đòi bồi thường: “Năm 2009, dịch cúm H1N1 bùng phát ở Hoa Kỳ và lan sang 214 quốc gia và khu vực, dẫn đến cái chết của gần 200.000 người. Vậy Hoa Kỳ có đền bù cho ai? Vào những năm 1980, AIDS lần đầu tiên được phát hiện ở Hoa Kỳ và lan ra toàn thế giới. Tôi không biết nó gây ra nỗi đau cho bao nhiêu người trên thế giới. Có ai tìm Hoa Kỳ đòi bồi thường không? ... Năm 2008 khủng hoảng tài chính ở Mỹ, sự hỗn loạn và sự sụp đổ của Lehman Brothers cuối cùng đã biến thành một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Có ai yêu cầu Hoa Kỳ gánh chịu hậu quả không?”.

Trung Quốc đương đầu với việc bị truy cứu trách nhiệm và đòi bồi thường ra sao? - ảnh 4
Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao  Mỹ nhắn tin thúc giục các công dân Mỹ ở nước ngoài trở về Mỹ hôm 3/4 (Ảnh: Weibo)
Theo Đa Chiều, nếu (tất nhiên, đây là một sự kiện xác suất rất nhỏ), việc bắt giữ hoặc phong tỏa tài sản Trung Quốc như ý kiến một số thành viên quốc hội, thực sự xảy ra, thì với tư cách là một quốc gia có chủ quyền và nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ có biện pháp trả đũa. Đến bước này, nếu hai bên không nhượng bộ nhau, chiến tranh dường như là không thể tránh khỏi. Thực tế là ngay cả khi Hoa Kỳ, có quân đội mạnh hơn Trung Quốc, mạo hiểm tuyên chiến với Trung Quốc, chắc chắn sẽ “địch chết 1000 ta cũng mất 800”. Đây rõ ràng không phải là sự lựa chọn của các chính trị gia và chính phủ có cái đầu tỉnh táo và hiểu biết.
Trung Quốc có phải chịu trách nhiệm?
Theo Đa Chiều, tất nhiên, trong khi phủ nhận “thuyết bồi thường”, cũng cần phải thừa nhận rằng, trong giai đoạn đầu của sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, các quan chức chính quyền địa phương của Trung Quốc tiêu biểu là tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán, đã có sự chậm trễ trong cảnh báo và ứng phó không phù hợp. Tuy nhiên, như một số phân tích đã tuyên bố, “vì các quan chức địa phương không thực hiện được nhiệm vụ của mình mà truy cứu trách nhiệm quốc gia là không ổn trên phạm vi quốc tế”. Huống hồ, trong những ngày đầu dịch bệnh bùng phát ở các nước phương Tây phát triển, các chính phủ cũng trải qua các kiểu nhầm lẫn và hoảng loạn.
Theo Đa Chiều, kể từ khi dịch Viêm phổi mới bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc phải mất hơn hai tháng để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, còn Châu Âu và Hoa Kỳ đã trở thành ổ dịch và dữ liệu về các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong vượt xa Trung Quốc, khiến các nước phương Tây từ chỗ là những người ngoài cuộc “xem kịch” đã trở thành những người trong cuộc giữa nước sôi lửa bỏng. “Lý thuyết đòi bồi thường” hiện nay liên quan nhiều đến tâm lý kiêu ngạo và đối đầu ý thức hệ của phương Tây với Trung Quốc, mà cũng là sự phát tiết tình cảm dưới áp lực của dịch bệnh. Các nước phương Tây luôn quen với việc trở thành một nhà lãnh đạo văn minh và tiên tiến. Với tâm thế đó, sau khi có dịch, số ca nhiễm và tử vong cao gấp hàng chục lần so với Trung Quốc. Đó là điều khó chấp nhận đối với một số người bao gồm một số chính trị gia”.

Trung Quốc đương đầu với việc bị truy cứu trách nhiệm và đòi bồi thường ra sao? - ảnh 5
Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được coi là một nhân vật thuộc phái cứng rắn (diều hâu) ở Trung Quốc  (Ảnh: Đa Chiều).
Điều này cũng giải thích tại sao các quốc gia châu Á quanh Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, v.v., không có tuyên bố đòi bồi thường như vậy. Thứ nhất, bởi vì các nước châu Á có sự tương đồng về văn hóa và trong lịch sử, trong quá trình thực dân hóa toàn cầu ở các nước phương Tây, hầu như tất cả các nước châu Á đều bị tổn thương. Thứ hai, các nước châu Á thường chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo và chủ nghĩa tập thể có thể được nhiều nước công nhận và thể hiện nhiều hơn ở châu Á, điều này làm cho dịch bệnh ở các nước châu Á nhẹ hơn nhiều so với ở châu Âu và Hoa Kỳ; các nước châu Á hiểu và chấp nhận các phương pháp phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc.
Ngoài ra, hệ thống bầu cử phương Tây cho phép các chính trị gia Mỹ, những người cần phải đối mặt với cuộc bầu cử vào tháng 11 để có được phiếu bầu, không chỉ cần tìm một “lò hơi” để cho mọi người “xả bớt” sự không hài lòng; họ cũng cần phải tìm ra một kẻ thù chung để tạo ra một khẩu hiệu để đoàn kết nhân dân. Trong tình hình hiện nay, chống Trung Quốc và tuyên bố đòi bồi thường đã trở thành một lựa chọn “chính xác” để kiếm lợi nhuận mà không phải bồi thường.
Đa Chiều cho rằng, với sự lựa chọn như thế, rốt cục sẽ chỉ có một cuộc chiến dư luận giữa phương Tây và Trung Quốc dưới sự điều khiển của các thủ đoạn chính trị. Dù sao, Trung Quốc hiện nay đã không còn là nước Trung Quốc 120 năm trước!

Điều gì diễn ra phía sau việc “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc đột ngột biến mất?

“Kế hoạch ngàn người” - một chương trình thu hút nhân tài người Hoa từ nước ngoài về nước được thực hiện từ lâu ở Trung Quốc đột nhiên biến mất, đã thu hút sự chú ý của mọi người.

“Kế hoạch ngàn người” từng được Trung Quốc công khai tuyên truyền rầm rộ, nay đột ngột biến mất khiến dư luận chú ý (Ảnh: Tân Hoa xã).


Kế hoạch lôi kéo, thu hút tài năng cấp cao ở nước ngoài về Trung Quốc làm việc, được gọi là “Kế hoạch ngàn người” (千人计划 - Thiên nhân kế hoạch), được Ban Tổ chức Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các cơ quan khác vạch ra từ năm 2008 nhằm nhập khẩu các tài năng cấp cao người Hoa học tập và làm việc ở nước ngoài  tập trung cho mục tiêu chiến lược phát triển quốc gia, hiện đã biến mất.
Theo trang tin Đa Chiều ngày 26/4, một số học giả Trung Quốc từng tiết lộ thuật ngữ “Kế hoạch ngàn người” đã trở nên nhạy cảm. Để bảo vệ các nhà khoa học Trung Quốc, thuật ngữ “chuyên gia quốc gia đặc biệt” đã được sử dụng trong một số trường hợp, nhưng đến nay, cũng đã biến mất.
Vào ngày 18/4/2020, kết quả tìm kiếm về “Kế hoạch ngàn người” trên Baidu, Sogou và các mạng xã hội Trung Quốc khác như Weibo, WeChat... đều đã bị chặn, không cho kết quả.
Năm 2019, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã cấm các nhân viên của Bộ tham gia các chương trình tuyển dụng nhân tài của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Vài tháng sau, một ủy ban tại Thượng viện đã tuyên bố kế hoạch tuyển dụng của Trung Quốc đã tạo ra mối đe dọa cho lợi ích của Mỹ.

Điều gì diễn ra phía sau việc “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc đột ngột biến mất? - ảnh 1
Hạ nghị sĩ Mike Gallagher đã trực tiếp nêu tên “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc lôi kéo nhân tài của Trung Quốc  (Ảnh: Forbes).
Tiểu ban điều tra của Thượng viện Hoa Kỳ ngày 19/11/2019 đã tổ chức phiên điều trần về “Đảm bảo rằng các cơ quan nghiên cứu của Mỹ không bị chương trình nhập khẩu tài năng của Trung Quốc xâm chiếm”. Đại diện của một số tổ chức nghiên cứu liên bang lớn ở Mỹ đã thừa nhận rằng các tổ chức tương ứng của họ đã phát hiện các học giả tham gia vào “Kế hoạch ngàn người” thu hút tài năng cấp cao ở nước ngoài của Trung Quốc.
Báo cáo do Tiểu ban điều tra Thượng viện cho biết, các cơ quan liên bang Hoa Kỳ đã không đối phó đầy đủ được với các mối đe dọa từ một số dự án do chính phủ Trung Quốc tài trợ, sử dụng một cách có hệ thống nghiên cứu của Hoa Kỳ để tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Tại phiên điều trần, đại diện một số tổ chức nghiên cứu của Mỹ tuyên bố rằng họ đã thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro mà kế hoạch thu hút tài năng của Trung Quốc có thể mang lại.
Ngoài ra, đại diện của Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tham gia điều trần cũng nói rằng các cơ quan của họ cũng đang thực hiện các biện pháp để hạn chế nguy cơ Trung Quốc trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.

Điều gì diễn ra phía sau việc “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc đột ngột biến mất? - ảnh 2
Giáo sư Hi Tiểu Tinh (phải) đã bịMỹ  khởi tố vì tội “hoạt động gián điệp” và bị nghi ngờ cung cấp cho Trung Quốc bí mật công nghệ siêu dẫn của các công ty Mỹ. Ảnh: ông Hi Hiểu Tinh (phải) trong một lần về Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).
Được biết, FBI bắt đầu tăng cường việc bắt giữ và truy tố các học giả tham gia “Kế hoạch ngàn người” từ năm 2018. Cũng chính vì nguyên nhân này mà chính phủ Trung Quốc đã xóa bỏ danh sách của “Kế hoạch ngàn người”.
Theo báo cáo, hiện tại 56 văn phòng của FBI đều thành lập các đội chống gián điệp và tăng cường liên hệ chặt chẽ với các trường đại học và doanh nghiệp địa phương để họ nhận thức được nguy cơ của chương trình săn tài năng Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã ngày càng hạn chế việc trao đổi khoa học và công nghệ với Trung Quốc. Ngay từ tháng 5/2018, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng cho năm tài khóa 2019. Một trong những sửa đổi đáng chú ý là yêu cầu Bộ Quốc phòng phải chấm dứt tài trợ kinh phí và các ưu đãi khác cho các cá nhân tham gia các chương trình tài năng của Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên hoặc Nga. Người đề xuất tu chính án này, Hạ nghị sĩ Mike Gallagher đã trực tiếp chỉ tên “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc.
Tháng 6/018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã giảm thời gian thị thực cho sinh viên Trung Quốc học tập trong các lĩnh vực nghiên cứu nhạy cảm (hàng không, kỹ thuật, robot, chế tạo công nghệ cao) từ 5 năm xuống còn một năm. Tổng thống Donald Trump thậm chí còn tuyên bố rằng “hầu hết mỗi người” trong số khoảng 360.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học Mỹ thời đó đều là gián điệp.
Vào tháng 9/2018, trên mạng internet ở Mỹ lan truyền tin FBI đã coi các học giả “Kế hoạch ngàn người” là trọng điểm điều tra và kiểm tra từng người một theo danh sách và ám chỉ “Kế hoạch ngàn người” có thể trở thành “Kế hoạch vào tù”.

Điều gì diễn ra phía sau việc “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc đột ngột biến mất? - ảnh 3
Ông Trịnh Tiểu Thanh, chuyên gia của GE bị FBI bắt ngày 5/7/2018 và bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc (Ảnh: Toutiao).
Một giáo sư người Trung Quốc từ một trường đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ tiết lộ với truyền thông Bắc Kinh một số trong số hàng ngàn học giả vẫn còn ở Mỹ đã bị FBI gọi hỏi, thậm chí một số nơi các đồn cảnh sát cũng tham gia điều tra. Một số phân tích trực tiếp chỉ ra rằng đây là một phần mở rộng của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.
Trên thực tế, rất lâu trước khi chiến tranh thương mại Trung - Mỹ nổ ra, Hoa Kỳ đã có ý thức cảnh giác với các nhà khoa học Trung Quốc. Năm 2015, các đặc vụ FBI đã xông vào văn phòng của nhà vật lý Trung Quốc Hi Tiểu Tinh (Xi Xiaoxing), Giáo sư, chuyên gia nổi tiếng thế giới về siêu dẫn, Chủ nhiệm Khoa Vật lý Đại học Temple University in Philadelphia và bắt giữ ông. Hi Tiểu Tinh bị khởi tố vì tội “hoạt động gián điệp” và bị nghi ngờ cung cấp cho Trung Quốc bí mật công nghệ siêu dẫn của các công ty Mỹ.
Trong gần hai năm qua, đã có một số nhà khoa học trong “Kế hoạch ngàn người” đã bị truy tố.
Ngày 5/7/2018, ông Trịnh Tiểu Thanh (Zheng Xiaoqing), một chuyên gia của hãng General Electric tham gia “Kế hoạch ngàn người” đã bị FBI bắt giữ. Ông bị buộc tội ăn cắp và chuyển giao cho Trung Quốc bí mật kỹ thuật về dây chuyền sản xuất tuabin hơi nước. Trịnh Tiểu Thanh được cho là có hai quốc tịch Trung Quốc và Hoa Kỳ và liên quan đến một công ty ở Nam Kinh cung cấp các bộ phận cho động cơ hàng không dân dụng. GE cũng nhận thức rõ điều này. FBI tuyên bố trong bản cáo trạng rằng ông Trịnh đã mã hóa và giấu 39 bản vẽ của GE giấu trong một bức ảnh phong cảnh hoàng hôn và tải nó vào hộp thư riêng của mình.

Điều gì diễn ra phía sau việc “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc đột ngột biến mất? - ảnh 4
Trong mấy năm qua.hàng trăm nhà khoa học người Hoa ở Mỹ đã bị bắt giữ - đó có thể là nguyên nhân khiến "Kế hoạch ngàn người” đột nhiên biến mất (Ảnh: DJY)
Mặc dù Trịnh Tiểu Thanh đã đóng tiền bảo lãnh, luật sư cũng tuyên bố rằng đó không phải là hoạt động gián điệp và không có bằng chứng nào cho thấy dữ liệu bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, những hành vi này vẫn bị nghi ngờ và vụ việc vẫn đang được điều tra.
Trương Dĩ Hằng (Zhang Yiheng), một chuyên gia của “Kế hoạch ngàn người”, cựu giáo sư của Đại học Công nghệ Virginia, đã bị bắt vào ngày 20/9/2017 và bị kết án phạm ba tội gian lận vào ngày 24/2/2019. Trương Dĩ Hằng bị buộc tội nộp đơn xin tài trợ nghiên cứu 1,1 triệu đô la Mỹ tại Hoa Kỳ dùng cho dự án nghiên cứu ở Trung Quốc và giữ vị trí nghiên cứu viên tại Viện Công nghệ sinh học công nghiệp Thiên Tân, Viện Khoa học Trung Quốc.
Theo một nguồn tin, tính đến cuối tháng 11/2019 đã có hơn 150 nhà khoa học người Hoa ở Mỹ bị bắt vì tham gia “Kế hoạch ngàn người”. Trong giới quan sát có người cho rằng việc “Kế hoạch ngàn người” biến mất, có thể chỉ là cách người Trung Quốc đưa nó vào trong vòng bí mật bởi sự tuyên truyền rầm rộ về nó đã khiến các nước khác cảnh giác và có các biện pháp đề phòng, ngăn chặn.

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Trung Quốc triển khai vũ khí gì ở thành phố phi pháp trên Biển Đông?

Trước khi chính thức phê chuẩn thành lập 2 đơn vị hành chính cấp quận huyện trực thuộc, cái gọi là “TP.Tam Sa” do Trung Quốc thành lập phi pháp đã được nước này quân sự hóa, triển khai vũ khí khiến dư luận quốc tế phải lo ngại.

Sơ đồ về việc Trung Quốc triển khai vũ khí ở các đảo, bãi đá trên Biển Đông
 /// Đồ họa: Hoàng Đình - AMTI

Hôm qua 20.4, Công ty ISI chuyên cung cấp hình ảnh vệ tinh công bố hình ảnh mới chụp ngày 10.4 ghi nhận bãi đá Chữ Thập, mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, có máy bay trinh sát hải quân KQ-200 (còn có tên là Y-8Q hoặc GX-6). Thuộc dòng máy bay trinh sát Y-8 vốn có nhiều phiên bản, bao gồm cả loại săn tàu ngầm.

Trung Quốc đặt tên 80 thực thể ở Biển Đông

Bộ Dân chính Trung Quốc ngày 19.4 công bố cái gọi là tên chuẩn và tọa độ của 25 đảo, bãi đá ngầm ở Biển Đông, trong đó có một thực thể nằm ở phía bắc đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, theo tờ Hoàn Cầu thời báo. Các tọa độ do Bộ Dân chính công bố cho thấy phần lớn các đảo, bãi đá ngầm đó nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.  Ngoài ra, Bộ Dân chính Trung Quốc còn công bố tên và tọa độ của 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông. Các tọa độ cũng cho thấy phần lớn những thực thể dưới đáy biển này nằm trong và xung quanh quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Danh sách 80 thực thể nói trên được đăng trên website của Bộ Dân chính Trung Quốc. Hoàn Cầu thời báo còn ngang nhiên dẫn lời một chuyên gia thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cho rằng việc đặt tên phản ánh cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc đối với những thực thể trên.   
 Văn Khoa
Cũng theo hình ảnh của ISI thì ngoài chiếc KQ-200 đỗ ở khu vực đường băng, thì còn có một chiếc tương tự bên trong nhà chứa (với phần đầu máy bay lộ ra ngoài). Như vậy, nếu KQ-200 được triển khai đến quần đảo Trường Sa, thì đây là bước leo thang tiếp theo trong chiến lược quân sự hóa Biển Đông mà Bắc Kinh đang hung hăng tiến hành.
Lâu nay, giới nghiên cứu quốc tế, cụ thể là theo Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ, đã đưa ra bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã triển khai nhiều loại vũ khí đến Biển Đông (chưa rõ mức độ thường xuyên của số vũ khí này), bên cạnh nhiều loại radar và cảm biến hiện đại.
Trong đó, với hệ thống đường băng và nhà chứa, Trung Quốc giờ đây có thể triển khai các loại máy bay quân sự dưới đây ở đảo bãi đá mà nước này đang chiếm đóng phi pháp như Phú Lâm (Hoàng Sa), các bãi cạn Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi (Trường Sa) vốn có sẵn đường băng, nhà chứa máy bay, bãi đỗ, hệ thống radar…

Máy bay tiêm kích J-10

Đây là chiến đấu cơ có khả năng tác chiến đa nhiệm với tầm chiến đấu lên đến 1.250 km, tốc độ tối đa đạt Mach 2.2 (tức lớn hơn 2 lần vận tốc âm thanh, khoảng 2.700 km/giờ).

Cựu Ngoại trưởng Philippines chỉ trích Trung Quốc

Về việc Trung Quốc thành lập hai đơn vị hành chính mới nhằm kiểm soát Biển Đông, kênh truyền hình GMA ngày 20.4 dẫn lời cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cáo buộc Trung Quốc lợi dụng thời điểm các nước đang đối phó với đại dịch Covid-19 để đẩy mạnh những tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, gây thiệt hại cho các bên liên quan và cộng đồng quốc tế.
“Tôi kính cẩn kêu gọi chính quyền Philippines phản đối hành động này của Trung Quốc, như cách làm đúng đắn của chúng ta hôm 8.4 về việc tàu cá Việt Nam bị đâm chìm”. Trước đó, sau vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa ngày 2.4, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố quan ngại sâu sắc và bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam.
Cùng với đó, thẩm phán về hưu Antonio Carpio từng thuộc Tòa án tối cao Philippines hối thúc các bên liên quan phản đối việc Trung Quốc thành lập 2 đơn vị hành chính mới trên Biển Đông. Ông cho rằng nếu im lặng thì “Trung Quốc sẽ cho đó là sự ưng thuận”.  
 Bảo Vinh
Tùy vào mục tiêu mà J-10 được trang bị vũ khí, nhưng về cơ bản thì dòng chiến đấu cơ này có thể mang theo nhiều loại tên lửa và bom như: Bom dẫn đường bằng laser LT-2, bom dẫn đường bằng vệ tinh FT-1, nhiều loại tên lửa đối không có tầm bắn từ 20 - 300 km, tên lửa tấn công mặt đất hoặc tàu chiến... Về trang bị điện tử thì J-10 tích hợp nhiều loại radar, cảm biến tối tân cùng hệ thống kiểm soát hỏa lực điện tử.

Máy bay tiêm kích J-11

Đây cũng là dòng máy bay chiến đấu đa nhiệm, có tầm chiến đấu khoảng 1.500 km và tốc độ tối đa khoảng Mach 2.1 (2.500 km/giờ). J-11 có thể mang theo nhiều loại tên lửa đối không với tầm bắn từ 20 - 170 km, cùng một số loại rốc két và bom.
J-11 có các phiên bản J-11BH và J-11BSH chuyên dành cho hải quân Trung Quốc. Bên cạnh đó, cũng từ loại J-11, Trung Quốc đã phát triển nên mẫu J-15 chuyên dụng để trang bị trên tàu sân bay của nước này.

Oanh tạc cơ H-6K

H-6K là phiên bản mới của dòng máy bay ném bom H-6 vốn được phát triển từ dòng máy bay ném bom Tu-16 của Liên Xô. Về cơ bản, oanh tạc cơ H-6 có tầm tác chiến khoảng 1.600 km với vận tốc tối đa xấp xỉ 1.000 km/giờ.
H-6 có thể mang theo nhiều loại bom, bao gồm cả bom thông minh, đồng thời còn có thể mang theo nhiều loại tên lửa tấn công mặt đất và tấn công tàu chiến như KD-88, CJ-10, C-101, C-301, C-601, YJ-12... với nhiều tầm bắn khác nhau và lên đến 400 km. Đặc biệt, máy bay H-6 còn có thể mang tên lửa đạn đạo DF-21 có tầm bắn lên đến 1.700 km với tốc độ tối đa lên đến Mach 10 (hơn 22.000 km/giờ), được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”.

Máy bay trinh sát hải quân KQ-200

Được phát triển từ dòng máy bay trinh sát Y-8, KQ-200 có tầm bay lên đến 5.000 km, tốc độ tối đa khoảng 600 km, đủ khả năng hoạt động liên tục trong 10 giờ. Theo chuyên trang Navalnews, KQ-200 tập trung chủ yếu vào khả năng tìm diệt tàu ngầm khi tích hợp các hệ thống cảm biến và có khả năng thả các thiết bị thăm dò. Cùng với đó, KQ-200 có thể mang theo một số loại tên lửa đối hạm YJ-83K tầm bắn 200 km, ngư lôi, tên lửa tấn công tàu ngầm.

Tên lửa đối không HQ-9

Đây được xem là hệ thống tên lửa S-300 “phiên bản Trung Quốc”. HQ-9 có tầm bắn hơn 300 km với phiên bản xa nhất là HQ-9B. Tốc độ bay của HQ-9 đạt Mach 4.2 (hơn 9.000 km/giờ), với trần bay từ 27- 41 km. Phiên bản được Trung Quốc triển khai trên các đảo và bãi đá ở Biển Đông có tầm bắn khoảng 200 km.

Tên lửa hành trình đối hạm YJ-12

Loại tên lửa này có tầm bắn lên đến 400 km cùng tốc độ tối đa đạt khoảng Mach 4 (khoảng 9.000 km/giờ) tùy theo phiên bản. Đây là loại tên lửa hành trình khá hiện đại. Từ năm 2018, AMTI phát hiện Trung Quốc triển khai YJ-12 trên các bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Loại tên lửa này cũng có thể được khai hỏa từ oanh tạc cơ H-6.

Tên lửa đối hạm YJ-62

Nếu YJ-12 được Trung Quốc triển khai ở Trường Sa, thì YJ-62 lại có mặt ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa). Về tốc độ, thì YJ-62 chỉ đạt mức cận âm, tức khoảng 1.000 km/giờ, tầm bắn từ 290 - 400 km. Năm 2016, bên cạnh HQ-9 thì YJ-62 cũng được Trung Quốc triển khai đến đảo Phú Lâm, theo AMTI.