Sau cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã không tiếc lời ca ngợi và gọi ông Tập là bạn mình. Điều này có lẽ cũng làm nhiều người ngạc nhiên; một phần là vì sao hai ông có thể làm bạn nhanh quá, và một phần là vì trước đó không lâu ông Trump đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc nhiều lần. Năm nay, trong lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu diễn ra, ông viết trên Twitter: “Chủ tịch Tập và tôi luôn mãi là bạn, bất kể chuyện gì xảy ra với tranh chấp thương mại (của hai nước)”.
Có thể là ông Trump có cảm tình đặc biệt với cá nhân ông Tập thật, và cũng có thể là ông sử dụng chiến thuật “vừa đấm vừa xoa” đậm chất ngoại giao theo kiểu của mình. Nhưng có một điều chắc chắn là cuộc đối đầu kinh tế Mỹ-Trung đã được khơi mào. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump không còn chấp nhận các mối quan hệ kinh tế, từ thương mại đến đầu tư, với Trung Quốc như trước đây.
Vào ngày 6.7 vừa qua, Mỹ đã chính thức đánh thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và dự tính sẽ đánh tiếp 25% lên 16 tỉ USD hàng nhập khẩu nữa sau khi các thủ tục hành chính được thông qua. Để đáp trả, Trung Quốc đã đánh thuế 25% lên 34 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, và tuyên bố sẽ tiếp tục đánh lên 16 tỉ USD nữa. Vì sự trả đũa này của Trung Quốc nên ông Trump đã chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) lên phương án để dự tính sẽ đánh tiếp 10% lên 200 tỉ USD hàng nữa (danh sách được đưa ra lên đến 6.031 loại sản phẩm từ Trung Quốc). Và Trung Quốc cũng lên tiếng là sẽ trả đũa, nhưng không nói chính xác là bao nhiêu và như thế nào.
Ông Trump đã nói là nếu Trung Quốc tiếp tục trả đũa thì ông sẽ cho áp dụng thuế lên 200 tỉ USD hàng nhập khẩu nữa, đưa đến khả năng là 450 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị đánh thuế. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu gần 130 tỉ USD hàng Mỹ, trong khi Mỹ nhập khẩu gần 505,5 tỉ USD hàng Trung Quốc. Mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là tầm 375,5 tỉ USD.
Tất nhiên khi cuộc chiến thương mại diễn ra thì trước mắt là bên nào cũng ít nhiều bị tổn thất. Về phía Mỹ, người tiêu dùng trong nước sẽ phải chịu giá cao hơn cho các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, một số doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trước sự trả đũa của Bắc Kinh. Hơn nữa, vì Trung Quốc nhắm thuế trả đũa vào các mặt hàng Mỹ được sản xuất ở những vùng nhạy cảm chính trị, Nhà Trắng đã phải chịu nhiều áp lực, ngay cả từ nhiều thành phần cùng đảng với Tổng thống Trump. Tuy nhiên, chính quyền Trump xem đây như một phương thuốc đắng cần thiết để thiết lập lại một mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung lành mạnh hơn.
Động thái của Mỹ về việc đánh thuế nhập khẩu lên hàng Trung Quốc lần này bắt nguồn từ cuộc điều tra theo điều 301 của Luật Thương mại năm 1974 của Mỹ. Theo đó, USTR đã tiến hành điều tra để xem xét Trung Quốc có dùng những luật lệ và động thái chính sách một cách “không thỏa đáng hoặc phân biệt” có thể gây hại đến quyền sở hữu trí tuệ và sự phát triển công nghệ của Mỹ hay không.
Sau một thời gian dài điều tra, vào ngày 22.3 năm nay, USTR đã đưa ra một báo cáo hết sức chi tiết kết luận rằng: (1) Trung Quốc bằng nhiều cách khác nhau đã ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ để có thể làm ăn được ở nước này, (2) Bắc Kinh chỉ đạo các hoạt động đầu tư vào Mỹ, nhắm vào việc mua những công ty Mỹ có công nghệ tiên tiến để thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phù hợp với chính sách công nghiệp của Trung Quốc, (3) Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức các hoạt động xâm nhập vào các hệ thống trên mạng của các công ty Mỹ để ăn cắp những thông tin quý giá thuộc dạng bảo mật. Với kết luận này, chính phủ Trump đã bắt đầu áp dụng thuế nhập khẩu để trừng phạt Trung Quốc như đã đề cập ở trên.
Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành cường quốc xuất khẩu số 1 thế giới vào năm 2009, và cũng là nơi thu hút dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài rất lớn. Vào năm 2000, trước khi gia nhập WTO, Trung Quốc xuất khẩu dưới 250 tỉ USD. Nhưng năm ngoái Trung Quốc đã đạt mức xuất khẩu lên đến 2.260 tỉ USD, với mức thặng dư thương mại là 420 tỉ USD.
Từ khi gia nhập WTO đến nay, Trung Quốc luôn hưởng thặng dư thương mại với toàn thế giới nói chung và với Mỹ nói riêng (mức thặng dư với Mỹ vào năm 2000 là 83,8 tỉ USD, nhưng đã tăng lên gần 4,5 lần vào năm 2017). Mỹ đã nhiều lần lên án việc Trung Quốc sử dụng nhiều rào cản thương mại để ngăn chặn bớt nhập khẩu trong khi trợ cấp xuất khẩu nhằm duy trì và gia tăng mức thặng dư thương mại.
Những năm sau này, khi lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ giảm dần, Trung Quốc đã có chiến lược dần chuyển sang sản xuất các loại hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao hơn. Vào năm 2015, Trung Quốc đưa ra kế hoạch “Made in China 2025” với tham vọng phát triển 10 ngành công nghiệp chiến lược để cạnh tranh với các nước tiên tiến, đặc biệt là Mỹ, trên thị trường nội địa Trung Quốc (thông qua thay thế hàng nhập khẩu) cũng như thị trường thế giới (thông qua xuất khẩu). Cũng trong báo cáo của USTR như đã đề cập ở trên, Mỹ đã phân tích rất kỹ “Made in China 2025” và cho rằng Trung Quốc, trong quá trình theo đuổi chính sách công nghiệp này, đã có những hành động bất công, gây thiệt hại đến kinh tế Mỹ.
Để đối phó với việc Trung Quốc nhắm mua các công nghệ cao, có tính chiến lược của Mỹ thông qua việc đầu tư vào Mỹ, Tổng thống Trump cũng lên tiếng ủng hộ dự luật đang được Quốc hội Mỹ xem xét nhằm gia tăng quyền hạn cho Ủy ban Đầu tư nước ngoại tại Mỹ (CFIUS). CFIUS là một ủy ban hỗn hợp gồm nhiều cơ quan hành pháp Mỹ, do bộ trưởng Bộ Tài chính làm chủ tịch. Ủy ban này có thẩm quyền xem xét các phi vụ đầu tư nước ngoài vào Mỹ (chẳng hạn như những cuộc sáp nhập và mua lại được các công ty Trung Quốc thực hiện ở Mỹ) để xem thử có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay không. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là nước dẫn đầu các trường hợp bị CFIUS xem xét.
Từ khi Tổng thống Trump nhậm chức đến nay, CFIUS càng trở nên gắt gao hơn. Đầu năm nay, CFIUS đã không chấp thuận cho Ant Financial (thuộc Trung Quốc) mua lại MoneyGram. Năm ngoái, Tổng thống Trump đã ngăn chặn không cho Canyon Bridge Capital Partners mua lại Lattice Semiconductor vì có liên quan đến các nhà đầu tư Trung Quốc. Khi dự luật mới (được sự ủng hộ của cả hai đảng) được thông qua, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ sẽ càng bị rà soát nhiều và kỹ hơn nữa. Ông Trump cũng nói là sẽ cho thực thi luật này một cách ráo riết.
Câu hỏi được đặt ra là kết quả sẽ ra sao trong cuộc đối đầu kinh tế Mỹ-Trung? Với tham vọng của mình, Trung Quốc chắc sẽ vẫn theo đuổi chính sách công nghiệp theo kiểu của họ. Bắc Kinh sẽ cố gắng tìm cách thỏa hiệp với Mỹ để giảm bớt sự leo thang xung đột. Trung Quốc sẽ thận trọng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, một phần là Trung Quốc không nhập khẩu nhiều bằng Mỹ nên không thể leo thang ăn miếng trả miếng với Mỹ được, phần khác là Trung Quốc sẽ cố không để xảy ra một làn sóng bỏ đi của các nhà đầu tư Mỹ ở Trung Quốc.
Về phía Mỹ, chính quyền Trump đã tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc hơn những chính quyền tiền nhiệm rất nhiều. Với diễn tiến hiện nay, Mỹ chắc chắn sẽ không để Trung Quốc dễ dàng thâu tóm công nghệ Mỹ. Ông Trump sẽ không hạ nhiệt trừ phi Bắc Kinh chấp nhận “thương mại có qua có lại” với Mỹ và bớt gây khó khăn cho các doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn ở Trung Quốc.
GS Trần Lê Anh (Giảng dạy Kinh tế và Quản trị tại đại học Lasell-Hoa Kỳ)
http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/doi-dau-kinh-te-my-trung-triet-ha-doi-thu-hay-cong-bang-thuong-mai-92732.html