Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Cuộc chiến Falkland/Malvinas (1982): Anh vượt vạn dặm đánh bại Argentina

 Vùng lãnh thổ thứ 2 mà Anh đang có tranh chấp chủy quyền là quần đảo Falkland mà Argentina cũng tuyên bố sở hữu với tên gọi là Malvinas.


Kết quả hình ảnh cho Cuộc chiến Falkland/Malvinas

Tầm quan trọng về địa-chính trị và kinh tế của Falkland/Malvinas

Chiến tranh Falkland (tiếng Anh: Falklands War, tiếng Tây Ban Nha: Guerra de las Malvinas), là một chiến tranh kéo dài trong mười tuần giữa Argentina với Anh về hai lãnh thổ là quần đảo Falkland và Nam Georgia cùng Quần đảo Nam Sandwich tại Nam Đại Tây Dương.

Quần đảo Falkland, có tên tiếng Tây Ban Nha là Malvinas, nằm ở phía Nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Nam Mỹ khoảng 460 km. Hiện tại, Falkland là lãnh thổ tự trị của Anh với thủ phủ Stanley, nằm trên đảo Đông Falkland.

Quần đảo Falkland gồm hai đảo chính của Đông Falkland và Tây Falkland, cùng với hơn 776 hòn đảo nhỏ hơn. Tổng diện tích của quần đảo là 12.173 km2. Cho đến nay, dân số đạt khoảng 2.379 người, phần lớn tập trung tại thủ đô Stanley.

Vị trí chiến lược của quần đảo Falkland gần gũi với khu vực phía nam của Nam Mỹ và Nam Cực. Nó là bàn đạp cho bất kỳ lực lượng nào muốn tiến hành các nhiệm vụ quân sự và dân sự ở Nam Cực. Với riêng nước Anh, vị trí này rất quan trọng trong việc tăng cường kiểm soát ở khu vực Nam Mỹ.

Vai trò của Falkland được minh chứng trong chiến thắng của Quân đội Anh đối với Hạm đội châu Á của Đức năm 1914, trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đến năm 1939, quần đảo trở thành nơi đóng quân của Hải quân Hoàng gia Anh tham gia trận chiến River Plate.

Cuoc chien Falkland/Malvinas (1982): Anh vuot van dam danh bai Argentina
Hạm đội hải quân Anh trong cuộc chiến Falklands năm 1982
Vai trò về giao thông và kinh tế cũng khẳng định tầm quan trọng của quần đảo Falkland.
Những giếng dầu phong phú trong vùng lãnh hải của quần đảo là nhân tố giúp phát triển kinh tế cho bản thân người dân ở Falkland và Anh. Theo tính toán, trữ lượng dầu thô dưới đáy biển ở khu vực này lên tới 60 triệu thùng (tương đương 9,5 tỷ mét khối).

Ngoài những hoạt động truyền thống về khai thác than, đánh bắt cá và cảng biển, du lịch cũng dần trở thành thế mạnh của quần đảo này. Hàng năm, hàng chục nghìn du khách đến thăm quần đảo trên những chiếc tàu du lịch, hấp dẫn với hệ động/thực vật đa dạng cùng các cơ sở nghỉ dưỡng được đầu tư hiện đại.

Ban đầu, quần đảo tranh chấp này được một số người Anh khai phá và được nước này tuyên bố chủ quyền với tên gọi Falkland vào thế kỷ 18. Sau đó Argentina, lấy tư cách là người thừa kế của Tây Ban Nha đã chiếm quyền sở hữu trên hòn đảo, nhưng quân đội Anh đã giành lại nó vào năm 1833.
Tuy nhiên, Buenos Aires không bao giờ thừa nhận chủ quyền của Anh ở đây và luôn khẳng định rằng, London đã sử dụng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo thuộc chủ quyền của họ với tên gọi là Malvinas.

Cuoc chien Falkland/Malvinas (1982): Anh vuot van dam danh bai Argentina
Quần đảo Falkland gồm hai đảo chính của Đông Falkland và Tây Falkland
Cuộc chiến tranh giành Falkland/Malvinas

Chiến tranh Falkland/Malvinas (hay còn gọi là Xung đột Falkland, Khủng hoảng Falkland), bắt đầu vào ngày 2 tháng 4 năm 1982 khi Argentina xâm nhập và chiếm đóng quần đảo này, trong một nỗ lực nhằm kiểm soát thực tế quần đảo mà họ yêu sách chủ quyền từ lâu.

Để giành lại quần đảo, Quân đội xứ sở xương mù đã triển khai một cuộc chiến chớp nhoáng nhưng đẫm máu đánh bật Argentina ra khỏi quần đảo này.

Thống soái Hải quân (First Sea Lord) Anh, Đô đốc hạm đội Henry Leach đã đề nghị Thủ tướng Margaret Thatcher cho phép bắt đầu tổ chức một binh đoàn tác chiến hỗn hợp gọi là Lực lượng đặc nhiệm (Task Force) để phái đến Nam Đại Tây Dương. 

Ngày 5 tháng 4, chính phủ Anh Quốc phái một biên đội tàu chiến, gồm cả tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân, vượt khoảng cách 8000 hải lý xuống vùng biển Nam Mỹ giao chiến với hải quân và không quân Argentina, trước khi tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ lên quần đảo Falkland.

Cuoc chien Falkland/Malvinas (1982): Anh vuot van dam danh bai Argentina
Máy bay chiến đấu Super Étendard của hải quân Argentina
Bộ phận tiền phương của Lực lượng đặc nhiệm chính là biên đội tàu đang tập trận định kỳ Springtrain ở Gibraltar - khu vực nước này cũng có tranh chấp chủ quyền với Tây Ban Nha. Khu vực này cách Anh tầm hơn 2000 hải lý, khoảng cách tới tâm điểm cuộc xung đột là 6000 hải lý.

Trước cuộc chiến tranh Falkland/Malvinas, Argentina sở hữu lực lượng hải quân khá mạnh và lực lượng không quân mạnh nhất châu Mỹ Latinh, với hơn 400 máy bay chiến đấu, trong đó có hơn 100 chiến đấu cơ khá hiện đại vào thời đó là 14 chiếc Super Étendard và các máy bay như A4 Skyhawk.
Tuy nhiên, Anh cũng sở hữu lực lượng hải quân hùng hậu cả về tàu chiến, đặc biệt là các hàng không mẫu hạm và tàu ngầm hạt nhân tối tân cùng lực lượng không quân hạm mạnh mẽ với máy bay chiến đấu AV-8 Harrier, trực thăng hạm và đầy đủ các loại máy bay trinh sát, tiếp dầu, tuần tiễu chống ngầm…

Trong hơn 2 tháng giao chiến đẫm máu kéo dài 74 ngày, mặc dù không quân Argentina đã gây nhiều thiệt hại cho không, hải quân Anh, nhưng ngược lại quân Anh đã bắn hạ hoặc tiêu diệt trên mặt đất 1/3 số máy bay chiến đấu của Argentina.

Xung đột được kết thúc khi Argentina đầu hàng vào ngày 14 tháng 6 năm 1982, quần đảo trở lại dưới quyền kiểm soát của Anh Quốc.

Cuộc chiến này đã khiến cho 907 người thiệt mạng. Trong đó, con số bên Argentina là 649 người. Bên phía Anh, có 255 binh lính và sĩ quan thiệt mạng. Ngoài ra, còn có 3 thường dân tử nạn trong cuộc chiến này.

Số người bị thương lên tới 1.188 (phía Argentina) và 777 (phía Anh). Số người Argentina bị bắt làm tù binh là 11.313 người, còn phía Anh chỉ có 115 người.

Tiếp tục tranh chấp chủ quyền từ sau cuộc chiến Falkland/Malvinas

Từ sau cuộc chiến Falkland/Malvinas, chính quyền Argentina vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền với quần đảo này. Mới đây nhất, trong Hiến pháp sửa đổi năm 1997, nước này coi đây là một phần của tỉnh Tiera del Fuego cùng với quần đảo Nam Georgia, Nam Sandwich.

Sau thất bại của Argentina, từ đó đến nay quan hệ giữa 2 nước vẫn còn rất căng thẳng, cả 2 bên đều ra sức củng cố chứng lý và tiếp tục đòi chủ quyền đối với quần đảo có vị trí quan trọng này.

Mới đây nhất, trong Hiến pháp sửa đổi, Buenos Aires coi quần đảo Malvinas là một phần của tỉnh Tiera del Fuego cùng với quần đảo Nam Georgia, Nam Sandwich. Những cơ sở pháp lý mà Argentina đưa ra bao gồm:

Thứ nhất là: Chủ quyền được chuyển từ Tây Ban Nha sang Argentina sau khi giành độc lập với nguyên tắc “uti possidetis juris” (sở hữu cái hiện có). Trong khi, bản thân Tây Ban Nha chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền, ngay cả khi có sự thuộc địa hóa của người Anh.
Thứ hai là: Anh đã chính thức từ bỏ thuộc địa này năm 1776, trong Công ước Nootka Sound, trong khi Argentina thì không. Việc Anh quay trở lại năm 1833 là bất hợp pháp theo luật quốc tế, nên Argentina luôn phản đối hành động này từ 17-6-1833 đến nay.
Thứ 3 là: Nguyên tắc tự định đoạt mà Anh đưa ra không thích hợp, khi mà những người dân hiện tại không phải là dân bản xứ. Thực chất, Anh đã đưa công dân của mình tới thay thế người Argentina sau năm 1883.
Thứ 4 là: Quần đảo nằm trong thềm lục địa của Argentia tuân theo Hiệp ước Liên hiệp quốc về thềm lục địa năm 1958.

Quần đảo Falkands/Manvinas hiện có khoảng 3.000 cư dân sinh sống
Ngược lại, Anh cũng tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” của mình với quần đảo nằm cách lục địa nước mình tới hơn 8000 hải lý (hơn 14.500km), với những lí do như sau:

Một là: Người Anh đã tuyên bố chủ quyền từ năm 1690 và chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình.
Hai là: Quần đảo được người Anh xây dựng cơ sở hạ tầng, liên tục và hòa bình từ năm 1833 đến nay, trừ 2 tháng xung đột với Argentia năm 1982. Những hành động của Argentia trong việc thành lập thuộc địa trên quần đảo giai đoạn 1820-1833 là không liên tục.
Ba là: Bản thân quần đảo không có người bản xứ trước khi Anh khai hoang lập địa tại đây.
Bốn là: Trong cuộc bỏ phiếu do chính Argetina khởi xướng năm 1994, 87% dân số trên đảo từ chối bất kỳ thảo luận về chủ quyền trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Năm là: Hiệp ước Lisbon (Hiệp ước về cải cách các thể chế quyền lực của Liên minh châu Âu EU) phê chuẩn, quần đảo Falkland là lãnh thổ hải ngoại của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Tổng thống Argentina Cristina Fernandez tham dự buổi lễ kỷ niệm 30 năm cuộc chiến tranh Malvinas/Falkland
Cả hai bên đều khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình và không từ bỏ tuyên bố chủ quyền với quần đảo này. Việc thiếu một chế tài phân xử và những mâu thuẫn trong các hiệp định, hiệp ước được ký chồng chéo trước đây đã khiến những chứng cứ pháp lý này rất khó để phân giải.

Argentina luôn tranh thủ đưa vụ việc quần đảo Malvinas ra trước cộng đồng quốc tế đòi phân xử nhưng Anh luôn từ chối ngồi vào bàn đàm phán. Từ đó đến nay, 2 nước tiếp tục có những hành động đòi chủ quyền quyết liệt khiến tình hình có lúc rất căng thẳng.

Vì vậy, trên đa số các bản đồ chính trị thế giới, quần đảo được đánh dấu như lãnh thổ tranh chấp giữa hai nước, không có màu sắc chỉ quốc gia có chủ quyền và in cả hai cách gọi tên của Anh và Argentina là quần đảo Falklands và Malvinas.

Tranh chấp Falklands/Malvinas giữa Anh và Argentina là bài học lớn cho những nước hiện đang có tranh chấp chủ quyền, cần chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, tỷ mỉ các cứ liệu lịch sử, văn bản pháp lý và hiện trạng quản lý, xây dựng, để kiện toàn hồ sơ tuyên bố chủ quyền các vùng tranh chấp, nếu vụ việc có được đưa ra tòa án quốc tế.



Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

Trường Sa - Khoảng lặng trước cơn bão binh đao...

Khi chiến tranh bùng nổ ở châu Âu trong những năm đầu 1940, khối phe trục đang nắm thế thượng phong trên các mặt trận. Là đồng minh của Đức và Ý, Nhật Bản cũng tích cực đánh chiếm các vùng lãnh thổ và thuộc địa của các đế quốc Anh, Hà Lan... ở châu Á đẩy cả thế giới cuốn vào lò lửa xung đột. 

Nước Mỹ tuy là đồng minh của Anh, Pháp sau đại chiến thứ I lại đang theo đuổi con đường trung lập và bảo toàn trong thời gian này. Nhưng với tham vọng bành trướng để chiếm đoạt các vùng khoáng sản, dầu mỏ phục vụ cho cỗ máy chiến tranh, Nhật Bản đã khiến Mỹ không thể ngoảnh mặt làm ngơ mãi khi các lợi ích của họ trên vùng Thái Bình Dương dần bị đe dọa. Đến khi Mỹ thực thi lệnh cấm vận hoàn toàn nguồn cung cấp nhiên liệu cho Nhật Bản thì đã đẩy nước Nhật vào cuộc đối đầu trực diện với Mỹ.

Trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh thương chiến với Trung Quốc làm kinh tế, xã hội của họ hụt hẫng, suy sụp thì chỉ còn Nga và Iran là nguồn cung dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc. Nước Nga ngày càng bị phương Tây bao vây, cấm vận gắt gao thì Iran là mục tiêu còn lại duy nhất của Mỹ nhằm triệt để cắt đứt nguồn cung nhiên liệu cho nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc. Động thái này dồn ép Trung Quốc vào đường cùng nên một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ-Trung đang dần hiện ra phía chân trời. Và "vùng xám" ở biển Đông sẽ là xuất phát điểm đầu tiên khi Trung Quốc sẽ hành động nhanh và quyết đoán nhằm chiếm đoạt và khống chế hoàn toàn kho trữ lượng dầu khí thiên nhiên này...

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tiếp theo từ bài:"Trường Sa - Khoảng lặng trước cơn bão binh đao..."

https://duongduc1000.blogspot.com/2011/03/truong-sa-khoang-lang-truoc-con-bao.html

Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu Hải dương 8 khỏi vùng biển Việt Nam

Ngày 19/7/2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông.


Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu Hải dương 8 khỏi vùng biển Việt Nam

Ngày 19/7/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/7/2019 liên quan đến diễn biến ở khu vực Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:
"Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông".
"Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực".
"Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam".
"Như đã khẳng định tại phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 16/7/2019, lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này". /.

AMTI: Cản trở Malaysia khai thác dầu khí ở biển Đông, TQ ngày càng sẵn sàng cưỡng ép và đe dọa vũ lực

Rủi ro va chạm với tàu thuyền của Trung Quốc ở khu vực biển Đông thời gian qua đã gia tăng khi Bắc Kinh cố cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của các nước láng giềng - AMTI cho hay.


AMTI: Cản trở Malaysia khai thác dầu khí ở biển Đông, TQ ngày càng sẵn sàng cưỡng ép và đe dọa vũ lực

Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định Trung Quốc đang thể hiện nước này ngày càng sẵn sàng ngăn cản hoạt động về dầu khí của các nước láng giềng trên biển Đông.
Theo AMTI, tàu cảnh sát biển Haijing 35111 của Trung Quốc hồi cuối tháng 5 đã tuần tra vùng nước gần cụm bãi cạn Luconia, ngoài khơi bờ biển bang Sarawak, Malaysia. Tại đây, tàu Trung Quốc đã ngăn cản hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza.
Số liệu công khai của Hệ thống nhận diện tự động (AIS) - ghi lại tín hiệu của các tàu thuyền trên 300 tấn hoạt động trên đại dương - cho thấy tàu Haijing 35111 vận hành trong khu vực và có hành động khiêu khích mạnh đối với hai tàu khác.
AMTI: Cản trở Malaysia khai thác dầu khí ở biển Đông, TQ ngày càng sẵn sàng cưỡng ép và đe dọa vũ lực - Ảnh 1.
Tín hiệu AIS cho thấy tàu Haijing 35111 của Trung Quốc (màu đỏ) di chuyển dày đặc quanh khu vực bãi cạn Luconia và lô dầu khí SK 308, nơi có giàn khoan của Sarawak Shell và hai tàu tiếp tế của Malaysia hoạt động trong tháng 5/2019 (Ảnh: AMTI)
Kể từ năm 2013, Trung Quốc duy trì các tàu hải cảnh hiện diện gần như liên tục ở xung quanh cụm bãi cạn Luconia - khu vực có trữ lượng dầu khí mà Malaysia đã khai thác nhiều thập kỷ. 
Trong thời gian 10-27/5 vừa qua, tín hiệu AIS từ tàu Haijing 35111 thể hiện tàu này tuần tra dày đặc ở khu vực xung quanh bãi Luconia, bao gồm vị trí có lô dầu khí SK 308 được Sarawak Shell - công ty con của Royal Dutch Shell - khai thác.
Theo tín hiệu, hai tàu tiếp tế ngoài khơi của Malaysia có tên Executive Excellence và Executive Courage đã di chuyển hầu hết tháng 5 trên lộ trình giữa lô dầu khí SK 308 và bờ biển Sarawak, được cho là để phục vụ giàn khoan Sapura.
Vào ngày 21/5, tàu hải cảnh Trung Quốc 35111 đã di chuyển vòng tròn với thái độ khiêu khích, và tiếp cận đến phạm vi 80m đối với hai tàu Malaysia.
"Bắc Kinh dường như ra sức cản trở các hoạt động về dầu khí của láng giềng ở bất cứ vị trí nào trong 'Đường 9 đoạn' (yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông, đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) phán quyết bác bỏ năm 2016-PV)" - báo cáo của AMTI ngày 16/7 viết, bổ sung rằng tình huống này đã hé lộ tiêu chuẩn kép trong hành vi của Bắc Kinh.
"Nhìn vào các vụ giằng co cự ly gần và hành xử thách thức, có thể thấy rủi ro rõ ràng khi một va chạm ngẫu nhiên có thể dẫn đến leo thang [căng thẳng]," AMTI đánh giá.
Theo đó, những hành động của Trung Quốc nhằm vào láng giềng ở biển Đông kể từ tháng 5 chứng minh nước này "ngày càng sẵn sàng sẵn sàng cưỡng ép và đe dọa vũ lực để cản trở hoạt động dầu khí của các nước láng giềng, ngay cả khi [Trung Quốc] vẫn theo đuổi việc thăm dò năng lượng ở vùng nước tranh chấp".
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 16/7 nêu rõ:
"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982."
"Chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam hết sức coi trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thiện chí và sẵn sàng giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình."
"Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam," bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Mỹ gửi yêu cầu lập cơ chế đối thoại ở biển Đông, quân đội Trung Quốc "bặt vô âm tín"

Một tư lệnh Mỹ mới đây chỉ trích Bắc Kinh phô trương sức mạnh ở biển Đông và không hồi đáp trước lời kêu gọi thiết lập cơ chế trao đổi khủng hoảng của Mỹ.


Mỹ gửi yêu cầu lập cơ chế đối thoại ở biển Đông, quân đội Trung Quốc "bặt vô âm tín"

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ (USINDOPACOM), cảnh báo tại Diễn đàn an ninh Aspen, tổ chức tại Colorado ngày 18/7 (giờ địa phương), về sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Ông Davidson cho biết, "đối thoại đang diễn ra" giữa Washington và Bắc Kinh ở cấp độ quân đội, tuy nhiên giữa hai nước vẫn cần có một cơ chế trao đổi về khủng hoảng để làm giảm bớt rủi ro từ những tính toán sai lầm.
"Cạnh tranh không đồng nghĩa với không tiếp cận. Chúng tôi (Mỹ và Trung Quốc) có tiếp cận ở cấp độ quân sự," đô đốc Mỹ nói. "[Nhưng] Mỹ có một yêu cầu lâu dài với Trung Quốc. Đối với tôi thì đó là xây dựng cơ chế trao đổi khủng hoảng với Chiến khu miền Nam - xử lý các vấn đề về biển Đông, và Chiến khu miền Đông [của quân đội Trung Quốc].... Họ vẫn chưa phản đồi đề nghị này."
Mỹ gửi yêu cầu lập cơ chế đối thoại ở biển Đông, quân đội Trung Quốc bặt vô âm tín - Ảnh 1.
Đô đốc Philip Davidson (giữa)
Theo SCMP, Mỹ và Trung Quốc đang ở vào thế cạnh tranh lẫn nhau trong vấn đề phát triển quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bắc Kinh phản đối các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) mà hải quân Mỹ tiến hành ở biển Đông, trong khi Mỹ và một số láng giềng Đông Nam Á bày tỏ lo ngại về hoạt động quân sự hóa leo thang của Trung Quốc tại đây.
Tướng Davidson xác nhận Washington cam kết duy trì hiện diện quân sự Mỹ ở vùng nước quốc tế trên biển Đông, nhằm nỗ lực giúp giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và gìn giữ trật tự trên cơ sở luật pháp quốc tế.
"Nhiều nước khác ủng hộ khá mạnh mẽ các chiến dịch tự do hàng hải của chúng tôi, bất chấp Trung Quốc phản đối," ông nói, lưu ý Mỹ có 5 đồng minh ký hiệp ước phòng thủ tương hỗ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Davidson nhắc lại sự kiện quân đội Trung Quốc tổ chức thử tên lửa ở biển Đông không lâu sau khi Bộ trưởng quốc phòng Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Singapore hồi đầu tháng 6, trong đó ông Ngụy tuyên bố Bắc Kinh có "quyền hợp pháp" khi bố trí khí tài trên các đảo đá ở biển Đông.
Đô đốc Mỹ chỉ trích tham vọng quân sự của Bắc Kinh đối với khu vực biển Đông, và mô tả diễn văn của ông Ngụy "không chỉ làm rõ rằng ông ta không nghĩ châu Á và Tây Thái Bình Dương là khu vực dành cho Mỹ, mà cơ bản ông ta còn nói rằng châu Á thậm chí không dành cả cho người châu Á, mà là dành cho người Trung Quốc".
Ngày 8/7, ông Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại diễn đàn gồm bộ trưởng quốc phòng từ các nước Mỹ-Latinh và các đảo quốc ở Thái Bình Dương, thừa nhận chương trình phát triển toàn cầu của Trung Quốc "Vành đai, Con đường" (BRI) là con đường để mở rộng hiện diện quân sự của Trung Quốc trong tương lai đến các khu vực khác trên toàn cầu. Điều này trái với nhiều khẳng định trước đó của giới chức Trung Quốc rằng không có yếu tố quân sự nào trong mục tiêu của BRI.
"Chỉ trong vài giờ, họ (Trung Quốc) bắn 6 tên lửa đạn đạo chống hạm - loại tên lửa mới mà họ phát triển - ở biển Đông," tướng Mỹ chỉ trích, đồng thời nêu yêu cầu cấp thiết về việc quân đội Mỹ nâng cấp khí tài và năng lực tác chiến để tránh bị qua mặt, bởi Trung Quốc đang tích lũy nhanh chóng năng lực trên mặt trận chiến tranh thông thường và cả công nghệ cao.

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2019

Asian Military Review: QĐND Việt Nam tăng cường hiện đại hóa đối phó với thách thức mới

Theo Asian Military Review, hơn 3 thập kỷ vừa qua Việt Nam đã không ngừng trang bị thêm nhiều hệ thống vũ khí mới để gia tăng tiềm lực quốc phòng đối phó với những thách thức mới.


Asian Military Review: QĐND Việt Nam tăng cường hiện đại hóa đối phó với thách thức mới

Tạp chí Asian Military Review ngày 27/6 đã đăng tải bài viết về quá trình hiện đại hóa quân đội của Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực: Lục quân, Không quân và Hải quân.
Theo bình luận của Asian Military Review thì hơn 3 thập kỷ vừa qua, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trang bị thêm nhiều hệ thống vũ khí mới nhằm gia tăng tiềm lực quốc phòng để đối phó với những thách thức trong tình hình mới.
Số liệu thống kê từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam trong năm 2018 là 5,5 tỷ USD, lớn thứ tư ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, Indonesia và Thái Lan. SIPRI dự đoán đến năm 2020, con số này sẽ vượt mức 6 tỷ USD.
Hiện đại hóa Lục quân
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2009 xác định: "Lục quân Việt Nam được trang bị theo hướng hiện đại, gọn nhẹ, có khả năng cơ động cao, có sức đột kích và hỏa lực mạnh, có khả năng tác chiến trong các điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu, phù hợp với nghệ thuật chiến tranh nhân dân hiện đại".
Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tiếp nhận đầy đủ 64 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK từ Công ty UralVagonZavod (UVZ) của Nga.
T-90S nặng 46,5 tấn, là mẫu xe xuất khẩu của dòng xe tăng T-90 và được vận hành bởi một kíp lái gồm ba người. Xe chạy bằng động cơ diesel Uraltrac V-92S2 với hộp số tự động APP-172 giúp cải thiện quá trình tăng tốc cũng như tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn tới 15% so với các biến thể T-90 trang bị hộp số cơ trước đó.
Tháp pháo và thân xe tăng T-90S được chế tạo từ giáp cuộn đồng nhất, riêng tháp pháo được bổ sung thêm giáp phản ứng nổ Kontakt-V (ERA). Các xe tăng T-90S của Quân đội Nhân Dân Việt Nam cũng đã được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1 (APS) nhằm nâng cao khả năng sống sót.
T-90 được trang bị pháo nòng trơn 2A46M 125mm cùng với các vũ khí phụ bao gồm súng máy đồng trục 7,62mm 6P7K và súng máy hạng nặng 12,7mm 6P49 gắn trên nóc.
Trong hợp đồng mua 64 xe tăng T-90 của Nga, bên cạnh biến thể T-90S, Việt Nam cũng mua một số lượng không được tiết lộ các xe tăng chỉ huy và kiểm soát T-90SK.
Biến thể này có thể được phân biệt bằng một ăng ten bổ sung nằm ở phía sau tháp pháo và được trang bị hệ thống thông tin tiên tiến phát triển từ hệ thống vô tuyến tần số cao R-168-100KBE hỗ trợ liên lạc mã hóa ở phạm vi lên tới 70km khi xe đứng yên.
Asian Military Review: QĐND Việt Nam tăng cường hiện đại hóa đối phó với thách thức mới - Ảnh 1.
Quân đội Nhân dân Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng đối với những thách thức mới. Ảnh: AMR
Quân đội Việt Nam cũng đang nâng cấp một số xe tăng T-54/55 MBT huyền thoại của mình lên biến thể tiêu chuẩn T-54M3. Tuy phiên bản nâng cấp vẫn sẽ giữ lại pháo D-10T2S 100mm nhưng hỏa lực của xe đã được tăng cường với súng cối 60mm được lắp ở bên trái tháp pháo.
Bên cạnh đó, xe cũng sẽ được trang bị một hệ thống điện tử mới do Công ty Rafael Advanced Defense Systems (Israel) cung cấp cũng như một bộ kính ngắm cải tiến có kênh hồng ngoại cho các hoạt động vào ban đêm.
Hợp đồng mua T-90S/SK của Quân đội Việt Nam được xem là chương trình mua sắm lớn đầu tiên sau nhiều năm.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thay thế lượng lớn súng trường tấn công Kalashnikov AK-47 cỡ nòng 7.62x39mm cổ điển của Liên Xô bằng súng trường tấn công hiện đại Galil 31/32 ACE do Israel Weapon Industries (IWI) chế tạo và cũng sử dụng đạn 7.62x39mm.
Năm 2014, Việt Nam đã ký với IWI một hợp đồng trị giá khoảng 100 triệu USD để xây dựng dây chuyền sản xuất súng trường trong nước sau cuộc đấu thầu cạnh tranh với sự tham gia của cả các nhà sản xuất Trung Quốc và Nga.
Hiện nay, cùng với ống kính quang học và súng phóng lựu dưới nòng, Galil ACE 31/32 đang được sản xuất nội địa tại Nhà máy Z111 sau khi được IWI chuyển giao công nghệ. Các khẩu Galil ACE 31/32 sản xuất trong nước sử dụng cả hộp tiến đạn của súng trường tấn công AK và có báng gập kim loại.
Nhà máy Z111 cũng đã bắt đầu sản xuất súng trường bắn tỉa hạng nặng OSV-96 12,7 mm do Cục Thiết kế Dụng cụ (KBP) của Nga chế tạo, vũ khí có thể tấn công và bắn hạ các xe bọc thép hạng nhẹ ở cự ly tới 1.800 m. KBP đã chuyển giao các công nghệ thiết kế và dụng cụ cần thiết cho nhà máy Z111 để sản xuất theo cấp phép.
Asian Military Review: QĐND Việt Nam tăng cường hiện đại hóa đối phó với thách thức mới - Ảnh 2.
Việt Nam đã tiếp nhận đầy đủ 64 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK từ Nga. Ảnh: AMR
Tăng cường sức mạnh Hải quân
Hải quân Nhân dân Việt Nam đã ký nhiều hợp đồng mua các phương tiện chiến đấu hiện đại cả trên mặt nước và dưới lòng biển, trong đó có 4 tàu hộ vệ tên lửa 2.100 tấn lớp Gepard (Dự án 11661E) do Cục Thiết kế - Xây dựng Zelenodolsk của Nga đóng.
Hai tàu hộ vệ tên lửa đầu tiên - Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ, đã được Việt Nam đưa vào hoạt động, lần lượt vào tháng 3 và tháng 8 năm 2011.
Các tàu này có chiều dài khoảng 102 mét, có sân đỗ trực thăng và kết cấu tàng hình giúp tàu có khả năng tàng hình trước ra đa của đối phương.
Vũ khí của tàu gồm một khẩu pháo chính AK-176M 76mm, hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Palma cùng 2 pháo AK-630M, bệ phóng ngư lôi 533mm và hệ thống tên lửa chống hạm SS-N-25 Uran-E. Hệ thống cảm biến gồm có radar điều khiển hỏa lực Bass Tilt và radar quét trên không/mặt biển Pozitiv-ME1.2 và sonar.
Hai tàu hộ vệ tên lửa tiếp theo của Việt Nam (Quang Trung và Trần Hưng Đạo) được thiết kế tối ưu hóa cho nhiệm vụ tác chiến chống ngầm (ASW) khi trang bị bộ ASW tiên tiến và hệ thống đẩy nâng cấp. Hai tàu này đã được Hải quân Việt Nam đưa vào biên chế tháng 2/2018.
Tháng 12/2009, Việt Nam ký một thỏa thuận mua 6 tàu ngầm diesel - điện (SSK) lớp Kilo cải tiến (Project 636.3MV) trị giá xấp xỉ 2,1 tỷ USD.
Với lượng choán nước 2.350 tấn khi nổi và 4.000 tấn khi lặn, các tàu ngầm này có thể đạt tốc độ tối đa dưới nước 20 hải lý/h (37km/h) và có tầm hoạt động lên tới 7.500 hải lý (13.890 km).
Vũ khí của tàu bao gồm các ngư lôi hạng nặng TEST-71M-NK và Type-53K-65KE 533mm cũng như tên lửa chống hạm SS-N-27A và tên lửa tấn công mặt đất SS-N-30A.
Asian Military Review: QĐND Việt Nam tăng cường hiện đại hóa đối phó với thách thức mới - Ảnh 3.
Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 số hiệu 011 Đinh Tiên Hoàng trong Lễ duyệt đội hình Hải quân Việt Nam năm 2015. Ảnh: Báo QĐND
Tính đến tháng 2/2017, tất cả 6 tàu ngầm của Việt Nam, bao gồm tàu ngầm Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu đã được đưa vào hoạt động.
Để hỗ trợ cho lực lượng tàu ngầm của Việt Nam, Nhà máy đóng tàu Z189 đã được giao nhiệm vụ sản xuất tàu cứu hộ tàu ngầm trang bị cho Quân chủng Hải quân.
Tháng 5/2018, tại Hải Phòng, Quân chủng Hải quân và Nhà máy Z189, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã cùng phối hợp tổ chức Lễ đặt ky tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS số hiệu "9316" cho Hải quân Nhân dân Việt Nam và dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào đầu năm 2021.
Không quân Việt Nam
Tuy vẫn tiếp tục vận hành một số lượng lớn máy bay chiến đấu cũ từ thời Liên Xô, những phương tiện được đưa vào sử dụng từ cuối những năm 1970 nhưng Không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam đang từng bước được hiện đại hóa.
Giai đoạn từ năm 2003 - 2013 Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đặt mua một số máy bay chiến đấu đa năng Sukhoi Su-30MK2 Flanker-F với khoảng 36 chiếc đã được chuyển giao tính đến cuối năm 2016.
Mặc dù Su-30MK2 đã tăng cường đáng kể khả năng cho Không quân Việt Nam nhưng số máy bay khác có trong biên chế, bao gồm một số lượng nhỏ tiêm kích Su-27 và tiêm kích - bom Su-22 Fitter đang dần hết tuổi thọ hoạt động. Việt Nam được cho là đang cân nhắc ký thêm các hợp đồng mua máy bay chiến đấu đa năng MiG-35 hoặc Su-35 từ Nga.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ukraine, Việt Nam đã và đang tập trung nâng cao các khả năng bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu (MRO) nội địa để phục vụ tốt hơn phi đội máy bay chiến đấu mua từ Nga.
Cơ sở MRO chính của Không quân Việt Nam là nhà máy A32 đặt tại Đà Nẵng. Ukraine được cho là đã hỗ trợ nhà máy này cải thiện khả năng MRO cũng như công việc hiện đại hóa cho các dòng máy bay chiến đấu cùng hệ thống điện tử hàng không và động cơ của chúng, chẳng hạn như động cơ Saturn AL-31 trang bị cho Su-27SK và Su-30MK2.
Một số chương trình nâng cấp mới nhất cũng được mở rộng để nâng cao khả năng hỗ trợ của nhà máy cho dòng Su-30MK2 mới hơn.
Phi đội máy bay vận tải chiến thuật của Không quân Việt Nam, trong đó có các máy bay An-2 và An-26 đã cũ nên rất cần thay thế mặc dù việc tiếp nhận 3 máy bay vận tải hạng trung Airbus C295 từ năm 2014 đã gia tăng đáng kể năng lực vận tải hàng không cho Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Việt Nam dự kiến ​​sẽ mua thêm máy bay mới để thay thế cho các phương tiện đã cũ nhưng vẫn chưa tiết lộ thời gian cụ thể.
Việt Nam được cho là cũng quan tâm đến việc mở rộng phi đội máy bay trực thăng lưỡng dụng của mình. Hiện tại, Không quân Việt Nam vẫn đang duy trì một số dòng máy bay này, bao gồm Mil Mi‐8, Mi‐17, Kamov Ka-32T.
Theo Giám đốc điều hành của Công ty Trực thăng Nga (Russian Helicopters, thuộc Tập đoàn Rostec), ông Andre Boginsky, hơn 80 máy bay trực thăng do Nga sản xuất đã được chuyển giao cho Việt Nam với phần lớn trong số đó là các nền tảng quân sự.
Tháng 11/2018, Công ty Trực thăng Nga đã tổ chức bay trình diễn để giới thiệu với các đối tác Việt Nam dòng máy bay trực thăng Ansat và Mi-171A2 mới nhất của mình tại Gia Lâm, Hà Nội.
Ansat là loại trực thăng đa năng hai động cơ hạng nhẹ có thể được chuyển đổi thành máy bay chở khách hoặc chở hàng và có thể vận chuyển tới 7 người. Trong khi đó, Mi-171A2 là phiên bản cải tiến của trực thăng vận tải quân sự Mi-8/17 được thiết kế để vận tải hành khách thông thường hoặc các nhân vật quan trọng (VIP).
Hoạt động bay trực thăng của Không quân Việt Nam cũng được hỗ trợ bởi một trung tâm MRO mới thiết lập vào tháng 4/2019. Với sự giúp đỡ của Công ty thành viên UEC-Klimov thuộc Tổng Công ty Động cơ Thống nhất Nga (UEC) cơ sở này ban đầu chuyên hỗ trợ cho các động cơ cánh quạt TV3-117 và VK-2500 và được đặt tại thành phố Vũng Tàu.
"Trung tâm được trang bị tất cả các thiết bị, phụ tùng và các bộ phận lắp ráp cần thiết để hỗ trợ hoạt động sửa chữa cho các động cơ do UEC-Klimov thiết kế," Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga Rostec cho biết.