Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Trung Quốc theo sát các hoạt động hải quân

Việc Trung Quốc phản đối hoạt động của Hải quân Mỹ ở Á châu là một phần trong một chiến lược xuất phát từ chính sách của họ, chứ việc này không có tính pháp lý.
Một viên đại úy hải quân Hàn Quốc (lieutenant, vừa nghĩa là trung úy, vừa nghĩa là đại úy hải quân – ND) đã tìm gặp tôi sau phần trình bày của tôi ở Hội thảo Trung-Mỹ tổ chức tại Đại học Tufts hồi đầu tháng. Câu hỏi ông ta đặt ra cho tôi là: Liệu Trung Quốc có tiếp tục phản đối các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Hoàng Hải hay không, nếu căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên lắng xuống? Câu trả lời của tôi là: Có. Các mục tiêu của Trung Quốc trên biển vượt xa quy mô của bất kỳ một kế hoạch tức thời nào, ở bán đảo Triều Tiên cũng như những nơi khác trên Hoàng Hải, Biển Đông Trung Hoa, hoặc Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông – ND). Bắc Kinh đang cố gắng thiết lập hồ sơ ghi chép (track record) về hoạt động hải quân, nhằm phản đối mọi hoạt động quân sự mà họ coi là chướng tai gai mắt, với hy vọng rằng hải quân các nước ngoài sẽ chấm dứt những chiến dịch ấy trên các vùng biển thuộc ngoại vi của biển Trung Quốc.
Đây không đơn thuần là một vấn đề pháp lý. Những lập luận điển hình cho tham vọng của Trung Quốc tại “các biển lân cận” cứ xoáy mãi vào chuyện khuôn khổ pháp lý. Điều này cũng dễ hiểu. Nhiều quốc gia có biển lo sợ rằng Bắc Kinh, do muốn biến vùng đặc quyền kinh tế của mình thành vùng nước có chủ quyền, đã tự viết lại các quy định của luật quốc tế để tạo cho Trung Quốc một vùng biển riêng dọc theo đường bờ biển của Trung Quốc. Tự do hàng hải sẽ bị tổn hại. Những nỗ lực như thế (của Trung Quốc) nhằm diễn giải lại luật biển tất nhiên đều bị để ý, và nếu Trung Quốc cứ khăng khăng như vậy, thì các nỗ lực đó sẽ không được thừa nhận – vì lý do đảm bảo tự do hàng hải. Các chuyến bay thăm dò, các chuyến cất cánh của tàu sân bay và những hoạt động tương tự rõ ràng là đang diễn ra không che giấu, như Trung Quốc vẫn thừa nhận một cách miễn cưỡng khi bị dồn ép.
Nhưng đã có tiền lệ cho việc một siêu cường đang nổi lên ra yêu sách đòi đặc quyền đặc lợi trong vùng biển lân cận như thể đó là vấn đề chính sách chứ không phải vấn đề luật pháp. Chẳng nhìn đâu xa, hãy trông ngay vào lịch sử Hoa Kỳ. Tất nhiên, tôi đang đề cập tới Học thuyết Monroe, cái tuyên bố chính sách năm 1823 mà vì nó, Mỹ đã cấm các đế quốc ở Âu châu tái lập quyền kiểm soát dù trực tiếp hay gián tiếp lên các nhà nước châu Mỹ Latin mới giành độc lập. Vào thời điểm Tổng thống James Monroe và Ngoại trưởng John Quincy Adams công bố chính sách không can thiệp của họ, Mỹ hầu như không có khả năng thực thi cam kết đó. Hải quân Mỹ chỉ gồm một số tàu khu trụ nhỏ và tàu nhỏ. Nhưng cùng với thời gian, khi siêu cường Mỹ nổi lên, Washington đã xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh, đủ để triển khai Học thuyết Monroe.
Không nguyên thủ quốc gia châu Âu nào chấp nhận coi Học thuyết Monroe là luật – Otto  von Bismarck bác bỏ, xem nó như một “giáo lý láo xược”, trong khi đó ngài Salisbury nhắc nhở Washington rằng luật quốc tế không được thiết lập thông qua một sắc lệnh đơn phương. Nhưng cuối cùng châu Âu đã phải nhượng bộ, để cho một nước Mỹ vũ trang hiện đại, một nước Mỹ lấn át ở khu vực, tiến vào Tân Thế giới. Thực lực đã thắng thế. Tại sao lại phải xây dựng các hạm đội tốn kém để chống lại Mỹ trên sân sau của Mỹ? Khi ấy, siêu cường nào yếu hơn có thể đưa ra các nguyên tắc. Và khi họ trở nên mạnh hơn, họ có thể yêu cầu những nước khác tuân thủ các nguyên tắc ấy, đồng ý hoặc không đồng ý với chúng. “Học thuyết Monroe mạnh ngang Hải quân Mỹ, và không mạnh hơn” – Tổng thống Theodore Roosevelt đã xác nhận vào năm 1908 như vậy.
Thật thế. Ngay cả đế quốc Anh, quốc gia cai trị đại dương, cuối cùng đã rút hạm đội Bắc Mỹ của họ về biển nhà, miễn cưỡng chấp nhận ưu thế của Hoa Kỳ. Và thời gian trôi qua – nếu được chính phủ củng cố một cách nhất quán và nếu không bị ai xúc tiến phản đối một cách nghiêm trọng – thì một chính sách như Học thuyết Monroe sẽ có thể giành được địa vị gần như pháp lý. Quả vậy, tại Hội nghị Hòa bình Paris, nơi chính thức chấm dứt Thế chiến I, phái đoàn Mỹ đã đưa được học thuyết này vào Hiệp ước Hội Quốc liên. Điều 21 của Hiệp ước tuyên bố rằng: “Để đảm bảo duy trì hòa bình, không điểm gì trong Hiệp ước này có thể tác động tới hiệu lực của những cam kết quốc tế – tức các điều ước về trọng tài hay điều ước về sự hiểu biết chung trong khu vực như Học thuyết Monroe”.
Do đó, không phủ nhận một chính sách đa phương cũng có ý nghĩa tương đương như đồng thuận với nó. Điều này đưa chúng ta quay lại câu chuyện Trung Quốc. Trung Quốc dường như đang đóng vai trò của nước Mỹ đâu đó ngày xưa trong thế kỷ 19, khi Washington tuy khẳng định chính sách không can thiệp nhưng lại chưa xây dựng được hải quân đủ mạnh để thực thi chính sách ấy. Tương tự, bằng cách đệ trình các khiếu nại, một cách nhất quán, về việc Hải quân Mỹ triển khai tàu khu trục tới Hoàng Hải hoặc tổ chức các chuyến thăm dò trên Biển Đông, Bắc Kinh thực chất đang tạo lập hồ sơ phản đối hoạt động quân sự của các nước khác ở vùng biển lân cận. Khi nào sức mạnh trên biển của Trung Quốc đã đủ chín, sự đi đầu của Trung Quốc có thể mang đến cho họ một chỗ đứng mạnh mẽ hơn, như là việc Mỹ đã làm vào những năm 1890.
Điều này có bổ sung cho hàng hải châu Á một Học thuyết Monroe Trung Quốc chăng? Không hẳn thế. Nhưng nếu công cuộc xây dựng sức mạnh trên biển – thể hiện qua một hạm đội hùng mạnh được tương trợ bởi máy bay và tên lửa cất cánh từ bờ – có kết quả, cuối cùng Trung Quốc sẽ có thể tiến vào các biển lân cận. Và họ có thể làm thế ngay cả khi không chiến thắng trên diễn đàn pháp lý. Do vậy, Mỹ và các nước đồng minh có biển như Nhật Bản và Hàn Quốc phải tiến hành các chiến dịch hợp pháp trên vùng biển lân cận, trong khi vẫn phải lên tiếng phản đối chính sách của Trung Quốc. Nếu không, họ có thể sẽ phải chấp nhận địa vị đứng đầu của Trung Quốc ở những vùng biển này.
James Holmes là phó giáo sư về chiến lược tại Đại học Hải chiến Hoa Kỳ. Quan điểm nêu trong bài là của cá nhân ông Holmes.
Người dịch: Đỗ Quyên
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011; Nguồn: Basam.info; 31.03.2011

Trung Quốc tăng cường phát triển vũ khí công nghệ cao


(VnMedia) - Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đang hướng tới kế hoạch phát triển vũ khí và thiết bị công nghệ cao mới cho các lực lượng của mình. Đây là một trong những nội dung được đưa ra trong cuốn sách trắng quốc phòng vừa được Trung Quốc công bố ngày hôm nay (31/3).

Theo đó, PLA sẽ cung cấp cho các chiến dịch trên bộ một hệ thống vũ khí xương sống gồm máy bay trực thăng, xe bọc thép tấn công cùng với các loại vũ khí đánh chặn và phòng không.

Còn hệ thống vũ khí xương sống của Lực lượng Hải quân Trung Quốc sẽ bao gồm một loạt tàu ngầm, tàu nổi mới cũng như máy bay tấn công trên biển.

Trong khi đó, Không quân Trung Quốc sẽ được trang bị một hệ thống vũ khí chính gồm các loại máy bay chiến đấu mới, các hệ thống tên lửa không đối đất.

Lực lượng Pháo binh thứ hai của PLA sẽ được tiếp nhận một hệ thống vũ khí đất đối đất với những tên lửa tầm trung và tầm xa đóng vai trò trụ cột chính.

Ngoài đề cập đến vấn đề vũ khí, cuốn sách trắng quốc phòng vừa được công bố đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về nền quốc phòng của Trung Quốc, từ môi trường an ninh, chính sách quốc phòng, chi tiêu quốc phòng đến vấn đề kiểm soát vũ khí. Mục đích công bố sách trắng quốc phòng của Trung Quốc là nhằm tăng tính công khai trong các kế hoạch quân sự của nước này đồng thời thúc đẩy lòng tin của thế giới đối với cam kết phát triển hoà bình của họ.

Đây là cuốn sách trắng quốc phòng thứ 7 của Trung Quốc kể từ khi nước này bắt đầu thực hiện việc ra sách trắng về quốc phòng năm 1998. Trong sách trắng quốc phòng mới, Trung Quốc khẳng định họ không có ý định tìm kiếm vị trí bá chủ thế giới, cũng không theo đuổi một kế hoạch bành trướng quân sự trong hiện tại cũng như trong tương lai dù cho nền kinh tế của đất nước đông dân nhất thế giới phát triển mạnh đến đâu.

Đề cập đến môi trường an ninh, cuốn sách trắng của Trung Quốc cho biết, thế giới nói chung vẫn hoà bình và ổn định nhưng tình hình an ninh thế giới đang ngày càng trở nên phức tạp và cuộc cạnh tranh giữa các nước trong lĩnh vực quân sự vẫn diễn ra gay gắt. Trong khi đó, Trung Quốc đang phải đối đầu với những thách thức về an ninh hết sức phức tạp và đa dạng.

Theo cuốn sách trắng quốc phòng của Trung Quốc, nước này đang theo đuổi một chính sách quốc phòng về bản chất là mang tính phòng vệ. Chính sách này được quyết định dựa trên con đường phát triển hoà bình của Trung Quốc, mục tiêu cơ bản, chính sách đối ngoại cũng như truyền thống văn hoá và lịch sử của nước này.

Mục tiêu và nhiệm vụ của chính sách quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới được xác định là bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia; duy trì sự hài hoà và ổn định về mặt xã hội; tăng cường hiện đại hoá các lực lượng vũ trang; duy trì hoà bình và ổn định thế giới.

Cuốn sách trắng quốc phòng mới ra cũng đã xem xét lại việc thực hiện chương trình hiện đại hoá Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), nói rằng quân đội của họ đã phát triển từ một lực lượng đơn lẻ thành một đội quân hùng mạnh với nhiều dịch vụ và nhiều loại vũ khí. Quân đội này đang hướng tới thời đại thông tin hoá.

PLA đã đặt ra một chiến lược phát triển 3 bước và thực thi phương pháp tiếp cận thay đổi từng bước. Theo đó, PLA coi việc cơ khí hoá như là nền móng và thông tin hoá như là trọng tâm.

Cuốn sách trắng mới cũng cho biết, mức tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là hợp lý và thích hợp, theo đó, chủ yếu bao gồm chi tiêu cho nhân sự, đào tạo và bảo dưỡng thiết bị. Mỗi một hạng mục này chiếm khoảng 1/3 ngân sách quốc phòng.

Trong suốt hai năm qua, khoản tăng chi tiêu quốc phòng được sử dụng để cải thiện các điều kiện cho binh lính và hoàn thành các nhiệm vụ quân sự đa dạng như từ việc cứu hộ động đất và hộ tống các chiến dịch ở Vịnh Aden và ngoài khơi bờ biển Somalia.

Trong bối cảnh giá cả và chi phí bảo dưỡng, duy trì quân đội leo thang, Trung Quốc đã tăng một mức độ vừa phải ngân sách cho vũ khí công nghệ cao và các cơ sở hỗ trợ cho những loại vũ khí này.

Sách trắng quốc phòng mới của Trung Quốc coi việc xây dựng lòng tin như một cách hiệu quả để duy trì an ninh và sự phát triển của quốc gia cũng như để bảo vệ hoà bình và sự ổn định trong khu vực.

Trung Quốc cũng coi trọng và đang đóng một vai trò tích cực trong các nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát vũ khí, giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trung Quốc cho rằng những cơ chế kiểm soát vũ khí đa phương, giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện nay nên được củng cố và đẩy mạnh, đồng thời các nước cũng nên tôn trọng mối quan ngại an ninh của nhau và nên duy trì sự cân bằng cũng như ổn định chiến lược trên toàn cầu.

Nguồn: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?newsid=217748&catid=17
Vân Linh - (tổng hợp)

CIA lặng lẽ mở trụ sở tại Hà Nội, Việt Nam đồng ý cho tàu Mỹ vào vịnh Cam Ranh

Một cách lặng lẽ, hai quốc gia Mỹ và Việt Nam đang kết thân hơn, trong đó có những dấu hiệu không được loan tin nhưng đầy minh bạch.
Tin cho biết cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA đã mở một văn phòng liên lạc tại Hà Nội, và Cộng sản Việt Nam nói với Hoa Kỳ rằng Vịnh Cam Ranh có thể mở cửa đón tàu chiến Mỹ. Các tin trên được phổ biến trên báo Honolulu Star thuật lại chuyến đi của đại sứ Việt Nam là Lê Công Phụng đã bay tới Hawaii mới 10 ngày trước để họp với Tư lệnh quân lực Mỹ vùng Thái Bình Dương là Đô đốc Robert Willard.

Theo lời tiết lộ của các viên chức Mỹ và Việt, ông Lê Công Phụng nói Việt Nam và Hoa Kỳ nên hợp tác để chống lại việc Trung quốc tranh lãnh thổ, lãnh hải và lộ ý đồ cản trở thông thương vùng Biển Đông. Đô Đốc Willard, người có nhiệm vụ an ninh vùng Biển Thái Bình Dương và giữ quan hệ quân sự với Trung quốc, được kể là đón nhận rõ ràng lời của ông Phụng.

Để nhấn mạnh quan hệ an ninh giữa hai nước, không đòan 13 tại căn cứ không quân Hickam nơi đây dự định đưa một đơn vị công binh tuyến đầu có tên Red Horse sang Việt Nam mùa hè này để làm việc với công binh Việt Nam trong việc tái thiết trường học và bệnh viện. Các viên chức Mỹ cũng tiết lộ về kế hoạch không quân Mỹ và các binh chủng Mỹ khác sẽ quan hệ với các đơn vị không tác chiến của Việt Nam, rồi từ từ tập trận huấn luyện cho các đơn vị tác chiến.

Quân đội Mỹ cũng bày tỏ ý muốn sử dụng các căn cứ không quân tại Việt Nam. Lực lượng Mỹ Thái Bình Dương dự định đưa các đại diện khác từ Việt Nam và từ các nước Đông Nam Á khác vào một khóa thực tập về đáp ứng thiên tai, và kế hoạch sẽ mở rộng các khóa thực tập như thế trong 2 năm tới. Quân lực Mỹ cũng dự định yểm trợ các toán công binh và y tế trong các dịch vụ khác.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Trân Châu Cảng, nơi đã gửi khoảng nửa tá tàu chiến sang thăm các hải cảng Việt Nam các năm gần đây, dự định mở một hội nghị với các cấp chỉ huy tương nhiệm vào mùa xuân này để thu xếp thêm các chuyến tàu chiến Mỹ thăm Việt Nam. Trong một quyết định có tính đột phá,  Việt Nam báo rằng hải cảng ở Vịnh Cam Ranh sẵn sàng mở ngõ đón tàu chiến hải quân nước ngoài. Vịnh này là nơi hải quân Mỹ trú đóng thời chiến tranh.

Việc tàu chiến Mỹ vào Cam Ranh cũng là dấu hiệu cho các nước châu Á rằng Mỹ muốn giữ an ninh khu vực và nhắc Trung quốc rằng Mỹ sẽ là một đối thủ khổng lồ. Năm ngoái phi cơ từ mẫu hạm USS George Washington đã chở nhiều lãnh tụ quân sự và chính trị Việt Nam bay ra tàu chiến đậu ngoaì khơi. Mẫu hạm USS John Stennis cũng làm như thế trước đó cùng năm, cả 2 lần đều bị Bắc Kinh phản đối vì nói vi phạm vùng Biển Đông của Trung quốc. Nhưng dấu hiệu rõ nhất là việc mở một văn phòng liên lạc tại Hà Nội bởi sở tình báo Mỹ CIA, cho thấy các dấu hiệu hợp tác về an ninh để chống lại Trung quốcgiữa hai nước.
Theo SBTN

Trung Quốc nâng cao khả năng giám sát và phát hiện mục tiêu trên biển

Một hệ thống định vị toàn cầu độc lập cho phép Trung Quốc nâng cao khả năng kiểm soát, theo dõi tất cả các mục tiêu từ trên không, nâng cao năng lực phối hợp tác chiến, giành ưu thế trong mọi tình huống…đó là những lý do mà Bắc Kinh đang nỗ lực phát triển các hệ thống vệ tinh của riêng mình bằng mọi giá. Dưới đây là bài viết “Satellites Support Growing PLA Maritime Monitoring and Targeting Capabilities” đăng trên “Jamestown Foundation”. 
Yaogan/Dao Cảm 3
Yaogan/Dao Cảm 3
Mạng "Jamestown Foundation" (Mỹ) mới đây cho biết các loại vệ tinh mới đang giúp Trung Quốc tăng cường khả năng chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và do thám (C4ISR). Các hệ thống vệ tinh sẽ cho phép quân đội Trung Quốc theo dõi, trinh sát, thông tin liên lạc và chuyển tiếp số liệu cho các hoạt động theo dõi và phát hiện mục tiêu trên biển. Thu thập thành công hình ảnh trung thực và độ phân giải cao, xác định mục tiêu và định vị của vệ tinh sẽ tạo thuận lợi cho quân đội Trung Quốc ngăn chặn tàu thuyền đối phương bằng các đòn tiến công nhiều mũi nhiều hướng của các tên lửa đạn đạo có điều khiển chính xác và tên lửa hạt nhân tầm thấp. Rõ ràng C4ISR đặt trên vũ trụ có thể giúp Trung Quốc sử dụng các phương tiện nhằm bảo vệ lợi ích ở các vùng biển tranh chấp.
Mặc dù chưa phát triển đến mức cao nhất trên nhiều lĩnh vực, nhưng khả năng của các vệ tinh Trung Quốc đang được cải thiện nhanh chóng. Trung Quốc có thể mua bổ sung hình ảnh thương mại của loại rađa độ mở tổng hợp và quang học điện, độ phân giải cao cho đến khi Bắc Kinh hoàn tất việc triển khai các vệ tinh tình báo hiện đại trong thập kỷ tới. Các nguồn cung cấp hình ảnh vũ trụ hiện nay cho Trung Quốc gồm các tập đoàn lớn như: Spot Image và Infoterra của châu Âu; MDA của Canađa; Antrix của Ấn Độ; GeoEye và Digital Globe của Mỹ. Nhưng Bắc Kinh đang kết hợp kiến thức của nước ngoài với khả năng sáng tạo ở trong nước để đạt được các tiến bộ quan trọng về C4ISR trên biển. Các vệ tinh độ phân giải cao, các bệ phóng và cơ sở hạ tầng phóng là các ưu tiên hiện nay của Trung Quốc. Bắc Kinh đang phát triển và thu được các công nghệ qua tất cả các phương tiện sẵn có. Các công ty phát triển vệ tinh của Trung Quốc đang thực hiện văn hóa công sở cạnh tranh, trong đó nhấn mạnh quản lý hiện đại, tiêu chuẩn hóa, kiểm soát chất lượng và khả năng sản xuất hàng loạt -một bộ phận trong các dự án công nghệ quân sự lưỡng dụng của Trung Quốc. Các tài sản trên quỹ đạo của Trung Quốc đang tăng nhanh chóng. Thực tế, C4ISR được sự hỗ trợ của hệ thống Qu Dian thống nhất, các hệ thống liên quan và các đường liên kết số liệu gồm các phương tiện thông tin liên lạc số và tiếng nói của quân đội Trung Quốc do các vệ tinh thông tin liên lạc của Fenghuo/Zhongxing/Shentong cung cấp.
Các tiến bộ đang giúp Trung Quốc nâng cao khả năng theo dõi và đe dọa việc triển khai lực lượng của đối phương ở các khu vực ven biển Trung Quốc. Theo Phó Đô đốc David Dorsett, Phó Tư lệnh phụ trách Các Hoạt động của Hải quân (CNO) về Ưu thế Thông tin của Mỹ: "Cách đây 10 năm, Trung Quốc chưa có rađa phát hiện mục tiêu ngoài chân trời và chưa có IRS (tình báo, giám sát và do thám). Hiện nay họ đã có khả năng về ISR và các rađa phát hiện mục tiêu ngoài chân trời. Sắp tới Trung Quốc sẽ tăng số lượng vệ tinh trên quỹ đạo và khả năng kết nối thông tin". Bộ Quốc phòng Mỹ còn cho biết thêm Hải quân Trung Quốc đang phát triển khả năng phát hiện mục tiêu ngoài đường chân trời (OTH) bằng các loại rađa Sky Wave và rađa Surface Wave OTH. Các rađa OTH có thể được gắn kết với các vệ tinh hình ảnh nhằm hỗ trợ việc xác định các mục tiêu ở cự ly lớn hơn từ bờ biển Trung Quốc nhằm hỗ trợ các cuộc tiến công chính xác tầm xa, kể cả bằng tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM). Hai nhà nghiên cứu đã từng làm việc tại Học viện Kỹ nghệ Không - Hải quân Trung Quốc cho biết nhờ hợp nhất số liệu thu thập được qua một số vệ tinh khác nhau, cộng với việc xử lý và kết nối các số liệu, Trung Quốc có thể cung cấp tất cả thông tin của các mục tiêu cho một cuộc tiến công ASBM tầm xa. Các vệ tinh là đường kết nối quan trọng trong cơ cấu ISR mà quân đội Trung Quốc rất cần để phát hiện, theo dõi và tiến công các tàu nổi nước ngoài trong khu vực biển tranh chấp. Trung Quốc đang phát triển nhiều loại vũ khí chính xác khác nhau, kể cả khả năng tác chiến đầu tiên (IOC) - tương đương tên lửa ASBM DF-21D. Theo Phó Đô đốc Dorsett, mặc dù kết nối số liệu vẫn là một thách thức và ASBM phải được thử nghiệm chống các mục tiêu cơ động trên biển, nhưng Trung Quốc sẽ có cơ quan kiểm soát và chỉ huy, trinh sát, giám sát và tình báo đặt trên vũ trụ cũng như các khả năng đánh giá trên mặt đất cần thiết để hỗ trợ việc triển khai tên lửa DF-21D. Hiện nay Trung Quốc vận hành khá nhiều vệ tinh, từ đó có thể cung cấp các số liệu quan trọng về mục tiêu trong khu vực biển của họ. Hơn nữa, ISR không đặt trên vũ trụ của Trung Quốc có thể cung cấp các thông tin cần thiết nhằm hỗ trợ triển khai DF-21D.
Giám sát biển, một nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển vệ tinh của Bắc Kinh, được ưu tiên ở cấp quốc gia và là một trong 8 lĩnh vực quan trọng đã được xác định trong Kế hoạch Phát triển Công nghệ Cao của Nhà nước mang số hiệu 863. Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) và một cơ quan nhà nước (SOA) có nhiệm vụ thiết kế, phát triển và quản lý các vệ tinh giám sát biển đầu tiên của Trung Quốc. Ngày 15/5/2002, Trung Quốc phóng vệ tinh giám sát biển đầu tiên Hải Dương-1A (HY-1A) lên quỹ đạo. Vệ tinh này theo dõi nhiệt độ và màu sắc nước biển, đồng thời thực hiện cả nhiệm vụ quân sự. Tháng 4/2007, Trung Quốc tiếp tục phóng vệ tinh HY-1B để giám sát các vùng biển, kể cả các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc. Hiện nay, Bắc Kinh có kế hoạch phóng thêm 15 vệ tinh Hải Dương làm nhiệm vụ giám sát biển và chia làm ba tầng. Loại HY-1 sẽ theo dõi màu nước biển bằng một phương tiện đo bức xạ quang học và nhiệt độ mặt nước biển bằng công cụ cảm biến quang học độ phân giải không gian trung bình; 8 vệ tinh, từ HY-1C-J, sẽ được phóng từng cặp lên quỹ đạo từ năm 2011-2019; 4 vệ tinh HY-2A-D sẽ được phóng trong thời gian tương tự. Vệ tinh HY-3 sẽ sử dụng các máy cảm biến của rađa độ mở tổng hợp (SAR) có độ phân giải 1-10m và rađa dải sóng X để theo dõi các nguồn, sự ô nhiễm trên biển và các khu vực ven biển. Tương tự, vệ tinh Môi trường cũng thực hiện nhiệm vụ giám sát môi trường/thảm họa trên biển. Hai vệ tinh đầu tiên Môi trường-1A và -1B sẽ cung cấp các hình ảnh siêu quang phổ có độ phân giải tới 30m. Hai vệ tinh Môi trường-1C và -1D sẽ được phóng trong năm 2011.
Vệ tinh Dao cảm của Trung Quốc là vệ tinh hiện đại phát hiện từ xa. Mặc dù về công khai vệ tinh này thực hiện các nhiệm vụ dân sự nhưng thực tế chúng cũng cung cấp hình ảnh toàn cầu, độ phân giải trung bình, chồng lấn, nhiều bước sóng dài của các mục tiêu quân sự. Nó có thể được xây dựng trên cơ sở loại vệ tinh Tài nguyên/Tiêmbinh để thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh các mục tiêu. Loại này cũng có thể có quan hệ với vệ tinh vẽ bản đồ và chụp ảnh Thiên Hội-1. Vệ tinh Dao cảm 1 được phóng lên quỹ đạo ngày 27/4/2006 và đã hoàn thành nhiệm vụ. Hai vệ tinh Dao cảm 2-11 được phóng ngày 25/5/2007 và 22/9/2010 và đến nay Trung Quốc có tổng số 12 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo. Tốc độ phóng vệ tinh nhanh chóng gần đây cho thấy đây là một ưu tiên cao của Chính phủ Trung Quốc. Vệ tinh Dao cảm 12 dự kiến phóng tháng 3/2011; các vụ phóng vệ tinh khác có thể giúp Trung Quốc nhanh chóng giám sát toàn bộ các vùng biển của họ. Hơn nữa, Trung Quốc sử dụng nhiều loại vệ tinh khác nhau để liên kết các thiết bị cảm ứng với các bệ phóng và hỗ trợ các chức năng hệ thống liên quan. Vệ tinh chuyển tiếp số liệu đầu tiên Thiên Liêm-1, tạo thuận lợi kết nối thông tin liên lạc giữa các vệ tinh và kiểm soát trên mặt đất. Vệ tinh Thiên Liêm-2 sẽ được phóng tháng 6/2011. Để tăng cường độ chính xác điều khiển các loại vũ khí, hệ thống định vị Compass/Bắc Đảu-2 sẽ cung cấp các số liệu vị trí.
Thách thức chủ yếu cho việc triển khai các loại vũ khí của Trung Quốc hiện nay là thu thập thông tin vị trí toàn cầu mà không cần dựa vào Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ. Bởi vì Bắc Kinh lo sợ Oasinhtơn có thể hạn chế cung cấp các tín hiệu trong thời chiến. Tướng về hưu Từ Quang Dụ cho biết giới phân tích của quân đội Trung Quốc khẳng định nếu GPS gián đoạn bất ngờ có thể khiến quân đội không thể theo dõi các tên lửa của Đài Loan bắn vào lãnh thổ Trung Quốc. Do đó Trung Quốc quyết định phát triển hệ thống định vị toàn cầu riêng bằng mọi giá. Ông Từ Quang Dụ cho biết thêm các hệ thống Bắc Đẩu và Viễn vọng của Trung Quốc bảo đảm rằng Mỹ không còn cơ hội sử dụng GPS để can dự các hoạt động của quân đội Trung Quốc. Vệ tinh định vị toàn cầu sẽ tạo thuận lợi cho quân đội Trung Quốc theo dõi các lực lượng bạn và đối phương bằng cách cung cấp các tín hiệu định vị tin cậy. Vệ tinh định vị toàn cầu sẽ thực hiện các chức năng thông tin liên lạc cơ bản để hỗ trợ việc chỉ huy và kiểm soát. Hiện Trung Quốc đang sử dụng các hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu do Trung Quốc sản xuất. Do Trung Quốc chỉ được tiếp cận hạn chế công nghệ thu nhận và không được tiếp cận công nghệ quân sự của hệ thống Galileo mới ra đời của châu Âu, rõ ràng Bắc Kinh đang nỗ lực phát triển vệ tinh Bắc Đẩu hiện đại hơn nữa. Năm 2007, Trung Quốc triển khai 3 vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu-1, tuy việc cung cấp dịch vụ ở phạm vi từ 70-140 kinh độ đông và từ 5-55 vĩ độ bắc còn hạn chế nhưng khu vực dẫn đường chính xác tới 20m. Điều này cho phép vệ tinh Bắc Đẩu-1 nhanh chóng hỗ trợ các hoạt động trên các vùng biển của Trung Quốc. Để bảo đảm tính độc lập hiệu quả trong tương lai và yểm trợ các hoạt động rộng lớn hơn, Trung Quốc đang triển khai một nhóm 35 vệ tinh (5 vệ tinh địa tĩnh và 30 vệ tinh trên quỹ đạo trung bình của trái đất) gọi là Bắc Đẩu-2/Compass, từ đó có thể bảo đảm độ chính xác cao trong việc dẫn đường và thông tin liên lạc trong khu vực vào năm 2011 và bảo đảm dẫn đường, thông tin liên lạc toàn cầu vào năm 2015-2020.
Hiện nay, tuy Trung Quốc đã đạt được tiến bộ nhanh chóng về các hệ thống độc lập hoặc “phần cứng”, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc theo dõi và bắt bám mục tiêu trên biển. Nhưng bất chấp những thách thức đó và được sự hỗ trợ cơ sở hạ tầng, nhân lực và các nguồn khác, Trung Quốc đang phát triển nhanh các vệ tinh giám sát. Bắc Kinh có cơ sở chiến lược rõ ràng để làm chủ các khả năng liên quan, đặc biệt các hoạt động của A2/AD tại các vùng biển gần như: Hoàng Hải, biển Nhật Bản (biển Hoa Đông) và biển Đông. Những thành công trên lĩnh vực vệ tinh nói trên có thể cho phép quân đội Trung Quốc giành ưu thế quân sự ở khu vực và thời gian cụ thể, nhất là trên các vùng biển hiện đang xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng khu vực./. 
Theo Jamestown Foundation

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Sự nổi lên của Trung Quốc có dẫn tới chiến tranh?

Các nhà lý luận về quan hệ quốc tế theo chủ nghĩa hiện thực thông thường sẽ cho rằng những sức ép cơ bản của hệ thống quốc tế sẽ đẩy Mỹ và Trung Quốc vào xung đột. Những nói đúng hơn, chủ nghĩa hiện thực cũng có thể lạc quan trong trường hợp này, nếu Washington có thể tránh cường điệu hóa nguy cơ đặt ra bởi sức mạnh đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Sự nổi lên của Trung Quốc sẽ có thể là câu chuyện lớn nhất về quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI, nhưng vẫn chưa rõ liệu câu chuyện này có một kết cục có hậu hay không. Liệu sự nổi lên của Trung Quốc có làm gia tăng khả năng xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc? Liệu một kỷ nguyên căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung có nguy hiểm như chiến tranh Lạnh? Hay sẽ tệ hơn, vì Trung Quốc không giống như Liên Xô, sẽ chứng tỏ là một đối thủ cạnh tranh thực sự về kinh tế cũng như về địa chính trị?
Các vấn đề này đã được một loạt các chuyên gia đề cập đến, từ những nhà sử học đến nhà kinh tế học và khu vực học. Nhưng những đặc điểm của riêng Trung Quốc, cách hành xử trước đây cũng như hành trình kinh tế của họ sau này có thể sẽ dẫn tới những sự kiện tương lai không nghiêm trọng như người ta tưởng, vì việc một quốc gia sẽ hành xử như thế nào trong vai trò là một siêu cường và liệu các hành động của họ và những người khác sẽ kết thúc trong chiến tranh hay không được quyết định bởi các mô hình chung của chính trị quốc tế chứ không chỉ bởi các nhân tố thuộc đặc tính riêng. Những câu hỏi lớn hơn về các điều kiện trong đó việc chuyển đổi quyền lực dẫn tới xung đột chính là cái mà các nhà lý luận về quan hệ quốc tế đang nghiên cứu.
Cuộc tranh luận về Trung Quốc chia các nhà lý luận về quan hệ quốc tế thành hai phe: tự do lạc quan và hiện thực bi quan. Những người lạc quan cho rằng vì trật tự thế giới hiện nay được quyết định bởi sự cởi mở về kinh tế và chính trị, nên nó phù hợp với sự nổi lên hòa bình của Trung Quốc. Theo đó, Mỹ và các nước lớn khác có thể và sẽ tỏ rõ rằng Trung Quốc được hoan nghênh gia nhập trật tự hiện nay và cùng thịnh vượng, và Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ làm điều tương tự thay vì phát động một cuộc chiến nguy hiểm và tốn kém để lật đổ hệ thống này và xây dựng một trật tự mới đúng với ý mình hơn.
Ngược lại, quan điểm hiện thực thông thường dự báo sẽ có cuộc cạnh tranh gay gắt. Hầu hết những người theo trường phái này đều cho rằng sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc sẽ khiến nước này theo đuổi những lợi ích của mình một cách quyết đoán hơn, từ đó sẽ khiến Mỹ và các nước khác cân nhắc biện pháp nhằm tạo thế cân bằng. Cái vòng luẩn quẩn này sẽ ít nhất sẽ phát triển thành một cái tương tự như sự không cởi mở trong thời chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, và thậm chí có thể trở thành một cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ. Thái độ cứng rắn gần đây của Trung Quốc khi đòi chủ quyền trên biển Hoa Đông và biển Đông, và quan hệ xích lại gần nhau hơn giữa Mỹ và Ấn Độ là những dấu hiệu cho thấy cái vòng luẩn quẩn ấy và các biện pháp tạo đối trọng đã bắt đầu.
Tuy nhiên trên thực tế, có một cách nghĩ khác cũng hiện thực nhưng vẫn lạc quan. Sự nổi lên của Trung Quốc không nhất thiết dẫn tới cạnh tranh và nguy hiểm như các lập luận hiện thực thông thường, vì các lực lượng cấu trúc đẩy các cường quốc chính vào xung đột tương đối yếu. Hơn nữa, những nguy cơ không được báo trước trong các học thuyết về hệ thống quốc tế nói chung, mà xuất phát từ các cuộc tranh cãi quy mô nhỏ, đặc biệt ở Đông Bắc Á. Và bối cảnh an ninh trong hệ thống quốc tế rộng hơn sẽ khiến các cuộc tranh cãi này trở nên dễ giải quyết hơn với Mỹ và Trung Quốc. Bởi vậy cuối cùng, kết quả của sự nổi lên của Trung Quốc sẽ ít phụ thuộc vào các sức ép của hệ thống quốc tế, mà phụ thuộc vào việc các lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc xử lý tình hình như thế nào. Các cuộc xung đột không được quyết định từ trước, và nếu Mỹ có thể thay đổi cho phù hợp với các điều kiện quốc tế mới, đưa ra một số nhượng bộ dù không thoải mái, và không thổi phồng các nguy cơ, thì hoàn toàn có thể tránh được một cuộc xung đột lớn.
Thế "tiến thoái lưỡng nan" có lợi về an ninh
Chủ nghĩa hiện thực cấu trúc giải thích các hành động của quốc gia dưới dạng sức ép và cơ hội tạo ra bởi hệ thống quốc tế. Theo quan điểm này, không cần nhìn vào các nhân tố bên trong để giải thích các cuộc xung đột quốc tế vì các hành động hàng ngày của từng quốc gia độc lập, nhằm nỗ lực đảm bảo an ninh của mình trong một thế giới hỗn loạn, có thể dẫn tới chiến tranh. Tất nhiên điều này không phải lúc nào cũng xảy ra và tại sao các nước tìm cách đảm bảo an ninh cho mình lại tự dấn thân vào chiến tranh thực sự là một câu hỏi khó, vì họ hoàn toàn có thể chọn cách hợp tác và các lợi ích của hòa bình thay vì chiến tranh. Câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở khái niệm thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh - một tình huống trong đó các nỗ lực của một quốc gia nhằm tăng cường an ninh cho mình sẽ làm giảm an ninh của các nước khác.
Một mặt, cường độ của thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh phụ thuộc vào mức độ dễ dàng tấn công và gây sức ép. Khi tấn công là điều dễ dàng thực hiện, thậm chí những gia tăng nhỏ về sức mạnh quân sự của một quốc gia cũng sẽ làm suy giảm đáng kể an ninh của các nước khác, càng gây thêm nỗi sợ hãi và dẫn tới tăng cường vũ trang. Ngược lại, khi việc phòng ngự và răn đe dễ dàng hơn thì các thay đổi về sức mạnh quân đội của một nước sẽ không hẳn là mối đe dọa với nước khác, và khả năng duy trì các quan hệ chính trị tốt giữa những người chơi trong hệ thống này sẽ được tăng cường.
Mặt khác, cường độ của thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh cũng phụ thuộc vào niềm tin của các nước vào các động cơ và mục đích của một nước. Ví dụ nếu một quốc gia tin rằng đối thủ của họ chỉ muốn đảm bảo an ninh - chứ không phải là ham vọng chế ngự cả hệ thống - thì khi đó họ sẽ thấy việc gia tăng sức mạnh quân sự của đối thủ không đáng lo lắng và không cảm thấy cần phải đáp trả, do đó tránh lao vào vòng luẩn quẩn leo thang quân sự và chính trị.
Khi thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh trở nên nghiêm trọng, chạy đua sẽ gia tăng và nhiều khả năng dẫn tới chiến tranh. Nhưng khi thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh dịu bớt, một người theo thuyết hiện thực cấu trúc sẽ thấy rằng hệ thống quốc tế tạo cơ hội cho kiềm chế và hòa bình. Hơn nữa nếu hiểu đúng, thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh cho thấy một quốc gia sẽ được an toàn hơn khi đối thủ của họ được đảm bảo an ninh hơn - vì tâm trạng bất an có thể buộc một đối thủ có các chính sách cạnh tranh và đe dọa. Động lực này khuyến khích kiềm chế và hợp tác. Nếu một đối thủ có thể thuyết phục được rằng tất cả những gì họ muốn là an ninh (chứ không phải bá chủ), thì đối thủ có thể được giải tỏa.
Tất cả những phân tích trên cho thấy điều gì trong sự nổi lên của Trung Quốc? Xét ở góc độ rộng nhất, đây là một tin tốt lành. Các điều kiện quốc tế hiện nay sẽ thúc đẩy cả Mỹ và Trung Quốc bảo vệ các lợi ích sống còn của mình mà không đặt ra mối đe dọa lớn cho nước kia. Vũ khí hạt nhân khiến các cường quốc có thể duy trì sức mạnh răn đe ở mức cao. Ngay cả khi sức mạnh của Trung Quốc vượt qua Mỹ, Mỹ vẫn hoàn toàn có thể duy trì sức mạnh hạt nhân để có thể chiến thắng mọi cuộc tấn công của Trung Quốc và đe dọa gây thiệt hại lớn trong một cuộc tấn công trả đũa. Trong khi đó, các cuộc tấn công thông thường quy mô lớn của Trung Quốc nhằm vào nước Mỹ thường là không thể vì Mỹ và Trung Quốc cách nhau cả một đại dương rộng lớn là Thái Bình Dương. Sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc sẽ không đủ vượt qua lợi thế kép trong phòng thủ của Mỹ. Và chính đây cũng là lợi thế của Trung Quốc. Dù hiện yếu hơn Mỹ về quân sự, nhưng Trung Quốc sẽ sớm xây dựng một sức mạnh hạt nhân đủ để răn đe. Và Trung Quốc sẽ không thấy các sức mạnh thông thường của Mỹ là mối đe dọa đặc biệt, vì phần lớn các lực lượng, hậu cần và hỗ trợ của Mỹ đều nằm bên kia bờ Thái Bình Dương.
Tác động toàn diện của các điều kiện này là sẽ làm trung hòa thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh. Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể duy trì mức độ an ninh cao hiện nay và dù Trung Quốc có khả năng nổi lên thành một siêu cường. Điều này sẽ giúp Washington và Bắc Kinh tránh những quan hệ địa chính trị căng thẳng, đồng thời giúp đảm bảo thế tiến thoái lưỡng nan này duy trì ở mức tiết chế, từ đó tạo điều kiện cho hợp tác.
Ví dụ, Mỹ sẽ lựa chọn cách không đáp trả việc Trung Quốc hiện đại hóa sức mạnh hạt nhân của mình. Sự kiềm chế này sẽ giúp trấn an Trung Quốc rằng Mỹ không muốn đe dọa đến an ninh của Trung Quốc, từ đó giúp cắt đứt một vòng xoáy chính trị có thể dẫn tới chạy đua hạt nhân.
Dù sự nổi lên của Trung Quốc tạo ra một số nguy hiểm, nhưng sự phân bố quyền lực đang thay đổi không làm cho các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trở nên không tương thích.
Còn các liên minh?
Tất nhiên các phân tích trên đây còn bỏ sót một đặc điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ - các liên minh quân sự quan trọng mà Mỹ đang duy trì với Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các thỏa thuận về an ninh giữa Mỹ với Đông Bắc Á. Nhưng dù thêm các quan hệ đồng minh này làm cho bức tranh toàn cảnh thêm phức tạp, chúng cũng không làm người ta mất lạc quan khi nói về sự nổi lên của Trung Quốc. Vậy các liên minh khu vực này quan trọng đến mức nào đối với an ninh của Mỹ.
Đúng là các thỏa thuận liên minh của Mỹ vẫn ổn định từ thời kỳ đầu chiến tranh Lạnh, nhưng sự nổi lên của Trung Quốc đang làm dấy lên các cuộc tranh luận về cái giá phải trả và những lợi ích có thể đạt được của chúng. Lập luận tương tự như trên - rằng Mỹ có thể đơn giản được an toàn khi có lợi thế về sức mạnh, địa lý và kho vũ khí hạt nhân - những người theo chủ nghĩa biệt lập kiểu mới này kết luận rằng Mỹ nên chấm dứt các quan hệ đồng minh ở châu Âu và châu Á vì không cần thiết và khá rủi ro.
Theo họ, nếu Mỹ có thể ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào nước mình, thì tại sao phải dựa vào các liên minh sẽ đẩy Mỹ vào các cuộc chiến lớn hơn ở những lục địa xa xôi? Việc bảo vệ các đồng minh của Mỹ ở châu Á có thể buộc Mỹ lao vào các cuộc xung đột chính trị và cạnh tranh về quân sự có thể làm căng thẳng những quan hệ chính trị giữa họ với Trung Quốc. Nói tóm lại, theo những người biệt lập kiểu mới này, sự nổi lên của Trung Quốc sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh của Mỹ, mà chính việc duy trì các quan hệ đồng minh hiện nay của Mỹ mới gây ra nguy cơ này.
Ngược lại, những người ủng hộ can dự có chọn lọc - cách tiếp cận giống với chính sách của Mỹ hiện nay - cho rằng chiến lược mà họ chọn cũng giống với những nét chính chủ nghĩa hiện thực cấu trúc. Trong khi những người theo chủ nghĩa biệt lập kiểu mới muốn Mỹ rút khỏi vị trí tiền đạo nhằm tránh bị đẩy vào một cuộc xung đột khu vực, những người ủng hộ can dự có chọn lọc cho rằng duy trì các cam kết đồng minh của Mỹ tại châu Âu và châu Á là cách tốt nhất để tránh bùng phát một cuộc xung đột ngay từ khi còn trong trứng nước.
Nguồn ảnh: Reuters
Vì vậy, nghiên cứu cách các cam kết đồng minh của Mỹ tương tác với sự nổi lên của Trung Quốc là một vấn đề quan trọng, cả về chính sách khu vực lẫn chiến lược lớn hơn của Mỹ nói chung. Nếu Mỹ duy trì các cam kết đồng minh quan trọng trong khu vực, Mỹ sẽ cần tăng cường khả năng răn đe của mình tại Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm đối phó với các lực lượng quân sự thông thường đang ngày càng lớn mạnh và đa năng của Trung Quốc. Nói theo cách nào cũng vậy, thách thức này sẽ giống như thách thức mà Mỹ từng phải đối mặt khi tăng cường tính răn đe ở Tây Âu trong thời chiến tranh Lạnh. Hai siêu cường đều sở hữu những khả năng trả đũa hạt nhân hùng mạnh, nhưng Liên Xô được cho là có các lực lượng thông thường ưu việt có khả năng xâm lược toàn châu Âu.
Trở lại câu chuyện xưa, giới chuyên gia tranh luận liệu các khả năng của Mỹ có đủ để ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường của Liên Xô chống lại châu Âu hay không. Họ bất đồng trước câu hỏi liệu học thuyết đáp trả mềm của NATO - theo đó kết hợp các lực lượng thông thường quy mô lớn với một lực lượng hạt nhân - có thể giúp Mỹ tạo ra sự răn đe hạt nhân đủ để ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường của Liên Xô hay không. Nghi ngờ về việc Mỹ sự sẵn lòng chạy đua phản ánh mối nguy hiểm rõ ràng là sẽ gặp phải cuộc trả đũa hạt nhân của Liên Xô. Tuy nhiên, lập luận thuyết phục hơn trong cuộc tranh luận này là chiến lược của Mỹ đã ngăn chặn được một cuộc tấn công thông thường của Liên Xô vì ngay cả một khả năng nhỏ Mỹ leo thang hạt nhân cũng tạo ra những nguy cơ lớn đối với Nga. Cùng logic này có thể áp dụng được với một siêu cường Trung Quốc trong tương lai. Sự kết hợp của các cam kết đồng minh rõ ràng, hướng tới các lực lượng thông thường được huy động, và các lực lượng hạt nhân có thể giúp Mỹ ngăn chặn một cuộc tấn công của Trung Quốc tại Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Niềm tin vào khả năng răn đe của Mỹ sẽ được củng cố bởi các quan hệ tương đối tốt giữa Mỹ và Trung Quốc. Những ai từng lo ngại Mỹ có thể không tăng cường khả năng răn đe ở Tây Âu đã nghi rằng Liên Xô là một nước theo chủ nghĩa xét lại hướng tới sự lật độ nguyên trạng và muốn gây nguy hiểm lớn. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc có những mục tiêu tham vọng đến vậy, vì thế tăng cường khả năng răn đe của Mỹ giờ sẽ trở nên dễ dàng hơn trong thời chiến tranh Lạnh. Và ngay cả khi sự kiện ít khả năng xảy ra đó trở thành hiện thực, tức là Trung Quốc trở thành một nước nguy hiểm như vậy, thì sự răn đe cũng vẫn có tác dụng dù sẽ khó khăn hơn.
Một số người theo chủ nghĩa hiện thực bi quan cho rằng nhằm được đảm bảo an ninh cao hơn, Trung Quốc sẽ thấy bị buộc phải theo đuổi mục tiêu bá chủ khu vực, gây ra xung đột trên con đường này. Tuy nhiên, quy mô, sức mạnh và vị trí cũng như kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ khiến họ rất khó tiến hành một cuộc tấn công thành công. Trung Quốc sẽ không cần đẩy Mỹ ra khỏi khu vực của mình để được đảm bảo an ninh, vì sự hiện diện của Mỹ sẽ không hủy hoại các khả năng răn đe lớn của Trung Quốc. Hơn nữa, việc Mỹ rút đi sẽ không tự động tạo ra thế bá chủ khu vực cho Trung Quốc, vì khi đó Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tăng cường các khả năng quân sự thông thường cũng như khả năng hạt nhân của mình, từ đó làm giảm đáng kể khả năng răn đe của Trung Quốc. Việc Trung Quốc tìm cách bá chủ khu vực, vì vậy, sẽ không cần thiết và không khả thi.
Đúng là sự hiện diện quân sự của Mỹ đang củng cố các khả năng quân sự của nước này, đe dọa khả năng Trung Quốc bảo vệ các vùng hải đảo cũng như đảo Đài Loan của mình. Nhưng liên minh Mỹ với Nhật cũng có lợi đối với Trung Quốc vì khiến Nhật chi tiêu ít hơn cho quốc phòng. Dù sức mạnh của Mỹ vượt xa của Nhật Bản, nhưng Trung Quốc vẫn coi liên minh này góp phần cho sự ổn định của khu vực, vì họ sợ Nhật Bản hơn Mỹ. Khi Trung Quốc lớn mạnh hơn, nước này có thể ngày càng khó chịu với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực Đông Bắc Á. Nhưng nếu không có nó, quan hệ Mỹ - Trung sẽ trở nên cực kỳ căng thẳng, vì vậy Trung Quốc sẽ chấp nhận Mỹ tiếp tục hiện diện trong khu vực.
Điều chỉnh trong vấn đề Đài Loan?
Có thể tránh được cạnh tranh về quân sự và chiến tranh, nhưng sự gia tăng sức mạnh Trung Quốc có thể đòi hỏi một số thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ mà Washingon sẽ không hề thấy dễ chịu, đặc biệt trong vấn đề Đài Loan. Trung Quốc đã tỏ rõ rằng họ sẽ sử dụng vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, và đa phần hoạt động gia tăng sức mạnh quân sự thông thường của Trung Quốc là nhằm tăng khả năng đối phó với Đài Loan và giảm khả năng can thiệp của Mỹ vào hòn đảo này. Vì Trung Quốc đặt vị trí ưu tiên đối với Đài Loan, và vì Mỹ và Trung Quốc có những quan điểm khác nhau trong tính hợp pháp của sự nguyên trạng, vấn đề này đặt ra nhiều mối nguy hiểm đặc biệt và thách thức đối với quan hệ Mỹ - Trung, khiến quan hệ này khác với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Một cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan hoàn toàn có thể nhanh chóng leo thang thành chiến tranh hạt nhân. Chính sách hiện nay của Mỹ nhằm giảm khả năng Đài Loan tuyên bố độc lập và tỏ rõ rằng Mỹ sẽ không ủng hộ Đài Loan làm như vậy. Tuy nhiên, Mỹ cũng chịu sức ép phải bảo vệ hòn đảo này trước mọi nguy cơ bị tấn công dù xuất phát từ đâu. Nhìn vào các lợi ích và cách nhận thức hoàn toàn khác nhau của các bên và sự kiểm soát bị hạn chế của Washington đối với hành động của Đài Bắc, một cuộc khủng hoảng có thể nảy sinh, trong đó Mỹ bị lôi kéo vào các sự kiện hơn là gây ra chúng.
Những mối nguy hiểm ấy đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, nhưng việc Trung Quốc tăng cường các khả năng quân sự có thể khiến Bắc Kinh sẵn sàng hơn trong việc gây ra một cuộc khủng hoảng Đài Loan. Bên cạnh việc cải thiện các khả năng thông thường, Trung Quốc cũng đang hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân nhằm gia tăng khả năng tự vệ và trả đũa sau một cuộc tấn công quy mô lớn của Mỹ. Lý thuyết răn đe thông thường cho rằng khả năng Washington phá hủy hầu hết hoặc tất cả sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc sẽ càng củng cố vị thế của họ trong thương lượng. Sự hiện đại hóa hạt nhân của Trung Quốc có thể khiến nước này không bị cản trở trong hành động, khiến họ hành xử liều lĩnh hơn trong các cuộc khủng hoảng tương lai so với trước. Trong khi đó việc Mỹ có ý định duy trì khả năng bảo vệ Đài Loan sẽ đổ thêm dầu vào ngọn lửa chạy đua vũ trang hạt nhân và thông thường. Việc Mỹ tăng cường các khả năng tấn công mục tiêu và phòng thủ bằng tên lửa đạn đạo chiến lược có thể được Trung Quốc hiểu như một dấu hiệu cho thấy các động cơ xấu của Mỹ, khiến Trung Quốc càng tăng cường quân sự và từ đó hủy hoại quan hệ Mỹ - Trung.
Trước những nguy cơ trên, Mỹ sẽ cân nhắc xem lại cam kết của mình tại Đài Loan. Điều này sẽ loại bỏ một điểm nóng bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời mở đường cho các quan hệ tốt hơn giữa hai nước này trong những thập kỷ tới. Nhưng những người chỉ trích động thái này lập luận rằng điều đó sẽ đặt ra không chỉ những cái giá trực tiếp đối với Mỹ và Đài Loan mà cả những cái giá gián tiếp: Bắc Kinh sẽ không hài lòng với sự nhượng bộ đó, họ sẽ đòi hỏi nhiều hơn - điều này càng được thúc đẩy bởi sự mất uy tín của Washington trong vai trò một người bảo vệ các đồng minh. Tuy nhiên, những chỉ trích như vậy là sai vì các nhượng bộ lãnh thổ không phải lúc nào cũng là yếu thế. Không phải mọi đối thủ đều là Hitler, và khi họ không phải là như vậy, thì việc điều chỉnh có thể là một công cụ chính sách hiệu quả. Khi một đối thủ có các mục tiêu lãnh thổ giới hạn, việc trao chúng cho họ có thể sẽ không dẫn tới những đòi hỏi xa hơn mà sẽ là sự hài lòng với nguyên trạng mới và giảm căng thẳng.
Khi đó, vấn đề cốt yếu là liệu Trung Quốc có các mục đích giới hạn hay không giới hạn. Đúng là Trung Quốc có bất đồng với một số nước láng giềng, nhưng có ít lý do để tin rằng họ đã hoặc sẽ phát triển các tham vọng lãnh thổ lớn trong khu vực của mình hoặc vượt ra xa hơn. Những nhượng bộ về Đài Loan sẽ có nguy cơ thúc đẩy Trung Quốc theo đuổi các chính sách đòi hỏi nhiều hơn trong những vấn đề mà sự nguyên trạng của nó đang gây tranh cãi, trong đó có quy chế các hải đảo và đường ranh giới biển trên biển Hoa Đông và biển Đông. Nhưng nguy cơ uy tín của Mỹ bị suy giảm trong việc bảo vệ đồng minh khi nguyên trạng này trở nên rõ ràng - như trường hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc - sẽ là rất nhỏ, đặc biệt nếu bất cứ thay đổi nào trong chính sách với Đài Loan đi kèm với các biện pháp bù trừ (như một tuyên bố mới về cam kết đồng minh khác của Mỹ, tăng cường quân đội Mỹ ở nước ngoài, và gia tăng các cuộc tập trận chung cũng như tăng cường hợp tác công nghệ với các đồng minh của Mỹ).
Mỹ có giảm các cam kết của mình với Đài Loan hay không và sẽ giảm thế nào là một vấn đề phức tạp. Nếu Mỹ quyết định thay đổi chính sách này, thì tốt nhất là nên nới lỏng dần dần các cam kết, thay vì ngừng đột ngột và công khai. Và vì các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đang được cải thiện trong những năm gần đây, nên Washington sẽ có thể vừa có thời gian và có lý do để đánh giá lại và điều chỉnh chính sách này trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới thay đổi.
Hơn nữa, dù sự nổi lên của Trung Quốc tạo ra một số nguy hiểm, nhưng sự phân bố quyền lực đang thay đổi không làm cho các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trở nên không tương thích. Các nguy cơ tiềm ẩn không góp phần gây ra xung đột lợi ích kéo theo một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc. Đúng hơn là, những khó khăn ngày càng nhiều trong việc bảo vệ một số lợi ích thứ yếu, dù không phải là tầm thường, của Mỹ đòi hỏi nước này phải đánh giá lại các cam kết chính sách đối ngoại của mình.

Những người theo chủ nghĩa hiện thực phân tích về việc các quá trình chuyển đổi quyền lực sẽ diễn ra như thế nào dựa trên giả định rằng các quốc gia hiểu đúng và phản ứng chính xác trước các tình huống quốc tế mà họ đối mặt.
Những người theo chủ nghĩa hiện thực lạc quan trong trường hợp này dựa vào giả định rằng giới lãnh đạo ở Mỹ đánh giá cao (và sẽ có thể hành động) mức độ an toàn cao bất thường mà Mỹ đang tận hưởng hiện nay. Nếu giả định này là sai, tức là nếu Mỹ thổi phồng thái quá mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra, thì các nguy cơ xảy ra xung đột trong tương lai sẽ càng lớn hơn. Thật không may, có một số lý do khiến ta phải lo ngại rằng giả định này trên thực tế có thể là sai.
Ví dụ, hiện rất nhiều người tin rằng một Trung Quốc đang nổi lên sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Mỹ. Niềm tin này có thể trở thành một lời tiên đoán tự đúng. Nếu Washington không nghĩ rằng việc Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự không đe dọa đến các lợi ích sống còn của Mỹ, họ có thể có các chính sách ngoại giao và quân sự mang tính cạnh tranh thái quá, những chính sách mà đến lượt nó lại khiến Trung Quốc hiểu rằng Mỹ đang có những động cơ xấu. Nếu Trung Quốc khi đó cảm thấy bất an, nhiều khả năng họ sẽ có những chính sách cạnh tranh mà Mỹ cũng sẽ xem là mang tính đe dọa cao hơn. Kết quả sẽ là một vòng luẩn quẩn không quyết định bởi tình hình quốc tế mà các nước này thực sự đang đối mặt, mà bởi sự bất an mà chính họ đã thổi phồng.
Hơn nữa, các nước thường xem nặng sự bất an của mình khi đánh giá không đúng các khả năng quân sự nhằm mục đích quốc phòng có thể với tới đâu. Trước chiến tranh thế giới I, Đức đã cường điệu về khả năng dễ xâm lược nên tin rằng sức mạnh đang gia tăng của Nga đe dọa đến sự tồn vong của mình. Kết quả là Đức phát động một cuộc chiến tranh phòng vệ không cần thiết.
Ảnh minh họa: baodatviet
Trong cuộc chiến tranh Lạnh, Mỹ đã cường điệu hóa mối đe dọa hạt nhân của Liên Xô, nên nghĩ rằng những cải tiến trong các lực lượng vũ trang của Liên Xô có thể vô hiệu quá mặt mạnh nhất trong khả năng răn đe của Mỹ - một cuộc trả đũa mạnh tay. Rất may là điều này không dẫn tới chiến tranh, nhưng nó đã làm gia tăng nguy cơ chiến tranh và gây ra quá nhiều căng thẳng và kéo theo những chi tiêu không cần thiết. Washington sẽ phải cảnh giác để không mắc phải những sai lầm tương tự khi Trung Quốc gia tăng các sức mạnh hạt nhân và thông thường, và khi các cuộc va chạm trong các vấn đề thứ yếu làm căng thẳng quan hệ.
Đến nay chưa có phản ứng thái quá nào của Mỹ trước sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhưng khả năng đó chắc chắn tồn tại. Ví dụ, Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ hiện nay kêu gọi Mỹ duy trì thế bá chủ về quân sự thông thường, nhưng lại không giải thích tại sao thế bá chủ này là cần thiết cũng như việc nó đòi hỏi có những lực lượng và khả năng quân sự như thế nào.
Trong tương lai trước mắt, Trung Quốc sẽ yếu hơn Mỹ về khả năng tấn công, nhưng chính việc họ tăng cường sức mạnh quân sự đã làm giảm khả năng của Mỹ trong việc tấn công vào các khu vực ngoại biên của Trung Quốc. Điều này sẽ sớm đặt ra những câu hỏi như chính xác tại sao Mỹ cần có sự bá chủ về các khả năng tấn công thông thường trên thế giới, các nhiệm vụ đặc biệt nào Mỹ sẽ không thể thực hiện nếu không có thế bá chủ ấy, và việc không thể thực hiện các nhiệm vụ này sẽ gây nguy hại cho an ninh của Mỹ đến mức nào. Nếu không có những câu trả lời rõ ràng, Mỹ có thể sẽ đánh giá quá cao ý nghĩa của việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự.
Nguy cơ của một mối đe dọa an ninh bị cường điệu hóa sẽ càng lớn hơn trong lĩnh vực hạt nhân. Báo cáo tình hình hạt nhân (NPR) năm 2010 của chính quyền Obama nhận định "Mỹ và các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc vẫn quan tâm đến việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự, trong đó có việc hiện đại hóa về chất lượng và số lượng kho vũ khí hạt nhân của họ".
Tuy nhiên NPR không nói rõ việc hiện đại hóa này đặt ra mối nguy hiểm nào. Hoàn toàn không có chuyện hiện đại hóa hạt nhân trong tương lai gần sẽ giúp Trung Quốc có thể phá hủy toàn bộ sức mạnh hạt nhân của Mỹ và hủy hoại khả năng đáp trả mạnh mẽ của Mỹ. Một cuộc hiện đại hóa lớn nhất cũng chỉ có thể loại trừ một phần ưu thế hạt nhân của Mỹ khi tạo cho Trung Quốc một lực lượng lớn hơn và bền bỉ hơn, từ đó giảm khả năng Mỹ đe dọa Trung Quốc bằng việc chạy đua hạt nhân trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
NPR nói rằng Mỹ "nên tiếp tục duy trì các quan hệ chiến lược ổn định với Nga và Trung Quốc", nhưng Trung Quốc luôn thiếu dạng sức mạnh có thể tạo sự ổn định theo tiêu chuẩn của Mỹ. Nếu Mỹ quyết định rằng an ninh của họ cần duy trì ưu thế hạt nhân so với Trung Quốc, họ sẽ đầu tư vào các khả năng nhằm phá hủy các sức mạnh hạt nhân mới của Trung Quốc.
Một nỗ lực như thế sẽ giống với chiến lược hạt nhân thời chiến tranh Lạnh của Mỹ, theo đó đặt tầm quan trọng hàng đầu vào việc phá hủy các sức mạnh hạt nhân của Liên Xô. Kiểu chạy đua vũ trang này giờ đây càng không cần thiết hơn trước. Mỹ có thể duy trì khả năng răn đe mạnh ngay cả khi Trung Quốc hiện đại hóa kho vũ khí, và một chính sách cạnh tranh hạt nhân có thể làm giảm an ninh của Mỹ vì nó sẽ khiến Trung Quốc hiểu rằng Mỹ đang thù địch, làm gia tăng sự bất an của Trung Quốc và hủy hoại quan hệ Mỹ - Trung.
Chắc chắn việc Trung Quốc tăng cường hạt nhân và vũ khí thông thường sẽ giảm một số khả năng của Mỹ mà Washington muốn duy trì. Nhưng Mỹ cũng không nên coi việc tăng cường các sức mạnh quân sự này là có động cơ xấu, thay vì thế nên hiểu là việc này cho thấy mong muốn chính đáng của Trung Quốc là đảm bảo an ninh cho mình.
Khi ông Donald Rumsfeld là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông nói về Trung Quốc tăng chi tiêu cho quốc phòng rằng "vì không có nước nào đe dọa Trung Quốc, nên nước này phải tự hỏi: Tại sao phải gia tăng đầu tư cho quốc phòng? Tại sao phải tiếp tục tăng mua vũ khí?" Câu trả lời là quá rõ. Nếu Trung Quốc có thể đưa các tàu sân bay tới gần bờ biển Mỹ và tấn công vào nước Mỹ bằng máy bay ném bom tầm xa, Washington đương nhiên sẽ muốn "mài cùn" các khả năng này, và nếu Mỹ có một sức mạnh hạt nhân chiến lược cũng dễ bị tổn thương và kém cạnh tranh như của Trung Quốc (hiện chỉ bằng 1/10 hoặc 1/100 của Mỹ), họ cũng sẽ cố gắng đuổi kịp nhanh nhất có thể. Các hành động này sẽ không nhằm khuất phục thế giới, và vì vậy không có lý do nào đủ thuyết phục để nghĩ rằng Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự là vì như thế.
Tóm lại, sự nổi lên của Trung Quốc là hòa bình, nhưng không có gì để đảm bảo điều đó. Ngược lại với lập luận của người theo chủ nghĩa hiện thực thông thường, các sức ép cơ bản của hệ thống quốc tế sẽ không đẩy Mỹ và Trung Quốc vào xung đột. Vũ khí hạt nhân, ngăn cách về địa lý bởi Thái Bình Dương, và các quan hệ chính trị hiện tương đối tốt sẽ khiến hai nước này đảm bảo an ninh ở mức cao và tránh các chính sách quân sự gây căng thẳng nghiêm trọng quan hệ giữa họ. Nhu cầu của Mỹ bảo vệ các đồng minh của mình ở Đông Bắc Á làm phức tạp vấn đề trong một chừng mực nào đó, nhưng hoàn toàn có thể tin rằng Washington có thể gia tăng khả năng răn đe cho Nhật Bản và Hàn Quốc, các đối tác khu vực quan trọng nhất của mình.
Thách thức đối với Mỹ sẽ là khả năng điều chỉnh chính sách trong các tình huống mà các lợi ích chưa phải là sống còn (như Đài Loan) có thể gây ra vấn đề, và ở chỗ đảm bảo rằng không cường điệu hóa nguy cơ đặt ra bởi việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh và khả năng quân sự./.