Mỹ sa sút trong khi Trung Quốc ngày càng phát triển trên khắp các lĩnh vực, thêm vào đó là chủ nghĩa dân tộc ngày càng nổi lên mạnh mẽ và ảnh hưởng của PLA tăng lên trong nội bộ chính trị Trung Quốc, chính điều này đã khiến Trung Quốc nghĩ rằng " Giờ đây chúng tôi đã mạnh, chúng tôi không cần phải cúi đầu trước Mỹ ".
Trung Quốc đang trở nên dân tộc chủ nghĩa và quả quyết hơn. Các nước khác sẽ phản ứng như thế nào?
Đó là một ngày đẹp trời ở Bắc Kinh vào đầu mùa Hè năm 2010. Trong một phòng hội nghị nằm ở khu Trường Đại học Bắc Kinh, một người trong đoàn đại biểu các học giả Mỹ đang ở thăm trường đã đặt câu hỏi với Wang Jisi, chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu quốc tế: “Ai là kẻ thù của các bạn?” Có một khoảng khắc yên lặng. Ông Wang ngập ngừng trước khi nhìn lên và trả lời: “Hầu hết người Trung Quốc sẽ nói rằng Mỹ là kẻ thù”.
Tuy nhiên, như Robert Ross trình bày trong cuốn sách của ông có tựa đề “Chính sách an ninh của Trung Quốc”, Mỹ và Trung Quốc đã có một mối quan hệ đối tác hữu ích đáng kể kể từ khi Tổng thống Richard Nixon và Henry Kissinger xuất hiện ở Bắc Kinh vào năm 1972. Đầu tiên sự hợp tác này dựa trên sự phản đối chung đối với Liên Xô, mà Trung Quốc đã đánh lại trong cuộc xung đột biên giới vào năm 1969. Dưới thời Mao, Trung Quốc đã thường đe dọa các nước láng giềng của mình, nhưng hiện nay không coi phần này trong chính sách đối ngoại của mình là quan trọng lắm bởi vì sự hợp tác với Mỹ là quan trọng hơn. Dưới thời Đặng Tiểu Bình, người kế nhiệm cuối cùng của Mao, Trung Quốc thậm chí còn miễn cưỡng chấp nhận việc Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.
Khi mối đe dọa Liên Xô tan biến, Trung Quốc tiếp tục đặt chính sách đối ngoại của mình xếp thứ hai – lần này là vì sự phát triển kinh tế. Một lần nữa, điều đó cần phải có sự hợp tác với Mỹ, nguồn cầu, công nghệ và đầu tư tốt nhất. Đặng Tiểu Bình đã tổng kết chính sách này bằng một khẩu hiệu nổi tiếng: “Tỉnh táo quan sát, bình tĩnh ứng phó, giữ vững trận địa giấu mình chờ thời, thực hiện mọi việc ở nơi có thể”. Khi thế giới bắt đầu lo lắng về sức mạnh đang nổi lên của Trung Quốc, một quan chức cấp cao đã nỗ lực xoa dịu những nỗi lo sợ, cam kết heping jueqi (trỗi dậy hòa bình). Thậm chí điều đó sẽ phải được làm dịu bớt đi, khi chữ jue trong “trỗi dậy” cho thấy “sự vươn lên đỉnh cao nhất”. Những ngày này Hồ Cẩm Đào, nhà lãnh đạo của Trung Quốc, thích đề cập hơn đến “thế giới hài hòa” nhẹ nhàng một cách có chủ tâm.
Trong nhiều năm các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã làm việc tích cực để lèo lái các mối quan hệ với Mỹ vượt qua các cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi của chúng. Nói chung, họ đã thành công. Hiện nay, cách cư xử của Trung Quốc – gần đây nhất là đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Biển Đông – đã bắt đầu gây lo ngại cho những người quan sát về Trung Quốc. Tuy nhiên, tại sao các nhà lãnh đạo của đất nước này lại đột ngột đánh liều phá hoại một chính sách mà đã mang lại cho Trung Quốc sự thịnh vượng như vậy?
Có hai lí do có thể. Một là chiến lược của Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi. Một số người Trung Quốc lập luận rằng hiện nay đất nước của họ là mạnh mẽ, họ không còn cần phải cúi đầu trước sức mạnh của Mỹ nữa. Những người khác thì cho rằng xã hội Trung Quốc tự thân nó đã bắt đầu thay đổi. Theo Richard Rigby, thuộc trường Đại học Quốc gia Ôxtrâylia ở Canbơrơ, các nhà lãnh đạo cần phải lắng nghe một cách sâu sát hơn những gì mà người khác nghĩ.
Nếu chúng ta có thể làm thì chúng ta sẽ làm
Hãy bắt đầu bằng chiến lược đang thay đổi của Trung Quốc. Trung Quốc ý thức sâu sắc về sức mạnh quốc gia ngày càng tăng của mình và sự sa sút của Mỹ, bị trầm trọng thêm bởi cuộc khủng hoảng tài chính, điều cho thấy những nhược điểm ở Mỹ và châu Âu và việc Trung Quốc mạnh hơn nhiều người mong đợi. Một nhà ngoại giao ở Bắc Kinh nói: “Ở Trung Quốc có nhận thức rằng phương Tây cần Trung Quốc hơn Trung Quốc cần phương Tây”. Các cuộc chiến tranh khó khăn của Mỹ đã làm tăng thêm ấn tượng này. Theo Raffaello Pantucci, một học giả đến thăm tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, các nhà phân tích Trung Quốc đã “vui mừng” kết luận rằng các lực lượng NATO sẽ thất bại ở Ápganixtan.
Một học giả của Trung Quốc nói với David Lampton thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế cấp cao ở Oasinhtơn: “Chúng tôi từng che giấu sức mạnh của chúng tôi – phủ nhận sức mạnh của chúng tôi. Nhưng sau đó việc này ngày càng trở nên không thể khi sức mạnh của chúng tôi gia tăng”. Trong một thời gian việc này đã dẫn đến những nỗ lực gấp đôi nhằm làm yên lòng Mỹ và khu vực này. Nhưng ngày nay, theo Yuan Peng thuộc Viện các quan hệ quốc tế đương đại của Trung Quốc ở Bắc Kinh, “nhiều học giả Trung Quốc đề nghị chính phủ từ bỏ ảo tưởng về quan hệ đối tác của Mỹ và đối diện trực tiếp với sự cạnh tranh chiến lược sâu sắc và không thể tránh khỏi”.
Mong muốn của Trung Quốc tự khẳng định mình xuất phát từ lòng ham muốn tự nhiên. Một đất nước đang nổi lên giống như việc ngồi ăn tối ở một chiếc bàn đầy thức ăn: cho tới khi anh ta bắt đầu ăn, anh ta không nhận ra rằng anh ta đói tới mức nào. Robert Kagan, một nhà bình luận về chính sách đối ngoại của Mỹ nói: “Sức mạnh thay đổi các quốc gia. Nó phát triển nhu cầu và mong muốn của họ, tăng cường ý thức về quyền của họ, đòi hỏi của họ được tôn kính. Nó cũng khiến cho họ có nhiều tham vọng hơn. Nó làm cho họ ít lùi bước hơn trước các trở ngại, họ sẵn sàng nói không để trả lời.
Trung Quốc rất giỏi trong việc kìm nén sự ham muốn đó, nhưng họ cũng ngày càng có lí do để triển khai sức mạnh. Các công ty của Trung Quốc đang sục sạo khắp toàn cầu để tìm các nguyên liệu thô mà họ cần. Trung Quốc đã là khách hàng lớn nhất của Arập Xêút. Trung Quốc nhập khẩu khoảng 1/2 số dầu lửa mà họ tiêu thụ, một tỷ lệ sẽ tăng lên đến 2/3 vào năm 2015 và 4/5 vào năm 2030. Trung Quốc quan tâm đến những gì xảy ra ở các nước cung cấp nguyên liệu thô cho họ.
Một điều mỉa mai không lọt qua mắt Kurt Campbell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, là chiến lược của Trung Quốc tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho đến nay dựa trên cơ sở cái mà ông gọi là một “hệ thống điều hành” do Mỹ cung cấp – điều đảm bảo sự ổn định và dòng lưu thông tự do trên biển. Một lí do tại sao Trung Quốc hiện nay đang xây dựng hải quân biển khơi là để bảo vệ các nguồn nguyên liệu thô và hàng hóa khỏi các lệnh cấm vận.
Điều này phản ánh sự thiếu lòng tin trong hệ thống thương mại toàn cầu, một phần của mối lo sợ tiềm ẩn rằng phương Tây về cơ bản là thù địch với sự thịnh vượng của Trung Quốc – như khẩu hiệu “phương Tây hóa, chia rẽ và làm suy yếu” cho thấy. Jonathan Paris, một chuyên gia về an ninh đóng tại Luânđôn, nói rằng thanh niên Trung Quốc đang bị vỡ mộng bởi cái họ coi là cú giáng mạnh vào Trung Quốc của phương Tây. Một số tổ chức có ảnh hưởng nghĩ rằng những lời kêu gọi từ nước ngoài rằng Trung Quốc trở thành “cổ đông có trách nhiệm” trên thực tế được tạo ra để kiềm chế đất nước này, và rằng họ nên hợp tác chỉ khi phương Tây có những sự nhượng bộ về các vấn đề như Đài Loan và Tây Tạng.
Câu hỏi là liệu các nhà lãnh đạo của Trung Quốc có đồng ý hay không rằng hiện nay là thời điểm để khẳng định sức mạnh của đất nước này. Đỉnh điểm của hoạt động chính trị của Trung Quốc gần với thế giới đến mức các nhà phân tích không thể biết chắc được. Vào năm 2009, Hồ Cẩm Đào nói rằng Trung Quốc có thể “tích cực” tạo ra các đóng góp vừa phải đối với các vấn đề quốc tế. Ở nơi nghỉ hè hàng năm của mình, tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà, có tin là các nhà lãnh đạo của đất nước đã tranh luận về Trung Quốc có nên dần từ bỏ khẩu hiệu “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình hay không. Một số tờ báo có ảnh hưởng của đảng có thể phản ánh tư tưởng của các nhà lãnh đạo kết luận rằng “chưa thể làm như vậy”. Tuy nhiên, ngay cả quan điểm đó cũng gây ấn tượng cho một số nhà ngoại giao như là một sự thay đổi. Vào những năm 1990, tranh luận là về việc liệu Trung Quốc có thể hợp tác với Mỹ về lâu dài hay không. Hiện nay, nó là về việc khi nào thì phải sử dụng sức ép.
Cho dù các nhà lãnh đạo nghĩ gì thì họ đang hoạt động trong một xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Những ngày này, họ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi một loạt các lợi ích chính sách đối ngoại mới, bao gồm các công ty tài nguyên, các thể chế tài chính, chính quyền địa phương, các tổ chức nghiên cứu, báo chí và các nhà hoạt động trực tuyến. Linda Jakobson và Dean Knox thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockhom (SIPRI) nghiên cứu về những nhóm này, nói rằng nhiều người trong số họ cảm giác mạnh mẽ rằng Trung Quốc cần phải “ít phục tùng hơn” đối với thế giới bên ngoài.
Sự quả quyết của những người như vậy phản ánh phần nào chủ nghĩa yêu nước mà chính phủ đã khích lệ để làm trụ cột cho tính hợp pháp của nó sau khi nó đàn áp các cuộc phản kháng ở Thiên An Môn vào năm 1989. Đầu tiên là lễ chào cờ hàng tuần với bài phát biểu làm phấn chấn lòng người ở mỗi trường học. Sau đó là các nhà bảo tàng và các di tích được tạo ra “trên cơ sở giáo dục lòng yêu nước”. Vào năm 1991, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng bí thư, đã viết rằng giáo dục lòng yêu nước “khiến nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là thanh niên, đề cao lòng tự hào và sự tự tin của họ ở trong nước và ngăn chặn sự sùng bái phương Tây nổi lên ”.
Sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc
Thế hệ đầu tiên nhận được sự đối xử đó hiện nay đã gần 30 tuổi, và chủ nghĩa dân tộc tỏ ra là chân thực và đang lan rộng. Lord Patten, người đã đàm phán sự chuyển giao quyền lực của Hồng Công từ Anh sang Trung Quốc, nói: “Về Tây Tạng và Đài Loan không chỉ các bộ trưởng của Trung Quốc mà cả những người bất đồng quan điểm cũng tỏ ra tức giận”. Ông White, một quan chức an ninh và quốc phòng trước đây của Ôxtrâylia nói: “Đây là một dân tộc với ý thức về sự vĩ đại trong quá khứ của họ, nỗi nhục nhã gần đây, thành tựu hiện nay và uy thế trong tương lai. Đó là một sự pha trộn mạnh mẽ”.
Giới truyền thông mang tính thương mại hơn của Trung Quốc nhận ra rằng chủ nghĩa dân tộc lan rộng. Theo Susan Shirk, học giả người Mỹ đồng thời là cựu phó trợ lý ngoại trưởng, các độc giả ưa thích các câu chuyện than phiền về Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ - và các nhân viên kiểm duyệt thường vui mừng thấy các tin tức về những sự việc như vậy. SIPRI nhận ra rằng những bài báo có ảnh hưởng nhất về chính sách đối ngoại xuất hiện trên tờ “Global Times”, được viết bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn.
“Các cư dân mạng” dễ bị kích động của đất nước này có xu hướng truyền bá ý tưởng rằng Trung Quốc đang bị hiểu sai và ở đâu cũng thấy sự coi thường. Vào năm 2008, trong một cuộc tranh cãi của Trung Quốc với Việt Nam về Biển Đông, một người khác cho rằng phải dạy cho Việt Nam một bài học – và đã công bố một kế hoạch xâm lược nhằm tỏ rõ điều đó. Điều này nuôi dưỡng cảm giác là nạn nhân của Trung Quốc. Một blogger và là một phóng viên, tên là Fang Kechang, đã tính toán rằng kể từ năm 1948 nhân dân Trung Quốc chính thức bị “làm nhục” ít nhất 140 lần – và rằng những sự xỉ nhục đó phổ biến trong thời cải cách hơn là trong thời Mao.
Những gì được coi là dư luận ở Trung Quốc không phải là nguồn áp lực duy nhất đối với các nhà lãnh đạo. Các phe phái trong giới tinh hoa có chọn lọc của Trung Quốc, không phải là hòn đá tảng thụ động, cũng đang tìm thấy tiếng nói của mình. Và điều đó cũng có xu hướng thúc đẩy chính sách hướng tới chủ nghĩa dân tộc. Các vấn đề quốc tế trước đây thường là công việc của Bộ Ngoại giao ủng hộ sự hòa hoãn. Bộ này bị chế giễu là “bộ phản bội lại đất nước mình” và được công chúng gửi cho những viên canxi để làm chắc thêm xương sống của nó.
Hiện nay, các vấn đề này phức tạp hơn, các bộ ngành trong nước và các quan chức bậc trung cũng liên quan đến – và họ có xu hướng dân tộc chủ nghĩa hơn các quan chức cấp cao thuộc bộ Ngoại giao. Các nhà nghiên cứu thuộc SIPRI nhận ra rằng đặc biệt là Bộ An ninh Quốc gia có vai trò lớn hơn trong chính sách đối ngoại. Tại các cuộc đàm phán về sự biến đổi khí hậu ở Côpenhaghen quyền lực thuộc về Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia, chịu trách nhiệm về sự phát triển kinh tế. Trung Quốc đã gây ra những sự chỉ trích của nước ngoài vì theo một đường lối cứng rắn, chống lại sự cố vấn của Bộ Ngoại giao.
Ảnh hưởng của PLA khó có thể biết được hơn. Một mặt, kể từ đại hội đảng năm 1992, không một sĩ quan nào được lựa chọn vào ủy ban thường vụ Bộ Chính trị hết sức quan trọng. Vào lúc kết thúc Cuộc Cách mạng văn hóa hơn ½ Bộ Chính trị là từ PLA; hiện nay chỉ 2 trong số 24 thành viên của Bộ Chính trị là từ PLA. Mặt khác, các tác giả từ các viện nghiên cứu của PLA nói thẳng hơn và đáng chú ý hơn so với họ trước đây, sử dụng các bài bình luận trên báo chí và xuất hiện trên truyền hình để thuyết phục mọi người chấp nhận các quan điểm của PLA.
Không như các quân đội chuyên nghiệp của phương Tây, PLA nói thẳng về chính sách đối ngoại. Trong cuốn sách của mình có tựa đề “The Party” (Đảng), Richard McGregor chỉ ra rằng có khoảng 90.000 chi bộ đảng – một chi bộ gồm 25 binh sĩ. Mặc dù những ngày này sự thăng tiến phụ thuộc vào năng lực cũng như hệ tư tưởng, vai trò chính trị của PLA đem lại cho nó tiếng nói trong chính sách an ninh. Không như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, các nhà lãnh đạo ngày nay không xuất thân từ quân đội, chính vì thế họ có thể cần phải giữ PLA ở gần mình.
Không có lý do gì để tin rằng quyền lực của các nhà lãnh đạo đã lu mờ dần. Nếu họ nghĩ rằng một chính sách là hết sức quan trọng đối với đất nước hay đối với đảng, họ sẽ giành được cái mà họ muốn. Nhưng chính trị hiếm khi đen trắng rõ ràng, ngay cả ở Trung Quốc. Chính quyền thường có có sắc thái của màu xám. Khi các nhà lãnh đạo nghe được một thông điệp duy nhất từ báo chí, các cư dân mạng và các cố vấn của chính họ, họ có thể cảm thấy họ cần phải lắng nghe. Khi dư luận bị chia rẽ, họ thường có thể bỏ qua nó. James Reilly thuộc trường Đại học Sydney, người đã nghiên cứu về chính sách của Trung Quốc đối với Nhật Bản, nói rằng áp lực công chúng có sức thuyết phục mạnh mẽ nhất khi giới tinh hoa bị chia rẽ.
Trong cả hai cách, các nhà cầm quyền sẽ phải theo dõi dư luận, chỉ bởi vì một cuộc phản kháng có thể trở thành một dạng biến đổi của sự chống đối. Rana Mitter thuộc trường Đại học Oxford nói rằng chính sách đối ngoại có lịch sử làm bất ổn các chính quyền ở Trung Quốc và người Trung Quốc nhanh chóng đổ lỗi cho những thất bại ở bên ngoài về yếu điểm trong nước – họ thích nói: “mất trật tự ở trong nước, tai họa ở nước ngoài”.
Chủ nghĩa dân tộc có thể tạo dựng một vấn đề trước khi các nhà lãnh đạo đối phó với nó. Vào lúc cuộc cãi vã về chẳng hạn quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) tranh chấp đến bàn làm việc của họ, bộ truyền thông, cùng với các nhà bình luận thuộc báo giới và các tuyên bố từ PLA, có thể tạo ra một bối cảnh mà họ không thể rút lui mà không có vẻ yếu kém.
Động lực này không phải là mới. Nó làm phức tạp rất nhiều cuộc va chạm trên không giữa một máy bay chiến đấu của Trung Quốc và một máy bay thám thính của Mỹ vào năm 2001, mà PLA đã đổ lỗi (một cách sai lầm) cho người Mỹ. Nhưng hiện nay, trong thời gian trước khi diễn ra sự thay đổi giới lãnh đạo của đất nước này vào năm 2012, dường như là một việc ngon xơi có thể làm hỏng cả sự nghiệp.
Shirk viết rằng điều nguy hiểm là “thỏa hiệp có thể bị xem là sự đầu hàng”. Điều đó gây ra các mối nguy hiểm cho bất cứ ai ở Trung Quốc ủng hộ sự hòa hoãn. Nói với ông Lampton về Đài Loan, một học giả Trung Quốc đã đề cập theo cách này: “Nếu chúng ta giả sử là có 2 sự lựa chọn và họ sử dụng các biện pháp cứng rắn … và nhà lãnh đạo thất bại trong việc giải quyết (một vấn đề), thì ông ấy được biện minh cho việc đó. Nhưng nếu ông ấy sử dụng quá nhiều sự mềm mỏng và ông ấy thất bại, thì ông ấy bị các thế hệ trong tương lai xem là có lỗi”.
Trong dài hạn, cơ hội để các nhà lãnh đạo hành động sẽ phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế. Một Trung Quốc đang bùng nổ sẽ cho thấy đất nước họ đủ mạnh để áp đặt lý lẽ của mình trên thế giới. Một Trung Quốc yếu kém ở đó sự tăng trưởng không chắc chắn và đảng cảm thấy phải chịu áp lực trong nước có thể gây rắc rối ở nước ngoài. Điều đó không mang lại nhiều cơ hội lắm cho một Trung Quốc ít quyết đoán hơn.
Giả sử rằng các nhà lãnh đạo muốn trung thành với lời huấn thị ban đầu của Đặng Tiểu Bình “giấu mình chờ thời”, có 3 điều có lợi cho họ. Thứ nhất, chủ nghĩa dân tộc đại chúng có giá trị trong phần lớn các tranh chấp lãnh thổ, như Đài Loan và các hòn đảo ngoài khơi của Trung Quốc. Theo Jian Yang thuộc trường Đại học Auckland , Niu Dilân, chủ nghĩa dân tộc ít có vai trò hơn trong các lĩnh vực công nghệ chẳng hạn như kinh tế học, lĩnh vực có thể cũng quan trọng như vậy, nếu không nói là nhiều hơn, đối với các nhà lãnh đạo. Thứ hai, Trung Quốc rõ ràng là không có một tầm nhìn lớn thay thế cho trật tự theo đường lối tự do mà Mỹ đã bảo trợ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Họ không cần phải vướng vào các cuộc tranh luận về tư tưởng ở nước ngoài.
Nhưng thứ ba, và quan trọng nhất, có nhiều việc Mỹ và Trung Quốc cùng nhất trí. Cả hai nước muốn có một nền kinh tế thế giới lành mạnh, châu Á ổn định, hòa bình ở Trung Đông, các con đường biển mở, hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân, một hệ thống thương mại cởi mở, v.v.. Họ có rất nhiều lý do muốn có các mối quan hệ đủ tốt để có thể thực hiện những việc như vậy.
Tăng cường tính quyết đoán
Kết quả có thể xảy ra nhất là Trung Quốc quyết đoán hơn muốn làm được nhiều việc hơn ở nước ngoài mà về cơ bản là không làm đảo lộn trật tự thế giới. Về các vấn đề lãnh thổ nhạy cảm mà ở đó uy tín của đảng đang lâm nguy, Trung Quốc có thể không nhượng bộ và ngày càng không thể chấp nhận được. Ở các lĩnh vực khác, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc sẽ có thể tìm kiếm các thỏa thuận – cho dù họ sẽ khăng khăng các điều khoản tốt hơn, để phù hợp với một cường quốc toàn cầu.
Thế giới sẽ thích nghi với Trung Quốc quyết đoán hơn dễ dàng như thế nào? Trong phần lớn một thập kỷ Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều để cam đoan lại với các nước láng giềng rằng họ không có gì phải lo sợ trước sự nổi lên của Trung Quốc. Chính vì vậy thái độ quyết đoán mới của nước này sẽ gây khó chịu gấp đôi, đặc biệt là nếu nó được kết hợp với các tranh chấp lãnh thổ gây tức giận. Nói cách khác, an ninh châu Á sẽ được quyết định không chỉ bởi việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh mới của mình như thế nào mà còn bởi việc các nước khác phản ứng lại hành động đó như thế nào. Đó là ý tưởng đằng sau Khái niệm an ninh mới mang tính hòa giải của Trung Quốc. Các nước khác sẽ bớt căng thẳng nếu họ được đảm bảo lại rằng Trung Quốc không gây ra một mối đe dọa. Không may thay, chiến dịch “ve vãn” không hoàn toàn có tác dụng.
Theo Economist
Lê Hưng (gt) 12.03.2011
Nguồn: nghiencuubiendong.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét