Một hệ thống định vị toàn cầu độc lập cho phép Trung Quốc nâng cao khả năng kiểm soát, theo dõi tất cả các mục tiêu từ trên không, nâng cao năng lực phối hợp tác chiến, giành ưu thế trong mọi tình huống…đó là những lý do mà Bắc Kinh đang nỗ lực phát triển các hệ thống vệ tinh của riêng mình bằng mọi giá. Dưới đây là bài viết “Satellites Support Growing PLA Maritime Monitoring and Targeting Capabilities” đăng trên “Jamestown Foundation”.
Mạng "Jamestown Foundation" (Mỹ) mới đây cho biết các loại vệ tinh mới đang giúp Trung Quốc tăng cường khả năng chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và do thám (C4ISR). Các hệ thống vệ tinh sẽ cho phép quân đội Trung Quốc theo dõi, trinh sát, thông tin liên lạc và chuyển tiếp số liệu cho các hoạt động theo dõi và phát hiện mục tiêu trên biển. Thu thập thành công hình ảnh trung thực và độ phân giải cao, xác định mục tiêu và định vị của vệ tinh sẽ tạo thuận lợi cho quân đội Trung Quốc ngăn chặn tàu thuyền đối phương bằng các đòn tiến công nhiều mũi nhiều hướng của các tên lửa đạn đạo có điều khiển chính xác và tên lửa hạt nhân tầm thấp. Rõ ràng C4ISR đặt trên vũ trụ có thể giúp Trung Quốc sử dụng các phương tiện nhằm bảo vệ lợi ích ở các vùng biển tranh chấp.
Mặc dù chưa phát triển đến mức cao nhất trên nhiều lĩnh vực, nhưng khả năng của các vệ tinh Trung Quốc đang được cải thiện nhanh chóng. Trung Quốc có thể mua bổ sung hình ảnh thương mại của loại rađa độ mở tổng hợp và quang học điện, độ phân giải cao cho đến khi Bắc Kinh hoàn tất việc triển khai các vệ tinh tình báo hiện đại trong thập kỷ tới. Các nguồn cung cấp hình ảnh vũ trụ hiện nay cho Trung Quốc gồm các tập đoàn lớn như: Spot Image và Infoterra của châu Âu; MDA của Canađa; Antrix của Ấn Độ; GeoEye và Digital Globe của Mỹ. Nhưng Bắc Kinh đang kết hợp kiến thức của nước ngoài với khả năng sáng tạo ở trong nước để đạt được các tiến bộ quan trọng về C4ISR trên biển. Các vệ tinh độ phân giải cao, các bệ phóng và cơ sở hạ tầng phóng là các ưu tiên hiện nay của Trung Quốc. Bắc Kinh đang phát triển và thu được các công nghệ qua tất cả các phương tiện sẵn có. Các công ty phát triển vệ tinh của Trung Quốc đang thực hiện văn hóa công sở cạnh tranh, trong đó nhấn mạnh quản lý hiện đại, tiêu chuẩn hóa, kiểm soát chất lượng và khả năng sản xuất hàng loạt -một bộ phận trong các dự án công nghệ quân sự lưỡng dụng của Trung Quốc. Các tài sản trên quỹ đạo của Trung Quốc đang tăng nhanh chóng. Thực tế, C4ISR được sự hỗ trợ của hệ thống Qu Dian thống nhất, các hệ thống liên quan và các đường liên kết số liệu gồm các phương tiện thông tin liên lạc số và tiếng nói của quân đội Trung Quốc do các vệ tinh thông tin liên lạc của Fenghuo/Zhongxing/Shentong cung cấp.
Các tiến bộ đang giúp Trung Quốc nâng cao khả năng theo dõi và đe dọa việc triển khai lực lượng của đối phương ở các khu vực ven biển Trung Quốc. Theo Phó Đô đốc David Dorsett, Phó Tư lệnh phụ trách Các Hoạt động của Hải quân (CNO) về Ưu thế Thông tin của Mỹ: "Cách đây 10 năm, Trung Quốc chưa có rađa phát hiện mục tiêu ngoài chân trời và chưa có IRS (tình báo, giám sát và do thám). Hiện nay họ đã có khả năng về ISR và các rađa phát hiện mục tiêu ngoài chân trời. Sắp tới Trung Quốc sẽ tăng số lượng vệ tinh trên quỹ đạo và khả năng kết nối thông tin". Bộ Quốc phòng Mỹ còn cho biết thêm Hải quân Trung Quốc đang phát triển khả năng phát hiện mục tiêu ngoài đường chân trời (OTH) bằng các loại rađa Sky Wave và rađa Surface Wave OTH. Các rađa OTH có thể được gắn kết với các vệ tinh hình ảnh nhằm hỗ trợ việc xác định các mục tiêu ở cự ly lớn hơn từ bờ biển Trung Quốc nhằm hỗ trợ các cuộc tiến công chính xác tầm xa, kể cả bằng tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM). Hai nhà nghiên cứu đã từng làm việc tại Học viện Kỹ nghệ Không - Hải quân Trung Quốc cho biết nhờ hợp nhất số liệu thu thập được qua một số vệ tinh khác nhau, cộng với việc xử lý và kết nối các số liệu, Trung Quốc có thể cung cấp tất cả thông tin của các mục tiêu cho một cuộc tiến công ASBM tầm xa. Các vệ tinh là đường kết nối quan trọng trong cơ cấu ISR mà quân đội Trung Quốc rất cần để phát hiện, theo dõi và tiến công các tàu nổi nước ngoài trong khu vực biển tranh chấp. Trung Quốc đang phát triển nhiều loại vũ khí chính xác khác nhau, kể cả khả năng tác chiến đầu tiên (IOC) - tương đương tên lửa ASBM DF-21D. Theo Phó Đô đốc Dorsett, mặc dù kết nối số liệu vẫn là một thách thức và ASBM phải được thử nghiệm chống các mục tiêu cơ động trên biển, nhưng Trung Quốc sẽ có cơ quan kiểm soát và chỉ huy, trinh sát, giám sát và tình báo đặt trên vũ trụ cũng như các khả năng đánh giá trên mặt đất cần thiết để hỗ trợ việc triển khai tên lửa DF-21D. Hiện nay Trung Quốc vận hành khá nhiều vệ tinh, từ đó có thể cung cấp các số liệu quan trọng về mục tiêu trong khu vực biển của họ. Hơn nữa, ISR không đặt trên vũ trụ của Trung Quốc có thể cung cấp các thông tin cần thiết nhằm hỗ trợ triển khai DF-21D.
Giám sát biển, một nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển vệ tinh của Bắc Kinh, được ưu tiên ở cấp quốc gia và là một trong 8 lĩnh vực quan trọng đã được xác định trong Kế hoạch Phát triển Công nghệ Cao của Nhà nước mang số hiệu 863. Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) và một cơ quan nhà nước (SOA) có nhiệm vụ thiết kế, phát triển và quản lý các vệ tinh giám sát biển đầu tiên của Trung Quốc. Ngày 15/5/2002, Trung Quốc phóng vệ tinh giám sát biển đầu tiên Hải Dương-1A (HY-1A) lên quỹ đạo. Vệ tinh này theo dõi nhiệt độ và màu sắc nước biển, đồng thời thực hiện cả nhiệm vụ quân sự. Tháng 4/2007, Trung Quốc tiếp tục phóng vệ tinh HY-1B để giám sát các vùng biển, kể cả các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc. Hiện nay, Bắc Kinh có kế hoạch phóng thêm 15 vệ tinh Hải Dương làm nhiệm vụ giám sát biển và chia làm ba tầng. Loại HY-1 sẽ theo dõi màu nước biển bằng một phương tiện đo bức xạ quang học và nhiệt độ mặt nước biển bằng công cụ cảm biến quang học độ phân giải không gian trung bình; 8 vệ tinh, từ HY-1C-J, sẽ được phóng từng cặp lên quỹ đạo từ năm 2011-2019; 4 vệ tinh HY-2A-D sẽ được phóng trong thời gian tương tự. Vệ tinh HY-3 sẽ sử dụng các máy cảm biến của rađa độ mở tổng hợp (SAR) có độ phân giải 1-10m và rađa dải sóng X để theo dõi các nguồn, sự ô nhiễm trên biển và các khu vực ven biển. Tương tự, vệ tinh Môi trường cũng thực hiện nhiệm vụ giám sát môi trường/thảm họa trên biển. Hai vệ tinh đầu tiên Môi trường-1A và -1B sẽ cung cấp các hình ảnh siêu quang phổ có độ phân giải tới 30m. Hai vệ tinh Môi trường-1C và -1D sẽ được phóng trong năm 2011.
Vệ tinh Dao cảm của Trung Quốc là vệ tinh hiện đại phát hiện từ xa. Mặc dù về công khai vệ tinh này thực hiện các nhiệm vụ dân sự nhưng thực tế chúng cũng cung cấp hình ảnh toàn cầu, độ phân giải trung bình, chồng lấn, nhiều bước sóng dài của các mục tiêu quân sự. Nó có thể được xây dựng trên cơ sở loại vệ tinh Tài nguyên/Tiêmbinh để thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh các mục tiêu. Loại này cũng có thể có quan hệ với vệ tinh vẽ bản đồ và chụp ảnh Thiên Hội-1. Vệ tinh Dao cảm 1 được phóng lên quỹ đạo ngày 27/4/2006 và đã hoàn thành nhiệm vụ. Hai vệ tinh Dao cảm 2-11 được phóng ngày 25/5/2007 và 22/9/2010 và đến nay Trung Quốc có tổng số 12 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo. Tốc độ phóng vệ tinh nhanh chóng gần đây cho thấy đây là một ưu tiên cao của Chính phủ Trung Quốc. Vệ tinh Dao cảm 12 dự kiến phóng tháng 3/2011; các vụ phóng vệ tinh khác có thể giúp Trung Quốc nhanh chóng giám sát toàn bộ các vùng biển của họ. Hơn nữa, Trung Quốc sử dụng nhiều loại vệ tinh khác nhau để liên kết các thiết bị cảm ứng với các bệ phóng và hỗ trợ các chức năng hệ thống liên quan. Vệ tinh chuyển tiếp số liệu đầu tiên Thiên Liêm-1, tạo thuận lợi kết nối thông tin liên lạc giữa các vệ tinh và kiểm soát trên mặt đất. Vệ tinh Thiên Liêm-2 sẽ được phóng tháng 6/2011. Để tăng cường độ chính xác điều khiển các loại vũ khí, hệ thống định vị Compass/Bắc Đảu-2 sẽ cung cấp các số liệu vị trí.
Thách thức chủ yếu cho việc triển khai các loại vũ khí của Trung Quốc hiện nay là thu thập thông tin vị trí toàn cầu mà không cần dựa vào Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ. Bởi vì Bắc Kinh lo sợ Oasinhtơn có thể hạn chế cung cấp các tín hiệu trong thời chiến. Tướng về hưu Từ Quang Dụ cho biết giới phân tích của quân đội Trung Quốc khẳng định nếu GPS gián đoạn bất ngờ có thể khiến quân đội không thể theo dõi các tên lửa của Đài Loan bắn vào lãnh thổ Trung Quốc. Do đó Trung Quốc quyết định phát triển hệ thống định vị toàn cầu riêng bằng mọi giá. Ông Từ Quang Dụ cho biết thêm các hệ thống Bắc Đẩu và Viễn vọng của Trung Quốc bảo đảm rằng Mỹ không còn cơ hội sử dụng GPS để can dự các hoạt động của quân đội Trung Quốc. Vệ tinh định vị toàn cầu sẽ tạo thuận lợi cho quân đội Trung Quốc theo dõi các lực lượng bạn và đối phương bằng cách cung cấp các tín hiệu định vị tin cậy. Vệ tinh định vị toàn cầu sẽ thực hiện các chức năng thông tin liên lạc cơ bản để hỗ trợ việc chỉ huy và kiểm soát. Hiện Trung Quốc đang sử dụng các hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu do Trung Quốc sản xuất. Do Trung Quốc chỉ được tiếp cận hạn chế công nghệ thu nhận và không được tiếp cận công nghệ quân sự của hệ thống Galileo mới ra đời của châu Âu, rõ ràng Bắc Kinh đang nỗ lực phát triển vệ tinh Bắc Đẩu hiện đại hơn nữa. Năm 2007, Trung Quốc triển khai 3 vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu-1, tuy việc cung cấp dịch vụ ở phạm vi từ 70-140 kinh độ đông và từ 5-55 vĩ độ bắc còn hạn chế nhưng khu vực dẫn đường chính xác tới 20m. Điều này cho phép vệ tinh Bắc Đẩu-1 nhanh chóng hỗ trợ các hoạt động trên các vùng biển của Trung Quốc. Để bảo đảm tính độc lập hiệu quả trong tương lai và yểm trợ các hoạt động rộng lớn hơn, Trung Quốc đang triển khai một nhóm 35 vệ tinh (5 vệ tinh địa tĩnh và 30 vệ tinh trên quỹ đạo trung bình của trái đất) gọi là Bắc Đẩu-2/Compass, từ đó có thể bảo đảm độ chính xác cao trong việc dẫn đường và thông tin liên lạc trong khu vực vào năm 2011 và bảo đảm dẫn đường, thông tin liên lạc toàn cầu vào năm 2015-2020.
Hiện nay, tuy Trung Quốc đã đạt được tiến bộ nhanh chóng về các hệ thống độc lập hoặc “phần cứng”, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc theo dõi và bắt bám mục tiêu trên biển. Nhưng bất chấp những thách thức đó và được sự hỗ trợ cơ sở hạ tầng, nhân lực và các nguồn khác, Trung Quốc đang phát triển nhanh các vệ tinh giám sát. Bắc Kinh có cơ sở chiến lược rõ ràng để làm chủ các khả năng liên quan, đặc biệt các hoạt động của A2/AD tại các vùng biển gần như: Hoàng Hải, biển Nhật Bản (biển Hoa Đông) và biển Đông. Những thành công trên lĩnh vực vệ tinh nói trên có thể cho phép quân đội Trung Quốc giành ưu thế quân sự ở khu vực và thời gian cụ thể, nhất là trên các vùng biển hiện đang xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng khu vực./.
Theo Jamestown Foundation
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét