Việc Trung Quốc phản đối hoạt động của Hải quân Mỹ ở Á châu là một phần trong một chiến lược xuất phát từ chính sách của họ, chứ việc này không có tính pháp lý.
Một viên đại úy hải quân Hàn Quốc (lieutenant, vừa nghĩa là trung úy, vừa nghĩa là đại úy hải quân – ND) đã tìm gặp tôi sau phần trình bày của tôi ở Hội thảo Trung-Mỹ tổ chức tại Đại học Tufts hồi đầu tháng. Câu hỏi ông ta đặt ra cho tôi là: Liệu Trung Quốc có tiếp tục phản đối các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Hoàng Hải hay không, nếu căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên lắng xuống? Câu trả lời của tôi là: Có. Các mục tiêu của Trung Quốc trên biển vượt xa quy mô của bất kỳ một kế hoạch tức thời nào, ở bán đảo Triều Tiên cũng như những nơi khác trên Hoàng Hải, Biển Đông Trung Hoa, hoặc Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông – ND). Bắc Kinh đang cố gắng thiết lập hồ sơ ghi chép (track record) về hoạt động hải quân, nhằm phản đối mọi hoạt động quân sự mà họ coi là chướng tai gai mắt, với hy vọng rằng hải quân các nước ngoài sẽ chấm dứt những chiến dịch ấy trên các vùng biển thuộc ngoại vi của biển Trung Quốc.
Đây không đơn thuần là một vấn đề pháp lý. Những lập luận điển hình cho tham vọng của Trung Quốc tại “các biển lân cận” cứ xoáy mãi vào chuyện khuôn khổ pháp lý. Điều này cũng dễ hiểu. Nhiều quốc gia có biển lo sợ rằng Bắc Kinh, do muốn biến vùng đặc quyền kinh tế của mình thành vùng nước có chủ quyền, đã tự viết lại các quy định của luật quốc tế để tạo cho Trung Quốc một vùng biển riêng dọc theo đường bờ biển của Trung Quốc. Tự do hàng hải sẽ bị tổn hại. Những nỗ lực như thế (của Trung Quốc) nhằm diễn giải lại luật biển tất nhiên đều bị để ý, và nếu Trung Quốc cứ khăng khăng như vậy, thì các nỗ lực đó sẽ không được thừa nhận – vì lý do đảm bảo tự do hàng hải. Các chuyến bay thăm dò, các chuyến cất cánh của tàu sân bay và những hoạt động tương tự rõ ràng là đang diễn ra không che giấu, như Trung Quốc vẫn thừa nhận một cách miễn cưỡng khi bị dồn ép.
Nhưng đã có tiền lệ cho việc một siêu cường đang nổi lên ra yêu sách đòi đặc quyền đặc lợi trong vùng biển lân cận như thể đó là vấn đề chính sách chứ không phải vấn đề luật pháp. Chẳng nhìn đâu xa, hãy trông ngay vào lịch sử Hoa Kỳ. Tất nhiên, tôi đang đề cập tới Học thuyết Monroe, cái tuyên bố chính sách năm 1823 mà vì nó, Mỹ đã cấm các đế quốc ở Âu châu tái lập quyền kiểm soát dù trực tiếp hay gián tiếp lên các nhà nước châu Mỹ Latin mới giành độc lập. Vào thời điểm Tổng thống James Monroe và Ngoại trưởng John Quincy Adams công bố chính sách không can thiệp của họ, Mỹ hầu như không có khả năng thực thi cam kết đó. Hải quân Mỹ chỉ gồm một số tàu khu trụ nhỏ và tàu nhỏ. Nhưng cùng với thời gian, khi siêu cường Mỹ nổi lên, Washington đã xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh, đủ để triển khai Học thuyết Monroe.
Không nguyên thủ quốc gia châu Âu nào chấp nhận coi Học thuyết Monroe là luật – Otto von Bismarck bác bỏ, xem nó như một “giáo lý láo xược”, trong khi đó ngài Salisbury nhắc nhở Washington rằng luật quốc tế không được thiết lập thông qua một sắc lệnh đơn phương. Nhưng cuối cùng châu Âu đã phải nhượng bộ, để cho một nước Mỹ vũ trang hiện đại, một nước Mỹ lấn át ở khu vực, tiến vào Tân Thế giới. Thực lực đã thắng thế. Tại sao lại phải xây dựng các hạm đội tốn kém để chống lại Mỹ trên sân sau của Mỹ? Khi ấy, siêu cường nào yếu hơn có thể đưa ra các nguyên tắc. Và khi họ trở nên mạnh hơn, họ có thể yêu cầu những nước khác tuân thủ các nguyên tắc ấy, đồng ý hoặc không đồng ý với chúng. “Học thuyết Monroe mạnh ngang Hải quân Mỹ, và không mạnh hơn” – Tổng thống Theodore Roosevelt đã xác nhận vào năm 1908 như vậy.
Thật thế. Ngay cả đế quốc Anh, quốc gia cai trị đại dương, cuối cùng đã rút hạm đội Bắc Mỹ của họ về biển nhà, miễn cưỡng chấp nhận ưu thế của Hoa Kỳ. Và thời gian trôi qua – nếu được chính phủ củng cố một cách nhất quán và nếu không bị ai xúc tiến phản đối một cách nghiêm trọng – thì một chính sách như Học thuyết Monroe sẽ có thể giành được địa vị gần như pháp lý. Quả vậy, tại Hội nghị Hòa bình Paris, nơi chính thức chấm dứt Thế chiến I, phái đoàn Mỹ đã đưa được học thuyết này vào Hiệp ước Hội Quốc liên. Điều 21 của Hiệp ước tuyên bố rằng: “Để đảm bảo duy trì hòa bình, không điểm gì trong Hiệp ước này có thể tác động tới hiệu lực của những cam kết quốc tế – tức các điều ước về trọng tài hay điều ước về sự hiểu biết chung trong khu vực như Học thuyết Monroe”.
Do đó, không phủ nhận một chính sách đa phương cũng có ý nghĩa tương đương như đồng thuận với nó. Điều này đưa chúng ta quay lại câu chuyện Trung Quốc. Trung Quốc dường như đang đóng vai trò của nước Mỹ đâu đó ngày xưa trong thế kỷ 19, khi Washington tuy khẳng định chính sách không can thiệp nhưng lại chưa xây dựng được hải quân đủ mạnh để thực thi chính sách ấy. Tương tự, bằng cách đệ trình các khiếu nại, một cách nhất quán, về việc Hải quân Mỹ triển khai tàu khu trục tới Hoàng Hải hoặc tổ chức các chuyến thăm dò trên Biển Đông, Bắc Kinh thực chất đang tạo lập hồ sơ phản đối hoạt động quân sự của các nước khác ở vùng biển lân cận. Khi nào sức mạnh trên biển của Trung Quốc đã đủ chín, sự đi đầu của Trung Quốc có thể mang đến cho họ một chỗ đứng mạnh mẽ hơn, như là việc Mỹ đã làm vào những năm 1890.
Điều này có bổ sung cho hàng hải châu Á một Học thuyết Monroe Trung Quốc chăng? Không hẳn thế. Nhưng nếu công cuộc xây dựng sức mạnh trên biển – thể hiện qua một hạm đội hùng mạnh được tương trợ bởi máy bay và tên lửa cất cánh từ bờ – có kết quả, cuối cùng Trung Quốc sẽ có thể tiến vào các biển lân cận. Và họ có thể làm thế ngay cả khi không chiến thắng trên diễn đàn pháp lý. Do vậy, Mỹ và các nước đồng minh có biển như Nhật Bản và Hàn Quốc phải tiến hành các chiến dịch hợp pháp trên vùng biển lân cận, trong khi vẫn phải lên tiếng phản đối chính sách của Trung Quốc. Nếu không, họ có thể sẽ phải chấp nhận địa vị đứng đầu của Trung Quốc ở những vùng biển này.
James Holmes là phó giáo sư về chiến lược tại Đại học Hải chiến Hoa Kỳ. Quan điểm nêu trong bài là của cá nhân ông Holmes.
Người dịch: Đỗ Quyên
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011; Nguồn: Basam.info; 31.03.2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét