Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Kinh tế Trung Quốc: Quả bom chờ nổ?

Sau hơn một thập kỷ phát triển nóng, kinh tế Trung Quốc có như quả bom chỉ chực nổ?
Vậy đâu là nguyên do đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tình thế lao đao? Ảnh: Economist
Vậy đâu là nguyên do đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tình thế lao đao? Ảnh: Economist

Trong thời gian gần đây, nền kinh tế Trung Quốc đang phát đi những tín hiệu không mấy khả quan.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc, tuy sản lượng công nghiệp của nước này tăng 8,6% trong hai tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn kém xa so với mức kỳ vọng 9,5% của thị trường và là sản lượng tệ nhất tính từ tháng 4/2009.
Các phân khúc khác của nền kinh tế cũng gặp khó khăn. Tăng trưởng doanh số bất động sản chững lại ở tốc độ chậm nhất trong vòng 3 năm, nhích 11,8% trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, gây thất vọng đối với giới đầu tư khi chưa chạm mốc ước đoán 13,5%.
Hoạt động ảm đạm trên các sàn giao dịch bất động sản Trung Quốc. (Nguồn: CEIC, UBS)
Hoạt động ảm đạm trên các sàn giao dịch bất động sản Trung Quốc. (Nguồn: CEIC, UBS)
Các khoản đầu tư vào tài sản cố định – một yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động kinh tế - còn chuyển biến tệ hơn khi tăng vỏn vẹn 17,9% so với cùng kỳ, tỷ lệ thấp nhất trong vòng 11 năm.
Tình hình xuất khẩu của Đại lục trong tháng Hai cũng không mấy khởi sắc khi chỉ đạt 114 tỷ USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái, một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư Trung Quốc hoảng loạn.
Số liệu xuất khẩu của Trung Quốc gây thất vọng trong tháng Một. (Nguồn: CEIC, Standard Chartered)
Số liệu xuất khẩu của Trung Quốc gây thất vọng trong tháng Một. (Nguồn: CEIC, Standard Chartered)
Thị trường tiêu dùng nội địa cũng không tiến triển hơn. Chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất đã chững lại trong tháng Hai, với giá tiêu dùng trượt xuống 2% từ mốc 2,5% trong tháng Một, còn giá sản xuất tiếp tục giảm từ -1,6% trong tháng Một xuống còn -2% trong tháng Hai. Giá sản xuất đã liên tục trượt dốc trong 2 năm gần đây, làm nhiều nhà kinh tế lo ngại về tình trạng giảm phát nhãn tiền.

Cả giá sản xuất và giá tiêu dùng Trung Quốc cùng giảm trong hai tháng đầu năm.
Trong năm 2013, tăng trưởng GDP nước này chỉ đạt 7,7%, mức thấp nhất trong vòng 15 năm. Tình hình chưa có dấu hiệu được cải thiện khi Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong một buổi họp Quốc hội, đã cảnh báo “nền kinh tế sẽ gặp nhiều trở ngại to lớn trong năm 2014”, đồng thời hạ mức tăng trưởng mục tiêu xuống chỉ còn 7,5%. Sau đó không lâu, số liệu thống kê của ngân hàng ANZ cho thấy tăng trưởng quý I của Trung Quốc chỉ dừng ở mốc 7%.
Dự báo tăng trưởng GDP trượt dốc của Trung Quốc. (Nguồn: Double Funds)
Dự báo tăng trưởng GDP trượt dốc của Trung Quốc. (Nguồn: Double Funds)
Tuần trước, ngân hàng HSBC công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Trung Quốc ở mốc 49,6. Đây là con số đáng báo động vì chỉ khi PMI đạt trên 50 mới là dấu hiệu của hoạt động sản xuất được mở rộng. Dậm chân ở ngưỡng này, không những hoạt động sản xuất của Đại lục không được mở rộng, mà còn đang trên đà bị thu hẹp lại.
Tuần trước, ngân hàng HSBC công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Trung Quốc ở mốc 49,6.
Tuần trước, ngân hàng HSBC công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Trung Quốc ở mốc 49,6.
Vậy đâu là nguyên do đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tình thế lao đao?
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến việc đầu tư quá mức nhưng không hiệu quả, dẫn đến tình trạng phát triển bong bóng, thổi phồng giá trị thực. Các dòng tiền được đổ ào ạt vào việc xây dựng cơ sở vật chất như đường xá, nhà xưởng, trang thiết bị góp phần đẩy giá trị tài sản cố định của Trung Quốc đi lên, nhưng tính hiệu quả của các dự án này khi đưa vào phục vụ sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng GDP vẫn là một câu hỏi lớn đối với các nhà hoạch định chính sách.
Nhìn vào bản chất, các mô hình kinh tế đã chỉ ra hai yếu tố tác động tới tăng trưởng GDP bình quân đầu người: Nguồn lực và tính hiệu quả.
“Nguồn lực” bao gồm lao động (ví dụ: tỷ lệ việc làm) và nguồn vốn (ví dụ: cơ sở vật chất phục vụ quá trình sản xuất như máy móc, nhà xưởng).
Nhưng trong dài hạn, tăng trưởng GDP đầu người không tăng khi “nguồn lực” tăng do các tài sản vật chất là có hạn, mà sẽ khởi sắc khi tính hiệu quả được cải thiện. Yếu tố phụ trợ mạnh mẽ nhất cho tính hiệu quả là cải tiến công nghệ - có khả năng phát triển vô hạn, theo lý thuyết của các mô hình kinh tế.
Kinh tế Trung Quốc hiện giờ được so sánh với Liên bang Xô Viết. Thời giữa thập niên 1950, khi đặt trên bàn so sánh với Mỹ, tính hiệu quả của nền kinh tế Liên bang bị đánh giá kém xa. Tỷ lệ tăng trưởng của USSR chỉ trông cậy chủ yếu vào “nguồn lực”, mà nguồn lực thì có hạn, nên lợi ích cận biên ngày càng giảm khi các mọi nguồn lực vật chất được huy động đến mức tối đa.
Trung Quốc cũng vậy. Con hổ châu Á có mức tăng trưởng kinh tế nhanh đến chóng mặt là do có khả năng huy động nhiều nguồn lực, minh chứng bằng tỷ lệ lao động có việc làm luôn trụ ở mức ổn định (tỷ lệ thất nghiệp trong khoảng 4,1% từ 2008 tới nay, theo số liệu của Trading Economics), hệ thống giáo dục được nâng cao (trong bảng xếp hạng học sinh giỏi quốc tế PISA 2012, học sinh ở Trung Quốc và Hongkong năm thứ hai liên tiếp giữ ngôi vô địch thế giới về toán học, khoa học và đọc hiểu) và lượng nguồn vốn đầu tư vào cơ sở vật chất nhảy vọt.
Dưới đây là bảng so sánh tỷ lệ đầu tư/GDP và tốc độ tăng trưởng GDP đầu người của từng quốc gia tính đến năm 2011. Các nước có tỷ lệ đầu tư cao thường có tốc độ tăng trưởng GDP đầu người cao, và ngược lại.
Tỷ lệ đầu tư/GDP và tốc độ tăng trưởng GDP đầu người của các quốc gia giai đoạn 1991 – 2011 (Nguồn: Ngân hàng Thế giới)
Tỷ lệ đầu tư/GDP và tốc độ tăng trưởng GDP đầu người của các quốc gia giai đoạn 1991 – 2011 (Nguồn: Ngân hàng Thế giới)
Nhìn vào bảng có thể thấy, kể từ năm 1991, hầu hết các nước đang phát triển đều nằm ở phía trên bên phải với tỷ lệ đầu tư cùng kinh tế tăng trưởng, còn các nước đã phát triển nằm ở phía dưới góc trái khi nền kinh tế đã chạm mức bão hòa, cả tỷ lệ đầu tư cùng GDP đầu người tăng trưởng chậm hơn.
Riêng Trung Quốc là một trường hợp hiếm thấy với tỷ lệ đầu tư đứng ở mốc hơn 40% GDP, còn tăng trưởng GDP đầu người ở mức đáng ngưỡng mộ 9,5%. Việc Trung Quốc đứng ở phía trên đường trung bình cho thấy nền kinh tế nước này đạt mức năng suất theo tỷ lệ khá chuẩn.
Trong khi giai đoạn 2008 - 2011 là đỉnh cao, thì kinh tế Trung Quốc tuột dốc dần những năm sau đó. Năng suất và tính hiệu quả sa sút đáng kể, tăng trưởng GDP chỉ trông cậy chủ yếu vào “nguồn lực”, cụ thể ở đây là vốn đầu tư.
Trong khi tăng trưởng Đại lục rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm tại 7,7% trong năm 2013, tỷ lệ đầu tư lại nhảy vọt từ 48% GDP lên trên 54%, quãng tăng mạnh nhất kể từ năm 1993.
Một khi tỷ lệ đầu tư tăng trong nhiều năm nhưng tốc độ GDP không được cải thiện, điều này cho thấy các khoản đầu tư không những không phát huy được hiệu quả, ngược lại, nó còn gây hại khi thổi bùng lên bong bóng tài chính, đẩy ngành ngân hàng vào vòng nguy ngập như trường hợp của Indonesia trước năm 1997 hay Ireland và Croatia trước năm 2008.
Nguy hiểm hơn, cần hết sức thận trọng khi đầu tư liên tục tăng, còn tăng trưởng GDP lại giảm sút, kịch bản mà Trung Quốc hiện đang vướng phải, biểu thị bằng đường màu đỏ “rơi” tự do trong đồ thị dưới đây.
Tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc vẫn tăng, trong khi GDP đầu người không được cải thiện. (Nguồn: Ngân hàng Thế giới)
Tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc vẫn tăng, trong khi GDP đầu người không được cải thiện. (Nguồn: Ngân hàng Thế giới)
Có thể lý giải hướng đi xuống của Trung Quốc bằng việc năng suất lao động giảm. Theo ước tính của tổ chức phân tích Conference Board của Mỹ, tăng trưởng năng suất lao động của Trung Quốc đã chậm dần từ 8,8% năm 2011 xuống 7,4% năm 2012 và dừng ở 7,1% năm 2013.
Tuy nhiên, nguyên nhân tiềm ẩn lớn nhất phải kể đến chính là tính bất hợp lý của việc sử dụng nguồn vốn.
Năm 2007, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố sẽ tiến hành các bước cải cách đối với một nền kinh tế “mất cân bằng, không bền vững và thiếu liên kết”. Nhưng sự chênh lệch chỉ càng gia tăng khi Bắc Kinh tung ra gói kích thích năm 2008 để thúc đẩy đầu tư giữa lúc thế giới chao đảo trong cuộc khủng hoảng tài chính.
Tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về sự chênh lệnh giữa tỷ lệ đầu tư của nước này so với các quốc gia khác trên thế giới, nhấn mạnh “giai đoạn thoái trào của vòng tuần hoàn đầu tư không chỉ tác động tiêu cực tới nền kinh tế nội địa, mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác và giá cả hàng hóa trên toàn cầu”.

Sau hơn một thập kỷ phát triển nóng, kinh tế Trung Quốc dường như một quả bom chỉ chực nổ.

Việc đầu tư quá mức nhưng không phát huy hiệu quả, lực cầu nội địa giảm sút và tỷ lệ nợ quá cao là ba nguyên nhân đã đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tình thế khó khăn. Ảnh: Dave Simonds
Việc đầu tư quá mức nhưng không phát huy hiệu quả, lực cầu nội địa giảm sút và tỷ lệ nợ quá cao là ba nguyên nhân đã đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tình thế khó khăn. Ảnh: Dave Simonds

Tình hình xuất khẩu của Đại lục trong tháng Hai chỉ đạt 114 tỷ USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái, một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư Trung Quốc hoảng loạn.
Chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất đã chững lại trong tháng Hai, với giá tiêu dùng trượt xuống 2% từ mốc 2,5% trong tháng Một, còn giá sản xuất tiếp tục giảm từ -1,6% trong tháng Một xuống còn -2% trong tháng Hai. Giá sản xuất đã liên tục trượt dốc trong 2 năm gần đây, làm nhiều nhà kinh tế lo ngại về tình trạng giảm phát nhãn tiền.
Trong năm 2013, tăng trưởng GDP nước này chỉ đạt 7,7%, mức thấp nhất trong vòng 15 năm. Lường trước được những khó khăn trong năm 2014, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã hạ mức tăng trưởng mục tiêu xuống chỉ còn 7,5%. Tuy nhiên sau đó không lâu, số liệu thống kê của ngân hàng ANZ cho thấy tăng trưởng quý I của Trung Quốc chỉ dừng ở mốc 7%.
Một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến nền kinh tế Trung Quốc lao đao làviệc đầu tư quá mức nhưng không hiệu quả, dẫn đến tình trạng phát triển bong bóng, thổi phồng giá trị thực.
Các dòng tiền được đổ ào ạt vào việc xây dựng cơ sở vật chất như đường xá, nhà xưởng, trang thiết bị góp phần đẩy giá trị tài sản cố định của Trung Quốc đi lên, nhưng tính hiệu quả của các dự án này khi đưa vào phục vụ sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng GDP vẫn là một câu hỏi lớn đối với các nhà hoạch định chính sách.
Nguyên nhân thứ hai ngoài chênh lệnh về tỷ lệ đầu tư là lực cầu nội địa giảm sút.
Trong những năm qua, Trung Quốc là một cường quốc về xuất khẩu, nước này đã vượt mặt Mỹ năm 2008 để trở thành nước có giá trị xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Nhưng Thủ tướng Lý Khắc Cường đã bày tỏ lo ngại khi thấy trong cơ cấu xuất khẩu, có quá nhiều nguồn tài nguyên được huy động để sản xuất ra các sản phẩm phục vụ mục đích xuất ra ngoại quốc trong khi người dân trong nước hoàn toàn không có nhu cầu.
Tình trạng thặng dư thương mại vượt trội trong khi lực cầu trong nước ảm đạm là kết quả của chính sách điều động nguồn vốn từ hộ gia đình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Hiện tỷ lệ tiêu dùng nội địa của nước này chỉ đứng tại 35% theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, con số này không có dấu hiệu chuyển biến trong 4 năm vừa qua, và chỉ nhỉnh hơn một nửa so với mức trung bình của toàn thế giới.
Để đạt được mục tiêu cân bằng nền kinh tế mà Quốc hội Trung Quốc đặt ra trong kỳ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 12, ít nhất cơ cấu tiêu dùng nội địa phải chiếm 50% GDP, có nghĩa là nếu tăng trưởng GDP ở mức 6 – 7% như hiện tại, ít nhất tăng trưởng tiêu dùng phải đứng ở mốc 10 – 11%/năm.
Đây là một nhiệm vụ khá khó khăn, nếu không muốn nói là không thể đạt được với điều kiện kinh tế thế giới khó khăn và đồng nhân dân tệ bị mất giá như hiện nay.
Để kích cầu tiêu dùng, không còn cách nào khác là phải tăng thu nhập bình quân hộ gia đình. Nhưng biện pháp này cũng có giá của nó. Hiện các nhà kinh tế đang lo ngại Trung Quốc bị mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình” – tình trạng trì trệ về kinh tế khi một quốc gia đã đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định do những lợi thế sẵn có (trong khoảng 5.000 – 10.000 USD/người), tốc độ tăng trưởng GDP/đầu người có nguy cơ chững lại tại mốc đó.
Theo số liệu của ngân hàng thế giới, tính đến cuối năm 2012, GDP/đầu người của Trung Quốc đứng ở mốc 6.091 USD/người, kết quả của xu hướng di dân từ nông thôn ra thành thị để kiếm việc làm thu nhập cao hơn.
Tỷ lệ nhân công tài thành thị tăng dẫn đến tỷ lệ việc làm tại các thành phố Trung Quốc tăng trong giai đoạn 2008 – 2012. (Nguồn: MOHRSS)
Tỷ lệ nhân công tài thành thị tăng dẫn đến tỷ lệ việc làm tại các thành phố Trung Quốc tăng trong giai đoạn 2008 – 2012. (Nguồn: MOHRSS)
Chi phí nhân công tăng trong khi tính cạnh tranh về giá cả hàng hóa giảm xuống hoặc không đổi, khiến một mặt Trung Quốc khó có thể đối chọi với các nền kinh tế đã phát triển mạnh về công nghệ như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, mặt khác để mất thị phần xuất khẩu vào tay những nước có chi phí sản xuất rẻ hơn như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia…
Yếu tố thứ ba làm chòng chành con thuyền kinh tế của Trung Quốc là tỷ lệ nợ của nền kinh tế đã lên đến mức báo động.
Các chính quyền địa phương Trung Quốc đã vay nợ rất nhiều sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nhằm duy trì mức tăng trưởng.
Tổng khoản nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc đang đứng 2,9 nghìn tỷ USD, tăng 70% so với 3 năm trước, theo số liệu của chính phủ công bố.
Hồi tháng Bảy năm ngoái, Cơ quan Kiểm toán Quốc gia nước này đã thống kê các khoản nợ tồn ở cấp địa phương. Kết quả cho thấy nhiều tỉnh đang trang trải các khoản nợ cũ bằng các khoản nợ mới, tạo ra tình trạng “nợ chồng nợ”.
Hiện Trung Quốc có tổng nợ chính phủ chiếm chừng 58% tổng sản lượng kinh tế, gần như đã tăng gấp đôi trong hơn hai năm qua, đây là tốc độ bành trướng cần phải cảnh giác, Kiểm toán Quốc gia nhấn mạnh.
Tăng trưởng tín dụng Trung Quốc có dấu hiệu đi xuống từ năm 2011.
Tăng trưởng tín dụng Trung Quốc có dấu hiệu đi xuống từ năm 2011.
Đến 80% lượng nợ địa phương đang được các ngân hàng nắm giữ, kéo theo lợi nhuận hệ thống ngân hàng sụt giảm và tỷ lệ nợ khó đòi gia tăng. Tổng số nợ xấu của ngành ngân hàng Trung Quốc trong năm 2013 đã chạm mốc 540 tỷ NDT, tăng 47 tỷ NDT so với hồi đầu năm 2012.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước, họ thường được ưu tiên khi vay nợ của các ngân hàng quốc doanh, và vì cả hai đều thuộc sở hữu của Đảng cộng sản, nên tiền cho vay cũng chẳng khác gì lấy từ tay phải chuyển sang tay trái, nếu khó khăn không trả được nợ thì thôi… bỏ qua.
Tình trạng này đã tạo nên xu hướng “ỉ lại” trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, do họ được “bao cấp” và chính phủ chống lưng ngay cả khi làm ăn thua lỗ.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu Trung Quốc mới phát triển còn cho phép các công ty nhà nước phát hành trái phiếu chào bán ngoài công chúng để tự huy động tín dụng, góp phần đẩy lượng nợ trong nền kinh tế leo dốc theo cấp số nhân.
Nhưng khoản nợ trong ngân hàng Trung Quốc không đáng lo bằng lượng nợ trong tay các quỹ tín thác hoạt động tự do. Các quỹ này là một phần trong hệ thống “ngân hàng ngầm” của Trung Quốc, khi họ có thể huy động vốn và cho vay mà không phải tuân theo luật lệ ngân hàng bình thường.
Những công ty tư nhân có xếp hạng tín dụng kém thường gặp nhiều khó khăn trong việc vay tiền từ ngân hàng, nên họ phải tìm tới các quỹ tín thác như vậy. Tổng số nợ mà các quỹ tín thác cho vay năm nay đã lên tới 750 tỷ USD, 1/3 trong số đó đáo hạn vào năm nay, trong khi hàng loạt công ty Trung Quốc đang đứng trên bờ vực phá sản, khó có cơ hội thanh toán.
Tóm lại, việc đầu tư quá mức nhưng không phát huy hiệu quả, lực cầu nội địa giảm sút và tỷ lệ nợ quá cao là ba nguyên nhân đã đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tình thế khó khăn.
Với phạm vi giao dịch thương mại rộng lớn như hiện tại, tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tiềm ẩn này sẽ vượt qua biên giới Trung Quốc để ảnh hưởng tới hệ thống kinh tế toàn cầu.

(Theo BizLive)
http://baodatviet.vn/kinh-te/kinh-te-trung-quoc-qua-bom-cho-no-phan-2-3030643/

Crimea và bài học đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc

Chỉ có lực lượng vũ trang của riêng mình mới là công cụ đáng tin cậy nhất trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Bài học Ukraine đã cho thấy rất rõ điều này.
Lính Ukraine đã không phản ứng gì trong suốt quá trình Nga sáp nhập Crimea.
Ankit Panda, một biên tập viên tạp chí The Diplomat, từng là chuyên gia nghiên cứu tại đại học Princeton về khủng hoảng ngoại giao quốc tế, an ninh quốc tế, địa chính trị ngày 27/3 bình luận, một trong những bài học gây sốc nhất của cuộc khủng hoảng Ukraine là làm thế nào để cải cách quân đội, phân bổ nguồn lực thiếu thốn và xem xét các lợi ích lâu dài của Nga tại Crimea.
Vấn đề nổi cộm nhất hiện nay đối với quân đội Ukraine là sự thiếu thốn tài chính. Sau vụ Nga sáp nhập Crimea, chính phủ mới tại Kiev phải sử dụng đến đám đông biểu tình để làm nguồn cung cấp nhân lực cho lực lượng vũ trang. 
Cuối cùng, chỉ có 6 ngàn binh sĩ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ Ukraine rộng khoảng 600 ngàn km vuông.
Tuy nhiên vấn đề lớn hơn là sức mạnh quân sự của Ukraine trước đó lại nằm hết ở bán đảo Crimea, tất cả trứng được bỏ vào 1 giỏ. Khi Nga tiến hành các bước sáp nhập Crimea, lực lượng quân sự Ukraine đóng trên bán đảo đã không phản ứng mà chờ kết quả trưng cầu dân ý. Điều này cho thấy phần còn lại của lực lượng vũ trang Ukraine có thể mất khả năng chiến đấu ngay lập tức một khi tình huống xảy ra.
12 trong số 17 chiến hạm lớn của Ukraine đã rơi vào tay Nga. Ngoài ra 12 ngàn trong số 15.450 quân và 2000 lính không quân đóng tại Crimea hiện đã do Nga kiểm soát.
Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng hơn khiến các nước láng giềng ở châu Á đều đề phòng, cảnh giác.
Lực lượng vũ trang Ukraine đóng tại Crimea đã không phản ứng chống lại Nga có hàng loạt lý do, nhưng lý do chính trị nhấn mạnh việc phân bổ binh lực của quân đội Ukraine mất cân đối. Các nhà lãnh đạo Ukraine bất luận có thân với Vladimir Putin hay không vẫn nên thường xuyên nhớ rằng Crimea rất dễ bị tổn thương và lợi ích to lớn của Nga trong việc bảo vệ lực lượng của họ tại Biển Đen.
Mặc dù mối quan hệ giữa Nga và Ukraine đã từng rất chặt chẽ, nhưng Kiev đã luôn có lý do để hoài nghi về ý định của Moscow đối với Crimea, chỉ đơn giản là tầm quan trọng của bán đảo này quá lớn.
Tuy nhiên thay vì công khai xoa dịu những lo ngại của Moscow về lợi ích của người Nga ở Crimea, Kiev đã lựa chọn phương án dựa vào sự đảm bảo của cả phương Tây và Nga để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Biên bản ghi nhớ Budapest không phải một hiệp ước chính thức được ký năm 1994 bởi Ukraine, Nga, Mỹ và Anh đảm bảo rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là một quốc gia độc lập sẽ được tôn trọng. Đổi lại Ukraine hủy bỏ vũ khí hạt nhân của mình thời Xô Viết và tham gia ký Hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Cuối cùng Nga không giữ thỏa thuận này mà không vấp phải phản ứng dữ dội nghiêm trọng nào từ phương Tây.
Trung Quốc tỏ ra ngày một hung hăng hơn trên các vùng biển Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp với láng giềng.
Ukraine nên tự cân bằng nội bộ để đối phó với Nga, nhưng Kiev đã không làm vậy chỉ vì những lý do chính trị. Quân sự hóa để chống lại một nước khác thường không mang lại cho mình bất kỳ lợi ích nào, huống hồ suốt thời gian dài Kiev phải dựa vào Moscow để tìm kiếm những phúc lợi kinh tế.
Cân bằng bên ngoài thường ít minh bạch và cũng ít đáng tin cậy. Hầu hết các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã không mắc những sai lầm đó.
Cân bằng nội bộ để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc đang được tiến hành trên khắp châu Á. Các liên minh và quan hệ đối tác có thể được chứng minh là không chắc chắn và không đáng tin cậy một khi xảy ra tình huống cam go buộc phải đưa ra quyết định.
Cuối cùng, chỉ có lực lượng vũ trang của riêng mình mới là công cụ đáng tin cậy nhất trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Bài học Ukraine đã cho thấy rất rõ điều này.

http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Crimea-va-bai-hoc-doi-pho-voi-su-hung-hang-cua-Trung-Quoc-post142097.gd

Ukraine bán máy bay tiếp dầu IL-78 cho Trung Quốc

Trung Quốc nhập khẩu 3 máy bay tiếp dầu IL-78 cũ từ thời Liên Xô của Ukraine, trị giá 44,7 triệu USD, được cho là một giao dịch lỗ vốn của Ukraine.
Máy bay tiếp dầu IL-78 Ukraine cải tạo cho Trung Quốc
Mạng Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga ngày 26 tháng 3 đưa tin, chiếc đầu tiên trong 3 máy bay tiếp dầu trên không IL-78 mà Ukraine chuẩn bị cung cấp cho Không quân Trung Quốc sau khi hoàn thành sửa chữa và cải tạo, đã lần đầu tiên cất cánh thuận lợi ở sân bay Kulbakino, thành phố Nikolayev vào ngày 25 tháng 3 năm 2014.
Được biết, chiếc máy bay này đến từ trang bị hiện có của Không quân Ukraine, đánh số là 59-10, số nhà máy là 0073478359, số đăng ký Liên Xô/Ukraine khi sử dụng trước đây là SSSR/UR-76744.
Chiếc máy bay tiếp dầu IL-78 này đã tiến hành đại tu và cải tạo tại nhà máy sửa chữa máy bay Nikolayev, Ukraine, được sơn lại, nhưng tạm thời còn chưa sơn bất kỳ ký hiệu phân biệt và số hiệu nào.
Máy bay tiếp dầu IL-78 Ukraine cải tạo cho Trung Quốc
Căn cứ vào hợp đồng được Ukraine và Trung Quốc ký kết năm 2011, Ukraine có kế hoạch cung ứng 3 chiếc máy bay tiếp dầu IL-78 cho Trung Quốc, máy bay bay thử lần này là chiếc đầu tiên. Đến nay, Không quân Trung Quốc còn chưa từng sử dụng máy bay tiếp dầu trên không IL-78.
Máy bay tiếp dầu IL-78 này xuất xưởng tại tổ hợp sản xuất hàng không Chkalov, thành phố Tashkent, Uzbekistan vào năm 1987, từng phục vụ cho trung đoàn máy bay tiếp dầu hàng không 409, sư đoàn hàng không máy bay ném bom hạng nặng 105, lực lượng hàng không tầm xa, Không quân Liên Xô, nằm ở thành phố Uzen, Ukraine.
Sau khi Liên Xô giải thể, năm 1992, chiếc máy bay này cùng với trung đoàn tiếp dầu hàng không 409 thuộc về Ukraine, bắt đầu từ năm 1993 dỡ bỏ thiết bị tiếp dầu trên không, dùng cho mục đích thương mại. Từ năm 2001 trở đi, máy bay này bị niêm phong ở sân bay Melitopol, Không quân Ukraine.
Máy bay tiếp dầu IL-78 Ukraine cải tạo cho Trung Quốc
Tháng 12 năm 2011, Trung Quốc và Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Ukraine ký kết hợp đồng trị giá 44,7 triệu USD, nhập khẩu 3 máy bay tiếp dầu trên không IL-78 cũ, tiến hành sửa chữa và cải tạo mang tính khôi phục, sau đó cung ứng cho Không quân Trung Quốc.
Truyền thông Ukraine từng đưa tin cho biết, giá cả hợp đồng do Ukraine ký bị ép thấp xuống, bởi vì chỉ có giá hợp đồng 52,5 triệu USD mới có lợi, đối với nhà máy sửa chữa máy bay Nikolayev, công tác sửa chữa, cải tạo máy bay IL-78 cho Trung Quốc là một giao dịch lỗ vốn rất nặng.
Máy bay tiếp dầu IL-78 Ukraine cải tạo cho Trung Quốc
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/Ukraine-ban-may-bay-tiep-dau-IL78-cho-Trung-Quoc-lo-von-nang-post142125.gd

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Châu Á-Thái Bình Dương nhất loạt chạy đua vũ trang

Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, nay đã vượt qua Đức và Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, đồng thời mở rộng lực lượng quân sự đã gây ra phản ứng đối phó của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương - cuộc chạy đua vũ trang đã bắt đầu ở đây.
Giới tinh hoa châu Á đã bắt đầu cảm thấy khó khăn khi là láng giềng với người khổng lồ này. Hơn nữa, nhiều quốc gia châu Á vẫn có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.
Nhật Bản
Nhật Bản do sự tăng cường quân bị của Trung Quốc thậm chí đã thay đổi chiến lược quân sự (lần đầu tiên trong 40 năm), nếu trước đây coi mối đe dọa chính là từ hướng Bắc (từ phía Liên Xô/Nga), thì nay sự chú ý của lực lượng phòng vệ Nhật tập trung vào ở phía Nam - nhằm vào CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh xung quanh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Chương trình quân sự mới của Tokyo trù tính chuẩn bị cho lực lượng phòng vệ Nhật đối phó với khả năng đổ bộ lên các đảo phía Nam của đối phương giả định, mà yêu sách đối với các đảo đó chỉ có một quốc gia là Trung Quốc.

Các chương trình quân sự mà Nhật đưa ra dựa trên các nhận định đó có quy mô đáng kinh ngạc. Thực tế, Nhật Bản đang bắt đầu một thời kỳ quân sự hóa mới - Tokyo dự định trong giai đoạn từ năm 2011-2015, chi cho hiện đại hóa lực lượng phòng vệ 284 tỷ USD. Dự định mua: 5 tàu ngầm (từ 18 lên 23 chiếc), 3 tàu khu trục,12 máy bay tiêm kích và 10 máy bay tuần tra.

Họ cũng dự định tăng cường các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia - số hệ thống phòng không-vũ trụ Patriot thế hệ 3 (Patriot Advanced Capability-3, tức PAC-3) sẽ tăng từ 3 lên 6. Ngoài ra, trên toàn bộ 6 tàu khu trục Nhật trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis sẽ được lắp các tên lửa chống tên lửa mới SM-3 (Standard Missile-3) của Mỹ. Hiện nay, chỉ có 4 trong 6 hệ thống trên các tàu này được trang bị tên lửa SM-3.

Mỹ đã chào bán cho Nhật Bản một số loại máy bay tiêm kích, cho phép củng cố đáng kể lực lượng máy bay chiến đấu, Defense News cho hay. Washington đã mời chào Tokyo 3 loại tiêm kích là F-15 Eagle, F/A-18 Super Hornet hoặc F-35 Lightning II. Quyết định cụ thể chưa được đưa ra. Trước đó, được biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định mua thêm 50 tiêm kích F-2 Mitsubishi do Mitsubishi Heavy Industries và Lockheed Martin chế tạo dựa trên F-16 Fighting Falcon của Mỹ.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định đổi mới lực lượng trực thăng tìm/cứu UH-60J Black Hawk có trong trang bị của Không quân phòng vệ Nhật, thông cáo báo chí của công ty Mỹ Sikorsky cho biết. Công ty Nhật Mitsubishi Heavy Industries sẽ lắp ráp theo giấy phép của Sikorsky 40 chiếc UH-60J mới để thay thế 40 chiếc máy bay tương tự có trong trang bị từ năm 1991. Chi phí sản xuất các trực thăng mới và bảo dưỡng kỹ thuật cho chúng sẽ là 190 tỷ Yen (2,3 tỷ USD).
Hàn Quốc
Năm 2006, Seoul đã bắt đầu một chương trình dự kiến chi phí cho tái trang bị trong 15 năm khoản tiền 550 tỷ USD, trước hết là mua các máy bay chiến đấu và chiến hạm mới.

Seoul coi Bắc Triều Tiên là kẻ thù chủ yếu và nhân các sự cố gần đây (vụ tàu khu trục Cheonan bị đắm bí ẩn, vụ quân đội Bắc Triều Tiên pháo kích lãnh thổ Hàn Quốc) còn làm dài thêm danh mục các chương trình quân sự.

Seoul sẽ bắt đầu mua các tiêm kích tàng hình vào năm 2012. Theo đánh giá sơ bộ, chi phí cho chương trình F-X III sẽ là 10 ngàn tỷ Won (9 tỷ USD) - họ dự định mua 60 tiêm kích.

Chương trình F-X bắt đầu năm 2008 trù tính từng bước mua tổng cộng 120 tiêm kích mới cho đến hết năm 2020. Các máy bay mới sẽ thay thế các tiêm kích lạc hậu F-4E Phantom II và F-5E Tiger II. Hàn Quốc đã mua 60 máy bay trong khuôn khổ giai đoạn 1 và 2 của chương trình F-X. Trong các giai đoạn này, họ đã mua các tiêm kích F-15K Slam Eagle của tập đoàn Mỹ Boeing.

Indonesia và Hàn Quốc đã thỏa thuận chế tạo tiêm kích tàng hình. Seoul dự tính chế tạo tiêm kích nội địa thế hệ 4+. Máy bay mới sẽ ứng dụng công nghệ tàng hình và có chức năng vượt trội các máy bay KF-16 hiện có của Hàn Quốc. Chi phí dự án KF-X ước khoảng 8 tỷ USD. Tỷ trọng của Indonesia trong chương trình phát triển máy bay này sẽ là 20%.

Công ty Hàn Quốc LIG Nex1, vốn làm nhiệm vụ mua sắm quân sự từ nước ngoài phục vụ nhu cầu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, đã ký với công ty Thụy Điển Saab hợp đồng cung cấp các radar trinh sát pháo binh Arthur, theo Defense Aerospace. Trị giá hợp đồng là 450 triệu Krona Thụy Điển (70,2 triệu USD).

Cuối năm 2009, Hàn Quốc đã nhận được từ Saab 6 radar Arthur. Các radar này có khả năng định vị trận địa pháo binh địch nhờ tính toán tọa độ theo quỹ đạo bay của đạn pháo. Các radar này còn có thể dùng để tính toán sơ tốc đạn theo tầm bay của đạn. Arthur có tầm hoạt động gần 35 km. Các radar Thụy Điển cũng có thể dùng để tính toán thời gian và vị trí điểm rơi của đạn bắn từ vũ khí quân nhà vào trận địa địch. Nhờ đó, Arthur có thể sử dụng để hiệu chỉnh hỏa lực pháo binh. Hệ thống Arthur có thể triển khai đầy đủ trong vòng 2 phút, cũng như có thể lắp trên trực thăng.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã ký với công ty Mỹ Lockheed Martin hợp đồng mua 4 máy bay vận tải quân sự C-130J-30 Super Hercules, theo Flightglobal. Theo điều kiện hợp đồng, các máy bay mới sẽ bắt đầu được chuyển giao vào năm 2014. Hiện nay, trong trang bị của Không quân Hàn Quốc có 12 chiếc C-130H Hercules.
Công ty Hàn Quốc Korea Aerospace Industries đã xuất xưởng máy bay cường kích hạng nhẹ T/A-50, biến thể có vũ trang của máy bay huấn luyện T-50 Golden Eagle, Flightglobal cho hay. Không quân Hàn Quốc đã đặt mua 22 máy bay này và dự định sử dụng làm tiêm kích, cường kích hạng nhẹ, cũng như để luyện tập tấn công mặt đất. Các máy bay dự định bắt đầu được chuyển giao vào năm 2012.
Hàn Quốc đã tái tục sản xuất xe chiến đấu bộ binh K21. Tháng 4.2011, sẽ có 100 chiếc K21 (50 trong số đó đã dự định đưa vào trang bị vào năm 2010) sẽ được nhận vào trang bị. Các xe này đã được nâng cấp tại nhà máy Doosan. Trong 10 năm tới, dự kiến có 900 xe K21 được chuyển giao cho quân đội Hàn Quốc.

Seoul cũng dự tính tăng cường hải quân bằng 6 tàu ngầm thông thường.

Đài Loan
Đài Loan là một trong những khu vực dễ xảy ra xung đột nhất bởi vì Bắc Kinh có yêu sách đối với toàn bộ hòn đảo này. Trong khi đó, giới tinh hoa Đài Loan không chịu tái thống nhất hòa bình với Hoa lục.

Đài Loan vào đầu năm 2011 sẽ nhận vào trang bị những chiếc đầu tiên trong số 12 máy bay chống ngầm P-3C Orion do Washington bán cho. Số máy bay này trị giá gần 2 tỷ USD và sẽ thay thế các máy bay chống ngầm S-2T.

Đài Loan muốn tăng số lượng tàu ngầm thông thường. Hiện tại, hải quân Đài Loan có 4 tàu ngầm diesel lạc hậu, 2 trong số đó lớp Guppy II được đóng trong những năm 1944-1950 và chỉ có thể dùng để huấn luyện. Các tàu ngầm hiện đại hơn lớp Hải Long mua cảu Hà Lan năm 1987-1988 không thể bảo đảm bảo vệ hiệu quả biên giới biển của hòn đảo này. Họ đã muốn mua các tàu ngầm diesel của Mỹ, song Mỹ từ thập kỷ 1950 đã không thiết kế và đóng các tàu ngầm diesel. Hơn nữa, Washington cũng không muốn Bắc Kinh một lần nữa lo lắng.

Đài Loan dự tính mua tới 8 tàu ngầm, có thể là của Nga vì Eu không muốn cãi cọ với Bắc Kinh và cũng không bán tàu ngầm thông thường cho Đài Loan.

Đài Loan đã chính thức thừa nhận việc sản xuất tên lửa hành trình. Họ đang sản xuất 2 loại tên lửa hành trình là Chichun chế tạo dựa trên tên lửa chống hạm Hsiungfeng (Hùng Phong) 2E, và tên lửa siêu âm Chuifeng. Tính năng của các tên lửa này chưa được tiết lộ. Chỉ biết rằng, các tên lửa này có thể phóng từ mặt đất, cũng như từ trên biển, và dùng để tiêu diệt sân bay, căn cứ tên lửa và các mục tiêu quan trọng khác ở đông nam Trung Quốc. Hsiungfeng 2E có tầm bắn 800 km. Dự kiến, Đài Loan sẽ nhận vào trang bị 300 tên lửa này.

Philippines
Nước này đang tăng cường sức mạnh hải quân, chủ yếu bằng cách mua các xuồng và tàu tuần tiễu, trong đó có những loại bị loại bỏ khỏi trang bị của các nước khác.

Không quân Philippines dự định thay thế số cường kích hạng nhẹ lạc hậu OV-10 Bronco của Rockwell, Flightglobal cho biết. Các phương án thay thế đang được xem xét là các máy bay tiến công một động cơ, hạng nhẹ. Trong đó, nhiều khả năng được mua sắm nhất là EMB-314 Super Tucano của hãng Embraer (Brazil), KT-1 của KAI (Hàn Quốc) và T-6 Texan II của Beechcraft (Mỹ).

Việt Nam
Việt Nam có những cuộc xung đột lớn với Trung Quốc trong quá khứ và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Việt Nam đang hành động trên 2 hướng: tăng cường lực lượng vũ trang và đồng thời tìm kiếm các đồng minh, kể cả là kẻ cựu thù Mỹ. Giới phân tích cho rằng, Việt Nam sẵn sàng cho Ấn Độ, các lực lượng quốc tế, thậm chí cả Mỹ sử dụng căn cứ hải quân cũ của Liên Xô ở Cam Ranh.

Năm 2008-2009, Việt Nam đã ký kết các hợp đồng với Nga trị giá 4,5 tỷ USD mua máy bay tiêm kích tiên tiến Su-30MK2, các tàu tên lửa lớp Molnya, các tàu corvette lớp Gepard và 6 tàu ngầm lớp Projekt 636 Kilo.
Hai bên đang thảo luận vấn đề Nga cung cấp cho Việt Nam các phương tiện phòng không. Việt Nam quan tâm hầu như tất cả những vũ khí phòng không mà Nga có như các hệ thống tên lửa phòng không Tor, Buk, S-300.

Singapore
Hiện nay, Singapore đang thực hiện chương trình tăng cường hải quân. Trước đây, Bộ Quốc phòng nước này đã tỏ ý muốn mua một số (4-6 chiếc) máy bay tuần biển cũ P-3C Orion của Mỹ.

Singapore đã đưa vào trang bị 6 trực thăng chống ngầm S-70B Seahawk đặt mua của hãng Mỹ Sikorsky vào năm 2005, theo Flightglobal.

Các trực thăng này sẽ được biên chế cho các đơn vị không quân triển khai trên các tàu frigate lớp Formidable vốn được nhận vào trang bị của Hải quân Singapore năm 2009.

Hải quân Singapore hiện có 4 tàu ngầm lớp Challenger và 2 tàu ngầm lớp Archer do Thụy Điển đóng. Tàu ngầm đầu tiên lớp Challenger được Singapore mua sắm năm 1995, các tàu còn lại mua sắm năm 1997. Các tàu ngầm lớp Archer mua sắm vào năm 2005. Singapore dự định mua sắm thêm 2 tàu ngầm nữa.

Malaysia
Nước này đã mua 6 trực thăng hải quân của Anh (năm 1999-2004), 6 frigate lớp Меко của Đức (1999-2010), 167 xe bọc thép chở quân của Thổ Nhĩ Kỳ (2000-2004), 18 hệ thống rocket phóng loạt của Brazil (2000-2002), 9 máy bay huấn luyện cánh quạt của Thụy Sĩ (2000-2001), 2 tàu ngầm thông thường lớp Scorpene do Pháp-Tây Ban Nha đóng (2002-2009), 3 tiểu đoàn tên lửa phòng không tầm ngắn của Anh (2002-2007), 11 trực thăng hạng nhẹ của Italia (2003-2006), 18 tiêm kích hạng nặng Su-30МКМ của Nga (2003-2009), 48 xe tăng chủ lực РТ-91М của Ba Lan (2003-2010), 6 trực thăng hạng nhẹ của Pháp (2003-2004), năm 2005 đặt mua 4 máy bay vận tải quân sự А400М của châu Âu, mua thêm 10 máy bay huấn luyện cánh quạt của Thụy Sĩ (2006-2007), 12 máy bay huấn luyện phản lực của Italia (2006-2009), mua thêm 18 hệ thống rocket phóng loạt của Brazil (2007-2009), 56 xe bọc thép chở quân bánh xích của Thổ Nhĩ Kỳ (2008-2009).

Năm 2010, Malaysia đặt mua của Pháp các thiết bị huấn luyện và các hệ thống khác cho tàu ngầm thông thường, 8 cối tự hành của Pháp, phụ tùng và dịch vụ cho máy bay Su-30, 12 trực thăng của châu Âu.

Malaysia đang quan tâm tới các máy bay chỉ huy/báo động sớm, máy bay tuần biển, tiêm kích đa năng, máy bay huấn luyện, pháo tự hành, tàu đốc đổ bộ, 2 frigate, corvette, hơn 20 tàu tuần tra, các tàu thủy văn, tàu quét lôi, xuồng tuần tra. Họ dự định mua thêm 2 tàu ngầm diesel. 
Indonesia
Một đại diện của Hải quân Indonesia tuyên bố rằng: Hải quân Indonesia cần thêm 39 tàu ngầm nữa để bảo vệ hải phận nước này chống các mối đe dọa bên ngoài. Hiện nay, trong trang bị của Hải quân Indonesia có 2 tàu ngầm điện-diesel lớp Cakra (lớp Type 209/1300 do Đức đóng), đã được hãng Daewoo Shipbulding and Marine Engineering (DSME) của Hàn Quốc.

Jakarta dự định mua 2 tàu ngầm vào năm 2011-2012. Các ứng viên chính là tàu ngầm Type 209 do DSME đề xuất và tàu ngầm Projekt 636 Kilo của Nga. Hiện Indonesia không có đủ tiền để thực hiện chương trình đồ sộ như vậy. Nhưng Indonesia hoàn toàn có thể mua 2-4 tàu ngầm diesel.

Một trong những tuyên bố to tiếng của Indonesia là kế hoạch mua đến 180 tiêm kích Sukhoi, nhưng để làm việc đó cũng không có tiền. Hiện nay, trong trang bị của Indonesia có 10 tiêm kích Sukhoi: 2 Su-30МК, 3 Su-30MK2, 2 Su-27SK và 3 Su-27SKM. Sắp tới, họ sẽ mua thêm 6 máy bay Sukhoi nữa.

Indonesia đã nhận được 17 xe chiến đấu bộ binh cho lính thủy đánh bộ BMP-3F  và 3 trực thăng tiến công Mi-35.
Tháng 11.2010, Indonesia đã mua 8 máy bay tiến công hạng nhẹ Super Tucano của Brazil để thay thế các cường kích Bronco.
Bangladesh
Chính phủ Bangladesh đang xem xét khả năng mua tàu ngầm như một phần các biện pháp nhằm bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Bởi vì  Bangladesh không phải là nước giàu có nên nhiều khả năng nhất là mua các tàu ngầm đã qua sử dụng của Trung Quốc.

Năm 2001, họ đã mua của Hàn Quốc 1 tàu frigate Bangabandhu lớp Ulsan. Bangladesh cũng dự định tăng cường hải quân bằng cách mua 5 tàu tuần tra cỡ nhỏ của công ty Khulna Shipyard.

Năm 2010, Hải quân Bangladesh đã nhận được từ biên chế của Hải quân Anh 3 tàu, trong đó có tàu thủy văn Roebuck và 2 tàu tuần tra ven biển lớp Castle.

Mỹ đã chuyển giao cho Bangladesh 16 xuồng lớp Defender. Theo thông tin không chính thức, Hải quân Bangladesh đang có 1 hợp đồng đang thực hiện với Trung Quốc mua 2 frigate Jiangwei-2 (lớp 053H3) và 3 trực thăng Z-9.

Xét tới yếu tố nước này có trữ lượng hydrocarbon khá lớn, Trung Quốc đang muốn chiếm lĩnh toàn bộ thị trường vũ khí Bangladesh, cung cấp nhiều vũ khí cũ cho nước này bằng nguồn tín dụng hoặc hoàn toàn không hoàn lại. Cụ thể, trong mấy năm, công ty Shaanxi Baoji Special Vehicles Company đã cung cấp cho Bangladesh bằng tiền tín dụng do Bắc Kinh cấp các xe bọc thép chở quân bánh lốp 4x4 hạng nhẹ ZFB-05, và cuối năm 2009 đã công bố đang đàm phán mua thêm.

Năm 2007, công ty Chendu Aircraft Industry đã chuyển giao 12 tiêm kích một chỗ ngồi F-7BG và 4 chiếc hai chỗ ngồi FT-7BG, và người ta cho rằng đang đàm phán cung cấp cho Không quân Bangladesh máy bay JF-17 (FC-1) và các tiêm kích hiện đại hơn là J-10 (FC-20).

Bangladesh đã hiện đại hóa các xe tăng hạng trung Type 59 (sao chép T-54 của Liên Xô), Strategy Page đưa tin.
Sau khi cải tiến, các xe này được đặt tên là Type 59G. Các xe tăng được trang bị pháo mới, giáp phản ứng nổ và hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại. Type 59G của quân đội Bangladesh được trang bị pháo 120 mm và động cơ Ukraine 1.200 mã lực.

Australia

Không nước nào thu được nhiều lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hơn Australia. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ. Trung Quốc mua của Australia vô cùng nhiều than và quặng sắt, tạo ra sự tăng trưởng vũ bão doanh thu bán tài nguyên của Australia.

Nhưng điều đó vẫn không làm yên lòng Australia vì nước này cho rằng, sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang đe dọa an ninh của Australia.

Australia dự định chi 279 tỷ USD cho chương trình 20 năm tăng cường lực lượng vũ trang - chủ yếu, Canberra định chi số tiền đó để mua sắm tàu chiến mới và cho không quân. Đây là nỗ lực và sự mở rộng lớn nhất quân đội Australia kể từ Thế chiến II.

Australia đã hoàn tất thành lập phi đội tiêm kích F/A-18F Block II Super Hornet đầu tiên, theo Defense Aerospace. 12 máy bay này được biên chế cho căn cứ không quân Amberley đã bước vào trực chiến. Tổng cộng, Australia sẽ nhận được 24 tiêm kích F/A-18 mua của tập đoàn Boeing vào tháng 5.2007 với giá 4,6 tỷ USD. Không quân Australia coi F/A-18F là mắt xích quá độ giữa các máy bay tiêm kích-bom F-111 Aardvark của General Dynamics bị loại bỏ vào đầu tháng 12.2010 và các tiêm kích tiên tiến F-35 Lightning II dự định nhận vào trang bị.
Trong biên chế Hải quân Australia có 6 tàu ngầm lớp Collins, 4 trong số đó đang được sửa chữa định kỳ hoặc đại tu. Australia dự định mua 12 tàu ngầm thông thường mới.

Các đặc điểm chạy đua vũ trang “kiểu châu Á”

- Rất chú trọng phát triển hải quân, bởi vì chiến trường và các lãnh thổ tranh chấp, chủ yếu là các hòn đảo, thềm lục địa. Đặc biệt quan tâm tới tàu ngầm diesel.

- Quy mô và tốc độ chạy đua chưa từng có từ thời chiến tranh lạnh Xô-Mỹ.

- Các nước nghèo hơn (như Bangladesh) và hiện không có xung đột với Trung Quốc thì mua vũ khí Trung Quốc – rẻ hơn, bị loại khỏi trang bị của Trung Quốc, bằng tiền tín dụng. Các “con hồ châu Á” giàu có thích mua vũ khí Mỹ, tự chế tạo (Nhật Bản, Hàn Quốc), hoặc mua của Nga (Việt Nam, Indonesia).
http://vietnamdefence.com/Home/phantich/Chau-AThai-Binh-Duong-nhat-loat-chay-dua-vu-trang/20112/50225.vnd

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Crưm khủng hoảng, Trung Quốc sẽ lợi dụng 'ra tay'

Một học giả Hàn Quốc cảnh báo: Trung Quốc sẽ "tranh thủ", "tận dụng" lúc các nước lớn và cũng là đối thủ cạnh tranh đang bận rộn với Crưm để "ra tay".
Liên bang Nga và Cộng hòa Ukraina thuộc Liên Xô trước kia là mối quan hệ truyền thống với Việt Nam. Liệu sự kiện Crưm gây chấn động thế giới, tác động lớn đến nền kinh tế - thương mại và chính trị toàn cầu có ảnh hưởng đến Việt Nam hay không? Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Dung.
Việt Nam có bị ảnh hưởng từ sự kiện Crưm?
Trong cuộc chơi của "các ông lớn" thường gây đảo lộn đến trật tự thế giới, các nước nhỏ khó tránh được tác động và rủi ro. Theo bà, Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?
Ngay từ đầu không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác đã lo lắng vì chắc chắn bị ảnh hưởng.
Về kinh tế - thương mại, sự kiện Crưm khiến cho nhiều nước châu Âu khó xử vì lợi ích ngắn hạn và dài hạn.
Ở châu Á, Việt Nam, liên bang Nga và Ukraina là mối quan hệ truyền thống từ lâu. Trước kia trong khuôn khổ khối SEV (Hội đồng tương trợ kinh tế) mang tính bao cấp nhiều hơn. Từ năm 2000 đến nay quan hệ thương mại 2 bên đã thay đổi hoàn toàn. Việt Nam đã đa phương hóa quan hệ với nhiều nước. Mối quan hệ song phương với Nga và Ukraina gặp nhiều khó khăn. Việt Nam và Nga chưa bổ sung cho nhau ngoài lĩnh vực quốc phòng.
Tuy nhiên, nếu như cả thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực thì Việt Nam cũng khó đứng ngoài làn sóng đó. Nhưng tôi và nhiều người lo ngại là vấn đề lớn hơn. Nhất là vấn đề địa chiến lược của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không chỉ ngắn hạn mà lâu dài, không chỉ kinh tế - thương mại mà trật tự khu vực này.
Trung Quốc, Crimea, châu Á, Thái Bình Dương
Người dân Ukraina tuần hành bày tỏ sự ủng hộ Nga tại thủ phủ Simferopol, bán đảo Crimea ngày 9/3. (Nguồn: THX/TTXVN)
"Ngư ông đắc lợi"
Bà có thể phân tích cụ thể hơn?
Trung Quốc là bậc thầy về tranh thủ thời cơ! Tôi còn nhớ hồi ấy Mao Trạch Đông có câu "Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc đại trị". Không phải ngẫu nhiên mà khi sự kiện Crưm nổ ra, nhiều chuyên gia Mỹ và châu Á lại lên tiếng cảnh báo nguy cơ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứ không phải ở châu Âu hay Đông Âu.
Một học giả Mỹ đã lên tiếng với chính quyền Obama đừng quá chú tâm và tập trung và Crưm. Hãy quay trở lại chính sách xoay trục sang châu Á. Một học giả Hàn Quốc cũng cảnh báo, Trung Quốc sẽ "tranh thủ", "tận dụng" lúc các nước lớn và cũng là đối thủ cạnh tranh đang bận rộn với Crưm để "ra tay".
Chúng ta nên nhớ những hành động "ra tay" của Trung Quốc đều rơi vào thời điểm "loạn" như thế này. Năm 1962, cả thế giới nín thở vì khủng hoảng ở Cu Ba. Mỹ và Liên Xô suýt choảng nhau. Vũ khí hạt nhân đã đưa ra. Lập tức Trung Quốc xuất quân đánh Ấn Độ. Cả Liên Xô và Mỹ đều ủng hộ Ấn Độ nhưng không kịp trở tay.
Năm 1972, sau ký thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ, Trung Quốc ra tay chiếm Hoàng Sa vào năm 1974.
Năm 1979, cả thế giới đổ dồn quan tâm sự kiện Liên Xô tiến quân vào Afghanistan thì Trung Quốc tấn công 6 tỉnh biên giới của Việt Nam.
Năm 1988, dư luận quốc tế đang quan tâm giải quyết vấn đề Campuchia, Việt Nam chuẩn bị rút quân, Liên Xô đang ngập trong khủng hoảng, buộc thoái lui khỏi Afghanistan thì Trung Quốc ra tay đoạt một số quần đảo Trường Sa của Việt Nam...  Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô lúc ấy đang có mặt ở Cam Ranh nhưng không thể giúp Việt Nam giữ được đảo. 64 chiến sĩ đã hy sinh.
Nếu xét thêm trong lịch sử thì có vô số dẫn chứng nữa.
Đó là một thực tế mà các chuyên gia quốc tế, các nhà quan sát đã có nhiều nhận định cảnh báo.
Sự kiện Crưm đang khiến cho các đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc là Nga, Mỹ và EU đang lo đối phó với nhau, chẳng còn hơi sức đâu quan tâm tới những chuyện khác. Chính đây là thời cơ thuận lợi nhất cho những toan tính của Trung Quốc. Hơn ai hết Trung Quốc biết rõ điều này và đã nhiều lần áp dụng khá thành công.
Dường như cả Nga, Mỹ và EU lúc này đều đang cần Trung Quốc?
Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ và cảnh giác. Nga vì chống đỡ áp lực của phương Tây và Mỹ, đang tranh thủ Trung Quốc. Dù Trung Quốc bỏ phiếu trắng nhưng Nga vẫn cảm ơn đấy. Mỹ cũng muốn tranh thủ Trung Quốc để bao vây Nga nhưng Trung Quốc đã chọn con bài "bắt cá 2 tay" một cách khôn khéo.
Điều đáng cảnh giác nhất là các nước lớn thường "bắt tay nhau" một cách kín đáo. Chẳng hạn cái bắt tay giữa Mỹ và Trung Quốc năm 1972. Mỹ đã bỏ rơi Sài Gòn, bỏ mặc Hoàng Sa của đồng minh Việt Nam cộng hòa.
Tương tự, qua một số thông tin gần đây, Nga đã thông báo nếu bị cấm vận sẽ chuyển qua hợp tác với Trung Quốc, buôn bán với Trung Quốc. Mỹ chắc chắn sẽ mềm mại hơn với Trung Quốc để "tranh thủ". Như vậy khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bớt đối thủ của Trung Quốc.
Việt Nam cần phải có biện pháp gì để không bị ảnh hưởng? Hoặc chí ít cũng giảm được thiết hại nếu xảy đến?
Sự kiện Crưm là cơn chấn động địa chính trị lớn nhất trong đầu thế kỷ 21. Có người còn lo lắng, so sánh với ngòi nổ của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất xảy ra ở một nước nhỏ bé vùng Bankan. Nhưng tôi cho rằng, còn quá sớm để so sánh như vậy, song cũng không thể xem là nhẹ.
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác muốn không bị "hút" vào vòng xoáy khủng hoảng cần phải vững mạnh về kinh tế - chính trị - xã hội. Nếu chúng ta yếu chúng ta sẽ bị nuốt chửng vào tham vọng của cường quốc khác trong cuộc đua quyền lực mà nhiều khi nước nhỏ hơn bị trở thành nạn nhân.
Việt Nam có thuận lợi là án ngữ vị trí tối quan trọng ở biển Đông. Nhưng đây cũng là nguy cơ khiến bị tranh giành.
Ngoài ra, tôi nghĩ, chúng ta cũng nên khôn ngoan vì lợi ích dân tộc, tranh thủ những cơ hội quốc tế. Cơ hội không chỉ có vào thời thái bình mà lúc loạn lạc, chiến tranh cũng có chỗ để chúng ta tận dụng, tham gia.
Tại sao chúng ta không nghĩ đến khi Mỹ, EU và Nga vờn nhau, ra tay trừng phạt nhau thì sẽ có khoảng trống để chúng ta tham gia? Nhất là tận dụng cơ hội thương mại - kinh tế?
Nói chung, chúng ta cần có bản lĩnh để đối phó, xử lý các bất trắc, rủi ro. Nhưng cũng phải biết nắm bắt cơ hội, tạo cơ hội. Thế giới này theo quy luật sẽ vận động chứ không đứng yên. Những cuộc chơi đã diễn ra sẽ còn tiếp diễn nữa.
Xin cảm ơn bà!
Duy Chiến(Thực hiện)
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/166636/crum-khung-hoang--trung-quoc-se-loi-dung--ra-tay-.html