Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Vấn đề Ukraine: Vì sao Nga động binh, Mỹ đứng nhìn?

Nga quyết động binh để giữ vùng đệm Ukraine, Mỹ vẫn đứng ngoài cuộc. Mảnh đất có lịch sử như biểu tượng của sự chia cắt này sẽ đi về đâu?
Ukraine – biểu tượng của giao tranh và thuộc địa
Nhìn lại lịch sử của Ukraine, vùng đất này đã từng có thời kỳ hoàng kim, là một đế chế hùng mạnh, nhưng xuyên suốt quá khứ, người ta thường nghĩ đến sự giao tranh, chia cắt, lệ thuộc nhiều hơn.
Lịch sử của Ukraina cũng như lịch sử Nga bắt đầu từ khoảng thế kỉ 9 sau công nguyên khi vùng đất này trở thành trung tâm của nền văn minh Đông Slav với quốc gia Nga Kiev hùng mạnh tồn tại đến thế kỉ 12. Sau đó, quốc gia này bị đế quốc Mông Cổ đánh bại và trở thành một miền đất nô lệ.
Mông cổ suy yếu, Ukraine bị xâu xé bởi Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga. Thế kỉ 19, Đế quốc Nga trỗi dậy và thâu tóm toàn bộ Ukraine. Năm 1922, Ukraine trở thành một nước đồng sáng lập Liên bang Xô viết và trở thành một nước cộng hòa theo thể chế xã hội chủ nghĩa nằm trong Liên Xô. Năm 1991, Liên Xô sụp đổ và Ukraine lại trở thành một quốc gia độc lập cho đến thời điểm này.
Biểu tình chống chính phủ thân Nga ở Kiev
Biểu tình chống chính phủ thân Nga ở Kiev
Trong lịch sử hiện đại từ thế kỷ 20 đến nay, Ukraine được coi như một mảnh đất có giá trị địa chính trị quan trọng và thường xuyên chịu sự tác động, giằng xé của hai luồng ý thức hệ, xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Sau thế chiến hai, Ukraine nằm trong sự bao bọc che chở của Liên Xô, nhưng ngay sau khi Liên Xô tan rã, sự độc lập của đất nước này lại chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản với các nền kinh tế phương Tây.
Cho tới thế kỷ 21, sự trở lại của nước Nga dưới thời Tổng thống Putin với sức mạnh kinh tế, quân sự vượt trội đã một lần nữa đẩy quốc gia này quay trở lại với sư giằng xé Đông – Tây. Một mặt liên minh châu Âu quyến rũ Ukraine gia nhập vào đội ngũ của mình, tiến tới gia nhập WTO với sự chi phối kinh tế của Mỹ, EU. Trong khi đó, Nga nỗ lực lấy lại địa vị cường quốc như thời Liên Xô hoàng kim.
Khi những cuộc cách mạng màu sắc trở thành chiêu bài ưa thích của phương Tây, việc Ukraine rơi vào tình trạng bất ổn như hiện nay là điều dễ hiểu, nhưng tương lai sẽ đi đến đâu, còn tùy thuộc vào quyết tâm của hai cường quốc Nga – Mỹ.
Quyết tâm của Putin và giấc mơ phân chia thế giới
Trong bối cảnh cuộc biểu tình Ukraine nằm ngoài tầm kiểm soát của nước Nga, khi chính phủ thân Nga đã bị lật đổ, Tổng thống Viktor Yanukovych buộc phải bỏ trốn khỏi đất nước, chính phủ lâm thời của Ukraine được cho là thân phương Tây, điều này đồng nghĩa với việc Nga đang mất dần tầm ảnh hưởng tại vùng đất này.
Để mất Ukraine, Nga sẽ mất những gì? Trước hết là mất tấm áo giáp ở ngay cửa ngõ nước Nga. Từ Ukraine, sẽ không quá xa để bộ binh kẻ thù tiến thẳng vào Moscow. Sư yên ổn và thần phục của Ukraine có tầm ảnh hưởng quan trọng với an ninh nước Nga.
Người dân tại bán đảo Crimea biểu tình ủng hộ xác nhập vào Nga
Người dân tại bán đảo Crimea biểu tình ủng hộ xác nhập vào Nga
Không phải tự nhiên Nga bỏ công sức để chi phối và kiểm soát nền kinh tế Ukraine. Nga cung cấp đến 80 % khí đốt cho nước này. 25 % xuất khẩu của Ukraine đổ vào thị trường Nga và Ukraine cũng nhập vào hơn 30 % hàng hóa của Nga. Bên cạnh đó, tư bản Nga kiểm soát tới gần 1/3 nền kinh tế quốc gia này. Ukraine nhỏ bé, nhưng là miếng bánh béo bở, dễ ăn và dễ giữ.
Còn phương Tây, vì sao họ muốn lôi kéo Ukraine? Nga đang trỗi dậy mạnh mẽ và không hề che giấu mục tiêu lấy lại vị trí cường quốc như thời Liên Xô. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng nói: “Để mất đi giá trị cường quốc của Liên Xô là tổn thất lớn nhất trong lịch sử nước Nga”. Còn phương Tây, họ nhận xét về Putin như “nỗ lực thi đua với sự hùng vĩ của Liên Xô cũ”.
Việc Vladimir Putin theo đuổi một giấc mơ thế giới hai cực, thậm chí đơn cực với vai trò nước Nga không khác gì mục tiêu mà ngày trước Liên Xô đã nỗ lực thực hiện, chỉ khác về ý thức hệ. Nếu Liên Xô đã mong muốn làm cuộc đại cách mạng, toàn cầu đi lên chủ nghĩa xã hội, thì Putin chỉ muốn đem về quyền lợi theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.
Giấc mơ Putin không khác gì với giấc mơ Trung Hoa mà Tập Cận Bình đã đề ra. Và cách mà phương Tây (Mỹ, NATO) đang triển khai cũng không khác gì cách mà họ làm với Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương. Có thể nói, họ dùng chiêu bài của Trung Quốc để áp dụng với Nga, hoặc hiểu ngược lại cũng được. Tựu chung cũng nhằm mục đích phong tỏa, cô lập, kìm chế và chờ đợi lật đổ bằng cách mạng màu sắc.
Hạm đội Biển Đen của Nga có căn cứ tại bán đảo Crimea (Ukraine)
Hạm đội Biển Đen của Nga có căn cứ tại bán đảo Crimea (Ukraine)
Nếu như Mỹ làm được ở châu Á – Thái Bình Dương một “chuỗi ngọc trai” để buộc vào cổ Trung Quốc, thì việc của EU là phải làm được chuỗi ngọc ấy trên đất liền, áp sát ngay vào cửa ngõ nước Nga. Phong tỏa Nga, kiềm chế sức mạnh Nga là sự đảm bảo quyền lợi lâu dài cho NATO cũng như vị trí số một của nước Mỹ.
Quay trở lại vấn đề động binh với Ukraine, những lý luận về bảo vệ nhân dân tại nhà nước tự trị Crimea chỉ là cái cớ sáo rỗng. Quan trọng nhất, Nga có lợi ích kinh tế, địa chính trị, và quan trọng hơn, Ukraine là một bước trong chiến lược trở lại hoàng kim của nước Nga.
Nga đang theo đuổi vị thế của cường quốc số một thế giới, và rất có thể đã cho mình quyền được hành động đơn phương như cường quốc số một. Nhìn lại lịch sử, những Kosovo, Afghanistan, Iraq, Lybia… Mỹ đã cho mình quyền đơn phương hành động, cũng với chiêu bài bảo vệ quyền lợi Mỹ, thậm chí mơ hồ hơn là bảo vệ nhân quyền cho thế giới.
Ukraine đang dần tuột khỏi tay Nga. Và việc động binh là cần thiết. Đánh để bảo vệ lợi ích mà Nga mất công đầu tư, đánh để giữ vững sự ảnh hưởng, và quan trọng hơn hết, đánh để nước Nga nhận thấy sự quyết tâm đối với giấc mơ mà họ đang theo đuổi.
Mỹ đang đổ gánh nặng cho đồng minh
Nga đã động binh, còn Mỹ, họ đang làm gì? Động thái trực tiếp đáng ghi nhận nhất tới thời điểm này là cuộc điện đàm giữa ông Obama và ông Putin. Ở đó họ tỏ thái độ với nhau thế nào? Trợ lý Tổng thống Mỹ nói: “Ngài đã thẳng thắn và quyết liệt”. Mỹ đã đe dọa sự trừng phạt về kinh tế với Nga, dọa cắt quan hệ ngoại giao… một lần nữa Nga – Mỹ lại căng thẳng sau vấn đề Syria.
Còn hiệu quả của cuộc điện đàm này thì đã quá rõ, Nga phớt lờ, 15.000 quân Nga đã đến Crimea. Lối vào Biển Đen bị phong tỏa bởi cạm bẫy hải quân thông minh. Nghị sĩ của Nga đã khẳng định “kể cả tàu sân bay của Mỹ có đến cũng không giải quyết được vấn đề”.
Xe tăng Nga đã dàn trận tại biên giới hai nước Nga - Ukraine
Xe tăng Nga đã dàn trận tại biên giới hai nước Nga - Ukraine
Nhưng thực sự, Mỹ có muốn đối đầu trong vấn đề này? Nói thẳng, Ukraine quá nhạt nhẽo với Mỹ. Quyền lợi có, nhưng không phải quyền lợi sát sườn. Mục tiêu của Mỹ bây giờ là châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ đã bỏ qua cuộc không kích Syria để tránh sa lầy, toàn tâm toàn ý chuyển từ Trung Đông sang Thái Bình Dương. Mỹ không hề muốn hành trình của cuộc chuyển trục này phải lạc vào một Ukraine nhỏ bé ở Đông Âu, nơi có rất nhiều đồng minh của mình ở đó.
Còn động thái của các quốc gia châu Âu thân Mỹ, những thế lực đã hứa hẹn đủ điều với chính phủ lâm thời Ukraine, khi Nga dẫn quân vào quốc gia này, ngoài sự phản đối qua kênh ngoại giao và Liên Hợp Quốc, chưa quốc gia nào gửi quân ủng hộ hay hứa hẹn viện trợ chính phủ mới.
Điều đơn giản, họ đang chờ đợi động thái của người chỉ huy, nước Mỹ. Nhìn lại thế cuộc Syria, khi Anh, Pháp, Arab Saudi, Israel… đạn đã lên nòng, tàu ngầm mang tên lửa đã đến bờ biển Syria, nhưng chỉ vì Mỹ chưa “khai mạc” nên chẳng ai dám thi đấu.
Với Ukraine, những cuộc biểu tình nhằm lật đổ chính quyền thân Nga dễ hiểu đều có bàn tay của Mỹ và châu Âu đứng sau. Nhưng lần này Nga làm căng, đối đầu với Nga tại Đông Âu chỉ khiến tình cảm của Nga – Trung Quốc càng khăng khít tại Thái Bình Dương.
Trong cục diện Ukraine, có thể nói, các đồng minh châu Âu của Mỹ sẽ phải giữ màu sắc chủ đạo.
Đỗ Minh Tú
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/van-de-ukraine-vi-sao-nga-dong-binh-my-dung-nhin-3002486/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét