Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

"Bệnh hòa bình": Điểm yếu chí tử của Quân đội Trung Quốc

Lịch sử đã chứng minh, yếu tố trang bị hiện đại tuy quan trọng nhưng nếu người lính không thể vận hành hiệu quả trang bị đó, lực lượng quân sự vẫn chưa thể trở nên "nguy hiểm".


"Bệnh hòa bình": Điểm yếu chí tử của Quân đội Trung Quốc

Ngày 26/8, tờ National Interest xuất bản bài viết Don't Sweat China's Aircraft Carriers or Stealth Fighters: The 'Peace Disease' Is a Problem (tạm dịch: Đừng sợ hãi tàu sân bay và máy bay tàng hình của TQ: Bệnh hòa bình mới là vấn đề thực sự) của tác giả Charlie Lyons Jones.
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đa chiều, đặc biệt là quan điểm của phương Tây đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự trong thời gian gần đây, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
"Gã khổng lồ" Trung Quốc trỗi dậy có thực sự khỏe mạnh?
Việc hiện đại hóa nhanh chóng của Quân đội Trung Quốc đã gây ra một cuộc thảo luận căng thẳng về các ưu tiên quốc phòng của Australia.
Nó làm sống lại các cuộc tranh luận cũ về một học thuyết "Bảo vệ (nền) độc lập của Australia" hay hình thành một liên minh (quân sự) sâu sắc hơn với Hoa Kỳ.
Các cuộc tranh luận có một điểm chung, đó là không am hiểu về những điểm yếu và thiếu sót của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Bệnh hòa bình: Điểm yếu chí tử của Quân đội Trung Quốc - Ảnh 1.
Tàu sân bay Type 001A trong buổi lễ khánh thành
Điều quan trọng nhất mà các nhà hoạch định quốc phòng Australia cần hiểu là điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là "căn bệnh hòa bình" của PLA.
"Căn bệnh" này chính là thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Các nhà phân tích Trung Quốc xác định rằng việc không có các hoạt động huấn luyện trong điều kiện thực tế đã trở thành nỗi lo lắng của nhà cầm quyền Trung Quốc về khả năng của PLA trong một cuộc xung đột.
Cụ thể là nhà cầm quyền TQ lo ngại rằng PLA không có kinh nghiệm với cường độ chiến đấu cao trong chiến tranh hiện đại.
Bệnh hòa bình: Điểm yếu chí tử của Quân đội Trung Quốc - Ảnh 2.
Tầm bắn của các loại tên lửa đạn đạo Trung Quốc
Người Trung Quốc cũng tự nhận ra điểm yếu của mình
Trong một bài viết gần đây cho tờ báo chính thức của PLA, Nhật báo Quân giải phóng nhân dân, các tác giả Chen Yongyi và Liu Yuanyuan viết rằng "Ở thời chiến, quân đội vừa chiến đấu vừa tìm hiểu được kẻ địch".
Họ cho rằng việc duy trì tiếp cận kẻ địch giúp PLA nhận thức được cả trách nhiệm và thách thức của không gian chiến đấu hiện đại.
Trong khi một số tướng lĩnh "than vãn" về vấn đề kinh nghiệm chiến đấu, thì việc tìm cách giải quyết vấn đề thiếu kinh nghiệm trong các cuộc xung đột ngắn hiện đại sẽ cho phép PLA thu hẹp khoảng cách với quân đội Mỹ
Bệnh hòa bình: Điểm yếu chí tử của Quân đội Trung Quốc - Ảnh 3.
Lính Mỹ và Trung Quốc trong một hoạt động diễn tập cứu hộ
Tuy nhiên, để xoa dịu nỗi sợ hãi về sự thiếu chuẩn bị của PLA, TQ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện chất lượng đào tạo của PLA.
Vào đầu năm 2019, tờ PLA Daily đã xuất bản một bài viết trên trang nhất kêu gọi binh lính TQ "nắm vững việc huấn luyện chiến đấu thực tế" để đáp ứng mục tiêu về một quân đội "nguy hiểm hơn" có thể sánh ngang với những kẻ địch "cao cấp hơn".
Tuy nhiên, mặc dù tập trung vào việc cải thiện chất lượng huấn luyện quân sự, các vấn đề về hiệu suất và sẵn sàng chiến đấu vẫn là câu hỏi lớn đối với PLA.
Nhà báo Chen Dianhong từ PLA Daily gần đây đã dẫn lời của Chỉ huy Quân đoàn 75 PLA đang gặp vấn đề vì thiếu sự chuẩn bị cho chiến đấu.
"Chất lượng và số lượng trang thiết bị vũ khí không đạt yêu cầu và không đủ cho hoạt động huấn luyện thường ngày".
Không rõ rằng nhà cầm quyền TQ có hoàn toàn tin tưởng Quân đoàn 75, hoặc các quân đoàn khác có thể giải quyết các vấn đề đó và đáp ứng các mục tiêu hiện đại hóa hay không.
Bệnh hòa bình: Điểm yếu chí tử của Quân đội Trung Quốc - Ảnh 4.
Một nhóm nữ quân nhân lực lượng đặc biệt PLA vượt chướng ngại vật bằng dây kẽm gai
Nguyên nhân sâu xa "căn bệnh hòa bình" của Quân đội Trung Quốc
Các vấn đề của hiệu suất chiến đấu kém và thiếu khả năng sẵn sàng chiến đấu có thể thể hiện trong các cuộc tập trận lớn, nhưng chúng bắt nguồn từ đào tạo cơ bản (huấn luyện tân binh).
He Junlin và Sun Yanbao lập luận rằng "chỉ thông qua việc cải thiện huấn luyện cơ bản mới có thể phát huy hết tiềm năng của vũ khí, và nâng cao hiệu quả chiến đấu của PLA".
Nhận xét của họ chứng minh rằng TQ lo ngại về sự không tương đồng giữa khả năng của vũ khí và chất lượng đào tạo đối với các quân nhân vận hành chúng. Để giải quyết vấn đề này, nhà cầm quyền TQ mong muốn PLA cải thiện việc đào tạo cơ bản tân binh.
Bệnh hòa bình: Điểm yếu chí tử của Quân đội Trung Quốc - Ảnh 5.
Binh sĩ Trung Quốc tại Châu Phi
Tuy nhiên, việc huấn luyện tốt hơn vẫn chưa đủ khả năng chữa khỏi căn bệnh hòa bình.
Nhà phân tích Timothy Heath từ Tổ chức phân tích RAND lưu ý rằng: "Ngay cả khi có được kinh nghiệm chiến đấu thì nó cũng không tự chuyển thành lợi thế quân sự.
Quân đội phải đi xa hơn, phân tích sâu hơn vào các bài học thu được từ các hoạt động chiến đấu và công tác huấn luyện".
Dennis J. Blasko đã chỉ ra rằng PLA có hệ thống hồ sơ tự đánh giá về hiệu suất đào tạo. Nó có thể hệ thống hóa cùng với các ví dụ thực tiễn để chuẩn bị cho các cuộc xung đột hiện đại.
Mặc dù một số biện pháp này về lý thuyết có thể chính xác, nhưng PLA đã phải chịu những đánh giá không chính xác về hiệu suất của chính mình trong huấn luyện cơ bản. Những đánh giá bản thân không chính xác này là một triệu chứng khác của vấn đề PLA đang đối mặt.
Nhà báo Xu Tao gần đây đã xuất bản một bài viết chỉ ra rằng một số binh sĩ có thể "bịa" ra những điểm yếu không tồn tại, trong khi cố cường điệu những điểm mạnh trong các bài huấn luyện.
Bệnh hòa bình: Điểm yếu chí tử của Quân đội Trung Quốc - Ảnh 7.
Một đơn vị PLA diễn tập sẵn sàng chiến đấu
Mặc dù các tác động ngắn hạn của những thông tin này có thể bị hạn chế trong việc đánh giá hiệu suất sai, sự phát triển lực lượng dài hạn của PLA có thể bị tổn hại bởi các sĩ quan ưu tiên các bài tập mà binh lính cảm thấy dễ dàng hơn là các bài huấn luyện căng thẳng.
Điều này dẫn đến mầm bệnh của điều được nhà cầm quyền TQ gọi là "bệnh hòa bình". Nếu không có kinh nghiệm trong các hoạt động chiến đấu, binh lính sẽ không thể nhận ra điểm yếu trong hoạt động quân sự liên quan đến chiến tranh hiện đại.
Nếu những điểm yếu này "di căn", sự phát triển lực lượng của PLA cho các nhiệm vụ quan trọng có thể bị tổn hại theo thời gian.
Bệnh hòa bình: Điểm yếu chí tử của Quân đội Trung Quốc - Ảnh 8.
Binh lính Trung quốc thuộc Quân đoàn 72 và trực thăng vũ trang WZ-10
Kết luận
Sự chú ý mà TQ đã dành cho sự thiếu kinh nghiệm của PLA cho thấy đó là một lo lắng chính xác, tuy nhiên cho tới hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy "phương pháp chữa trị".
Đối với các nhà hoạch định quốc phòng Australia, những lo ngại của TQ về PLA chứng minh rằng Trung Quốc vẫn đang tiến tới việc hiện đại hóa quân sự.
Những cải tiến đáng kể chắc chắn đã được thực hiện về số lượng và chất lượng của các nền tảng vũ khí có thể được PLA triển khai, đặc biệt là chú trọng vào lực lượng trên không và trên biển.
Nhưng nếu không có những cải tiến lớn về chất lượng và đào tạo, khả năng đạt được các mục tiêu ngày càng tham vọng của TQ trong khu vực Tây Thái Bình Dương có thể sẽ có những hạn chế nhất định.

Đẳng cấp tình báo quân sự Israel: "Nhất cử nhất động" của kẻ thù đều nằm trong tầm ngắm

Chỉ riêng thông tin về hai chiến binh Hezbollah mà Israel công bố ngày 26/8 cũng đủ chứng minh rằng, tại Trung Đông, tình báo Israel chẳng thua kém bất cứ quốc gia nào.


Đẳng cấp tình báo quân sự Israel: "Nhất cử nhất động" của kẻ thù đều nằm trong tầm ngắm

Tình báo Israel nổi tiếng khắp thế giới. Điều đó khó có ai phủ nhất. Nhưng với những thông tin mà họ cung cấp cho Quân đội Israel (IDF) trong các vụ tấn công gần đây ở Syria và Lebanon mới thấy họ xuất sắc tới mức nào.
Với việc IDF ngăn chặn thành công kế hoạch tấn công Israel bằng máy bay không người lái (UAV) từ các chiến binh được cho là do Iran hậu thuẫn thì trình độ của tình báo Israel lại càng thể hiện một cách rõ nét.
Tình báo Israel không chỉ xác định rõ danh tính các các điệp viên Lebanon làm việc cho Iran ngay từ khi trên đường thực thi kế hoạch tấn công mà thậm chí còn theo dõi sát sao từng động thái liên quan tới hoạt động triển khai UAV chuẩn bị phóng sang Israel.
Sau vụ không kích phủ đầu của Không quân Israel vào Syria ngày 25/8 vừa qua, danh tính 2 chiến binh Lebanon tử vong đã được công bố, gồm Hassem Yussuf Zabib, sinh 1996 đến từ Nabatieh, miền Nam Lebanon và Yasser Ahmed Tzahr đến từ Beleide, sinh năm 1997.
Đẳng cấp tình báo quân sự Israel: Nhất cử nhất động của kẻ thù đều nằm trong tầm ngắm - Ảnh 1.
Hai chiến binh Lebanon trên chuyến bay tới Iran để tham gia khóa đào tạo tại một căn cứ của lực lượng đặc nhiệm Quds. Ảnh: IDF
Hai nhân vật này được cho là các điệp viên của phong trào vũ trang Hezbollah do lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đào tạo và chỉ huy.
Theo IDF, 2 chiến binh này đã tới Iran nhiều lần trong năm 2019 và được huấn luyện tại một căn cứ của đặc nhiệm Quds về cách thức sử dụng máy bay không người lái cũng như các loại UAV mang thuốc nổ tấn công cảm tử.
Điều đáng kinh ngạc là tình báo Israel còn sở hữu được cả các bức hình của hai chiến binh Lebanon trên một chuyến bay tới Iran để tham gia một số khóa huấn luyện tại đây.
Chuẩn tướng Ronen Manelis, người phát ngôn của Quân đội Israel cho biết IDF đã được lệnh tấn công thị trấn Aqraba (Syria) vào sáng sớm Chủ Nhật ngay sau khi họ nhận được thông tin tình báo về âm mưu tập kích bằng UAV sẽ diễn ra trong ngày hôm đó.
Mỗi một chiếc UAV kể trên có thể mang theo vài kg thuốc nổ và được phối hợp điều khiển cùng với các phi công Iran đã tới Syria vài ngày trước đó để tham gia sứ mệnh tấn công Israel.
Từ những thông tin tình báo được công bố ở trên có thể khẳng định rằng IDF đã biết "chân tơ kẽ tóc" những phần tử trong mạng lưới chiến binh chống Israel và "nhất cử nhất động" của họ đều đã bị theo dõi sát.
Trong các sứ mệnh theo dõi như thế này, theo Jerusalem Post, các điệp viên do Mossad điều hành luôn đóng vai trò quan trọng nhất. Qua rất nhiều thông tin bị "rò rỉ", Israel đã khẳng định hàng chục điệp viên của họ đã được Mossad cài cắm vào Iran để lấy được những thông tin vô cùng giá trị trong hồ sơ hạt nhân bí mật của Tehran vào tháng 1/2018.
Israel "vô tình" tiết lộ rằng, trong điệp vụ này họ đã theo dõi các hồ sơ của Iran suốt một thời gian dài, thậm chí ngay cả khi chúng được chuyển từ địa điểm này qua địa điểm khác.
Giai đoạn 2010 - 2013, trong khi mạng lưới tình báo của CIA ở Iran bị bại lộ do những vi phạm về đảm bảo an ninh thì Mossad vẫn tìm ra cách cài cắm được các điệp viên của họ vào hoạt động bên trong lãnh thổ Iran.
Số điệp viên này có khả năng đã cung cấp thông tin tình báo cho IDF về các chiến binh Hezbollah ở Iran, mặc dù Israel còn có nhiều cách thức thu thập khác thông qua biện pháp hack điện thoại hay video camera.
Ngoài ra, một số cách thức theo dõi khác cũng có thể được tình báo Israel áp dụng như sử dụng các thiết bị thu thập thông tin từ máy bay không người lái, tiêm kích tàng hình F-35, điệp viên Mossad hay các lực lượng đặc nhiệm của IDF triển khai tại thực địa, hoặc thậm chí hack video của Hezbollah hoạt động gần đó.
Tất cả các hoạt động trên cho thấy, mạng lưới tình báo của Israel có thể theo dõi được các điệp viên Hezbollah ở rất nhiều quốc gia trong khu vực. Chỉ riêng thông tin về hai chiến binh Hezbollah mà Israel công bố ngày hôm qua cũng đủ chứng minh, tại Trung Đông, tình báo Israel chẳng thua kém bất cứ quốc gia nào.

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

Chiến thuật nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông: “Cháo nóng húp quanh”!

Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ - nhận định với Lao Động: Trung Quốc đã và đang triển khai chiến thuật gặm nhấm theo phương châm “cháo nóng húp quanh” đối với các thực thể địa lý nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.


Chiến thuật nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông: “Cháo nóng húp quanh”!

Cưỡng chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa
Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh, trong Biển Đông, Trung Quốc đã và đang lợi dụng mọi thời cơ, tận dụng mọi lợi thế về quân sự, kinh tế, kỹ thuật, tài chính… để từng bước, lúc bí mật, khi công khai, tiến hành xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa vào các năm 1956, 1974 và một phần quần đảo Trường Sa năm 1988.
Tiếp đến, từ sau năm 1988, Trung Quốc, một mặt tiến hành đào bới, san lấp, xây dựng, biến 6 thực thể địa lý ở phía tây bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ vừa đánh chiếm năm 1988 thành các đảo nhân tạo rất lớn, đủ để xây dựng và bố trí các thiết bị quân sự hải, lục, không quân hiện đại; mặt khác, họ tiếp tục triển khai chiến thuật gặm nhấm nguy hiểm, theo phương châm “cháo nóng húp quanh” đối với các thực thể địa lý là những bãi ngầm, rạn san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, như những gì đã xảy ra ở Đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough 2012, Bãi Cỏ Mây…
Tiến sĩ Trục nhấn mạnh, đáng chú ý, Bắc Kinh đã và đang mở rộng hoạt động phi pháp này bằng cách huy động lực lượng tàu thuyền đến hoạt động tại khu vực bãi cạn James cách bờ biển Malaysia chỉ 80km, Bãi Cỏ Rong ở phía đông quần đảo Trường Sa, cách Philippines dưới 200 hải lý.
Và, gần đây nhất, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã quay trở lại xâm phạm vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông - đã được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao hôm 16.8.2019 lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Theo tiến sĩ Trần Công Trục, sự việc này một lần nữa cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương biến không thành có, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp; hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý đã bị lên án, bác bỏ; từng bước thực hiện bằng được mục tiêu chiến lược độc chiếm Biển Đông.
Chủ trương và phương thức ứng xử của Việt Nam
Tiến sĩ Trần Công Trục nhận định, nội dung trong các tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam liên quan đến các hành vi Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam cho thấy lập trường pháp lý và chủ trương chính trị của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, rõ ràng, thích hợp với quy chế pháp lý của từng vùng biển và thềm lục địa, đồng thời thể hiện thiện chí của một quốc gia thành viên có trách nhiệm của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định phù hợp với quy định của UNCLOS, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế.
Tiến sĩ Trần Công Trục lưu ý thêm, theo UNCLOS 1982, các quốc gia ven Biển Đông đều có quyền dựa vào đó để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia mình, trong đó có vấn đề hiệu lực để xác định phạm vi biển của các quần đảo, đảo, đá, bãi cạn ở Biển Đông.
Một lưu ý quan trọng nữa, theo UNCLOS 1982, việc phát hiện và xử lý các sai phạm có khả năng xảy ra hay đã xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, các lực lượng chấp pháp trên biển của quốc gia ven biển cũng phải tuân thủ các thủ tục pháp lý chặt chẽ, không được phép xử lý một cách tùy tiện. Đặc biệt là hạn chế hoặc thậm chí nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp bằng sức mạnh để cưỡng bức, không qua xét xử của các cơ quan tư pháp…
Tiến sĩ Trục lưu ý, khi áp dụng các biện pháp đấu tranh tại hiện trường xảy ra vụ việc, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên biển, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam cũng phải hết sức thận trọng và phải cân nhắc kỹ trước khi áp dụng một biện pháp nào đó, chứ không thể xử lý theo cảm xúc, chủ quan. “Chưa kể nếu không cẩn thận, có thể bị mắc bẫy của đối phương khi họ kiếm cớ để gây khủng hoảng dẫn tới đụng độ, nhằm nhanh chóng rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu chiến lược của họ” - tiến sĩ Trục nói.
“Điều này còn là bài học, lời cảnh tỉnh đối với chúng ta, với tư cách là những công dân bình thường, khi tiếp cận với những thông tin không được kiểm chứng hòng kích động dư luận, gây bất ổn về chính trị, vì những động cơ chính trị.
Còn với tư cách là những cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh chính trị, pháp lý, tuyên truyền, giáo dục, trước hết, phải nâng cao kiến thức pháp lý của mình để chỉ đạo hay trực tiếp tham gia quá trình xử lý đúng đắn và thích hợp, đồng thời, có trách nhiệm thông tin kịp thời, chuẩn xác, rõ ràng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, trong bối cảnh có nhiều thông tin thiếu kiểm chứng đang tràn ngập trên các mạng xã hội ở thời đại công nghệ 4.0” - tiến sĩ Trần Công Trục nói.

Từ bãi Tư Chính nhận diện lực lượng dân quân biển Trung Quốc

Bắc Kinh phát triển dân quân biển như một bộ phận của “chiến tranh nhân dân kiểu Trung Quốc trên biển”, thực hiện chiến lược cắt lớp salami hay “bóc bắp cải”, gây sức ép từ từ.


Từ bãi Tư Chính nhận diện lực lượng dân quân biển Trung Quốc

Tàu Địa chất hải dương 8 cùng một số tàu hộ tống của Trung Quốc (TQ) đã quay lại x âm phạm vùng biển Việt Nam hôm 13-8.
Cùng với một số tàu hộ tống, tàu Địa chất hải dương 8 trước đó đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam từ đầu tháng 7 đến ngày 7-8.
Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Chiến tranh nhân dân trên biển
Một trong những điều đáng chú ý là TQ, với mong muốn ngăn chặn các xung đột vũ trang không cần thiết, đã triển khai một nhóm tàu dân quân biển theo cùng tàu khảo sát.
Theo giới quan sát, lực lượng dân quân biển TQ tham gia vào các hoạt động khiêu khích, gây hấn, ngăn cản tàu thuyền và các hoạt động khai thác tài nguyên.
Đại sứ-PGS-TS Nguyễn Hồng Thao đánh giá rằng dân quân biển TQ là lực lượng đi đầu trong các tranh chấp với ngư dân các nước, gây cớ cho cảnh sát biển và hải quân TQ can thiệp, biến vùng không tranh chấp hoặc sự việc không tranh chấp thành tranh chấp.
“Chiến thuật này đã được áp dụng tại vùng biển Đà Nẵng năm 1962, tại Hoàng Sa năm 1974. Gần đây, TQ tiếp tục sử dụng nước cờ này với Philippines ở Đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough năm 2012, Sandy Cay (Việt Nam gọi là đảo Sơn Ca - PV) 2018, vây Thị Tứ năm 2019 (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Philippines chiếm đóng trái phép - PV); với Việt Nam trong các vụ cắt cáp tàu địa chấn Bình Minh 02 năm 2011 và Viking II năm 2013, trong vụ giàn khoan Hải dương 981 năm 2017 và gần đây ở Tư Chính 7-2019; với cả tàu nghiên cứu khoa học hay tàu quân sự của Mỹ UNS Impeccable2009,USS Lassen 2015.” - ông Nguyễn Hồng Thao kể.
Ngoài ra, nhóm tàu dân quân biển TQ - vốn được trang bị khá hiện đại, thậm chí có vỏ tàu được bọc thép - còn đóng vai trò “ăn vạ”.
Theo lời kể của các ngư dân Việt Nam, “tàu cá” (mà thực tế là tàu dân quân biển) hiện đại và vỏ thép, chạy nhanh vượt mặt tàu Việt Nam rồi đột ngột cắt đầu khiến tàu cá Việt Nam dù cố tránh vẫn trở tay không kịp. Dựa vào cớ này, phía TQ lại cho rằng bị tàu Việt Nam đâm va.
Ông Nguyễn Hồng Thao cho biết “theo nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài, TQ phát triển dân quân biển như một bộ phận của “chiến tranh nhân dân trên biển”, thực hiện chiến lược cắt lớp salami hay “bóc bắp cải” , gây sức ép từ từ ”.
Dân quân biển TQ nguy hiểm vì ít nhất ba lý do: (i) lực lượng ngày càng đông, đi thành từng nhóm và hành động hung hãn; (ii) không phải lực lượng chính quy (có thể tàu tư nhân hoặc các thành phần phức tạp) nên không ngại các va đâm nguy hiểm, thậm chí không lường trước hậu quả gây ra với đối phương; (iii) khó bị chế tài bởi các quy định va đâm trên biển dành cho các tàu chiến hay tàu vũ trang chuyên nghiệp.
Giải pháp nào cho các nước?
Là thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc (ILC), đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhận định luật pháp quốc tế có những quy định về tránh đâm va hàng hải COLREG 1972, trong đó quy định rõ nghĩa vụ cứu vớt những người bị nạn và tránh đâm va tàu thuyền.
Luật quốc tế có các quy định về đối đãi với các tàu thuyền vận tải thương mại khác với các tàu thuyền quân sự và các tàu thuyền vận tải thương mại được huy động làm nhiệm vụ quân sự.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Thao cũng nhận định rằng luật còn thiếu các quy định về tàu cá được sử dụng làm phương tiện đe dọa sử dụng vũ lực, làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển như dân quân biển TQ hiện nay đang đảm nhiệm và thực hiện.
“Đây là vùng xám mà TQ lợi dụng để tránh sự trừng phạt của lực lượng thực thi pháp luật trên biển của nước khác” - ông Nguyễn Hồng Thao khẳng định.
Để có cách ứng xử phù hợp, cần nhanh chóng xây dựng luật pháp để có thể đối xử với các tàu cá làm nhiệm vụ quân sự như các tàu quân sự và phải bị trừng phạt.
Tuy vậy, cách tốt nhất là cần đàm phán tạo điều kiện, tạo ra các ngư trường cho người dân quay trở lại đánh bắt hơn là cạnh tranh ngư trường hoặc làm nhiệm vụ quân sự tranh chấp chủ quyền.
Đàm phán tạo dựng một vùng đánh cá chung trên cơ sở luật pháp, phân chia đồng đều lợi ích và phát triển bền vững ở biển Đông là cần thiết.
Từ bãi Tư Chính nhận diện lực lượng dân quân biển Trung Quốc - Ảnh 1.
Tàu đánh cá TQ ra khơi Trường Sa. Nhiều tàu TQ nhìn như tàu cá nhưng làm nhiệm vụ va đâm, đe dọa tàu ngư dân các nước. Ảnh: AFP
Sau khi có phán quyết (của Tòa Trọng tài 2016), một khu vực nằm giữa biển Đông sẽ không thuộc một quốc gia nào mà là biển cả.
Một vùng đánh cá nằm ngoài 200 hải lý (tức nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia) có thể là giải pháp để các bên cùng nhau khai thác trên nguyên tắc tự do đánh bắt nhưng có quản lý.
Các tàu cá tham gia sẽ chấp hành nội quy chung, có đánh dấu riêng, trang bị và đăng ký tọa độ qua hệ thống GPS mở.
Các nội dung kiềm chế sử dụng dân quân biển và tàu cá làm nhiệm vụ quân sự cần được thảo luận trong khuôn khổ Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Một đường dây nóng chung để xử lý các đâm va, đụng độ trên biển giữa các tàu cá cũng nên được tính đến.
Nếu các nước đồng lòng nghĩ đến người dân, đến hòa bình, an ninh ổn định và thịnh vượng ở biển Đông trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và lợi ích của nhau, tuân thủ luật quốc tế, các nước sẽ tìm được những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tình hình, nhất là cách cư xử kiểu “chiến tranh nhân dân trên biển” của TQ.
Có hàng loạt điều luật quốc tế hay văn bản quốc tế quy định về các vấn đề ứng xử nhân đạo, tiếp xúc an toàn, tránh va chạm trên biển.
Trong đó có thể kể đến Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, 1982; Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng người trên biển, 1974;...Tất cả điều luật, văn bản liên quan đều quy định các tàu thuyền khi thực hiện hoạt động hàng hải phải đảm bảo an toàn hàng hải, tránh đâm va hoặc tránh tạo các hoạt động nguy hiểm có thể gây đâm va.
Nếu có đâm va do sự cố bất khả kháng, tàu thuyền phải có nghĩa vụ cứu hộ, cứu nạn tàu và người bị nguy hiểm do đâm va. Các quốc gia ven biển có thể giữ các tàu thuyền khi đâm va trong lãnh hải để xử lý theo luật pháp của mình nếu luật pháp của quốc gia không mâu thuẫn với quy định trong luật pháp quốc tế mà họ là thành viên.
PGS-TS VŨ THANH CA, ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam