Bộ trưởng quốc phòng Delfin Lorenzana ngày 9/8 thúc giục chính phủ Philippines yêu cầu Bắc Kinh giải thích sự hiện diện của các tàu nghiên cứu Trung Quốc trong vùng biển nước này.
Theo ông Lorenzana, Manila thiếu các thiết bị radar để giám sát hai tàu nghiên cứu của Trung Quốc - được chuyên gia Đại học hải chiến Hoa Kỳ Ryan Martinson xác định là hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Philippines tuần này. Ông thừa nhận Bộ quốc phòng Philippines chưa thể xác nhận sự hiện diện của các tàu khảo sát Trung Quốc trong vùng biển nước này.
Martinson đăng tải các hình ảnh bản đồ, cho thấy hai tàu khảo sát Zhang Jian và Dong Fang Hong 3 của Trung Quốc hiện diện ở ngoài khơi các tỉnh Samar và Ilocos Norte, Philippines.
"Hành động mà tôi muốn chính phủ chúng ta thực hiện là thông báo và hỏi Đại sứ quán Trung Quốc rằng các tàu này đang làm gì trong EEZ của chúng ta mà chúng ta không được biết," bộ trưởng Lorenzana trả lời ABS-CBN News.
Ông Lorenzana cho biết, Trung Quốc cũng không xin phép nhà chức trách Philippines trước khi một số chiến hạm của Quân giải phóng nhân dân (PLA) di chuyển qua eo biển Sibutu ở phía nam Philippines 4 lần từ tháng 2 đến tháng 7 vừa qua.
"Điều chúng ta thực sự cần là phải giảm bớt nỗi lo của các láng giềng của Trung Quốc, phải thông báo cho các nước rằng tàu của họ (Trung Quốc) đang làm gì - không chỉ là tàu khảo sát, mà cả các tàu chiến di chuyển qua vùng nước của chúng tôi," ông nói.
"Không có ai ngăn cản họ nghiên cứu trong khu vực, miễn là Manila phải được thông báo trước," ông Lorenzana nói. "Nếu mục đích chỉ là tìm hiểu biển hoặc cá, đời sống đại dương thì không phải đe dọa an ninh. Nhưng nếu họ làm những chuyện khác như trinh sát hoặc thăm dò các vị trí của chúng ta thì đó là mối đe dọa."
Trước đó, ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. ngày 7/8 cho biết ông phải chờ thông tin do quân đội cung cấp trước khi có thể xác nhận về sự hiện diện của tàu khảo sát Trung Quốc trong EEZ Philippines, bởi "sự tồn tại phổ biến cũng như xu hướng nói dối của dân thường về bất kỳ chuyện gì".
Cho đến nay, Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý đối với hơn 80% diện tích biển Đông - vùng biển quốc tế với lưu lượng hàng hóa mỗi năm trị giá khoảng 3.4 nghìn tỉ USD.
"Trung Quốc không chiếm thêm thực thể"
Vào tuần trước, ông Delfin Lorenzana lên án Trung Quốc là một nước "bắt nạt", sau khi đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Giám Hoa nói Bắc Kinh "sẽ không nổ súng trước" trên các vùng nước tranh chấp.
Bộ trưởng quốc phòng Philippines tố các quan chức Trung Quốc đã lặp đi lặp lại luận điệu trên nhiều lần, nhưng hành động của Bắc Kinh không khớp với lời nói.
"Tuy nhiên đến gần đây, họ không bắt nạt chúng tôi bởi họ không chiếm đóng thêm thực thể nào trên biển Đông," ông Lorenzana nhận xét sáng nay. Dù vậy, ông đồng tình với phát biểu của đồng cấp Mỹ Mark Esper mới đây, cáo buộc Bắc Kinh gây bất ổn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng hành động "xâm chiếm các đảo đá và biến chúng thành đảo nhân tạo, rồi xây đường băng dài, các công trình kiến trúc, và bố trí máy bay quân sự cùng các vũ khí phòng thủ".
Đại sứ Trung Quốc khẳng định nước này triển khai quân sự hóa biển Đông với mục đích tự vệ, song ông Lorenzana cho rằng "khả năng phòng thủ có thể được chuyển hóa thành khả năng tấn công".
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 8/8 xác nhận ông sẽ nêu vấn đề phán quyết vụ kiện biển Đông năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) với chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc cuối tháng này. Phán quyết đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách "Đường chín đoạn" mà Bắc Kinh áp đặt ở biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét