Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

Vụ bãi Tư Chính không phải chuyện riêng giữa hai nước trên Biển Đông

Trung Quốc vẫn đang bất chấp luật pháp quốc tế để thực hiện chiến lược quen thuộc ở Biển Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ.


Vụ bãi Tư Chính không phải chuyện riêng giữa hai nước trên Biển Đông

Tổng thống Duterte đang cố né Trung Quốc?
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 22/7 cho biết chính quyền ông sẽ thi hành phán quyết được đưa ra hồi năm 2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển trong vụ kiện Biển Đông, nhưng không phải bây giờ. "Tất nhiên, chúng tôi sẽ thi hành, trong thời gian tới", ông Duterte nói.
Ông Duterte cho rằng việc khẳng định chủ quyền đất nước lúc này có thể dẫn đến chiến tranh và đó là điều chính quyền Manila không mong muốn. "Một cuộc chiến tranh nổ ra bây giờ sẽ là cấp số nhân của đau buồn và tang thương. Chiến tranh sẽ để lại những góa phụ và trẻ mồ côi", Tổng thống Philippines nói.
"Nhiều tài nguyên hơn và những điều tốt hơn có thể đạt được trong phòng hội nghị kín hơn là trong một cuộc tranh cãi ở nơi công cộng. Đó là lý do tại sao tôi sẽ làm theo cách hòa bình, lưu tâm đến thực tế rằng đó là niềm tự tôn dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ đang bị đe dọa", ông Duterte giải thích.
Tổng thống Duterte đã và đang phải nhận những chỉ trích do mối quan hệ nồng ấm của ông với Bắc Kinh. Ông cũng bị cáo buộc đánh cược chủ quyền quốc gia để theo đuổi các khoản đầu tư từ Trung Quốc đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Bất chấp mối quan hệ với Trung Quốc “ấm” hơn hẳn so với chính quyền tiền nhiệm, cùng với việc liên tục có những tuyên bố cho thấy ý định không muốn đối đầu với Bắc Kinh trên Biển Đông, giới quan sát cho rằng, Manila hoàn toàn có thể vướng vào căng thẳng ở vùng biển này bất cứ lúc nào, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang tỏ ra quyết đoán hơn với những yêu sách chủ quyền phi lý.
Theo thông tin từ tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, căng thẳng đã nổ ra trong những tuần gần đây gần một mỏ dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam khi Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đến khu vực này mà không được phép.
"Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh hôm 19/7.
AMTI cũng dẫn các dữ liệu theo dõi tàu thuyền cho biết lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã có những hành vi quấy rối, cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia trên Biển Đông. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 10-27/5, tàu hải cảnh Haijing 35111 của Trung Quốc đã tiến hành tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia ở Biển Đông, nơi có lô dầu khí SK 308 mà công ty Sarawak Shell có trụ ở ở Kuala Lumpur, Malaysia đã được cấp phép thăm dò.
Khi Malaysia điều hai tàu tiếp tế đến phục vụ giàn khoan vào ngày 21/5, tàu hải cảnh Trung Quốc đã chạy quanh khiêu khích và tiếp cận hai tàu này trong phạm vi 80m. "Với các hành vi áp sát và khiêu khích này, nguy cơ va chạm bất ngờ có thể dẫn đến xung đột là rất rõ ràng", AMTI đánh giá.
Malaysia khẳng định cụm bãi cạn Luconia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và từ năm 2013 thường xuyên duy trì sự hiện diện quanh bãi cạn này.
“Điều này chứng tỏ Bắc Kinh muốn cố gắng ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí và khí đốt đơn phương của các nước láng giềng ở bất kỳ đâu trong cái gọi là ‘đường 9 đoạn’”, Giám đốc AMTI Gregory Poling nhận định.
Philippines hoàn toàn có thể trở thành mục tiêu
Một số ý kiến khác cho rằng, Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất và tàu hải cảnh cỡ lớn đến bãi Tư Chính nhằm gây sức ép, thử phản ứng của Việt Nam trước khi Bắc Kinh và ASEAN đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và Trung Quốc hoàn toàn có thể áp dụng cách này với các nước khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Đồng ý với nhận định này, theo ông Poling, Philippines có thể rơi vào tình huống tương tự như Malaysia và Việt Nam nếu nước này tiến hành hoạt động thăm dò đơn phương ở Bãi Cỏ Rong – nơi Chính phủ Philippines cân nhắc tiến hành hoạt động thăm dò chung với Trung Quốc.
Từ năm 2009 cho tới nay, Trung Quốc đã áp dụng một chiến lược tổng thể để thực hiện tham vọng thâu tóm Biển Đông. Giới phân tích gọi chiến lược này của Trung Quốc là “chiến lược vùng xám”. Nói nôm na chiến lược có nội dung: Bắc Kinh có thể thực hiện những động thái o ép, ức hiếp các quốc gia khác, khiến căng thẳng bị đẩy lên cao, nhưng không để mọi chuyện vượt quá lằn ranh đỏ, vốn có thể khơi mào một cuộc xung đột vũ trang lớn.
“Chiến lược vùng xám” được thể hiện rõ qua hai sự kiện mới nhất ở bãi Luconia và bãi Tư Chính.
“Điều này cho thấy Trung Quốc có ý định làm như vậy (ngăn cản hoạt động thăm dò dầu mỏ, khí đốt của các nước khác ở Biển Đông) thông qua hành vi dọa nạt và ức hiếp chứ không sử dụng vũ lực trực tiếp. Khi các bên đứng lên chống lại hành vi đó và kiên quyết tiếp tục hoạt động thương mại của họ (như Việt Nam và Malaysia đang làm) thì Trung Quốc nhiều khả năng sẽ rút lui và thử lại vào một lần khác”, ông Poling nói.
Ông Poling bày tỏ nghi ngờ quan điểm của Tổng thống Philippines Duterte cho rằng đẩy lùi Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc kích hoạt một cuộc xung đột toàn diện bởi theo ông, chiến lược Biển Đông của Trung Quốc là không bao giờ phải dùng đến lực lượng quân sự bởi nước này cần phải quan tâm đến hình ảnh của mình trên trường quốc tế.
“Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực, điều đó sẽ làm suy yếu mong muốn của họ đóng vai trò một nhà lãnh đạo toàn cầu và thậm chí nguy hiểm hơn là nó sẽ kéo theo sự tham gia của các thế lực quốc tế bên ngoài”, ông Poling nói.
Chuyên gia Poling nhấn mạnh, Trung Quốc có ít khả năng sử dụng vũ lực đối với Philippines bởi khi đó sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) giữa Manila và Washington được ký kết từ 30/8/1951. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu năm nay cũng đã nhắc lại cam kết không lay chuyển, sẵn sàng can thiệp nếu Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét