Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

Chiến lược biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc


Trong một động thái gây hấn hơn, Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm (ASCM), cũng như tên lửa đất đối không (SAM) tới 3 hòn đảo đá chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam là: đá Vành Khăn, đá Chữ Thập và đá Su Bi. Đây là một phần chiến lược theo học thuyết "Tứ Toàn" của Bắc Kinh, chuyên trang RCD cho biết. 

Theo RCL, việc Trung Quốc triển khai thêm sức mạnh quân sự tại Biển Đông có thể coi là một hành động thách thức Tòa án Trọng tài thường trực PCA. Những hành động của Trung Quốc cũng là sự chế nhạo những lời hứa của ông Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa Biển Đông và gây thêm quan ngại về tuyên bố của Trung Quốc là sẽ không tìm cách trở thành bá chủ trên thế giới. 
Hệ thống tên lửa hành trình chống hạm được triển khai là YJ-12B - một trong những hệ thống tên lửa chống hạm hiện đại nhất của Trung Quốc. Với tầm bắn 545km, bay với tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh và có khả năng tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa, tầm bắn cùng tốc độ của YJ-12B khiến nó rất khó đánh chặn và là kẻ thù nguy hiểm của những tàu chiến trên mặt nước. Loại tên lửa hành trình chống hạm này đã khiến Mỹ phải phát triển khả năng phối hợp tham chiến (CEC) cùng với những đồng minh bao gồm cả Úc.
Chiến lược biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc - ảnh 1Tên lửa hành trình YJ-12B.
Khả năng phối hợp tham chiến (CEC) đã được thử nghiệm trên tàu tuần dương HMAS Hobart và NuShip Brisbane. CEC kết hợp dữ liệu từ các cảm biến trên nhiều tàu khác nhau để tạo ra một bức tranh toàn cảnh thực tế cho phép các tàu hải quân trên mặt nước có thể chống lại các tên lửa tầm xa tốc độ cao một cách hiệu quả. CEC cũng là một phần của ý tưởng về mạng lưới kiểm soát hỏa lực phòng không tích hợp cho hải quân (NIFC-CA), Úc đã thử nghiệm ý tưởng này bằng cách kết hợp hệ thống E-& Wedgetail và tên lửa phòng không kết hợp AIR 6500. 
Việc Trung Quốc triển khai các tên lửa hành trình cùng tên lửa đất đối không HQ-9B tại các căn cứ chiếm đóng trái phép trên Biển Đông nâng cao khả năng cho Bắc Kinh phòng thủ các căn cứ này. HQ-9B được xem có hiệu năng tương đương với tên lửa SA-20 của Nga, là một hệ thống phòng không hiệu quả bao gồm cả việc chống lại những tên lửa hành trình. Cả hai hệ thống tên lửa này giúp cho Trung Quốc nâng cao khả năng chống tiếp cận - chống xâm nhập trên Biển Đông. 
Chiến lược biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc - ảnh 2Tên lửa đất đối không HQ-9B.
Việc triển khai tên lửa gần đây nhất của Trung Quốc không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ ngừng quân sự hóa Biển Đông. Trong tương lai, Trung Quốc có thể tiếp tục thiết lập cơ sở quân sự trên bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Lực lượng tuần duyên của Trung Quốc đã kiểm soát những vùng biển xung quanh bãi cạn này và Trung Quốc cũng tuyên bố mình có quyền thiết lập một "trạm theo dõi môi trường" trên đó. 
Bất cứ hành động quân sự hóa bãi cạn này trong tương lai giống như những gì Trung Quốc đã thực thi trái phép trên đá Vành Khăn, Su Bi và Chữ Thập sẽ tăng khả năng cô lập Đài Loan bằng cách phong tỏa ở một khoảng cách nhất định mà không khiến các tàu trên mặt nước gặp rủi ro khi tiếp cận gần lãnh thổ của Đài Bắc. Nó cũng giúp cho Trung Quốc có khả năng hiện diện quân sự cách Manila chỉ 350km.
Hiện tại, Trung Quốc chưa vội vươn tay tới bãi cạn Scarborough. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang thể hiện sự gần gũi với Bắc Kinh bằng cách chấp nhận cho Trung Quốc kiểm soát những vùng đánh cá xung quanh bãi cạn và tranh luận việc Trung Quốc triển khai tên lửa là để "bảo vệ Philippines". Ông Duterte có vẻ như đang sẵn sàng chấp nhận những tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc để đổi lại sự đầu tư kinh tế vào nước mình. Và nhiệm kỳ của ông Duterte sẽ kéo dài tới tận năm 2022, Trung Quốc có thể hành động một cách khiêu khích hơn nếu người kế nhiệm của tổng thống Philippines không có thái độ phục tùng. 
Chiến lược biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc - ảnh 3Máy bay ném bom H-6K  của Trung Quốc.
Tiếp theo, Trung Quốc có khả năng triển khai không lực trên những căn cứ chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. Trung Quốc đã bắt đầu đưa máy bay ném bom H-6K diễn tập trái phép tại quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc triển khai máy bay tại quần đảo Trường Sa cũng sẽ khiến vùng lãnh thổ phía bắc của Úc rơi vào tầm tên lửa. Đưa máy bay chiến đấu ra được những hòn đảo chiếm đóng trái phép cũng sẽ khiến cho Bắc Kinh có thể tuyên bố lập ra vùng nhận diện phòng không ADIZ trên hầu hết Biển Đông và đảm bảo ưu thế trên không trên toàn bộ vùng biển. 
Về cấp độ chiến lược, việc quân sự hóa Biển Đông giúp cho Trung Quốc có khả năng kiểm soát toàn bộ vùng biển và chuyển nó thành một ngõ hẹp chiến lược thuộc quyền kiểm soát của mình. Điều này cũng khiến cho Bắc Kinh có một bước lấn tới tiếp theo với ý tưởng biến  cái gọi là "đường 9 đoạn" trên Biển Đông thành một đường liền mạch - một phần của học thuyết "Tứ Toàn" của Trung Quốc. 
Học thuyết "Tứ Toàn" thay đổi cách Trung Quốc quan niệm về lãnh thổ gây tranh cãi, họ coi những hòn đảo đơn lẻ là một phần của quần đảo và tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên những hòn đảo cùng vùng kinh tế đặc quyền của các nước một cách trái phép. Những tuyên bố mới của Bắc Kinh hoàn toàn chống lại những phán quyết của Tòa Trọng Tài. Nếu cái gọi "đường 9 đoạn" trở thành một đường liền mạch thì Trung Quốc rất có thể sẽ ngang nhiên tuyên bố toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của họ. 
Chiến lược biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc - ảnh 4Công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Về mặt quân sự, việc triển khai tên lửa gần đây nhất của Trung Quốc khiến hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) của Hải quân Mỹ thêm rủi ro. Úc không tuần tra FONOP nhưng có những cuộc tập trận trong khu vực tự do hải hành của mình với máy bay tuần tra RAAF P-8 Poseidon cùng các vũ khí hải quân khác. 
Việc Trung Quốc triển khai phi pháp tên lửa tại Biển Đông làm tăng khả năng bất cứ một sự xô xát nào với Mỹ và các đồng minh (bao gồm cả Úc) có thể biến thành một cuộc xung đột quân sự nghiêm trọng. Như chuyên gia về Trung Quốc Andrew Erickson đã nhấn mạnh những quan ngại trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm 2015:
"Tới năm 2020, Trung Quốc sẵn sàng đối phó với Mỹ bằng cách triển khao một số lượng lớn tên lửa với tầm xa hơn các hệ thống tàu của Mỹ có thể phòng thủ chống lại chúng".
Việc triển khai tên lửa cũng sẽ không làm cho Mỹ hủy bỏ những cuộc tập trận hợp pháp theo luật quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải trên các vùng biển và không phận phía trên chúng. Nhưng tên lửa Trung Quốc đặt trái phép trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa sẽ gây nguy hiểm hơn cho các chiến dịch của Mỹ và tăng khả năng leo thang căng thẳng và xung đột. 
http://viettimes.vn/chien-luoc-bien-bien-dong-thanh-ao-nha-cua-trung-quoc-173759.html

Trung Quốc xây thêm gần 800 tòa nhà, có thể chứa được 3 trung đoàn ở Trường Sa


Tàu chiến, máy bay quân sự các nước đi qua khu vực Trường Sa đều bị 
Trung Quốc quấy rối với cái gọi là "vùng cảnh báo quân sự", nhưng không
 nước nào chấp nhận.


Reuters ngày 24/5 đưa tin, phân tích dữ liệu ảnh chụp vệ tinh 3 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa gồm Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập cho thấy, Bắc Kinh đã xây dựng thêm gần 800 tòa nhà, có thể là nơi lưu trú của 3 trung đoàn thủy quân lục chiến trong tương lai.
Riêng Xu Bi, cách bờ biển Trung Quốc 1200 km, bây giờ đã mọc lên gần 400 tòa nhà riêng biệt, nhiều nhất trong số 7 đảo nhân tạo.
Trong tương lai, Xu Bi có thể là căn cứ của hàng trăm lính thủy quân lục chiến, cũng như trung tâm hành chính nếu Trung Quốc đưa dân (bất hợp pháp) ra Trường Sa.
Cận cảnh các tòa nhà trên một góc đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Xu Bi, ảnh: http://fingfx.thomsonreuters.com
Dữ liệu ảnh chụp vệ tinh của Earthrise Media, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các phương tiện truyền thông bằng nghiên cứu độc lập về hình ảnh, đã cung cấp các bức ảnh phân giải cao chụp từ vệ tinh kể từ khi Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo năm 2014.
Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các sân bóng rổ gọn gàng, sân vận động phục vụ diễu hành và nhiều tòa nhà khác nhau, một số được bố trí ra đa.
Vành Khăn và Chữ Thập, mỗi đảo nhân tạo có khoảng 190 tòa nhà và các công trình riêng biệt. [1]
Hiện tại, Trung Quốc đã xây dựng (bất hợp pháp) tổng cộng 1652 tòa nhà / công trình trên Biển Đông (trong đó có 1350 tòa nhà ở Trường Sa, 805 tòa nhà ở Hoàng Sa);
Việt Nam có 338 tòa nhà / công trình; Philippines là 100 tòa nhà / công trình; Đài Loan 37 tòa nhà / công trình; Malaysia 28 tòa nhà / công trình. [2]
Hình ảnh cụ thể, mời quý bạn đọc theo dõi tại link số [2].
Số lượng các tòa nhà, công trình ở Xu Bi tương tự như đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng, Việt Nam, quần đảo đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp).
Cận cảnh các tòa nhà trên một góc đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Chữ Thập, ảnh: http://fingfx.thomsonreuters.com
Các nhà phân tích tin rằng, mỗi căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng ở Xu Bi, Chữ Thập và Vành Khăn đều có thể chứa 1 trung đoàn, từ 1.500 đến 2.400 quân.
Ding Duo, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc lập ra ở Hải Nam, bình luận:
"Quy mô lực lượng quân sự hiện diện ở Trường Sa đến đâu phụ thuộc vào đánh giá của Trung Quốc về mối đe dọa tiềm năng ở quần đảo này như thế nào.
Ở khu vực Trường Sa, Trung Quốc phải đối mặt với áp lực quân sự nghiêm trọng, đặc biệt kể từ khi Donald Trump nhậm chức và tăng cường tuần tra tự do hàng hải.
Vì vậy, Trung Quốc đã nâng cao cảnh giác về mối đe dọa với mình."
Tháng này, Nhà Trắng đã nêu mối quan ngại về việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông sau khi CNBC loan báo, Bắc Kinh đã bố trí tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 và tên lửa phòng không HQ-9B ở Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi.

"Phản ứng" của Trung Quốc với Việt Nam trên Biển Đông

Tuần trước, Trung Quốc công khai tiết lộ việc đưa máy bay ném bom H-6K của họ xuống diễn tập (bất hợp pháp) ở quần đảo Hoàng Sa.
Các tàu đổ bộ lớn, chiến hạm các loại của Trung Quốc đã thấy xuất hiện tại Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn, điều các sĩ quan hải quân nước ngoài xem như một sự hiện diện thường trực của quân đội Trung Quốc trong vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp.
Quân đội Trung Quốc đang sử dụng các đảo nhân tạo để nói với hải quân nước khác (ngầm áp đặt cái gọi là) "vùng cảnh báo quân sự", một thuật ngữ mơ hồ không có cơ sở pháp lý quốc tế.
3 tàu chiến Australia trên đường tới Việt Nam, đi ngang qua khu vực Trường Sa đã vấp phải cảnh báo "lịch sự nhưng mạnh mẽ" của Trung Quốc.
Một nguồn tin quen thuộc với các báo cáo an ninh của phương Tây nói với Reuters, hiện tượng này gần như đã trở nên thường xuyên chứ không còn là ngoại lệ trong khu vực quan trọng ở Biển Đông.
Các tàu và máy bay từ Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Việt Nam, Malaysia và Philippines đã nhận được những cảnh báo tương tự (Australia).
Tuy nhiên hải quân các nước đều thường xuyên nhấn mạnh rằng họ đang hoạt động trong vùng biển quốc tế và tiếp tục hải trình của mình khi vấp phải cái gọi là "vùng cảnh báo quân sự" mà Trung Quốc đưa ra. [1]
Nguồn:
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Trung-Quoc-xay-them-gan-800-toa-nha-co-the-chua-duoc-3-trung-doan-o-Truong-Sa-post186509.g
d

Trung Quốc có cả kịch bản chiến tranh ngắn ngày với Mỹ

Việc không quân Quân đội nhân dân Trung Quốc (PLAAF) lần đầu tiên đem máy bay ném bom đến đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông, là nhằm khẳng định Trung Quốc có quyền kiểm soát vùng biển này và không thể thương lượng gì cả.



Theo Newsweek, bất chấp Mỹ phản đối, việc Trung Quốc củng cố các cơ sở hạ tầng quân sự nhằm mục đích thể hiện nước này đã kiểm soát Biển Đông. Đô đốc Philip S. Davidson, chỉ huy lực lượng tác chiến của hải quân Mỹ, đã nói: “Trung Quốc nay có thể kiểm soát Biển Đông, với tất cả các kịch bản chiến tranh ngắn ngày với Mỹ”.

Trong tuyên bố ngày 18.5, cơ quan báo chí PLAAF nói cuộc diễn tập được thiết kế “nhằm cải thiện khả năng vươn đến toàn bộ lãnh thổ, tiến hành không kích vào bất kỳ lúc nào và ở tất cả mọi hướng”.
Phi công PLAAF cũng tập tấn công giả lập vào các mục tiêu trên biển. BBC dẫn lời một phi công máy bay H-6K: “Cuộc tập này mài giũa tinh thần can đảm của chúng tôi, tăng cường khả năng của chúng tôi trong một cuộc chiến tranh thật sự”.
Reuters cũng đưa tin: cơ quan báo chí PLAAF nói các máy bay ném bom H-6K có thể mang bom hạt nhân, đã tập cất-hạ cánh trên nhiều đảo nhân tạo xây trái phép là một cuộc diễn tập “chuẩn bị chiến tranh ở Nam Hải”, cách Trung Quốc gọi Biển Đông.
Mạng xã hội Twitter của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng đăng video khoe một chiếc H-6K mang số hiệu 41175 cất cánh, bay và hạ cánh ở đường băng có ký hiệu 23, trên một đảo được giấu tên ở vùng biển phía nam.
Các nhà phân tích tại Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định đó là đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp), nơi duy nhất có đường băng đủ dài để chiếc H-6K hạ-cất cánh. Chiếc này có thể phóng các tên lửa hành trình đạt tầm xa 4.000 km.
Lầu Năm Góc lập tức có phản ứng. Người phát ngôn Christopher Logan nói: Mỹ giữ cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do, nhưng động thái tiếp tục quân sự hóa những thực thể tranh chấp của Trung Quốc chỉ làm tăng căng thẳng, gây bất ổn khu vực.
Nhưng Trung Quốc nói đó là lỗi của Mỹ. Hồi tháng 3. Ngoại trưởng Vương Nghị nói: “Vài thế lực bên ngoài không hài lòng với sự bình yên hiện có, toan tính gây rối và khuấy đục nước. Sự phô trương thế lực thường xuyên của họ với máy bay mang vũ khí và tàu chiến là nhân tố chính gây bất ổn khu vực”.
Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường hàng hải chiến lược trị giá 3 ngàn tỉ USD/năm và giàu nguồn cá. Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền lãnh hải ở vùng biển này.
Mỹ cũng đã đưa tàu chiến, máy bay đến Biển Đông, mở các cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải, nhằm khẳng định quan điểm của Mỹ rằng Biển Đông nằm trong các đường biển quốc tế.
Trung Quốc cũng đã xây trái phép 7 đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và chuyển chúng thành những chốt quân sự có cả dàn radar, đường và hệ thống phòng thủ tên lửa.
Bắc Kinh nói các cơ sở quân sự trên quần đảo Trường Sa chỉ nhằm phòng thủ, và "Trung Quốc có thể làm bất kỳ điều gì trên lãnh thổ nước mình". Chính sự hiện diện quân sự này đã khiến Bắc Kinh có thể kiểm soát Biển Đông.
Theo trang Asia Times, Biển Đông có thể trở thành lò lửa chiến tranh, do Trung Quốc châm lửa trước khi Bắc Kinh vi phạm lãnh hải và quyền lợi của các quốc gia có Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở Biển Đông.
Trung Quốc “tự vẽ bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn” để đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Nhưng tháng 7.2016, Tòa án Trọng tài quốc tế The Hague đã xử Philippines thắng Trung Quốc trong vụ kiện yêu sách Biển Đông.
Đáng tiếc là không có cơ chế nào buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết.và hiện các nghị sĩ Philipines đã chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte không dám đối đầu với Bắc Kinh, chỉ vì ông muốn lập tình bạn với Trung Quốc.
Nay thì có lẽ mọi sự đã quá trễ, khó thể tưởng tượng chuyện Bắc Kinh sẽ rút khỏi các cơ sở quân sự đã có để kiểm soát vùng biển này. Chúng có tên lửa đất đối không (SAM) và tên lửa đạn đạo chống hạm (ACBM) cùng các dàn radar...
SAM là mối đe dọa các chiến đấu cơ và máy bay ném bom, ACBM dùng để chặn các tên lửa hành trình phóng từ trên biển hoặc từ máy bay, nên tấn công các cơ sở này nay là một thách thức quân sự lớn lao.
Bảo Vĩnh (theo Newsweek)
http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/dien-bien-bien-dong-c-124/trung-quoc-co-ca-kich-ban-chien-tranh-ngan-ngay-voi-my-88535.html

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

Tên lửa Trung Quốc tại Trường Sa có phải lời thách đấu?


 Nhà phân tích Robert E. McCoy của National Interests cho rằng việc Trung Quốc xóa bỏ lời hứa năm 2015 rằng sẽ không quân sự hóa Biển Đông, đồng thời đưa tên lửa ra những hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng, bồi đắp phi pháp có nghĩa là Trung Quốc đang thách đấu với cả thế giới.
Theo báo Mỹ, Biển Đông đang có nguy cơ trở thành một lòng chảo xung đột và Trung Quốc thì đang nhóm lửa cho xung đột đó. Bằng cách tuyên bố trái phép chủ quyền trên 90% Biển Đông, Bắc Kinh đang vi phạm chủ quyền của rất nhiều nước trong khu vực, những đất nước có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và hải phận bị xâm phạm.
Trung Quốc lần đầu tuyên bố chủ quyền trái phép trên Biển Đông thông qua cái gọi là "đường 9 đoạn" vào đầu những năm 1950. Dù có rất nhiều lời phản đối của các nước bao gồm cả Mỹ, nhưng không có hành động thiết thực nào được thực thi trong nhiều năm. Có thể, tại thời điểm đó không ai coi những tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc là vấn đề nghiêm trọng.
Tên lửa Trung Quốc tại Trường Sa có phải lời thách đấu? - ảnh 1Tên lửa hành trình YJ-12 hiện đã được Trung Quốc đưa ra Biển Đông.
Năm 2016, Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc, không có một cơ chế nào được thúc đẩy để đảm bảo Trung Quốc phục tùng phán quyết trên. Tuy nhiên, tất cả những ai đang dõi theo bước đi của Bắc Kinh hiểu rằng sự việc sẽ không chỉ dừng ở đó. Trung Quốc đã nhanh chóng chiếm đóng trái phép nhiều bãi đá, đảo lớn - nhỏ trên Biển Đông. Sau đó, Bắc Kinh đã bồi đắp, cải tạo phi pháp những bãi đá này thành đảo nhân tạo. 
Từng bước một, Trung Quốc sử dụng chiến lược tằm ăn rỗi và cuối cùng đã xây dựng trái phép những đường băng trên các đảo nhân tạo. Gần đây, máy bay chở hàng của Trung Quốc đã mang những thiết bị quân sự và các vật liệu hậu cần liên quan lên các đảo để hỗ trợ toàn thời gian cho việc chiếm đóng phi pháp. Dù bước đi này của Trung Quốc khiến rất nhiều người sốc, tên lửa và radar là một sự bổ sung hậu cần cho các máy bay chiến đấu để giúp Bắc Kinh củng cố những tuyên bố chủ quyền trái phép của mình trong khu vực. 
Chiến lược đặt trước sự đã rồi
Đầu năm nay, người được chỉ định sẽ là chỉ huy sắp tới của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã công bố hiện tại Trung Quốc đã kiểm soát Biển Đông. Ông đã không cường điệu hóa tình hình. Mỹ và toàn bộ thế giới đặc biệt là các nước xung quanh Biển Đông đều bị ảnh hưởng và phản đối những hành động phi pháp của Trung Quốc.
Dù Washington và Australia đã đưa tàu chiến ra khu vực chung trong hoạt động Tuần tra vì tự do hàng hải FONOP nhưng hành động này hoàn toàn chưa có hiệu quả trong việc dừng các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Hiện tại, có thể đã quá muộn để hành động. Việc Trung Quốc rút khỏi những tiền đồn quân sự để củng cố tuyên bố chủ quyền trái phép của mình trên Biển Đông là điều khó hình dung.
Những tên lửa đất đối không SAM và tên hành trình, tên lửa đạn đạo chống hạm cùng với các thiết bị giám sát, radar điều khiển hỏa lực đã được Trung Quốc triển khai trái phép trên đảo nhân tạo. SAM tạo ra mối đe dọa cho các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu, còn tên lửa ACBM để chống lại những cuộc tấn công từ trên không hay tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến. Tấn công những tiền đồn này giờ là một thách thức về mặt quân sự. 
Tên lửa Trung Quốc tại Trường Sa có phải lời thách đấu? - ảnh 2Tên lửa HQ-9 đất đối không.
Ngoài ra, Trung Quốc còn mở một mặt trận khác trong vấn đề này để củng cố vị thế của mình. Rõ ràng, Bắc Kinh đang sử dụng mưu mẹo về ngôn ngữ như phương thức để có được sự ủng hộ cho những tuyên bố trái phép của mình. Nếu Trung Quốc có thể dụ cả thế giới dùng những từ ngữ mà họ lựa chọn để không chống lại địa vị trung tâm của họ và không gây ra rủi ro mất đi thị trường thương mại lớn thì sẽ tốt hơn rất nhiều đối với Bắc Kinh... Bắc Kinh có ý định làm hệt như vậy với Biển Đông.
Giữ nguyên hiện trạng hay là biến cố khai mào chiến tranh?
Các học giả đã đưa ra rất nhiều bình luận về hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông nhưng không ai chỉ rõ vấn đề. Sự thụ động của Washington và nhiều nước trong khu vực đã khiến Trung Quốc đang thúc đẩy tham vọng kiểm soát con đường thông thương kinh tế trên biển (SLOC) chiếm 1/3 giao thương hàng hải trên thế giới.
Tên lửa Trung Quốc tại Trường Sa có phải lời thách đấu? - ảnh 3Đá Vành Khăn ở khu vực quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp, cải tạo trái phép.
Không một ai đối mặt với thực tế: cách duy nhất để Bắc Kinh làm theo phán quyết của tòa La Haye là quân sự. Nhưng đây cũng là một điều khó thực hiện vì Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Mọi nghị quyết cho phép một đội quân quốc tế trục xuất Trung Quốc khỏi những hòn đảo mà họ tuyên bố chủ quyền trái phép là việc khó có thể xảy ra. 
Điều này khiến Bộ Tứ (Đối thoại An ninh 4 bên) - Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ phải có biện pháp khác. Nhưng họ sẽ làm gì vẫn là những câu hỏi mở?
Tại sao Mỹ và hiện tại là Úc đang giảm vai trò của việc tuần tra vì tự do hàng hải FONOP trong khu vực và tuyên bố họ chỉ ra khơi như thường lệ? Liệu những việc làm bất chấp luật quốc tế của Trung Quốc chỉ là lời nói hay Bắc Kinh đang chuẩn bị tinh thần cho "những cuộc chiến"? Liệu Mỹ, Bộ Tứ và các nước ASEAN có muốn chiến đấu vì tự do của Biển Đông và những khu vực đặc quyền kinh tế bị Bắc Kinh xâm phạm? Liệu rất cả mọi bên đều đang sợ xảy ra một cuộc xung đột quân sự và đành sẽ nhường bước trước Bắc Kinh mà không làm gì?
Theo National Interest, Trung Quốc đang chế nhạo những công ước và điều luật quốc tế bằng cách từ chối thực hiện phán quyết của tòa La Haye và "đe nẹt" các nước khác trong khu vực thông qua một loạt những hành động khiêu khích nghiêm trọng. Bằng cách quân sự hóa trái phép những thực thể địa lý chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông, Trung Quốc đã vứt bỏ lời thề của mình năm 2015 và đang thách đấu các nước. Liệu Mỹ và các đồng minh của mình sẽ đối phó Bắc Kinh thế nào?
http://viettimes.vn/ten-lua-trung-quoc-tai-truong-sa-co-phai-loi-thach-dau-173240.html

Trung Quốc ngày một áp sát, Australia đứng ngồi không yên

Trung Quốc có nhu cầu xây dựng một loạt căn cứ hải quân, không quân ở Ấn Độ Dương để phục vụ cho nhu cầu chiến lược của họ, bao gồm xây dựng Hạm đội Ấn Độ Dương, nhưng Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Biên đội tàu chiến hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập trên Ấn Độ Dương. Ảnh: Sina.Biên đội tàu chiến hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập trên Ấn Độ Dương. Ảnh: Sina.
Tờ Lowy Interpreter Australia ngày 15/5 đã đăng bài viết “Kế hoạch thiết lập các căn cứ quân sự ở phía đông Ấn Độ Dương của Trung Quốc” của tác giả David Brewster.
Theo bài viết, Trung Quốc sẽ xây dựng một loạt căn cứ hải quân và không quân ở Ấn Độ Dương để hỗ trợ cho nhu cầu chiến lược ngày càng tăng của họ tại khu vực này. Trong đó, rất có thể bao gồm xây dựng căn cứ tại vùng biển áp sát Australia ở phía đông Ấn Độ Dương. Australia không thể khoanh tay đứng nhìn đối với những động thái này.
Tháng 7/2017, căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc ở Djibouti đã đưa vào sử dụng, Bắc Kinh hiện đang đàm phán với Pakistan để tìm cách thiết lập một căn cứ ở cảng Gwadar trên biển Ả rập hoặc khu vực lân cận.
Nhưng đối với Trung Quốc, chỉ có khả năng ở phía tây bắc Ấn Độ Dương cách xa Australia là không đủ. Nhu cầu chiến lược của Trung Quốc và khoảng cách giữa Ấn Độ Dương với lãnh thổ Trung Quốc có nghĩa là Bắc Kinh có thể cho rằng cần phải xây dựng một loạt cơ sở quân sự khác nhau ở toàn bộ Ấn Độ Dương, bao gồm khu trung tâm và phía đông.
Trung Quốc muốn hình thành khả năng bảo vệ đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương từ phía đông đến phía tây thì cần phải có những căn cứ này. Ngoài ra, về chính trị, Bắc Kinh cũng cho rằng cần phải bảo vệ lượng lớn công dân và tài sản Trung Quốc ở khu vực này.
Sự hiện diện hải quân của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương có thể từ 4 - 5 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm hiện nay tăng lên khoảng 20 chiếc, thậm chí nhiều hơn. Điều này bao gồm một loạt cơ sở hậu cần hải quân trong đó có những cơ sở hỗ trợ cho tàu ngầm. Đặc biệt là Trung Quốc nếu muốn tiến hành chiến lược kiểm soát hoặc ngăn chặn trên biển có hiệu quả ở phía bắc Ấn Độ Dương thì càng cần những cơ sở này.
Trung Quốc ngày một áp sát, Australia đứng ngồi không yên - ảnh 1Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 hải quân Trung Quốc đến Ấn Độ Dương. Ảnh: Sina.
Chỉ có các căn cứ hải quân là chưa đủ. Trung Quốc cần có các căn cứ không quân ở ít nhất 3/4 khu vực của Ấn Độ Dương (tây bắc, đông bắc và tây nam), cung cấp bảo vệ trên không đầy đủ cho Hạm đội Ấn Độ Dương của nước này.
Máy bay trinh sát biển tầm xa của không quân Trung Quốc không thể tiến hành bảo vệ đầy đủ từ phía nam hoặc phía tây Trung Quốc. Triển khai tàu sân bay ở Ấn Độ Dương hoặc sử dụng máy bay tiếp dầu trên không cất cánh từ Trung Quốc cũng không thể đáp ứng được những nhu cầu này.
"Thế trận" của Trung Quốc ở phía đông Ấn Độ Dương đã vận hành được một thời gian, Bắc Kinh đang tiến hành chuẩn bị ở Maldives, Sri Lanka và Myanmar. Đây là một trò chơi tỷ lệ phần trăm. Trung Quốc còn chưa có khả năng bảo đảm thực hiện mục tiêu của họ, những kế hoạch này có thể gặp trở ngại ở các mức độ khác nhau, lực cản có thể đến từ chính phủ nước sở tại, cũng có thể đến từ phương diện khác.
Cạnh tranh sức ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở những nước này rất giống với tranh giành vai trò ảnh hưởng giữa Mỹ và Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hơn nữa xung đột trong tương lai có thể ngày càng nhiều.
Mấy chục năm qua, Australia đã đầu tư rất nhiều nguồn lực quốc phòng ở phía tây Ấn Độ Dương, bao gồm đầu tư rất nhiều lực lượng hải quân để tấn công cướp biển và buôn bán ma túy. Nhưng những thách thức mới đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn cho Australia.
Trung Quốc ngày một áp sát, Australia đứng ngồi không yên - ảnh 2Tàu sân bay tự chế đầu tiên Trung Quốc chạy thử trên biển từ ngày 13/5/2018. Ảnh: Xinhuanet.
Bắt đầu từ bây giờ, Australia cần phải theo dõi chặt chẽ hơn môi trường chiến lược ở phía đông Ấn Độ Dương, khu vực áp sát duyên hải của Australia. Tin xấu là điều này đòi hỏi Australia phải đầu tư nhiều nguồn lực quốc phòng, ngoại giao và kinh tế hơn cho các nước trong khu vực này.
http://viettimes.vn/trung-quoc-ngay-mot-ap-sat-australia-dung-ngoi-khong-yen-173320.html

TQ, Nga và VN nói gì về dự án khí của Rosneft?

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố không đối tượng nào được tiến hành khai thác dầu khí hoặc các tài nguyên khác "ở vùng biển của Trung Quốc" khi chưa được sự đồng ‎ý của Bắc Kinh.
Giàn khoan Lan Tây được vận hành bởi Rosneft ở ngoài khơi Vũng Tàu
Cụ thể, Bắc Kinh nhắc tới hoạt động mới đây của công ty Rosneft Vietnam BV, một công ty con của hãng dầu khí quốc gia Nga Rosneft tại khu vực ngoài khơi Vũng Tàu.
"Tôi đã xem các báo cáo có liên quan. Tôi muốn nhắc lại rằng không một quốc gia, tổ chức, công ty hay cá nhân nào được tiến hành khai thác hoặc phát triển hoạt động dầu khí tại vùng biển của Trung Quốc khi chưa được phép từ phía chính phủ Trung Quốc," phát ngôn viên Lục Khảng phát biểu trong cuộc họp báo thường lệ hôm thứ Ba, 17/5.
"Do đó, chúng tôi thúc giục các bên liên quan hãy nghiêm chỉnh tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, chớ làm gì gây ảnh hưởng tới quan hệ song phương hay hòa bình, ổn định trong khu vực."
Trong một tuyên bố đưa ra trước đó, cũng trong ngày 17/5, Rosneft nói hoạt động khoan thăm dò của hãng diễn ra trong vùng lãnh hải của Việt Nam, hai ngày sau khi công ty con của hãng bắt đầu tiến hành việc khoan thăm dò ở vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng ngày ra tuyên bố nói các hoạt động dầu khí trên biển được thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế và trong vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
"Toàn bộ các hoạt động kinh tế trên biển của Việt Nam, gồm cả các hoạt động dầu khí, đều được cấp phép và tiến hành trên các vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam," phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng được Reuters dẫn lời.
graphicBản quyền hình ảnhBAN DO DAU KHI VIETNAM
Vị trí hoạt động mới nhất của Rosneft là trong Lô 06.01, thuộc dự án mỏ khí Lan Đỏ và nằm trong Bể Nam Côn Sơn.
Theo bản đồ khai thác dầu khí chính thức của PetroVietnam, thì Lô 06.1 nằm gần với bờ biển Việt Nam hơn so với các lô 07.03 và 136.03, những nơi đối tác khác của PetroVietnam đã phải dừng hoạt động thăm dò, khai thác hồi tháng 3/2018 và 7/2017 do sức ép từ phía Bắc Kinh.
Chi nhánh của Rosneft tại Việt Nam trước đó đã tỏ ‎ý quan ngại về việc hoạt động mới nhất của hãng có thể khiến Bắc Kinh tức giận, Reuters dẫn hai nguồn tin có liên hệ trực tiếp tới hãng, cho biết hôm thứ Tư.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm thứ Năm nói rằng hãng đã không hề tham vấn với chính phủ về hoạt động của hãng tại Biển Đông.
Theo trang tin euro-petrole.com chuyên về dầu khí, thì hiện Rosneft đang có một số dự án ở ngoài khơi Việt Nam.
Trong Lô 06.1, nằm cách bờ biển Việt Nam 370km, chi nhánh của Rosneft tại Việt Nam là Rosneft Vietnam BV sở hữu 35% cổ phần các dự án, và đóng vai trò nhà điều hành dự án. Tại lô này có ba mỏ khí là Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại.
Trong số các dự án khác, Rosneft thông qua công ty con trên nắm 100% cổ phần và là nhà điều hành của các dự án dầu khí nằm trong Lô 05.3/11, ngay cạnh Lô 06.1. Tại lô này, Rosneft đã tiến hành khoan lần đầu tiên hồi 6/2016 và lần thứ hai trong 3/2018.
Một công ty con khác của Rosneft là Rosneft Pipeline BV nắm 32,67% cổ phần trong dự án Đường Ống Khí Nam Côn Sơn.
Quan điểm cho đến ngày 14/04/2016 của chính quyền Nga về Biển Đông được Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov nói tại một cuộc họp báo quốc tế rằng Kremlin tôn trọng Công ước Luật biển (UNCLOS) và DOC.
Nhưng điểm đáng chú ý là ông Lavrov nhấn mạnh Nga "muốn các nước liên quan trong tranh chấp Biển Đông giải quyết 'trực tiếp' với nhau, và phê phán cách ông gọi là "quốc tế hóa" vấn đề, theo nhà nghiên cứu Anton Tsvetov.
Ông Tsvetov khi đó có bài trên trang The Diplomat (21/04/2016) nói báo chí Trung Quốc hoan nghênh lời ông Lavrov, còn Bộ Ngoại giao VN khi ấy đã đáp lại bằng cách kêu gọi "tranh chấp cần được giải quyết bởi tất cả các bên liên quan".
Hồi tháng Ba, PetroVietnam yêu cầu hãng năng lượng của Tây Ban Nha, Repsol, ngưng dự án Cá Rồng Đỏ nằm trong Lô 07/03, khiến Repsol và các đối tác thiệt hại ước tính khoảng 200 triệu đô la đã đầu tư vào dự án.
Lô 07/03 nằm ngay cạnh Lô 136/03, nơi mà cũng Repsol bị chính phủ Việt Nam yêu cầu ngưng hoạt động khoan thăm dò hồi tháng Bảy năm ngoái.
Lô 136-03 là nơi PetroVietnam cho Talisman-Việt Nam, công ty con của Repsol thuê.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44145729

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Trung Quốc có thể sắp áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông


Trung Quốc đã dựng bộ khung ADIZ ở Trường Sa, Hoàng Sa với hệ thống 
tác chiến điện từ, tên lửa chống hạm YJ-12, tên lửa phòng không HQ-9B và 
máy bay J-11.


Philippines Daily Inquirer ngày 16/5 dẫn lời nhà phân tích Richard Heydarian nhận định, Trung Quốc sẽ sớm thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, một diễn biến mới đáng lo ngại trong khu vực tranh chấp phức tạp.
"Người Trung Quốc đang thiếu một tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến tới thời điểm đó.
Bây giờ chúng ta đã thấy Trung Quốc họ phát triển bộ khung của một vùng nhận diện phòng không (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa, sẽ cung cấp cho họ khả năng áp đặt một ADIZ.
Rõ ràng, tất cả các hình ảnh chụp từ vệ tinh đã chứng minh với chúng ta rằng, Trung Quốc đã hành động ngược với lời họ nói, đó là thực tế không thể phủ nhận", ông Richard Heydarian nói với Philippines Daily Inquirer.
Nhà nghiên cứu người Philippines, Richard Heydarian, ảnh:guadalajarageopolitics.com.
Đầu tháng này, kênh CNBC của Mỹ đưa tin, Trung Quốc đã triển khai lắp đặt hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 và hệ thống tên lửa phòng không HQ-9B lên 3 đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập.
Tháng Tư vừa qua Trung Quốc cũng đã cài đặt thiết bị tác chiến điện từ gây nhiễu ra đa trên bãi Chữ Thập và Vành Khăn.
Tại một diễn đàn về an ninh hàng hải ở Manila tuần trước, Chuẩn đô đốc Rommel Jude Ong, Chánh thanh tra Hải quân Philippines nói rằng, sớm muộn Trung Quốc cũng sẽ đưa chiến đấu cơ ra các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Ông nói:
"Một vài ngày trước, chúng tôi rất ngạc nhiên với các báo cáo rằng Trung Quốc đã triển khai các tên lửa chống hạm và phòng không lên 3 đảo nhân tạo, Xu Bi, Chữ Thập và Vành Khăn.
Tôi cho rằng bước đi tiếp theo của họ sẽ là triển khai máy bay tấn công hải quân J-11, có bán kính tác chiến 1.500 km. 
Nhìn trên bản đồ, máy bay Trung Quốc có thể hoạt động trên toàn bộ phạm vi quốc gia quần đảo Philippines, bao gồm cả các lỗ hổng nghiêm trọng ở Luzon cũng như Palawan."
Trung Quốc đã bố trí bất hợp pháp chiến đấu cơ J-11 trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng, Việt Nam) từ 2016 và nhiều khả năng sẽ làm điều này ở các đảo nhân tạo bất hợp pháp dưới Trường Sa. Ảnh: J-11 tham gia huấn luyện ở Biển Đông năm 2016, nguồn: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Richard Heydarian bình luận về chính sách của Tổng thống Rodrigo Duterte với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, rằng:
"Sự bằng lòng của ông ta không giúp gì cho tình hình. Bất luận thế nào, nó cũng đang khuyến khích Trung Quốc đẩy nhanh sự thống trị của họ với các vùng biển lân cận.
Lý tưởng nhất, những gì Philippines nên làm là phải thể hiện rõ lập trường trước Trung Quốc rằng, Philippines sẽ sử dụng Phán quyết Trọng tài.
Nhưng chính quyền đã làm suy yếu Phán quyết của chúng ta bằng cách hạ thấp, bác bỏ các giá trị của Phán quyết.
Trung Quốc đã tiếp tục được khuyến khích bởi sự bằng lòng của chính quyền Rodrigo Duterte không chỉ ở Biển Đông, mà còn ở rãnh Philippines (rãnh Benham).
Trung Quốc không muốn có chiến tranh hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Biển Đông. Bởi phần lớn giao dịch của họ, trên 60% đi qua Biển Đông.
Bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của chính Trung Quốc. Chiến tranh chắc chắn sẽ làm suy yếu hình ảnh của Trung Quốc trên toàn khu vực và đẩy các nước nhỏ về phía Hoa Kỳ.
Cũng có những quan điểm băn khoăn, quân đội Trung Quốc có thể chỉ là hổ giấy, chưa chắc đã mạnh như họ tuyên truyền."
Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 vẫn là chỗ dựa vững chắc cho các nước ven Biển Đông trong việc đấu tranh chống chủ nghĩa bành trướng. Ảnh minh họa một phiên điều trần của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông. Nguồn: PCA.
Theo Richard Heydarian, có một sự lựa chọn thứ 3 là chiến lược cân bằng, bảo hiểm rủi ro. Chiến lược này cho phép Philippines tiến thoái dễ dàng, khi cần có thể chiến đấu, trong tình huống khác cần lùi lại cũng có không gian để lùi lại.
Ông lấy ví dụ Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam, cả 3 nước đều đang phải chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, nhưng đồng thời vẫn đang duy trì quan hệ hợp tác kinh tế thương mại khá tốt với Trung Quốc. [1]
Trong một động thái khác có liên quan, tờ Manila Bulletin ngày 16/5 cho hay, các nhà lập pháp đối lập Philippines hôm thứ Ba đã kêu gọi đưa Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 vào điều khoản xác định lãnh thổ quốc gia trong Hiến pháp.
Lãnh đạo phe thiểu số trong nghị viện, Alfredo Garbin, cho biết Phán quyết Trọng tài cần thiết phải được đưa vào Hiến pháp, để nói với toàn thế giới rằng, Tòa Trọng tài đang ủng hộ Philippines về điều này. [2]
Nguồn:
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Trung-Quoc-co-the-sap-ap-dat-vung-nhan-dien-phong-khong-o-Bien-Dong-post186279.gd