Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

Tình báo Mỹ: Trung Quốc đã điều tên lửa ra Biển Đông

 Giới quan sát cảnh báo Trung Quốc có thể dùng sức mạnh quân sự để sớm vạch ra khu vực hạn chế đi lại trên Biển Đông.

Dần dần Trung Quốc sẽ tuyên bố khu vực hạn chế hoạt động ở Biển Đông
Ngày 2/5, hãng CNBC dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc trong 30 ngày qua đã triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Được biết, tên lửa hành trình do Bắc Kinh triển khai là loại YJ-12B, là tên lửa chống hạm siêu thanh phóng từ máy bay tương tự dòng Kh-31 của Nga, nhưng có hình dáng tương tự mục tiêu bay GQM-163 Coyote của Mỹ. Loại vũ khí này có thể trang bị cho oanh tạc cơ H-6, cường kích JH-7B, tiêm kích J-10, J-11 và J-16.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa được lắp đặt trên các đảo nhân tạo là HQ-9B với tầm bắn gần 300km, có thể tấn công các máy bay không người lái, máy bay quân sự và tên lửa hành trình đối phương.
Theo hãng tin Reuters, nếu thông tin trên được chứng thực, đây là lần đầu tiên mà Trung Quốc triển khai tên lửa trên các đảo nhân tạo trong tay họ ở Trường Sa.

Tinh bao My: Trung Quoc da dieu ten lua ra Bien Dong
Tầm hoạt động của hai mẫu tên lửa Trung Quốc bị nghi đưa ra Trường Sa. Ảnh VnE
Sau khi truyền thông quốc tế đưa tin về việc này, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nhấn mạnh: “Với tư cách là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc phải ý thức được trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới. Bất cứ hành động quân sự hóa nào trên Biển Đông sẽ đi ngược lại trách nhiệm và vai trò đó”.
Tuyên bố của bà Bishop được đưa ra chỉ ít giờ sau khi thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cảnh báo: "Chúng tôi nhận thức rõ về các hành động quân sự hóa tại Biển Đông của Trung Quốc. Sẽ có những hậu quả dài hạn và ngắn hạn", tại buổi họp báo ngày 3/5 khi được hỏi về phản ứng của Mỹ liên quan tới thông tin Bắc Kinh triển khai tên lửa ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 
Trung Quốc sẽ lập ADIZ ở biển Đông
Trng một diễn biến liên quan, trao đổi với báo chí Việt Nam, ông Euan Graham - Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế, Viện nghiên cứu Lowy, Australia cho biết: "Nếu báo cáo này đúng, thì đây là một bước tiến đáng kể trong việc quân sự hóa Trường Sa của Trung Quốc.
Nó là giai đoạn trước khi Bắc Kinh hoàn tất quá trình quân sự hóa ở Biển Đông. "Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ triển khai các máy bay chiến đấu trong năm nay".
Sau đó, Bắc Kinh sẽ dần dần tuyên bố khu vực hạn chế hoạt động ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ đưa ra các thông báo với tàu và máy bay của các nước rằng họ phải tránh khỏi khu vực diễn tập quân sự. Tuy nhiên, ông Graham cho rằng Bắc Kinh chưa đủ năng lực để tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khắp Biển Đông.
Tinh bao My: Trung Quoc da dieu ten lua ra Bien Dong
Đá Chữ Thập ở Trường Sa của Việt Nam, một trong ba điểm Trung Quốc điều tên lửa đến. Ảnh: Guardian.
"Tầm hoạt động các tên lửa của Trung Quốc rất rộng, gần 500 km, vì thế nó giúp mở rộng khả năng chống hạm ở phần lớn Trường Sa. Bắc Kinh có thể tạo nên một hành lang ở trung tâm Biển Đông khiến tàu hải quân các nước đối mặt với rủi ro khi đi qua đây", ông Graham cảnh báo.
Chuyên gia của Viện Lowy đánh giá rủi ro xung đột giữa Trung Quốc và các nước khác ở khu vực là rất thấp, nhưng vấn đề chính ở đây là Trung Quốc muốn xác lập cách hành xử của mình trong thời bình bằng cách đe dọa sử dụng vũ lực.
Về việc tên lửa đã được bố trí tại Trường Sa, ông Greg Poling - chuyên gia về Biển Đông tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington (Mỹ) cũng nhận định: "Giờ đây, bất kỳ ai hoạt động trên Biển Đông sẽ biết rằng họ đang nằm trong tầm ngắm của tên lửa Trung Quốc. Đây là một lời đe dọa ngầm khá mạnh mẽ".
Cũng tỏ rõ lo ngại về diễn biến mới trên Biển Đông, bà Bonnie Glaser - chuyên gia an ninh tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Mỹ, đánh giá việc Trung Quốc điều tên lửa ra Trường Sa là giai đoạn cuối của quá trình quân sự hóa .
"Trung Quốc sẽ sớm điều các chiến đấu cơ đến khu vực và khi thời gian chín muồi, họ sẽ vạch các đường ranh giới và tuyên bố ADIZ", bà Glazer nói.
Còn theo chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS-Mỹ): "Đây chính xác là điều chúng tôi đã dự đoán Trung Quốc sẽ làm. Tiếp theo chúng ta sẽ thấy Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu, có thể là luân phiên, rồi họ sẽ bắt đầu tập trận gần các đảo này".
ASEAN cần phải lên tiếng...
Trước những hành động của Trung Quốc, ông Graham ở Viện Lowy khuyến cáo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên đưa ra tuyên bố thể hiện phản ứng về việc Trung Quốc điều tên lửa ra Trường Sa, nếu xác minh nó đúng. ASEAN cần lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về sự vi phạm của họ đối với Tuyên bố của các bên (DOC).
"Tuy không phải là liên minh nhưng ASEAN phải lên tiếng công khai để bảo vệ quan điểm của mình trong DOC và COC. Đây là một thách thức lớn của Hiệp hội", chuyên gia Graham khuyến cáo.
Trong nội khối ASEAN, Việt Nam nên tập trung cải thiện quan hệ với Indonesia và sớm đạt được thỏa thuận trên biển, từ đó khiến Jakarta ủng hộ lập trường của Hà Nội trong các diễn đàn đa phương.
Bà Glaser ở CSIS khẳng định dù các nước có lợi ích liên quan ở Biển Đông không thể thay đổi thực tế Trung Quốc đang quân sự hóa khu vực này, nhưng họ có thể cùng hợp tác để ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng quân sự cho mục đích ép buộc nước khác.
"Việt Nam nên hợp tác chặt chẽ với bộ tứ là Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ", bà Glaser nói.

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tinh-hinh-bien-dong-van-de-bien-dong/tinh-bao-my-trung-quoc-da-dieu-ten-lua-ra-bien-dong-3357557/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét