Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

TQ, Nga và VN nói gì về dự án khí của Rosneft?

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố không đối tượng nào được tiến hành khai thác dầu khí hoặc các tài nguyên khác "ở vùng biển của Trung Quốc" khi chưa được sự đồng ‎ý của Bắc Kinh.
Giàn khoan Lan Tây được vận hành bởi Rosneft ở ngoài khơi Vũng Tàu
Cụ thể, Bắc Kinh nhắc tới hoạt động mới đây của công ty Rosneft Vietnam BV, một công ty con của hãng dầu khí quốc gia Nga Rosneft tại khu vực ngoài khơi Vũng Tàu.
"Tôi đã xem các báo cáo có liên quan. Tôi muốn nhắc lại rằng không một quốc gia, tổ chức, công ty hay cá nhân nào được tiến hành khai thác hoặc phát triển hoạt động dầu khí tại vùng biển của Trung Quốc khi chưa được phép từ phía chính phủ Trung Quốc," phát ngôn viên Lục Khảng phát biểu trong cuộc họp báo thường lệ hôm thứ Ba, 17/5.
"Do đó, chúng tôi thúc giục các bên liên quan hãy nghiêm chỉnh tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, chớ làm gì gây ảnh hưởng tới quan hệ song phương hay hòa bình, ổn định trong khu vực."
Trong một tuyên bố đưa ra trước đó, cũng trong ngày 17/5, Rosneft nói hoạt động khoan thăm dò của hãng diễn ra trong vùng lãnh hải của Việt Nam, hai ngày sau khi công ty con của hãng bắt đầu tiến hành việc khoan thăm dò ở vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng ngày ra tuyên bố nói các hoạt động dầu khí trên biển được thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế và trong vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
"Toàn bộ các hoạt động kinh tế trên biển của Việt Nam, gồm cả các hoạt động dầu khí, đều được cấp phép và tiến hành trên các vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam," phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng được Reuters dẫn lời.
graphicBản quyền hình ảnhBAN DO DAU KHI VIETNAM
Vị trí hoạt động mới nhất của Rosneft là trong Lô 06.01, thuộc dự án mỏ khí Lan Đỏ và nằm trong Bể Nam Côn Sơn.
Theo bản đồ khai thác dầu khí chính thức của PetroVietnam, thì Lô 06.1 nằm gần với bờ biển Việt Nam hơn so với các lô 07.03 và 136.03, những nơi đối tác khác của PetroVietnam đã phải dừng hoạt động thăm dò, khai thác hồi tháng 3/2018 và 7/2017 do sức ép từ phía Bắc Kinh.
Chi nhánh của Rosneft tại Việt Nam trước đó đã tỏ ‎ý quan ngại về việc hoạt động mới nhất của hãng có thể khiến Bắc Kinh tức giận, Reuters dẫn hai nguồn tin có liên hệ trực tiếp tới hãng, cho biết hôm thứ Tư.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm thứ Năm nói rằng hãng đã không hề tham vấn với chính phủ về hoạt động của hãng tại Biển Đông.
Theo trang tin euro-petrole.com chuyên về dầu khí, thì hiện Rosneft đang có một số dự án ở ngoài khơi Việt Nam.
Trong Lô 06.1, nằm cách bờ biển Việt Nam 370km, chi nhánh của Rosneft tại Việt Nam là Rosneft Vietnam BV sở hữu 35% cổ phần các dự án, và đóng vai trò nhà điều hành dự án. Tại lô này có ba mỏ khí là Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại.
Trong số các dự án khác, Rosneft thông qua công ty con trên nắm 100% cổ phần và là nhà điều hành của các dự án dầu khí nằm trong Lô 05.3/11, ngay cạnh Lô 06.1. Tại lô này, Rosneft đã tiến hành khoan lần đầu tiên hồi 6/2016 và lần thứ hai trong 3/2018.
Một công ty con khác của Rosneft là Rosneft Pipeline BV nắm 32,67% cổ phần trong dự án Đường Ống Khí Nam Côn Sơn.
Quan điểm cho đến ngày 14/04/2016 của chính quyền Nga về Biển Đông được Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov nói tại một cuộc họp báo quốc tế rằng Kremlin tôn trọng Công ước Luật biển (UNCLOS) và DOC.
Nhưng điểm đáng chú ý là ông Lavrov nhấn mạnh Nga "muốn các nước liên quan trong tranh chấp Biển Đông giải quyết 'trực tiếp' với nhau, và phê phán cách ông gọi là "quốc tế hóa" vấn đề, theo nhà nghiên cứu Anton Tsvetov.
Ông Tsvetov khi đó có bài trên trang The Diplomat (21/04/2016) nói báo chí Trung Quốc hoan nghênh lời ông Lavrov, còn Bộ Ngoại giao VN khi ấy đã đáp lại bằng cách kêu gọi "tranh chấp cần được giải quyết bởi tất cả các bên liên quan".
Hồi tháng Ba, PetroVietnam yêu cầu hãng năng lượng của Tây Ban Nha, Repsol, ngưng dự án Cá Rồng Đỏ nằm trong Lô 07/03, khiến Repsol và các đối tác thiệt hại ước tính khoảng 200 triệu đô la đã đầu tư vào dự án.
Lô 07/03 nằm ngay cạnh Lô 136/03, nơi mà cũng Repsol bị chính phủ Việt Nam yêu cầu ngưng hoạt động khoan thăm dò hồi tháng Bảy năm ngoái.
Lô 136-03 là nơi PetroVietnam cho Talisman-Việt Nam, công ty con của Repsol thuê.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44145729

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét