Hãy nhìn vào các khả năng viễn chinh ngày một lớn mạnh của quân đội Trung Quốc (PLA) và những ảnh hưởng to lớn của nó.
Quân đội Trung Quốc đang ở giai đoạn ban đầu để bắt đầu trở thành một lực lượng viễn chinh. Việc triển khai quân tham gia sứ mệnh chống hải tặc tại Vịnh Aden và sử dụng các tài sản hải quân, không quân để hỗ trợ sơ tán công dân Trung Quốc từ Libya hồi tháng 2, tháng 3 năm nay đã minh chứng khả năng thực sự của họ trong lĩnh vực này.
Thế nào là một cường quốc viễn chinh? Bộ Quốc phòng Mỹ định nghĩa nó như một "lực lượng vũ trang được tổ chức để hoàn thành mục tiêu cụ thể ở nước ngoài". Thêm vào đó, một lực lượng như vậy nên có thể vận chuyển, duy trì và tự bảo vệ mình để tự do thực hiện các sứ mệnh độc lập cần thiết nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia.
Cuộc cách mạng dần dần nhưng rất quan trọng của PLA hướng tới khả năng viễn chinh lớn hơn trùng khớp với sự trỗi dậy nhanh chóng của sức mạnh kinh tế Trung Quốc và việc ngày càng có nhiều người Trung Quốc tìm kiếm vận may ở những khu vực nhạy cảm nhưng phát triển nhanh chóng như châu Phi, Trung Á và Trung Đông. Họ là nhân công của cả các tập đoàn lớn hay doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, hiện tại do chi phí và những lý do nhận thức, các khả năng viễn chinh của Trung Quốc hầu như được tạo dựng để xử lý các mối đe dọa với công dân và các lợi ích kinh tế của nước này ở nước ngoài. Trước tiên là các mối đe dọa phi truyền thống với an ninh tài nguyên, như hải tặc hay khủng bố, cũng như những nguy cơ với công dân Trung Quốc ở nước ngoài kiểu như tại Libya.
Hãy so sánh điều này với quân đội Mỹ - vốn sở hữu các khả năng viên chinh ổn định cao có thể giúp tham gia các cuộc chiến lớn trên thế giới và đồng thời xử lý các vụ việc, sự cố khác. Các nền tảng và cơ sở hạ tầng hoạt động đảm nhận sứ mệnh cường độ cao cũng có thể được thu nhỏ để đối phó với các sứ mệnh an ninh phi truyền thống như cứu trợ nhân đạo sau Sóng thần Ấn Độ Dương 2004 hay ngăn chặn hải tặc ngoài khơi Somalia. Vì thế, có thể đánh giá, các khả năng hải quân, không quân và bộ binh của PLA trong những lĩnh vực hoạt động tương tự sẽ cần thêm 15 năm - thậm chí là nhiều hơn - để đạt được khả năng xử lý đa dạng nhiệm vụ - giống như các khả năng mà quân đội Mỹ sở hữu ngày nay.
Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc đang cải thiện khả năng để giải quyết những nguy cơ có quy mô nhỏ hơn để không liên quan tới việc sử dụng vũ lực ở một khu vực xung đột, nhưng lại có thể dính dáng vào các kế hoạch triển khai dài hạn. Nâng cao các khả năng để thể hiện vị thế và hỗ trợ các sứ mệnh nhân đạo cũng như các hoạt động quân sự khác hơn là chiến tranh có thể cho phép một khả năng viễn chinh hạn chế mang lại lợi ích ngoại giao cho Trung Quốc.
Triển khai các sứ mệnh
Sứ mệnh chống hải tặc của hải quân PLA tới Vịnh Aden giờ đây đã trải qua hai năm, và đang minh chứng thành công cao độ. Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc 2010 nhấn mạnh rằng, vào cuối năm này, Hải quân PLA (gọi là PLAN) đã thực hiện bảy chuyến "xuất quân" với 18 tàu triển khai, 16 trực thăng yểm trợ và 490 lính đặc nhiệm. Thực hiện các nhiệm vụ hộ tống, tuần tra, PLAN đã đảm bảo an toàn cho 3.139 tàu mang cờ Trung Quốc và nước ngoài, giải cứu 29 tàu khác khỏi các vụ tấn công của cướp biển và tìm lại 9 tàu bị cướp biển chiếm giữ.
Sứ mệnh tại Vịnh Aden đổi lại đã góp phần cải thiện tính sẵn sàng của quân đội Trung Quốc trong khi tham gia hoạt động sơ tán 30.000 công dân Trung Quốc khỏi Libya vào tháng 2 và 3 năm nay. Trong khi đa số người dân sơ tán thông qua các tàu, máy bay thuê hay bằng đường bộ, thì chiến dịch này lần đầu tiên đã đánh dấu việc Trung Quốc triển khai tài sản quân sự để bảo vệ công dân ở nước ngoài. Bắc Kinh đã điều động Tô Châu - một trong những tàu khu trục trang bị tên lửa hiện đại nhất của Trung Quốc, cũng như gửi bốn máy bay vận chuyển quân sự đường dài IL-76 để sơ tán công dân bị mắc kẹt gần Sabha thuộc miền trung Libya.
Một lý do chính để Tô Châu trở thành tài sản hữu ích trong sự việc Libya là bởi nó đã sẵn sàng được triển khai trong một phần sứ mệnh chống hải tặc của Trung Quốc tại vịnh Aden. Quan chức cấp cao PLAN và các nhà lãnh đạo dân sự nhận được bài học trực tiếp về việc sử dụng tài sản quân sự thế nào để gia tăng các lợi ích toàn cầu. Trong cuộc sơ tán công dân ở Libya, có dấu hiệu cho thấy rằng, PLAN sẽ tìm kiếm sự hiện diện lâu dài hơn tại khu vực Ấn Độ Dương.
Hải quân PLA dẫn đầu con đường viễn chinh đầu tiên của Trung Quốc (triển khai chống hải tặc), nhưng Không quân PLA (PLAAF)cũng đã góp nhặt được nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động tầm xa thông qua các cuộc tập trận giúp họ cải thiện các khả năng liên quan như tiếp dầu trên không hay tấn công tầm xa. Tháng 9/2010, PLAAF điều SU-27 tham gia cuộc tập trận không quân mang tên Đại bàng Thổ Nhĩ Kỳ tại Thổ Nhĩ Kỳ và các máy bay đã báo cáo thực hiện việc tiếp dầu tại Pakistan và Iran (theo tin tức Hurriyet). Hơn thế nữa, trong cuộc diễn tập đa quốc gia mang tên Sứ mệnh Hòa bình tháng 9/2010 với Kazakhstan và Nga, các máy bay J-10 của Trung Quốc từ căn cứ ở Tân Cương , được tiếp dầu trên không, đã thực hiện sứ mệnh tấn công giả định nhằm vào các mục tiêu ở Kazakhstan.
Các hoạt động viễn chinh quân sự đòi hỏi sự tiếp cận những cơ sở cung cấp, sửa chữa khu vực. Các cuộc diễn tập tầm xa của PLA và việc triển khai đến vịnh Aden đang củng cố sự tiếp cận của chính họi với các hải cảng, sân bay khu vực - những nơi có thể được sử dụng để đảm bảo hỗ trợ hậu cần cho những sứ mệnh tương lai. Trung Quốc dường như theo đuổi một mô hình "chỗ đứng, không căn cứ", vào lúc các trải nghiệm của Mỹ cho thấy, duy trì căn cứ lớn ở nước ngoài thường mang lại nhiều thách thức về ngoại giao cũng như an ninh.
Những khu vực có tiềm năng thành điểm hỗ trợ hậu cần và tiếp cận của PLA trong trường hợp xảy ra khủng hoảng gồm: Tanzania, Kenya, Madagascar, Djibouti, Salalah (Oman), Aden (Yemen), Gwadar và Karachi (Pakistan), Chittagong (Bangladesh), Hambantota (Sri Lanka), Mauritius, Sittwe (Myanmar) và Singapore.
Khi Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng ngoại giao và hậu cần thích hợp để hỗ trợ các hoạt động viễn chinh, họ cũng coi trọng việc nhìn nhận các nền tảng mà PLAN và PLAAF đang theo đuổi để có thể góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động viễn chinh quân sự ở "những sân khấu ngoài Đài Loan".
- Thụy Phương (Theo diplomat)
- Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-05-06-cuoc-vien-chinh-cua-quan-doi-trung-quoc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét