Trung Quốc đã là một trong những nhà sản xuất năng lượng ngoài khơi lớn nhất thế giới. Nhưng họ vẫn mong muốn mở rộng quy mô hơn bằng việc tìm kiếm thêm nhiều tài nguyên dầu khí ở vùng biển nội địa và các khu vực gần với Trung Quốc, để tránh phụ thuộc quá mức vào nguồn năng lượng nhập khẩu.
Tuy nhiên, chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc có thể làm phức tạp hóa mối quan hệ giữa họ với Đông Nam Á, với các quốc gia khác như Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc vốn quan tâm và coi Biển Đông như một "lộ trình quốc tế" cho thương mại và hoạt động tự do của tàu thuyền và máy bay quân sự.
Một trong những tâm điểm của việc nghiên cứu năng lượng ngoài khơi mà Bắc Kinh tiến hành nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởngkinh tế nhanh chóng nằm ở Biển Đông, nơi Trung Quốc có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 19/4 đưa ra một báo cáo đặc biệt về Biển Đông, trong đó mệnh danh vùng biển này là "Vịnh Ba Tư thứ hai". Tờ báo cho biết, Biển Đông chứa đựng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỉ mét khối khí. Con số này gấp khoảng 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc đã được chứng minh.
Thời báo Hoàn cầu không trích dẫn nguồn nào của ước tính trữ lượng dầu và khí tự nhiên nằm dưới đáy Biển Đông. Tuy nhiên, tờ báo dẫn lời Trương Đại Vệ - một quan chức cấp cao thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, khi nói rằng, việc tăng cường thăm dò tìm kiếm ngoài khơi là "chìa khó" để giải quyết cơn khát năng lượng của Trung Quốc.
Cơn khát dầu của Trung Quốc để phục vụ hệ thống vận chuyển, giao thông và phát triển kinh tế đã thay đổi từ việc tự cung tự cấp dầu vào đầu những năm 1990 sang phụ thuộc tới 55% nguồn dầu nhập khẩu trong tiêu dùng vào năm 2010, vượt quá những gì mà Thời báo Hoàn cầu gọi là: "mức báo động an ninh năng lượng toàn cầu được công nhận ở con số 50%".
Không chỉ có tỉ lệ nhập khẩu dầu của Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng, mà sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt nước ngoài cũng tăng không kém khi Bắc Kinh khuyến khích việc chuyển sang sử dụng nguồn khí đốt sạch hơn so với than đá để cắt giảm ô nhiễm khong khí và khí thải nhà kính. Than đá là nguyên nhiên liệu chủ yếu của Trung Quốc sử dụng để phát điện.
Một báo cáo gần đây của ngân hàng đầu tư Macquarie dự báo rằng, tỉ lệ tự túc khí đốt của Trung Quốc sẽ sụt giảm từ 90% trong năm 2010 xuống 65% trong năm 2020. Các công ty năng lượng nhà nước đang chuẩn bị tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở đáy biển ngoài khơi Trung Quốc và thậm chí là ở những vùng biển sâu hơn, xa hơn kể từ bờ biển nước này.
Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc - một nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi - nhấn mạnh rằng, các vùng nước sâu của Biển Đông vẫn chưa được "khám phá, thăm dò" và có "tiềm năng to lớn". Tập đoàn này đã phác thảo những kế hoạch để thâm nhập lớn ở khu vực này khi họ học cách vận hành các thiết bị khoan sâu trong vài năm tới.
Các lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển kỹ năng, cải tiến trang bị để phô trương sức mạnh ở Biển Đông và bảo vệ các công ty năng lượng Trung Quốc hoạt động ở đây.
Cho tới nay, việc tìm kiếm và sản xuất năng lượng của Trung Quốc vẫn giới hạn tại khu vực phía bắc của Biển Đông gồm ngoài khơi Hong Kong và đảo Hải Nam. Tuy nhiên, trong tháng này, Bắc Kinh nhiều lần quả quyết rằng họ kiểm soát hơn 80% Biển Đông và tất cả các đảo, vỉa đá ngầm trong một bản đồ hình chữ U mà chính họ công bố. Động thái của Trung Quốc lại càng làm nóng thêm những tranh cãi hàng hải.
Philippines đã gửi công hàm chính thức đến Liên Hợp Quốc để phản đối Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông. Philippines cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với các đảo và vùng biển lân cận tại Biển Đông là không có cơ sở luật pháp quốc tế. Hãng tin AP đã thấy bản copy công hàm phản đối Trung Quốc mà Philippines gửi tới LHQ. Sự phản đối của Philipplines xuất hiện sau khi một tàu tìm kiếm thăm dò dầu khí nước này thông tin về việc bị hai tàu tuần tra của Trung Quốc "quấy nhiễu". Quân đội Philippines đã triển khai hai máy bay chiến đấu tới khu vực xảy ra vụ việc và tàu Trung Quốc sau đó rời đi mà không có đụng độ gì.
Đáp trả lại, Trung Quốc cũng gửi thư phản đối Philippines lên LHQ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc làm như vậy. Bắc Kinh khẳng định họ có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa mà Manila "đã bắt đầu xâm chiếm" từ những năm 1970.
Trong lá thư gửi ngày 14/4, Trung Quốc tuyên bố: "Kể từ những năm 1970, Philippines đã bắt đầu xâm lấn và chiếm đóng một số đảo cũng như vỉa đá ngầm tại quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi tên quần đảo Trường Sa) và đưa ra các tuyên bố chủ quyền liên quan, điều mà Trung Quốc mạnh mẽ phản đối". Thư phản đối của Trung Quốc nhấn mạnh: "Sự chiếm đóng của Philippines với một số đảo và vỉa đá ngầm của quần đảo Nam Sa cũng như các hành vi liên quan khác đã cấu thành việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc".
Tháng 5/2009, một ngày sau khi Trung Quốc đưa ra bản đồ chín đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò hay bản đồ hình chữ U) lên một ủy ban của LHQ, Việt Nam và Malaysia đã đệ đơn phản đối. Indonesia, tuy không phải là bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, cũng phản đối bản đồ của Trung Quốc trong năm ngoái. Tuy nhiên, trong cả bốn thư ngoại giao đệ trình lên LHQ chống lại bản đồ chín đoạn của Trung Quốc, chỉ có thư phản đối của Philippines khiến Bắc Kinh gửi công hàm đáp trả lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon.
Lá thư của Bắc Kinh khẳng định quả quyết rằng, quần đảo Trường Sa "hoàn toàn thuộc về" lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ, cho dù nó gồm phần lớn các đảo không người ở và thường không thể nhìn thấy được khi thủy triều lên.
Không có cách nào khác ngoài việc Trung Quốc có thể sử dụng luật pháp quốc tế hiện hành để chứng minh cho tuyên bố chủ quyền của họ với vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với các nguồn tài nguyên thủy sản, năng lượng và khoáng sản.
Tuy nhiên, trong bức thư gửi LHQ, Trung Quốc lại biện minh cho tuyên bố chủ quyền dựa trên hai đạo luật hàng hải gây tranh cãi của chính họ ngoài Công ước LHQ về Luật biển. Luật pháp nội địa công nhận chủ quyền của Trung Quốc; công ước LHQ lại không như vậy.
Và, nếu cuộc vật lộn để giành quyền kiểm soát Biển Đông dựa trên quyền lực chính trị thay vì luật pháp quốc tế hiện hành, thì Bắc Kinh dường như có lợi thế so với các đối thủ yếu hơn.
* Michael Richardson là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore.
- Thụy Phương (Theo Japantimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét