Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Những giới hạn của sức mạnh Trung Quốc

Evelyn Goh
(Tiến sĩ Evelyn Goh là giáo sư môn quan hệ quốc tế và hiện ông đang có học bổng nghiên cứu về phát triển cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp [mid-career development] (từ năm 2011 đến 2013) của ESRC [Hội đồng nghiên cứu kinh tế và xã hội (trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Vương quốc Anh)] tại trường Royal Holloway thuộc Đại học London).
Ngày 30 tháng 4 năm  2011
Bảo rằng Trung Quốc hiện đang là một trong những cường quốc trên thế giới thì là một lời khẳng định chẳng còn ai nghi ngờ nữa, song xếp Trung Quốc vào các cường quốc dựa trên những nguồn lực vật chất đang ngày một gia tăng của họ lại tự nó chẳng chứng minh được rằng Trung Quốc là hùng mạnh.
Một câu hỏi đáng lưu ý hơn ấy là cách nào Trung Quốc biến đổi có hiệu quả những nguồn lực ngày một gia tăng của họ thành sự ảnh hưởng đối với những lựa chọn chiến lược của các nước khác và những hậu quả có thể xảy ra?
Các nước Đông Nam Á dường như là một ví dụ “dễ” để hiểu được sự thật sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc. Do sự chênh lệch đáng kể về sức mạnh cho nên nếu như sức mạnh của Trung Quốc quả thực đã gia tăng thế thì chúng ta sẽ trông chờ được thấy sự thay đổi trong những ưu tiên và cách cư xử của các nước láng giềng yếu hơn nói trên khi họ đối phó với sự cưỡng ép, sự thuyết phục hoặc sự mua chuộc từ phía Trung Quốc.  Kết quả thu được cho tới nay là không giống nhau [giữa các nước này]. Trong khi Trung Quốc có thể khai thác được hầu hết tiềm lực kinh tế của khu vực này theo hướng có lợi thì họ lại không đạt được ý đồ của mình trong những xung đột về lãnh thổ và tài nguyên.  
Sự mới trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc đã làm thay đổi cơ cấu của các mạng lưới kinh tế ở Đông Á, khuyến khích nền sản xuất ở khu vực này để Trung Quốc như là dây chuyền lắp ráp cuối cùng và điểm xuất khẩu đi các nước còn lại trên thế giới. Ngoài ra chính phủ Trung Quốc đã cố gắng củng cố vị trí lãnh đạo kinh tế của họ bằng cách thúc đẩy sự hợp tác kinh tế khu vực rộng hơn.
Sự tham gia của Trung Quốc ở các nước lục địa thuộc Đông Nam Á đã giúp cho các kế hoạch phát triển kinh tế khu vực dành cho sáng kiến Tiểu vùng Sông Mê Kông của Ngân hàng Phát triển châu Á trở nên khả thi, thu hút đầu tư nước ngoài trong các dự án cơ sở hạ tầng. Các kế hoạch này đã liên kết các quốc gia nghèo hơn [trong khu vực] – Căm Pu Chia, Lào và Việt Nam – với thị trường Trung Quốc và Thái Lan, đồng thời tạo thuận lợi cho Trung Quốc tiếp cận các nguồn cung cấp nguyên liệu và hải cảng ở Đại Tây dương và Biển Hoa Đông [East China Sea]. Các kế hoạch nói trên cũng khuyến khích Nhật Bản và Mỹ quan tâm và đầu tư ở vùng sông Mê Kông. Nổi bật hơn là sáng kiến của Trung Quốc về một hiệp định thương mại tự do với ASEAN, khắc phục được vấn đề được bàn đi bàn lại nhiều lần ấy là khuyến khích một sự hội nhập kinh tế. Sau khi có hiệu lực vào năm 2010, Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN đã hình thành nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, khu vực này bao gồm 1,9 tỉ người tỉ người tiêu dùng và 4,3 nghìn tỉ đô la Mỹ mậu dịch
Do Chiến tranh Lạnh và hình ảnh cạnh tranh kinh tế gắn liền với chi phí sản xuất rẻ cho nên trước đây các nước Đông Nam Á đã không thể đạt được sự hội nhập kinh tế khu vực hiệu quả. Trung Quốc đã làm tăng sức thuyết phục và cái đà để các nước này thể hiện đòi hỏi cấp bách về phát triển của mình thành sự hội nhập kinh tế khu vực. Trung Quốc áp dụng sức mạnh thông qua “hiệu ứng số nhân” [multiplier effect]: quy mô của khu vực sản xuất của Trung Quốc đang tạo ra những hiệu quả kinh tế dựa trên sự mở rộng quy mô và cái đích ngắm chính trị của Trung Quốc đang góp phần làm tăng thêm ý nghĩa, thậm chí tính chính danh cho hoạt động kinh doanh này.
Trong khi một hiệu ứng số nhân như vậy là đóng vai trò quyết định cho những thành công chính trị của Trung Quốc ở Đông Nam Á thì ngược đời thay hiệu ứng này lại không chứng tỏ là tối ưu cho sự ảnh hưởng của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh đang vận động những ưu tiên chung đã tồn tại từ trước và họ không cần thiết phải bắt các nước khác làm cái điều mà họ không muốn làm.
Trái lại, tình hình trong đó những ưu tiên đã tồn tại từ trước của các nước khác là chưa rõ ràng ngã ngũ – chẳng hạn như cuộc tranh luận nổi lên trong những năm 1990 về liệu sự nổi lên của Trung Quốc có phải là một mối đe dọa hay không – lại đem lại những cơ hội để Trung Quốc gây ảnh hưởng tới các nước láng giềng của họ bằng cách thuyết phục các nước đó rằng cái cách thuật lại do chính Trung Quốc nói ra về điều được gọi là sự trỗi dậy hòa bình mới là chính xác hơn và có lợi hơn. Chống lại cách diễn ngôn đang lan rộng về Trung Quốc là một mối đe dọa, giữa những năm 1990 Trung Quốc đã mở đầu một chiến dịch chính thức nhằm định hướng nhận thức của thế giới rằng Trung Quốc là một cường quốc ôn hòa, có trách nhiệm.
Chiến dịch này đã kéo theo một giọng kể chuyện thay thế khác về Khái niệm An ninh Mới mẻ mang tính hợp tác của Trung Quốc, sự “trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc” hoặc sự “phát triển ôn hòa” trong khi Trung Quốc phấn đấu vì một “thế giới hài hòa”. Thông điệp này nhằm mục đích trấn an các nước láng giềng rằng sự hồi sinh của Trung Quốc sẽ không đe dọa những lợi ích kinh tế hay an ninh của họ xuất phát từ những mục đích hòa bình, những khả năng giới hạn của quốc gia, lộ trình phát triển đem lại lợi ích giữa các nước và ý thức đa nguyên quốc tế.
Lời nói hoa mỹ đã đi kèm với hành động chính sách. Ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã đàm phán với Việt Nam về những tranh chấp biên giới trên đất liền, mặc dù không đàm phán về những tranh chấp đường ranh giới trên biển; tham gia đầy đủ các cơ chế của ASEAN; và trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 1997 và 2009 đã được quảng cáo rất dữ như là nước đã cam kết kiềm chế và cam kết viện trợ. Ngoài khả năng biết thuyết phục, Trung Quốc còn có khả năng mua chuộc về kinh tế.
Nhưng từ trước tới nay mức độ được trấn an của các nhà hoạch định chinh sách ở các nước Đông Nam Á trước mối đe dọa từ Trung Quốc có những giới hạn. Khả năng thuyết phục của Trung Quốc có căn nguyên ở khả năng Trung Quốc duy trì được hành động chính sách ôn hòa. Ngoài những nỗ lực bù đắp một số tác động bất lợi từ sự cạnh tranh kinh tế của Trung Quốc, các nước láng giềng của Trung Quốc còn đang quan sát cái cách Trung Quốc cư xử trong những xung đột lợi ích hệ trọng hơn.
Cách tốt nhất để đánh giá sự chuyển đổi sức mạnh thành sự ảnh hưởng là ở những trường hợp ở đó kẻ mạnh bắt một kẻ khác phải thay đổi chính sách về một vấn đề quan trọng mà hai bên có xung đột. Ở trường hợp của Trung Quốc và Đông Nam Á thì những vấn đề như vậy bao gồm các chính sách về Đài Loan, mối quan hệ quốc phòng với Mỹ và các chính sách về tranh chấp lãnh thổ. Trong những trường hợp khó khăn tiềm tàng này thì cho tới nay thật khó mà tìm thấy những thay đổi quan trọng trong chính sách của các nước Đông Nam Á đối phó với hành động của Trung Quốc.
Cách cư xử của Trung Quốc trong những tranh chấp là một phép thử quyết định đối với những ý đồ của Trung Quốc và đường lối cứng rắn của Trung Quốc đã đem lại kết quả trái ngược nghiêm trọng với sự mong đợi của họ ở chỗ nó đã dẫn tới một sự siết chặt hàng ngũ của tất cả các nước Đông Nam Á, Nhật Bản và Mỹ. Những hành động của Bắc Kinh lại càng thuyết phục thêm những người hoài nghi ở trong khu vực là những người không tin vào sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc và việc Trung Quốc tiếp tục duy trì sự cưỡng bức có thể thúc giục các nước láng giềng của của Trung Quốc đi đến những chính sách ngăn chặn mà họ đang muốn tránh.
Nói gì thì nói, đáng để lưu ý rằng cho tới nay có một vài ví dụ tuyệt hay cho thấy Trung Quốc đang tìm được cách bắt các nước Đông Nam Á phải làm cái điều mà nếu khác đi thì họ không muốn làm. Song song với tiếng tăm thành công của Bắc Kinh trong thuyết phục và mua chuộc thì Bắc Kinh mới đây đã cho thấy sự thận trọng trong việc sử dụng sức ép lên các nước láng giềng trong những vấn đề gây thách thức nhiều nhất. Phản ứng dữ dội gần đây ở Biển Nam Trung Hoa có lẽ đang khiến Bắc Kinh trở nên thận trọng hơn. Khả năng quân sự vẫn còn hạn chế của Trung Quốc cung cấp một lý giải quan trọng bởi vì, đặc biệt là trên vũ đài tiếp cận và an ninh hàng hải, sự hiện diện của Mỹ vẫn đang có tác dụng như là một sự ngăn đe quan trọng.
Người dịch: Hiền Ba
Nguồn: Basam.info 01.05.2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét