Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

Mỹ và Trung Quốc đề ra các lằn ranh đỏ có thể nổ ra chiến tranh nếu đối phương vượt qua

 Cựu Tư lệnh NATO, Đô đốc Mỹ về hưu James Stavridis gần đây tiết lộ, Mỹ đã đề ra lằn ranh đỏ về quân sự cho Trung Quốc; nếu vượt qua, chiến tranh Mỹ-Trung sẽ nổ ra. Trung Quốc cũng nêu lằn ranh cho phía Mỹ.


Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 15/3, trang mạng tin tức Nikkei Asia của Nhật đã đăng một bài báo có tiêu đề "Quân đội Mỹ chuẩn bị cho một trận chiến đến cùng với Quân đội Giải phóng Nhân dân" của ông James Stavridis, chỉ ra rằng cơ sở để Mỹ kiểm soát tổng thể thế trận chiến lược trên biển là thành lập Liên minh trên biển toàn cầu để chống lại các đội quân có sức chiến đấu cao của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Ông James Stavridis chỉ ra rằng lằn ranh đỏ quân sự mà Hoa Kỳ vạch ra cho Trung Quốc bao gồm các tình huống giả định: Thứ nhất, Trung Quốc hoặc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, sinh học hoặc hóa học để tấn công Mỹ và các đồng minh của họ; Thứ hai, Trung Quốc đại lục sẽ sử dụng vũ lực để tấn công Đài Loan và các đảo xa, bao gồm phong tỏa kinh tế đối với Đài Loan hoặc phát động các cuộc tấn công mạng quy mô lớn gây thiệt hại thiệt hại cho cơ sở hạ tầng công cộng của Đài Loan.

Các lằn ranh đỏ khác còn bao gồm: Thứ ba, PLA mở cuộc tấn công vào quân đội Nhật Bản trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và khu vực kinh tế xung quanh Biển Hoa Đông; Thứ tư, Trung Quốc có những hành động thù địch lớn chống lại Mỹ và các đồng minh ở Biển Đông để tiếp tục phát triển và quân sự hóa các đảo và rạn san hô nhằm mục đích triển khai quân đội chống lại các bên có yêu sách chủ quyền khác; Thứ năm, ngăn cản hải quân Mỹ và hải quân các nước đồng minh thực hiện các chiến dịch hàng hải đầy đủ và tự do; Thứ sáu, Trung Quốc tiến hành các cuộc tấn công vào các lãnh thổ có chủ quyền và các cơ sở quân sự của các đồng minh của Mỹ.

Mỹ và Trung Quốc đề ra các lằn ranh đỏ có thể nổ ra chiến tranh nếu đối phương vượt qua ảnh 1

Trang mạng quân sự Trung Quốc đăng ảnh ghép J-20 Trung Quốc truy kích F-22 của Mỹ (Ảnh: Dwnews).

Ông Stavridis nói, trong bối cảnh chiến lược của Mỹ và Trung Quốc, Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ sẽ kiên quyết bảo vệ vùng biển và đảm bảo tuyến hàng hải có thể tiếp cận Biển Đông và tiến sâu vào chuỗi đảo mà Trung Quốc dựa vào để phòng thủ.

Một khi tiến sâu vào đó, Thủy quân lục chiến sẽ sử dụng máy bay không người lái vũ trang, khả năng tấn công mạng, lực lượng đặc nhiệm thiện chiến Marine Raiders (Biệt kích biển), tên lửa phòng không, thậm chí sử dụng vũ khí diệt hạm để tấn công Hải quân Trung Quốc và tấn công các cơ sở tác chiến của PLA trên đất liền, chẳng hạn như các đảo nhân tạo và rạn san hô được quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Stavridis cũng tiết lộ rằng các đội ngũ chiến lược, tác chiến và chiến thuật của U.S. Indo-Pacific Command (Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương) của Mỹ đang vạch ra các phương án mới cho việc triển khai quân đội Mỹ và các phương án liên quan sẽ được gửi tới Bộ Quốc phòng và được xem là một trong những dự án đánh giá toàn diện tình hình của tân Bộ trưởng mới Lloyd Austin.

Mỹ và Trung Quốc đề ra các lằn ranh đỏ có thể nổ ra chiến tranh nếu đối phương vượt qua ảnh 2

Ảnh vệ tinh chụp máy bay Y-20 của Trung Quốc trên đường băng ở đảo nhân tạo Chữ Thập Trung Quốc tôn tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa (Ảnh: Dwnews).

Ông Stavridis cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đặc biệt hy vọng các đồng minh NATO như Vương quốc Anh và Pháp cũng có thể tham gia. Mỹ cũng hy vọng sẽ thuyết phục được Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam tham gia vào hành động triển khai quân sự như vậy.

Cựu Đô đốc James Stavridis hiện là Viện trưởng thứ 12 của Fletcher School of Law and Diplomacy (Học viện Pháp luật và Ngoại giao Fletcher) thuộc Đại học Tufts, Hoa Kỳ. Ông đã dành phần lớn cuộc đời binh nghiệp của mình ở Thái Bình Dương. Tác phẩm mới của ông có tên "2034: A Novel of Next World War" (2034: Tiểu thuyết về cuộc Chiến tranh thế giới tiếp theo) đã được phát hành từ ngày 9/3/2021.

Theo báo The Guardian của Anh ngày 10/3, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh việc thay thế các lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á, Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề Đài Loan trong vòng 6 năm và thay thế Vị trí lãnh đạo trên thế giới của Mỹ vào năm 2050.



Ông Davidson phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ: “Tôi lo rằng họ (Trung Quốc) đang tăng tốc thực hiện tham vọng của mình, đang tăng tốc để thay thế Mỹ và vào năm 2050 ... thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ trong trật tự quốc tế”. Ông Davidson cũng đề cập đến Đài Loan, nói ông cho rằng “vấn đề này (vấn đề Đài Loan) rất rõ ràng sẽ được giải quyết trong vòng 10 năm, thực tế là trong vòng 6 năm tới. Trung Quốc đại lục sẽ hành động để giành lại Đài Loan”.

Ông Davidson cũng cho rằng Trung Quốc đã bành trướng chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và thậm chí đe dọa đảo Guam của Mỹ. Ông kêu gọi Mỹ phê chuẩn triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa Aegis ở Guam để đánh chặn tên lửa mạnh nhất của Trung Quốc.

Đô đốc Davidson cũng tuyên bố rằng ngoài việc triển khai hệ thống chống tên lửa Aegis ở Australia và Nhật Bản, thì cũng cần dành nhiều ngân sách cho nhiều vũ khí tầm xa hơn, để có thể “khiến Trung Quốc biết rằng cái giá phải trả cho những gì họ đang làm là rất cao”.

Đáp lại những phát biểu của phía Mỹ về về lằn ranh đỏ, Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc ngày 14/3 viết: “Trung Quốc cũng có một lằn ranh đỏ, đó là tuyệt đối quyết không cho phép bất kỳ hoạt động ly khai ‘Đài Loan độc lập’ nào”. Đây là thực tế mà Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ, James Stavridis và các thế lực ủng hộ ‘Đài Loan độc lập’ ở phương Tây khác cần nhận rõ”.

Mỹ và Trung Quốc đề ra các lằn ranh đỏ có thể nổ ra chiến tranh nếu đối phương vượt qua ảnh 4

Tàu chiến Trung Quốc tập trận trên Biển Đông tháng 7/2020 (Ảnh: Dwnews).

Chiều ngày 7/3, Kỳ họp thứ tư của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc lần thứ 13 đã tổ chức họp báo tại Phòng họp báo của Đại lễ đường Nhân dân. Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Đối với vấn đề Đài Loan, tôi muốn nhấn mạnh 3 điểm: Thứ nhất, trên thế giới chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc, đây là sự thật lịch sử và pháp lý, đồng thời cũng là sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, hai bờ eo biển nhất định phải thống nhất và tất nhiên sẽ thống nhất. Đây là xu thế chung và là ý chí chung của dân tộc Trung Hoa, sẽ không thay đổi, cũng không thê thay đổi được. Chính phủ Trung Quốc kiên định quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Chúng tôi có khả năng đánh bại các hành động ly khai ‘Đài Loan độc lập’ dướ bất kỳ hình thức nào.

Thứ ba, nguyên tắc một Trung Quốc là cơ sở chính trị của quan hệ Trung-Mỹ và là lằn ranh đỏ không thể vượt qua. Chính phủ Trung Quốc không có chỗ cho sự thỏa hiệp trong vấn đề Đài Loan và không có chỗ cho sự nhượng bộ. Chúng tôi kêu gọi chính phủ mới của Mỹ hiểu đầy đủ tính nhạy cảm cao của vấn đề Đài Loan, tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và ba bản thông cáo chung Trung-Mỹ, thay đổi hoàn toàn các hành vi nguy hiểm "vượt qua ranh giới " và" chơi với lửa" của chính quyền tiền nhiệm, hãy thận trọng và giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến Đài Loan”.

https://viettimes.vn/my-va-trung-quoc-de-ra-cac-lan-ranh-do-co-the-no-ra-chien-tranh-neu-doi-phuong-vuot-qua-post143916.html

 


Một số liệu quan trọng kém Mỹ 800 lần: Hải quân Trung Quốc lớn nhất thế giới cũng "không đất dụng võ"?

Theo báo cáo thường niên năm 2020 của Bộ Quốc phòng Mỹ trước Quốc hội về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Bắc Kinh đã vượt qua Washington về quy mô hạm đội hải quân.


Trung Quốc bất lợi vì quá ít căn cứ ở nước ngoài

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2015 đã khởi động nỗ lực hiện đại hóa quân đội và kể từ đó Trung Quốc đã chi hàng triệu USD vào việc nghiên cứu và phát triển các thiết bị quân sự mới. Ngân sách dành cho hải quân đã thúc đẩy một cơn sốt đóng tàu và mở rộng hạm đội của Quân Giải phóng nhân dân (PLA).

Theo báo cáo thường niên năm 2020 của Bộ Quốc phòng Mỹ trước Quốc hội về sức mạnh quân sự Trung Quốc, Bắc Kinh đã vượt qua Washington về quy mô hạm đội hải quân.

"Tính đến đầu năm 2020, Trung Quốc đang sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với lực lượng chiến đấu tổng thể khoảng 350 tàu và tàu ngầm, bao gồm hơn 130 chủ lực tác chiến mặt nước… So sánh, lực lượng chiến đấu của Hải quân Mỹ là khoảng 293 tàu," báo cáo được công bố vào tháng 9/2020 cho biết.

Các nhà phân tích cho biết việc mở rộng binh chủng hải quân nhằm bảo vệ các lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là trong khi Bắc Kinh đang bắt đầu các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, nhưng nó cũng tạo ra một thách thức lớn. Một số người cho rằng Trung Quốc có quá ít căn cứ ở nước ngoài để hỗ trợ tham vọng của nước mình.

Mỹ hiện vẫn duy trì gần 800 căn cứ quân sự tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, bất chấp gần đây đã đóng cửa hàng trăm căn cứ ở Iraq và Afghanistan. Trong khi đó, Trung Quốc đến nay mới chỉ có một cứ điểm ở Djibouti - mà Bắc Kinh tuyên bố chỉ là một cơ sở hậu cần chứ không phải là một căn cứ quân sự thực thụ.

Hai tháng trước khi căn cứ Djibouti của Trung Quốc bắt đầu hoạt động vào tháng 8/2017, cố vấn quân sự Trung Quốc Jin Yinan thúc giục Bắc Kinh xây dựng thêm các căn cứ ở nước ngoài.

"Trước đây chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ không bao giờ xây dựng căn cứ ở nước ngoài nhưng bây giờ chúng tôi đã xây dựng một cái. Tại sao vậy?" ông Jin nói.

"Liệu Trung Quốc có sao chép Mỹ để tìm kiếm vị thế bá chủ thế giới? Không. Chúng tôi chỉ phải bảo vệ lợi ích hàng hải của nước mình ở những nơi xa xôi."

Hải quân Trung Quốc "thiếu đất dụng võ": Giải pháp là gì?

Trong khi Hải quân Mỹ lớn hơn nhiều so với Hải quân PLA tính theo trọng tải tàu, cơn sốt đóng tàu của Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này. Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ dự đoán "lực lượng tác chiến" hải quân tổng thể của Trung Quốc sẽ ở mức khoảng 425 tàu và tàu ngầm vào năm 2030.

Quốc gia đông dân nhất thế giới có cơ sở hạ tầng đóng tàu hiệu quả và đông đảo với hơn 20 xưởng đóng tàu hải quân trong thập kỷ qua cũng như hàng chục nhà máy đóng tàu thương mại, vượt quá các nhà máy đóng tàu lớn nhất của Mỹ về quy mô và sản lượng.

Timothy Heath, nhà phân tích an ninh cấp cao của Tổ chức tư vấn Rand của Mỹ, cho biết Trung Quốc - với hạm đội tàu lớn nhất thế giới - cần tăng cường khả năng tiếp cận quân sự ở nước ngoài nhiều hơn trong quá trình bảo vệ các lợi ích rộng lớn của nước mình.

"Thiếu căn cứ ở nước ngoài là một vấn đề đối với Trung Quốc vì nước này quá phụ thuộc vào thị trường, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên ở các địa điểm xa xôi, chẳng hạn như Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh… Các dự án [và sáng kiến ​​Vành đai, Con đường] rất dễ hứng chịu những tổn thất và sự gián đoạn, có thể có tác động to lớn đến nền kinh tế Trung Quốc và thế giới," ông Heath nói.

Cũng theo ông Heath, mặc dù PLA đã phát triển thành một lực lượng hùng mạnh, nhưng hải quân của họ không thể phô diễn phần lớn sức mạnh này ở ngoài bờ biển nước mình, vì họ thiếu các căn cứ ở nước ngoài.

"Hiện tại, Trung Quốc đang thiếu các cơ sở quân sự vì các thỏa thuận thường đòi hỏi các cam kết giống như liên minh. Đây là điều Bắc Kinh không muốn cam kết," Heath nói. 

"Trung Quốc không nhất thiết phải theo mô hình của Mỹ, mà thay vào đó có thể kí kết các thỏa thuận quyền tiếp cận, cơ sở hậu cần và các thỏa thuận khác."

"Việc tăng cường khả năng tiếp cận cho phép các tàu hải quân tạm dừng và tiếp nhiên liệu sẽ rất hữu ích nếu được chấp thuận ở nhiều nơi hơn. Đây có lẽ là hình thức tiếp cận quân sự phổ biến nhất mà Trung Quốc muốn tham gia. Và như thế có nghĩa là việc khai thác các cảng lưỡng dụng do các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc quản lý."

Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao về Năng lực và Chiến lược Quốc phòng tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, đánh giá: "Về căn cứ, tôi nghĩ đây là xu hướng không thể tránh khỏi và chúng ta đang thấy Bắc Kinh đang nỗ lực hướng tới mục tiêu này thông qua sáng kiến ​​Vành đai, Con đường. Họ đang đảm bảo quyền tiếp cận - hoặc trong một số trường hợp là quyền kiểm soát - các cảng biển về bản chất là cảng thương mại nhưng có thể hỗ trợ các hoạt động của hải quân PLA trong tương lai."

Một số liệu quan trọng kém Mỹ 800 lần: Hải quân Trung Quốc lớn nhất thế giới cũng không đất dụng võ? - Ảnh 2.

(Ảnh: Xinhua)

Trung Quốc nhắm đến các cảng biển trên thế giới

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, Trung Quốc thực tế đã mua lại một số cảng trên toàn thế giới, một động thái khiến nhiều quốc gia lo lắng. Cosco, doanh nghiệp tiên phong của Trung Quốc, bắt đầu vận hành một cảng container ở Piraeus (Hy Lạp) vào năm 2008.

Trung Quốc đã đặt chân vào 3 cảng lớn nhất châu Âu: Euromax với việc sở hữu 35% cổ phần ở cảng Rotterdam (Hà Lan), 20% tại cảng Antwerp (Bỉ) và Hamburg (Đức) - nơi một cảng mới đang được xây dựng.

Tại Israel, Trung Quốc đang xây dựng hai cảng mới ở Haifa và Ashdod. Các học giả địa phương đã thúc giục chính phủ Israel đánh giá mức độ Trung Quốc có thể tham gia vào nền kinh tế mà không gây thiệt hại cho lợi ích an ninh của nước này. Cảng Hambantota ở Sri Lanka cũng đã cho Trung Quốc thuê.

Tại Australia, một cảng ở Darwin đã được cho công ty Landbridge Group của Trung Quốc thuê vào năm 2015 theo một thỏa thuận gây tranh cãi kéo dài 99 năm. Sự việc này khiến giới chức xứ chuột túi phải thắt chặt các quy định về đầu tư nước ngoài.

Gần đó, hòn đảo Daru nhỏ bé ở Papua New Guinea đã trở thành tâm điểm căng thẳng mới nhất giữa Trung Quốc và Australia, sau khi tiết lộ rằng một công ty Trung Quốc muốn xây dựng một khu đánh cá công nghiệp trên đảo, trong khi một công ty khác đang đề xuất chi hàng tỷ USD để xây dựng một thành phố ở đó.

Zhou Bo, đại tá cấp nghỉ hưu và hiện là thành viên cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế của Đại học Thanh Hoa, cho biết nhu cầu quốc gia đang được sử dụng để biện minh cho việc phát triển lớn mạnh hạm đội hải quân tại đây.

"Trung Quốc là nước lớn duy nhất trên thế giới chưa thống nhất hoàn toàn và đang phải đối mặt với các vấn đề hàng hải khó khăn ở cả Biển Đông và Biển Hoa Đông. Vì vậy, sức mạnh hải quân của chúng tôi phải được tăng cường để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn quốc gia," ông Zhou nói.

Cung theo ông này, Trung Quốc cần trang bị một lực lượng hải quân ngày càng hùng hậu để bảo vệ các lợi ích ở nước ngoài và cống hiến lợi ích chung cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là thông qua sứ mệnh hộ tống ở Vịnh Aden.

"Nhiều dự án của Trung Quốc ở nước ngoài đang ở những khu vực khó khăn và một số tuyến đường biển dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển cũng rất nguy hiểm."

Chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Zhou Chenming lại cho rằng chính sách quốc phòng của Trung Quốc mang bản chất phòng thủ và nước này không cần thiết phải xây dựng các căn cứ ở nước ngoài.

"Lực lượng hải quân Trung Quốc chủ yếu được sử dụng để chống lại các mối đe dọa ở các vùng biển xung quanh. Mỹ đã cử nhiều tàu sân bay và máy bay chiến đấu đến Biển Đông, và đôi khi họ đi qua eo biển Đài Loan. Đây là một khu vực quá gần với đại lục nên Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa," ông Zhou Chenming nói.

https://soha.vn/mot-so-lieu-quan-trong-kem-my-800-lan-hai-quan-trung-quoc-lon-nhat-the-gioi-cung-khong-dat-dung-vo-20210315230449713.htm

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Liệt kê các khả năng chiến đấu của Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương:

 Các tài liệu được khai báo của Lầu Năm Góc liệt kê các khả năng chiến đấu của Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương:

Ảnh 1999 1,



Ảnh 2 lúc này,



Hình ảnh 3 được dự đoán vào năm 2025.



Phát biểu của Phó chủ tịch Quân ủy Trung Quốc gây rúng động giới truyền thông phương Tây

 Một Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc, cách đây vài ngày khi tham dự kì họp Quốc hội phát biểu về quan hệ Trung - Mỹ đã sử dụng thuật ngữ nhạy cảm, đang gây xôn xao giới truyền thông phương Tây.



Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 9/3, vào lúc quan hệ Trung – Mỹ đang ngày càng trở nên căng thẳng và Trung Quốc đang tăng ngân sách quốc phòng để hiện đại hóa quân đội, tướng Hứa Kì Lượng (Xu Qiliang), Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc đã trích dẫn một thuật ngữ nhạy cảm khi phát biểu trước Quốc hội. Phát biểu liên quan của ông lập tức khơi dậy sự chú ý của giới truyền thông phương Tây.

Theo báo Daily Mail của Anh ngày 8/3, Thượng tướng Hứa Kì Lượng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi tham dự kì họp Quốc hội và Chính Hiệp cách đây vài ngày đã nói rằng: “Sau thời kì cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền và đại dịch COVID-19, quan hệ Trung - Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng, hai bên khó thoát khỏi ‘chiếc bẫy Thucydides’ (Thucydides Trap). Trung Quốc cần phải tăng ngân sách quốc phòng để thực hiện hiện đại hóa quân đội và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi giữa hai nước”.

Phát biểu của Phó chủ tịch Quân ủy Trung Quốc gây rúng động giới truyền thông phương Tây ảnh 1

Ông Hứa Kì Lượng (phải) và ông Tập Cận Bình (Ảnh: Dwnews).

Tin cho biết, các quan chức Trung Quốc trước đây hiếm khi nói đến thuật ngữ “Bẫy Thucydides” một cách công khai như thế. Bình luận như thế của ông Hứa Kì Lượng vào thời điểm này có thể gây nên lo ngại về quan hệ Trung - Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao cách đây vài ngày, ông Joe Biden đã gọi Bắc Kinh là “đối thủ cạnh tranh lớn nhất” của Washington, và Mỹ về cơ bản sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn của chính quyền Donald Trump.

Hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 9/3 khi đưa tin về phát biểu của Hứa Kì Lượng, cho biết bài phát biểu của Hứa Kì Lượng đã diễn ra vào thứ Sáu tuần trước (5/3), nhưng nội dung liên quan nay mới được công bố. Phát ngôn của ông Hứa, bao gồm đoạn nhắc tới “Bẫy Thucydides”, được đưa vào thông cáo báo chí chính thức gửi cho các phóng viên đã đăng ký.

Bloomberg bình luận rằng tuyên bố của ông Hứa Kì Lượng đã thừa nhận một cách bất thường nguy cơ xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trang tin Hồng Kông South China Morning Post bình luận phát ngôn của ông Hứa làm dấy lên lo ngại về mối quan hệ Mỹ - Trung sắp sửa bước vào giai đoạn căng thẳng mới.

Phát biểu của Phó chủ tịch Quân ủy Trung Quốc gây rúng động giới truyền thông phương Tây ảnh 2

Tàu tác chiến biển gần USS Gabrielle Giffords tiếp cận tàu "Hải dương 4" của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 2/7/2020 (Ảnh: Dwnews).

Ngày 5/3, tướng Hứa Kì Lượng đã nói: “Đối mặt với ‘chiếc bẫy Thucydides’ và nhiễu loạn ở biên giới, quân đội cần phải tăng cường nỗ lực để nâng cao khả năng của mình”.

Bloomberg cho rằng “nhiễu loạn biên giới” mà Hứa Kì Lượng đề cập có thể ám chỉ đến cuộc xung đột gây chết người giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 2020, cũng như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) cũng là một Ủy viên Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nói trong một dịp khác: “Kìm hãm và chống kìm hãm sẽ là điệu chính trong quan hệ song phương Trung - Mỹ”.

Bloomberg chỉ ra rằng, những lời lẽ này thể hiện sự thừa nhận hiếm hoi của Trung Quốc rằng trong thời ông Trump nắm quyền, tranh chấp Trung-Mỹ không ngừng leo thang, từ thương mại đến Đài Loan và các khía cạnh khác, nguy cơ đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng lớn.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây đã luôn làm nhẹ bớt nguy cơ Trung Quốc và Mỹ rơi vào “bẫy Thucydides”. Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ vào năm 2015, ông đã tuyên bố rằng những xung đột như vậy là không thể không tránh khỏi miễn là các nước tránh đưa ra những đánh giá sai lầm về mặt chiến lược.

Phát biểu của Phó chủ tịch Quân ủy Trung Quốc gây rúng động giới truyền thông phương Tây ảnh 3

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ diễn tập trên Biển Đông hôm 9/2/2021 (Ảnh: Dwnews).

Năm 2021, ngân sách chi tiêu quốc phòng trong ngân sách tài khóa quốc gia của Trung Quốc là 1.379,544 tỷ Nhân dân tệ, tăng 6,8% so với ngân sách năm 2020 đã thực hiện. Con số này cao hơn mức tăng 6,6% của năm 2020.

Ngày 7 tháng 3, ông Ngô Khiêm (Wu Qian), người phát ngôn của phái đoàn Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang tại Kỳ họp thứ tư của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 13, nói trong một cuộc gặp gỡ giới truyền thông rằng, hiện nay, an ninh quốc tế phải đối mặt với sự bất ổn và không chắc chắn càng nổi bật hơn và an ninh quốc gia của Trung Quốc đang phải đối mặt những nguy cơ và thách thức của Trung Quốc không thể bỏ qua, khi thế giới không hòa bình thì quốc phòng cần phải vững mạnh.

Ông Ngô Khiêm chỉ ra rằng “quân đội Trung Quốc luôn là lực lượng trung thành để bảo vệ hòa bình thế giới. Việc Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng không chỉ là nhu cầu duy trì an ninh của chính bản thân mình mà còn là nhu cầu duy trì hòa bình thế giới. Việc Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng chi tiêu quốc phòng vừa phải và ổn định là điều chính đáng, hợp lý và không thể bàn cãi”.

Phát biểu của Phó chủ tịch Quân ủy Trung Quốc gây rúng động giới truyền thông phương Tây ảnh 4

Máy bay Trung Quốc tập tấn công mục tiêu trên biển (Ảnh: BQPTQ).

“Bẫy Thucydides” được đặt tên theo người đã đúc kết nó, sử gia Hi Lạp thời cổ đại Thucydides. Khi quan sát cuộc xung đột giữa thành Sparta và thành Athens vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, Thucydides cho rằng chiến tranh giữa một cường quốc cũ và một cường quốc mới nổi là điều khó tránh khỏi.

Mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay cũng được nhiều người so sánh như mối quan hệ Sparta - Athens khi xưa. Mặc dù đôi lúc tự nhận còn kém xa Mỹ trong một số lĩnh vực, nhưng Trung Quốc đã tiến rất nhanh trong việc bắt kịp và thậm chí vượt mặt Mỹ ở một số lĩnh vực.

Thượng tướng Không quân Hứa Kỳ Lượng sinh năm 1950, Ủy viên Bộ Chính trị các khóa 18, 19 là người chỉ đứng sau ông Tập Cận Bình trong Quân ủy trung ương Trung Quốc và được coi là người tâm phúc của ông Tập Cận Bình, nắm quyền chỉ huy quân đội Trung Quốc.

https://viettimes.vn/phat-bieu-cua-pho-chu-tich-quan-uy-trung-quoc-gay-rung-dong-gioi-truyen-thong-phuong-tay-post143677.html


Tư lệnh USINDOPACOM: Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu và giành chiến thắng trước Trung Quốc

 Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (USINDOPACOM) của Mỹ, Đô đốc Phil Davidson, đã khẳng định trước Thượng viện: Trung Quốc đang đẩy nhanh việc thay thế Mỹ trên vũ đài thế giới, cần quyết liệt ngăn chặn.



Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 10/3, hôm thứ Ba (9/3), Đô đốc Phil Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (United States Indo-Pacific Command, USINDOPACOM) đã trình bày báo cáo trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Liên bang, nêu rõ rằng Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" trong cuộc tập trận năm ngoái, mô tả động thái này là nhằm phát đi một "thông điệp đe dọa" và chỉ ra rằng “Trung Quốc đại lục có thể xâm lược Đài Loan trong sáu năm tới; chìa khóa để Washington chế ngự Trung Quốc đại lục là hợp tác với các đồng minh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia”.

Đô đốc Davidson đã đệ trình lời chứng bằng văn bản lên Ủy ban Quân lực Thượng viện, nêu rõ việc PLA sử dụng các hệ thống vũ khí tiên tiến để tiến hành huấn luyện và tập trận, cũng như mối đe dọa của Trung Quốc đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là một trong những thách thức chính đối với Mỹ. Ông Davidson chỉ ra rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) không chỉ phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến mà còn thường xuyên sử dụng chúng trong huấn luyện và tập trận nhằm tăng sức mạnh chiến đấu và “gửi đi thông điệp” tới các quốc gia trong khu vực và thế giới. Ví dụ, Trung Quốc đã phóng một tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung ra Biển Đông vào tháng 8/2020, nhằm chứng tỏ họ có khả năng tấn công tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương và tỏ ý cho thấy khi Trung Quốc đối phó với cuộc khủng hoảng khu vực, PLA có đủ năng lực ứng phó với sự can dự của bên thứ ba. Ông Davidson nói tại cuộc họp rằng tên lửa này là Dongfeng-21D và việc PLA bắt đầu sử dụng tên lửa này trong cuộc tập trận là một "bước ngoặt".

Tư lệnh USINDOPACOM: Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu và giành chiến thắng trước Trung Quốc ảnh 1

Tháng 8/2020, Trung Quốc lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Dongfeng-21D ra Biển Đông khi diễn tập (Ảnh: Sina).

Ngoài ra, trong lời chứng của mình, ông Davidson cũng chỉ ra rằng PLA đã tiến hành huấn luyện chung tấn công đổ bộ và tấn công hải quân mô phỏng cuộc xâm lược Đài Loan, đồng thời thông qua các cuộc tập trận quy mô lớn thể hiện khả năng can thiệp vào cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên và diễn tập lặp đi lặp lại để cải thiện khuyết điểm thiếu kinh nghiệm chiến đấu của PLA. Đây là sự chuẩn bị then chốt của PLA cho chiến tranh hiện đại.

Ông cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đã triển khai quân sự ngày càng cứng rắn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, gây sức ép và mở rộng ảnh hưởng, đặc biệt là đối với Đài Loan. Trong năm qua, Bắc Kinh đã tiến hành các hoạt động về ngoại giao, thông tin, kinh tế và ngày càng nhiều hành động quân sự, cô lập Đài Bắc và buộc Đài Loan thống nhất với Trung Quốc đại lục nếu cần thiết. Ngoài ra, PLA cho đến năm ngoái đã mở rộng việc triển khai quân sự xung quanh Đài Loan, bao gồm huy động máy bay ném bom H-6 bay quanh Đài Loan, vượt qua đường trung tâm của eo biển Đài Loan và tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Các hoạt động này diễn ra thường xuyên nhất trong vòng 25 năm qua.

Tư lệnh USINDOPACOM: Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu và giành chiến thắng trước Trung Quốc ảnh 2

Tàu chiến Trung Quốc và Singapore diễn tập chung trên Biển Đông hôm 26/2/2021 (Ảnh: Dwnews).

Ông Davidson chỉ ra tại cuộc họp rằng tham vọng của Trung Quốc trong việc thay thế quyền lãnh đạo quân sự của Mỹ ở châu Á đang tăng lên, mưu đồ thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ đảm trách duy trì trật tự quốc tế vào trước năm 2050; Davidson cũng chỉ ra rằng trước khi Đại lục đạt được mục tiêu này, Đài Loan rõ ràng là một trong những mục tiêu ngắn hạn. Ông tin rằng mối đe dọa của Trung Quốc đại lục đối với Đài Loan "sẽ hiển hiện trong 10 hoặc thậm chí 6 năm tới". Ông cũng cảnh báo rằng Guam cũng đã trở thành mục tiêu của Trung Quốc và đề cập rằng PLA đã phát hành các video clip về các cuộc tấn công mô phỏng các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam. Đô đốc Davidson kêu gọi triển khai nhiều vũ khí chính xác tầm xa trên đất liền ở Tây Thái Bình Dương để đảm bảo sự ổn định của khu vực này.

Davidson cũng đề cập, mạng lưới các đồng minh và đối tác của Mỹ là nền tảng quan trọng để Lầu Năm Góc chế ngự Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, những nước đang tham gia “Đối thoại An ninh Bộ tứ” (Quad) với Mỹ. Davidson mô tả rằng Quad có thể là một nền tảng cho các sáng kiến ​​ngoại giao, chính trị và kinh tế, thậm chí cả các vấn đề quốc phòng trong việc ứng phó Trung Quốc đại lục.

Ông Davidson chỉ ra rằng tư thế răn đe của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương phải khiến cho Trung Quốc cảm thấy rằng cái giá phải trả để đạt được mục đích bằng sức mạnh quân sự là rất cao. Ông nhấn mạnh Mỹ gắng sức để ngăn chặn xung đột, nhưng đồng thời cần chuẩn bị đầy đủ sức mạnh để đối phó với chúng. Ông nói: "Công việc hàng đầu của chúng ta là giữ gìn hòa bình, nhưng chúng ta cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu và giành chiến thắng khi cạnh tranh biến thành xung đột".

Tư lệnh USINDOPACOM: Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu và giành chiến thắng trước Trung Quốc ảnh 3

Không quân Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông tháng 10/2020 (Ảnh: HQTQ).

Theo trang VOA tiếng Trung ngày 10/3, Đô đốc Philips Davidson nói, Mỹ đã không thể chống chọi hoàn toàn với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, điều này khiến Bắc Kinh đẩy nhanh kế hoạch định hình lại hình ảnh của họ trên trường quốc tế hiện nay.

Ông cũng cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lớn nhất đối với Mỹ và cũng là mối đe dọa chiến lược lâu dài lớn nhất đối với an ninh trong thế kỷ 21. Mối nguy hiểm lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt khi cạnh tranh với Trung Quốc với tư cách là một cường quốc là sự suy yếu của khả năng răn đe thông thường. Ông cho rằng Mỹ phải áp dụng tư thế răn đe thông thường có "sức chiến đấu đáng tin cậy" để ngăn chặn xung đột, bảo vệ lợi ích của Mỹ và đảm bảo an toàn cho các đồng minh và đối tác của mình.

Về mặt quân sự, Đô đốc Davidson nói rằng khả năng phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng đã thể hiện rõ họ nỗ lực trở thành một nước lớn thống trị trong khu vực và có ảnh hưởng toàn cầu.

Ông nói: “Bắc Kinh đang ngày càng trở nên tự tin hơn và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận va chạm để theo đuổi các lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh rộng lớn hơn”.

Tư lệnh USINDOPACOM: Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu và giành chiến thắng trước Trung Quốc ảnh 4

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ diễn tập trên Biển Đông hôm 8/2 (Ảnh: Dwnews).

Ông nói rằng cách tiếp cận của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ trong việc ứng phó cạnh tranh nước lớn là thúc đẩy một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở bằng cách tập trung vào bốn lĩnh vực then chốt là: nâng cao khả năng sát thương của các hoạt động tác chiến liên hợp quân chủng; tăng cường thiết kế và thế trận quân sự; củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác; hiện đại hóa các chương trình tập trận, thử nghiệm và đổi mới của Mỹ.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương cho rằng Mỹ phải cố gắng hết sức để ngăn chặn xung đột với Trung Quốc, nhưng cũng phải chuẩn bị đầy đủ cho cuộc xung đột.

Theo ông, "Tư thế răn đe của chúng ta ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương phải thể hiện rõ năng lực, thực lực và ý muốn, triệt để khiến Bắc Kinh tin rằng cái giá họ phải trả để đạt được mục tiêu thông qua sức mạnh quân sự là rất lớn. Quả thực chúng ta phải làm mọi thứ có thể để ngăn chặn cuộc xung đột; nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là duy trì hòa bình, nhưng nếu cạnh tranh biến thành xung đột, chúng ta tuyệt đối phải chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu và giành chiến thắng”.

Tư lệnh USINDOPACOM: Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu và giành chiến thắng trước Trung Quốc ảnh 5

Không quân của Hải quân PLA diễn tập chống hạm trên Biển Đông tháng 10/2020 (Ảnh: Dwnews).

Ngoài Trung Quốc, ông Davidson còn liệt kê Nga, Triều Tiên và các tổ chức cực đoan bạo lực là những đối thủ chính mà Mỹ phải đối mặt trong quá trình theo đuổi một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

VOA bình luận, bài phát biểu của Đô đốc Davidson tương tự tuyên bố của chính quyền Joe Biden về các vấn đề liên quan Trung Quốc.

Trong bài phát biểu trước đó, Tổng thống Joe Biden đã nói rằng Mỹ đang triển khai "sự cạnh tranh gay gắt" với Trung Quốc. Nhà Trắng trong "Phương châm chỉ đạo trung hạn Chiến lược An ninh Quốc gia" được công bố gần đây, nói Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chủ yếu" duy nhất có sức mạnh toàn diện tiềm tàng để thách thức hệ thống quốc tế.

Ngoại trưởng Antony Blinken cũng tuyên bố trong một bài phát biểu về chính sách đối ngoại rằng Trung Quốc là "quốc gia duy nhất có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để tạo thành sự thách thức lớn đối với hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở - tất cả những quy tắc mà chúng ta muốn thế giới vận hành, các quan niệm giá trị và mối quan hệ".

Ông nói rằng, "phép thử địa chính trị lớn nhất" mà Mỹ phải đối mặt trong thế kỷ 21 là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nhấn mạnh “Mỹ cần phải đối phó với Trung Quốc với ưu thế vượt trội, cạnh tranh với Trung Quốc khi cần, hợp tác với Trung Quốc khi có thể và đối đầu với Trung Quốc khi cần thiết”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin mô tả Trung Quốc là một "mối đe dọa nhịp độ" (pacing threat) đối với Lầu Năm Góc, có nghĩa là nhịp độ phát triển quân sự của Trung Quốc ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển quân sự mà Mỹ phải thực hiện để duy trì ưu thế của mình.

Tư lệnh USINDOPACOM: Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu và giành chiến thắng trước Trung Quốc ảnh 6

Đô đốc Phil Davidson: "Chúng ta cần phải khiến cho Bắc Kinh thấy rằng cái giá của việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu là rất cao" (Ảnh: Dwnews).

Đô đốc Phil Davidson dự kiến sẽ ​​nghỉ hưu vào cuối năm nay. Trong vài tuần qua, ông đã tranh thủ để thu hút sự chú ý nhiều hơn đến những nguy cơ gây ra bởi một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Thứ Hai tuần trước (1/3), ông Davidson cũng cảnh báo khi tham dự một hội nghị trực tuyến: "Mối nguy hiểm lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt ở Ấn Độ - Thái Bình Dương là sự xói mòn của khả năng răn đe vũ khí thông thường trước Trung Quốc".

"Nếu không có biện pháp răn đe thông thường hiệu quả và thuyết phục, Trung Quốc sẽ trở nên càng hung hăng hơn", ông Davidson nói tại cuộc họp đó. "Chúng ta cần phải khiến cho Bắc Kinh thấy rằng cái giá của việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu là rất cao".

https://viettimes.vn/tu-lenh-usindopacom-my-can-chuan-bi-san-sang-de-chien-dau-va-gianh-chien-thang-truoc-trung-quoc-post143697.html