Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

Kế hoạch Trung Quốc dùng quân sự kiểm soát Biển Đông đã rõ


 Điều đáng nói là những tin tức về việc Trung Quốc triển khai vĩnh viễn 
các vũ khí tấn công bất hợp pháp ở Trường Sa đã trở thành "chuyện bình 
thường, cơm bữa".


Nhà nghiên cứu Richard A. Bitzinger từ Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học công nghệ Nanyang, Singapore ngày 10/5 có bài phân tích nhận định, kế hoạch độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc giờ đây đã trở nên rõ ràng.
Richard A. Bitzinger cho rằng, hầu như không có gì đáng ngạc nhiên khi xuất hiện các tin tức về việc Bắc Kinh triển khai vĩnh viễn vũ khí tấn công lên các đảo nhân tạo họ xây dựng (bất hợp pháp) ở Biển Đông.
Những động thái triển khai này cho thấy một loạt các mánh khóe, các hoạt động quân sự hiếu chiến ngày càng gia tăng và hàng loạt hoạt động bất hợp pháp khác xung quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực này suốt gần một thập kỷ.
Năm 2015, ông Tập Cận Bình đã công khai cam kết không quân sự hóa Biển Đông, rõ ràng ông ấy đã nói dối.
Cuối 2016, Trun Quốc đã triển khai vĩnh viễn hệ thống vũ khí tầm ngắn (hỏa lực phòng không) trên các đảo nhân tạo.
Một cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo của hải quân Trung Quốc, ảnh: The Nation.
Đầu tháng này, người ta lại phát hiện ra rằng Trung Quốc cũng đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm (YJ-12) và tên lửa phòng không tầm xa (HQ-9B) trên ít nhất 3 đảo nhân tạo ở Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi.
Cả hai hệ thống tên lửa này về cơ bản là bản sao của vũ khí Nga, YJ-12 là "phiên bản" của Kh-31, HQ-9B là bản sao của S-300.
Vì vậy Richard A. Bitzinger tin rằng, Moscow ít nhất cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong việc quân sự hóa Biển Đông.
Ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, quần đảo đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp), Bắc Kinh đã mở rộng và hiện đại hóa các cấu trúc trên đảo Phú Lâm.
Họ đã kéo dài đường băng trên đảo Phú Lâm lên 2.700 mét, đủ để hầu hết các loại máy bay quân sự hiện đại của họ cất hạ cánh.
Thực tế người ta đã thấy chiến đấu cơ J-11B hiện diện trên đảo Phú Lâm từ năm 2016, cũng trong năm này Trung Quốc đã bố trí tên lửa HQ-9 tại Phú Lâm.
Gần đây nhất, Trung Quốc đã đặt các trạm ra đa quân sự trên nhiều hòn đảo (tự nhiên, nhân tạo) ở Biển Đông và đẩy mạnh các hoạt động hải quân, không quân trong khu vực.
Việc triển khai tên lửa này đã đưa Biển Đông vào trong phạm vi hoạt động của quân đội Trung Quốc. Kết quả là Biển Đông đang ngày càng bị quân đội Trung Quốc thống trị về quân sự ở cả hai đầu.
Ảnh chụp đảo Phú Lâm từ vệ tinh ngày 14/2/2016 cho thấy hàng loạt hệ thống tên lửa đã được Trung Quốc triển khai trái phép. Ảnh: TASS.
Hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Hải Nam và 2 quần đảo (thuộc chủ quyền Việt Nam) là Hoàng Sa, Trường Sa đã cho thấy rõ:
Bắc Kinh đang nỗ lực biến Biển Đông từ một vùng biển huyết mạch hàng hải quốc tế thành tuyến đường thủy do Trung Quốc kiểm soát, đồng thời trở thành "điểm rẽ chiến lược" với các quốc gia khác.
Tất cả những điều này có nghĩa là Trung Quốc đang trên đường tiến tới mục tiêu biến Biển Đông thành khu vực từ chối tiếp cận / từ chối truy cập (A2 / AD).
Hậu quả của việc biến Biển Đông thành cái hồ của Trung Quốc thực sự có nhiều tầng nấc.
Nó có thể hạn chế quyền tự do hàng hải, làm suy yếu chủ quyền của nhiều quốc gia trong khu vực, và nó cũng vạch trần, Bắc Kinh là kẻ nói dối. [1]
Trong một động thái khác có liên quan, ngày thứ Tư 9/5 quân đội Trung Quốc thông báo, lần đầu tiên họ tung máy bay chiến đấu tàng hình J-20 ra tập trận trên biển.
Nhà phân tích quân sự Zhou Chenming từ Bắc Kinh nói với South China Morning Post, cuộc huấn luyện này của J-20 chỉ ra rằng, loại chiến đấu cơ tàng hình này sẽ được Trung Quốc sử dụng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan trong tương lai. [2]
Nguồn:
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Ke-hoach-Trung-Quoc-dung-quan-su-kiem-soat-Bien-Dong-da-ro-post186096.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét