Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

Tinh hoa vũ khí Việt: Hiện đại hóa 36D6 - Quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ từ trên không

Ở thời điểm hiện tại 36D6 một trong những "mắt thần" cảnh giới hiện đại nhất của Việt Nam và là thành phần chiến đấu quan trọng của Hệ thống quản lý vùng trời quốc gia.


Tinh hoa vũ khí Việt: Hiện đại hóa 36D6 - Quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ từ trên không

36D6 "mắt thần" của phòng không Việt Nam
Theo phóng sự "Làm chủ công nghệ hiện đại hóa các đài radar" của QPVN, 36D6 một trong những hệ thống radar cảnh giới phòng không hiện đại nhất của Việt Nam, tuy nhiên phần lớn các chi tiết của loại khí tài đặc biệt này đã bị nhà sản xuất (Ukraine) số hóa và không chuyển giao cho Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ).
Radar cảnh giới nhìn vòng 36D6 là một trong những thành phần chiến đấu quan trọng của mạng tình báo phòng không quốc gia, có nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu có diện tích phản xạ radar (RCS) nhỏ, bay ở độ cao thấp và rất thấp trong môi trường nhiễu chủ động và nhiễu thụ động mạnh.
Tinh hoa vũ khí Việt: Hiện đại hóa 36D6 - Quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ từ trên không - Ảnh 1.
Đài radar cảnh giới nhìn vòng 36D6 một trong những thành phần quan trọng của hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời Quốc gia. Ảnh: Ukroboronprom
Ngoài nhiệm vụ chính như trên, 36D6 còn cung cấp tham số mục tiêu cho một số tổ hợp phòng không, hỗ trợ dẫn đường cho tên lửa đất đối không. Trước đây, 36D6 (các phiên bản ban đầu) từng được Nga và nhiều quốc gia sử dụng làm radar nhìn vòng của các tổ hợp tên lửa phòng không S-300.
Để duy trì và đảm bảo các tham số chiến đấu của loại khí tài đặc biệt này là một thử thách không nhỏ đối với cán bộ chiến sĩ kỹ thuật Quân chủng PK-KQ, bởi không phải lúc nào chúng ta cũng có sự hỗ trợ kỹ thuật từ nhà sản xuất.
Tình trạng chung của các đài radar 36D6 khi đưa vào vận hành ở các đơn vị là hệ thống ăng-ten đường truyền bị hư hỏng xuống cấp nhiều, thêm vào đó đài có nhiều modul mảng mạch phân khối chưa có sơ đồ và thống kê linh kiện, chính vì vậy công tác sửa chữa nâng cấp đối với đài radar 36D6 của đội ngũ cán bộ kỹ sư tại Nhà máy Z119 gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra việc gia công các chi tiết siêu cao tần, tìm kiếm các linh kiện thay thế cũng là một thách thức không nhỏ đặt ra cho nhóm thực hiện dự án sửa chữa đài radar 36D6.
Với tinh thần tự lực, chủ động, sáng tạo đội ngũ cán bộ kỹ sư, nghiên cứu viên của Nhà máy Z119 – Cục Kỹ thuật PK-KQ đã không ngừng tìm tòi học hỏi nhằm làm chủ được công nghệ của đài radar 36D6.
Tinh hoa vũ khí Việt: Hiện đại hóa 36D6 - Quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ từ trên không - Ảnh 2.
Sửa chữa và cải tiến radar 36D6 tại Nhà máy Z119. Ảnh: QPVN.


Theo Thượng Úy Cao Ngọc Phong – Trợ lý Kỹ thuật Nhà máy Z119, bước đầu tiên để nghiên cứu và sửa chữa được đài radar 36D6 cán bộ kỹ sư nhà máy phải tập trung nghiên cứu về lý thuyết về sơ đồ nguyên lý để tìm hiểu được rõ nguyên lý hoạt động của từng bảng mạch phân phối và của từng hệ thống.
Đối với những mảng mạch modul hỏng hóc hoặc bị cháy trong quá trình vận hành khí tài không thể sửa chữa sẽ được thiết kế và chế tạo lại. Các mảng mạch thay thế sẽ được thử nghiệm tĩnh nhiều lần trước khi được lắp ráp và thử nghiệm trực tiếp trên đài radar.
Trên cơ sở ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào công tác sửa chữa, đội ngũ cán bộ kỹ sư Nhà máy Z119 đã dựng lại thành công toàn bộ sơ đồ công nghệ, can thiệp sâu vào từng chi tiết của bảng mạch, modul kỹ thuật số của đài radar 36D6, nhằm phục vụ công tác sửa chữa các mảng mạch phân khối đơn của đài radar cũng như máy hỏi (nhận diện địch – ta IFF).
Các linh kiện vật tư thay thế cho đài radar 36D6 cũng được nhà máy chủ động và hoàn toàn có thể tự sản xuất.
Cũng theo Thượng Úy Phong, hiện tại Nhà máy Z119 đã có thể can thiệp sửa chữa tất cả các hệ thống của đài radar 36D6.
Hai thành phần quan trọng nhất của đài radar này là hệ thống máy tính và hệ thống xử lý thông tin hiện tại đã được nhà máy cải tiến nâng cấp và làm chủ hoàn toàn được công nghệ chế tạo.
Sau sửa chữa các modul của đài radar 36D6 đều khôi phục được toàn bộ các tính năng kỹ chiến thuật, tăng tuổi thọ sử dụng và đặc biệt là tiết kiệm được tối đa ngân sách do không phải đưa đi sửa chữa ở nước ngoài.
Thành công trong việc sửa chữa, cải tiến đài radar 36D6 đã tạo tiền đề để Nhà máy Z119 thực hiện nhiều đề tài, dự án lớn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng Phòng không – Không quân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét