Tiêm kích Su-35 là đỉnh cao về thiết kế và là máy bay chiến đấu phản lực mạnh nhất từng được Nga chế tạo.
Lịch sử phát triển
Sukhoi Su-35 (định danh NATO: Flanker-E+, có tên cũ là Su-27M hay T-10S-70) là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng, hai động cơ, thế hệ 4++ do Tập đoàn máy bay quân sự Sukhoi phát triển dựa trên thiết kế Su-27 Flanker từ thời chiến tranh lạnh, để đối đầu với F-15 Eagle của Mỹ đang có ưu thế trên không tuyệt đối khi đó.
Nguyên mẫu đầu tiên được ra mắt vào năm 1992 tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough (Anh) và trang bị cho Không quân-Vũ trụ Nga từ 1995.
Giữa những năm 2000, bằng các công nghệ tiên tiến, Sukhoi bắt đầu hiện đại hóa Su-35 thành máy bay tiêm kích thế hệ 4.5, theo đó, cải tiến về hình dáng bên ngoài để Su-35 có tầm hoạt động, khả năng mang vũ khí, kết cấu, khả năng tàng hình cao hơn;sử dụng động cơ thế hệ mới có lực đẩy và công suất mạnh hơn; các trang thiết bị điện tử hiện đại và mới hoàn toàn so với các dòng máy bay chiến đấu trước đó; và hỏa lực cực mạnh.
So với Su-27 và Su-30, Su-35 có các cánh mũi, mũi máy bay lớn hơn; sử dụng nhiều hơn vật liệu sợi các-bon, và hợp kim lithium-nhôm trong cấu trúc thân, các cánh đuôi vuông hơn và rộng hơn; khung máy bay phần lớn được làm bằng titan, có trọng lượng nhẹ hơn.
Su-35 dùng động cơ đẩy véc tơ 3 chiều mới Saturn AL-41F1S (còn gọi 117S) sử dụng công nghệ tua-bin áp suất thấp và tua-bin cao áp tiên tiến, hệ thống kiểm soát số hóa chính xác SDU-D tăng lực đẩy tổng thể 16%.
Vòi phun động cơ AL-41F1S có thể di chuyển theo các hướng khác nhau, hỗ trợ cho các cánh lái, giúp Su-35 có vòng lượn cực hẹp, có khả năng tránh tên lửa cũng như ưu thế trong chiến đấu quần vòng.
Tuy nhiên, nó không có khả năng bay với tốc độ siêu âm; khi tăng tốc, vẫn phải sử dụng chế độ đốt sau. Trần bay của Su-35 là 18.000m, bằng F-15 và F-22, và cao hơn 3.500m so với F/A-18E/F Super Hornet, Rafale và F-35.
Su-35 có dự trữ nhiên liệu nhiều hơn 22% so với Su-27; có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,25 ở độ cao lớn (bằng F-22 và nhanh hơn F-35, F-16); có khả năng tăng tốc tuyệt vời và bán kính chiến đấu 1.700km không cần tiếp nhiên liệu trên không; khi mang thêm 2 thùng nhiên liệu phụ, tầm bay đạt 4.500km; có thiết bị tiếp nhiên liệu trên không.
Không có khả năng tàng hình, nhưng nhờ điều chỉnh thiết kế cửa hút gió, vòi phun động cơ và sử dụng rộng rãi vật liệu hấp thụ sóng radar… Su-35 có tiết diện phản xạ radar (RCS) chỉ từ 1 - 3 m2.
Với 8 tấn vũ khí được tích hợp, trong chiến đấu ngoài tầm nhìn, Su-35 có thể sử dụng tên lửa R-77 Vympel (định danh NATO AA-12 Adder) - tên lửa không đối không tầm trung, dẫn đường bằng radar, có tầm bắn đến 175km, tính năng tương đương với tên lửa AIM-120 của Mỹ.
Nó còn được trang bị tên lửa R-27 tầm trung và R-37 tầm xa, dùng để tiêu diệt máy bay cảnh báo sớm (AWAC), tác chiến điện tử (EW) và tiếp liệu trên không.
Trong không chiến tầm gần, Su-35 sử dụng tên lửa dẫn đường hồng ngoại R-73 Vympel (định danh NATO AA-11 Archer), có khả năng bắt mục tiêu bằng thiết bị cảm ứng gắn trên mũ bay phi công; đầu dò tên lửa có thể "nhìn" thấy mục tiêu ở góc 60°; tầm bắn 300m - 30km; và một pháo cỡ nòng 30mm với cơ số đạn 150 viên.
Radar mảng pha IRBIS -E có khả năng quét 240°, khoảng cách dò tìm đạt 400km với mục tiêu có RCS 3m2 và 90km với mục tiêu có RCS 0,01m2.
Radar có thể khóa đến 30 mục tiêu khác nhau, trong đó có 8 mục tiêu có thể khóa gần như liên tục với độ chính xác đủ để đồng thời tiêu diệt bằng các tên lửa không đối không tầm trung gắn đầu dò chủ động. Có thể bắn hai mục tiêu đồng thời bằng các tên lửa với đầu dò bán chủ động.
Su-35 trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) OLS-35, một lần có thể theo dõi 4 tín hiệu hồng ngoại với các bước sóng ngắn khác nhau, khoảng cách dò tìm tối đa là 90km (phần đuôi mục tiêu) và 50km (phía trước mục tiêu) mà máy bay đối phương sẽ không thể dò thấy (do IRST hoạt động mà không phát ra nguồn tín hiệu nào), nhờ đó, nó có thể âm thầm bất ngờ công kích mục tiêu mà không cần bật radar dò tìm.
Hệ thống hồng ngoại dò báo động tên lửa với 6 cảm biến bố trí ở trước thân máy bay bao quát mọi góc độ, có thể phát hiện tên lửa phòng không vác vai, tên lửa không đối không, tên lửa đất đối không trong phạm vi 10km, 30km, 50km, tương xứng.
Hai cảm biến dò laser ở hai bên phần đầu của máy bay có thể phát hiện máy chiếu laser ở khoảng cách 30km. Su-35 còn được trang bị hệ thống gây nhiễu điện tử L175M Khibiny có công suất mạnh để làm nhiễu tín hiệu radar.
Hiện Su-35 có trong biên chế không quân bốn nước. Nga từng triển khai một phi đội 4 chiếc Su-35S tại căn cứ Hmeymim với nhiệm vụ tuần tra không phận, bảo vệ máy bay Nga và Syria, không kích vị trí phiến quân và lực lượng đối lập.
Thực chiến tại Syria cho thấy các ưu thế và một số nhược điểm của tiêm kích Su-35, khiến Nga quyết định tiếp tục nâng cấp hoàn thiện loại máy bay này.
Và đặt lên bàn cân…
Đài Phát thanh Trung Quốc trong một bài năm 2014 cho rằng, Su-35 có một số điểm yếu so với tiêm kích Trung Quốc, tuy nhiên, bài báo này cũng trích dự đoán của các chuyên gia Trung Quốc và đưa ra kết luận, tính năng của Su-35 vượt tất cả máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, bao gồm Rafale (Pháp), Eurofighter Typhoon (châu Âu) và có thể đối đầu hiệu quả với tàng hình cơ F-22A Raptor (Mỹ).
Theo một chuyên gia trên National Interest (Mỹ), Su-35 và F-15 Eagle là hai mẫu chiến đấu cơ thế hệ 4 tiêu biểu nhất, nhưng tiêm kích của Nga sở hữu nhiều thiết bị ưu việt hơn, đáng chú ý nhất là hệ thống tìm kiếm - theo dõi hồng ngoại, cho phép xác định vị trí của máy bay đối phương trong vòng 50km giúp phát hiện máy bay tàng hình.
Su-35 có khả năng mang theo số lượng tên lửa không đối không và không đối đất nhiều hơn, đảm bảo hiệu quả cao hơn trong tác chiến tầm gần.
Trong khi Su-35 có thể mang theo hơn 7,7 tấn đạn dược, trong đó có 6 tấn để tấn công các mục trên mặt đất, F-15 được thiết kế chỉ với nhiệm vụ tác chiến không đối không, không được trang bị các tên lửa không đối đất.
Cả hai có thể mang tên lửa không đối không tầm xa radar dẫn đường AIM-120D (160km) và K-77m (200km), tuy nhiên, Su-35 còn có thể mang đồng thời tên lửa tầm siêu xa P-37M (300-400km).
Theo nhận định của Không quân Mỹ, với khả năng cơ động cực tốt cùng radar AESA, tiêm kích F-16 của Mỹ hoàn toàn đủ sức đấu tay đôi với với Su-35 Nga trong không chiến tầm xa và trong các tình huống cận chiến.
Cuộc đối đầu giữa tên lửa tầm gần R-73 của Su-35 và AIM-9X của F-16 khi cận chiến ở khoảng cách nhìn thấy bằng mắt thường khó tránh khỏi tình huống hủy diệt lẫn nhau.
Khi thực chiến trong điều kiện như vậy, Su-35 có lợi thế hơn nhờ khả năng siêu cơ động. Trong một cuộc chiến có thể xảy ra, không quân Mỹ khó có thể đối đầu với Nga bằng F-16.
Su-35 vừa có khả năng chiếm ưu thế trên không, vừa có khả năng làm chủ mặt đất, lại vừa có khả năng trở thành sát thủ của các chiến hạm đối phương.
Theo The Voice of Russia, với động tác kỹ thuật siêu đẳng mà không một loại máy bay nào trên thế giới hiện nay có thể làm được, các chuyên gia phương Tây đã phải kinh ngạc thốt lên: "Đây không phải là máy bay mà là UFO (vật thể bay không xác định)"!
Người Mỹ luôn tin rằng, tiêm kích thế hệ thứ 5 F-22 Raptor là một trong những máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới hiện nay, nhưng National Interest khẳng định, Su-35 vượt trội F-22.
Trong trận không chiến mô phỏng tại căn cứ Không quân Hickam của Mỹ vào 2017, trước sự chứng kiến của các quan chức không quân và tình báo quân sự Australia và Mỹ, Su-35 chống lại một phi đội hỗn hợp gồm các máy bay F-22, F/A-18 Super Hornet và F-35, và phi đội của Mỹ đã bị đánh tan tác.
F-22 của Mỹ có một số nhược điểm, đặc biệt là bị “mù” trong vùng sóng hồng ngoại, trong khi Su-35 có đầy đủ cảm biến dò tìm và theo dõi trong vùng sóng này, cho phép phát hiện mục tiêu cả ban ngày lẫn ban đêm. F-22 cũng không có trạm radar phụ, sau khi khởi động tên lửa không thể câp nhật dữ liệu mới, khi máy bay thay đổi góc quay, có thể mất khả năng định vị mục tiêu.
Khả năng cơ động, khả năng mang tải trọng lớn tạo lợi thế trong chiến đấu ngoài tầm nhìn, cùng với các biện pháp chế áp điện tử, giúp né tránh tên lửa của đối phương… biến Su-35 thành máy bay chiến đấu hoàn hảo, ngoại trừ tính năng tàng hình.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi chiến đấu cơ tàng hình F-35 chống lại chiến đấu cơ công nghệ cao Su-35, cơ hội giành cho Su-35 sẽ cao hơn nhờ khả năng cơ động tốt hơn, nhất là trong không chiến quần vòng hẹp.
Ở phạm vi ngoài tầm nhìn, F-22 và F-35 có thể nhanh chóng phát hiện ra Su-35 bằng radar EASA, thực hiện chiến thuật "thấy trước, bắn trước, thoát nhanh".
Với radar IRBIS và hệ thống cảm biến hồng ngoại OLS-35, Su-35 có thể phát hiện ra F-22 hoặc F-35, nhưng tín hiệu không đủ mạnh để khóa mục tiêu và dẫn bắn cho tên lửa.
Trung tâm Phân tích Ngân sách và Chiến lược ở Washington.D.C công bố một bản báo cáo, thừa nhận Su-35 có năng lực không chiến cao hơn bất kỳ máy bay chiến đấu của Mỹ hoặc NATO nào mà truyền thông châu Âu thường ca ngợi, duy nhất chỉ có F-22 là có tính năng tương đương.
Mặc dù là máy bay có khả năng chiến đấu mạnh nhất, nhưng hiệu suất khai thác sử dụng ảnh hưởng lớn đến năng lực tác chiến của F-22 khi thực tế phải đối mặt với các máy bay chiến đấu Nga trên bầu trời Syria.
Một trong những nguyên nhân là yêu cầu bảo trì bảo dưỡng rất phức tạp của F-22 khiến cho việc xuất kích thường xuyên trở nên cực kỳ khó khăn. Nếu so sánh giữa Su-35 và F-22, ưu thế tàng hình không đảm bảo dành thắng lợi trong trường hợp giao chiến.
Mang theo số lượng vũ khí đối không đến 175% so với F-22, khả năng siêu cơ động của động cơ vectơ lực đẩy 3 chiều giúp Su-35S dễ dàng tránh các cuộc tấn công tên lửa đối phương và cơ động chiếm ưu thế hơn hẳn trong các cuộc không chiến tầm gần.
Su-35S được trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) mà Raptor không có, cho phép phi công phát hiện các mục tiêu tàng hình mà không cần sử dụng radar.
Các máy tính trên Su-35 hiện đại hơn, trong khi máy tính của F-22 vẫn dùng nền tảng phần cứng của những năm 1990.
F-22 có những ưu thế riêng, nhất là công nghệ tàng hình tiến tiến mà không có máy bay nào có được, khiến việc phát hiện theo dõi, đeo bám, tấn công gặp rất nhiều khó khăn ở cự li xa.
Mặc dù Su-35 có một số tính năng tàng hình hạn chế, độ phản xạ hiệu dụng sóng radar nhỏ hơn một phần ba so với Su-27 Flanker nhưng vẫn lớn hơn đáng kể so với F-22.
Raptor gần đây được trang bị tên lửa không đối không AIM-120D - tên lửa tầm xa mạnh nhất của phương Tây, lợi thế tấn công tầm xa hơn hẳn so với Su-35, có thể tiêu diệt mục tiêu trên khoảng cách đến 180km.
Tiêm kích Nga chỉ có thể tấn công trên khoảng cách 130km với tên lửa không đối không R-27ER, nhưng khả năng siêu cơ động của Su-35 bù đắp cho thiếu sót này, đòn tấn công tầm xa có thể khó khăn hơn đáng kể do Su-35 sử dụng kỹ năng linh hoạt để tránh thoát tên lửa.
Đầu những năm 2020, Su-35 sẽ được lắp tên lửa không đối không siêu âm R-37, có tốc độ Mach 6, sử dụng động cơ dòng khí thẳng, có tầm bắn từ 350 - 410km.
F-22 được lắp đặt radar quét mảng điện tử chủ động (AESA) tiên tiến nhất AN/APG-77, cho phép phát hiện mục tiêu từ rất xa và đeo bám, giám sát mục tiêu tốt hơn so với radar thụ động IRBIS của Su-35E.
Mặc dù vậy, cuộc chiến Syria cho thấy, các máy bay Sukhoi tránh né thành công các tên lửa và radar dẫn đường của F-22 bằng hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống trinh sát quang điện tử, hồng ngoại, đồng thời phối kết hợp với các hệ thống radar phòng không mặt đất vô hiệu hóa khả năng tàng hình của F-22.
Thất bại của F-22 Raptor đã được chứng minh trong các cuộc chạm trán tầm gần với Su-35 trên chiến trường Syria.
Tiêm kích Su-35 là đỉnh cao về thiết kế và là máy bay chiến đấu phản lực mạnh nhất từng được Nga chế tạo, với các loại vũ khí mang theo, có đủ khả năng tiêu diệt những mục tiêu mạnh nhất.
Sau khi theo dõi thực chiến của Su-35 Nga trên chiến trường Syria và bị Mỹ loại khỏi chương trình F-35, Ankara được cho là đang cân nhắc để sở hữu “vua tác chiến trên không” này.
Theo National Interest, chỉ là vấn đề thời gian trước khi người Nga bán được nhiều Su-35 hơn trên khắp thế giới, đặc biệt là cho những quốc gia không muốn hoặc không thể mua máy bay phương Tây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét