Bắc Kinh phát triển dân quân biển như một bộ phận của “chiến tranh nhân dân kiểu Trung Quốc trên biển”, thực hiện chiến lược cắt lớp salami hay “bóc bắp cải”, gây sức ép từ từ.
Tàu Địa chất hải dương 8 cùng một số tàu hộ tống của Trung Quốc (TQ) đã quay lại x âm phạm vùng biển Việt Nam hôm 13-8.
Cùng với một số tàu hộ tống, tàu Địa chất hải dương 8 trước đó đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam từ đầu tháng 7 đến ngày 7-8.
Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Chiến tranh nhân dân trên biển
Một trong những điều đáng chú ý là TQ, với mong muốn ngăn chặn các xung đột vũ trang không cần thiết, đã triển khai một nhóm tàu dân quân biển theo cùng tàu khảo sát.
Theo giới quan sát, lực lượng dân quân biển TQ tham gia vào các hoạt động khiêu khích, gây hấn, ngăn cản tàu thuyền và các hoạt động khai thác tài nguyên.
Đại sứ-PGS-TS Nguyễn Hồng Thao đánh giá rằng dân quân biển TQ là lực lượng đi đầu trong các tranh chấp với ngư dân các nước, gây cớ cho cảnh sát biển và hải quân TQ can thiệp, biến vùng không tranh chấp hoặc sự việc không tranh chấp thành tranh chấp.
“Chiến thuật này đã được áp dụng tại vùng biển Đà Nẵng năm 1962, tại Hoàng Sa năm 1974. Gần đây, TQ tiếp tục sử dụng nước cờ này với Philippines ở Đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough năm 2012, Sandy Cay (Việt Nam gọi là đảo Sơn Ca - PV) 2018, vây Thị Tứ năm 2019 (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Philippines chiếm đóng trái phép - PV); với Việt Nam trong các vụ cắt cáp tàu địa chấn Bình Minh 02 năm 2011 và Viking II năm 2013, trong vụ giàn khoan Hải dương 981 năm 2017 và gần đây ở Tư Chính 7-2019; với cả tàu nghiên cứu khoa học hay tàu quân sự của Mỹ UNS Impeccable2009,USS Lassen 2015.” - ông Nguyễn Hồng Thao kể.
Ngoài ra, nhóm tàu dân quân biển TQ - vốn được trang bị khá hiện đại, thậm chí có vỏ tàu được bọc thép - còn đóng vai trò “ăn vạ”.
Theo lời kể của các ngư dân Việt Nam, “tàu cá” (mà thực tế là tàu dân quân biển) hiện đại và vỏ thép, chạy nhanh vượt mặt tàu Việt Nam rồi đột ngột cắt đầu khiến tàu cá Việt Nam dù cố tránh vẫn trở tay không kịp. Dựa vào cớ này, phía TQ lại cho rằng bị tàu Việt Nam đâm va.
Ông Nguyễn Hồng Thao cho biết “theo nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài, TQ phát triển dân quân biển như một bộ phận của “chiến tranh nhân dân trên biển”, thực hiện chiến lược cắt lớp salami hay “bóc bắp cải” , gây sức ép từ từ ”.
Dân quân biển TQ nguy hiểm vì ít nhất ba lý do: (i) lực lượng ngày càng đông, đi thành từng nhóm và hành động hung hãn; (ii) không phải lực lượng chính quy (có thể tàu tư nhân hoặc các thành phần phức tạp) nên không ngại các va đâm nguy hiểm, thậm chí không lường trước hậu quả gây ra với đối phương; (iii) khó bị chế tài bởi các quy định va đâm trên biển dành cho các tàu chiến hay tàu vũ trang chuyên nghiệp.
Giải pháp nào cho các nước?
Là thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc (ILC), đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhận định luật pháp quốc tế có những quy định về tránh đâm va hàng hải COLREG 1972, trong đó quy định rõ nghĩa vụ cứu vớt những người bị nạn và tránh đâm va tàu thuyền.
Luật quốc tế có các quy định về đối đãi với các tàu thuyền vận tải thương mại khác với các tàu thuyền quân sự và các tàu thuyền vận tải thương mại được huy động làm nhiệm vụ quân sự.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Thao cũng nhận định rằng luật còn thiếu các quy định về tàu cá được sử dụng làm phương tiện đe dọa sử dụng vũ lực, làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển như dân quân biển TQ hiện nay đang đảm nhiệm và thực hiện.
“Đây là vùng xám mà TQ lợi dụng để tránh sự trừng phạt của lực lượng thực thi pháp luật trên biển của nước khác” - ông Nguyễn Hồng Thao khẳng định.
Để có cách ứng xử phù hợp, cần nhanh chóng xây dựng luật pháp để có thể đối xử với các tàu cá làm nhiệm vụ quân sự như các tàu quân sự và phải bị trừng phạt.
Tuy vậy, cách tốt nhất là cần đàm phán tạo điều kiện, tạo ra các ngư trường cho người dân quay trở lại đánh bắt hơn là cạnh tranh ngư trường hoặc làm nhiệm vụ quân sự tranh chấp chủ quyền.
Đàm phán tạo dựng một vùng đánh cá chung trên cơ sở luật pháp, phân chia đồng đều lợi ích và phát triển bền vững ở biển Đông là cần thiết.
Sau khi có phán quyết (của Tòa Trọng tài 2016), một khu vực nằm giữa biển Đông sẽ không thuộc một quốc gia nào mà là biển cả.
Một vùng đánh cá nằm ngoài 200 hải lý (tức nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia) có thể là giải pháp để các bên cùng nhau khai thác trên nguyên tắc tự do đánh bắt nhưng có quản lý.
Các tàu cá tham gia sẽ chấp hành nội quy chung, có đánh dấu riêng, trang bị và đăng ký tọa độ qua hệ thống GPS mở.
Các nội dung kiềm chế sử dụng dân quân biển và tàu cá làm nhiệm vụ quân sự cần được thảo luận trong khuôn khổ Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Một đường dây nóng chung để xử lý các đâm va, đụng độ trên biển giữa các tàu cá cũng nên được tính đến.
Nếu các nước đồng lòng nghĩ đến người dân, đến hòa bình, an ninh ổn định và thịnh vượng ở biển Đông trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và lợi ích của nhau, tuân thủ luật quốc tế, các nước sẽ tìm được những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tình hình, nhất là cách cư xử kiểu “chiến tranh nhân dân trên biển” của TQ.
Có hàng loạt điều luật quốc tế hay văn bản quốc tế quy định về các vấn đề ứng xử nhân đạo, tiếp xúc an toàn, tránh va chạm trên biển.
Trong đó có thể kể đến Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, 1982; Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng người trên biển, 1974;...Tất cả điều luật, văn bản liên quan đều quy định các tàu thuyền khi thực hiện hoạt động hàng hải phải đảm bảo an toàn hàng hải, tránh đâm va hoặc tránh tạo các hoạt động nguy hiểm có thể gây đâm va.
Nếu có đâm va do sự cố bất khả kháng, tàu thuyền phải có nghĩa vụ cứu hộ, cứu nạn tàu và người bị nguy hiểm do đâm va. Các quốc gia ven biển có thể giữ các tàu thuyền khi đâm va trong lãnh hải để xử lý theo luật pháp của mình nếu luật pháp của quốc gia không mâu thuẫn với quy định trong luật pháp quốc tế mà họ là thành viên.
PGS-TS VŨ THANH CA, ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét