Cuộc khủng hoảng Điếu Ngư vào tháng 9 năm 2010 đã đánh vào mối quan hệ Trung – Nhật như một quả tên lửa. Một vấn đề bắt nguồn chỉ là một vụ va chạm giữa ngư dân và lực lượng tuần tra bờ biển đã trở thành sự đổ vỡ ngoại giao nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. NCBĐ giới thiệu bài viết của PGS. Yves Tiberghien[1], Đại học British Columbia trong Series đặc biệt của tạp chí Harvard Asia Quarterly của Trường Đại học Havard với chủ đề "Tranh chấp biển- An ninh hàng hải tại Đông Á", (The Disputed Sea – Maritime Security in East Asia) tháng 12/2010.
Giới thiệu
Vào mùa thu năm 2010, Nhật Bản và Trung Quốc đã trải qua một trong những cuộc đụng độ căng thẳng nhất giữa hai nước kể từ sau chiến tranh thế giới II. Tranh chấp xảy ra đối quần đảo nhỏ và không có người ở, quần đảo Điếu Ngư (trong tiếng Nhật là Senkaku). Cuộc đụng độ đã bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát và dần lan sang tất cả các khía cạnh trong các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai nước, gây ra tác động tiêu cực đến các hội nghị thượng đỉnh quốc tế, như Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Việt Nam, G20 ở Seoul và Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Yokohama. Xung đột đã xảy ra bất chấp nhu cầu cấp bách để đối phó với các vấn đề toàn cầu quan trọng nhất cũng như để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế đang kéo dài. Vấn đề này cũng đã kéo các cường quốc khác như Mỹ, Nga, và các nước ASEAN vào vòng xoáy của nó.
Cuộc đối đầu đạt đến đỉnh điểm vào ngày 24 tháng 9. Đến thời điểm đó, vụ tranh chấp về việc bắt giữ duy nhất một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc đã phát triển thành một cuộc xung đột ngoại giao toàn diện. Tất cả các cuộc gặp gỡ song phương chính thức đều bị hủy bỏ. Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế đang ngày càng mạnh của mình để đe dọa áp dụng biện pháp cấm vận xuất khẩu những kim loại hiếm thiết yếu cho nền công nghiệp của Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo dư luận của Trung Quốc cũng đã thúc giục chính phủ mua vào đồng Yên để tăng thêm áp lực. Các chuyến du lịch chính thức với số lượng lớn của các công ty Trung Quốc đến Nhật Bản cũng bị hủy bỏ, và Trung Quốc cũng hủy chuyến thăm của 1000 trẻ em Nhật Bản đến Expo Thượng Hải.
Bước ngoặt cuối cùng đối với Nhật Bản đến khi vào ngày 23 tháng 9, bốn doanh nhân Nhật Bản đã bi bắt giữ do nghi ngờ làm gián điệp. Nhật Bản cuối cùng đã nhượng bộ và thả thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng vào ngày 24 tháng 9. Lệnh thả đã được Phòng Công tố quận Naha đưa ra, chủ yếu vì những lý do về ngoại giao (và đồng thời cũng do vụ va chạm không phải do Thuyền trưởng Chiêm suy tính trước).
Điều đáng ngạc nhiên là, kể cả sau khi lệnh thả được đưa ra, tình trạng căng thẳng vẫn tiếp tục diễn ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ngoại trưởng Maehara cho rằng phản ứng của Trung Quốc là “thái quá” và đã lôi kéo sự ủng hộ đối với trường hợp của Nhật Bản trong các tuần tiếp theo. Trung Quốc đã đáp lại bằng một loạt các biện pháp và hành động, trong đó đáng chú ý nhất là các cuộc họp ngoại giao cấp cao vẫn bị đình chỉ. Cũng có thể Trung Quốc đã thành công trong việc phối hợp hành động với Nga nhằm mục đích chọc giận Nhật Bản hơn nữa: vào ngày 1 tháng 11, Tổng thống Medvedev đã thực hiện một chuyến thăm lịch sử đến quần đảo Nam Kuril mà (Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc). Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo của Liên Xô hay Nga đến thăm khu vực này.
Mặc dù vậy, với mức độ căng thẳng của nó, cuộc khủng hoảng này xảy đến như một cơn bão bất ngờ giữa trời yên biển lặng, vào thời điểm mà hi vọng đang được nhen nhóm lại về một sự ổn định và hội nhập ở khu vực Đông Á. Có vẻ như mối quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản đã có những bước phát triển đáng kể và ý kiến dư luận rất khả quan. Điều này đã làm cho cuộc khủng hoảng vào tháng 9 năm 2010 càng trở nên khó hiểu.
Quả thật, với chiến thắng mang tính bước ngoặt của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 30 tháng 8 năm 2009, mối quan hệ Trung –Nhật, vốn đang được hàn gắn kể từ thời của Thủ tướng Yasuo Fukuda từ năm 2007 đến 2008, đã có bước phát triển theo chiều hướng tích cực hơn. Thủ tướng mới đắc cử Yukio Hatoyama đã kêu gọi một sự tái cân bằng giữa ngoại giao và an ninh quân sự của Nhật Bản, thoát ra khỏi việc chỉ tập trung vào Mỹ. Ông đã đưa ra những lập luận cho việc đẩy mạnh việc hội nhập Đông Á và can dự sâu hơn với cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong bài phỏng vấn thường được trích dẫn của ông trên tờ Thời báo New York vào ngày 27 tháng 8 năm 2009, Hatoyama thậm chí còn kêu gọi thực hiện một đồng tiền chung trong vòng một thập kỷ nữa. Những câu chữ được cân nhắc kỹ lưỡng của cựu thủ tướng Nhật Bản chỉ một năm trước vụ đụng độ rất đáng được nhắc lại một lần nữa:
Tôi cũng cảm thấy rằng do thất bại trong cuộc chiến tranh Iraq và cuộc khủng hoảng kinh tế, kỷ nguyên của chủ nghĩa toàn cầu do Mỹ lãnh đạo đang đi đến hồi kết và rằng chúng ta đang tiến tới kỷ nguyên của chủ nghĩa đa cực. […]
Những diễn biến gần đây cho thấy một cách rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về kinh tế trong khi cũng sẽ vẫn tiếp tục nâng cao sức mạnh quân sự của mình. Quy mô của nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua quy mô của Nhật Bản trong một tương lai không xa. […] “Trong khi chúng ta đang tìm kiếm xây dựng những mô hình hợp tác quốc tế mới, chúng ta cũng cần phải vượt qua chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tiến theo con đường hợp tác kinh tế và an ninh dựa trên chế định […]
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải mong muốn hướng đến một sự hội nhập về tiền tệ trong khu vực như một sự tiếp nối tự nhiên của sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng do Nhật Bản khởi đầu, tiếp nối là Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong và sau đó là các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Chúng ta không được bỏ lỡ một nỗ lực nào để xây dựng các khuôn khổ an ninh thường trực để củng cố sự hội nhập tiền tệ này. Việc xây dựng một đồng tiền chung châu Á sẽ có thể phải mất hơn 10 năm. Để một đồng tiền chung duy nhất như vậy có thể đem lại sự hội nhập về chính trị chắc chắn sẽ mất thời gian dài hơn nữa […]
Những vấn đề do việc quân sự hóa ngày càng tăng và các tranh chấp về lãnh thổ không thể được giải quyết bằng các vòng đàm phán song phương giữa, ví dụ như, Nhật Bản và Hàn Quốc, hay Nhật Bản và Trung Quốc. Các vấn đề này được đưa ra thảo luận song phương nhiều bao nhiêu thì càng có nguy cơ thổi bùng ngọn lửa xúc cảm và gia tăng chủ nghĩa dân tộc bấy nhiêu.
Do đó, tôi xin đề xuất, có vẻ như hơi nghịch lý, rằng những vấn đề đang gây trở ngại cho việc hội nhập khu vực chỉ có thể được giải quyết dứt điểm bằng việc hướng tới sự hội nhập sâu hơn. Kinh nghiệm của EU cho chúng ta thấy việc hội nhập khu vực có thể làm giảm các tranh chấp lãnh thổ như thế nào.[2]
Hatoyama tiếp tục thực hiện tầm mình của mình với sự kêu gọi chắc chắn về một “Cộng đồng Đông Á”. Ông tuyên bố ý tưởng này tại một số hội nghị thượng đỉnh Đông Á, cũng như một số cuộc gặp thân mật với Trung Quốc và Hàn Quốc (kể cả hội nghị thượng đỉnh ba bên thân mật hơn bình thường ở Bắc Kinh vào tháng 10 năm 2009). Trả lời phỏng vấn về hội nghị thượng đỉnh ba bên trong bức thư hàng tuần của mình vào ngày 16 tháng 10, Hatoyama đã viết:
Trong bài phát biểu khai mạc, tôi đã khẳng định rằng một chính phủ Nhật Bản mới sẽ tập trung sự chú ý của mình vào Trung Quốc và rằng không còn nghi ngờ gì nữa về sự hợp tác ngày càng lớn mạnh giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Chúng tôi đã bàn luận một số chủ đề và, như một ví dụ rõ ràng nhất về việc trao đổi thanh niên, tôi đã đề xuất rằng việc cho phép trao đổi tín chỉ giữa các trường đại học sẽ giúp xóa bỏ rào cản về mặt tâm lý đang chia cắt thanh niên của ba nước. Cuối hội nghị, chúng tôi đã đưa ra tuyên bố chung ủng hộ việc tăng cường mối quan hệ cùng hợp tác […]
Trong buổi nói chuyện thượng đỉnh song phương với Thủ tướng Ôn, tôi đã đề xuất rằng chúng ta nên biến biển Hoa Đông thành vùng biển của Tình Anh em, như tôi cũng đã nói với Chủ tịch Hồ trước đây.[3]
Đáng lưu ý nhất, vào giữa tháng 12 năm 2009, Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản Ichiro Ozawa đã dẫn đầu một đoàn đại biểu gồm hơn 140 thành viên của nghị viện đến thăm Bắc Kinh. Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đích thân bắt tay và chụp ảnh lưu niệm với từng nghị sĩ một. Vào tháng 2 năm 2010, Hatoyama vẫn còn xem xét tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác ở Trung Quốc vào mùa xuân như một hành động cân bằng mềm (hedging) đối với Mỹ trong những căng thẳng về các căn cứ quân sự ở Okinawa.[4]
Hơn thế nữa, vào tháng 6 năm 2010, hội nghị thượng đỉnh ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã diễn ra trong không khí vẫn rất thân mật.[5] Như báo Nikkei đã trích dẫn, Trung Quốc đã phát biểu về Hatoyama (người vào lúc đó đang từ chức thủ tướng) như sau:
Hôm thứ Tư, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cho biết: “Vào thời điểm tại vị, ông Hatoyama đã ưu tiên mối quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản và chúng tôi hoan nghênh sự nỗ lực của ông trong việc phát triển các mối quan hệ tốt đẹp và vững chắc.”[6]
Trong khi Hàn Quốc rất háo hức trước sự thay đổi lãnh đạo của Nhật Bản, Trung Quốc rõ ràng đón nhận việc này với một thái độ e dè và nghi ngại hơn. Giới lãnh đạo Trung Quốc chờ đợi những bước phát triển thực tế với Nhật Bản trong các vấn đề quan trọng: Đài Loan, biển Hoa Đông, kí ức lịch sử và chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng khi Hatoyama và Ozawa nhận chức thủ tướng và Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản vào đầu tháng 6 năm 2010, tình hình đã lại trở nên khó khăn hơn.
Sau khi xem xét những vấn đề nảy sinh trước các sự kiện xảy ra vào tháng 9 năm 2010, hai câu hỏi cơ bản nảy sinh. Làm thế nào mà mối quan hệ đã được cải thiện gần đây xung quanh một lộ trình chung đối với việc hội nhập Đông Á có thể đổ vỡ một cách nhanh chóng như thế? Làm thế nào mà hai quốc gia có nền thương mại phụ thuộc vào nhau có thể xử sự theo cách “được ăn cả ngã về không” về một vấn đề hầu như không có giá trị gì về kinh tế hay chiến lược như vậy?
Trong bài viết này, tôi đưa ra ba lập luận đồng tâm. Các lập luận này đi từ các nguyên nhân trực tiếp đến điều kiện thúc đẩy cơ bản hơn. Đầu tiên, tôi lập luận rằng cuộc khủng hoảng và việc leo thang của nó là kết quả của những quyết định được đưa bởi các nhà lãnh đạo hoạt động trong một ván cờ chính trị trong nước. Do thiếu vắng các cơ chế để giảm nhẹ căng thẳng, các quyết định này đã gây ra những hậu quả tiêu cực không lường trước được.
Những hậu quả không lường trước được đã xảy ra trên hai cấp độ. Mặc dù một số dữ kiện về những gì đã xảy ra trên vùng biển quanh các đảo do Nhật Bản quản lý vẫn còn mập mờ và gây tranh cãi, những thông tin có được là rõ ràng: vụ đụng độ này không phải do Trung Quốc hay Nhật Bản sắp đặt nên. Đó là kết quả của sự tiếp xúc của người dân, cụ thể là của vị thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc liều lĩnh trên đường đi đánh cá và của lực lượng tuần tra bờ biển Nhật Bản đang cố để áp đặt sự kiểm soát của mình. Trong nỗ lực để chạy trốn, tàu Trung Quốc đã đâm vào tàu của Nhật Bản. Thuyền trưởng của tàu đánh cá đã bị bắt giữ.
Ở cấp độ chính trị, Nhật Bản là bên đưa ra bước đi đầu tiên. Đây là một ví dụ điển hình cho tinh thần chính trị của Bộ trưởng Lực lượng tuần duyên Nhật Bản lúc bấy giờ là Seiji Maehara. Maehara đã đưa ra các quyết định quan trọng ban đầu, từ đó đã phớt lờ những tiền lệ lịch sử và tính toán nhầm phản ứng có thể có của Trung Quốc. Quan trọng không kém là một chương trình nghị sự trong nước quá dày đặc: do cuộc chạy đua tranh vị trí lãnh đạo của Nhật Bản vào ngày 14 tháng 9, văn phòng Thủ tướng đã quá bận rộn để có thể quan tâm đến vấn đề này.
Về phía Trung Quốc, tôi cho rằng thái độ của Trung Quốc chủ yếu là kết quả của những áp lực từ dưới lên do công luận gây ra. Trong hoàn cảnh này, chính phủ Trung Quốc buộc phải chuyển từ chính sách ngoại giao thực dụng sang những hành động mạnh mẽ hơn. Sự kiện đảo Điếu Ngư đã gây ra những phản ứng không thống nhất trong dư luận trung Quốc (tương tự như dư luận Nhật Bản) bởi vì Trung Quốc đã bị Nhật Bản chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung – Nhật (1894-1895). Do đó, đối với tất cả người dân Trung Quốc – không chỉ là Trung Quốc đại lục mà cả Hồng Kông, Đài Loan, và những người dân Trung Quốc rải rác ở những nơi khác, quần đảo Điếu Ngư gắn liền với sự khởi nguồn của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản ở Trung Quốc.
Thứ hai, tôi cho rằng cuộc khủng hoảng đã leo thang đến mức độ cao nhất từng thấy cho đến ngày nay là do sự thay đổi cơ bản về sự cân bằng sức mạnh kinh tế và chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Sự thay đổi này đã tăng lên mạnh hơn vào thập niên 2000. Cuộc khủng hoảng năm 2010 là thời điểm mà sự cân bằng về kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc so với Nhật Bản đã trở nên rõ ràng hơn. Nhật Bản đã thực hiện các hành động chưa từng có tiền lệ đối với ngư dân Trung Quốc và quan trọng hơn là, lần đầu tiên, Trung Quốc cảm thấy mình có thể phá vỡ ý chí của Nhật Bản thông qua vụ bắt giữ ngư dân của mình. Và Trung Quốc đã thực hiện điều đó.
Thứ ba, và quan trọng hơn cả, tôi cho rằng việc căng thẳng leo thang cho thấy sự yếu kém về mặt thể chế của chủ nghĩa khu vực Đông Á. Việc một sự kiện nhỏ đến như vậy có thể gây ra những hành động kịch tính như thế càng khẳng định tầm quan trọng thiết yếu của việc thể chế hóa các mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Điều này cần được tiến hành trong khuôn khổ ngoại giao rộng lớn hơn ở Đông Bắc Á. Chính để tránh những cuộc khủng hoảng như thế này giữa Pháp và Đức mà Jean Monnet đã khởi xướng quá trình hội nhập châu Âu vào năm 1950.
Phần còn lại của bài viết này được thực hiện qua năm bước. Phần 1 đưa ra một cái nhìn tổng quan ngắn gọn về lịch sử. Phần 2 xem xét lại các những giai đoạn quan trọng của cuộc khủng hoảng. Phần 3 khảo sát những chi phí và hậu quả của cuộc khủng hoảng đối với Nhật Bản, Trung Quốc và khu vực Đông Bắc Á. Phần 4 phân tích những nguyên nhân chính trị trực tiếp ở Nhật Bản và Trung Quốc. Phần 5 tập trung sâu hơn vào những nguyên nhân về thể chế: sự cân bằng về quyền lực đang thay đổi và sự hội nhập khu vực còn yếu ở Đông Bắc Á. Phần kết luận đưa ra một số ý kiến về phương hướng trong tương lai.
Một số quan điểm về lịch sử và địa lý
Quần đảo Điếu Ngư không phải là một ứng cử viên cho sự cạnh tranh của nước lớn và cho chính trị cấp cao. Đảo này nằm 170km về phía đông bắc của Đài Loan, cách Trung Quốc đại lục khoảng 370km và 410km từ Okinawa (Lee 2010). Vùng đất gần nhất là đảo Ishikagi của Nhật Bản vẫn nằm cách khoảng 170km. Về mặt địa lý, quần đảo này nằm ở thềm lục địa của Trung Quốc và.được phân cách khỏi quần đảo Okinawa bởi Vùng lõm Okinawa (với độ sâu trung bình khoảng 2716 mét).
Quần đảo này lần đầu tiên xuất hiện trên các bản đồ của Trung Quốc vào khoảng năm 1400 mang các tên gọi của Trung Quốc. Các đảo này được ghi nhận trong một số bản ghi chép của hải quân. Các đảo này được Trung Quốc xem như một phần của không gian biển Trung Quốc. Các đảo này cũng đóng vai trò là các điểm gặp gỡ giữa các đại diện ngoại giao trung Quốc và Ryuku.[7] Tuy nhiên, các cuộc tiếp xúc đều bị hạn chế. Vào năm 1879, với sự gia tăng quyền lực sau thời đại Minh Trị, Nhật Bản đã tiến tới gần hơn vùng nay khi sáp nhập Okinawa và các đảo có liên quan (vương quốc Ryukyu). Vào năm 1885, sau cuộc khảo sát tuyên bố quần đảo này không có người ở, Nhật Bản tiến tới nắm quyền kiểm soát quần đảo Điếu Ngư. Tuy nhiên, Nhật Bản đã vấp phải sự phản đối của Trung Quốc và đã phải rút lại yêu sách của mình. Sau những nỗ lực mới vào năm 1890 và 1893, Nhật Bản cuối cùng đã đưa ra yêu sách đối với các đảo nhỏ vào tháng 1 năm 1895 thông qua một quyết định đơn phương của Chính phủ. Hành động này đã diễn ra trong khi Chiến tranh Trung – Nhật đang diễn ra, vào thời điểm mà Nhật Bản đang thắng đậm. Các cuộc đàm phán ký kết hiệp định Shimonoseki đánh dấu chiến tranh chấm dứt đã diễn ra vào sau đó vào tháng 3 và tháng 4 năm 1895. Hiệp ước này đã dẫn đến sự chuyển giao Đài Loan và đảo Pescadores cho Nhật Bản. Mãi đến năm 1900, Nhật mới đưa ra cái tên “Senkaku”. Cái tên này đã xuất hiện trong cuộc khảo sát được thực hiện bởi Trường Cao đẳng Okinawa vào thời điểm đó (Wada 2010).
Sự kiểm soát của Nhật Bản kéo dài đến năm 1945. Vào thời điểm đó, Đài Loan và đảo Pescadores được trao trả cho Trung Quóc (dưới sự quản lý của Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch). Okinawa và quần đảo Điếu Ngư được giao cho quân đội Mỹ kiểm soát cho đến năm 1972. Tưởng Giới Thạch đã không yêu sách Điếu Ngư vào thời điểm đó; lúc đầu ông bị cuốn vào cuộc nội chiến với Trung Quốc và sau đó, ông quan tâm tới sinh tồn chính trị của mình ở Đài Loan. Ở giai đoạn sau, Tưởng cần sự bảo hộ của Mỹ, do đó một cuộc xung đột với Mỹ về đảo Điếu Ngư không được đặt ra. Cả Đài Loan và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bắt đầu tích cực hơn trong việc yêu sách đảo Điếu Ngư năm 1971. Vào năm đó, Okinawa và đảo Điếu Ngư đã chính thức được trao trả cho Nhật Bản (việc trao trả bắt đầu có hiệu lực vào năm 1972).
Hành động được thực hiện bởi chính phủ Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn với ngư dân Phúc Kiến cho thấy ngư dân Trung Quốc vẫn đánh cá ở những vùng nước thuộc sự chiếm đóng của Mỹ và nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản. Những ngư dân này đã đánh bắt cá ở đó qua nhiều thế hệ, và chủ quyền chính trị không liên quan đến họ.[8]
Tóm lại, có một khoảng cách giữa yêu sách pháp lý của Nhật Bản và yêu cầu của Trung Quốc về sự công bằng lịch sử. Yêu sách của Nhật Bản là mạnh theo luật quốc tế, do không có dân cư sinh sống ổn định trước năm 1895 và khoảng thời gian chiếm cứ hữu hiệu từ năm 1895 đến 1945 và từ 1972 cho đến nay. Tuy nhiên, tất cả các quyết định quan trọng được đưa ra trong và sau các cuộc chiến tranh. Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận những kết quả này là công bằng.
Đối với Trung Quốc, tranh chấp về đảo Điếu Ngư có liên quan đến các kí ức về cuộc chiến Trung – Nhât. Từ đó, tranh chấp này gắn liền với lịch sử của chủ nghĩa đế quốc và sự chiếm đóng của Nhật Bản. Đây là lý do vì sao các đảo nhỏ này lại có sức mạnh để thúc giục và đoàn kết người dân Trung Quốc xuyên biên giới, không chỉ ở Trung Quốc đại lục. Một điều ngộ nghĩnh là một trong những nhà hàng dim sum và quán trà nổi tiêng nhất của Hồng Kông ở thành phố Richmond, British Columbia, Canada có tên gọi là “Điếu Ngư Đài”.
PGS. Yves Tiberghien, Đại học British Columbia
Bản gốc tiếng Anh "The Diaoyu Crisis of 2010: Domestic Games and Diplomatic Conflict". Bài viết được in trong Seri đặc biệt của tạp chí Harvard Asia Quarterly với chủ đề “The Disputed Sea – Maritime Security in East Asia” tháng 12/2010
Bản quyền tiếng Việt thuộc NCBĐ
[1] Yves Tiberghien là Phó Giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học British Columbia, Phó Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Đại học Chengchi Quốc gia, Đài Loan, và là một học giả tại Học viện Havard
[2] Yukio Hatoyama, “A New Path for Japan,” The New York Times, ngày 27/8/2009.
[3] Yukio Hatoyama, Hatoyama Cabinet Email Magazine 2, ngày 16/10/2009.
[4] “With US Trip In Limbo, Hatoyama Looks To Visit China Again,” The Nikkei, ngày 27/2/2010.
[5]“China, S Korea Express Regret over Hatoyama’s Departure,” The Nikkei, ngày 3/6/2010.
[6] Như trên.
[7] Wada, Haruki. Resolving the China-Japan Conflict over the Senkaku/Diaoyu Islands. The Asia-Pacific Journal 43-3-10, 2010;Serita, Kentaro. Japan’s Territory (Nihon No Ryōdo). Tokyo: Chūō Kōron Sha, 2002.
[8] “Shouwang diaoyudao de zhongguo yumin: zhe liang nian riben xiaozhang qilai [Chinese fishermen who protect Diaoyu Islands take a stand: Over Past Two Years, Japan Has Become Overbearing],” ifeng.com, ngày 1/10/2010, truy cập ngày 1/10/2010, http://news.ifeng.com/history/zhongguoxiandaishi/detail_2010_10/01/2688635_0.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét