Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Hải quân Trung Quốc muốn đi xa đến đâu?

Mạng International Relations and Security Network (ISN) ngày 15/3 đăng bài “How Far Will China’s Navy Reach” của TS. Graham Ong-Webb về khả năng mở rộng hoạt động của Hải quân Trung Quốc. Theo đó, Tham vọng của Trung Quốc trên bản đồ chính trị thế giới phụ thuộc và khả năng hải quân của nước này phát triển đến đâu.

Báo The New York Times gần đây cho rằng, Trung Quốc đang có ý định thách thức vai trò độc tôn của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương, “Washington cần thận trọng nhưng kiên quyết đối phó”.
Cho đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ thể hiện dã tâm tìm kiếm vị trí “bá quyền toàn cầu”, dù điều này đã trở thành câu nói quen thuộc của phe diều hâu cực hữu trong chính quyền Mỹ và cả những chính khách đến từ Ấn Độ, Nhật Bản. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc sở dĩ khiến người ta phải lo ngại là vì nó có khả năng dẫn đến những cọ sát và xung đột có liên quan tới quốc gia này.
Sự thay đổi “ý thức lục địa” vốn ăn sâu bám rễ của người Trung Quốc trước đây diễn ra khá chậm chạp, bởi Trung Quốc có tới 14 nước láng giềng trên đất liền, trong khi chỉ có 6 láng giềng ven biển. Đến nay Trung Quốc đã giải quyết tranh chấp biên giới lãnh thổ trên bộ với 12 nước láng giềng và Bắc Kinh đang cảm nhận một cách mạnh mẽ rằng hải dương chính là mặt trận tiền tiêu cuối cùng của họ. Vấn đề này hiện nay tựa như cung tên đã căng dây. Trung Quốc nhận thấy họ cần thiết phải quyết liệt bảo vệ các tuyến hàng hải trên biển để đảm bảo lưu thông hàng hóa và vận tải tài nguyên, năng lượng nhập khẩu.
Trung Quốc tỏ ra hết sức kiên quyết bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển mà họ chủ trương; mong muốn khống chế chặt chẽ những khu vực này, thúc đẩy hải quân phát triển theo phương hướng “phòng ngự biển gần”. Việc phát triển hải quân không chỉ phục vụ lợi ích kinh tế, mà còn bao gồm cả vấn đề địa chính trị, đặc biệt là khu vực eo biển Đài Loan - nơi tiềm ẩn nguy cơ xung đột hải quân cao hơn cả. Báo cáo Chính phủ năm 2008 của Mỹ có nhắc đến việc Trung Quốc xem Đài Loan là điểm mấu chốt để phá vỡ vòng vây “chuỗi đảo thứ nhất” ven bờ Tây Thái Bình Dương, thống nhất được Đài Loan sẽ giúp hóa giải “lời nguyền” địa chính trị đối với Trung Quốc. Do đó, eo biển Đài Loan và cả các vùng biển Đông Hải, Biển Đông đều là những vấn đề địa chính trị bức thiết khiến Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự.
Hải quân của Trung Quốc đang không ngừng phát triển, quá trình này không chỉ đơn giản là tăng thêm số lượng chiến hạm và tàu ngầm, mà thực tế đang hướng đến thực hiện nhất thể hóa hải - lục - không quân và cả vũ trụ, nhằm nâng cao toàn diện hiệu quả tác chiến và sức công phá. Hải quân không phải chỉ là một binh chủng độc lập trong nhiều binh chủng của quân đội Trung Quốc, mà trên góc độ rộng hơn, đó là lực lượng hàng đầu được tập trung sức mạnh quân sự tổng hợp để đánh bại mọi đối thủ trên biển.
Sự phát triển của sức mạnh quân sự Trung Quốc thời gian gần đây, cùng với việc bố trí gấp rút các lực lượng trên biển, trên không, trên đất liền và trên không trung khiến cho giới quyết sách chiến lược của Mỹ không khỏi lo ngại. Việc phát triển trang thiết bị quân sự bao gồm cả hàng không mẫu hạm, máy bay tàng hình, tên lửa đối hạm, tên lửa triệt hạ vệ tinh... Những thành tựu này đã mang lại thêm sự tự tin cho quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia.
Bất luận Trung Quốc có ôm mộng “bá quyền” hay không, nhưng rõ ràng họ đang tìm kiếm mở rộng phạm vi chiến lược của mình, dường như Bắc Kinh đã cho phép hải quân mở rộng tối đa phạm vi hoạt động quân sự trên biển. Vấn đề trước mắt là, rốt cuộc Bắc Kinh mong muốn có an ninh biển ở cấp độ như thế nào? Đáp án nằm ở việc Bắc Kinh sẽ cho phép hải quân của mình đi xa tới đâu.

Trần Quang (gt)


Nguồn: http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/1316-hai-quan-trung-quoc-muon-di-xa-den-dau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét