Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Hỏa lực của TQ sẽ làm Mỹ “nửa mù nửa điếc”

Gần 35 năm trước đây Đặng Tiểu Bình đã phê phán Quân giải phóng nhân dân (PLA) là "phô trương, kỷ luật lỏng lèo, tự phụ, hoang phí và trì trệ". Ngay dù vậy, 3 năm sau, khi ông bắt đầu hiện đại hóa Trung Quốc, ông vẫn đặt PLA vào vị trí ưu tiên cuối cùng, sau nông nghiệp, công nghiệp và khoa học. Và khi vị tư lệnh hải quân vào năm 1982 sắp đặt các kế hoạch nhằm đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc biển của thế giới, ông đã không mong đợi mục tiêu của ông trở thành hiện thực trước năm 2040.


Tầm hoạt động của các loại chiến đấu cơ của Tàu


Sau đó, công cuộc hiện đại hóa quân đội trở nên còn hơn cả một sự ưu tiên, nhờ vào hai cuộc trình diễn hỏa lực của Mỹ. Lần đầu, việc Mỹ sử dụng các vũ khí chính xác trong chiến dịch Bão táp Sa mạc trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất đã thuyết phục Trung Quốc rằng họ không thể để sự phòng thủ của mình dựa vào số đông nữa. Lần thứ hai, khi PLA uy hiếp Đài Loan bằng các vụ thử tên lửa vào năm 1996, tổng thống Bill Clinton đã ra lệnh cho hai nhóm tàu sân bay tiến vào khu vực này, một trong số đó do chiến hạm mang tên đầy kích động US Independence (độc lập) dẫn đầu. Trung Quốc đã phải chùn bước.
Sự sụp đổ của Liên Xô đã thuyết phục các nhà lãnh đạp của Trung Quốc rằng một cuộc chạy đua vũ trang với siêu cường duy nhất của thế giới có thể lãng phí tiền của đủ để gây ra một mối đe dọa đối với sự kiểm soát của đảng. Thay vào đó, Trung Quốc đặt nỗ lực của mình vào các vũ khí "không đối xứng" co thể đáp ứng được.
Chiến lược không chính thống này đã làm cho khó đánh giá hơn sự tiến bộ của PLA. Dư luận phương Tây bị chia sẽ sâu sắc. Các nhà phân tích quân sự báo động về cái mà họ xem là mối đe dọa đang gia tăng đối với uy thế trên biển của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Các chuyên gia an ninh của Trung Quốc có xu hướng chế giễu tất cả các tin đồn nhảm. Ai là người đúng?
Hệ thống hỏa lực bắn giàn AR của Trung Quốc. Ảnh: VpK
Nổi bật là ba lĩnh vực hiện đại hóa của PLA. Trước hết, Trung Quốc đã tạo ra cái mà Lầu Năm Góc gọi là "chương trình tên lửa đạn đạo và hành trình trên mặt đất năng động nhất trên thế giới". Lực lượng Pháp binh 2 có khoảng 1.100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn chĩa vào Đài Loan và đang mở rộng tầm bắn và cải thiện độ chính xác và tải trọng của chúng. Lực lượng Pháo binh 2 cũng đang cải thiện các tên lửa đạn đạo tầm trung, có thể mang được các đầu đạn thường hoặc đầu đạn hạt nhân. PLA đã triển khai vài trăm tên lửa hành trình tầm xa phóng từ không trung hoặc từ mặt đất. Và họ đang phát triển tên lửa đạn đạo chống tàu chiến đầu tiên của thế giới, gắn vào thiết bị đẩy nhằm ăng thêm độ nguy hiểm.
Thứ hai, Trung Quốc đã chuyển đổi và mở rộng hạm đội tàu ngầm của mình, hiện nay có thể thả neo ở một căn cứ mới được hoàn thành trên đảo Hải Nam, ở ngoài khơi bờ biển phái Nam Trung Quốc. Trong 8 năm tính đến năm 2002, Trung Quốc đã mua 12 tàu ngầm lớp Kilo của Nga, một sự cải thiện lớn so với các tàu ngầm tự chế tạo kêu ồn ào lớp Ming va lớp Romeo. Kể từ đó, Hải quân của PLA đã giới thiệu các thiết kế tàu ngầm của Trung Quốc với tầm hoạt động xa hơn và khó lộ hơn, kể cả tàu ngầm lớp Tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân mang các tên lửa đạn đạo, và một tàu ngầm tấn công lớp Thượng chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc có khoảng 66 tàu ngầm so với 71 tàu ngầm của Mỹ, cho dù tàu của Mỹ ưu việt hơn. Theo Kokoda Foundation, một tổ chức tư vấn của Australia, vào năm 2030, Trung Quốc có thể có tới 85-100 tàu ngầm.
Và thứ ba, Trung Quốc tập trung vào cái mà họ gọi là "sự thông tin hóa", một từ khó đọc mà Giang Trạch Dân đã tạo ra vào năm 2002 để miêu tả PLA cần làm thế nào có thể hoạt động với tư cách là lược lượng duy nhất, sử dụng các thiết bị cảm biến, thông tin liên lạc và điện tử và chiến tranh mạng. Trung Quốc hiện nay biết rõ những gì đang diễn ra ở xa tận vùng Thái Bình Dương, nhờ vào sự kết hợp các vệ tinh, các ra đa vượt đường chân trời, các ra đa sóng bề mặt tầm trung, các máy bay thám thính không người lái và các giàn cảm biến dưới nước.
Trung Quốc cũng đang chế tạo các vũ khí chống vệ tinh. Các vệ tinh của Mỹ đã bị "làm chói mắt" bởi các tia lade từ mặt đất. Và vào năm 2007, một tên lửa đạn đạo phóng từ Trung tâm vũ trụ Tây Xương ở tình Tứ Xuyên đã làm nổ tung một vệ tinh dự báo thời tiết- một thành tựu nổi bật, cho dù các nước khác tức giận bởi vì việc làm này đã tạo ra hơn 35.000 mảnh rác vũ trụ.
Các tin tặc của Trung Quốc cũng bận rộn. Vào tháng 3/2009, các nhà nghiên cứu của Canada đã phát hiện ra một mạng lưới do thám gồm hơn 1.300 máy tính, nhiều máy trong số đó là ở Trung Quốc, đã xâm nhập các hệ thống của chính phủ. Theo Northrop Grumman, một nhà thầu quốc phòng của Mỹ, các mục tiêu Đài Loan và phương Tây đã phải chịu các cuộc tấn công mạng nghiêm trọng của Trung Quốc ít nhất là 35 lần trong thập kỷ cho đến năm 2009. Lầu Năm Góc thừa nhận rằng họ không chắc chắn rằng PLA đứng đằng sau các cuộc tấn công như vậy, nhưng lập luận rằng các nhà phân tích "có thẩm quyền" trong PLA coi chiến tranh mạng là quan trọng.
Kho vũ khí mới
Việc này chung quy là gì? Các chuyên gia quân sự ở Mỹ, Australia và Nhật Bản cho rằng các kho vũ khí mới của Trung Quốc là một mối đe dọa còn lớn hơn các kế hoạch nổi bật như hạ thủy các tàu sân bay vào thập kỷ tới. Alan Dupon thuộc trường đại học Sydney ở Australia, nói rằng "các tên lửa và các vũ khí mạng đang trở thành các vũ khí lựa chọn cho những nước thua kém về vũ khí thông thường".
Theo Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA), một viện nghiên cứu của Mỹ, hỏa lực của Trung Quốc đang đe dọa các căn cứ châu Á của Mỹ, mà cho tới hiện nay vẫn an toàn trước mọi cuộc tấn công trừ cuộc tấn công bằng hạt nhân. Các tên lửa của lực lượng Pháo binh 2 có thể làm mất tác dụng hệ thống phòng thủ củ các căn cứ và phá hủy các đường băng cũng như một số lượng lớn các máy bay chiến đấu và các chiến hạm. Nhật Bản đã nằm trong tầm ngắm của các tên lửa của Trung Quốc, nhiều trong số chúng hiện nay đang chĩa vào Đài Loan. Đảo Guam cũng sẽ sớm trở thành mục tiêu của Trung Quốc.
Các tàu ngầm, tên lửa và các tên lửa hành trình chống tàu chiến đe dọa các nhóm tàu sân bay của Mỹ trong vòng 1.000 đến 1.600 hải lý tính từ bờ biển của Trung Quốc. Theo Ross Babbage, một nhà phân tích quốc phòng của Australia và là nhà sáng lập tổ chức Kokoda Foundation, nếu Trung Quốc có tên lửa đạn đạo chống tàu chiến, bay nhanh và không báo trước nhiều, thì thậm chí còn khó phòng ngự hơn. Các vũ khí không gian và các vũ khí mạng của Trung Quốc có thể phục vụ như cái mà các nhà lập kế hoạch Trung Quốc gọi là "chùy sát thủ" trong một đòn tấn công bất ngờ được hoạch định nhằm đập tan các mạng lưới điện tử tinh vi nhưng mong manh của Mỹ. Điều đó có thể làm cho các lực lượng của Mỹ nửa mù nửa điếc và các căn cứ và các tàu sân bay còn dễ bị tổn hại hơn.
Nói tóm lại, các khả năng tấn công của Trung Quốc đã tiến xa hơn là việc tìm cách ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào bất cứ cuộc tranh chấp nào trong tương lai giữa đại lục Trung Quốc và Đài Loan. Ngày nay, Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh ra bên ngoài bờ biển của mình vượt quá giới hạn 12 dặm (19km) mà Mỹ đã một thời tiếp cận mà không dè chừng. Ông Okamoto, một chuyên gia an ninh của Nhật Bản, tin rằng chiến lược của Trung Quốc, là nhằm có được "sự kiểm soát toàn toàn" cái mà các nhà lập kế hoạch gọi là Chuỗi đảo thứ nhất. Cuối cùng, dường như Trung Quốc muốn ngăn chặn khả năng của hạm đội Mỹ đảm bảo các lợi ích của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Các quan chức cao cấp nhất của Mỹ đã lưu ý vấn đề này. Năm 2008, Robert Gates, bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ, đã đưa ra cảnh báo rằng "các khoản đầu tư (của các nước như Trung Quốc) vào chiến tranh mạng và chiến tranh chống vệ tinh, vũ khí phòng không và chống chiến hạm và các tên lửa đạn đạo có thể đe dọa con đường chính của Mỹ triển khai sức mạnh và giúp các đồng minh ở Thái Bình Dương- đặc biệt là các căn cứ tiền phương và các nhóm tàu sân bay của chúng ta".
Ông Babbage thì thẳng thừng hơn: "Việc lên kế hoạch phòng thủ hiện nay là vô giá trị". Ông và các nhà phân tích tại CSBA lập luận rằng Mỹ cần phải suy nghĩ lại chiến lược của mình ở Thái Bình Dương. Mỹ cần phải củng cố các căn cứ của mình và có thể phá vỡ các cuộc tấn công của Trung Quốc bằng các thiết bị nghi trang và bằng việc phân tác các máy bay và các tàu chiến xung quanh khu vực này. Các lực lượng củ Mỹ cần phải có công tác hậu cần tốt hơn và có thể chiến đấu ngay cả khi các mạng lưới thông tin của họ bị suy yếu. Quan trọng nhất là họ phải ở vị thế vô hiệu hóa thiết bị do thám, theo dõi điện tử, và đánh giá tổn thất chiến trường của Trung Quốc, một số trong đó được bảo vệ bởi hệ thống các đường hầm dễ dàng nằm ngoài tầm các vũ khí của Mỹ.


Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-03-14-trang-page

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét