Rủi ro va chạm với tàu thuyền của Trung Quốc ở khu vực biển Đông thời gian qua đã gia tăng khi Bắc Kinh cố cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của các nước láng giềng - AMTI cho hay.
Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định Trung Quốc đang thể hiện nước này ngày càng sẵn sàng ngăn cản hoạt động về dầu khí của các nước láng giềng trên biển Đông.
Theo AMTI, tàu cảnh sát biển Haijing 35111 của Trung Quốc hồi cuối tháng 5 đã tuần tra vùng nước gần cụm bãi cạn Luconia, ngoài khơi bờ biển bang Sarawak, Malaysia. Tại đây, tàu Trung Quốc đã ngăn cản hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza.
Số liệu công khai của Hệ thống nhận diện tự động (AIS) - ghi lại tín hiệu của các tàu thuyền trên 300 tấn hoạt động trên đại dương - cho thấy tàu Haijing 35111 vận hành trong khu vực và có hành động khiêu khích mạnh đối với hai tàu khác.
Kể từ năm 2013, Trung Quốc duy trì các tàu hải cảnh hiện diện gần như liên tục ở xung quanh cụm bãi cạn Luconia - khu vực có trữ lượng dầu khí mà Malaysia đã khai thác nhiều thập kỷ.
Trong thời gian 10-27/5 vừa qua, tín hiệu AIS từ tàu Haijing 35111 thể hiện tàu này tuần tra dày đặc ở khu vực xung quanh bãi Luconia, bao gồm vị trí có lô dầu khí SK 308 được Sarawak Shell - công ty con của Royal Dutch Shell - khai thác.
Theo tín hiệu, hai tàu tiếp tế ngoài khơi của Malaysia có tên Executive Excellence và Executive Courage đã di chuyển hầu hết tháng 5 trên lộ trình giữa lô dầu khí SK 308 và bờ biển Sarawak, được cho là để phục vụ giàn khoan Sapura.
Vào ngày 21/5, tàu hải cảnh Trung Quốc 35111 đã di chuyển vòng tròn với thái độ khiêu khích, và tiếp cận đến phạm vi 80m đối với hai tàu Malaysia.
"Bắc Kinh dường như ra sức cản trở các hoạt động về dầu khí của láng giềng ở bất cứ vị trí nào trong 'Đường 9 đoạn' (yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông, đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) phán quyết bác bỏ năm 2016-PV)" - báo cáo của AMTI ngày 16/7 viết, bổ sung rằng tình huống này đã hé lộ tiêu chuẩn kép trong hành vi của Bắc Kinh.
"Nhìn vào các vụ giằng co cự ly gần và hành xử thách thức, có thể thấy rủi ro rõ ràng khi một va chạm ngẫu nhiên có thể dẫn đến leo thang [căng thẳng]," AMTI đánh giá.
Theo đó, những hành động của Trung Quốc nhằm vào láng giềng ở biển Đông kể từ tháng 5 chứng minh nước này "ngày càng sẵn sàng sẵn sàng cưỡng ép và đe dọa vũ lực để cản trở hoạt động dầu khí của các nước láng giềng, ngay cả khi [Trung Quốc] vẫn theo đuổi việc thăm dò năng lượng ở vùng nước tranh chấp".
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 16/7 nêu rõ:
"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982."
"Chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam hết sức coi trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thiện chí và sẵn sàng giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình."
"Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam," bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét