Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

Những cuộc chiến thương mại trong quá khứ

“Chiến tranh thương mại là tốt”? Ba cuộc chiến thương mại trong quá khứ lại cho thấy một câu chuyện rất khác.

nhung cuoc chien thuong mai trong qua khuEU "mông lung" bên cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
nhung cuoc chien thuong mai trong qua khuMỹ hay Trung Quốc nắm "át chủ bài" trong cuộc chiến thương mại?
Hôm 2/3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cả thế giới rúng động khi tuyên bố kế hoạch áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu. Trong khi thế giới lo lắng về một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ bùng lên vì động thái này, thì ông Trump lại tiếp tục khẳng định trên Twitter rằng “chiến tranh thương mại là tốt và Mỹ sẽ dễ dàng chiến thắng”.
Chiến tranh thương mại là gì? Ông Manuel Perez-Rocha, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính sách Mỹ, đã đưa ra định nghĩa trên tạp chí Fortune: Chiến tranh thương mại là khi một quốc gia áp thuế hay những rào cản khác dành cho những sản phẩm nhập khẩu, khiến cho các quốc gia khác trả đũa bằng cách áp dụng những mức thuế hay các biện pháp trừng phạt tương tự. Theo ông Manuel, ông Trump đã thật sự “tuyên chiến” bằng cách kêu gọi đánh thuế lên thép và nhôm nhập khẩu. Ông cũng nhận định những gì nước Mỹ có thể nhận được là các đối tác thương mại của Mỹ sẽ vận dụng pháp lý theo các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và bắt đầu trả đũa đối với những sản phẩm xuất khẩu của Mỹ.
nhung cuoc chien thuong mai trong qua khu
Cuộc chiến giữa thương mại tự do và các chính sách bảo hộ đã diễn ra trong một thời gian dài.
Chiến tranh thương mại là tốt? Là nhà nghiên cứu lịch sử thương mại, ông Paul Krugman cũng đã nhắc lại 3 cuộc chiến thương mại trong quá khứ, đồng thời khẳng định cuộc chiến nào cũng kết thúc bằng một hậu quả “thảm khốc” cho nền kinh tế của từng nước trong cuộc nói riêng và của nền kinh tế thế giới nói chung:
Pháp và Italy đi đến “chiến tranh”
Ngay sau khi thống nhất Italy năm 1871, quốc gia non trẻ này đã chuyển sang bảo hộ để nuôi dưỡng các ngành công nghiệp “sơ khai”, và theo đó chấm dứt hiệp định thương mại với Pháp vào năm 1886. Italy đã tăng mức thuế lên tới 60% để bảo vệ các ngành công nghiệp của mình khỏi sự cạnh tranh của Pháp.
Chính phủ Pháp đã đáp trả bằng cách thông qua chính sách bảo hộ mạnh mẽ mang tên Méline Tariff vào năm 1892. Cả hai quốc gia đều biết về những chi phí của chiến tranh thương mại, nhưng thiệt hại lan rộng hơn nhiều. Thương mại Pháp - Italy giảm đáng kể, tiếp theo là sự xáo trộn ở các nước nơi mà họ có giao thương.
Một kết quả không mong đợi nữa là nó đã đẩy Italy đến gần Đức và Áo - Hungary hơn trong những năm trước cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Canada
Mặc dù đảng Cộng hòa của Mỹ thời gian gần đây luôn tự gọi mình là “đảng của tự do thương mại” – dù trước cả Tổng thống Trump – song không phải lúc nào cũng vậy. Thực tế, những năm sau Nội chiến ở Mỹ, khi đảng Cộng hòa nắm giữ ghế tổng thống, đảng đã tự hào là đảng của sự bảo hộ về kinh tế.
Mỹ đã bãi bỏ hiệp ước có đi có lại với Canada vào năm 1866. Theo đó, Canada đã tìm cách trả đũa nước láng giềng phía Nam của mình. Năm 1879, Canada đã đưa ra chính sách bảo hộ của quốc gia mình thông qua tăng thuế. Một số công ty Mỹ như Singer Manufacturing, American Tobacco, Westinghouse và International Harvester đã quyết định chuyển sản xuất của mình sang Canada thay vì phải nộp thuế nhập khẩu cao. Vào cuối những năm 1880, 65 nhà máy của Mỹ đã di chuyển sang Canada.
Các căng thẳng thương mại đã đạt đến đỉnh điểm vào năm 1890. Đảng Cộng hòa khi đó nắm quyền điều hành các cơ quan hành pháp và lập pháp, đã thông qua chính sách bảo hộ McKinley Tariff. Hậu quả là xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ sang Canada đã giảm một nửa từ năm 1889 đến năm 1892.
Và khi Mỹ thông qua chính sách bảo hộ thậm chí còn mạnh hơn - Dingley Tariff vào năm 1897, thì Canada đã quyết định đáp trả bằng cách tăng gấp đôi  các khoản thuế và thắt chặt quan hệ thương mại với Anh hơn là với Mỹ. Vì thế phải mất gần một thế kỷ để tự do thương mại giữa Hoa Kỳ và Canada có thể phát triển.
"Chiến tranh Smoot-Hawley"
Các cuộc chiến thương mại không dừng ở cuối thế kỷ XIX. Các cuộc chiến thương mại đã diễn ra sau khi đảng Cộng hòa thông qua Dự luật thuế Smoot Hawley thành luật vào năm 1930, tăng thuế đánh vào hơn 20.000 sản phẩm.
Trong một nghiên cứu từ năm 1934, nhà kinh tế học chính trị Joseph M. Jones Jr. đã cắt nghĩa sự trả đũa của châu Âu. Nghiên cứu của ông đã đưa ra cảnh báo về các cuộc chiến thương mại có thể xảy ra khi chính sách thuế quan của một quốc gia “đe doạ hủy hoại” các ngành công nghiệp chuyên biệt ở các quốc gia khác, gây ra “nỗi thống khổ” đối với người dân của họ. Nghiên cứu này đã lấy dẫn chứng từ việc người Italy phản ứng dữ dội với chính sách bảo hộ Smoot-Hawley của Mỹ. Những chiếc ô tô do Mỹ sản xuất đã không thể xuất hiện trên các đường phố của Italy. Và vào tháng 6/1930, ông Benito Mussolini đã thề rằng “Italy sẽ bảo hộ theo cách riêng”. Các mức thuế đối với hàng hóa của Mỹ tăng lên, và tổng xuất khẩu của Mỹ sang Italy giảm từ 211 triệu USD năm 1928 xuống còn 58 triệu USD vào năm 1932. Thậm chí, sự giận dữ của Italy còn được đẩy lên cao hơn khi họ quyết định ký hiệp định thương mại với Liên bang Xô viết vào tháng 8/1930 và một hiệp ước không xâm lược lẫn nhau hai năm sau đó.
Nói rộng hơn, nhà kinh tế học Douglas Irwin đánh giá mức thuế năm 1930 “rất nguy hiểm đối với quan điểm thương mại của Mỹ” vì nó gây ra sự phân biệt đối xử về thương mại với Mỹ và “chuyển hướng thương mại hiện thời sang nơi khác”.
Nhà kinh tế Paul Krugman, chuyên gia phân tích kinh tế của tờ The New York Times cũng nhắc nhở chúng ta rằng, mặc dù Đạo luật thuế Smoot-Hawley không gây ra Đại suy thoái, nhưng các cuộc chiến tranh thương mại quốc tế đã đóng một vai trò quan trọng “trong việc ngăn chặn phục hồi thương mại khi sản xuất phục hồi”.
nhung cuoc chien thuong mai trong qua khu
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). (Nguồn: CNN)
Tại sao ông Trump muốn chiến tranh thương mại?
Với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, Tổng thống Mỹ D. Trump đã chính thức thông báo áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm. Tuy nhiên, chính sách này lại được hoãn thực hiện đối với các đối tác thương mại chính của Mỹ, bao gồm: Liên minh châu Âu (EU), Argentina, Australia, Brazil, Canada, Mexico và Hàn Quốc. Tiếp đó, Tổng thống Trump ký quyết định áp gói thuế quan trị giá tới 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu mặt hàng thép nhiều nhất thế giới. Loại trừ những đối tác thương mại chính không bao gồm Trung Quốc, đồng nghĩa với việc Tổng thống Trump trực tiếp ngăn chặn mặt hàng thép và nhôm của Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Mặt khác, gói thuế quan 60 tỷ USD là một đòn rất “nặng ký” đối với quốc gia phát triển dựa vào xuất khẩu như Mỹ.
Có hai nguyên nhân khiến Tổng thống Trump nhắm vào thị trường xuất khẩu của Trung Quốc. Thứ nhất là vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại. Liên tục trong nhiều năm qua, Trung Quốc xuất siêu vào Mỹ với tỷ trọng rất lớn và xu hướng này đang gia tăng mạnh. Tính riêng năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước khoảng 580 tỷ USD, trong khi Trung Quốc xuất siêu tới 288 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2016. Thứ hai là vấn đề sở hữu trí tuệ. Vừa qua, Mỹ đã khiếu nại Trung Quốc lên WTO, cáo buộc Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Mỹ cho rằng, Trung Quốc dường như đang phá vỡ các quy tắc của WTO bằng việc áp đặt những điều khoản hợp đồng bắt buộc một cách bất lợi-phân biệt đối xử và ít thuận lợi hơn cho công nghệ nước ngoài được nhập khẩu.
Đáp trả chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, Trung Quốc tuyên bố sẽ xem xét áp đặt các mức thuế trị giá 3 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Hành động “ăn miếng trả miếng” của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang thổi bùng lên nguy cơ về một cuộc chiến thương mại trên quy mô toàn cầu. Và nếu điều đó xảy ra sẽ tạo một cú sốc tiêu cực đối với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. Thậm chí, những tác động này có thể lớn hơn nữa nếu nó gây ảnh hưởng tạm thời lên chuỗi cung ứng toàn cầu, làm chậm đà tăng trưởng kinh tế, khiến lòng tin sa sút do những bất ổn liên quan đến chính sách thương mại. Đó là chưa kể những hành động trả đũa thương mại. Theo phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley, chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, trong đó các đồng tiền và thị trường chứng khoán khó tránh tác động tiêu cực…
Hai “đối thủ chính” - Mỹ và Trung Quốc - cũng sẽ phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Kế hoạch áp thuế nhập khẩu có thể khiến nền kinh tế Mỹ cải thiện được cán cân thương mại, song cũng đẩy tỷ giá thực của đồng USD tăng lên. Điều đó có thể dẫn tới sự giảm sút về sản lượng kinh tế và việc làm tại Mỹ. Ước tính, nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 20%-25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chưa tính tới hành động trả đũa, thì tỷ giá đồng USD tăng thêm 5% và GDP của Mỹ giảm đi 0,6% trong 5 năm tới. Đối với Trung Quốc, việc hàng hóa bị hạn chế vào một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất sẽ ngay lập tức ảnh hưởng nặng nề lên nền sản xuất trong nước. Hơn thế, trong trung và dài hạn, “ngôi vương” xuất khẩu của Trung Quốc, vốn đang lung lay, sẽ rất có thể bị hạ bệ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một điển hình mới về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và quan điểm chống toàn cầu hóa. Việc đó đang đe dọa làm chậm lại những tiến bộ toàn cầu về xóa đói, giảm nghèo, cũng như cải thiện an ninh lương thực, có thể tác động xấu tới cuộc sống của hàng trăm triệu người tại các nước đang phát triển.
Nói tóm lại, nếu một cuộc chiến thương mại xảy ra trên phạm vi toàn cầu, sẽ không ai có lợi. Thậm chí, tệ hại hơn, cuộc chiến chống đói nghèo tại những quốc gia, vùng lãnh thổ đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực.
http://baoquocte.vn/nhung-cuoc-chien-thuong-mai-trong-qua-khu-69479.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét