Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

VIỆT NAM ĐANG LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN TẠI BIỂN ĐÔNG


Lời mở đầu: Bài viết rất dài nhưng xin hãy dành thời gian để đọc hết.
1. Nhận diện đối thủ.
Đại đa phần người Việt nghĩ rằng, trên Biển Đông, đối thủ của Việt Nam chỉ có mỗi mình Trung Quốc. Thực chất, Trung Quốc chỉ là một trong những kẻ thù của Việt Nam tại Biển Đông. Hiện nay, Trung Quốc là kẻ thù công khai tuyên bố dã tâm, mong muốn độc chiếm phần lớn Biển Đông, ngoài ra, còn có rất nhiều đối thủ khác nhăm nhe ăn phần khi có “biến” hoặc luôn muốn biến Biển Đông thành một “thùng thuốc súng” thứ hai trên thế giới sau khu vực Trung Đông.
Hiện nay, có tới 9 quốc gia, vùng lãnh thổ tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Các quốc gia tuyên bố chủ quyền phần lớn tại Biển Đông bao gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, các quốc gia tuyên bố chủ quyền một phần tại Biển Đông bao gồm: Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines. Trong danh sách này, Việt Nam đã phân định biên giới trên biển xong với Thái Lan và Campuchia. Có một thực trạng rất phức tạp mà Việt Nam gặp phải đó là phần vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam cũng đang chồng lấn lên vùng biển mà các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền. Tức là ở đây, cuộc chiến phân định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam không phải chỉ với Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nữa. Điều này dẫn đến việc khi Việt Nam tham gia “lễ hội té nước” với Trung Quốc thì phía Indonesia, Malaysia lợi dụng quấy phá vùng biển phía Nam.
Trong Sách Trắng Quốc Phòng Việt Nam, phân đoạn nói về “Bối cảnh chiến lược và chính sách quốc phòng”, Việt Nam đã nhận diện được bối cảnh rất phức tạp sắp tới và đó là một ám chỉ ngầm về những đối thủ có thể nhăm nhe chủ quyền dân tộc. Đó là sáng kiến” Vành đai, Con đường” của Trung Quốc, “Chiến lược hành động hướng đông” của Ấn Độ và “Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Hoa Kỳ. Ba chính sách trên có 3 điểm chung, một là muốn gia tăng sức ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Biển Đông trong tương lai gần. Hai là việc tuyên bố rằng các quốc gia này sẽ không từ bỏ lợi ích của họ tại khu vực này. Ba là việc gián tiếp “ép” các quốc gia tại đây phải chọn “phe”. Điều nguy hiểm nữa của các quốc gia này là họ đều là những cường quốc, có những đồng minh thuộc dạng “cứng cựa” và sẵn sàng cùng nhau nhảy vào ăn chia “miếng bánh ngọt” Biển Đông.
Hiện nay, Việt Nam phải cẩn thận trước ba loại đối thủ tại Biển Đông
Một là đối thủ nguy hiểm trực tiếp. Đây là những kẻ thù tuyên bố rõ ràng mục đích của họ tại Biển Đông, xâm phạm công khai chủ quyền Việt Nam, đe dọa an ninh Việt Nam và khu vực thậm chí có thể sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự để đạt mục đích. Ở đây là Trung Quốc, sau đó là Đài Loan.
Hai là đối thủ có thể giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, đối thoại. Bao gồm các quốc gia có tuyên bố chủ quyền một phần Biển Đông trong khu vực như Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei. Thông qua biện pháp đàm phán, Việt Nam và các quốc gia này có thể giải quyết các mâu thuẫn trong vấn đề chủ quyền, mặt khác, có thể cùng lôi kéo các quốc gia này vào chung một nhóm với Việt Nam để gây sức ép mong muốn hòa bình, ổn định đến phía Trung Quốc, Đài Loan.
Ba là loại chực ăn phần và can thiệp vì lợi ích. Đại loại, đây là quốc không có chủ quyền trực tiếp tại Biển Đông nhưng luôn muốn có mặt để phân chia lợi ích, gia tăng sức ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực. Các quốc gia trong nhóm này có thể bao gồm Hoa Kỳ, phương Tây, thậm chí không loại bỏ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga.
Việt Nam nhận định rằng, hiện nay, Biển Đông tồn tại hai dạng thức chiến trường. Một là dạng thức chiến trường song phương giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông với nhau. Hai là dạng thức chiến trường giữa các cường quốc, đây là dạng thức quy mô hơn, nguy hiểm hơn, thậm chí không loại trừ rằng Biển Đông có thể trở thành “thùng thuốc súng” mới của thế giới.
Dạng thức chiến trường song phương đang diễn ra, đó là tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam - Trung Quốc, Trung Quốc - Philippines, Việt Nam - Indonesia… Còn dạng thức chiến trường giữa các cường quốc vẫn đang “cháy âm ỉ” và hoàn toàn có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.
2. Việt Nam muốn giữ nguyên hiện trạng, không quân sự hóa Biển Đông, không muốn biến Biển Đông thành "vùng biển có tranh chấp".
Nhiều bạn sẽ phản bác: Chủ quyền nước ta bị đe dọa, các quần đảo đang bị chiếm đóng toàn phần (Hoàng Sa, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1974) hoặc bị các nước chia nhau chiếm đóng (Trường Sa - bị Philippines, Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc chiếm giữ một số đảo), mà mày lại còn ủng hộ việc giữ nguyên hiện trạng Biển Đông à?
"Sách Trắng Quốc Phòng" còn kêu gọi không có hành động nào làm phức tạp tình hình hoặc mở rộng tranh chấp, đồng thời tránh quân sự hóa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Rõ ràng, năng lực quân sự của Trung Quốc đang là mối đáng lo ngại với Việt Nam.
Trước tiên, “giữ nguyên hiện trạng Biển Đông” không phải là việc đồng ý cho các quốc gia khác chiếm đóng các quần đảo. Mà đây là việc giữ yên hiện trạng hòa bình tại các khu vực Biển Đông, giữ yên việc thực trạng chiếm đóng tại các đảo, không tiến hành các vụ việc xâm lấn, xâm phạm, quấy rối của các quốc gia với phía Việt Nam, mấu chốt là giữ cho Biển Đông hòa bình, không có tiếng súng. Từ đó cho phép các quốc gia dùng các biện pháp hòa bình để đấu tranh cho chủ quyền lãnh thổ.
Việc giữ nguyên hiện trạng Biển Đông có những mục đích sau:
- Không để tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp hay các xung đột leo thang, không để xảy ra xung đột quân sự, nhằm tránh việc chạy đua vũ trang không cần thiết tại Biển Đông giữa các quốc gia có liên quan.
- Từ đó, tránh việc biến Biển Đông từ “vùng biển hòa bình” thành “vùng biển quân sự” hay “vùng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam” thành “vùng biển tranh chấp giữa các quốc gia”. Mặt khác, hạn chế việc quân đội các quốc gia không có chủ quyền trực tiếp hiện diện tại Biển Đông với lý do: “Đảm bảo hòa bình, đảm bảo tự do, an ninh khu vực”.
- Ngăn chặn việc các quốc gia đơn phương tiến hành bồi lấp, mở rộng các đảo trong Biển Đông, nhắm trực tiếp vào Trung Quốc, Đài Loan. Ngăn chặn việc quân sự hóa và dân sự hóa các đảo trong Biển Đông.
- Tập trung phát triển kinh tế, ổn định chính trị trong nước, có thời gian để tuyên truyền về chủ quyền biển đảo dân tộc, xây dựng quốc gia giàu mạnh hơn, bồi đắp nhuệ khí dân tộc, đảm bảo tự lực kinh tế. Từ đây, đầu tư thêm vào lực lượng quân đội và chấp pháp trên biển, tăng khả năng phòng thủ quốc gia, có sức răn đe, bảo vệ chủ quyền dân tộc.
3. Đưa mình vào vị thế của “kẻ bị bắt nạt”.
Trung Quốc đang thực hiện một tiến trình xây dựng hình ảnh khổng lồ trên toàn thế giới. Bản thân quốc gia này nhận định rõ rằng, nói chung, hình ảnh Trung Quốc trong suốt một thời gian dài trước đây không hề tốt đẹp vì bị truyền thông phương Tây chi phối, định hình. Bây giờ, Trung Quốc đang mong muốn hòa mình vào dòng chảy thế giới, thiết lập một hình ảnh đối lập so với những gì truyền thông phương Tây đã ốp trong bao nhiêu năm qua, quan trọng nhất là Trung Quốc muốn hình ảnh quốc gia cải thiện trong con mắt thế giới. Mặc dù đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, diện tích, dân số đều lớn nhưng Trung Quốc chưa có được vị thế khiến các quốc gia khác phải kính nể.
Năm 2013, Trung Quốc đưa ra sáng kiến “Vành đai, con đường” nhằm để phát triển quan hệ đối tác kinh tế với các quốc gia và khu vực dọc lục địa Á-Âu, châu Phi, men theo Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Ngoài việc tập trung vào vấn đề kinh tế, Trung Quốc cũng có những nỗ lực xây dựng hình ảnh quốc gia thông qua văn hóa, giáo dục, nghệ thuật.
Vậy thì việc này có liên quan gì đến việc: Việt Nam đưa bản thân vào vị thế của “kẻ bị bắt nạt”?
Đầu tiên, hãy chú ý rằng Việt Nam vẫn tham gia vào “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc, nếu nghe theo lũ báo lề trái, thì đây là một hành động “quy phục thiên triều”. Nhưng đằng sau quyết định này, có ba mục đích:
Một là Việt Nam muốn chứng tỏ với thế giới về việc hòa nhập, làm bạn với các quốc gia. Việc tham gia vào “Vành đai, Con đường” có nhiều lợi ích lớn trong kinh tế, ngoại giao. Về mặt kinh tế, thị trường mà “Vành đai, Con đường” đi qua đều là các thị trường mà Việt Nam muốn khai thác lâu dài, các đối tác tại tại “Vành đai, Con đường” đều có quan hệ mật thiết với phía Việt Nam. Về mặt ngoại giao, khi gia nhập bất cứ một nhóm nước không phải liên minh quân sự nào cũng đều có lợi cả.
Hai là Việt Nam nêu cao quan hệ với Trung Quốc, đặt vị thế Trung Quốc ở một nấc cao trong quan hệ ngoại giao. Mặc dù có những tranh chấp về lãnh thổ, nhưng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại. Việt Nam luôn muốn hợp tác cùng Trung Quốc, trở thành đối tác láng giềng thân thiện. Cái mác Việt Nam là “Mini China” không phải là một cái mác khiến Việt Nam khó chịu, thậm chí là một cái mác để uy hiếp ngược lại Trung Quốc.
Ba là việc tận dụng “Vành đai, Con đường” khắc chế lại Trung Quốc. Tại sáng kiến này, Trung Quốc chính là điểm đầu của sợi dây xích “Vành đai, Con đường”, Việt Nam với tư cách thành viên hàng xóm sẽ là một “mắt xích” trong cái dây xích đó, nếu mắt xích này bị “đứt” ở Việt Nam, thì cái xích “Vành đai, con đường” này sẽ gặp trở ngại lớn trong việc vận hành, thậm chí có thể đứt rời. Điều này đến từ việc, nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực, tư tưởng bá quyền, ỷ mạnh hiếp yếu đối với Việt Nam, một quốc gia trong “Vành đai, Con đường”, thì các quốc gia khác cũng sẽ giữ trong mình tư tưởng lo lắng về Trung Quốc, thậm chí không còn tin Trung Quốc nữa. Vì nếu thực tế đó xảy ra, Trung Quốc sẽ bị các quốc gia khác suy nghĩ rằng: “Với một quốc gia hàng xóm, chân thành tham gia và đóng góp vào sáng kiến do Trung Quốc đưa ra mà còn bị Trung Quốc đối xử tệ bạc thì một quốc gia ở xa hơn cũng sẽ chẳng được coi trọng, thậm chí đang bị lợi dụng”.
“Vành đai, Con đường” có thể được ví như một hệ thống tuần hoàn máu. Trong đó Trung Quốc đóng vai trò là trái tim, các quốc gia khác đóng vai trò các đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch chủ, nếu cầm máu không được, cả hệ thống tuần hoàn sẽ tan vỡ, trái tim cũng ngừng hoạt động theo.
Việc đặt mình vào vị thế của “kẻ bị bắt nạt” cùng nhằm tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam rõ ràng là một kẻ yếu, mà kẻ yếu thì thường được dư luận “bênh”. Nhưng muốn bênh, thì Việt Nam rõ ràng phải thể hiện rằng Việt Nam “xứng đáng được bênh”.
Điều này nằm ở nghĩa vụ và vai trò của Việt Nam trên trường thế giới, thật may, Việt Nam đã bắt đầu quá trình xây dựng hình ảnh, bằng chứng cho việc đó là những thành quả đến từ nền ngoại giao chân chính. Đó là việc gây dựng hình ảnh ở châu Phi, tham gia vào các tổ chức ngoại giao trên thế giới, xây dựng tiếng nói chủ chốt trong cộng đồng ASEAN, kí kết thành công EVFTA, tổ chức thành công hội nghị Mỹ - Triều, trung lập trong mọi vấn đề quốc tế nhưng vẫn có bản sắc riêng. Bản sắc riêng thể hiện ở việc mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền dân tộc khi ủng hộ Mỹ gỡ cấm vận Cuba, ủng hộ Tây Ban Nha trong vụ việc ly khai, thậm chí ủng hộ chủ quyền Trung Quốc trong vụ việc với Đài Loan…
Việt Nam muốn tận dụng công cuộc xây dựng hình ảnh quốc gia của Trung Quốc. Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc, đi đầu trong công tác duy trì ổn định, hòa bình thế giới, nếu Trung Quốc “gây chiến” với Việt Nam, điều này sẽ khiến Trung Quốc bị tổn hại hình ảnh nghiêm trọng, đánh mất vai trò là "nước lớn". Liệu pháp này từng được Việt Nam sử dụng để có được sự ủng hộ của thế giới trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ, ngay chính người dân Mỹ cũng phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam, các quốc gia khác lên án nước Mỹ, thậm chí ngay cả các đồng minh thân cận của Mỹ cũng khuyên Mỹ không dính dáng đến Việt Nam nữa, tạo điều kiện cho Việt Nam giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
4. Ngoại giao và “Miếng bánh ngọt”.
Trong "Sách Trắng Quốc Phòng" có đoạn: Việt Nam chào đón các tàu của hải quân, lính bảo vệ bờ biển, biên phòng của các nước hoặc các tổ chức quốc tế đến thăm các cảng biển hoặc hợp tác giao lưu quốc phòng. Điều này nhằm mục đích bác bỏ đề nghị hạn chế các hoạt động của các quốc gia không có chủ quyền liên quan đến Biển Đông của phía Trung Quốc trong "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" với khối ASEAN. Các chuyên gia quốc tế chú ý đến việc Sách Trắng 2019 bổ sung thêm nguyên tắc ''không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế'', vào nhóm 3 nguyên tắc trong chính sách quốc phòng Việt Nam, thường được coi là nguyên tắc ''Ba Không'' bao gồm: Không liên minh quân sự, không liên kết với nước này chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống nước khác.
Chính sách lược này, vừa làm dịu tình hình trong khu vực vốn đã căng thẳng bởi những vấn đề chủ quyền, vừa trấn an Trung Quốc rằng Việt Nam sẽ không bao giờ trở thành “kẻ thù của Trung Quốc” hoặc trở thành nơi để “kẻ thù của Trung Quốc đóng quân”, vừa khiến bạn bè trong khu vực thở phào, mặt khác, cũng tuyên bố thẳng quân cảng Cam Ranh - chỉ để ngửi chứ không thể “ăn” trước những lời chèo kéo của các cường quốc.
Vì quá rộng lớn, Trung Quốc từng được các quốc gia phương Tây coi là “miếng bánh ngọt”, chia năm chia bảy để thuận tiện cai trị và đô hộ. Mặc dù Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, nhưng điểm yếu chết người của Trung Quốc chính là việc Trung Quốc có quá nhiều vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giếng, bản thân nội tại Trung Quốc cũng gặp quá nhiều vấn đề. Ngoài Biển Đông, Trung Quốc còn đang tranh chấp lãnh thổ hầu khắp các quốc gia có chung đường biên giới trên bộ hay biển, chỉ trừ Pakistan - có thể coi là một đồng minh của Trung Quốc.
Những cái tên “máu mặt” đang có tranh cãi về lãnh thổ với Trung Quốc bao gồm: Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, điều thực tế, Việt Nam đều có những quan hệ thực sự khăng khít với các quốc gia này trên các bình diện như kinh tế, ngoại giao, quốc phòng. Nền tảng mà Việt Nam xây dựng không phải là “quan hệ đồng minh” mà là “đối tác”. Việt Nam biết rõ rằng các quốc gia này luôn cảnh giác với Trung Quốc, các mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia này có thể thuận tiện hơn việc thu hút viện trợ, tài chính, vũ khí, khí tài. Mặt khác cũng có tính răn đe hiệu quả về mặt ngoại giao.
Mặc dù luôn tuyên bố lãnh thổ Trung Quốc là thống nhất, nhưng chưa từng kể từ khi thành lập nước, Trung Quốc có được sự thống nhất. Trong đó, Đài Loan là một phần chủ quyền quan trọng trong công cuộc thống nhất, ngoại giao của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc thu hồi toàn vẹn Đài Loan, Trung Quốc sẽ gây áp lực mạnh mẽ đến quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) và chiếm giữ thêm một phần các đảo tại Trường Sa, trong đó có đảo Ba Bình - đảo lớn nhất tại Trường Sa. Phải thừa nhận một thực tế, việc Đài Loan vẫn đang sống khỏe trước Trung Quốc cũng khiến Trung Quốc không thể tập trung toàn lực xuống Biển Đông, Việt Nam cũng giảm một phần áp lực trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Dù gì, đối phó với Đài Loan cũng dễ hơn đối phó với Trung Quốc.
Việt Nam nhận thức được các mối đe dọa từ Trung Quốc và các cường quốc, qua đó tuyên bố cam kết hợp tác với tất cả các quốc gia và sẵn sàng mở rộng quan hệ quốc phòng, bất kể sự khác biệt về thể chế chính trị hay chênh lệch kinh tế. Nhưng Việt Nam vẫn có những giới hạn quan trọng không thể vượt qua, đó là không trở thành đồng minh, không cần đồng minh, nêu cao sự tự lực dân tộc, chính sách đã theo suốt hàng ngàn năm lịch sử dân tộc.
5. Xây dựng lực lượng quân sự và chính sách phòng thủ.
Về điều này, có thể liên quan đến các vấn đề quốc phòng vốn rất nhạy cảm, tác giả xin phép tập trung các hướng đơn giản, dễ hiểu để người đọc dễ dàng tiếp nhận thông tin hơn.
Một là, Việt Nam khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là “hòa bình, tự vệ”, Việt Nam chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hoà bình. Việt Nam chủ trương từng bước hiện đại hoá quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng chỉ nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ.
Hai, không ngừng tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi với toàn bộ hai quần đảo là Trường Sa, Hoàng Sa. Việc Việt Nam mở rộng, nâng cấp, kiên cố hóa, hiện đại hóa các đảo tại Biển Đông chỉ nhằm tạo điều kiện để nhân dân và các lực lượng đóng quân được an toàn, yên tâm làm ăn, khai thác thủy hải sản, tránh thiên tai.
Ba, xây dựng và áp dụng nền tảng quốc phòng toàn dân. Lực lượng quân đội kết hợp cùng lực lượng chấp pháp hoạt động bên cạnh lực lượng ngư dân đảm bảo an ninh, tự do, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.
Bốn, hiện đại hóa, khí tài hóa lực lượng không quân, hải quân. Đảm bảo bảo vệ vững chắc vùng biển, hải đảo, vùng trời, không phận Tổ Quốc.
Năm, không nổ súng trước dù xảy ra bất cứ tình huống nào.
(*) Tiểu kết:
Việt Nam, đã và đang hiểu rất rõ những gì quốc gia nhỏ bé này phải làm để giữ gìn chủ quyền Biển Đông. Mặc dù đối thủ của Việt Nam có thể là một Trung Quốc hùng mạnh, các cường quốc lớn hay những quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam vẫn vạch ra được "lằn ranh đỏ" nhất quán trong chính sách ngoại giao, quân sự.
Việc tái khẳng định chủ quyền lãnh thổ trong suốt thời gian qua không phải là hèn kém, mà đó là động thái, là một thông điệp gửi đến những kẻ xâm lược rằng Việt Nam sẽ không sợ hãi mà kiên quyết khẳng định chủ quyền quốc gia không thể tranh cãi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét