Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

Văn hóa chiến lược Trung Quốc và tranh chấp Biển Đông

chi_nav12


Nguồn: Miles Maochun Yu, “Understanding China’s Strategic Culture Through Its South China Sea Gambit”, Hoover Institution, 09/05/2016.
Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trong khi các cuộc xung đột vũ trang ở Syria, Iraq và các điểm nóng khác trên thế giới vẫn ác liệt, cuộc xung đột nghiêm trọng mang tầm vóc lịch sử có thể lôi kéo một số cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, kể cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, và thậm chí cả Nga, lại đang sôi sục thật sự ở Biển Đông. Trung tâm của cuộc xung đột này là yêu sách biển và lãnh thổ ngông cuồng của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông, điều đang gây bất an cho hầu hết các nước trong vùng, gây quan ngại cho các bên liên quan chính dọc tuyến hải hành nhộn nhịp nhất thế giới, và thách thức các luật hàng hải quốc tế chính yếu cũng như các khuôn khổ diễn giải về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Tuy nhiên, các hành động mới đây của Trung Quốc ở Biển Đông chớ nên được xem đơn giản chỉ là một sự phản ánh sự thịnh suy bình thường của các quốc gia, được khuấy động bởi các lo lắng hay lợi ích bản thân phổ biến. Chúng tuân theo một logic nhất quán của lịch sử Trung Quốc và chúng có căn gốc sâu xa từ văn hóa chiến lược lâu đời của nước này. Các yếu tố chính của điều đó bao gồm:
Tư tưởng Hoa tâm
Trong lịch sử lâu dài của Trung Quốc, không như ở phần còn lại của thế giới, nước này chẳng bao giờ sẵn lòng chấp nhận sự bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia lớn và nhỏ. Nằm ở tâm điểm của văn hóa chiến lược Trung Quốc là thuyết Hoa tâm vốn đặt Trung Quốc vào địa vị quan trọng nhất của thế giới với trách nhiệm đạo lý cai trị thiên hạ thông qua nền văn hóa và thể chế thượng đẳng và ưu việt của Trung Quốc. Đây là một triết lý chính trị được minh họa toàn diện trong tuyên ngôn năm 2010 được gọi là “Trung Quốc mộng” của một cây bút quân đội Trung Quốc. “Chưa từng có một điều nào trên thế giới tương tự như sự trỗi dậy hòa bình của dân tộc này”, Đại tá Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Lưu Minh Phúc đã viết trong cuốn sách 300 trang bán chạy nhất ở Trung Quốc. “Trung Quốc sở hữu một gen văn hóa thượng đẳng cần thiết để trở thành người lãnh đạo thế giới”. Không biết do tình cờ hay chủ ý, bản cương lĩnh chính trị tổng thể của lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình cũng được gọi là “Trung Quốc mộng”. Do đó, Trung Quốc không đơn giản chỉ là một đất nước quan trọng, mà còn là một khối văn minh giúp tạo cảm hứng để thế giới muốn giống Trung Quốc hơn và chấp nhận hình thái quản trị chính quyền của Trung Quốc.
Trên thực tế, tư duy nạn nhân và bị sỉ nhục bất di bất dịch được chính phủ Trung Quốc khuấy động mạnh mẽ nhiều thập kỷ qua vừa nói về nỗi đau khôn nguôi của Trung Quốc kể từ cuộc chiến tranh nha phiến thập niên 1840 dưới tay các đế quốc phương Tây, vừa là về sự oán giận và ghê tởm trước thực tế rằng Thiên triều vĩ đại giờ bị các nước nhỏ man di hạ đẳng với một di sản văn hóa kém cỏi hoặc không tinh tế và kém thông tuệ bằng bắt nạt.
Áp dụng vào bàn cờ Biển Đông, hành vi hung hăng của Trung Quốc và yêu sách trên biển quá đáng có thể tóm lại đơn giản là nhằm khắc phục việc Đại quốc không được những nước nhỏ rắc rối quanh Biển Đông tôn trọng, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, hai nước chống Đại quốc nhất.
Thậm chí người ta chẳng cần đọc đi ngẫm lại mới nhận ra những phát biểu thường thấy của các quan chức hàng đầu của Trung Quốc về chuyện các tiểu quốc (xiaoguo) không được chống lại đại quốc (daguo) ra sao. Kể từ tháng 3 năm 2013, lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình đã hình thành nên nòng cốt chính sách đối ngoại của mình, nói gọn là “ngoại giao nước lớn”. Cựu Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Lưu Hoa Thanh (刘华清 – Liu Huaqing) nhiều lần nói với đồng nhiệm người Mỹ thời những năm 1990 rằng vấn đề của ông ta không phải là Trung Quốc, trong vai trò một đại quốc, bắt nạt các nước nhỏ, mà ngược lại, tức là, các tiểu quốc bắt nạt đại quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc, đáng chú ý nhất là tờ Hoàn cầu thời báo theo chủ nghĩa dân tộc, đã biện minh cho tính hiếu chiến của Trung Quốc đối với nhiều nước láng giềng như là hành động “trừng phạt” để dạy cho các tiểu quốc bài học và phục hồi sự thần phục của họ với Đại quốc.
“Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, đó chính là thực tế”, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì từng nói như vậy với người đồng nhiệm Singapore hồi năm 2010. Ngoại trưởng kế nhiệm Vương Nghị, khi khẳng định Trung Quốc sẽ rộng lượng với các “nước nhỏ hơn” ở khu vực Biển Đông, đã nói rõ với thế giới hồi tháng 3 năm 2014 rằng “chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận đòi hỏi vô lý từ các nước nhỏ.”
Vương đạo – Phương pháp xây dựng đế chế Trung Hoa thông qua sự thuyết phục mang tính cưỡng bức
Liên quan chặt chẽ với thuyết Hoa tâm là cách tiếp cận lão luyện của Trung Quốc nhằm chinh phục thông qua thuyết phục đạo lý, khuất phục bằng sự thừa nhận tự nguyện uy quyền tối cao của Trung Quốc. Đây là một yếu tố của văn hóa chiến lược Trung Quốc gọi là Vương đạo (王道 – wangdao), hay Con đường (chân chính) của Thánh vương. Theo mưu đồ này, vũ lực sẽ chỉ được sử dụng nếu/khi các nước nhỏ không chấp nhận Vương đạo của Trung Quốc và khước từ khấu đầu trước một Trung Quốc cao thượng và nhân từ. Nếu họ chọn cách tiếp tục chống lại đề nghị rộng lượng về uy quyền và bá chủ của Trung Quốc thì Trung Quốc cảm thấy bị khinh rẻ.
Do đó, Trung Quốc luôn có xu hướng nghĩ mình là nạn nhân của việc các nước nhỏ rắc rối bất kính, họ đương nhiên đáng bị trừng phạt và áp dụng vũ lực, kiểu hành động như của diễn viên hài Rodney Dangerfield với câu nói cửa miệng “tôi chẳng được tôn trọng gì cả”.
Bởi vậy, từ quan điểm của Trung Quốc, sự gia tăng sức mạnh quân sự ở Biển Đông, từ cải tạo các đảo để xây đường băng quân sự, lắp đặt các thiết bị radar quân sự và dàn tên lửa phòng không, cho đến việc triển khai các chiến đấu cơ siêu âm và một hạm đội tàu chiến ở khu vực tranh chấp, luôn được các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem là mang bản chất phòng thủ, một cách công bằng và hữu lý nhằm tái lập trật tự khu vực và thế giới vốn bị lệch lạc cho phù hợp với trật tự nguyên bản đúng đắn của nó.
Tuy nhiên, Vương đạo không chỉ là về các khái niệm, cách tiếp cận và tư duy lỗi thời. Nó cũng thể hiện một ý thức mạnh mẽ về chủ nghĩa hiện thực chiến lược. Một bộ phận chính yếu của quan niệm hiện thực này có thể thấy rõ từ thiên hướng của Trung Quốc cố tình gây thẳng quân sự và tiến hành chính sách bên miệng hố chiến tranh đầy khiêu khích để làm con bài mặc cả trước một cuộc đàm phán trọng yếu. Mô hình này có thể được dẫn chứng đầy đủ trong các hành vi quân sự của Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, và dễ thấy nhất là trong mớ hỗn loạn ở Biển Đông hiện nay.
Những gì Trung Quốc đang làm với sự leo thang sức mạnh quân sự ở biển Đông là để gây áp lực lên Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye, nơi sắp ra phán quyết về vụ kiện pháp lý chống lại yêu sách Biển Đông của Trung Quốc do Philippines đệ trình. Tòa án được cho là sẽ ra phán quyết có lợi cho Manila.
Lòng tin và sự dối trá
Trung Quốc là nạn nhân của truyền thuyết chiến lược của chính bản thân mình. Hạt nhân tư duy chiến lược của Trung Quốc ra đời thời Chiến Quốc hơn hai ngàn năm trước. Đó là thời của nhiều nhà chiến lược xuất sắc và vô số tác phẩm về chiến tranh và chiến lược. Kể từ đó, ít có sự đổi mới tư duy chiến lược quân sự nào có thể được xem là vượt trội hơn so với các tác phẩm chiến lược quân sự phong phú và các luận thuyết thời Chiến Quốc ấy.
Thời Chiến Quốc được biết đến với các cuộc chiến tàn phá lẫn nhau ở nhiều tiểu quốc Trung Quốc đang tranh giành quyền lực tối cao. Đó là một cuộc đại cạnh tranh giữa các nước ít nhiều ngang hàng nhau, không một nước nào có khả năng để đánh bại kẻ thù của mình một cách dễ dàng. Những điều kiện này làm nâng tầm quan trọng của các liên minh quân sự và chính trị nhằm áp đảo đối thủ chính của mình. Tuy nhiên, một khi mục đích ngắn hạn là đánh bại một kẻ thù chung hoàn tất, các đồng minh cũ nhanh chóng trở thành thù địch của nhau bằng cách hình thành các liên minh lợi ích mới. Mẫu hình của sự lừa dối và chủ nghĩa cơ hội đó được chấp nhận rộng rãi như là hoàn chuyện toàn bình thường, và chẳng có ai ác cảm với các đồng minh bấp bênh đó bởi vì đối với tất cả mọi người, mọi thứ chỉ là một trận đấu quyền lực và một cuộc đấu tranh vì uy quyền tối cao. Chẳng có nguyên tắc nào bị vi phạm, bởi chỉ có một nguyên tắc là nước này sử dụng nước kia cho các mục đích ích kỷ của mình.
Tuy nhiên, việc xây dựng liên minh thời Chiến Quốc đã để lại một dấu ấn không phai nhòa lên văn hóa chiến lược Trung Quốc ngày nay, một chiến lược đặt nặng thủ đoạn ngắn hạn và dối trá chứ không phải niềm tin chiến lược và tình bạn dài hạn.
Vì thế chúng ta thấy một sự đổ vỡ tận gốc rễ lòng tin lẫn nhau giữa Trung Quốc và hầu hết lân bang, đặc biệt là các nước ASEAN có tranh chấp với các yêu sách Biển Đông của Trung Quốc. Dù Trung Quốc làm gì thì những điều đó cũng không thể hiện sự nhất quán và khả tín, bởi các tính toán của Bắc Kinh thường dường như sượng trơ ra và hiển nhiên phi lô-gic.
Lấy cách tiếp cận chủ yếu của Trung Quốc với các quốc gia ASEAN làm ví dụ. Một mặt, Trung Quốc chấp nhận Bộ quy tắc ứng xử ASEAN như quy định bắt buộc đối với mọi nước, nhưng mặt khác, Trung Quốc cũng thẳng thừng chối từ bất kỳ tuyên bố chung nào khác của ASEAN về các tranh chấp, mặc kệ các nước nghi ngờ về động cơ của mình. Ở đây, văn hóa chiến lược thời Chiến Quốc lộ diện hoàn toàn.
Một ví dụ khác: Trung Quốc là một thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển [UNCLOS], nhưng Trung Quốc phủ nhận tuyệt đối bất kỳ tính hợp pháp nào của trọng tài quốc tế được quy định cụ thể bởi UNCLOS. Là một thành viên của UNCLOS, Trung Quốc cương quyết từ chối tham gia vào vụ kiện trọng tài do Philippines đệ trình. Làm như vậy chẳng thể giúp Trung Quốc xây dựng lòng tin quốc tế đối với sự chân thành của mình. Một lần nữa, bóng ma văn hóa chiến lược Chiến Quốc ám lấy Trung Quốc, gây hại dữ dội cho hình ảnh Trung Quốc.
Cuối cùng, Trung Quốc lớn tiếng phản đối bất kỳ vai trò nào của Hoa Kỳ trong tranh chấp Biển Đông, cáo buộc Mỹ là một quốc gia “ngoại cuộc” xa xôi về địa lý, không có bất kỳ tranh chấp chủ quyền biển, hàng hải hay lãnh thổ nào với Trung Quốc ở Biển Đông. Châu Á là của người châu Á. Tuy nhiên, Trung Quốc làm hỏng luận điệu của bản thân bằng cách tích cực tìm kiếm sự can dự của Nga, một nước rõ ràng “ngoại cuộc” trong vấn đề Biển Đông. Tháng trước Ngoại trưởng Nga và Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung lên tiếng phản đối vai trò của Hoa Kỳ như một nước “ngoại cuộc”. Sự phi lý của Bắc Kinh khó mà che dấu được.
Trong mọi trường hợp, Trung Quốc đều muốn đạt được các mục đích nước đôi, bất chấp thiện chí quốc tế và luật pháp quốc tế, khiến uy tín của mình phải trả giá, biến Trung Quốc thành một “Đại quốc” với tư duy bắt nạt “Tiểu quốc”, một hội chứng Chiến Quốc kinh điển vốn đã thấm sâu vào tư duy chiến lược của Trung Quốc hàng thiên kỷ nay.
Miles Maochun Yu là giáo sư lịch sử Đông Á, quân đội và hải quân tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ (USNA). Ông là tác giả của nhiều bài báo nghiên cứu về quân sự và tình báo và các bài xã luận trên báo chí. Các cuốn sách của ông bao gồm OSS in China: Prelude to Cold War (Yale University Press, 1997), và The Dragon’s War: Allied Operations and the Fate of China, 1937–1947 (Naval Institute Press, 2006).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét