Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

Viêm phổi Vũ Hán – Con virus xổng chuồng và nhà khoa học nói dối.


Đây không phải là một bài viết về thuyết âm mưu. Hôm nay chúng ta sẽ cùng mở một phiên toà giả định, dùng những lý lẽ và bằng chứng để trực tiếp hay gián tiếp chứng minh, đặt nghi vấn cho nguồn gốc Virus xuất phát từ Trung Quốc. Viêm phổi Vũ Hán hiện đã cướp đi sinh mạng của hơn một trăm ngàn người và làm ảnh hưởng hàng tỷ người khác trên toàn cầu, việc tìm ra nguồn gốc thực sự của nó là vô cùng quan trọng. Bởi vì nếu như không tìm ra được nguồn gốc, dịch bệnh này hoàn toàn có thể tái bùng phát trong tương lai với những biến chủng mới, lúc đó chẳng lẽ nhân loại sẽ lại cắn răng chịu đựng một phen điêu đứng tiếp theo hay sao?
Và trước khi bạn nói rằng “Ồ, nhưng có thông tin các nhà khoa học đã chứng minh được con Virus này có nguồn gốc từ tự nhiên rồi mà?” Mình xin khẳng định rằng bạn nên đọc hết bài, bởi vì “Virus có nguồn gốc từ tự nhiên” không mâu thuẫn với khả năng nó đã bị rò rỉ ra ngoài từ một phòng thí nghiệm! Trái lại, trong trường hợp của dịch bệnh lần này, nguồn gốc tự nhiên chính xác của Virus là một luận điểm quan trọng để buộc tội Trung Quốc.
Điểm nhanh qua một vài kiến thức căn bản trước khi bắt đầu “phiên toà” chất vấn bị cáo là Trung Quốc:
- Viện nghiên cứu Virus học Vũ Hán – Wuhan Institute of Virology, là phòng nghiên cứu virus và các chủng truyền nhiễm hiện đại nhất của Trung Quốc, ở đây lưu trữ và nghiên cứu hơn 1500 loại virus khác nhau. China Daily, cánh tay truyền thông lớn nhất của chính phủ Trung Quốc tại nước ngoài từng rất tự hào khoe khoang điều này trên twitter năm 2018, sau khi dịch bùng phát đã phải gỡ bỏ. Tuy nhiên, chứng cứ này vẫn có thể bị truy ra! [ảnh 1]
- Thạch Chính Lệ, trưởng phòng nghiên cứu Virus học Vũ Hán, là một nhân tài kiệt xuất trong lĩnh vực Virus học. Bà đã dành phần lớn thời gian nghiên cứu của mình tìm hiểu chuyên sâu về các loại virus chủng Corona trên dơi. Thạch Chính Lệ còn là người đầu tiên phát hiện ra virus chủng SARS có nguồn gốc từ dơi và cũng từng đi rất nhiều nơi trên khắp Trung Quốc để bắt những con dơi về nghiên cứu. [ảnh 2]
- Viêm phổi Vũ Hán không có nguồn gốc từ chợ Hải Sản Hoa Nam, cho đến nay vật chủ trung gian của SARS-CoV-2 vẫn chưa được xác định.*
#1. Nghi vấn thứ nhất: Nhà khoa học nói dối.
Nên biết rằng không phải bất kì loại virus trên động vật nào cũng có thể tấn công con người nếu không có những cơ chế thích hợp. Giới khoa học đã xác định được cách SARS-CoV-2 xâm nhập được tế bào của người là do thông qua một chìa khoá đặc biệt là S Protein (Spike protein). S Protein trên SARS-CoV-2 tấn công vào thụ thể ACE 2 (enzym chuyển angiotensin 2) trên tế bào người, mở toang cánh cửa cho virus.
Người tìm ra cơ chế đặc biệt này không ai khác là Thạch Chính Lệ. Điển hình như năm 2010, Thạch Chính Lệ đã viết rất rõ trong nghiên cứu “Identification of key amino acid residues required for horseshoe bat angiotensin-I converting enzyme 2 to function as a receptor for severe acute respiratory syndrome coronavirus” rằng chỉ cần một thay đổi nhỏ trong bộ gene là có thể biến ACE2 trên dơi móng ngựa thành thụ thể thích hợp cho Virus SARS. Qua đó bà cũng cảnh báo mối nguy hiểm từ một virus chủng SARS biến đổi để lây truyền sang người [1]. Nguy cơ bùng dịch của chủng Corona Virus cũng đã được Thạch Chính Lệ nhắc lại chỉ mới tháng 3, 2019 qua nghiên cứu “Bat Coronaviruses in China”. [2]
Tuy nhiên khi dịch Viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại Trung Quốc, Thạch Chính Lệ với thừa kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, đã lờ đi những nghiên cứu trước đây của mình. Cụ thể:
- Bà ta không nói đến khả năng liên quan đến việc tái tổ hợp (recombination) trong S Protein của SARS-CoV-2, chi tiết quan trọng của sự lây nhiễm khác loài và xâm nhập cơ thể người, dù vẫn ghi nhận có “sự dị biệt rất lớn”. Để so sánh, một nhóm nhà khoa học Trung Quốc ít tiếng tăm hơn trước đó một ngày đã cho rằng có sự tái tổ hợp tương đồng (homologous recombination) nằm ở S Protein, qua đó nghi ngờ rằng Corona virus chủng mới được tái tổ hợp từ nguồn gốc là một loại virus trên dơi và đặt giả thuyết rắn là vật chủ trung gian (tức xảy ra lây nhiễm khác loài trên động vật – điều Thạch Chính Lệ đã bỏ qua). Do đó ban đầu người ta giả thuyết một phần nguồn gốc của SARS-CoV-2 là từ rắn hay sau này là tê tê. [3][4].
- Bà ta viết rằng “chưa có sự lây nhiễm quy mô lớn nào từ người sang người”. Đây là một lời nói dối trắng trợn và nhiều khả năng có sự định hướng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trong khi các quan chức Trung Quốc dùng cả tháng 1/2020 để trấn an dư luận là virus chưa truyền từ người sang người với một mức độ nghiêm trọng, thì thực tế các bác sĩ tại thành phố Vũ Hán đã biết điều ngược lại từ cuối tháng 12. [5][6]
Như vậy Thạch Chính Lệ đã đưa ra những thông tin sai lệch thông qua báo cáo khoa học của mình, vốn được công bố cùng ngày với việc phong toả Vũ Hán 23/1. Trên cương vị một nhà khoa học thuần tuý, không có lí do nào để trưởng viện nghiên cứu Virus Vũ Hán giấu diếm những thông tin quan trọng về dịch tễ. Chính quyền Bắc Kinh giải thích ra sao về việc này?
#2. Nghi vấn thứ hai: Tại sao Trung Quốc lại phá huỷ các mẫu bệnh phẩm và cho rằng nguồn gốc của dịch bệnh là từ chợ Hải Sản Hoa Nam?
Tờ TheTimes ngày 1/3 dẫn một tin rất đáng chú ý từ Caixin Global rằng nhiều phòng thí nghiệm ở Trung Quốc đã được lệnh phải huỷ các mẫu bệnh phẩm, tức là huỷ đi những chứng cứ quan trọng về chủng virus đang bùng phát tại nước này. Lệnh huỷ các mẫu bệnh phẩm và hơn nữa là ngừng xét nghiệm được đưa ra vào ngày đầu tháng 1, trước lúc Trung Quốc chính thức công bố bùng dịch tại Vũ Hán. Một nguyên nhân có thể lí giải cho việc này là việc Trung Quốc muốn che giấu khủng hoảng như đặc điểm trước nay của những nhà nước độc tài.
Tuy nhiên nếu muốn che mắt người dân, họ chỉ cần bưng bít truyền thông là đủ. Các mẫu bệnh phẩm của những người bệnh đầu tiên luôn là thông tin dịch tễ quan trọng để các nhà khoa học khoanh vùng được ổ dịch, tránh sự lây lan rộng hơn. Cần biết rằng dựa vào việc phân tích những mẫu bệnh phẩm, các phòng thí nghiệm có thể vẽ ra được “cây phả hệ” của virus, xác định được một cách tương đối chính xác nguồn lây nhiễm. [7]
Hành động huỷ các mẫu bệnh phẩm đến cùng ngày với việc đóng cửa chợ Hải Sản Hoa Nam và Trung Quốc cũng nhanh chóng quy kết rằng chợ hài sản này là nơi khởi đầu của dịch bệnh. Tuy nhiên những nghiên cứu sau đó của giới khoa học đã nhanh chóng bác bỏ giả thuyết này khi 13 trong số 41 bệnh nhân không có liên hệ trực tiếp với chợ hải sản.[8]
Chợ hải sản Hoa Nam tiếp tục được minh oan bởi chính các nhà khoa học Trung Quốc trong một nghiên cứu đang trên Chinaxiv, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng các ca truyền nhiễm đã bắt đầu từ tháng 11. [9]
Trung Quốc có phòng nghiên cứu bậc tối tân nhất về các chủng virus nằm ngay tại Vũ Hán, như vậy việc họ phá huỷ các mẫu bệnh phẩm và đưa ra thông tin sai lệch về nguồn gốc ban đầu của dịch bệnh là hết sức bất thường. Trung Quốc trả lời ra sao về việc này? Nếu dịch bệnh là một thảm hoạ tự nhiên, tại sao Trung Quốc cần giấu diếm đặc điểm dịch tễ với giới y học?
#3. Nghi vấn thứ ba: Trung Quốc có đảm bảo an toàn sinh học tại các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán? Sự mất tích của một nhà nghiên cứu trẻ có liên quan đến việc này hay không?
Vào đầu tháng 2/2020, hai nhà nghiên cứu Botao Xiao và Lei Xiao thuộc khoa Công nghệ sinh học tại đại học Công Nghệ Nam Trung Hoa đã công bố một giả thuyết rằng Corona virus chủng mới đã bị rò rỉ ra ngoài từ phòng thí nghiệm của CDC Trung Quốc, cách chợ Hải sản Hoa Nam chỉ 280m. Báo cáo có tên “The Possible origins of 2019-nCoV coronavirus” chỉ dài 2 trang và chỉ dừng ở việc nêu lên một nghi ngờ, tuy nhiên khi vừa công bố đã bị gỡ bỏ. Người viết đã phải rất khó khăn mới tìm được ảnh chụp báo cáo này [Ảnh 3, 4, 5]
Công bố này đã hoàn thành nhiệm vụ của mình khi chỉ ra một thông tin quan trọng: Ở Vũ Hán có 2 phòng thí nghiệm sinh học. Đó là phòng thí nghiệm vi trùng học P4 mà Thạch Chính Lệ làm trưởng khoa nghiên cứu và phòng thí nghiệm của CDC Trung Quốc!
Đáng nói hơn, phòng thí nghiệm của CDC Trung Quốc nằm rất gần với chợ hải sản Hoa Nam, bệnh viện Union (nơi có nhóm 5 y bác sĩ bị lây nhiễm rất sớm) và chỉ có mức an toàn sinh học BSL-2, tức là chỉ đạt mức bảo vệ tối thiểu đối với một con virus lây lan mạnh và tồn tại lâu trên nhiều loại bề mặt như SARS-CoV-2 [Ảnh 6]
Các phòng thí nghiệm sinh học thực ra không hề an toàn như bạn vẫn tưởng, sơ suất của các nhà nghiên cứu vẫn đôi khi xảy ra ở các nước phương Tây chứ không riêng gì Trung Quốc. Nhiều vụ mầm bệnh thoát khỏi phòng thí nghiệm đã có từ năm 1977, dẫn đến việc lây truyền ra ngoài cộng đồng. Các vụ bùng dịch do lỗi con người có thể kể đến
- Bệnh đậu mùa ở Anh năm 1978
- Viêm não ngựa ở Venezuela năm 1995
- Bệnh lở mồm long móng ở Anh năm 2007 [10]
Ở Trung Quốc:
- Năm 2004, virus SARS đã 2 lần thoát ra từ các phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh. [11]
- Năm 2017, Tân Hoa Xã ca ngợi nhà nghiên cứu Tian Junhua là một “anh hùng”. Trong các chuyến đi bắt những loại dơi hiếm về nghiên cứu, ông này đã bị dính phân dơi, máu dơi lên người nhưng được ghi nhận “không hề nao núng” và chỉ về tự cách ly 14 ngày. [12]
- Năm 2014, nhà khoa học nổi tiếng về nghiên cứu nhân bản động vật Li Ning bị bắt vì đã “tuồn” các động vật trong phòng thí nghiệm ra ngoài bán với giá trị lên đến gần 1,5 triệu USD. Ông này chính thức bị kết án 12 năm tù ngày 2 tháng 1 năm 2020. [13]
Như vậy, nguy cơ virus lây nhiễm cho các nhân viên tại phòng thí nghiệm là một vấn đề rất đáng lưu ý. Sau khi Viêm phổi Vũ Hán trở thành đại dịch toàn cầu, Tập Cận Bình đẩy mạnh việc soạn thảo và ban hành bộ luật về an toàn sinh học ngày 17/2 [14]. Điều này thực tế đã được nhắc đến trong nội dung ngày 21/10/2019 mà Tân Hoa Xã đã đăng tải khá chi tiết (hình 7).
Bên cạnh đó, sự mất tích của một thực tập viên trẻ và cách xử lý của chính quyền Bắc Kinh xoay quanh việc này đã làm dấy lên nhiều nghi vấn. Huang Yanling, thực tập viên từng làm việc tại phòng nghiên cứu P4 Vũ Hán đã mất tích, thông tin của cô trên trang của viện đã bị xoá [ảnh 8].
Sự nghi ngờ của công chúng Trung Quốc về việc này lớn đến mức Viện nghiên cứu P4 đã phải đăng một thông cáo chính thức vào ngày 16 tháng 2 để nói rằng cô này vẫn đang sống và khoẻ mạnh, tuy nhiên họ không cung cấp được bất kì bằng chứng nào [ảnh 9]. Chính phủ Trung Quốc kiểm soát người dân rất chặt chẽ thông qua nhận diện khuôn mặt, thẻ ngân hàng và SIM di động. Nếu cô này thật sự còn sống, tại sao đến lúc này Trung Quốc vẫn chưa đưa cô lên báo đài để dẹp bỏ mọi nghi ngờ?
Hơn hết, Trung Quốc sẽ trả lời ra sao về những nghi vấn về sự an toàn trong quản lý và vận hành các phòng thí nghiệm sinh học của mình tại Vũ Hán?
#4. Nghi vấn thứ tư: Tại sao Trung Quốc lảng tránh câu hỏi trực tiếp về nguồn gốc của dịch bệnh?
Ngày 16/4, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trả lời câu hỏi về việc có hay không khả năng rò rỉ của Virus từ phòng thí nghiệm bằng một phát ngôn mang tính né tránh và dẫn dắt. Ông phát biểu rằng “WHO đã nói Virus không được chế tạo trong phòng thí nghiệm (Trung Quốc)”.
Đây là một luận điểm dễ gây hiểu lầm cho nhiều người. Cần phân biệt rõ ràng nguồn gốc, cách tiến hoá của virus với nguồn gốc dịch bệnh. Ví dụ cho dễ hiểu thế này: Nếu một người đi rừng bị sói cắn, tai nạn đó đến từ tự nhiên do một con vật có nguồn gốc tự nhiên gây ra. Tuy nhiên nếu anh ta bắt được con sói ở rừng, nuôi con sói đó ở nhà và một ngày kia nó “xổng chuồng”, gây hại cho người khác thì dịch bệnh không đến từ tự nhiên mà đến từ sự vô trách nhiệm của con người, cho dù bản thân con sói vẫn có nguồn gốc tự nhiên.
Cách tiến hoá phổ biến của các loài virus là chọn lọc tự nhiên qua vật chủ là thú vật trước khi nhiễm sang người. Trong phòng thí nghiệm với nhiều vật mẫu, các nhà khoa học hoàn toàn có thể đẩy nhanh quá trình tiến hoá của virus qua chọn lọc tự nhiên bằng cách tiêm cùng một chủng virus gốc (ví dụ một loại corona virus trên dơi) vào hàng loạt vật chủ (ví dụ như tê tê). Sau đó, họ sẽ theo dõi quá trình biến thể của virus và lặp lại quy trình này đến khi tạo ra một virus mà tự nhiên phải mất 10000 năm mới sản sinh ra được, đúng như nhận định của nhiều báo đài Trung Quốc khi trích dẫn nghiên cứu của một nhóm khoa học nước này [15].
Nếu Trung Quốc muốn chứng minh được việc bùng dịch COVID-19 hoàn toàn không liên quan gì đến các phòng thì nghiệm tại Vũ Hán, họ phải làm rõ đầy đủ các điều sau:
Một là, chứng minh mã gene của SARS-CoV-2 hoàn toàn chưa bị can thiệp, có thể được tổ hợp theo các quy luật biến thể của tự nhiên với một tỉ lệ khả dĩ, kiểm chứng qua thí nghiệm trên nhiều mẫu vật.
Hai là, đưa ra một kịch bản để SARS-CoV-2 tiến hoá từ tự nhiên. Nếu xác định điểm bùng dịch lần này là tại Vũ Hán, vậy thì các vật chủ của virus gốc phải đến từ môi trường xung quanh Vũ Hán. Tại sao virus có mã gene giống 96% với SARS-CoV-2 là RaTG3 lại có nơi sinh sống nguyên thuỷ ở vùng Vân Nam, cách Vũ Hán hàng nghìn cây số?
Ba là, vật chủ tự nhiên của Corona virus chủng mới trước khi lây nhiễm sang người là gì? Và tại sao cho đến nay những vật chủ tự nhiên đó không thể tìm ra được cho dù đó là cách dễ nhất để giải thích cho nguồn gốc đại dịch lần này? [16]. Khi chưa tìm thấy cụm quần thể động vật trung gian gây bệnh, tại sao Trung Quốc vẫn chưa cấm việc buôn bán các động vật hoang dã dưới danh nghĩa là thuốc, họ không sợ một đợt bùng dịch tiếp theo hay sao? [17]
Với 4 nghi vấn trên, mình xin khép lại bài viết hôm nay về khả năng của một sự rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Đây là một giả thuyết hoàn toàn có cơ sở và do đó nó không nên được tiếp tục gọi là một thuyết âm mưu!
Câu hỏi còn lại là: Phải chăng sự rò rỉ này có liên quan đến chương trình vũ khí sinh học của Trung Quốc? Phải chăng tại Vũ Hán có đến 2 phòng thí nghiệm là để phục vụ 2 mục đích khác nhau này? Phải chăng việc di chuyển mẫu virus từ phòng thí nghiệm P4 vốn đạt mức an toàn cao, đến phòng thí nghiệm của CDC Trung Quốc với mức an toàn thấp hơn, đã làm con virus này thoát khỏi vòng kiểm soát nhờ khả năng lây nhiễm không triệu chứng và sống sót tốt trên nhiều bề mặt vật thể?
Tướng Trì Hạo Điền (Chi Haotian), người từng nắm chức vụ Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc. Ông có quan hệ mật thiết với Giang Trạch Dân và đã từng tuyên bố trong bài phát biểu ở Hội nghị các tướng lĩnh bàn về chiến lược chiến tranh tương lai tổ chức năm 2005 “Chỉ có thể sử dụng loại vũ khí không huỷ diệt, nhưng có khả năng giết nhiều người chúng ta mới có thể giành lấy nước Mỹ cho chúng ta. Công nghệ sinh học hiện đại đang phát triển nhanh chóng, và các loại vũ khí sinh học mới được phát minh nối tiếp nhau.” 10 năm sau tuyên bố đó, Trung Quốc hoàn tất xây dựng phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán.
Cũng trong năm 2015, Thạch Chính Lệ có một nghiên cứu chấn động giới khoa học khi tái tổ hợp thành công một virus từ dơi móng ngựa có thể tấn công tế bào khí quản của người từ Protein bề mặt của Corona Virus và một chủng SARS trên chuột [18]. Mỹ đã lo ngại về những nguy cơ sinh học dạng này nên đã cấm các thí nghiệm “tăng cường chức năng” (gain-of-function) từ năm 2014 và chỉ cho phép nghiên cứu hạn chế trở lại từ 2017. [19]
Việc bùng dịch tại Vũ Hán có thể đến từ một sự rò rỉ, một tai nạn bất cẩn trong phòng thí nghiệm. Nhưng khắp cả nước Trung Quốc cũng chỉ có một phòng P4 Vũ Hán là đủ công nghệ và chất lượng nhân sự để nghiên cứu vũ khí sinh học mà thôi. Đặc điểm của SARS-CoV-2 là gây ra nguy cơ tử vong rất cao cho người có tiền sử bệnh án, và dân Mỹ đến 40% là béo phì, các dữ liệu hiện tại về dịch bệnh ở Mỹ cũng ủng hộ cho cảnh báo của mình từ hơn 2 tháng trước. Các bác sĩ Mỹ đã xác định béo phì và cao huyết áp là 2 nguyên nhân cao nhất dẫn đến tử vong ở nước này [20]
Một dịch bệnh truyền nhiễm hiếm có thế này cũng là một cơ hội hoàn hảo để Trung Quốc chứng tỏ khả năng của thể chế độc tài bằng phương pháp cách ly bắt buộc, sử dụng thiết quân luật cấm người dân ra đường. Các nước tự do không dễ gì làm được như vậy. Ở một số bang, người Mỹ đang biểu tình để ủng hộ quyền tự do di chuyển của mình.
Sau thời gian lúng túng ban đầu, có thể là do bùng dịch ngoài dự kiến, Trung Quốc đã có những bước đi hết sức bài bản khi chậm công bố dịch, để 5 triệu lượt người đi khắp nơi lây nhiễm cho toàn cầu, thu gom hàng triệu khẩu trang và thiết bị y tế, cấm xuất khẩu các thiết bị y tế rồi sau đó áp dụng “ngoại giao khẩu trang” để gây sức ép với các nước phương Tây. Tất cả như một kịch bản hoàn hảo, được lên phương án sẵn nhằm mục đích “được ăn cả ngã về không” chứ không còn giữ uy tín và thể diện để hợp tác sau dịch.
Có lẽ, Trung Quốc đã tính trước được việc không thể che giấu được nguồn gốc của virus, hoặc chẳng thể nào chứng minh nó thực sự đến từ tự nhiên.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!
Anh Vũ Ngô
Cho các bạn thích thuyết âm mưu về Billgates, mình xin không bàn về vấn đề này. Mình chỉ gợi ý cho các bạn rằng việc chế tạo vaccine cho bệnh HIV dựa trên chủng Corona Virus đã được nghiên cứu từ lâu. [https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/17162377]
------------------------------------------------------
* Tuyên bố “một loài virus trên tê tê có 99% mã gene giống với SARS-CoV-2” là bịa đặt và chưa được xuất bản, nguyên văn trên chuyên trang Nature là “but the work is yet to be formally published”. Sau đó không thấy các nhà khoa học Trung Quốc công bố báo cáo của mình. Tuy nhiên trong báo cáo của WHO khi thị sát Trung Quốc, ở phần đặc điểm virus (không thể đưa thông tin sai lệch) đã ghi nhận SARS-CoV-2 chỉ có 86%-92% là giống với một loài virus SARS trên tê tê. Một công trình khác khá nổi tiếng thông báo về việc “Virus tiến hoá thành 2 chủng” cũng đã thu thập 7 mẫu virus trên tê tê ở Quảng Đông và Quảng Tây đã xác nhận không có sự giống nhau này. [https://academic.oup.com/nsr/article/doi/10.1093/nsr/nwaa036/5775463]
5. “no large scale of human-to-human transmission was observed so far”. Discovery of a novel coronavirus associated with the recent pneumonia outbreak in humans and its potential bat origin.
7. Dựa vào mã gene của các mẫu virus các nhà khoa học vẽ được bảng phân nhánh của SARS-CoV-2 tại https://nextstrain.org/ncov
16. Xem đầy đủ lập luận tại bài của mình [https://www.facebook.com/photo?fbid=2387348874704254&set=a.111277782311386]
17. Trung Quốc đã bắt đầu cấm buôn bán các động vật hoang dã, tuy nhiên có một lỗ hổng lớn là nếu nguyên liệu được được xếp vào các loại thành phần để điều chế thuốc thì vẫn qua được lệnh cấm này.
18.
A SARS-like cluster of circulating bat coronaviruses shows potential for human emergence [https://www.nature.com/news/engineered-bat-virus-stirs-debate-over-risky-research-1.18787]
Bài viết đầu tiên của mình về Thạch Chính Lệ, viết khi Vũ Hán mới bị phong toả 1 tuần [https://www.facebook.com/canhdonggio/posts/2338605686245240]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét