Trong tuần qua, phương tiện truyền thông Trung Quốc do nhà nước kiểm soát, đặc biệt là Tân Hoa Xã hôm 06/04/2011, đã công bố hình ảnh về chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này đang được hoàn tất tại cảng Đại Liên. Đây là một con tàu được cải tiến từ hàng không mẫu hạm Varyag do Liên Xô thiết kế, đang làm dở dang. Sau khi Liên Xô bị xóa tên, chiếc tàu thuộc quyền của Ukraina, được nước này đem bán đấu giá và Trung Quốc mua lại.
Báo chí Đài Loan rất thạo tin đã tiết lộ là chiếc tàu sân bay của Trung Quốc được đặt tên là Thi Lang, tên một đô đốc Trung Hoa đã giúp nhà Thanh thôn tính Đài Loan vào năm 1681.
Điều khiến giới quan sát chú ý là rốt cuộc chính quyền Bắc Kinh đã cung cấp hình ảnh về một sự kiện mà cơ quan nghiên cứu chiến lược Stratfor của Mỹ cho là một « bí mật hở hang » nhất trong lịch sử phát triển quân sự. Trong suốt quá trình tân trang chiếc tàu này, hầu như ai cũng được thấy hình ảnh về tiến độ thi công, hoặc là chụp ngay trên mặt đất, hoặc là chụp từ không trung qua vệ tinh.
Đối với Stratfor, khi công khai hóa một điều chẳng còn gì là bí mật nữa, Trung Quốc đã bắn đi tín hiệu là chiếc hàng không mẫu hạm của họ kể như đã được làm xong để sẵn sàng hạ thủy. Khi công bố những tấm ảnh về chiếc tàu, Tân Hoa Xã, cũng cho biết là con tàu này sẽ được hạ thủy ngay trong năm 2011 này.
Quan ngại gia tăng nơi các láng giềng của Trung Quốc
Việc Trung Quốc hoàn thành chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên dĩ nhiên sẽ gây thêm quan ngại nơi các nước khác, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang có tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với hầu hết các lân bang, đồng thời càng lúc càng công khai thách thức cường quốc hải quân Thái Bình Dương là Hoa Kỳ.
Nhân một cuộc họp báo thường kỳ ngày 07/04 tại Bắc Kinh, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối trả lời câu hỏi của báo giới về chiếc tàu này, chỉ nói là "Trung Quốc theo con đường phát triển hòa bình", nhắc lại lập luận cố hữu theo đó sự tăng cường quân sự của Trung Quốc không hề là mối đe dọa cho bất cứ nước láng giềng nào.
Tuyên bố lập trường kể trên có lẽ không trấn an được ai. Đài Loan là nước đầu tiên bày tỏ thái độ lo lắng. Theo hãng thông tấn Đài Loan CNA hôm 07/04, chiếc hàng không mẫu hạm Thi Lang có thể sẽ được Trung Quốc phân bố cho Hạm đội Nam Hải của họ, đặc trách vùng Biển Đông. Tình hình đó, theo phó đô đốc hồi hưu Lan Trữ Lợi, nguyên lãnh đạo ngành tình báo hải quân Đài Loan, sẽ là "một mối đe dọa thực sự" cho đảo quốc này vì chiếc tàu sẽ hoạt động trong khu vực phía nam và phía đông Đài Loan.
Theo chuyên gia này, khi đi vào hoạt động, chiếc Thi Lang sẽ phá vỡ chiến lược của Đài Loan là ngăn không cho hai hạm đội Đông Hải và Nam Hải của Trung Quốc tiếp giáp với nhau để tạo thành một gọng kềm xiết chặt đảo quốc này khi cần phải tấn công.
Theo ông, ngay cả khi hải quân Đài Loan có thể ngăn chặn không cho đối phương thâm nhập vào eo biển Đài Loan từ phía bắc và phía nam, chiếc Varyag sẽ cho phép Trung Quốc mở thêm mặt trận ở phía đông của Đài Loan, từ Thái Bình Dương đánh vào. Trong trường hợp đó, Đài Loan sẽ lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch ngay từ trên biển.
Không chỉ có Đài Loan là lo ngại. Báo chí Hàn Quốc cũng lên tiếng kêu gọi Seoul là phải thẩm định tác động tiềm tàng của một hàng không mẫu hạm Trung Quốc trên vấn đề an ninh quốc gia của Hàn Quốc.
Theo nhật báo Chosun Ilbo, việc Hải quân Trung Quốc có tàu sân bay sẽ làm thay đổi cán cân quan sự trong vùng Đông Bắc Á vì cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đều không có hàng không mẫu hạm. Nếu chiếc Thi Lang được triển khai trên biển Hoa Đông và Hoàng Hải, hầu như toàn bộ không phận Hàn Quốc sẽ nằm trong tầm khống chế của chiến đấu cơ Trung Quốc đặt bản doanh trên tàu sân bay.
Lý do là loại phi cơ Nga SU-33, dự trù trang bị cho chiếc Thi Lang, có tầm hoạt động tối đa lên đến 800 km, do đó đủ sức tấn công Hàn Quốc từ ngoài khơi khi cần. Ngoài ra, chiếc Thi Lang còn có các loại trực thăng do thám, trang bị bằng radar. Đó cũng là những đe dọa tiềm tàng đối với quốc phòng Hàn Quốc.
Tàu sân bay Trung Quốc : đe dọa tiềm tàng cho Đông Nam Á
Đối với các nước láng giềng của Bắc Kinh ở phía Nam, tức là Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, sự xuất hiện của hàng không mẫu hạm trong hạm đội Nam Hải của Trung Quốc là một điều rất đáng quan ngại trong bối cảnh trong thời gian qua, Bắc Kinh đã không ngần ngại dùng sức mạnh hải quân của họ để đánh chiếm các hòn đảo của Việt Nam rồi của Philippines trong vùng Biển Đông.
Trong bài phân tích mới đây về chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Cơ quan nghiên cứu chiến lược Stratfor của Mỹ đã nhắc lại rằng các nước liên quan đến Biển Đông, trong đó có Hoa Kỳ, trong thời gian qua đã rất quan ngại trước tham vọng hàng hải của Trung Quốc, trước sự bành trướng của Bắc Kinh trong vùng Biển Đông, trước thái độ ngày càng quyết đoán hơn của Trung Quốc trong việc phát huy những gì mà họ coi là lãnh hải của họ.
Đối với Stratfor, chắc chắn sự lo âu nói trên sẽ càng gia tăng với việc Trung Quốc cho chiếc Varyag đi vào hoạt động. Về mặt kỹ thuật đơn thuần, chiếc hàng không mẫu hạm sẽ cho phép Trung Quốc tung không lực của họ đi thực hiện các chiến dịch ngoài xa, tăng cường năng lực không chế vùng Biển Đông.
Hiện đang có rất nhiều tranh luận về việc Trung Quốc có thực sự liệt Biển Đông vào diện " lợi ích quốc gia cốt lõi " của họ hay không. Hư thực chưa rõ ràng, nhưng điều chắc chắn là Trung Quốc đang hành động như là để chứng tỏ rằng họ sẽ cứng rắn hơn nữa trong việc áp đặt các yêu sách chủ quyền, cũng như thúc đẩy hợp tác song phương với một số nước trong khu vực, làm sao để gạt Hoa Kỳ ra khỏi vùng.
Tuy nhiên, Stratfor cũng ghi nhận là đưa một hàng không mẫu hạm vào hoạt động không phải là một điều dễ dàng, và cần phải có một quá trình lâu dài. Trung Quốc lại không thể nhờ cậy vào nước khác để học hỏi kinh nghiệm. Nga là nước có thể truyền đạt kinh nghiệm cho Trung Quốc, nhưng đã từ lâu rồi, nước này không còn thực hiện các chiến dịch sử dụng đến tàu sân bay. Hoa Kỳ thì hiển nhiên là sẽ không đào tạo năng lực này cho Trung Quốc.
Khoảng cách từ tiềm năng đến hiện thực còn rất xa
Do đó, Bắc Kinh còn phải mất nhiều năm trời nữa mới có thể có được năng lực điều phối và vận hành một hạm đội tàu sân bay chiến đấu lớn. Đó là chưa kể đến việc Trung Quốc phải đóng thêm nhiều chiếc tàu sân bay hơn nữa. Một hàng không mẫu hạm duy nhất, theo Stratfor, hầu như không mang lại được gì nhiều. Trung Quốc phải cần có ít nhất ba chiếc hàng không mẫu hạm thì mới mong hoạt động hiệu quả được.
Trong tình hình như kể trên, câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại mau mắn phô trương chiếc tàu sân bay đầu tiên của họ ? Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc và Châu Á tại đại học Maine Hoa Kỳ, thì động thái trên của Trung Quốc chủ yếu nhằm tuyên truyền trong nước, để kích động tinh thần dân tộc của người dân vào lúc một số khó khăn đối nội đang đặt ra. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn nhắm mục tiêu hù dọa, không phải là các cường quốc như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, thậm chí cả Đài Loan, mà là các nước Đông Nam Á, đang có tranh chấp với Trung Quốc.
- Cho nên nếu Trung Quốc dùng hàng không mẫu hạm này để phô trương uy lực của hải quân đối với Mỹ hay đối với nước khác thì vấn đề này còn lâu, ngay cả đối với Đài Loan cũng không được. Sở dĩ Đài Loan lên tiếng lo ngại là tàu này hạ thủy sẽ đe doạ Đài Loan v.v.. đó chỉ là để kéo các nước khác như Mỹ...giúp đỡ Đài Loan. Trong thực tế, Đài Loan sát với Trung Quốc, và nếu Trung Quốc muốn ra tay thì chưa đến nửa tiếng là họ đã đến Đài Loan rồi.
Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, mục tiêu mà Trung Quốc nhắm tới là hù dọa Đông Nam Á :
- Vấn đề là phô trương uy lực đối với các nước Đông Nam Á. Nếu Trung Quốc muốn đánh chiếm và giữ một số đảo ở vùng Biển Đông, thì họ cần có máy bay để nhanh chóng đến nơi. Hiện nay phi cơ Trung Quốc chưa làm được, chỉ bay xa khoảng 800 dặm không hơn, thành ra họ cần có một hàng không mẫu hạm để chở tàu bay đến gần khu vực, để có thể dễ dàng bảo vệ một số mỏ dầu, một số đảo.
- Đó là vấn đề quân sự, nhưng hiện nay tôi nghĩ rằng vấn đề chính là vấn đề chính trị. Trung Quốc có hành động hù doạ một số nước Đông Nam Á... Trung Quốc "nắn gân" xem các nước này như thế nào, nếu các nước này im lặng hay là chỉ nói sơ sơ, không có phản ứng đúng đắn thì theo tôi, Trung Quốc sẽ tiếp tục dữ dằn thêm.
Một mục tiêu thứ hai, theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, là Trung Quốc muốn tuyên truyền đối nội :
- Trung Quốc, như chúng ta đã nói nhiều lần, đang có những vấn đề kinh tế khó khăn. Nhưng gần đây nổi cộm lên vấn đề Cách mạng Hoa lài bên vùng Trung Đông làm Trung Quốc rất sợ. Ngoài chuyện bắt bớ trong nước, Trung Quốc muốn dùng cái uy lực của hải quân hay của quân đội Trung Quốc, để làm cho dân chúng trong nước cảm thấy hãnh diện về sức mạnh của Trung Quốc và ủng hộ chính quyền hiện nay.
Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, việc Trung Quốc phô trương thanh thế qua thông tin về chiếc tàu sân bay Thi Lang cũng cần phải được lồng vào bối cảnh là sau một thời gian lắng dịu vào cuối năm ngoái, Trung Quốc mới đây lại có thái độ quyết đoán qua các tuyên bố tái khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, đe dọa các công ty muốn khai thác dầu khí trong khu vực mà không thông qua Trung Quốc, thậm chí có hành động sách nhiễu đối với Philippines.
Trong tình hình đó, giáo sư Long cho rằng quyết định gần đây giữa Việt Nam và Philippines là sẽ giải quyết tranh chấp đôi bên ở Trường Sa là một diễn biến tích cực.
Theo Trọng Nghĩa
Nguồn: www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110411-tau-san-bay-sap-ha-thuy-ngon-don-hu-doa-dong-nam-a-cua-trung-quoc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét