Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Giả mã tàu sân bay "rác thải" Trung Quốc sắp hạ thủy

- Báo chí Trung Quốc ngày 7/4 đưa tin nước này sắp hoàn thành dự án cải tạo và sẽ hạ thủy tàu sân bay Varyag “rác thải” mua lại của Ucraina vào tháng 7 tới.


Các bức ảnh chụp được mới nhất cho thấy việc cải tạo Varyag đã bước vào giai đoạn cuối. Thân tàu sơn màu xanh tro tiêu chuẩn của Hải quân Trung Quốc và việc xây dựng cầu tàu cỡ lớn dành cho Varyag cũng sắp hoàn tất. Theo nhiều nhà phân tích, việc cải tạo thành công Varyag cũng có nghĩa Trung Quốc đã nắm được công nghệ chế tạo tàu sân bay. Trong tương lai, nước này có thể đóng tiếp một số tàu sân bay nữa.
 
Tàu sân bay Varyag (Shi-lang) được đại tu tại cảng Đại Liên, Trung Quốc
Tàu sân bay Varyag (Shi-lang) được đại tu tại cảng Đại Liên, Trung Quốc

Nhiều khả năng việc cải tạo Varyag sẽ hoàn thành trước tháng 7 tới. Sau đó, chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc này sẽ được hạ thủy chạy thử nghiệm và có thể ưu tiên biên chế cho Hạm đội Nam Hải để tăng cường năng lực bảo vệ tuyến vận tài dầu mỏ của Trung Quốc.

Varyag là tàu sân bay đa năng lớp Kuznetsov do Liên Xô khởi công chế tạo năm 1985. Con tàu được hạ thủy vào tháng 12/1988 song hoạt động xây dựng dừng lại vào năm 1992 do sự sụp đổ của Liên Xô. Sau đó, Varyag được chuyển giao cho Ucraina nhưng quốc gia này không đủ khả năng để tiếp tục dự án. Kể từ đó, con tàu trong tình trạng không được bảo dưỡng và bị bóc gỡ thiết bị mang đi bán đấu giá.
 
Varyag trong quá trình được kéo về cảng Đại Liên
Varyag trong quá trình được kéo về cảng Đại Liên
Năm 1998 Trung Quốc mua lại Varyag với giá 20 triệu USD. Trung Quốc cho biết họ mua con tàu này để làm khách sạn và sòng bạc nổi tại Macau. Tuy nhiên, ngay sau khi thương vụ thành công, con tàu “rác thải” này đã được kéo thẳng về cảng Đại Liên và tiến hành đại tu.

Giải mã Varyag

Theo thiết kế ban đầu, Varyag dài 323m, rộng 73m và cao 11m. Tàu có thể mang khoảng 10 máy bay Su-27K, phiên bản tối ưu cho tàu sân bay, vẫn được gọi là Su-33, 14 trực thăng săn ngầm Ka-27PL, 2 trực thăng tác chiến điện tử và 2 trực thăng cứu nạn.

Tàu có thể mang tối đa 36 chiếc Su-33 và 18 trực thăng các loại. Nó có thể mang theo 2.500 tấn nhiên liệu máy bay, đủ để thực hiện từ 500 - 1.000 lượt xuất kích. Varyag của Trung Quốc hiện được đổi tên thành Shi-lang, sau khi được sửa chữa có trọng tải khoảng 55.000 tấn (trọng tải của tàu sân bay George Washington mà Mỹ bố trí tại Thái Bình Dương có trọng tải 100.000 tấn).
 
Máy bay Su-33 do Nga sản xuất
Máy bay Su-33 do Nga sản xuất

Tốc độ thiết kế của Varyag là 32 hải lý/giờ (59km/h) với khả năng hoạt động độc lập 45 ngày trong phạm vi trên 7.000km. Thủy thủ đoàn đầy đủ của Varyag là 1.960 người. Dự kiến, Trung Quốc sẽ trang bị cho Varyag loại tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 và YJ-91. Máy bay trên boong sẽ là loại Shenyang J-15 do Trung Quốc tự sản xuất. Sau khi đưa vào hoạt động, Varyag có khả năng mang 26 máy bay chiến đấu và 24 trực thăng. Các nguồn tin quân sự cho biết Trung Quốc đã mua loại máy bay Su-33 của Nga và đã chế tạo loại J-11 chuyên trang bị cho tàu sân bay.
 
Máy bay J-15 do Trung Quốc sản xuất
Máy bay J-15 do Trung Quốc sản xuất

Ngoài trang bị cho Varyag, Trung Quốc cũng tích cực xây dựng các tàu hộ tống. Có tin quân đội Trung Quốc sẽ sản xuất 18 chiếc tàu khu trục Type-065A phục vụ cho việc phòng không và các tàu hỗ trợ khác như tàu ngầm tấn công sử dụng năng lượng nguyên tử Type-093. Khi đi vào hoạt động, Shi Lang và các tàu hộ tống có thể đóng ở một căn cứ hải quân mới được xây dựng gần Tam Á trên đảo Hải Nam.

Một số nguồn thạo tin cho biết Trung Quốc sẽ đóng 2 tàu sân bay trọng tải 50.000 tấn giống Varyag hiện nay. Những con tàu này bắt đầu khởi công từ năm 2009. Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ cho ra mắt 2 tàu sân bay 60.000 tấn chạy bằng năng lượng nguyên tử. Những con tàu này được cho là dựa trên loại tàu Dự án 1143.7 Ulyanovsk do Liên Xô thiết kế, nhưng chưa bao giờ được sản xuất. Theo tính toán, Trung Quốc sẽ có 5 tàu sân bay vào năm 2020, tính cả chiếc Varyag sắp được hạ thủy.

Sau khi đưa Varyag vào hoạt động, Trung Quốc sẽ trở thành nước châu Á thứ ba sở hữu tàu sân bay sau Ấn Độ và Thái Lan.

Bảo Minh (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét