Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Biển Đông trong bố trí chiến lược Mỹ

Bài đăng ngày 24.08.2009
---------------------------------------------------------------------------------
(Toquoc) – Báo Trung Quốc gần đây đăng một số nhận định về kế hoạch mới của Mỹ tại Biển Đông trong bố trí chiến lược toàn cầu
“Kể từ khi ra đời, Mỹ đã là một quốc gia Thái Bình Dương”. Đó là tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ R. Gates tại diễn đàn Đối thoại Shangrila ở Singapore, tháng 7/2007, được Tạp chí Bán Nguyệt Đàmcủa Tân hoa xã, số 13/2007, đưa lại. Tuyên bố này khẳng định mối quan hệ địa-chiến lược của nước Mỹ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn, trong đó bao gồm Biển Đông và Đông Nam Á, cùng với Đông Bắc Á hợp thành Đông Á - khu vực ưu tiên chiến lược của Mỹ, một cường quốc toàn cầu.
Với Đông Nam Á, sự can dự và dính líu trực tiếp của Mỹ bắt đầu từ cuộc chiến tranh với nước thực dân già cỗi Tây Ban Nha năm 1898. Thắng lợi trong cuộc chiến tranh này đã đem lại cho Mỹ quyền kiểm soát Philippines và đảo Guam. Việc Mỹ chiếm Philippines và các nhóm đảo ở Tây Thái Bình Dương, như nhận định của V.I. Lênin, ngay sau cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, “là một bước tiến tới châu Á, tiến tới Trung Quốc”.
Người ta thường lưu ý rằng, Đảo Guam và Quần đảo Marian (thuộc Mỹ) là lãnh thổ Mỹ kề cận nhất với Đông Nam Á và Biển Đông. Trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương, nổ ra tháng 12/1941, quân đội Nhật Bản đã chiếm Đông Nam Á và các các đảo này làm bàn đạp để tiến đánh Hawaii.
Ở thời điểm hiện nay, theo các học giả Trung Quốc, Mỹ đang tìm cách bảo đảm sự có mặt của quân đội Mỹ trên khắp thế giới. Mỹ thực hiện “khái niệm mới” mở rộng toàn cầu nhằm điều chỉnh lại các căn cứ quân sự bằng cách lập ra các “Trung tâm hợp tác an ninh”. Đây thực chất là các căn cứ quân sự “linh hoạt” về sự có mặt của quân đội Mỹ ở các khu vực trên thế giới. Mỹ muốn thông qua các trung tâm này tiến hành các hoạt động để giải quyết các vấn đề toàn cầu và bảo đảm lợi ích của mình. Biển Đông (Nam Hải) có vị trí chiến lược quan trọng và tài nguyên giàu có, là khu vực đang có sự tranh chấp giữa các nước, Mỹ và Trung Quốc đều muốn khống chế khu vực này. Hiện nay, Mỹ đang muốn duy trì vai trò ảnh hưởng của mình ở khu vực này để khống chế Trung Quốc. Thông qua phát biểu của giới cao cấp quân đội Mỹ gần đây, có thể thấy không phải quân đội Mỹ bắt đầu sắp đặt vấn đề Biển Đông, mà việc sắp đặt ở vùng biển này cơ bản đã hoàn thành giai đoạn đầu.
Hai tờ Người đưa tin tiên phong quốc tế và Tin tức tham khảo (Trung Quốc) mới đây đăng các bài bình luận của học giả Trung Quốc, với một số nội dung như sau:
Thúc đẩy “khái niệm mới” mở rộng toàn cầu
Để tăng cường sự hiện diện của Mỹ trên toàn cầu, Lầu Năm góc bắt đầu mở rộng căn cứ quân sự quy mô lớn theo “khái niệm mới”. Điều chỉnh căn cứ quân sự trên toàn cầu lần này, Mỹ có kế hoạch xoá bỏ các căn cứ quân sự công khai ở một số nước, đồng thời xây dựng các “Trung tâm hợp tác an ninh” ở hơn 100 nước khác. Ví dụ như ở Colombia, Mỹ đang thực hiện “Kế hoạch Colombia II”, tiến hành khống chế đối với “lực lượng vũ trang cách mạng Colombia”, để mở ra khu vực hoạt động cho các nhà tư bản và các công ty dầu mỏ quốc tế lớn của Mỹ. Tại Bolivia, Mỹ đang thông qua một kế hoạch phi quân sự, tác động thay đổi theo hướng có lợi cho Mỹ. Đại sứ quán và các tổ chức quân sự Mỹ có 2 sứ mệnh song trùng trong các kế hoạch xã hội và quân sự, những kế hoạch này thường được tiến hành với danh nghĩa viện trợ, bồi dưỡng, huấn luyện, hợp tác, công tác song phương và diễn tập chung. Một mặt, Mỹ muốn công khai biểu thị lợi ích chính đáng của những hoạt động này để thúc đẩy hợp tác song phương. Các hoạt động như viện trợ nhân đạo, chăm sóc y tế, sức khoẻ cộng đồng, ứng phó tình trạng khẩn cấp, khắc phục thiên tai, chống ma tuý đều thuộc vào các hành động nói trên. Mặt khác, Mỹ muốn thông qua các hoạt động đó để thực hiện mục tiêu chiến lược bảo vệ lợi ích của nước Mỹ và làm tổn hại đến lợi ích các nước đối phương.
Khái niệm mới của Mỹ về căn cứ quân sự rất “linh hoạt”, bao hàm cả nhiều hoạt động dân sự. Những căn cứ quân sự này được xuất hiện dưới trạng thái phi quân sự là để được quốc hội dễ dàng thông qua. Chẳng hạn danh nghĩa khống chế buôn lậu, di dân bất hợp pháp, chống ma tuý, tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố là một trong những cái cớ mà Mỹ thường dùng để thành lập các căn cứ quân sự này.
Ảnh hưởng quân sự tiềm ẩn của Mỹ ở khu vực có các Trung tâm hợp tác an ninh tạo thuận lợi cho việc “nhanh chóng mở rộng” giải quyết xung đột ở các khu vực và toàn cầu.
Tăng cường bố trí ở Biển Đông
Ngày 31/5/2008, tại Hội nghị An ninh châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh tỉnh những người tham dự: “Sự phồn vinh của khu vực châu Á luôn dựa vào quy phạm quốc tế và có trách nhiệm đối với việc bảo vệ tài nguyên chung” và tỏ ra lo lắng về nền “ngoại giao cưỡng chế”.
“Ngoại giao cưỡng chế” mà Robert Gates nói, “trên thực tế chính là Mỹ muốn đưa ra những yêu cầu đối với Trung Quốc về Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên đang có tranh chấp và cảnh cáo Trung Quốc không nên hà hiếp các nước láng giềng trong vấn đề năng lượng”. Ngày 2/6/2008, Thời báo tài chính của Anh trích dẫn lời Tư lệnh quân đội Mỹ đóng tại Thái Bình Dương, Thượng tướng hải quân Timothy Keating: Sự tranh giành của các nước châu Á nguồn tài nguyên năng lượng, đặc biệt là ở vùng Biển Đông đang có tranh chấp, là “một việc khiến mọi người quan tâm chú ý”; “Chúng tôi muốn bảo đảm chắc chắn rằng các nước ở vùng Biển Đông hiểu rõ có các loại quy tắc công khai và quy tắc ngầm cùng tồn tại. Không ai có thể đến đó mà vỗ ngực nói rằng “đó là của tôi”. Ý muốn nói, “Vấn đề Biển Đông không chỉ là việc của nước khác mà còn là việc của Mỹ, tất cả mọi việc đều phải thương lượng với Mỹ”. Mặc dù sau khi Trung Quốc đưa ra chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” đối với vấn đề Biển Đông, các nước xung quanh đang dần dần lấy hợp tác thay cho xu thế đối kháng, nhưng quân đội Mỹ vẫn muốn can thiệp, rốt cuộc là Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc, muốn giành được vị trí chủ đạo ở khu vực này.
Các chuyên gia cho rằng sức hấp dẫn của Biển Đông đối với quân đội Mỹ là rất lớn. Tài nguyên dầu khí to lớn của vùng biển này, do trước đây khai thác rất khó khăn, chi phí cao, nên không có sự tập trung khai thác. Nhưng những năm gần đây giá dầu thế giới tăng cao, chi phí khai thác tương đối thấp, vì vậy các nước liên quan đã xây dựng phương án khai thác của mình. Trong cuộc tranh chấp năng lượng quốc tế, Mỹ luôn luôn giữ vai diễn chính và họ sẽ không bao giờ tự nhiên từ bỏ cơ hội này. Đặc biệt, tình hình Nam Hải đang tồn tại tranh chấp chủ quyền, hợp tác và đấu tranh giữa các bên đang đan xen với nhau mà người Mỹ lại có chủ ý “đục nước béo cò”.
Điều quan trọng hơn là Mỹ đang có ý đồ mở rộng ảnh hưởng quân sự của mình ở khu vực Đông Nam Á nhằm kiềm chế Trung Quốc. Phần lớn dầu mỏ mà Trung Quốc cần cho phát triển kinh tế đều thông qua Biển Đông để vận chuyển từ vùng Vịnh và châu Phi về nước. Việc tăng cường sự có mặt của quân đội Mỹ ở khu vực này là nhằm gây áp lực đối với tuyến đường vận chuyển dầu mỏ thông qua vùng biển phía Nam Trung Quốc.
Để bảo đảm khống chế đường giao thông quan trọng trên biển, quân đội Mỹ luôn duy trì quyền đi lại tự do đối với các vùng biển đang tranh chấp chủ quyền, không thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của bất cứ quốc gia nào đối với vùng biển này. Vì vậy, hàng năm đều phải thông qua việc qua lại của các chiến hạm hoặc diễn tập quân sự ở Biển Đông, để bảo đảm “quyền đi lại tự do trên vùng biển này của hải quân Mỹ”.
Quân đội Mỹ còn tìm kiếm “chỗ dựa” ở khắp nơi. Những năm gần đây, các cuộc diễn tập quân sự liên hợp giữa quân đội Mỹ và các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nước ở khu vực Biển Đông, không ngừng gia tăng, thậm chí đã hình thành bốn loạt diễn tập 3 thứ quân (hải, lục, không quân) lớn, trong đó bao gồm cuộc diễn tập quân sự Kalatel với mục đích chủ yếu là tăng thêm khả năng tác chiến trên biển của quân đội Mỹ và quân đội các nước tham gia diễn tập; cuộc diễn tập quân sự “Hổ mang vàng” giờ đây đã mở rộng thành diễn tập quân sự liên hợp nhiều bên, cũng là cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á; cuộc diễn tập “Hổ đối kháng” do Mỹ, Thái Lan, Singapore tổ chức, mục đích chủ yếu là diễn tập không chiến; cuộc diễn tập “Vai kề vai” là cuộc diễn tập quân sự song phương giữa quân đội Mỹ và Philippines.
http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/a/a2/Ohio-class_submarine_launches_Trident_ICBMs_(artist_concept).jpg/210px-Ohio-class_submarine_launches_Trident_ICBMs_(artist_concept).jpg
Tàu ngầm nguyên tử lớp Ohio của Hạm đội 7 bắn tên lửa Tomahawk
Ngày 26/5/2008, quân đội Mỹ và Philipppines tiến hành diễn tập chung trên vùng biển đảo Palawan gần quần đảo Trường Sa. Hai bên đã điều động nhiều tàu chiến và hàng ngàn binh sỹ, trong đó có cả tàu chỉ huy của Hạm đội 7 của Mỹ. Ngoài ra, quân đội Mỹ đặc biệt coi trọng hoạt động trinh sát, giám sát, khống chế khu vực Biển Đông. Năm 2007, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đã bắt đầu có kế hoạch liên kết với 11 nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Brunei và Sri Lanca tiến hành hoạt động giám sát và trinh sát của máy bay không người lái “UAV” (Con chim sắt). Trong số các nước đó, ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc ra, các nước khác đều có liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Năm 2006, Mỹ đưa bốn chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp “Ohio” đến bố trí tại căn cứ tàu ngầm hải quân BangorWashington bên bờ Thái Bình Dương, do Hạm đội Thái Bình Dương chỉ huy. Sau đó, Mỹ lại đưa thêm một chiếc tàu ngầm loại này nữa đến căn cứ Bangor. Hiện nay, Mỹ đã có tới 9 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp “Ohio” mang đầu đạn hạt nhân chiến lược đóng ở Thái Bình Dương và khu vực Biển Đông là một trong những điểm nóng tuần tra chủ yếu của những tàu ngầm này./.

Phú Hưng (St, gt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét