Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc gia tăng xây dựng quân đội ngày càng dẫn tới nhiều mối lo.
Trước quốc hội, chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương nhấn mạnh, việc Trung Quốc ngày càng mở rộng sức mạnh quân sự trùng khớp với những tiến bộ mới trong các lĩnh vực tên lửa, tàu ngầm và vũ khí ảo cũng như các nỗ lực mới của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn hải quân Mỹ tiếp cận các vùng biển quốc tế ở gần bờ biển Trung Quốc.
Đô đốc Hải quân Robert F. Willard nói trong trước Uỷ ban Vũ trang Thượng viện rằng, những ý định của Trung Quốc đằng sau nỗ lực củng cố và xây dựng quân đội kéo dài nhiều thập niên qua vẫn còn đang được giấu giếm và làm xói mòn ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo vị đô đốc bốn sao thì, gia tăng sức mạnh là điều có thể hiểu được vì sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc nhưng "phạm vi và tốc độ hiện đại hóa quân sự mà không rõ ràng về những mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc luôn là điều bất an".
"Ví dụ, Trung Quốc tiếp tục đẩy nhanh sự phát triển tên lửa và không quân mà không công khai công bố về việc các lực lượng này sẽ được sử dụng thế nào", ông nói.
Quan chức Lầu Năm Góc cho hay, quan chức Trung Quốc, trong các cuộc tiếp xúc với những người đồng cấp Mỹ, đều từ chối giải thích về tốc độ hay mục tiêu của nỗ lực gia tăng quân sự. Đô đốc Mỹ Willard nói rằng, các vũ khí mà Trung Quốc theo đuổi đặt ra những mối quan ngại bao gồm số lượng các tên lửa đạn đạo và hành trình ngày một lớn kể cả tên lửa chống hạm và loại máy bay tàng hình hiện đại. Hơn thế nữa, "Trung Quốc còn đang theo đuổi các khả năng chiến tranh ảo, chiến tranh không gian có thể được sử dụng không chỉ làm gián đoạn các hoạt động quân sự Mỹ mà còn đe dọa cơ sở hạ tầng không gian, thông tin trên mạng phục vụ cho truyền thông và thương mại quốc tế", Willard khẳng định.
Ảnh minh họa: AP |
"Sự thiếu minh bạch từ Trung Quốc, các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của họ có tác động đáng kể tới ổn định khu vực", Đô đốc Mỹ nhấn mạnh, các quốc gia tại châu Á, cùng với Mỹ đang trở nên báo động về những gì mà ông mô tả là "sự chống tiếp cận mới và vũ khí khống chế khu vực".
Chính phủ Trung Quốc luôn khẳng định, quá trình gia tăng sức mạnh quân sự là để phòng thủ nhưng không hề cung cấp chi tiết về bất cứ loại vũ khí hiện đại nhất nào của họ.
Trong lĩnh vực tấn công ảo, Đô đốc Willard cho rằng, một "tỉ lệ lớn" của một số lượng lớn các nỗ lực xâm nhập máy tính bị phát hiện hàng ngày đến từ Trung Quốc. "Chúng tôi đang bảo vệ mạng lưới của chúng tôi hàng ngyaf, không chỉ chống lại sự xâm nhập từ Trung Quốc mà còn chống lại rất nhiều sự xâm nhập đến từ các máy chủ toàn cầu", ông nói. "Và tôi trông cậy hoàn toàn hay gần như thế, trong không gian ảo vào sự chỉ huy và kiểm soát từ các lực lượng của chúng ta ở châu Á - Thái Bình Dương".
Các báo cáo quân sự Trung Quốc đề cập rằng, nước này có thể sử dụng chiến tranh ảo chống lại hệ thống thông tin và mạng lưới chỉ huy - kiểm soát trong một cuộc xung đột. "Vì vậy, rõ ràng ở đây cần tới khả năng bảo vệ không gian ảo", chỉ huy Mỹ khuyến cáo.
Sự quả quyết của Trung Quốc tại các vùng biển gần làm gia tăng nguy cơ hiểu lầm có thể dẫn tới đối đầu. Các tuyên bố và hành động chính thức của Trung Quốc tại "các vùng biển gần" quanh nước này đã đặt ra "một thách thức trực tiếp với việc làm sáng tỏ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế đã được công nhận", đô đốc Willard nói. Ông đề cập tới việc Trung Quốc đe dọa chống lại các cuộc tập trận của Hải quân Mỹ ở Hoàng Hải năm ngoái và những vụ việc đụng độ trước đó với các tàu giám sát của Mỹ tại Biển Đông.
Trung Quốc còn đe dọa Nhật Bản sau một vụ va chạm giữa các tàu phòng vệ bờ biển Nhật với một tàu cá Trung Quốc ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku (tiếng Nhật) hay Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc). Theo ông Willard, sự lấn chiếm hàng hải của Trung Quốc bao gồm các vùng biển quốc tế tại Vịnh Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông.
Ông cho rằng, các tuyên bố gần đây từ các quan chức cấp cao của chính quyền Obama tại những hội nghị khu vực châu Á đã phần nào nhắc nhở Trung Quốc về sự quả quyết ở các vùng biển gần. Theo Đô đốc Mỹ, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - nâng cấp từ tàu Nga - có thể bắt đầu chạy thử vào mùa hè này, là một bước tiến mới trong khả năng quân sự đại lục khiến nhiều quốc gia châu Á chú ý.
Quân đội Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng về số lượng cũng như khả năng của lực lượng tàu ngầm, điều mà Willard mô tả như một "hạm đội đáng kể" khiến các quốc gia châu Á khác như Australia, Indonesia và Malaysia, cũng đầu tư vào lực lượng tàu ngầm.
Khi được hỏi về những đánh giá gần đây của Giám đốc Tình báo Quốc gia James R. Clapper Jr. rằng, Trung Quốc đặt ra mối đe dọa lớn nhất với Mỹ, Đô đốc Willard trả lời ông không đồng ý với quan điểm này. Theo ông, Triều Tiên là một "mối đe dọa gần hơn", trong khi sự gia tăng quân sự của Trung Quốc là "thách thức to lớn". Ông nói: "Nếu tôi được hỏi về thách thức lớn nhất nào mà tôi đối mặt ở cương vị chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, tôi sẽ nói đó là mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc, để thúc đẩy mối quan hệ ấy cuối cùng trở thành một quan hệ đối tác xây dựng, nếu điều đó là có thể", ông cho biết.
Về vấn đề Triều Tiên, Tướng Walter Sharp - Tư lệnh Liên quân Hàn - Mỹ có mặt cùng với Đô đốc Willard, trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ tuyên bố, ông không cho là Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhận câu hỏi từ Thượng nghị sĩ John McCain về các cuộc hội đàm hạt nhân, Tướng Sharp trả lời: "Để trả lời trực tiếp câu hỏi của ông, tôi không nghĩ rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il sẽ từ bỏ khả năng hạt nhân".
- Thụy Phương (Theo Washington Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét