Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Bốn bước lấn chiếm biển đảo và ngoại giao câu giờ

Bài đăng ngày 19.10.2010-(Toquoc)-Đối với Senkaku (Điếu Ngư) cũng như Trường Sa, Trung Quốc thực hiện leo thang tranh chấp chủ quyền theo 4 bước và ngoại giao câu giờ.
Báo Sankei  (Nhật Bản) mới đây đưa phân tích của một số chuyên gia quân sự Nhật Bản về phương pháp 4 giai đoạn mà Trung Quốc thường áp dụng trong tranh chấp biển đảo để thực hiện tham vọng mở rộng lãnh hải của nước này.
Thực hiện tranh chấp theo 4 giai đoạn
Về quần đảo Trường Sa, tờ báo đưa lại ý kiến ông Kunio Orida, cựu tướng Không quân thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF), cho rằng trước tiên Bắc Kinh sẽ thông qua các kênh đối ngoại cũng như các diễn đàn quốc tế để khẳng định chủ quyền của họ tại vùng biển tranh chấp đó. Sau đó, các tàu khảo sát thuộc Cục Hải dương Trung Quốc sẽ được cử đến vùng biển này hoạt động. Tiếp đó là sự xuất hiện nhằm phô trương sức mạnh lực lượng của các loại tàu chiến hải quân Trung Quốc. Giai đoạn cuối cùng sẽ được thực hiện bằng cách cho các “ngư dân” giả danh xâm nhập lên quần đảo này một cách trái phép, dựng các bia đá xác định chủ quyền và tiến tới hiện thực hóa chủ quyền tại đây theo kiểu “sự việc đã rồi”.
Tàu tuần dương của lực lượng bảo vệ biển Nhật Bản ngăn chặn một tàu đánh cá Trung Quốc định tiếp cận đảo Senkaku, ngày 28/9/2010
Ông Orida cho biết Bắc Kinh cũng áp dụng phương pháp 4 giai đoạn này trong tranh chấp quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) đối với Nhật Bản và vụ va chạm vừa qua cho thấy Trung Quốc đã thực sự bước vào giai đoạn 4 với lính tiền tiêu không phải là quân nhân mà các quân nhân giả danh ngư dân.
Cùng chung quan điểm này, chuyên viên nghiên cứu Yoshira Saito thuộc Viện Nghiên cứu phòng vệ Nhật Bản cho rằng mục đích của Trung Quốc là áp dụng một chiến thuật phi đối xứng mà không có sự tham gia của quân chính qui về mặt công khai. Ông Saito cũng cảnh báo Nhật Bản cần cảnh giác với tình huống xấu nhất là hải quân Trung Quốc có thể sẽ lợi dụng đêm tối để đưa tàu ngầm tiến gần sát tới đảo Uotsuri, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Senkaku, sau đó sẽ cho lính thủy đánh bộ ngụy trang thành ngư dân để dần dần đổ bộ lên hòn đảo này. Sau khi cờ Trung Quốc được kéo lên, hàng loạt tàu cá dưới sự điều khiển của lính thủy sẽ đồng loạt ập vào hòn đảo này.
Yoshira Saito cũng cho biết thêm một số quan chức trong chính phủ Nhật Bản cũng từng rất ngạc nhiên sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo yêu cầu tàu tuần tra của Nhật Bản ngừng ngay các hoạt động trên khu vực Senkaku sau vụ va chạm hôm 7/9, nghĩa là Bắc Kinh cho rằng hoạt động của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) tại đây là hành vi vi phạm luật pháp. Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Trung Quốc trong việc “thôn tính” Senkaku, đã khiến lực lượng chức năng Nhật Bản nâng cao cảnh giác và tăng cường đề phòng trước các trường hợp bất trắc có thể xảy ra. Hiện thời, Nhật Bản đã cử các tàu tuần tra suốt 24/24 giờ xung quanh quần đảo Senkaku, đồng thời cử máy bay trực thăng tiến hành các hoạt động giám sát tại khu vực này. Tuy nhiên, ông Saito vẫn cho rằng điều này chưa thể ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc vì tàu tuần tra Nhật Bản không thể phát hiện được tàu ngầm trong khi các chuyến bay của máy bay trinh sát P3-C hiện vẫn còn khá ít.
Cựu Bộ trưởng Nội vụ Kazuhiro Haraguchi, người vừa có chuyến thị sát Senkaku từ trên máy bay, đã chỉ trích thái độ không dứt khoát của Tokyo đối với Bắc Kinh trong vụ va chạm vừa qua. Ông này kêu gọi Chính quyền Tokyo cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn và cứng rắn hơn nữa trong việc truyền tải tới Bắc Kinh thông điệp khẳng định quần đảo này là lãnh thổ của Nhật Bản. Ông cũng đề nghị Bộ Quốc phòng sớm có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả bằng việc tăng cường thêm các chuyến tuần tra trên biển, trang bị các loại tàu và thiết bị có khả năng phát hiện tàu ngầm, cử lực lượng tới đồn trú tại Senkaku để khẳng định sự hiện diện và quyền quản lý của Nhật Bản trước khi mọi việc quá muộn.
Tướng Orida góp ý Nhật Bản cần sửa đổi một số điều luật để cho phép Lực lượng phòng vệ (SDF) có thể trợ giúp JCG hay cảnh sát biển ngay cả trong thời bình, và đặt ra những quy chuẩn về việc sử dụng vũ khí để công tác ngăn chặn đạt hiệu quả thực sự. Đây là những nền tảng để SDF có thể ra các quyết định chính xác và hợp pháp khi xảy ra những tình huống đe dọa tới an ninh hải dương của nước này khi Bắc Kinh chưa có dấu hiệu tạm dừng việc theo đuổi chủ nghĩa bá quyền.
Báo Tin tức tham khảo (Trung Quốc) đưa tin: “Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Maehara Seiji cho rằng sẽ không lùi bước, kiên trì bảo vệ lãnh thổ đảo Điếu Ngư”. Theo Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hongkong), trả lời tại buổi họp báo, Bộ trưởng Maehara Seiji bày tỏ, “trên vấn đề lãnh thổ đảo Điếu Ngư, Nhật Bẩn sẽ không nhượng bộ, dù chỉ là một bước. Trung Quốc có thái độ như thế nào thì điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào phía Trung Quốc”.
Đưa Senkaku vào danh mục “lợi ích cốt lõi”
Còn báo Yomiuri cho rằng Bắc Kinh đang quyết tâm coi Senkaku là “lợi ích cốt lõi”. Dẫn thông tin trên Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (Hongkong), tờ báo này cho biết Mới đây, Bắc Kinh đã đưa quần đảo Senkaku vào danh mục “lợi ích cốt lõi quốc gia” theo một hệ thống ngoại giao vừa được thành lập để phân loại tranh chấp với các quốc gia nước ngoài. Trên thực tế, Trung Quốc không bao giờ công khai tuyên bố điều này mà chỉ được thống nhất và hiểu ngầm trong giới lãnh đạo.
Từ năm 2009, sao chép hệ thống phân loại của phương Tây, Bắc Kinh đã xây dựng một hệ thống mới để đưa quan hệ đối ngoại lớn thành hai loại là “lợi ích cốt lõi quốc gia” và “lợi ích quốc gia”.
Giáo sư Motoyoka Hideo thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Nhật Bản cho rằng việc tiếp tục đưa quần đảo Senkaku vào danh mục “lợi ích cốt lõi quốc gia” sau khi đưa Biển Đông vào danh mục này (tháng 3/2010) cho thấy sự leo thang tham vọng của Bắc Kinh và chắc chắn Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề này. Động thái trên lý giải tại sao Bắc Kinh đã có các hành động “cứng rắn” hơn thời gian trước đây.
Nhóm đảo thuộc quần đảo Senkaku (Điếu Ngư)
Nhiều nhà phân tích chính trị chiến lược cho rằng những dấu hiệu trên cho thấy rõ ràng Bắc Kinh đang điều chỉnh chính sách ngoại giao theo chiều hướng áp dụng một lập trường cứng rắn hơn. Một số chuyên gia khác tin rằng Bắc Kinh đã từ bỏ chủ trương được sử dụng lâu nay là “gác lại tranh chấp và cùng nhau khai thác” để chuyển sang chính sách mở rộng hải dương đến mức có thể, vì trước đây, Bắc Kinh chỉ phản đối mạnh mẽ các tranh chấp với Tokyo bằng tuyên bố và luôn cố gắng tránh để tranh chấp lãnh thổ hay chính trị ảnh hưởng đến quan hệ thương mại. Tuy nhiên, lần này, Trung Quốc đã hủy bỏ các cuộc họp cấp chính phủ Trung-Nhật và tiếp tục sử dụng ảnh hưởng để ngăn cản quan hệ thương mại giữa hai nước. Do vậy, có thể khẳng định quần đảo Senkaku tiếp tục là điểm nóng trong thời gian tới trong quan hệ Nhật-Trung.
Đóng 30 tàu phục vụ tranh chấp Biển Đông
Thời báo hoàn cầu ngày 13/10 dẫn nguồn từ báo Liên hợp buổi sáng của Singapore cho hay, Cục trưởng Chi cục Nam Hải, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc tiết lộ, Trung Quốc có kế hoạch đóng 30 chiếc tàu chấp pháp biển trong vòng 5 năm tới. Trung Quốc tranh chấp vùng biển rộng lớn, nhưng họ cho rằng hiện nay tàu chấp pháp trên biển của Trung Quốc vừa ít vừa nhỏ, chưa đạt được mức 1 tàu chấp pháp/1.000 km2 biển, kém xa so với các nước phát triển. Hiện nay, Trung Quốc có 10 bộ ngành thực hiện quản lý chấp pháp trên biển, trong đó có 5 cơ quan chấp pháp chính trên biển. Bắc Kinh cho rằng lực lượng chấp pháp trên biển phân tán như vậy đã dẫn đến tình trạng không thống nhất, xây dựng chồng chéo, gây lãng phí, năng lực chấp pháp trên biển không mạnh, hiệu quả thấp. Nên phải tăng cường lực lượng và tăng cường phối hợp./.
P.V


Nguồn: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/O-Cua-Chau-A/Bon-Buoc-Lan-Chiem-Bien-Dao-Va-Ngoai-Giao-Cau-Gio.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét