Giếng khoan trong lô 119 (điểm đen) nằm cạnh đường chín đoạn của Trung Quốc
Tập đoàn ExxonMobil của Hoa Kỳ chuẩn bị khoan thăm dò dầu khí trong vùng biển ngoài khơi miền Trung Việt Nam.
Trang tin Công nghệ Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho hay mũi khoan đầu tiên sẽ được Công ty TNHH Thăm dò và khai thác dầu khí ExxonMobil thực hiện vào cuối tháng Tư tại vị trí lô 119 trên thềm lục địa Quảng Ngãi-Đà Nẵng.
Thời gian khoan thăm dò lần này sẽ là khoảng 40 ngày.
Hôm 29/03, đại diện công ty đã có buổi làm việc với giới chức chính quyền Đà Nẵng về kế hoạch khoan thăm dò tại lô 119.
Trước đó, ngày 11/03 Công ty TNHH Thăm dò và khai thác dầu khí ExxonMobil đã có văn bản về việc khoan thăm dò dầu khí tại giếng khoan CNVD-1 lô 119 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, thuộc vùng biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam.
Được biết quá trình dựng giàn khoan có thể bắt đầu ngay đầu tháng Tư này.
Một nguồn tin cho BBC biết việc khoan thăm dò ở lô 119 đáng ra đã được tiến hành từ năm ngoái, nhưng phải hoãn vì lý do thời tiết xấu.
Ngoài lô 119, ExxonMobil còn có dự án thăm dò ở hai lô kế cận là 117 và 118, đều nằm trong vùng thềm lục địa miền Trung Việt Nam.
Phản ứng của Trung Quốc?
Cho tới ngày thứ Sáu 01/04, Trung Quốc chưa có phản ứng chính thức gì về kế hoạch của ExxonMobil.
Được biết, giếng khoan của ExxonMobil ở lô 119 có kinh độ Đông 109°41 vĩ độ Bắc 15°18'.
Nếu nhìn trên bản đồ trực tuyến mà chính Trung Quốc đưa ra, vị trí này nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam, nhưng cận kề một trong chín đoạn mà Bắc Kinh yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.
Một điểm đáng nói là không có một tọa độ địa lý cố định cho đường chín đoạn yêu sách của Trung Quốc (còn gọi là đường chữ U hay đường lưỡi bò), trừ vĩ độ Bắc 4°.
Điều này có nghĩa phản ứng của Trung Quốc, theo đánh giá của giới chuyên gia, là "rất khó lường".
Việt Nam và các quốc gia có chung Biển Đông nhiều lần phản đối đường "lưỡi bò" chiếm 80% diện tích Biển Đông của Trung Quốc, gọi đây là "yêu sách phi lý".
Gần lô 119 là lô 120, mà Công ty thăm dò - khai thác dầu khí Neon Energy của Úc đã cùng đối tác Việt Nam thăm dò địa chấn hồi tháng 5 năm ngoái.
Lúc đó phía Việt Nam đã phải cử tàu hải quân ra hộ tống công việc thăm dò này.
Các công ty dầu khí Mỹ được cho là có hậu thuẫn của chính phủ
Cho dù lần này phản ứng của Bắc Kinh ra sao, kế hoạch của ExxonMobil cũng chứng tỏ một thái độ mạnh bạo hơn của công ty Hoa Kỳ trong việc làm ăn với Việt Nam.
Cũng có ý kiến của giới chuyên gia cho rằng các tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ thường được chính phủ Mỹ hậu thuẫn.
Nhớ lại hồi tháng 7/2008, Trung Quốc đã gây sức ép buộc ExxonMobil ngừng dự án với Việt Nam tại khu vực mà Bắc Kinh nói là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Tập đoàn khổng lồ này, tuy chưa thông báo rút đi, nhưng cũng không tiếp tục công việc.
Dự án bị Trung Quốc phản đối lúc đó nằm trên thềm lục địa phía Nam, gồm các lô 135 và 136, khu vực Tư Chính - Vũng Mây của bồn trũng Nam Côn Sơn.
Bồn trũng Nam Côn Sơn, được cho là giàu tiềm năng dầu khí, là nơi Trung Quốc đòi tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và đã gây áp lực buộc nhiều công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam phải rút lui.
Thông qua các đại sứ quán tại nước ngoài, Bắc Kinh đã gây áp lực lên các công ty dầu khí quốc tế muốn cùng Việt Nam khai thác dầu khí tại khu vực biển đang tranh chấp.
Hồi tháng 6/2007, dưới áp lực của Trung Quốc, Tập đoàn dầu khí Anh British Petroleum (BP) đã ngừng việc thăm dò khảo sát địa chấn tại Nam Côn Sơn trước khi chính thức rút khỏi dự án thăm dò này vào tháng 3/2009.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét