Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 31/3 đã công bố Sách trắng Quốc phòng 2010 với mục tiêu chính là thực hiện chủ trương hiện đại hóa quân đội cho đến năm 2020. Tuy nhiên, theo bình luận của báo giới Nhật Bản, Sách trắng lần này vẫn tiếp tục thể hiện sự thiếu minh bạch và che giấu sự thật trong tiến trình hiện đại hóa quân sự Trung Quốc.
Theo báo "Sankei", Trung Quốc lấy lý do rằng Mỹ trong thời gian qua đã đẩy mạnh xây dựng đồng minh quân sự với một số nước châu Á-Thái Bình Dương để can dự vào khu vực và khiến tình hình khu vực trở nên phức tạp để lý giải cho mục tiêu hiện đại hóa quân sự của nước này. Theo đó, ngoài các mục tiêu truyền thống như bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận, một nội dung được đặc biệt chú trọng trong Sách trắng Quốc phòng lần này là Trung Quốc nhấn mạnh tới “bảo vệ quyền lợi hải dương”. Trung Quốc cho rằng trong bối cảnh tồn tại tranh chấp với các nước láng giềng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc cần đẩy mạnh hoạt động bảo vệ các vùng biển xung quanh nhằm nâng cao năng lực tác chiến đủ sức chống trả và áp chế các nguy cơ hoặc các cuộc tấn công từ bên ngoài. Tuy nhiên, rõ ràng Trung Quốc muốn giấu giếm thực tế nước này đang tiếp tục các nỗ lực để củng cố sức ảnh hưởng trong “chuỗi đảo thứ nhất” (vành đai nối các chuỗi đảo của Nhật Bản tới Okinawa và Đài Loan) và xâm nhập ảnh hưởng vào “chuỗi đảo thứ hai” (vành đai nối từ Saipan tới đảo Guam và Inđônêxia) để trở thành cường quốc hải dương.
Về mặt trang bị vũ khí, Trung Quốc cho biết họ đang tiếp tục bổ sung các loại máy bay chiến đấu thế hệ mới cũng như tên lửa đạn đạo chống tàu ngầm Đông Phong 21D. Sách trắng cũng cho biết họ đã mua lại tàu sân bay Varyag của Ucraina nhằm cải tạo để tiến hành huấn luyện tác chiến chuẩn bị cho việc sử dụng tàu sân bay do nước này tự đóng. Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quốc tế đặt nhiều sự chú ý là thông tin công khai về việc triển khai đóng tàu sân bay trên đã hoàn toàn không được đề cập tới trong Sách trắng lần này.
Trong Sách trắng 2008, các lực lượng hải-lục-không quân và pháo binh 2 (tên lửa chiến lược) được đề cập riêng rẽ trong từng chương và giới thiệu một số thông tin về cơ cấu cũng như vũ khí của từng lực lượng. Tuy nhiên, Sách trắng lần này đã gộp toàn bộ thông tin về các lực lượng trên vào một chương “Xây dựng hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân” và cắt giảm rất nhiều thông tin mà dư luận quốc tế muốn biết. Trong mục nói về việc gia tăng chi phí quốc phòng, Sách trắng chỉ giải thích đơn giản rằng tỷ lệ chi phí quốc phòng tiếp tục ổn định so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và có phần giảm so với tổng chi ngân sách. Tuy nhiên, những thông tin mà dư luận nhiều năm qua đặt nhiều nghi vấn là các khoản chi phí nghiên cứu, phát triển vũ khí mới hay mua vũ khí mới từ nước ngoài, trong đó đặc biệt là chi phí phát triển loại máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mới đây, có được tính trong chi phí quốc phòng hay nằm ngoài cũng hoàn toàn không được đề cập tới.
Và đáng chú ý là các lập luận để lý giải cho việc Trung Quốc cần hiện đại hóa quân sự trên thực tế lại khá mâu thuẫn với các hành động của nước này. Một trong những lý do Bắc Kinh đưa ra nhằm tăng cường hiện đại hóa quân sự là do tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng khiến cho môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc mất ổn định. Tuy nhiên, Bắc Kinh cần nhớ rằng họ cũng có “đóng góp” trong việc gia tăng nguy cơ bất ổn này. Trong khi Bình Nhưỡng bị cộng đồng quốc tế lên án vì đã gây ra vụ đắm tàu chiến Cheonan và vụ pháo kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc thì Bắc Kinh lại có thái độ bênh vực Bình Nhưỡng và khiến nước này tiếp tục có thêm các hành động khiêu khích nguy hiểm. Vì vậy, nếu muốn đạt được mục đích là thông qua Sách trắng để nâng cao tinh thần hợp tác và sự tin cậy của quốc tế thì Trung Quốc với tư cách là một nước lớn cần thể hiện được sự minh bạch và có các hành động thiết thực hơn nữa nhằm kiềm chế Bình Nhưỡng.
Theo Sankei
Văn Cường (gt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét