(Toquoc)-Sau sự kiện ngày 2/3, Philippines tăng cường sự hiện diện Biển Đông trước sự phản đối của Trung Quốc.
Giáo sư Lý Kim Minh mới đây viết bài trên Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Tế Nam (Trung Quốc) số quý I với tựa đề “Đường nét đứt ở Nam Hải: bối cảnh ra đời và tác dụng”. Ông Lý cho rằng sự tồn tại của đường 9 đoạn có lợi cho TQ, được coi là con bài đẹp để Trung Quốc đàm phán giải quyết vấn đề quần đảo Trường Sa. Nhưng ông Lý đã không đề cập đến thực tiễn rằng đòi hỏi về đường 9 đoạn này cùng những hành động để đòi hỏi chủ quyền đang gây nên những xung đột với các nước láng giềng phương Nam của Trung Quốc.
Philippines chỉ trích Trung Quốc
Kể từ sự kiện ngày 2/3, khi hai tàu chiến có gắn súng máy của Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò MV Venture của Philippines hoạt động trong khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), cách đảo Palawan 200 km về phía tây, Manila bắt đầu có nhiều động thái phản ứng khá cương quyết. Ngoài việc tổ chức tăng cường tuần tra, hộ tống tàu cá và tàu thăm dò cùng các phản đối chính thức qua đường ngoại giao, báo chí Philippines còn cho đăng nhiều bài công khai chỉ trích chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Khu vực Reed Bank (Bãi Cỏ Rong), nơi Philippines tiến hành thăm dò khai thác dầu khí
Bãi Cỏ Rong từng là đích ngắm của nhiều dự án thăm dò, khai thác trước đây. Hợp đồng dầu khí đầu tiên ở khu vực này từng được Bộ Năng lượng Philíppines cấp cho công ty nước ngoài năm 1975. Bãi này cách 150 km về phía đông của quần đảo Trường Sa. Philippines hiện chiếm giữ ít nhất 7 đảo và 3 bãi đá ngầm trong quần đảo. Năm 2010, công ty Forum Energy (Anh) tiến hành nghiên cứu địa chấn ba chiều ở khu vực xung quanh mỏ khí đốt Sampaguita và địa chấn hai chiều tại những nơi khác trong khu vực Reed Bank, phát hiện trữ lượng tiềm năng là 96 tỉ m3khí đốt tự nhiên và 440 triệu thùng dầu thô. Forum được cấp phép tiếp tục việc thăm dò.
Tờ Manila Times điện tử đăng bài của tác giả Dan Marino viết rằng vị trí thăm dò được Manila nói là nằm sâu trong khu vực kinh tế đặc quyền (EEZ) của Philippines. Manila Times là tờ báo tiếng Anh lâu năm nhất của Philippines . Tác giả bài báo gọi những việc đe dọa đối với tàu thuyền nước ông ta là “hành động côn đồ”.
Dan Marino cho rằng lý do gây hấn của Trung Quốc không có gì ngoài quyền lợi kinh tế, vì khu vực Bãi Cỏ Rong được cho là có chứa trữ lượng khí gas và dầu lửa khổng lồ (440 triệu thùng dầu). “Trong khi giá dầu thế giới đang tăng cao ngất thì việc thăm dò dầu khí ngoài Biển Đông sẽ được tăng cường”. Vì vậy, theo Dan Marino, cả Philippines và Trung Quốc đều không trông đợi loại sự cố như 2/3 chỉ xẩy ra một lần như vậy.
Theo bài báo, mới đây, chỉ huy không quân Philippines thừa nhận rằng nước này còn thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể đối phó hữu hiệu với các tàu nước ngoài xâm phạm hải phận của mình, thua kém nhiều so với Trung Quốc, Việt Nam hay Malaysia. Hai chiến đấu cơ OV-10 và Islander được điều tới hiện trường đều là loại cũ kỹ, ọp ẹp, “không thể làm được gì trong trường hợp phía Trung Quốc muốn gia tăng căng thẳng”. Tác giả Dan Marino kể lại một chuyến bay mà chính ông đã trải nghiệm trên chiếc Islander, khi máy bay của Không quân Philippines này mất độ cao ngay sau khi cất cánh.
Bài báo viết rằng “trong khi quân đội Philippines đang tụt hậu so với các nước trong khu vực, phần lớn vì sự tham nhũng, thì quân đội Trung Quốc đang được trang bị súng to pháo lớn”. Bắc Kinh tăng ngân sách quốc phòng hai chữ số trong năm nay. “Bắc Kinh không ngại có xung đột vũ trang trong việc khẳng định điều mà họ tuyên bố về chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa”. Tác giả nhận định rằng sự cố Bãi Cỏ Rong cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng từ bỏ các cam kết đã đưa ra năm 2002 khi ký vào bộ Quy tắc hành xử ở Biển Đông.
Cũng tờ Manila Times số gần đây đăng xã luận viết: “Sự việc (2/3) một lần nữa cho thấy, Trung Quốc không phải là quốc gia hiền lành như các nhà ngoại giao nước họ thường tuyên truyền”. Sự kiện hôm 2/3 không phải lần đầu và cũng sẽ không phải lần cuối trước các quốc gia nhỏ hơn và yếu hơn ở Đông Nam Á. Người Philippines đã nếm trải vài lần trong quá khứ và “cần có chính sách đối ngoại phù hợp, không để Trung Quốc muốn giần nhừ tử hải đội ọp ẹp của chúng ta lúc nào họ thấy cần”.
Bài xã luận kết luận: “Điều này không có nghĩa chúng ta phải cầu phục Trung Quốc mà có nghĩa là chính sách đối ngoại của chúng ta phải hướng tới làm sao để Trung Quốc không đối xử với chúng ta như những gì họ đã làm”.
Philippines nâng cấp đường băng trên đảo Pagasa
Ngày 29/3, Người phát ngôn quân sự của Philippines cho biết nước này sẽ tu bổ một đường băng nhằm sửa chữa những đoạn hư hỏng nhưng không xây thêm gì mới, với mục đích tiếp tục bảo đảm cung cấp những dịch vụ cơ bản cho người dân trên đảo Pagasa.
Máy bay trinh sát quân sự của Philippines OV-10 Bronco được dùng để theo dõi các vùng biển tranh chấp
Cùng ngày, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Eduardo Oban cho biết lực lượng vũ trang nước này sẽ củng cố sự hiện diện trên quần đảo Trường Sa. Tổng thống Philíppin Benigno Aquino đã thông qua đề xuất của Không quân nước này cho khôi phục và nâng cấp căn cứ Rancudo trên đảo Pagasa. Tổng thống Aquino đã chỉ thị cho một số cơ quan nhà nước, trong đó có Bộ Năng lượng, đầu tư tài chính để cung cấp đợt đầu 8 tỷ peso cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Rancudo.
Thứ trưởng Bộ quốc phòng Philippines cho biết Philippines sẽ tăng cường tuần tra hải quân và không quân tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, cải tạo đường băng trên một hòn đảo ở Trường Sa, cho phép máy bay vận tải C-130 có thể cất hạ cánh được.
Việc củng cố sự hiện hiện quân sự là nhằm hỗ trợ cho việc thăm dò và khai thác dầu khí gần khu vực Bãi Cỏ Rong mà Manila coi là thuộc chủ quyền của Philippines . Chính quyền Manila tuyên bố sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí ở vùng Biển Đông.
Phản ứng trước những động thái này, Bắc Kinh đều khẳng định chủ quyền ở khu vực tranh chấp. Theo lời bà Khương Du, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Trung Quốc giữ vững cam kết đối thoại và trao đổi để giải quyết tranh chấp tại biển Đông một cách thích hợp, đồng thời hợp tác với các nước liên quan để bảo đảm hòa bình và ổn định tại khu vực này. Bà cũng kêu gọi các bên đừng làm cho vấn đề thêm phức tạp.
Đề xuất ý tưởng khai thác dầu khí chung ở Biển Đông
Trong chuyến thăm chính thức Indonesia hồi đầu tháng 3, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và Tổng thốngIndonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã đề cập đến việc khai thác dầu khí chung ở Biển Đông. Sau đó, ông Aquino nói với báo giới rằng ý tưởng khai thác chung tại khu vực gần quần đảo Trường Sa đã được đề xuất. Ông nói: “có lẽ chúng ta cần tiếp tục thảo luận với các nước cùng tuyên bố chủ quyền khác” (ở Biển Đông).
Cũng trong cuộc họp nêu trên, lãnh đạo Indonesia và Philippines đã thống nhất tăng cường tuần tra chung trên biển với mục tiêu “chống khủng bố” và đẩy mạnh việc phân giới lãnh hải giữa hai bên.
Tổng thống Indonesia Susilo Yudhoyno tuyên bố rằng, với cương vị chủ tịch ASEAN năm 2011, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là đạt được tiến triển trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng cách đưa Trung Quốc ngồi vào đàm phán đa phương.
Về phía Mỹ, ngày 22/2, Tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Robert Willard đưa ra cam kết tại Manila là tiếp tục hỗ trợ Philippines “bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh, nhất là hỗ trợ việc tuần tra tại Biển Đông”. Sự kiện ngày 2/3 là một phép thử cam kết trên đây./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét