Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Mỹ thay nhân sự phụ trách Trung Quốc : Washington sẽ cứng rắn hơn với Bắc Kinh ?

Thay đổi quan trọng đang diễn ra tại Hoa Kỳ với ba nhân vật hàng đầu chịu trách nhiệm hồ sơ Trung Quốc lần lượt rút lui khỏi chính quyền Obama. Lấp đầy khoảng trống, có ít nhất hai người gốc là chuyên gia về Nhật Bản. Vào lúc quan hệ Mỹ - Trung đang bị nhiều thách thức do thái độ ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh, giới chuyên gia dự đoán là những người mới có thể sẽ thúc đẩy Washington thắt chặt thêm nữa quan hệ với các nước châu Á khác để cân bằng thế lực đang lên của Bắc Kinh trong khu vực.
Thay đổi đầu tiên diễn ra tại Nhà Trắng. Theo nhật báo Mỹ New York Times, ông Jeffrey Bader, cố vấn hàng đầu về Trung Quốc của Tổng thống Obama sẽ từ nhiệm, và được thay thế tại Hội đồng An ninh Quốc gia bằng phụ tá của ông là Daniel Russel, một chuyên gia về Nhật Bản.
Thay đổi thứ hai là ở bộ Ngoại giao. Thứ trưởng James Steinberg, nhân vật số hai trong bộ, một người thường xuyên quán xuyến hồ sơ Trung Quốc, đã từ chức, và sẽ được ông William Burns, chuyên trách Trung Đông lên thay. Với sự ra đi của ông Steinberg, vai trò của ông Kurt Campbell, trợ lý ngoại trưởng đặc trách Châu Á - Thái Bình Dương sẽ nổi trội lên. Ông Campbell cũng là một chuyên gia về Nhật Bản.
Trên hiện trường, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Jon Huntsman, cũng sẽ rời nhiệm sở vào cuối tháng tư, để trở về nước, chuẩn bị tranh chức ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Người kế nhiệm ông sẽ là ông Gary Locke, một người gốc Hoa, nguyên thống đốc tiểu bang Washington, hiện là bộ trưởng thương mại.
Theo các nhà quan sát, việc thay đổi hàng loạt người phụ trách chức vụ trọng yếu trong lãnh vực chính sách Trung Quốc như kể trên, tất nhiên sẽ có ảnh hưởng đến cách tiếp cận của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc, một trong những đối tác rất quan trọng nhưng khó khăn nhất.
Với việc ông Bader ra đi chẳng hạn, chính quyền Obama kể như mất đi một quan chức thông thạo tiếng Hoa, từng bắt đầu theo dõi hồ sơ Trung Quốc từ thời hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1979. Người thay thế ông Bader là ông Russel thì lại nói tiếng Nhật, từng làm Tổng lãnh sự Mỹ tại Osaka, từ năm 2005 đến năm 2008.
Còn tại bộ Ngoại giao, ông James Steinberg thường bị đánh giá là ‘’thân Trung Quốc’’, là người đã từng can gián không cho Mỹ bán chiến đấu cơ hiện đại cho Đài Loan để tránh đụng chạm đến Bắc Kinh.
Cho dù cả hai ông Russel và Campbell đều đã thường xuyên theo dõi hồ sơ Trung Quốc và rất nhiều lần ghé Bắc Kinh trong hai năm qua, nhưng theo giới phân tích, gốc gác chuyên gia về Nhật Bản của hai nhân vật này là một lời nhắc nhở Trung Quốc rằng Hoa Kỳ vẫn có những người bạn cũ khác trong khu vực.
Nhà Trắng dĩ nhiên đã giảm nhẹ tầm quan trọng của việc thay đổi nhân sự, khi khẳng định rằng chính sách Trung Quốc của Mỹ do cố vấn an ninh quốc gia Thomas Donilon điều phối, và Tổng thống Obama đã gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến tám lần - một con số cao khác thường - chứng tỏ tầm quan trọng mà chính quyền Mỹ dành cho Trung Quốc.
Bản thân ông Russel, người lên thay ông Bader ở chức cố vấn về Trung Quốc, cũng cho rằng không nên suy đoán trọng tâm chú ý của một người căn cứ vào gốc tích của người đó. Theo ông, trọng tâm của một quan chức chính phủ là thực hiện chủ trương do tổng thống đề ra.
Cân bằng thế lực đang lên của Trung Quốc
Trên vấn đề này, có thể nói là từ khi ông Obama lên cầm quyền, Hoa Kỳ đã cố gắng củng cố liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời thắt chặt thêm quan hệ với Indonesia, Việt Nam và các nước láng giềng khác của Trung Quốc trong khu vực, vốn càng lúc càng quan ngại trước tham vọng của Trung Quốc.
Phát biểu với báo New York Times ngày 07/04/2011, ông Donilon xác định rằng việc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng Hoa Kỳ xuất phát "từ một cơ sở tốt hơn, và quan trọng hơn, là từ một cơ sở mạnh mẽ hơn trong khu vực".
Trong số những thách thức mà ông Donilon nói đến có việc Bắc Kinh gần đây đã bắt giam hàng chục luật sư, nhà báo, nghệ sĩ và những người ủng hộ nhân quyền, mà theo các quan chức Mỹ, có lẽ là nhằm ngăn không cho phong trào nổi dậy tại thế giới Ả Rập lây lan qua Trung Quốc. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc.
Trước đó, ngày 06/04, Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Huntsman đã tranh thủ bài diễn văn từ biệt tại Trung Quốc để chỉ trích việc bắt giam nghệ sĩ Ngải Vị Vị. Ông Huntsman cũng nêu bật sai lầm của Trung Quốc khi bắt giam ông Tiết Phong, một nhà địa chất Mỹ gốc Hoa bị cáo buộc ăn cắp bí mật nhà nước khi nghiên cứu ngành công nghiệp dầu mỏ của Trung Quốc.
Nhìn chung, với việc những người ‘’thân Bắc Kinh’’ rời khỏi vai trò chủ chốt trong việc hoạch định chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, nhiều nhà quan sát cho rằng xu hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc có khả năng tăng lên.
Theo ông Gerrit Van der Wees, chủ bút một tờ báo chuyên về Đài Loan tại Washington, sắp tới đây, vai trò của trợ lý ngoại trưởng Kurt Campbell sẽ rất quan trọng, và nhân vật này có thể thúc đẩy thêm chủ trương « cân bằng thế lực đang lên của Trung Quốc và duy trì ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại vùng Đông Á và Đông Nam Á ».

Bài Trọng Nghĩa; Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110410-my-thay-nhan-su-phu-trach-trung-quoc-washington-se-cung-ran-hon-voi-bac-kinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét