Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Biển Đông: Nhìn nhận lại quá khứ để dự báo tương lai

Bài viết của TS. Mark J. Valencia (Mỹ) phân tích những chuỗi sự kiện gần đây trên Biển Đông, đánh giá  những vấn đề cơ bản mà các tranh chấp đang đặt ra, dự báo tình hình sắp tới và đề ra các kiến nghị, trong đó nêu rõ cần sớm có thỏa hiệp mạnh mẽ để ngăn ngừa các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.[1]
Giới thiệu
Vào tháng 11 năm 2009, tôi đã trình bày một tham luận tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội, có thể được kết luận như sau[2]:
Có thể tiến hành một vài bước đi cụ thể. Các quốc gia yêu sách có thể thực hiện một hệ thống cảnh báo sớm “dựa trên các cơ chế hiện hành để ngăn ngừa các mâu thuẫn xuất hiện/leo thang” như họ đã thống nhất trong “kế hoạch hòa bình” vào tháng Ba năm 2009.[3] Các quốc gia này có thể chính thức hóa bộ quy tắc ứng xử (được xây dựng dựa trên Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002) đối với biển Đông và tuân thủ theo Bộ quy tắc này. Họ cũng có thể từ bỏ những yêu sách về các đường cơ sở và các vùng biển chỉ mang tính dân tộc chủ nghĩa mà không được hỗ trợ bằng các cơ sở pháp lý. Họ cũng có thể xây dựng một mạng lưới các thỏa thuận hợp tác chức năng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh hàng hải và tìm kiếm và cứu nạn. Những thỏa thuận này sẽ không đe dọa đến lập trường hiện tại của họ và các thỏa thuận đều có thể bao gồm một điều khoản khẳng định rằng các thỏa thuận này sẽ không ảnh hường gì đến các yêu sách về chủ quyền và quyền tài phán. Còn một giải pháp tổng thể cho các tranh chấp ở biển Đông thì nếu như có thật sự đạt được, sẽ phải mất một thời gian rất dài. Tuy nhiên một sự lựa chọn thay thế – giống như một vết nhọt mưng mủ đã lên vảy có thể bị các bên chọc vào mỗi khi các mối quan hệ xấu đi hay mỗi khi các thế lực ngoài khu vực mong muốn – là một nỗi ác mộng mà không một quốc gia nào trong khu vực muốn lặp lại. Tuy nhiên, cánh cửa cho cơ hội (đối với một giải pháp tạm thời) đang dần khép lại.
Đáng tiếc thay, cho đến nay các tranh chấp không có nhiều tiến triển lạc quan. Thay vào đó, trong hai năm vừa qua đã có hàng loạt các sự kiện mới liên quan đến biển Đông có hệ lụy quan trọng đối với an ninh khu vực. Các vấn đề này bao gồm sự kiện tàu Impeccable, lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ và việc quốc gia này bắt giữ hàng loạt tàu thuyền đánh cá của Việt Nam,[4]tuyên bố của Trung Quốc rằng biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc,[5] việc đệ trình yêu sách chung của Việt Nam/Malaysia về phần mở rộng của thềm lục địa và phản đối sau đó của Trung Quốc, tuyên bố của Mỹ rằng Mỹ có “lợi ích quốc gia” đối với kết quả của các tranh chấp, lời đề nghị của Mỹ làm trung gian hòa giải cho các tranh chấp và sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, và tuyên bố “mềm mỏng hơn” giữa Mỹ - ASEAN về vấn đề biển Đông. Những diễn biến này đã xảy ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang xấu đi, giữa những tranh luận trong khu vực về bản chất và mong muốn của các quốc gia về vai trò an ninh của Mỹ trong khu vực. Hơn nữa, các sự kiện này đã cộng hưởng với nhau và càng gia tăng ảnh hưởng, đặt ra câu hỏi cơ bản cho Đông Nam Á về an ninh của khu vực này. Bài viết này phân tích chuỗi sự kiện này và bản chất đang được củng cố của chúng, xác định những vấn đề cơ bản mà chúng đặt ra và kết luận rằng cần phải có một thỏa hiệp mạnh mẽ để ngăn ngừa tình huống xấu nhất.
Những diễn biến gần đây
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn khu vực ASEAN vào tháng 7/2010 ở Hà Nội, trong đó bao gồm cả lời đề nghị của Mỹ làm trung gian hòa giải cho các tranh chấp biển Đông, không chỉ khơi mào cho các phản ứng tức giận của Trung Quốc đối với điều mà Trung Quốc xem là can thiệp công việc nội bộ của nước này,[6] mà còn cả một làn sóng các bài báo về “mối đe dọa” Trung Quốc ngập tràn trên các báo chí phương Tây.[7] Mỹ đã khôn khéo kết hợp những lo ngại của một số quốc gia ASEAN trước sự hiếu chiến của Trung Quốc trong các yêu sách đối với các đảo và vùng biển ở biển Đông với nỗi lo của chính họ về tự do hàng hải. Nhưng như Mỹ đã biết hoặc nên biết, việc Trung Quốc phản đối một số hoạt động thu thập tin tức tình báo của quân đội Mỹ ở vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc mà chẳng mấy hoặc không hề liên quan gì đến các yêu sách của nuớc này ở khu vực biển Đông. Quả thật, Trung Quốc không phản đối bản thân quyền tự do hàng hải mà phản đối cái mà, theo quan điểm của Trung Quốc, là sự lạm dụng của Mỹ đối với quyền này. Các hoạt động của tàu EP3, Bowditch và Impeccable của Mỹ bao gồm tổng thể các hành động như chủ động khiêu khích lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc để kích động và quan sát phản ứng của Trung Quốc, làm nhiễu sóng liên lạc giữa bờ với tàu và tàu ngầm, ‘chuẩn bị chiến trường’ sử dụng các lập luận pháp lý để lẩn tránh quy chế xin phép Trung Quốc để tiến hành nghiên cứu khoa học biển và lần tìm các tàu ngầm hạt nhân mới của Trung Quốc để nhắm làm mục tiêu khi các tàu này vào và rời khỏi căn cứ. Rất ít nước sẽ có thể chịu được các hành động khiêu khích đến mức này từ kẻ thù tiềm năng mà không phản ứng lại theo một cách nào đó. Nếu có thật, các hành động này không phải là các hành động thu thập thông tin tình báo một cách bị động thường được hầu hết các quốc gia thực hiện và chấp nhận mà là các hành động xâm lấn và các thông lệ đầy tranh cãi mà Trung Quốc xem như là sự đe dọa sử dụng vũ lực. Việc đe dọa sử dụng vũ lực là hành vi vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc chứ chưa nói đến Công ước luật biển 1982. Các hoạt động này phải được xem xét một cách kỹ lưỡng và phán xét bởi một cơ quan trung lập để xác định xem chúng có hợp pháp hay không. Nhưng một yêu cầu xem xét như thế sẽ có nguy cơ làm cho tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton về việc Mỹ “phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” trở nên hơi đạo đức giả.
Nhận thức được mối quan ngại của các quốc gia yêu sách trong ASEAN và với mong muốn bắt Trung Quốc phải trả giá vì đã không hợp tác trong việc trừng phạt Bắc Triều Tiên sau khi đánh chìm tàu Cheonan, và vẫn còn cảm thấy nhức nhối sau sự kiện tàu Impeccable, Mỹ đã dùng những lời lẽ của mình phủ đầu và làm xấu mặt Trung Quốc ngay truớc mặt một quốc gia châu Á khác đôi khi để trả đũa là Việt Nam. Vấn đề còn tồi tệ hơn với Trung Quốc khi lời kêu gọi của Mỹ tiến hành các vòng đàm phán đa phương đã được một số nước ASEAN ủng hộ một cách công khai, bất chấp việc Trung Quốc đã đề nghị riêng với các nước này không đề cập đến chủ đề này và cố gắng không đưa ra một quan điểm chung.[8] Hiện nay Trung Quốc tin rằng Mỹ đã thay đổi một cách cơ bản chính sách của nuớc này đối với các tranh chấp ở biển Đông và rằng Mỹ đang đứng về phe chống Trung Quốc. Câu nói quan trọng nhất trong bài phát biểu của Clinton là “các yêu sách hợp pháp ở biển Đông cần phải được đưa ra dựa trên duy nhất các yêu sách hợp pháp đối với các vùng lãnh thổ đất liền.” [9]
Nhưng nếu các quốc gia yêu sách ASEAN– Brunei, Malaysia, Philipin và Việt Nam – cho rằng những tuyên bố như thế của Mỹ là đang ủng hộ cho các yêu sách của mình thì họ sẽ cần phải nghĩ lại. Ngoại trưởng Clinton cũng phát biểu rằng “Mỹ có lợi ích quốc gia đối với quyền tự do hàng hải, tiếp cận tự do đối với vùng nước chung của châu Á và coi trọng luật quốc tế ở biển Đông.”[10] Những yêu sách của Philipin đòi một loạt các đảo và vùng biển như Kalayaan, và yêu sách của Malaysia đối với nhiều đảo khác bởi vì các đảo này tình cờ nằm trong thềm lục địa mà họ đã yêu sách cũng sai và yếu như yêu sách của Trung Quốc về đường lưỡi bò lịch sử. Hơn nữa, dù trái với quy định của Công ước mà họ đã phê chuẩn, Việt Nam và Indonesia, hai nước đã đưa ra phản đối chính thức đối với những yêu sách của Trung Quốc lên Ủy ban Liên Hợp Quốc có liên quan, không cho phép quyền qua lại vô hại đối với các tàu chiến nước ngoài trong các vùng lãnh hải mà không có sự đồng ý của họ, trong khi Malaysia lại không cho phép quân đội nước ngoài hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Các nước yêu sách ASEAN cần phải giải quyết các mâu thuẫn về yêu sách lãnh thổ và quyền tài phán với nhau cũng như so với luật quốc tế.
Bất chấp sự kiêu ngạo của Mỹ khi đưa ra đề nghị “thúc đẩy” các cuộc gặp đa phương về các tranh chấp ở biển Đông, điều đã làm cho Trung Quốc hết sức tức giận, rõ ràng Trung Quốc là kẻ thù lớn nhất của chính mình trong vấn đề này. Trung Quốc đã từ chối đưa ra yêu sách chung với Malaysia và Việt Nam về thềm lục địa mở rộng ở biển Đông. Trung Quốc cũng sau đó đưa ra phản đối với yêu cầu của hai nước này đòi Trung Quốc phải kèm bản đồ cùng với yêu sách về đường lưỡi bò 9 đoạn đứt khúc tuyên bố chủ quyền mơ hồ đối với hầu hết biển Đông. Trung Quốc công khai xếp vấn đề biển Đông vào nhóm các vấn đề “lợi ích cốt lõi”[11] cùng với các vấn đề Tây Tạng và Đài Loan, nghĩa là vấn đề mà Trung Quốc sẵn sàng đấu tranh để giành lấy và cho phép người phát ngôn Bộ Quốc phòng Geng Yamshen phát biểu rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Nam Hải (biển Đông – nd) và Trung Quốc có đủ bằng chứng về lịch sử và pháp lý” để ủng hộ cho các yêu sách của mình. Các hành động này cùng với chủ nghĩa dân tộc ngày càng cao của Trung Quốc và các hoạt động quân sự rộng lớn kèm theo trong khu vực đã tạo ra cho Mỹ một cơ hội ngoại giao và đã đẩy các nước ASEAN vào cùng một góc với Mỹ.
Nhưng hiện vẫn chưa rõ yêu sách của Trung Quốc là nhắm đến các đảo (và các lãnh hải của chúng) hay là cả vùng biển. Để xoa dịu sự lo lắng của ASEAN, Trung Quốc cần ngay lập tức làm rõ các yêu sách của mình chính xác là gì và cơ sở của chúng trong khuôn khổ của Công ước luật biển 1982. Trung Quốc cũng cần làm rõ hơn các phản đối của mình đối với các hoạt động thu thập thông tin tình báo của Mỹ ở vùng đặc quyền kinh tế của họ bằng các “thuật ngữ pháp lý” đương đại có thể hiểu được. Và để đối phó với những lợi thế về mặt ngoại giao mà Mỹ đang hưởng, Trung Quốc cần thống nhất với ASEAN về một bộ Quy tắc ứng xử chính thức ở biển Đông. Nếu điều này thành công thì biện pháp của Mỹ có thể đã giúp kìm nén bớt các tranh chấp yêu sách ở biển Đông.
Nhưng cái giá phải trả có thể sẽ cao. Trung Quốc khó có thể quên và tha thứ việc này và đặc biệt là cách thức can thiệp của Mỹ. Nếu có, việc này đã thuyết phục được Trung Quốc rằng ván bài đã bắt đầu. Việc này có thể khẳng định nỗi sợ lớn nhất của Trung Quốc rằng Mỹ đang lén lút cố gắng lôi kéo ASEAN hoặc một vài quốc gia thành viên của Hiệp hội này cùng với Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc để hình thành nên một liên minh mềm để hạn chế, nếu không nói là kiềm chế Trung Quốc. Và Trung Quốc sẽ đấu tranh để phá vòng vây bằng biện pháp chính trị và quân sự, mở màn cho sự thù địch và căng thẳng trong nhiều năm tới.
Ý đồ và các chiến lược
Trung Quốc
Câu hỏi cốt lõi là ý đồ của Trung Quốc đối với biển Đông là gì? Tất nhiên Trung Quốc vẫn khẳng định rằng Trung Quốc chỉ đơn thuần đang bảo vệ an ninh và chủ quyền của mình[12] và ngăn chặn cái mà nước này xem là “sự kiềm chế.”[13] Có phải Trung Quốc có ý định khôi phục lại vị thế bá chủ lịch sử đối với biển Đông và từ đó là cả Đông Nam Á không? Hay Trung Quốc chỉ quan tâm đến việc kiểm soát các nguồn tài nguyên – dầu, cá, các đường biển (mặc dù một số cho rằng phỏng đoán sau là bất hợp lý).[14] Liệu ý định của Trung Quốc có phải là biến biển Đông thành nơi trú ẩn của các tàu ngầm chở vũ khí hạt nhân của mình để chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Ấn Độ[15] hay để ngăn chặn các khả năng can thiệp của quân đội Mỹ nếu xảy ra xung đột về Đài Loan? [16]
Song song với sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc là sự cạnh tranh về chính trị để giành được “sự tin yêu” của các quốc gia Đông Nam Á. Tờ Thời báo toàn cầu, tờ báo thường xuyên phản ánh quan điểm của chính phủ Trung Quốc, đã cảnh báo rằng “ổn định khu vực sẽ khó có thể được bảo đảm” nếu các quốc gia Đông Nam Á “tự cho phép mình bị kiểm soát” bởi Mỹ.[17] Trung Quốc đã dành được một số thành công nhất định trong việc chia rẽ các đồng minh của Mỹ và các nước Đông Nam Á. Australia có vẻ như nghiêng về cách giải quyết song phương của Trung Quốc hơn trong việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông.[18] Các quốc gia không có yêu sách như Singapore hay Thái Lan, và một Philipin nước đôi dường như thích những dàn xếp hiện có hơn là việc đa phương hóa chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh ASEAN. [19]
Nhưng Trung Quốc cũng đã góp phần tự làm xấu hình ảnh cùa mình bằng việc sa đà vào việc bắt nạt các nước khác và với chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ của mình đã làm cho các nước Đông Nam Á cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản[20] e ngại đến mức phải tham gia vào các mối quan hệ an ninh với Mỹ.[21] Quả thật, Trung Quốc đang ngày càng chứng tỏ mình là nước rất “khó chơi” và có vẻ như các chuyên gia phương  Tây lẫn Đông Nam Á đều nhất trí rằng nước này xứng đáng được nhận một “sự trừng phạt” nào đó. 
Mỹ
Như Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham Mưu trưởng Liên quân Mỹ đã nói, quân đội Mỹ cho rằng quân đội Trung Quốc đang trải qua một “sự chuyển biến chiến lược, khi mà họ chuyển từ việc tập trung vào các lực lượng trên bộ sang các lực lượng hải quân, hàng hải, và không quân.”[22] Cụ thể hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng việc Trung Quốc đầu tư vào các vũ khí chống tàu và tên lửa đạn đạo có thể đe dọa đến cách thức chủ yếu mà Mỹ tiến hành để thể hiện sức mạnh và giúp đỡ các đồng minh ở Thái Bình Dương. Dù là với bất cứ lý do gì, Mỹ tin rằng quân đội Trung Quốc gần đây đã trở nên quyết đoán hơn ở châu Á, đặc biệt là ở biển Đông và rằng “sự quả quyết này đã gây ra lo ngại đối với các nước láng giềng của Trung Quốc trong khu vực…” [23]
Các mối ưu tiên về an ninh biển của Mỹ ở Đông Á được cho là rõ ràng hơn của Trung Quốc. Đầu tiên, theo bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hononlulu vào ngày 12 tháng 1 năm 2010 “Mỹ quay trở lại châu Á…là để ở lại.” Quả thật, Tổng thống Obama cho hay “Mỹ dự định đóng vai trò lãnh đạo ở châu Á.”[24] Nhưng rất khó để thăm dò được ý định và động lực thực sự của một nước Mỹ được cho là khá minh bạch trong việc tái khẳng định mình ở châu Á. Có lẽ nguyên tắc dao cạo của Occam sẽ được áp dụng ở đây – rằng, cách giải thích đơn giản nhất là cách giải thích đúng – ý định của Mỹ là đảm bảo vị trí bá chủ của mình ở châu Á. Điều này có thể bắt nguồn từ một quan niệm đã có từ lâu đời trong nội bộ nước Mỹ đã được đưa ra công khai và nổi bật dưới thời chính quyền George W. Bush rằng Mỹ là “quốc gia không thể thiếu” của thế giới (là vị cứu tinh) và Mỹ không chỉ có quyền và nghĩa vụ phải can thiệp vào công việc của gần như mọi quốc gia trên trái đất.[25] Quan điểm này sặc mùi ngạo mạn và đã khiến một số quốc gia Đông Nam Á cảm thấy phải lên tiếng phản đối. [26]
Tất nhiên Mỹ đã giải thích sự tiếp tục hiện diện của quân đội nước này trong khu vực là điều cần thiết để đảm bảo hòa bình và ổn định, giúp ASEAN tự tin và mạnh mẽ hơn trong việc đối trọng với Trung Quốc, kiềm chế Triều Tiên, ngăn chặn việc Nhật Bản tái vũ trang, ủng hộ nền dân chủ non trẻ và luật quốc tế, bảo vệ các công ty của Mỹ, ngăn chặn việc buôn bán vũ khí hủy diệt hàng loạt, đảm bảo an toàn và an ninh và cho các đường biển v.v. Nhưng chắc chắn Trung Quốc[27] và một số quốc gia có tư tưởng hiện thực khác lại tin vào cách lý giải đơn giản hơn. Quả thật, Trung Quốc tin rằng chính quyền Obama đang cố gắng thúc đẩy sự tự tin của các quốc gia Đông Nam Á để đối phó với Trung Quốc.[28] Hơn nữa, Trung Quốc xem việc Mỹ can thiệp vào các tranh chấp biển Đông như một phần của kế hoạch lớn hơn nhằm tái khẳng định mình ở Đông Nam Á. Điều này bao gồm cả việc ký kết Hiệp định Bali, mở phái đoàn và cử một đại sứ đến ASEAN, tổ chức hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN và tăng cường hợp tác quân sự song phương với một số nước cụ thể.
Hải quân Mỹ hiện đang có lợi thế rõ ràng so với các lực lượng hải quân Trung Quốc và lợi thế này có thể sẽ còn kéo dài trong một thời gian dài sắp tới.[29] Tuy nhiên không thể phủ nhận các mối lo ngại về những mối đe dọa của Trung Quốc với các hoạt động hải quân của Mỹ ở gần Trung Quốc, gây ra những nghi ngờ về khả năng bảo vệ Đài Loan của Mỹ. Và Trung Quốc cũng khó có thể “dựa dẫm” vào Mỹ mãi trong vấn đề bảo vệ an ninh đường biển. Hơn nữa, chi tiêu quốc phòng của Mỹ cũng được dự đoán sẽ giảm dần sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và hiện đang có một cuộc tranh cãi gay gắt trong nội bộ nước Mỹ về quy mô và chi phí của quân đội Mỹ. Để bù đắp, một số người thậm chí còn dự đoán sẽ có một bước phát triển do Mỹ khởi xướng về việc thành lập một tổ chức liên châu Á tương tự như NATO bao gồm hầu hết các quốc gia ở châu Á trừ Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Myanma, Butan, Iran và Xiri.[30] Trung Quốc và ASEAN đã thống nhất sẽ nâng mối quan hệ của mình lên “tầm chiến lược”[31] Ít nhất hoàn cảnh hiện tại cũng sẽ thúc đẩy Mỹ tìm kiếm “những người bạn” quân sự trong khu vực, như Việt Nam và Ấn Độ.[32] Nhưng một số nhà phân tích cho rằng trong chính phủ Mỹ  tồn tại bất đồng về việc phải đối phó với Trung  Quốc như thế nào với một phe nhấn mạnh đến các lợi ích về kinh tế và phe an ninh thì nhấn mạnh cách tiếp cận cứng rắn.[33] Chính phủ Mỹ rõ ràng đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: làm sao để gây dựng lòng tin với Trung Quốc, trong khi vẫn phải duy trì sự có mặt của hải quân nước này ở châu Á và trấn an các đối tác đang lo lắng và cảm thấy bị đe dọa với lập trường quyết đoán hơn của Trung Quốc. [34]
Các vấn đề cơ bản đối với Đông Nam Á
Tất cả các sự kiện này đều là biểu hiện trên bề mặt của những thay đổi sâu xa hơn trong mô hình an ninh ở châu Á. Quả thật, mô hình an ninh Đông Á hiện đang ở thời khắc quyết định.[35] Đông Nam Á cần phải xác định vai trò mà các nước này muốn Mỹ nắm giữ: để kiềm chế Trung Quốc – như cách nói của các nhà lãnh đạo Quân đội Giải phóng Trung Quốc – hay để đối trọng với nước này – hay kết hợp cả hai? Các quốc gia Đông Nam Á cần phải cẩn trọng với điều mà họ mong muốn. Các quốc gia này phải đối mặt với câu hỏi cơ bản nhất “liệu các nước châu Á có nên duy trì sự đồng lõa của mình trong việc giúp đỡ, hợp pháp hóa và về cơ bản ủng hộ chế độ bá quyền của Mỹ hay không và nếu có thì đến mức độ nào và trong thời gian bao lâu?”[36] Nhưng không có Mỹ liệu các nước ASEAN có thể đoàn kết lại để đối phó với một Trung Quốc đang lên, không chỉ trong các vấn đề biển Đông, mà có thể chỉ là một phép thử đối với “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc - mà còn đối với các vấn đề khác nói chung? Hay liệu chế độ bá quyền và sự thay đổi bá quyền ở châu Á có thể được đàm phán không?[37] Hay liệu ASEAN có thực sự không thể hay không muốn thành lập một mặt trận thống nhất có thể tác động đến kết quả của cuộc đấu tranh giữa Trung Quốc và Mỹ?[38] Tệ hơn nữa, liệu lập trường đoàn kết nửa vời của ASEAN tại Diễn dàn khu vực ARF tại Hà Nội 2010 ủng hộ lời kêu gọi của Mỹ về việc đàm phán đa phương với Trung Quốc chỉ thúc đẩy Trung Quốc tiến xa hơn tới bá quyền ở Đông Nam Á?
Như Tổng thư ký ASEAN, Surin Pitswaran đã nói, “Sự kình địch giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ lộ ra trong ASEAN.”[39] Tất nhiên “không ai trong Đông Nam Á muốn phải chọn lựa giữa Mỹ hay Trung Quốc.”[40]Nhưng đó không phải là những gì đang xảy ra trên thực tế. Việt Nam đang dẫn dắt và thúc đẩy ASEAN về vấn đề biển Đông[41] đồng thời cũng đang tiến lại gần hơn với Mỹ. Nước này dường như đang muốn đối trọng với Trung Quốc (với sự hỗ trợ của Mỹ) và dường như sẵn sàng chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra trong mối quan hệ với Trung Quốc. Đây có thể là một “trò chơi” nguy hiểm theo nhiều phương diện.[42] Nhưng hiện đã có một nước yêu sách biển Đông khác là Philipin dường như đã phản đối lập trường thống nhất, mong muốn tiến hành đàm phán song phương với Trung Quốc hơn.[43] Và Campuchia và Lào thường được cho là thân Trung Quốc hơn trong vấn đề này.[44] 
Các hướng đi tiếp theo
Một bài viết về chính sách sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu các đề xuất để giải quyết – hoặc ít nhất là giảm nhẹ - vấn đề. Tuy nhiên, tôi không có nhiều vấn đề để nói mà tôi chưa từng đề cập đến trước đây và những điều mà người khác đã nhắc lại hoặc phân tích. Đáng tiếc thay, dự đoán của tôi vè một viễn cảnh tồi tệ nhất đã trở thành lời tiên tri. Vẫn chưa được giải quyết, “các tranh chấp tồn tại như một vết thương đã lên vảy có thể được chọc vào vì các mục đích chính trị và như một lời mời các thế lực bên ngoài can thiệp vào.” Hiện tại Mỹ “đã tham gia vào cuộc tranh chấp này, thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc chơi.” Lời phản biện chính thức của Indonesia về yêu sách của Trung Quốc khó có thể thuyết phục được Trung Quốc rằng nước này đang không bị “kéo bè kéo phái để chống lại” Trung Quốc.
Có vẻ những tranh chấp này có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi chúng được cải thiện, và chúng sẽ bị tác động bởi sự canh tranh và căng thẳng giữa các cường quốc lớn. Có lẽ khi nào các tranh chấp này trở nên nghiêm trọng đến nỗi cộng đồng quốc tế không thể tiếp tục phớt lờ nữa thì các tranh chấp này sẽ được giải quyết và một giải pháp hay một giải pháp tạm thời  sẽ được áp đặt từ bên ngoài. Viễn cảnh này có thể được bắt đầu thực hiện từ bây giờ. Bây giờ không phải là quá muộn để tránh gặp phải kết cục tồi tệ nhất của viễn cảnh tồi tệ nhất là xung đột. Với hy vọng đó, tôi xin trình bày một số cách để giảm bớt căng thẳng. Các giải pháp này không phải là mới nhưng cần phải được cân nhắc lại trong các thời điểm quan trọng này.
Một điều kiện cần nhưng chưa đủ để giải quyết được các tranh chấp là các bên yêu sách, đặc biệt là Trung Quốc phải làm rõ các yêu sách của mình phù hợp với Công ước luật biển 1982 (UNCLOS). Bằng việc đính kèm bản đồ vào Công hàm chính thức gửi tới Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách của Việt Nam và Malaysia về thềm lục địa mở rộng, Trung Quốc đã làm cho tình hình càng thêm rắc rối.[45] Bản đồ thể hiện đường lưỡi bò mà một số cho rằng chính là yêu sách chính thức của Trung Quốc đối với các đảo và vùng nước xung quanh. Trung Quốc có thể đưa ra một yêu sách phù hợp với UNCLOS bằng việc yêu sách chủ quyền đối với các đảo và vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ những đảo rõ ràng có khả năng “cho con người đến ở hoặc có đời sống kinh tế riêng,” và tái khẳng định sự sẵn sàng để tham gia vào các hoạt động cùng khai thác mà không ảnh hưởng đến các quyết định cuối cùng đối với các yêu sách và chủ quyền và biên giới trên biển. Điều này sẽ làm tăng tính hợp pháp của các yêu sách của Trung Quốc. Đáng tiếc thay Trung Quốc lại rất không sẵn lòng từ bỏ các yêu sách về đường lưỡi bò hoặc yêu sách lịch sử mà không có đi có lại. Vì sao Trung Quốc lại phải làm thế trong khi các yêu sách của Philipin và Malaysia cũng không phù hợp với luật? Tuy nhiên, hiện nay Malaysia và Việt Nam có vẻ như đang đề xuất trong yêu sách về thềm lục địa của mình rằng các đảo không nên được hưởng thềm lục địa hoặc vùng đặc quyền kinh tế.[46] Điều này là rất hữu ích. Và tuyên bố bằng văn bản của Trung Quốc đi kèm với phản đối của quốc gia này với yêu sách của hai nước ở trên có thể được hiểu là phù hợp với UNCLOS.[47] Có thể các nước này có thể thống nhất với nhau để làm cho các yêu sách của mình phù hợp với UNCLOS.
Nhưng lựa chọn này vẫn có những hạn chế lớn. UNCLOS không giúp được gì nhiều trong việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền. Vai trò duy nhất mà Công ước này có thể được áp dụng là nhờ các quy định về giải quyết tranh chấp và/hoặc Tòa án quốc tế về luật biển quyết định đảo nào là các đảo hợp pháp và đảo nào không hợp pháp mà không cần sự chấp thuận của Trung Quốc, nếu vấn đề này được đưa ra tòa. Vấn đề về chủ quyền và về đảo nào được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không thể được đưa lên tòa hay tòa trọng tài quốc tế nào. Hơn nữa, Trung Quốc đã sử dụng quyền của mình theo Điều 298 UNCLOS để loại trừ các thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc đối với việc phân định các ranh giới biển. Và các ranh giới này cũng khó có thể được đàm phán trước khi vấn đề về chủ quyền đối với các đảo được giải quyết. Còn đối với việc khai thác chung, Trung Quốc liên tục đưa ra lời đề nghị tương tự miễn là các quốc gia yêu sách khác thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực dự định khai thác chung. Và trong thỏa thuận thăm dò chung duy nhất mà Trung Quốc tham gia, cùng với Philipin và Việt Nam, Philipin đã cho phép thăm dò chung đối với các khu vực trong thềm lục địa và trong vùng đặc quyền của kinh tế của nước này mà Trung Quốc thậm chí còn không đưa ra yêu sách. Quả là một cách để thoát khỏi tình trạng hỗn độn hiện nay!
Tuy nhiên, có vẻ như là không phải ai cũng thua trong chò trơi, ít nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc. Một số nhà phân tích cảm thấy rằng vụ tranh cãi mới nhất “hầu như chẳng là gì cả” so với vụ khủng hoảng ở eo biển Đài Loan năm 1995, vụ NATO ném bom vào đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999, và sự kiện EP-3 năm 2004.[48] Cả hai quốc gia đã đồng ý nối lại việc trao đổi quân sự và đối thoại[49] và hai quan chức cấp cao của Mỹ đã đến Trung Quốc vào đầu tháng Chín nhằm làm dịu các mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng để đảm bảo các mối quan hệ này “trong tầm kiểm soát.”[50] Quả thật, giả sử như đây là điều mà cả hai bên cùng mong muốn[51] thì trong bốn tháng vừa qua, đã có hàng loạt các cơ hội để cải thiện các mối quan hệ giữa hai nước.[52] Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York vào cuối tháng Chín và đã có cuộc gặp với Tổng thống Obama. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Hà Nội vào tháng Mười đã tạo điều kiện cho bộ trưởng quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau.[53] Vào tháng Mười một, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Obama đã gặp gỡ tại Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC ở Yokohama và tại cuộc họp G20 ở Hàn Quốc. Trung Quốc đã mời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Gates đến thăm Trung Quốc có lẽ vào đầu năm 2011.[54] Như vậy những bất đồng gần đây giữa hai nước có thể chỉ là vấn đề nhất thời phải giải quyết. Có lẽ hai bên cuối cùng sẽ tiến tới một cơ chế INCSEA hoặc thống nhất về một bản hướng dẫn dành cho các hoạt động quân sự trong các vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài. Một số người còn cho rằng hai bên có thể đưa ra những mặc cả cơ bản, nếu Mỹ dừng việc buôn bán vũ khí cho Đài Loan, cụ thể là F 16s, Trung Quốc sẽ hợp tác đối với các vấn đề kinh tế.[55]Tuy nhiên một số khác như Cố vấn cao cấp Lý Quang Diệu của Singapore thì lại dự đoán cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ để giành vị trí số một ở châu Á sẽ còn kéo dài hàng thập kỷ nữa.[56] Về vấn đề này, các quan chức Mỹ cho rằng việc thách đấu với Trung Quốc đã làm cho quốc gia này “rõ ràng đã lùi lại một bước để có cách tiếp cận hợp tác hơn.”[57] Dù điều này có chính xác hay không, Mỹ và các quốc gia châu Á rõ ràng đã chỉ ra cho Trung Quốc thấy rằng thái độ của Trung Quốc ở biển Đông sẽ tác động đến chính sách của các nước này đối với Trung  Quốc.
Điều này đưa chúng ta quay trở về với thực tại, và tương lai. Điều tốt nhất mà chúng ta có thể mong đợi trong tình hình chính trị hiện nay, bao gồm cả sức ép của Mỹ và vai trò chủ tịch ASEAN của Indonesia bắt đầu từ đầu năm 2011, là việc chính thức hóa một quy tắc ứng xử. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng Trung Quốc đang cố gắng trì hoãn và khó có thể đạt được một quy tắc chính thức như vậy.[58] Nhưng việc Trung  Quốc và ASEAN đã bắt đầu đàm phán để cố gắng đạt được một quy tắc như vậy,[59] tập trung vào các biện pháp trừng phạt và việc không tuân thủ quy tắc, là một dấu hiệu rất thuận lợi.[60] Các biện pháp trừng phạt là rào cản lớn nhất và cuối cùng có thể sẽ chỉ dựa chủ yếu vào sự mất mặt đối với công luận. Một bộ quy tắc như thế chắc chắn sẽ cấm “việc bất kỳ một quốc gia yêu sách nào sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để áp đặt các yêu sách gây tranh cãi của mình tại khu vực biển Đông.”[61]Nhưng việc giải giáp và giải ngũ quân đội ở quần đảo Trường Sa có thể lại là chướng ngại vật tiếp theo – ai sẽ là người rút quân đầu tiên?
Tuyên bố đã phần nào được làm cho mềm mỏng tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN “tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trong khu vực, an ninh hàng hải, tự do thương mại, tự do hàng hải, phù hợp với các nguyên tắc chung của luật quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) và các luật khác như luật hàng hải, luật về giải quyết hòa bình các tranh chấp.”[62] Nhưng Tuyên bố này đã loại trừ (trong Dự thảo của Mỹ) những từ ngữ mà các nước ASEAN cho rằng có thể làm cho Trung Quốc khó chịu, bao gồm “phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực,”[63] cũng như cụm từ “biển Đông.” Các nước đã đi đến sự thỏa hiệp như thế này để không tạo ra ấn tượng rằng các nước ASEAN đang đi theo Mỹ mà chống lại Trung Quốc.[64] Đây là một động thái rất quan trọng. Quan trọng nhất là Trung Quốc đã tin rằng những lời phát biểu của Clinton ở Hà Nội áp dụng với mọi quốc gia yêu sách, và rằng tất cả những gì mà Mỹ muốn chỉ là “một môi trường ổn định và dễ dự đoán hơn.”[65] Mỹ cần phải thể hiện điều này một cách bình đẳng hơn. Ví dụ như, Mỹ nên phê chuẩn Công ước luật biển 1982 và tạo áp lực đối với các quốc gia yêu sách khác, không chỉ với mỗi Trung Quốc, để các quốc gia này tuân thủ “luật quốc tế” hơn. Và các nước ASEAN thì cần phải cố gắng để giải quyết các bất đồng của mình đối với vấn đề này. Họ cũng cần chấm dứt việc âm mưu chống lại Trung Quốc một cách rõ ràng về vấn đề như lâu nay để tránh khơi mào cho một tình huống xấu nhất. Do nhiều lý do khác nhau, ASEAN, Trung Quốc và Mỹ đều muốn một tương lai hòa bình cho khu vực biển Đông. Nhưng để có thể đạt được và duy trì điều này đòi hỏi phải có sự thiện chí thực sự, sự kiềm chế đáng kể và có lẽ là một sự thỏa hiệp chính thức hoặc không chính thức lớn, cũng như công tác ngoại giao khôn khéo và đầy hoài bão.
Mark J. Valencia
Nghiên cứu Cộng sự, Chương trình Nghiên cứu Châu Á , Trung tâm Nghiên cứu châu Á Quốc gia và Trung tâm Woodrow Wilson, Mỹ. Email: mjvalencia@hawaii.rr.com
Bản quyền tiếng Việt thuộc NCBĐ
Tải bản PDF tại đây


[1] Bài viết này được thực hiện dành cho các chuyên gia về biển Đông và xem như độc giả đã từng biết đến các bài viết trước đây của tác giả cũng như đã có kiến thức nền và biết đến bối cảnh của các vấn đề được đề cập. Nói tóm lại, bài viết này “sẽ đi thẳng vào vấn đề.”
[2] Mark J. Valencia, Whither the South China Sea disputes [Giảm bớt căng thẳng các tranh chấp biển Đông], bài viết trình bày tại Hội nghị Quốc tế về biển Đông, 26-27 tháng 11 năm 2009, Hà Nội.
[3] Asia Times, ngày 26 tháng 3 năm 2009, DPA, Vietnam criticizes Chinese fishing bans in the South Sea [Việt Nam phê phán Trung Quốc về lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông], Monsters and Critics, ngày 18 tháng 5 năm 2009, Philippines seeks to improve Spratly structures [Philipin nỗ lực cải thiện các công trình ở Trường Sa], Reuters, ngày 20 tháng 5 năm 2009.
[4] Seas fill with tension over China’s moves [Biển cả đầy căng thẳng vì các động thái của Trung Quốc], Asahi.com, ngày 2 tháng 10 năm 2010. Anne Gearan, US says Asian sea disputes should end peacefully [Mỹ cho hay các tranh chấp biển ở châu Á nên kết thúc một cách hòa bình], Associated Press, ngày 11 tháng 10 năm 2010.
[5] Some say China is backtracking on this assertion. U.S. ASEAN set to push back against China [Một số cho rằng Trung Quốc đang rút lại tuyên bố này. Mỹ và ASEAN bắt đầu đẩy lùi Trung Quốc], Wall Street, ngày 22 tháng 9 năm 2010.
[6] Jiang Yu, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, “Chúng tôi kiên quyết phản đối việc bất kỳ một quốc gia nào không có mối liên hệ gì với biển Đông tham gia vào tranh chấp này, và chúng tôi phản đối việc quốc tế hóa, đa phương hóa hay mở rộng vấn đề này. Điều này sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn.” China tells U.S. to keep out of South China Sea dispute [Trung  Quốc cảnh báo Mỹ tránh xa tranh chấp biển Đông], Reuters, ngày 21 tháng 9 năm 2010.
[7] Mark J. Valencia, The South China Sea brouhaha: separating substance from atmospherics [Tình trạng hỗn loạn ở biển Đông, phân biệt các vấn đề thực chất và các vấn đề do hoàn cảnh sinh ra], Nautilus, ngày 10 tháng 8 năm 2010. Phần còn lại của phần này là từ bài này.
[8] Donald K. Emmerson, China’s ‘frown diplomacy’ in Southeast Asia [‘Chính sách ngoại giao cau mày’ của Trung Quốc ở Đông Nam Á], PacNet #45, ngày 6 tháng 10 năm 2010.
[9] Walter Lohman, Not the time to go wobbly: press U.S. advantage on South China Sea [Không phải thời điểm để lung lay: áp đặt lợi thế của Mỹ trên biển Đông], WebMemo, Số 3023, Heritage Foundation, ngày 22 tháng 9 năm 2010.
[10] Ai đó có thể đặt câu hỏi đó là luật quốc tế nào? Tuyên bố này khá là kì lạ khi nó được đưa ra từ nước lớn duy nhất cho đến hiện nay chưa phê chuẩn Công ước luật biển 1982 quy định về các yêu sách và hoạt động trên biển.
[11] Có một số nghi ngờ liên quan đến nguồn gốc hay thậm chí thực chất tuyên bố này. Li Hong Mei, People’s Daily, ngày 23 tháng 9 năm 2010; {jo; Stewart and John Ruwitch, U.S. sees  crisis fears easily over South China Sea [Mỹ dễ dàng nhìn thấy các lo ngại về khủng hoảng về vấn đề biển Đông], Reuters, ngày 12 tháng 10 năm 2010.
[12] China foreign policy whitepaper gets new chapter on maritime rights [Sách trắng về chính sách đối ngoại của Trung Quốc có thêm một chương mới về các quyền trên biển], Breitbart, ngày 27 tháng 9 năm 2010; Gates raises concerns about China,’s territorial disputes with Asian neighbors [Gates nêu lên các mối quan hệ về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở châu Á], Radio Liberty, ngày 12 tháng 10 năm 2010.
[13] Asia’s new Cold War [Chiến tranh lạnh mới ở châu Á], Time.com, ngày 1 tháng 10 năm 2010.
[14] Ryan Clarke, Chinese energy security: the myth of the PLAN’s frontline status [An ninh năng lượng Trung Quốc: Những lời đồn thổi về tình trạng chính thức của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc], SSI, ngày 17tháng 8 năm 2020.
[15] Gail Harris, The right US Pacific strategy [Chiến lược đúng đắn của Mỹ với Thái Bình Dương], The Diplomat, ngày 24 tháng 8 năm 2020; Tim Sullivan và Michael Mazza, The next nuclear arms race [Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tiếp theo], Tạp chí Wall Street, ngày 27 tháng 9 năm 2010.
[16] International co-operation vital in South China Sea [Hợp tác quốc tế là thiết yếu ở biển Đông], Star, ngày 23 tháng 8 năm 2020.
[17] Frank Ching, A clash of interest in Asia [Một sự va chạm các lợi ích ở châu Á], The Japan Times, ngày 29 tháng 7 năm 2010.
[18]Australia enlisted as regional mediator [Australia được đưa vào danh sách những nhà trung gian ở khu vực], The Austrlalian, ngày 20 tháng 8 năm 2010.
[19] Kavi Changkittavorn, The Nation, ngày 17 tháng 8 năm 2010.
[20] China and Japan escalate standoff over fishing captain [Trung Quốc và Nhật ngày càng cách biệt về vấn đề thuyền trưởng tàu đánh cá], New York Times, ngày 20 tháng 9 năm 2010; Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Richard Armitage phát biểu rằng Trung Quốc đang ‘thử gân’ Nhật Bản trong vụ tranh cãi ở biển Hoa Đông, và đang ‘cảnh báo’ Việt Nam, Malaysia, Philipin và Đài Loan về các lãnh thổ tranh chấp’ ở biển Đông. U.S. backs ASEAN stand against use of force in Spratlys [Mỹ ủng hộ lập trường ASEAN về việc phản đối sử dụng vũ lực ở quần đảo Trường Sa], Philippine Daily Inquirer, ngày 20 tháng 9 năm 2010. 
[21] Obama reviving US clout in Asia as China stumbles [Obama khôi phục quyền lực của Mỹ ở châu Á trong khi Trung Quốc đang sẩy chân], AFP, ngày 30 tháng 7 năm 2010.
[22] The Australian.com, ngày 4 tháng 8 năm 2010.
[23] William Ide, Pentagon official: China showing new assertiveness in Asia [Quan chức Lầu Năm góc: Trung Quốc thể hiện lập trường quyết đoán mới ở châu Á], ngày 18 tháng 6 năm 2010.
[24] Foster Klug, SEast Asian leaders urge free navigation [Obama, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á kêu gọi tự do hàng hải], The Associated Press, ngày 25 tháng 9 2010.
[25] US seeks to contain rising China [Mỹ mong muốn kìm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy], Radio Australia, 3 Tháng Tám năm 2010.
[26] China and the US battle to assert presence in South China Sea [Trung Quốc và Mỹ tranh đấu để khẳng định sự có mặt ở biển Đông], Christian Science Monitor, ngày 17 Tháng Tám năm 2010; Tuy nhiên Tổng thống mới của Philipin Benigno Aquino Jr. nói rằng “trong trường hợp [Bắc Kinh muốn ASEAN làm theo ý mình], tôi nghĩ ASEAN đã thể hiện rằng chúng tôi sẽ đoàn kết với nhau thành một khối.”  Aquino: ASEAN united vs. China on territorial dispute [Aquino: ASEAN đoàn kết chống lại Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ], Philippine Daily Inquirer, ngày 25 Tháng Chín năm 2010.
[27] Frank Ching, Mixed views in rising China [Các quan điểm khác về một Trung Quốc đang trỗi dậy], The Japan Times, 18 Tháng Tám năm 2010. Đại tương Luo Yan cáo buộc Trung Quốc sử dụng chính sách ngoại giao pháo hạm khi cử “tàu chiến đi đến mọi ngóc ngách trên thế giới, áp chế các nước yếu và mở rộng ranh giới an ninh của mình đến trước cửa của các nước khác.”
[28] Obama reviving US clout in Asia as China stumbles: experts [Obama khôi phục quyền lực của Mỹ ở châu Á trong khi Trung Quốc đang sẩy chân: các chuyên gia], AFP, ngày 4 tháng 8 năm 2010.
[29] Trong năm nay Mỹ sẽ dành hơn 700 tỉ đôla Mỹ cho ngân sách quốc phòng, cao hơn cả số tiền của 34 nước tiếp theo cộng lại, The Australian, ngày 4 Tháng Tám năm 2010; Chinese military power: much less than meets the eye [Sức mạnh quân sự của Trung  Quốc: thấp hơn nhiều so với dự đoán], RSIS Commentary, Số 111/2010. Ngày 9 Tháng Chín năm 2010.
[30] Rick Rozoff, Asia: Pentagon revives and expands Cold War Military blocs [Châu Á; Lầu  Năm Góc hồi sinh và mở rộng các khối quân sự trong Chiến tranh lạnh], ngày 18 tháng 9 năm 2010.
[31] Michael Richardson, What China has joined together [Trung Quốc đã đưa những gì lại với nhau], The Japan Times, ngày 29 Tháng Chín năm 2010.
[32] U.S. steps up pressure on China [Mỹ gia tăng áp lực lên Trung Quốc], http//english.hani.co.kr/popups/print.hani?ksn=433988, ngày 7 tháng 8 năm 2010.
[33] Washington Times, Clinton’s criticism aggravates Beijing leaders [Những lời chỉ trích của Clinton làm các nhà lãnh đạo Bắc Kinh nổi giận], ngày 29 Tháng Bảy năm 2010.
[34] US to forge military ties with China [Mỹ thiết lập các mối quan hệ quân sự với Trung Quốc], Bangkok Post, ngày 10 Tháng Mười năm  2010.
[35] Tom Plate, Interesting times on Asia’s  south east seas [Các thời điểm thú vị ở các vùng biển đông nam châu Á], The Japan Times, ngày 7 Tháng Tám năm 2010.
[36]  Evelyn Goh, What the Asian debate about U.S. hegemony tells us [Cuộc tranh luận của châu Á về bá quyền của Mỹ cho chúng ta biết điều gì], PacNetNewsletter, ngày 7 Tháng Chín năm 2020.
[37] Nt.
[38] Philip Bowing, A common front would help ASEAN  win out in the great game for the Spratlys [Một mặt trận chung sẽ giúp ASEAN giành được thắng lợi lớn trong cuộc chơi giành lấy quần đảo Trường Sa], Jakarta Globe, ngày 20 Tháng Tám năm 2010; ASEAN urged to mediate intra-regional conflicts [ASEAN thúc giục trung gian hòa giải các tranh chấp nội khu vực], The Jakarta Post, ngày 19 Tháng Tám năm 2010.
[39] Stanley A. Weiss, Rowing between two reefs [Chèo thuyền giữa hai dãy đá ngầm], The New York Times, ngày 30 Tháng Tám năm 2010.
[40] Nt.
[41] Vietnamese Prime Minister Nguyen Tan Dung called for completion of a Code of Conduct between ASEAN and China. Vietnam calls for peaceful resolution of maritime disputes as China balks [Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi hoàn thành Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc. Việt Nam kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khi Trung Quốc thì ngăn cản], Bloomberg, ngày 12 Tháng Mười năm 2010.
[42] The Hanoist, Vietnam hedges its China risk [Việt Nam rào đón những thách thức từ Trung Quốc], Asia Times, ngày 29 Tháng Bảy năm 2010; Seth Mydans, U.S. and Vietnam build ties with an eye on China [Mỹ và Việt Nam xây dựng quan hệ trong khi vẫn dè chừng Trung Quốc], The New York Times, ngày 13 Tháng Mười năm 2010.
[43] China and the US battle to assert presence in the South China Sea [Trung Quốc và Mỹ đấu tranh để xác lập sự có mặt của mình ở biển Đông], Christian Science Monitor, 17 Tháng Tám năm 2010.
[44] Emmerson, sđd. chú thích 7.
[45] Robert Beckman, South China Sea: how China could clarify its claims [Biển Đông: Trung Quốc làm thế nào để làm rõ yêu sách của mình], RSIS Commentary 116/2010, ngày 16 Tháng Chín năm 2010.
[46] Teresa Caojano, Obama, ASEAN to call for peaceful end to seaspats [Obama, ASEAN kêu gọi một kết thúc hòa bình đối với các tranh chấp về biển], Associated Press, ngày 19 Tháng Chín năm 2010.
[47] Beckman, sđd. chú thích 38.
[48] Yuan Peng, Sino-US confrontation nothing but a dead end [Đối đầu Trung – Mỹ không đạt được gì ngoài ngõ cụt], Global Times, ngày 29 Tháng Tám năm 2010.
[49] Keith Bradsher, China moves to ease strain with U.S [Trung Quốc có động thái giảm nhẹ các căng thẳng với Mỹ], The New York Times, ngày 8 Tháng Chín năm 2010; những cuộc đàm phán đầu tiên được nối lại tổ chức tại Hawaii, ngày 14-15 Tháng Mười năm và các cuộc tham vấn về quốc phòng ở cấp cao hơn đã được lên kế hoạch để tổ chức vào cuối năm nay.  Song Shengxia, US keen to fix military ties [Mỹ quyết tâm để hàn gắn các mối quan hệ quân sự], Global Times, ngày 30 Tháng Chín năm 2010.
[50] Wang Zhao Kun, Senior US officials in China for a 3-day trip [Các quan chức cấp cao Mỹ đến thăm Trung Quốc trong 3 ngày], Global Times, ngày 5 Tháng Chín năm 2010.
[51] Asia Times Online, Trung Quốc, ngày 23 Tháng Bảy năm 2010.
[52] Jim Wolf, Resuming China military ties aim of Pentagon visit [Khôi phục các mối quan hệ quân sự với Trung Quốc là mục tiêu chuyến thăm của Lầu Năm Góc], Fox Business.com, ngày 22 Tháng Chín năm 2010.
[53] Tuy nhiên kết quả cuối cùng là không rõ ràng. Mỹ đã bày tỏ quan ngại về cái mà Mỹ xem là những hạn chế của Trung Quốc đối với quyền tự do hàng hải  và cố gắng thuyết phục Trung Quốc rằng Trung Quốc sẽ có lợi trong việc tôn trọng quyền tự do hàng hải, và giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp về biển và biên giới, Thom Shanker, In Vietnam, Gates to discuss maritime claims of China [Tại Việt Nam, Gates sẽ thảo luận các yêu sách về biển của Trung Quốc], The New York Times, 10 Tháng Mười năm 2020.
[54] Trung Quốc vẫn chưa rõ là chính quyền Obama có thực sự mong muốn cải thiện các mối quan hệ, Michael Freedman, The end of the affair [Kết thúc một mối quan hệ], Newsweek, ngày 25 Tháng Chín năm 2010.
[55] Selig Harrison, U.S. must stabilize Chinese relation [Mỹ cần phải ổn định mối quan hệ với Trung Quốc], Politico, ngày 30 Tháng Chín năm.
[56] Lý Quang Diệu, Battle for preeminence [Cuộc chiến giành ưu thế], Forbes.com, ngày 30 Tháng Chín năm 2010.
[57] US backs ASEAN stand against use of force in Spratlys [Mỹ ủng hộ lập trường ASEAN về việc phản đối sử dụng vũ lực ở quần đảo Trường Sa], Philippine Daily Inquirer, ngày 20 tháng 9 năm 2010.
[58] Daniel Bardsley, South China Sea row a threat to Asian stability: Gates [Mâu thuẫn ở biển Đông đe dọa sự ổn định ở châu Á: Gates], The National Con , ngày 10 Tháng Mười năm 2010.
[59] China, ASEAN WORKING ON South China Sea code: ambassador [Trung Quốc, ASEAN làm việc về quy tắc biển Đông: đại sứ], Reuters, 30 Tháng Chín năm 2010.
[60] Shirley Escalante, Discussions over disputed Spratlys begin [Khởi động các cuộc thảo luận về quần đảo Trường Sa đang tranh chấp], Australia Network News, ngày 1 Tháng Mười năm 2010.
[61] Nt.
[62] Office of the Press Secretary, White House, Statement of the 2nd U.S.-ASEAN Summit, 24 September 2010, New York.
[63] Christi Parsons và Paul Richter, Obama and ASEAN leaders call for peaceful resolution of maritime disputes [Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp biển], Latimes.com, ngày 25 Tháng Chín năm 2010; Ellen Tordesillas, Exquisitely balanced ASEAN-US statement [Tuyên bố chung Mỹ - ASEAN đạt được sự cân bằng tinh tế], Malaya, ngày 30 Tháng Chín năm 2010.
[64] Seas fill with tension over China’s moves [Biển chứa đầy căng thẳng vì các động thái của Trung Quốc], Asahi.com, ngày 2 tháng 10 năm 2010. Kavi Chongkittavorn, China-Japan maritime dispute could affect ASEAN relation [Tranh chấp biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể ảnh hưởng mối quan hệ ASEAN], The Nation, ngày 5 Tháng Mười năm 2010.
[65] Victor Beattie, Top US diplomat heads to Asia as N. Korea addresses leadership [Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đến châu Á trong khi Triều Tiên giải quyết vấn đề lãnh đạo], ngày 29 Tháng Chín năm 2010.
Nguồn: 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét