Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Học thuyết răn đe và phòng thủ trong chiến lược vũ trụ quân sự của Trung Quốc

Theo nhận định của “Jamestown Foundation”, hiện nay các nhà chiến lược Trung Quốc nói riêng và PLA nói chung đều  coi vũ trụ như một chiến trường chủ yếu trong các cuộc chiến tranh tương lai. Ngoài ra họ cũng rất chú trọng răn đe vũ trụ và coingang hàng với răn đe hạt nhân, răn đe thong thường, răn đe thong tin và “Răn đe Chiến tranh của Nhân dân”. Bài “Defense and Deterrence in China’s Military Space Strategy” đăng trên Jamestown Foundation (Mỹ) về vấn đề này như sau.
 
Gần đây nhận định học thuyết răn đe vũ trụ của Trung Quốc có thể đang trở thành thực tiễn, nhưng Bắc Kinh tiếp tục phát triển hàng loạt hệ thống chống vũ trụ. Thực tế, Trung Quốc đạt được khả năng vượt xa vũ khí chống vệ tinh (ASAT) được thử nghiệm thành công tháng 1/2007. Sau đó cuộc thử nghiệm một tên lửa đánh chặn tháng 1/2010 cho thấy Trung Quốc có khả năng phá hủy các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất ở tầm thấp. Như Báo cáo về phát triển quân sự của Trung Quốc năm 2010 của Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: "Trung Quốc đang phát triển chương trình đa dạng để cải thiện khả năng hạn chế hoặc ngăn chặn việc sử dụng các tài sản đặt trên vũ trụ của các đối phương trong thời gian diễn ra khủng hoảng hoặc xung đột". Bên cạnh các vũ khí chống vệ tinh, Trung Quốc còn có khả năng gây nhiễu ở trong và ngoài nước và khả năng ASAT của lực lượng hạt nhân. Giới phân tích Trung Quốc cho rằng, cùng với tầm quan trọng ngày càng tăng đối với quân sự và thương mại, vũ trụ đang trở thành lĩnh vực quan trọng cho việc bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia.
Các nhà chiến lược Trung Quốc coi vũ trụ như một chiến trường chủ yếu trong các cuộc chiến tranh tương lai. Nhiều tài liệu của Trung Quốc mô tả vũ trụ như một điểm cao mà hai bên sẽ cố gắng để kiểm soát trong các cuộc chiến tranh khu vực được tin học hóa bởi vì vũ trụ ảnh hưởng đến ưu thế thông tin và đóng vai trò quan trọng trong việc giành thế chủ động trong một cuộc xung đột. Các nhà phân tích Trung Quốc khẳng định các hệ thống vũ trụ như chiếc chìa khóa cho phép yểm trợ các lĩnh vực như tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), cảnh báo sớm, thông tin liên lạc, dẫn đường và định vị, xác định mục tiêu cho các loại vũ khí chính xác, khảo sát và vẽ bản đồ và hỗ trợ khí tượng học. Các nhà phân tích cũng coi các hệ thống vũ trụ như động lực yểm trợ các hoạt động chung và tăng hiệu quả của các lực lượng bộ binh, không quân và hải quân.
Do tiếp tục chú trọng tầm quan trọng của các hệ thống vũ trụ trong các chiến dịch quân sự hiện đại, Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện các khả năng vũ trụ. Báo cáo năm 2010 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: "Trung Quốc đang phát triển các loại vệ tinh thông tin liên lạc, dẫn đường, trinh sát, giám sát và tình báo đặt trên vũ trụ". Khi Trung Quốc đặt nhiều vệ tinh hơn lên quỹ đạo, sự tin cậy của PLA vào hệ thống vũ trụ tăng lên. Quân đội Trung Quốc ngày càng trở nên phụ thuộc vào các khả năng vũ trụ về tình báo, giám sát, trinh sát, dẫn đường và định vị, cũng như thông tin liên lạc. Các tài liệu quân sự Trung Quốc cho rằng Trung Quốc vẫn tự đánh giá họ ít lệ thuộc vũ trụ hơn Mỹ, nhưng họ cũng thừa nhận sự tin cậy ngày càng tăng vào vũ trụ dẫn đến nhiều yếu điểm hơn. Nhiều nhà phân tích Trung Quốc khẳng định các hệ thống vũ trụ của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức tiềm tàng khác nhau. Do đó, PLA cần có khả năng bảo vệ các tài sản vũ trụ thông qua các biện pháp phòng thủ hoặc răn đe.
Một tài liệu về các hoạt động vũ trụ của quân đội Trung Quốc cho biết, các nhà chiến lược Trung Quốc rất lo ngại các mối đe dọa khác nhau đối với hệ thống vũ trụ của Trung Quốc. Đặc biệt, các nhà phân tích Trung Quốc coi chính sách vũ trụ của Mỹ là mối đe dọa tiềm tàng đối với các lợi ích của Trung Quốc vì chính sách đó chú trọng đến sự vượt trội trên vũ trụ. Ông Zhang Hui thuộc Trung tâm Belfer Nghiên cứu Khoa học và Quốc tế của Đại học Harvard nhận xét: "Nhiều quan chức và chuyên gia an ninh Trung Quốc rất quan tâm đến các tài liệu kế hoạch quân sự của Mỹ được công bố trong những năm gần đây đề cập đến việc kiểm soát vũ trụ thông qua việc sử dụng các loại vũ khí trên hoặc từ vũ trụ để đạt được ưu thế toàn cầu". Tương tự, ông Bao Shixiu, chuyên gia phân tích cao cấp của Viện Khoa học Quân sự trực thuộc PLA (AMS), nói: "Kết luận duy nhất có thể rút ra là Mỹ đơn phương tìm cách độc quyền sử dụng vũ trụ cho quân sự để giành ưu thế chiến lược so với các nước khác". Do đó, Trung Quốc phải bảo vệ các lợi ích của mình. Ông Bao nói: "Trung Quốc không thể chấp nhận sự độc quyền ngoài tầng không gian của nước khác". Do đó, ông quả quyết chính sách vũ trụ của Mỹ "gây mối đe dọa nghiêm trọng cho Trung Quốc cả về phá hủy phòng thủ quốc gia cũng như ngăn chặn quyền khai thác vũ trụ của Trung Quốc nhằm phục vụ các mục đích dân sự và thương mại". Nhiều học giả Trung Quốc còn cho rằng các cuộc diễn tập chiến tranh vũ trụ của Mỹ cho thấy mức độ quân sự hóa vũ trụ ngày càng tăng. Nhưng lo ngại của Bắc Kinh không dừng lại trước các tuyên bố và các cuộc diễn tập chiến tranh. Thực tế, một số nhà chiến lược Trung Quốc dường như tin rằng các nước khác đang nỗ lực phát triển các khả năng chống vũ trụ, từ đó có thể đe dọa các vệ tinh của Trung Quốc.
Một số học giả Trung Quốc đã thảo luận những gì họ coi là lịch sử của việc nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm ASAT ở Mỹ và Nga từ Chiến tranh Lạnh đến nay. Cũng như các đối tác phương Tây, các học giả Trung Quốc chia các mối đe dọa tiềm tàng thành 2 loại lớn "tiêu diệt mềm" và "tiêu diệt cứng".
Mối đe dọa tiêu diệt mềm có thể gây thiệt hại tạm thời cho các hệ thống vũ trụ, nghĩa là làm cho hệ thống vũ trụ không thể thực hiện các chức năng hoạt động. Các biện pháp chủ yếu của cuộc tấn công chống vệ tinh tiêu diệt mềm bao gồm các cuộc tấn công chiến tranh điện tử và tấn công các hệ thống máy tính. Ngược lại các mối đe dọa tiêu diệt mềm như gây nhiễu, khả năng tiêu diệt cứng có thể phá hủy vĩnh viễn các tàu vũ trụ. Trung Quốc xác định các loại vũ khí năng lượng động lực học và các loại vũ khí năng lượng trực tiếp như các loại lade năng lượng cao là các mối đe dọa tiêu diệt cứng. Nhiều tài liệu khác của Trung Quốc khẳng định các mối đe dọa xuất phát từ tầm của các hệ thống như các phương tiện đánh chặn năng lượng động lực học, các hệ thống ASAT lade, các hệ thống ASAT hạt nhân, các vũ khí sóng cực ngắn và các tàu vũ trụ có thể được sử dụng để vô hiệu hóa hoặc phá hủy các vệ tinh của đối phương. Ngoài ra, một số chuyên gia Trung Quốc cho biết các thiết bị đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ giúp Lầu Năm Góc nâng cao khả năng ASAT. Theo giới phân tích Trung Quốc, do hoạt động của các cường quốc vũ trụ trên thế giới, cuộc chiến tranh vũ trụ không còn là viễn tưởng. Do đó, Trung Quốc phải sẵn sàng không chỉ ngăn chặn khả năng sử dụng vũ trụ của đối phương mà còn bảo vệ các khả năng vũ trụ của mình. Để đạt được điều đó Trung Quốc phải kết hợp các biện pháp phòng thủ và răn đe.
Do các vệ tinh rất quan trọng cho các chiến dịch quân sự, Trung Quốc thúc đẩy sự cạnh tranh giữa công nghệ ASAT và bảo vệ vệ tinh. Vì vậy, để chuẩn bị cho các cuộc xung đột vũ trụ, bên cạnh khả năng tiến công các vệ tinh của đối phương, Trung Quốc cũng đang thảo luận hàng loạt biện pháp nhằm nâng cao khả năng tồn tại của các vệ tinh như: giảm tín hiệu, bảo vệ điện từ, cơ động vệ tinh... thậm chí thuê các hệ thống vũ trụ của nước ngoài. Giới phân tích cho rằng một biện pháp bảo vệ hệ thống vũ trụ là sử dụng các kỹ thuật giảm bớt tín hiệu, từ đó đối phương khó có thể phát hiện và tấn công tàu vũ trụ. Các biện pháp ngụy trang có thể bao gồm biện pháp quét bên ngoài vệ tinh các nhiên liệu đặc biệt để giảm bớt khả năng phát hiện của ra đa đối phương và giảm các tín hiệu khác. Một số chuyên gia còn đề nghị làm cứng hoặc tăng việc bảo vệ các thành phần quan trọng như các bộ phận cảm biến quang học điện từ trên các vệ tinh hình ảnh. Một số biện pháp bảo vệ khác chú trọng tăng cường bảo vệ chống lại sự can thiệp điện từ. Ngoài ra, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nhận biết tình hình vũ trụ để theo dõi hoạt động của đối phương trên vũ trụ và kịp thời cảnh báo bất cứ cuộc tấn công nào của đối phương.
Bản thân các tàu vũ trụ không chỉ là các tài sản cần được bảo vệ. Việc bảo vệ các đường dây thông tin và các trạm trên mặt đất cũng quan trọng không kém. Các chuyên gia Trung Quốc dự định bảo vệ các đường dây thông tin bằng cách sử dụng nhiều biện pháp như mật mã và các loại công nghệ chống gây nhiễu khác nhau. Họ cũng cho biết để giải quyết các mối đe dọa hệ thống máy tính, vấn đề quan trọng là phải bảo đảm bí mật, vững chắc và thống nhất các hệ thống thông tin của Trung Quốc. Bảo vệ các hệ thống hỗ trợ trên mặt đất cũng được coi là vấn đề quan trọng. Biện pháp bảo vệ các hệ thống trên mặt đất bao gồm ngụy trang, che giấu, cơ động, dư thừa. Ngụy trang và che giấu nhằm giảm khả năng của đối phương trong việc phát hiện và xác định một phương tiện. Các hệ thống hỗ trợ trên mặt đất cơ động khiến đối phương khó tìm kiếm và tấn công các tài sản của Trung Quốc. Dư thừa làm tăng khả năng tồn tại của hệ thống trước các cuộc tấn công của đối phương. Cuối cùng, một chuyên gia Trung Quốc cho rằng sử dụng các hệ thống vũ trụ thuê của nước ngoài nhằm tạo ra tình thế khó xử về chính trị và ngoại giao cho kẻ thù muốn tìm cách tấn công các hệ thống thông tin vũ trụ của Trung Quốc. Thuê các hệ thống thông tin vũ trụ của nước ngoài sẽ gây khó khăn cho đối phương ra quyết định tấn công, bởi vì đối phương phải cân nhắc việc tấn công một vệ tinh của bên thứ ba.
Ngoài việc bảo vệ, các chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng rất chú trọng răn đe vũ trụ và coi răn đe vũ trụ như một trong những biện pháp cơ bản của răn đe chiến lược, ngang hàng với răn đe hạt nhân, răn đe thông thường, răn đe thông tin và "Răn đe Chiến tranh của Nhân dân". Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang phát triển chiến lược răn đe vũ trụ. Giới nghiên cứu Trung Quốc cho rằng răn đe chiến lược đòi hỏi một nước phải đáp ứng 3 điều kiện cơ bản: có các khả năng răn đe; quyết tâm sử dụng chúng; và khả năng để cảnh báo với đối phương rằng họ có đủ khả năng và quyết tâm sử dụng các phương tiện nếu cần. Nhưng các chuyên gia Trung Quốc cho rằng răn đe của lực lượng vũ trụ sẽ khác răn đe hạt nhân trên một số lĩnh vực cơ bản. Mặc dù thế giới cấm sử dụng các loại vũ khí vũ trụ, nhưng việc bắt đầu sử dụng chúng sẽ thấp hơn sử dụng các loại vũ khí hạt nhân do các đặc tính thông thường. Mảnh vỡ của vũ trụ có thể đe dọa các tài sản vũ trụ của các nước thứ ba, nhưng mức độ phá hủy, đặc biệt về cuộc sống của con người, có thể ít hơn vũ khí hạt nhân hoặc thậm chí cả các loại vũ khí thông thường. Hiện nay, mặc dù Mỹ chiếm ưu thế chiến lược trên vũ trụ, nhưng các phương tiện răn đe tin cậy trên vũ trụ sẽ làm giảm khả năng của Mỹ trong việc tấn công các tài sản vũ trụ của Trung Quốc. Từ nhận thức đó, Trung Quốc sẽ phát triển các vũ khí vũ trụ và chống vệ tinh có thể tấn công hiệu quả hệ thống vũ trụ của đối phương, để hình thành chiến lược phòng thủ tin cậy. Do đó, ngoài việc không cho đối phương khả năng sử dụng các hệ thống vũ trụ trong một cuộc chiến tranh với Trung Quốc và chống lại khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa đặt trên vũ trụ phá hủy răn đe hạt nhân của Bắc Kinh, nhiệm vụ khác của các khả năng chống vũ trụ của Trung Quốc là bảo vệ các hệ thống vũ trụ bằng cách ngăn chặn đối phương tấn công chúng.
Trung Quốc tiếp tục đưa nhiều vệ tinh lên quỹ đạo, các nhà chiến lược ngày càng quan tâm đến phòng thủ và răn đe vũ trụ, nhưng điều đó không có nghĩa họ không chú ý đến tấn công các hệ thống vũ trụ của đối phương nếu hành động tấn công đó không bị bác bỏ. Thực tế, các tài liệu của Trung Quốc nói về hoạt động vũ trụ quân sự nhấn mạnh việc duy trì tự do hành động của Trung Quốc trên vũ trụ đồng thời ngăn chặn đối phương sử dụng các tài sản vũ trụ trong một cuộc xung đột với Trung Quốc. Hơn nữa, nhiều nhà phân tích Trung Quốc nhận thấy quân đội Mỹ lệ thuộc rất lớn vào các tài sản vũ trụ để tiến hành các hoạt động quan trọng như ISR, thông tin liên lạc, dẫn đường và định vị. Một số chuyên gia Trung Quốc còn khẳng định vũ trụ tạo ra một điểm yếu quan trọng của Mỹ-mà Trung Quốc phải tận dụng để giành thắng lợi trong một cuộc chiến tranh khu vực tương lai trong các điều kiện thông tin hóa. Mối lo ngại của Trung Quốc về sức mạnh của hệ thống phòng thủ tên lửa đặt trên vũ trụ của đối phương để phá hủy các khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy Bắc Kinh phát triển và sử dụng các khả năng của ASAT. Rõ ràng, nhận thấy việc ngăn chặn đối phương không sử dụng các hệ thống vũ trụ trong một cuộc xung đột có thể là yếu tố rất quan trọng để giành ưu thế thông tin hoặc thậm chí bảo vệ khả năng của Trung Quốc nhằm phát động một đòn tiến công hạt nhân trả đũa, nhưng việc phát triển các hệ thống chống vũ trụ của Trung Quốc sẽ bị hạn chế trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công các vệ tinh của Trung Quốc. Vì vậy, mặc dù mối quan tâm tới phòng thủ và răn đe vũ trụ để bảo vệ các khả năng của vệ tinh ngày càng tăng, nhưng Bắc Kinh vẫn có thể coi các vũ khí chống vũ trụ như một phương tiện để không cho đối phương giành ưu thế nhờ sử dụng các hệ thống vũ trụ./.

Theo Jamestown Foundation 
Lê Trang (gt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét