Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế là sợi dây liên kết và phụ thuộc giữa các quốc gia. Tuy nhiên, điều đó cũng không hoàn toàn ngăn cản được những tranh chấp, xung đột tại Biển Đông xảy ra.
Các xu hướng Thống nhất
Hội nhập kinh tế khu vực là một nhân tố chính cho sự thống nhất giữa ba phong trào kiểm soát tài nguyên, bảo tồn, và an ninh này. Bắt đầu với những xu hướng tự do hóa và toàn cầu hóa trong những năm 1980 và 1990, và tiếp tục với các cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 và 2008, đã có một sự phụ thuộc lẫn nhau về phát triển kinh tế giữa các quốc gia xung quanh Biển Đông. Điều này là hiển nhiên trong mô hình chuyển dịch thương mại của ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á - Brunei Darussalam, Campuchia,Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thá Lan và Việt Nam). Năm 1980, 54,3% tổng thương mại của ASEAN là với Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU. Đến năm 2009, thương mại của ASEAN với Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Liên minh châu Âu đã giảm tới 31,4%.
Ngược lại, thương mại nội khối ASEAN, cũng như thương mại của ASEAN với Trung Quốc và Hàn Quốc đã tăng đáng kể, từ 29,6% tổng thương mại ASEAN năm 1980 lên 41% tổng thương mại ASEAN trong năm 2009. Sự phát triển của CAFTA - Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN - là một động lực quan trọng khác cho sự thống nhất này. Khu vực này có tiềm năng tạo ra một thị trường thống nhất với 1,8 tỷ dân, 2 nghìn tỷ USD GDP, 17 nghìn tỷ USD tổng khối lượng thương mại và hơn 600 tỷ USD dự trữ ngoại hối (Xem hình 2).
Những lợi ích chung từ hội nhập kinh tế khu vực mang lại một động lực mạnh mẽ để cân đối các phong trào kiểm soát tài nguyên, bảo tồn, và an ninh. Ví dụ như lưu lượng tàu chở dầu - vốn đã cao - sẽ tăng lên đáng kể với sự gia tăng có kế hoạch trong việc nhập khẩu dầu của Trung Quốc. Hầu như tất cả các nhu cầu tăng thêm này của Châu Á, cũng như nhu cầu dầu của Nhật Bản, sẽ được nhập khẩu từ Trung Đông và châu Phi. Hầu hết các tàu chở dầu phải đi qua eo biển chiến lược Malacca vào Biển Đông. Các tàu chở dầu siêu lớn đi tới Nhật Bản sẽ đi qua eo biển Lombok rộng hơn, ở phía đông của Bali. Rõ ràng, có một mối quan tâm thống nhất giữa những phong trào này để đảm bảo an toàn, an ninh cho các tàu thuyền đi qua các vùng biển tranh chấp và cho các nguồn tài nguyên mà nó có (xem hình 3).
Khi hội nhập kinh tế khu vực tăng lên, số lượng và cường độ của các vấn đề an ninh biển mang tính chất khu vực ở Biển Đông cũng tăng lên. Đây là những vấn đề xuyên biên giới mà không một quốc gia nào có thể tự giải quyết được - ví dụ bao gồm giao thông hàng hải tắc nghẽn, ô nhiễm không khí, đánh bắt bất hợp pháp hoặc quá mức, buôn lậu, cướp biển, và khủng bố. Một khi những vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết, môi trường biển vẫn còn bị tổn thương, sinh cảnh biển bị phá hủy, trữ lượng cá bị khai thác cạn kiệt, và thiếu an toàn biển. Chỉ có sự hợp tác đa phương giữa các bên liên quan mới có thể khắc phục tình trạng này. Do đó, đang có một nhu cầu ngày càng tăng về việc xây dựng các thiết chế khu vực giữa các quốc gia ven biển và các quốc gia sử dụng xung quanh vùng Biển Đông và vô vàn cơ hội tốt để thực hiện điều này.
Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, vốn từng được xem là điểm nóng tiềm năng, đã được giảm nhẹ đáng kể nhờ Tuyên bố năm 2002 về Cách cư xử của các bên. Đó là thỏa thuận đa phương chính thức đầu tiên của Trung Quốc về Biển Đông, và toàn bộ ASEAN là một bên thỏa thuận. Trung Quốc có vai trò đáng kể trong việc làm cho thỏa thuận này có hiệu quả, vì điều này sẽ hạn chế việc quốc tế hóa các tranh chấp, nghĩa là, không có sự tham gia của các bên ngoài ASEAN như Hoa Kỳ hay Nhật Bản. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là một tuyên bố chứ không phải là một Bộ Quy tắc do đó không có nhiều thẩm tra hay cam kết tuân thủ.
Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc năm 2002 dẫn đến việc thỏa thuận được ký kết vào năm 2004 nhằm thực hiện một khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (FTA) vào năm 2010. Sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), tại Viêng Chăn, Lào vào tháng 11 năm 2004, Bắc Kinh đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh của riêng mình với các nhà lãnh đạo ASEAN (ASEAN + 1 ) và sau đó tham gia cùng Nhật Bản và Hàn Quốc thảo luận với các nhà lãnh đạo ASEAN (ASEAN + 3, hoặc APT).
Sách Trắng Quốc phòng của Trung Quốc năm 2005 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo đuổi các sáng kiến đối ngoại hòa bình thông qua phương pháp tiếp cận đa phương để thúc đẩy phát triển trong nước. Bắc Kinh trong tháng Mười trước đó đã chủ trì Hội nghị Chính sách An ninh đầu tiên của Diễn đàn khu vực ASEAN. Hội nghị đề cao phương pháp chống cướp biển và và hội thảo về chống khủng bố. Các khía cạnh kinh tế của lợi ích an ninh hàng hải của Trung Quốc bao gồm lợi ích trên Biển Đông, được nhấn mạnh bởi một thực tế là 90% ngoại thương của nước này là dựa vào đường biển.
Một số các thể chế khu vực bây giờ đang trong những giai đoạn xây dựng khác nhau, trong đó bao gồm ASEAN + 1 (Trung Quốc), ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), ARF (Diễn đàn khu vực ASEAN gồm 27 nước thành viên), Đối tác Đối thoại ASEAN (ASEAN + 10 nước), và EAS (Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á gồm 16 nước trong khu vực) và nhiều cơ chế khác. ASEAN đã đưa ra sáng kiến trong nhiều cơ chế này và đã bắt đầu nhấn mạnh hợp tác chức năng về các vấn đề phi truyền thống có ảnh hưởng đến phúc lợi của mỗi công dân, trái với các vấn đề an ninh truyền thống liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Hai cuộc họp gần đây tại Hà Nội cho thấy phạm vi mở rộng của những nỗ lực này. Các Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM +) đã được bắt đầu vào ngày 12 Tháng 10 năm 2010 với sự tham gia của Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN, Australia,Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, và Hoa Kỳ. Việc có nhiều quan chức quốc phòng cấp cao tham gia cuộc họp chính thức để thảo luận về an ninh khu vực là một sự kiện hiếm thấy trong lịch sử ASEAN. Chương trình nghị sự bao gồm các vấn đề xuyên biên giới như cứu trợ thiên tai, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình và an ninh hàng hải.
Tiếp theo, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 30/10/2010. Hai vị khách mới được mời là Nga và Hoa Kỳ. Các chương trình nghị sự của EAS được mở rộng, bao gồm các cuộc thảo luận về hợp tác chức năng trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, năng lượng, môi trường và kiểm soát dịch bệnh. Họ dự định thành lập một Mạng lưới Tài chính Thương mại EAS và một kế hoạch kết nối chủ yếu của ASEAN để tạo ra một cơ sở hạ tầng vật chất và tài chính cho khu vực.
Các xu hướng gây chia rẽ
Biển Đông là một khu vực tranh chấp ít nhất kể từ 1608 khi Hugo Grotius đề ra "Mare Liberum, Tự do biển, hay là các quyền thuộc về người Hà Lan khi tham gia vào thương mại Đông Ấn." Từ khi được ban hành vào năm 1994, Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS) đã cung cấp khuôn khổ pháp lý quốc tế quan trọng để quản lý quyền qua lại quốc tế và quy định về những tuyên bố về lãnh thổ đang bị tranh chấp ở vùng Biển Đông. Tuy nhiên, có sự nhầm lẫn và tranh cãi đáng kể về quy phạm pháp luật về thực hiện quyền qua lại "vô hại" qua các vùng lãnh hải, đặc biệt là tàu chiến và quyền tiến hành các hoạt động do thám quân sự tại các Vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển.
Hai sự kiện gần đây đã chứng minh những vấn đề chưa được giải quyết này dễ tổn thương như thế nào. Một là cuộc đối đầu giữa tàu USNS Impeccable và các tàu Trung Quốc gần đảo Hải Nam vào tháng 3 năm 2009. Sự kiện khác là tuyên bố của Malaysia và Việt Nam yêu cầu được kiểm soát tài nguyên thiên nhiên trên một khu vực rộng lớn của Biển Đông. Tuyên bố này được bao gồm trong đệ trình chung của hai nước gửi tới Ủy Ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS), một cơ quan khoa học được thành lập bởi UNCLOS. Trung Quốc đã nhanh chóng đưa ra phản đối kịch liệt đối với những tuyên bố của các nước trên, nhưng rồi đến lượt lại bị Hoa Kỳ phản đối.
Sự kiện đầu tiên - cuộc đối đầu giữa tàu USNS Impeccable và các tàu cá của Trung Quốc vào tháng 3 năm 2009 - cũng tương tự như một cuộc đụng độ khác, sự va chạm giữa một máy bay do thám EP-3 của Mỹ và máy bay chiến đấu phản lực Trung Quốc vào ngày 1 tháng 4 năm 2001. Cả hai sự kiện đều xảy ra gần đảo Hải Nam, trong Vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Cả hai xảy ra vào thời điểm bắt đầu một chính quyền mới ở Mỹ. Cả hai đều cảnh báo một cuộc khủng hoảng chính trị. Cả hai sự kiên xảy ra đều cơ bản do sự mơ hồ trong luật biển quốc tế liên quan đến quyền tiến hành hoạt động do thám quân sự tại các vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển.
Trong cuộc đụng độ năm 2001, một phi công Trung Quốc đã chết sau khi máy bay chiến đấu của anh ta bị đâm. Máy bay của Hải quân Mỹ đã bị hư hỏng nặng đến nỗi nó phải hạ cánh khẩn cấp trên đảo Hải Nam của Trung Quốc. Phi hành đoàn Mỹ gồm 24 người đã bị bắt giữ bởi quân đội Trung Quốc trong 11 ngày, cho đến khi Washington bày tỏ sự xin lỗi của mình. Trung Quốc từ chối không cho các quan chức Mỹ sửa chữa máy bay của Hải quân Mỹ và cho nó cất cánh bay ra khỏi đảo Hải Nam. Cuối cùng nó đã được tháo rời để vận chuyển về nước.
Vào ngày 08 tháng ba năm 2009, Lầu Năm Góc báo cáo rằng năm tàu Trung Quốc đã đụng độ với một tàu do thám biển không vũ trang của Mỹ, tàu USNS Impeccable, và đã tham gia vào "một nỗ lực liều lĩnh và nguy hiểm" ở khoảng 70 hải lý hay 120 km về phía nam đảo Hải Nam. Các tàu Trung Quốc được báo cáo là đã "theo dõi và ra oai một cách hung hãn ở khoảng cách gần một cách nguy hiểm" đối với tàu Impeccable trong nỗ lực đuổi con tàu này ra khỏi khu vực. Đội thuỷ thủ tàu Hoa Kỳ phản ứng bằng cách sử dụng vòi rồng để phun vào các tàu Trung Quốc. Hai tàu Trung Quốc sau đó đã chặn đường và ném các mảnh vỡ vào trong nước, buộc tàu của Mỹ phải dừng lại để tránh va chạm. Các tàu Trung Quốc áp sát chiếc Impeccable bao gồm một tàu thu thập tình báo của Hải quân Trung Quốc, một tàu ngư chính của Cục Hàng hải, một tàu tuần tra của cơ quan Hải dương học Quốc gia, và hai tàu đánh cá nhỏ có treo cờ Trung Quốc (http://www.southchinasea.org/Impeccable.html ).
Tàu USNS Impeccable là một đơn vị do thám dân sự có người lái của Chương trình Sứ mệnh đặc biệt của Bộ tư lệnh Hải vận Quân sự (MSC) Hoa Kỳ. Nó thường kéo theo một mạng ăng-ten định vị bằng sóng siêu âm và thường hoạt động với tàu ngầm. Vào lúc đó, một chiếc tàu Trung Quốc đã cố gắng phá dây kéo của tàu Impeccable bằng một móc dài.
Theo Lầu Năm Góc, sự hiếu chiến của Trung Quốc bắt đầu vài ngày trước khi một tàu tuần tra đánh cá Trung Quốc chiếu một đốm sáng cường độ cao vào con tàu USNS Victorious, một tàu do thám hoạt động trên biển Hoàng Hải. Ngày hôm sau, một máy bay giám sát hàng hải Y-12 của Trung Quốc đã bay sát con tàu này 12 lần ở độ cao thấp. Ngày hôm sau, quân đội Mỹ tuyên bố rằng một tàu chiến của Trung Quốc tiến lại gần tàu Impeccable mà không có cảnh báo và vượt qua mũi tàu của nó. Hai giờ sau, máy bay Y-12 bay sát tàu ở độ cao thấp. Hai ngày sau, vào ngày 7 tháng 3, một tàu của Trung Quốc đã gửi tín hiệu vô tuyến tới chiếc Impeccable tuyên bố tàu này phải rời đi hoặc "phải gánh chịu hậu quả." Phạm vi và thời gian kéo dài của hoạt động của Trung Quốc cho thấy một mức độ phối hợp chính sách cao.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng tàu Impeccable đang thực hiện tuần tra thường xuyên và "rõ ràng đang hoạt động hợp pháp trong hải phận quốc tế". Hải quân Mỹ đã thừa nhận rằng con tàu đang tiến hành do thám tàu ngầm nhưng cũng đã khẳng định rằng điều này không cần phải có sự cho phép từ phía Trung Quốc.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết "những tuyên bố của Mỹ đang xuyên tạc sự thật và trắng đen lẫn lộn, và chúnghoàn toàn không thể chấp nhận đối với Trung Quốc." Phó tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc cho biết, chiếc tàu Impeccable đã làm nhiệm vụ gián điệp và nó đã gây ra mối nguy hiểm cho các tàu trong khu vực khi nó kéo theo những dây cáp dài dưới nước. Trung Quốc tuyên bố các con tàu đã vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế bằng việc tiến hành các hoạt động do thám bất hợp pháp và do thám quân sự quá gần bờ biển của nước này.
Khi căng thẳng tăng lên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã gặp Ngoại trưởng Hillary Clinton và bà đã nói rằng "cả hai bên đã nhất trí rằng chúng tôi đều muốn đảm bảo các loại sự cố như thế sẽ không tái diễn nữa." Ông Dương sau đó đã gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong phòng làm việc Oval. Cả hai đều nhấn mạnh sự cần thiết phải có thông tin liên lạc thường xuyên và sâu sắc hơn để tránh những đối đầu quân sự.
Trong khi đó, công tác tuần tra của Mỹ vẫn tiếp diễn trong khu vực, mặc dù Trung Quốc đã yêu cầu Hoa Kỳ ngừng việc do thám tại những khu vực tranh chấp. Hải quân Mỹ đã chỉ định tàu Chung-Hoon, một trục hạm trang bị vũ khí nặng, để hộ tống tàu Impeccable khi nó tiếp tục hoạt động trong vùng Biển Đông. Đáp trả lại,Trung Quốc phái tàu ngư chính lớn nhất và nhanh nhất, tàu quản lý đánh bắt cá số 31, để tuần tra hải phận thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên Biển Đông.
Hải quân Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ mới cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân trên đảo Hải Nam, và Hải quân Hoa Kỳ đã thừa nhận rằng họ rất quan tâm theo dõi hoạt động này. Căn cứ mới này mang lại cho Hải quân Trung Quốc sự tiếp cận với các tuyến đường biển của Biển Đông vốn rất quan trọng đối với thương mại hàng hóa quốc tế và nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô.
Sự việc tàu Impeccable chứng tỏ rằng căng thẳng Mỹ-Trung không bao giờ có thể trùng xuống được. Dường như, các tranh chấp nhỏ có thể leo thang nhanh chóng. Thời gian của cuộc gặp gỡ này có phần gây ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa công bố tuần trước tại Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trao đổi quân sự ở tầm trung với Trung Quốc. Những trao đổi này đã bị tạm dừng vào năm 2008 sau vụ bán vũ khí lớn cho Đài Loan dưới thời chính quyền Bush.
Yêu sách lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa và bản đồ yêu sách hình chữ U của Trung Quốc
Sự kiện thứ hai liên quan đến những yêu sách trình lên Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa của Malaysia và Việt Nam và những phản ứng chính trị của chúng tại Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Theo UNCLOS, một quốc gia ven biển có quyền tuyên bố một thềm lục địa vượt quá 200 hải lý từ đất liền hoặc hải đảo của nó, nếu quốc gia này cung cấp được thông tin khoa học và kỹ thuật về tuyên bố thềm lục địa của mình cho Ủy ban về ranh giới thềm lục địa (CLCS). Hạn chót cho việc đệ trình là ngày 13/5/2009. Malaysia và Việt Nam đệ trình tuyên bố của mình vào ngày 06/5/2009. Việt Nam gửi tuyên bố bổ sung vào ngày 7/5/2009. Philippines phản đối các tuyên bố này và làm một đệ trình cục bộ về tuyên bố riêng của mình. Trung Quốc sau đó đã phán bác lại rằng những đệ trình này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước này trên Biển Đông. Điều này khiến cho tất cả các tuyên bố trên chỉ là cuộc tranh luận, vì Ủy ban về ranh giới thềm lục địa sẽ không xem xét đệ trình ở bất kỳ khu vực đang bị tranh chấp chủ quyền. Trong công hàm phản đối của mình gửi tới CLCS, Trung Quốc khẳng định:
Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận, và được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng nước liên quan cũng như đáy biển và tầng đất của nó (xem bản đồ kèm theo).[1]
Bản đồ kèm theo là nguyên nhân chính gây tranh cãi. Bản đồ, ban đầu được xuất bản bởi Chính phủ Cộng hòa Trung Hoa vào năm 1947, có chín dấu gạch tạo thành một hình chữ U xung quanh Biển Đông. Đường hình chữ U bao quanh hầu hết vùng Biển Đông, và tiến rất gần đến các vùng lãnh thổ đất liền của Philippine, Đông Malaysia và Việt Nam. Đây dường như là lần đầu tiên Trung Quốc đính kèm bản đồ này trong một giao tiếp chính thức với Liên Hợp Quốc. Điều này đã dẫn một số kết luận rằng Trung Quốc chính thức tuyên bố tất cả các vùng biển trong đường hình chữ U là vùng nước lịch sử hoặc lãnh hải của nước này, một lập trường trái với Công ước của LHQ về Luật biển.
Những hành động này của Trung Quốc đã bị giới truyền thông nước Mỹ xem như là một mối đe dọa đối với các quyền tự do biển cả của việc bay trên không phận và hàng hải trên vùng Biển Đông. Điều này có thể đã khiến Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố tại cuộc họp củad Diễn đàn khu vực ASEAN tại Hà Nội vào tháng 7 năm 2010 rằng Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, từ đó đưa nước Mỹ tham gia vào vấn đề mà luôn luôn được coi là một vụ tranh chấp khu vực.
Tuy nhiên, công hàm củaTrung Quốc gửi tới CLCS không tuyên bố rằng tất cả các vùng nước bên trong đường đứt nét là lãnh hải hoặc vùng nước lịch sử của mình, hoặc rằng nước này có bất cứ quyền lịch sử nào trong vùng nước bên trong đường đứt nét đó. Tuyên bố của Trung Quốc không phải đối với toàn bộ biển Đông, mà chỉ đối với các đảo bên trong các đường đứt nét, đối với vùng biển "liền kề" các đảo đó, có lẽ là nói đến một lãnh hải 12 hải lý, và đối với bất kỳ vùng biển nào được tạo ra từ những hải đảo này, một lập trường phù hợp với Công ước LHQ về Luật biển.
Các đệ trình về thềm lục địa của Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, và Brunei rõ ràng đã phức tạp hóa các tranh chấp cơ bản về chủ quyền đối với các đảo. Hiện vẫn còn những tranh cãi đáng kể về việc liệu bất kỳ đảo nào trong số này được quyền có Vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của riêng mình hay không. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý rằng tất cả các nước này đang tuân theo các quy định được đưa ra bởi UNCLOS. Điều này thiết lập một khuôn khổ chung để có thể dễ dàng hơn trong việc tìm ra các giải pháp khả thi.
Phân tích và dự đoán
Có sự nhất trí chung rằng tự do hàng hải trong và bên trên Vùng đặc quyền kinh tế không nên gây trở ngại đối với quyền của các quốc gia ven biển. Tuy nhiên, vẫn còn bất đồng đáng kể về quyền qua lại vô hại qua lãnh hải (đặc biệt là các tàu chiến) cũng như quyền tiến hành các hoạt động do thám trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước ven biển. UNCLOS quy định rằng người sử dụng trên thế giới đều có thể vào Vùng đặc quyền kinh tế của nước khác "với sự tôn trọng đúng mức" tới các quyền lợi và nghĩa vụ của nước ven biển. Tuy nhiên UNCLOS không xác định rõ thế nào là "tôn trọng đúng mức" hoặc hoạt động quân sự hay nghiên cứu khoa học biển được phép.
Trung Quốc, nước đã ký hiệp định UNCLOS cho rằng hoạt động quân sự, khảo sát thủy văn và thu thập tình báo của tàu nước ngoài hoặc máy bay có thể được thực hiện trong một Vùng đặc quyền kinh tế chỉ khi có sự cho phép của quốc gia ven biển. Mặc dù Hoa Kỳ đã không ký vào UNCLOS, nhưng nước này cho rằng thu thập dữ liệu biển cho mục đích riêng của quân đội là một phần của tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, kể cả trong các Vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác mà không cần sự đồng ý của nước này.
Các bên liên quan là các nước ven biển và quốc tế chia sẻ nhiều lợi ích chồng chéo, ví dụ như trong việc thúc đẩy an toàn hàng hải trên biển. Tuy nhiên, về các vấn đề khác như hoạt động quân sự ở các vùng đặc quyền kinh tế, chống hoạt động cướp biển hoặc các biện pháp thực thi chống khủng bố và tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, họ đều có quan điểm trái ngược nhau. Hoa Kỳ dường như sẽ tiếp tục do thám hải quân ở Biển Đông và Trung Quốc sẽ tiếp tục phản đối các hoạt động trong các vùng biển tranh chấp. Do đó, những sự cố trong tương lai dường như là có khả năng xảy ra. Mối nguy hiểm là mỗi sự có thể dẫn đến gây hiểu sai và có nguy cơ tạo ra một cuộc xung đột ngày càng rộng hơn.
Trong tương lai gần, những sự việc này không có khả năng leo thang thành một cuộc xung đột lớn vì có nhiều ưu tiên cấp bách hơn cho việc hợp tác khu vực. Các nền kinh tế của hai nước đang gắn bó với nhau chặt chẽ. Các công ty của Mỹ dựa vào Trung Quốc như một nguồn cung cấp lao động giá rẻ và Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào Hoa Kỳ như là một thị trường hàng hóa lớn của mình. Cả Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã công khai kêu gọi Trung Quốc tiếp tục mua trái phiếu kho bạc Mỹ.
Cho đến nay, không có dấu hiệu cho thấy sự cố tàu Impeccable đã phá vỡ các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đây sẽ vẫn là một xích mích nhỏ miễn là Hoa Kỳ, con nợ lớn nhất thế giới, thấy mình mắc nợ với Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất thế giới, và miễn là Trung Quốc tiếp tục phụ thuộc vào việc tiếp cận công nghệ và các thị trường tiêu dùng của Mỹ để tiếp tục tăng trưởng kinh tế, và miễn là các nước ASEAN tiếp tục các sáng kiến an ninh khu vực của mình.
Có thể đánh giá những xu hướng thống nhất và gây chia rẽ giữa các phong trào kiểm soát tài nguyên, bảo tồn, và an ninh như thế nào? Ba tiêu chuẩn có thể hữu ích để đánh giá sự tiến bộ của các mối quan hệ hàng hải. Một là tính lịch sử: làm thế nào các mối quan hệ tiến triển theo thời gian? Thứ hai là tính xuyên quốc gia: so sánh mối quan hệ này với các phong trào hội nhập khu vực khác, chẳng hạn như Liên minh châu Âu như thế nào? Thứ ba là tính tối ưu: những mối quan hệ này hướng giải quyết các mục tiêu chung tốt đến mức nào?
Theo tiêu chuẩn lịch sử, một số xu hướng rõ ràng là: kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng về tổng sản lượng và thương mại khu vực cũng như đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết mọi quốc gia ở châu Á, không chỉ trong khối ASEAN. Có lẽ sự phát triển quan trọng nhất gần đây là Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc đã bắt đầu các cuộc họp hội nghị thượng đỉnh hàng năm để đối phó với các vấn đề gai góc của mình về kinh tế và môi trường như ngành nông nghiệp được bảo hộ cao độ của các nước này. Hợp tác đa phương về hàng hải vẫn còn khó khăn do những tranh chấp lãnh thổ, tuy nhiên, nếu hòa giải tiếp tục giữa ba nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Á, sau đó những sáng kiến phong phú về hội nhập khu vực của ASEAN sẽ gieo mầm tốt cho an ninh hàng hải và hợp tác trên Biển Đông.
Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn xuyên quốc gia, hội nhập khu vực vẫn còn một khoảng cách dài để bắt kịp với mức độ hội nhập khu vực đạt được của EU hoặc NAFTA. Ví dụ, tỷ lệ xuất khẩu trong nội khối của EU-15 là hơn 60% trong 10 năm qua; đối với NAFTA là trên 50%; đối với ASEAN, bây giờ đang gần đạt được 40% tổng xuất khẩu (Dữ liệu thương mại ASEAN, aseansec.org). Có tiềm năng đáng kể để mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực như là chìa khóa cho hội nhập hàng hải khu vực.
Theo tiêu chuẩn tối ưu, các phong trào kiểm soát tài nguyên, bảo tồn, và an ninh phải giải quyết được nghịch lý sau: đó là gia tăng hội nhập khu vực đã thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc về nguồn tài nguyên. Sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng của các quốc gia và thị trường thông qua thương mại, đầu tư, di cư, và văn hóa phổ biến cũng đã làm tăng những nỗ quốc gia-dân tộc trong việc mở rộng và củng cố tuyên bố chủ quyền của mình đối với các vùng biển chung của họ. Điều này xảy ra tại một thời điểm khi họ phải cùng đối phó với một Trung Quốc đang lớn mạnh khi nước này trở thành một siêu cường đòi hỏi quyền lợi riêng của mình, trong một khu vực Đông Á với - lần đầu tiên - cả một Trung Quốc và một Nhật Bản hùng mạnh, và với một Kỳ Hoa luôn hướng tới việc duy trì vị thế siêu cường của mình. Với sáng kiến an ninh khu vực ASEAN, việc tái định hướng chính sách ngoại giao hướng ngoại của Trung Quốc, và chủ nghĩa đa phương của Mỹ, có một cửa sổ cơ hội đặc biệt mở ra để tăng cường quan hệ an ninh hàng hải trên Biển Đông.
- Theo Nghiên cứu Biển Đông
Bản gốc tiếng Anh "GOVERNING THE SOUTH CHINA SEA: From Freedom of the Seas To Enclosure Movements" Bài viết được in trong Series đặc biệt của tạp chí Harvard Asia Quarterly với chủ đề "The Disputed Sea - Maritime Security in East Asia" tháng 12/2010
[1] Xem Robert Beckman, "How China Can Clarify Its Aims," in The Straits Times, September 25, 2010, có thể truy cập trên trang http://admpreview.straitstimes.com:90/vgn-ext-templating/v/index.jsp?vgnextoid=f6a5aeae5344b210VgnVCM100000430a0a0aRCRD&vgnextchannel=0162758920e39010VgnVCM1000000a35010aRCRD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét