Sự phát triển về kinh tế của Trung Quốc đem lại nhiều thuận lợi cho các nước ASEAN, nhưng về khía cạnh an ninh, quốc phòng thì lại là điều ngược lại. Đó là lý do họ tìm đến với Mỹ nhằm cân bằng và tạo thế đối trọng với một Trung Quốc đang ngày càng tham vọng, hung hăng trên rất nhiều vấn đề. Trang mạng World Affairs số ra tháng 3/2011 đăng bài viết “Nervous Neighbors: China Finds a Sphere of Influence” của Richard Weitz, Giám đốc Trung tâm Phân tích Quân sự-Chính trị của Viện Hudson (Mỹ) phân tích về ASEAN trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ-Trung.
Theo tác giả, trên tất cả các lĩnh vực, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) có nhiều điểm yếu nên dễ bị tác động trước ảnh hưởng của Trung Quốc khi Bắc Kinh tăng cường thâm nhập khu vực. Do những mục tiêu tham vọng về tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và ổn định khu vực, ASEAN bộc lộ sự yếu kém đến mức tạo cơ hội chứ không gây ra mối đe dọa cho Trung Quốc. ASEAN thiếu điều khoản hợp tác an ninh, lực lượng quân sự chung và thậm chí cả điều khoản đoàn kết chính sách đối ngoại-kiểu cam kết đã từng ngăn cản Liên Xô không đạt được sức mạnh vượt trội so với châu Âu trong Chiến tranh Lạnh.
Việc ASEAN nhấn mạnh đến chủ quyền và không can thiệp công việc nội bộ của các nước thành viên khác đã xoa dịu sự bất bình của Trung Quốc. Trung Quốc khéo léo sử dụng con bài kinh tế để làm sâu sắc mối quan hệ với các nước láng giềng Đông Nam Á và biến Trung Quốc thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Theo các điều khoản của Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN, 6 nước thành viên cũ cùng với Trung Quốc sẽ xóa bỏ 90% các loại thuế xuất nhập khẩu sản phẩm trong năm 2010, tiếp đó Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam sẽ thực hiện tương tự năm 2015. Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác chính trị, quân sự và kinh tế để dẫn đến các hình thức hoạt động chỉ bao gồm các nước châu Á như ASEAN cộng 3 (ASEAN+Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc). Nhưng những năm gần đây, do không thể tiếp tục sử dụng ảnh hưởng của sức mạnh quân sự để thể hiện trong khu vực nên Trung Quốc cũng từ bỏ ý tưởng của nền ngoại giao "hai bên đều thắng" của họ. Mặc dù đẩy mạnh các mối quan hệ kinh tế đôi bên cùng có lợi với nước láng giềng khổng lồ, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng khuyến khích Mỹ duy trì sự hiện diện tích cực trong khu vực như một đối trọng với Trung Quốc. Một trong những nguồn gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và một số nước láng giềng Thái Bình Dương là các tuyên bố chồng lấn về biển Đông của các nước. Các nước ven biển cạnh tranh với nhau một khu vực biển rộng 3,5 triệu km2 bao gồm các quần đảo, các loại khoáng sản, các nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên, dầu lửa và các tuyến đường qua lại trên biển. Trung Quốc và Việt Nam khẳng định chủ quyền tất cả các hòn đảo nhỏ ở biển Đông-khu vực mà Brunây, Malaixia, Philíppin và Đài Loan chỉ tuyên bố chủ quyền một số đảo. Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là hai dãy đảo nổi nhất trong số các hòn đảo mà khu vực tin rằng chứa nhiều tài nguyên thiên nhiên quan trọng, đặc biệt là dầu lửa và khí đốt tự nhiên nằm dưới các vùng nước xung quanh hai quần đảo này. Các quần đảo này cũng được bao bọc bởi các khu vực biển nhiều cá và các tuyến đường vận chuyển biển mà từ đó các nguồn năng lượng quan trọng từ bên ngoài đổ vào các nước khu vực Đông Á.
Trong thập kỷ 1990, Bắc Kinh tuyên bố toàn bộ biển Đông là vùng biển chủ quyền của Trung Quốc và khẳng định sẵn sàng thực hiện các tuyên bố đó khi có khả năng. Nhưng đầu năm 2000, Bắc Kinh thay đổi giọng điệu và theo đuổi "nền ngoại giao mỉm cười" để xoa dịu các nước ASEAN không nên lo ngại trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của họ. Tháng 11/2002, Trung Quốc và ASEAN ký Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở biển Đông, cam kết giải quyết các bất đồng hòa bình thông qua đàm phán trực tiếp. Vì những lý do vẫn còn mập mờ, Bắc Kinh đã điều chỉnh cách tiếp cận ở mức thấp vào tháng 3/2010, khi đó các quan chức Trung Quốc tuyên bố biển Đông là "lợi ích cốt lõi" của nước này. Theo ngôn ngữ ngoại giao, từ này có nghĩa đây là một vấn đề mà một nước sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ. Cho đến thời điểm đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng từ ngữ đó để chỉ Tây Tạng và Đài Loan. Tháng 6/2010, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Cảnh Nhân Sinh, thể hiện rõ nét hơn khi ông ta tuyên bố: "Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi ở biển Đông và Trung Quốc có bằng chứng pháp lý và lịch sử để khẳng định như vậy". Hải quân Trung quốc đã và đang phát triển sức mạnh để thực hiện tuyên bố của Trung Quốc. Hải quân đã xây dựng một căn cứ lớn ở đảo Hải Nam để bố trí các hạm đội sát các vùng biển có tranh chấp ở biển Đông. Quân đội Trung Quốc cũng triển khai loại tên lửa mới "Đông phong 21-D" nhằm tấn công tàu sân bay hoặc các mục tiêu khác ở cự ly 1.500 km, và sẽ sớm triển khai tàu sân bay đầu tiên mua của Nga gần đây. Rõ ràng là quân đội Trung Quốc tin tưởng khả năng như vậy sẽ khiến Hải quân Mỹ tránh xa biển Đông và các khu vực có tranh chấp xung quanh biển Đông. Tháng 7/2010, để khẳng định các tuyên bố trên biển của Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập để thể hiện sức mạnh trên biển Đông với sự tham gia của hàng chục tàu chiến của tất cả 3 hạm đội của Hải quân. Năm 1974, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa, trong khi Việt Nam đang chuẩn bị giai đoạn kết thúc cuộc chiến tranh, và nhanh chóng xây dựng nhiều doanh trại và một sân bay quân sự ở đó. Do các khu vực này gần đảo Hải Nam , chúng cho phép quân đội Trung Quốc phát huy sức mạnh từ những khu vực nằm ngoài bờ biển Trung Quốc. Gần đây hơn, các nhà chức trách Trung Quốc còn đơn phương tuyên bố cấm đánh bắt cá trên biển Đông và bắt giữ nhiều tàu cá của Việt Nam trong khu vực, sau đó giữ người, tàu thuyền, phương tiện và chỉ thả người sau khi nộp tiền phạt. Trung Quốc cũng cảnh báo các công ty năng lượng phương Tây không đàm phán các thỏa thuận thăm dò và khai thác khí đốt ở biển Đông với Chính phủ Việt Nam nếu họ không muốn các lợi ích kinh doanh của họ ở Trung Quốc gặp rắc rối. Nhưng không chỉ Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á lo ngại trước sức mạnh quân sự và ngoại giao ngày càng tăng của Trung Quốc. Ngày 8/7/2010, trong bức thư gửi Liên hợp quốc, lần đầu tiên Chính phủ Inđônêxia chính thức thách thức các tuyên bố của Trung Quốc đối với biển Đông sau khi một tàu chiến Trung Quốc buộc một tàu tuần tiễu Inđônêxia trả tự do cho các ngư phủ Trung Quốc. Thuyền cá Trung Quốc bị bắt giữ trong khu vực mà Inđônêxia tuyên bố thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này, nhưng Trung Quốc phủ nhận tuyên bố đó. Các quan chức Philíppin và Malaixia cũng liên lạc với Oasinhtơn để bày tỏ lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở biển Đông.
Nỗi lo ngại của các nước láng giềng Trung Quốc cũng được thể hiện rõ trước sự phát triển quân sự của Trung Quốc. Theo các số liệu chuyển giao vũ khí của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Xtốckhôm (SIPRI), Thụy Điển, giá trị của các hệ thống vũ khí thông thường được bán cho các nước Đông Nam Á tăng gần gấp đôi từ năm 2005-2009. Malaixia, nước phản đối các tuyên bố biển Đông của Trung Quốc, nhập khẩu các loại vũ khí trong giai đoạn này tăng 722% so với 5 năm trước. Xinhgapo tăng 146% và Inđônêxia tăng 84%. Khối lượng mua sắm các loại vũ khí lớn của Xinhgapo thực tế đã biến nước này trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên đứng trong 10 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới kể từ sau Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Tất nhiên, các nước ASEAN không thể hy vọng ngang bằng với quân đội Trung Quốc. Do hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc vượt tất cả các nước ASEAN cộng lại về quân số, trang thiết bị và chi phí. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế về cán cân quân sự ở châu Á dự kiến quân số của quân đội Trung Quốc năm 2010 là 2.170.000 binh sĩ. Ngược lại, quân số của Campuchia, Inđônêxia, Lào, Mianma, Việt Nam, Thái Lan, Xinhgapo và Philíppin cộng lại cũng chỉ có 1.472.000 binh sĩ. Hơn nữa, quân đội các nước ASEAN ít quan tâm tới việc tăng các nguồn quốc phòng và phát triển một lực lượng quân sự hợp tác. Các nước ASEAN cũng mở rộng các mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh vì họ không muốn các mối quan hệ này bị phá hủy do đối đầu với Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền trên biển. Họ muốn một số nước khác chẳng hạn Mỹ đóng vai trò đối trọng với Trung Quốc. Không giống Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Ôxtrâylia, các nước Đông Nam Á không có hiệp ước quốc phòng song phương với Mỹ. Nhưng một số quan chức ASEAN đã và đang hối thúc Oasinhtơn can dự vấn đề biển Đông để ngăn chặn sự phiêu lưu quân sự của Trung Quốc.Không có gì ngạc nhiên, chính Việt Nam là nước tìm cách hợp tác với Mỹ để cân bằng người khổng lồ Trung Quốc. Do đó, tại cuộc họp của Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố Mỹ giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán đa phương nhằm giải quyết các bất đồng lãnh thổ trên biển Đông trong khuôn khổ ASEAN. Bà cũng tái khẳng định Mỹ phản đối việc cưỡng bức hoặc đe dọa sử dụng sức mạnh để giải quyết các tuyên bố còn gây tranh cãi. Bà nói: "Cũng như các nước, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc tự do đi lại trên các khu vực hàng hải chung và tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển Đông". Trong cuộc Đối thoại Shangri-La tháng 5/2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng khẳng định biển Đông "không chỉ quan trọng đối với các nước trực tiếp có biên giới với vùng biển mà còn quan trọng với tất cả các nước có lợi ích an ninh và kinh tế ở châu Á". Đề cập đến việc Trung Quốc đe dọa các công ty dầu lửa của Mỹ và quốc tế có ý định hợp tác với Việt Nam , Bộ trưởng Gates nói: "Chúng tôi phản đối bất cứ nỗ lực nào hòng nhằm đe dọa các công ty Mỹ hoặc của các nước tham gia hoạt động kinh tế hợp pháp". Trong chuyến thăm Philíppin tháng 8/2010, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard, khẳng định cam kết của Mỹ nhằm bảo đảm tự do đi lại trên biển Đông. Rõ ràng những tuyên bố đó của các quan chức Mỹ là hành động dũng cảm nhằm chĩa vào Trung Quốc bằng cách khẳng định Mỹ không muốn cho phép khu vực trở thành nơi cạnh tranh ảnh hưởng. Từ trước đến nay, Mỹ thường tìm cách tránh công bố quan điểm công khai về những bất đồng chủ quyền của Đông Á, nhưng những hành động mạnh mẽ gần đây của Trung Quốc, cộng với sự ủng hộ ngấm ngầm của một số nhà lãnh đạo ASEAN, đã kích động Chính quyền Obama hành động.
Không có gì ngạc nhiên khi Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Ngoại trưởng Hillary Clinton can thiệp vào bất đồng trên biển Đông. Cuối tháng 8/2010, một tàu ngầm loại nhỏ đã cắm một lá cờ Trung Quốc dưới đáy biển Đông. Ngày 21/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Bắc Kinh phản đối "bất cứ tuyên bố nào của Mỹ và ASEAN về biển Đông" trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh ngày 24/9, lúc đó Tổng thống Obama sẽ gặp các nhà lãnh đạo ASEAN bên lề lễ khai mạc hàng năm của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở Niu Yoóc. Các phương tiện truyền thông không chính thức của Trung Quốc mô tả các tuyên bố mới của Mỹ về biển Đông cũng như quyết định của Mỹ tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á như một nỗ lực, thông đồng với Việt Nam, để ngăn chặn Trung Quốc. Trung Quốc nhận thấy chính sách quyết đoán hơn của Oasinhtơn liên quan đến biển Đông thông qua các mối quan hệ chiến lược và kinh tế ngày càng thân thiện giữa Oasinhtơn và Hà Nội, bất chấp những căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Việt Nam về nhân quyền. Cùng với Trung Quốc và Nhật Bản, Mỹ là một trong những đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu và nguồn đầu tư lớn nhất của Việt Nam . Trong thập kỷ qua, các quan chức cấp cao của Mỹ và Việt Nam thường xuyên thăm viếng lẫn nhau, các sĩ quan Mỹ và Việt Nam trao đổi một số chuyến thăm và các tàu chiến của Hải quân Mỹ đã ghé thăm bến cảng thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng. Năm 2009, Cục Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ loan báo sẵn sàng cho phép xuất khẩu sang Việt Nam các trang thiết bị quân sự "không gây chết người" như các loại ra đa theo dõi hải quân. Đầu tháng 8/2010, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo bắt đầu các cuộc đàm phán Mỹ-Việt về một thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự, từ đó có thể dẫn đến việc Mỹ giúp Việt Nam xây dựng một lò phản ứng hạt nhân. Cũng trong tháng 8/2010, Mỹ và Việt Nam tổ chức các cuộc đối thoại quốc phòng chính thức đầu tiên và hải quân hai nước tiến hành các cuộc diễn tập chung kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc cách đây 36 năm. Tàu khu trục John McCain của Mỹ cùng các tàu của Hải quân Việt Nam tổ chức diễn tập huấn luyện tìm kiếm và cứu nạn, xử lý thiệt hại, bảo dưỡng, sửa chữa khẩn cấp và kiểm soát hỏa hoạn. Đồng thời Hàng không mẫu hạm USS George Washington chạy bằng năng lượng hạt nhân, có mặt tại Việt Nam để đánh dấu 15 năm bình thường hóa quan hệ hai nước, cũng tổ chức một phái đoàn quân-dân sự Việt Nam đi thăm khu vực biển Đông ở ngoài khơi cảng Đà Nẵng. Mỹ cũng mời Việt Nam cử quan sát viên đến theo dõi các cuộc tập trận do Mỹ lãnh đạo trong khu vực, kể cả cuộc tập trận Hổ Mang Vàng ở Thái Lan. Mỹ đề nghị huấn luyện các quân nhân Việt Nam để tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tháng 10/2010, Việt Nam mời hải quân các nước đến nghiên cứu việc sử dụng căn cứ hải quân ở vịnh Cam Ranh vì "mục đích hòa bình". Bến cảng nước sâu và cơ sở hạ tầng của cảng rất quan trọng cho các tàu chiến Mỹ hoạt động ở biển Đông và Ấn Độ Dương. Tháng 11/2010, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Tướng George William Casey đến thăm Bộ Quốc phòng tại Hà Nội-nơi ông và Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh của Quân đội Việt Nam nhất trí tiếp tục hợp tác trong việc trao đổi nhân sự, y tế và rà phá mìn.
Ngay sau khi vào Nhà Trắng, Chính quyền Obama tuyên bố quyết tâm chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng biển quốc tế, khi đó các tàu chiến và máy bay Trung Quốc phát động chiến dịch đe dọa chống lại các tàu giám sát biển của Mỹ ở biển Đông. Sự kiện nổi bật nhất xảy ra tháng 3/2009, lúc đó các thủy thủ Trung Quốc cố gắng tịch thu một chiếc phao gắn thiết bị định vị của tàu hộ tống USNS Impeccable do Hải quân Mỹ sử dụng để giám sát căn cứ hải quân mới của Trung Quốc trên đảo Hải Nam và các tàu ngầm Trung Quốc trong khu vực. Ngoài các biện pháp quân sự đó, Chính quyền Obama còn tăng cường sự hiện diện quân sự, kinh tế và ngoại giao ở Đông Nam Á, chấm dứt những lời phàn nàn rằng Oasinhtơn đang phớt lờ khu vực do bị sa lầy trong các cuộc chiến tranh Irắc và Ápganixtan. Mỹ đã tham gia các định chế liên quan đến ASEAN. Hiện nay các quan chức Chính phủ Mỹ thường xuyên đến thăm Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Mỹ còn cử đại sứ phụ trách các vấn đề ASEAN và đại diện thường trực tại Ban Thư ký ASEAN ở Giacácta. ASEAN đã mời Mỹ và Nga tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á năm 2011. Mỹ cũng đưa ra Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Công nhằm giúp đỡ Lào, Thái Lan và Việt Nam giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng, xã hội và sinh thái. Chính phủ các nước này cho biết các con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn Mê Công đang gây tình trạng hạn hán và phá hủy môi trường của họ. Về quan hệ song phương, Mỹ duy trì liên minh quân sự thường trực lâu dài với Philíppin, Xinhgapo, Thái Lan và cải thiện quan hệ an ninh với Malaixia, Inđônêxia và Việt Nam. Tháng 4/2010, Thủ tướng Malaixia Najib Tun Razak hội đàm với Tổng thống Obama tại Oasinhtơn về việc đóng góp của Malaixia vào các nỗ lực quân sự do Mỹ lãnh đạo ở Ápganixtan, bao gồm 40 chuyên gia y tế và nhân viên quân sự thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo. Đồng thời, Mỹ chính thức nâng cấp quan hệ đối tác với Malaixia thành "quan hệ đối tác chiến lược". Tháng 6/2010, Malaixia phát triển vị thế của nước này trong cuộc tập trận Hổ Mang Vàng đa phương hàng năm từ quan sát viên thành nước tham gia đầy đủ. Sau thời gian dài gián đoạn, Mỹ cũng khôi phục các mối quan hệ quân sự toàn diện với Inđônêxia, trong đó có thiết lập lại quan hệ với lực lượng đặc nhiệm Kopassus của Inđônêxia - lực lượng đóng vai trò chính trong các nỗ lực chống khủng bố của Inđônêxia. Hiệp định khung phòng thủ song phương mới của Mỹ và Inđônêxia tạo ra các cuộc đối thoại an ninh, hợp tác giáo dục, huấn luyện, mua bán trang thiết bị và hợp tác an ninh trên biển. Hai chính phủ cũng thiết lập "mối quan hệ đối tác toàn diện" bao gồm một ủy ban chung do bộ trưởng ngoại giao hai nước lãnh đạo. Các nhà ngoại giao Mỹ đang khuyến khích Ôxtrâylia, Nhật Bản và đặc biệt Ấn Độ tăng cường quan hệ với ASEAN để đối trọng hơn nữa với sức mạnh bá quyền của Trung Quốc. Bất chấp hợp tác kinh tế ngày càng tăng với Trung Quốc, hiện nay các nước ASEAN hiểu rằng các mối quan hệ an ninh được cải thiện với Mỹ sẽ là biện pháp an toàn hiệu quả nhất cho họ để chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và gia tăng ảnh hưởng đối với chính sách của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nước ASEAN cũng muốn cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc và làm bất cứ những gì có thể để tránh sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù ASEAN đã đẩy hai cường quốc chống lại nhau để giành ưu thế và khả năng hành động, nhưng họ khẳng định cạnh tranh Mỹ-Trung vẫn là cuộc cạnh tranh dân sự nhằm giành vị thế, lợi ích và uy tín trong khu vực. Nhưng liệu ASEAN có thể tiếp tục duy trì sự cân bằng đó trước mối lo ngại ngày càng tăng của Mỹ về sức mạnh bá quyền và tham vọng mới của Trung Quốc hay không? Đây là vấn đề cần được xem xét./.
Theo World Affairs, TTXVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét