Đối với Nhật Bản cũng như hầu hết các quốc gia khác ở Đông Á, trong lịch sử Trung Quốc luôn là một cường quốc. Bởi vậy, sức mạnh ngày nay của Trung Quốc không phải là một điều đáng ngạc nhiên, mà chỉ là sự phục hồi sức mạnh vốn có trước kia mà thôi. Bởi vậy, chính sách đối phó với gã “khổng lồ” hồi sinh luôn là vấn đề quan trọng nhất đặt ra cho các quốc gia Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản.
NCBĐ giới thiệu bài viết của Yoji Koda, Phó Đô đốc (đã nghỉ hưu) Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, hiện là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Châu Á, Đại học Harvard. Bài viết của tác giả được đăng trên Series đặc biệt của tạp chí Harvard Asia Quarterly của Trường Đại học Havard với chủ đề: "Tranh chấp biển- An ninh hàng hải tại Đông Á", (The Disputed Sea – Maritime Security in East Asia) tháng 12/2010.
Giới thiệu
Trong bài viết này, tôi đưa ra những quan điểm cá nhân đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc hải quân. Trong phần đầu tiên, tôi sẽ bắt đầu bằng các nhận xét chung về những ý nghĩa lịch sử và chính trị của vấn đề này. Tôi có cách nhìn nhận khác biệt so với Mỹ và các nước châu Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, và cho rằng Mỹ có ít sự chuẩn bị để đối mặt với thực tế mới này. Sau đó, tôi đưa ra một lý giải lịch sử về mối quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản, để những độc giả Mỹ cũng như các độc giả nước ngoài có thể hiểu rõ hơn việc mối quan hệ song phương này đã phát triển như thế nào qua nhiều thế kỷ.
Trong phần tiếp theo, tôi vận dụng kiến thức chuyên sâu của mình về những vấn đề hải quân để xem xét sự phát triển gần đây của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN). Đầu tiên, tôi nghiên cứu xem Lực lượng hải quân Trung Quốc đang giúp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đạt được những mục tiêu đối ngoại chủ yếu như thế nào. Tiếp đó, tôi phân tích việc Hải quân Trung Quốc đạt được những khả năng công nghệ mới. Trong khuôn khổ này, tôi xem xét những yếu tố khác nhau trong các chiến lược hiện tại và trong việc củng cố lực lượng của Hải quân Trung Quốc. Tôi nhận thấy rằng, mặc dù Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang phát triển hệ thống chiến đấu hiện đại nhất, nhưng vẫn bộc lộ những yếu kém và những vấn đề tiềm ẩn trong một số mặt, và những điều này sẽ vẫn tồn tại trong thời gian tới. Hơn nữa, tôi cho rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về Hải quân Trung Quốc đều phải cân nhắc chiều hướng vận động địa chính trị rộng lớn hơn, cụ thể là liên quan đến Mỹ.
Trong phần cuối, tôi đưa ra những suy nghĩ ngắn gọn về các yêu sách của Trung Quốc đối với lãnh thổ biển đang tranh chấp.
Những quan điểm lịch sử và chính trị
So sánh quan điểm của Mỹ và Châu Á về sự trỗi dậy của Trung Quốc
Đối với Nhật Bản cũng như hầu hết các quốc gia khác ở Đông Á, Trung Quốc là một nước lớn từ trong lịch sử, có tầm ảnh hưởng sâu rộng ở khu vực; chỉ trừ ngoại lệ về khoảng thời gian 150 năm, bắt đầu từ cuộc chiến tranh Thuốc phiện năm 1840, trong khoảng thời gian này, sức mạnh của Trung Quốc đã bị suy yếu đi. Xét trên khía cạnh này, sức mạnh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) ngày nay không phải là một điều đáng ngạc nhiên, mà chỉ là sự phục hồi sức mạnh vốn có trước kia mà thôi.
Tất nhiên, làm thế nào để đối mặt với người khổng lồ hồi sinh này đang và sẽ là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất đặt ra cho các quốc gia Đông Á hiện nay cũng như trong tương lai gần. Mặc dù vậy, người Mỹ lại nhìn Trung Quốc với con mắt hoàn toàn khác. Khi Mỹ lần đầu tiên tham gia vào trò chơi quyền lực quốc tế tại Đông Á, sức mạnh của Nhà nước Mãn Thanh đã trên đà suy giảm, và Trung Quốc đã bị coi là “con bệnh của Châu Á”. Nói cách khác, mặc dù Trung Quốc là một nước lớn trong suốt hơn hai thiên niên kỷ, nhưng Mỹ lại chỉ bắt đầu can thiệp vào Trung Quốc trong một thế kỷ rưỡi yếu kém nhất trong lịch sử Trung Hoa. Những sự kiện của giai đoạn yếu kém này có thể được khái quát như sau: bị chia cắt bởi các cường quốc Châu Âu; cuộc cách mạng năm 1911 và những hỗn loạn thời kỳ hậu cách mạng; xung đột quân sự kéo dài với Nhật Bản; nội chiến; và cuối cùng, là cuộc cách mạng Cộng sản năm 1949 đã dẫn đến sự chia cắt của đất nước Trung Quốc và cuộc xung đột tại eo biển Đài Loan. Mặc dù quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc đã được bình thường hóa năm 1972, nhưng Mỹ vẫn không coi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một cường quốc trên thế giới cho đến tận những năm 1990, khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu bước vào kỷ nguyên phát triển thần kỳ.
Vì vậy, nếu so sánh cách đánh giá của Mỹ về Trung quốc với cách nhìn nhận của các nước Đông Á, có thể thấy rằng tồn tại sự cách biệt giữa lý thuyết và kinh nghiệm thực tế. Hiển nhiên, Mỹ có thể rất am hiểu về lịch sử Trung Quốc; nhưng khác với các quốc gia Đông Á, họ đã không có mặt ở đây để chứng kiến sự suy yếu của triều Thanh ngay từ những ngày đầu. Như vậy, Mỹ đã trở nên quen với việc nhìn Trung Quốc như một nước yếu. Theo đó, ý tưởng về một nước Trung Quốc là cường quốc kinh tế - chính trị trên thế giới dường như gây hoang mang đối với Mỹ. Điều này giải thích tại sao Mỹ lại rất chậm chạp trong việc đưa ra một chiến lược Trung Quốc toàn diện. Nhưng chính thời điểm hiện nay – hơn hai mươi năm sau sự sụp đổ của Liên Xô là lúc Mỹ phải hợp tác với cả Nhật Bản và Trung Quốc để xây dựng một cấu trúc an ninh mới tại Đông Á. Cấu trúc đó sẽ đóng góp cho nền an ninh và ổn định không chỉ của Đông Á mà còn của cả cộng quốc quốc tế nói chung.
Những quan điểm lịch sử về mối quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản
Trong phần lớn lịch sử của mình, Trung Quốc là một nước lớn và có ảnh hưởng ở Châu Á. Bắt đầu từ triều đại Tần (221 – 207 trước Công nguyên), Trung Quốc đã là một nước thiên triều bảo đảm an ninh cho những nước láng giềng, đổi lại các nước phải chịu triều cống. Dĩ nhiên, có thể lập luận rằng đã xảy ra rất nhiều căng thẳng và xung đột giữa Trung Quốc và những nước chư hầu qua quãng thời gian dài đến tận thế kỷ 19. Tuy nhiên, khó có thể bác bỏ sự thật rằng các quốc gia Châu Á đã coi Trung Quốc như một nước bá quyền từ rất nhiều năm.
Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia không trở thành chư hầu của Trung Quốc. Là một quốc đảo, Nhật Bản đã có thể tránh được cuộc xâm lược lớn của những cường quốc bên ngoài. Tất nhiên, sự hiện diện của một người láng giềng đầy quyền lực như Trung Quốc đã trở thành mối quan tâm của nhà lãnh đạo chính trị Nhật Bản thậm chí từ xa xưa. Hơn nữa, đã có những xung đột căng thẳng giữa hai nước trong thời kỳ tiền Minh Trị. Những cuộc xung đột này phần lớn diễn ra trên bán đảo Triều Tiên.
Những cuộc tranh chấp chính cần được điểm lại một cách chi tiết hơn. Vào năm 663, vương quốc Bách Tế (Pakche) tại Nam Triều Tiên đang trên đà sụp đổ đã thỉnh cầu sự hỗ trợ của lực lượng Nhật Bản nhằm hậu thuẫn họ chống lại liên quân của vưong triều Triều Tiên Tân La (Silla) và nhà Đường Trung Quốc (618 – 906). Mục đích của Nhật Bản khi tham chiến ở nước ngoài là nhằm thiết lập nên một vương quốc hữu hảo tại phần phía nam bán đảo Triều Tiên. Vương quốc này sẽ đóng vai trò như một vành đai đệm giữa Nhật Bản và Tân La – vương quốc chư hầu của nhà Đường, và xa hơn nữa là giữa Nhật Bản với triều Đường. Quân Nhật Bản đã bị đánh bại nặng nề trong cuộc chiến này, còn lực lượng tàn dư chạy về Nhật Bản một cách khó khăn. Cuộc bại trận đã khơi dậy nhận thức lâu dài về sự yếu kém trong quân sự cũng như mối lo về an ninh quốc gia tại Nhật Bản trước triều đại Đường. Nước Nhật đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm củng cố bờ biển phía tây Nhật Bản. Họ cũng thiết lập hệ thống lính đồn trú biên phòng (sakimori) để tăng cường hàng ngũ quân đội phòng khi nhà Đường dự định một cuộc xâm lược đánh trả Nhật Bản.
Cuộc khủng hoảng tiếp theo giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã diễn ra sau 600 năm. Vào thời điểm đó, Trung Quốc là đối tượng chịu sự cai trị của quân nước ngoài Mông Cổ dưới triều Nguyên (1215 – 1368). Quân Mông Cổ đã hai lần nỗ lực xâm lược Nhật Bản vào năm 1274 và năm 1281. Mông Cổ đã thôn tính hầu hết lục địa châu Âu, vì thế họ đã tìm cách tạo áp lực buộc Nhật Bản cống nạp cho nhà Nguyên. Mạc phủ Nhật (shogunate) đã hiên ngang khước từ đề nghị mang tính sỉ nhục này. Sau đó, Mông Cổ đã mở cuộc tấn công đánh Nhật Bản trong liên quân với một vài lực lượng Triều Tiên. Tận dụng ưu thế về vũ khí và binh pháp, họ đã đánh chiếm thành công các đảo của Nhật Bản trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, bao gồm đảo Tsushima và Iki cũng như khu vực bờ biển phía bắc Kyushyu. Tuy nhiên, khi họ tiếp tục kéo dài cuộc chiến, thì động lực ban đầu không còn nữa. Quân Nhật, mặc dù chỉ có vũ khí và chiến thuật lạc hậu, nhưng đã có thể ngăn chặn cuộc tấn công xâm lược và tạo ra thế giằng co. Trong lúc này, một cơn bão mạnh đã ập đến lực lượng viễn chinh tại những vùng biển ven bờ. Lực lượng nhà Nguyên bị quét sạch gần như trong tích tắc.
Điều trớ trêu là gần như một điều tương tự đã lập lại trong nỗ lực xâm lược lần thứ hai của Mông Cổ vào năm 1281. Do đó, trong ký ức của người Nhật, cuộc xâm lược của Mông Cổ đã được gắn liền với “thần phong (kamikaze)” hoặc cơn gió thần. Dĩ nhiên, điều quan trọng hơn nhiều chính là việc Trung Quốc đã đặt ra một thách thức an ninh cho nước Nhật.
Chương cuối trong cuộc xung đột Trung Quốc – Nhật Bản trong thời cận đại diễn ra trên bản đảo Triều Tiên từ năm 1592 đến 1598. Trong lần này, Nhật Bản là nước gây chiến. Hoàng đế Hideyoshi Toyotomi, người đã chiến thắng trong thời kỳ nội chiến kéo dài, sau đó đã đưa lực lượng chiến đấu hùng hậu đến bán đảo Triều Tiên hai lần. Ý định của ông là biến bán đảo Triều Tiên thành bàn đạp lớn nhằm chinh phục triều Minh của Trung Quốc (1368 – 1644). Sau nhiều lần tiến quân và rút lui, trận chiến rơi vào thế bế tắc. Khi Hideyoshi chết vào năm 1598, liên quân của lực lượng tướng quân Lý ở Triều Tiên và nhà Minh Trung Quốc tận dụng thời cơ và quân Nhật Bản đã bị đẩy lùi. Một lần nữa, Nhật Bản học được bài học cay đắng nhưng quan trọng rằng: trong quan hệ với Trung Quốc, họ cần sử dụng con đường ngoại giao cẩn trọng hơn là chiến tranh. Triều đại Mạc phủ Tokugawa (1603 – 1867) tiếp nối Hideyoshi vì thế đã duy trì mối quan hệ ổn định và tốt đẹp trước tiên với nhà Minh và sau đó là nhà Thanh (1644 – 1911). Trên thực tế, cùng với Hà Lan, Trung Quốc là “cánh cửa” duy nhất nối với thế giới của Nhật Bản trong suốt thời kỳ bế quan tỏa cảng, tự cung tự cấp từ năm 1639 đến 1858.
Tuy nhiên, sẽ thiếu chính xác nếu nhìn nhận quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản chỉ qua lăng kính của chiến tranh và ngoại giao. Về văn hóa, Nhật Bản đã hấp thụ rất nhiều từ các triều đại Trung Hoa. Về thương mại, Con đường Tơ lụa tạo ra cho Nhật Bản sự thông thương duy nhất với nguồn hàng hóa từ phương Tây. Có thể nói rằng, thậm chí trong thời hiện đại của thời kỳ Minh Trị và hậu Minh Trị, các sĩ quan quân đội Nhật được kỳ vọng thành thạo không chỉ về lý thuyết quân đội của phương Tây, mà còn về những giáo huấn của các tác giả kinh điển Trung Quốc như Khổng Tử, Lão Tử và Tôn Tử.
Dĩ nhiên, quá trình hiện đại hóa đã thay đổi cơ bản chiều hướng vận động trong quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản. Nhật Bản nổi lên như một cường quốc khu vực, trong khi đó triều đại Mãn Thanh lại suy tàn. Bước ngoặt quan trọng có lẽ là cuộc Chiến tranh Trung – Nhật (1894 – 1895). Khoảng thời gian kéo dài từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 có thể được mô tả là một thời kỳ mà “luật rừng” chi phối trong quan hệ quốc tế. Chủ nghĩa đế quốc đã kích động cho chính sách quốc tế của tất cả các nước lớn trong giai đoạn này. Sự thua cuộc của Nhật Bản trước Mỹ tại Trung Quốc một lần nữa mang đến những bài học quý báu. Thất bại trong Chiến tranh thế giới II đã gây ra sự mất tự tin đáng kể của những người Nhật do những điều họ đã làm trong quá khứ.
Thậm chí sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc vào cuối những năm 1980, gần nửa thế kỷ sau sự chấm dứt của Chiến tranh thế giới II, Nhật Bản vẫn không thể vượt qua sự rối loạn tâm lý, điều mà có thể được xem như di sản của những năm 1930 và 1940. Chiến lược của Nhật Bản đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện nay vẫn bị tác động bởi sự hoang mang này. Đây là một trong những lý do vì sao Nhật không thể đưa ra một chính sách toàn diện và thống nhất đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Yoji Koda, Trung tâm Châu Á, Đại học Harvard
Bản gốc tiếng Anh “Commentary: A Japanese Perspective on China’s Rise as a Naval Power” tạp chí Harvard Asia Quarterly chủ đề “The Disputed Sea – Maritime Security in East Asia” tháng 12/2010.
Người dịch: Nguyễn Phương Ly
Hiệu đính: Đỗ Thị Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét