Vương Tập Tư, Foreign Affairs, số tháng Ba/tháng Tư 2011
Trần Ngọc Cư dịch
Vương Tập Tư (Wang Jisi) sinh năm 1948 tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, được đào tạo tại Đại học Bắc Kinh, hiện là hiệu trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc phòng của Quân Giải phóng Nhân dân, chủ tịch Hội Nghiên cứu Hoa Kỳ của Trung Quốc, và cũng là hội viên của nhiều tổ chức nghiên cứu châu Á tại Mỹ… Bài tiểu luận sau đây của ông được đăng trên Foreign Affairs, một tạp chí của Viện Nghiên cứu chính sách Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), một tổ chức nghiên cứu các xu thế chính trị toàn cầu và thường đóng góp ý kiến về chính sách đối ngoại của Mỹ. Bài tiểu luận này chủ yếu đề xuất một đại chiến lược (grand strategy) cho Trung Quốc và gợi ý một định nghĩa mới về “những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Ý kiến của chúng tôi là, trong quan hệ giữa các đại cường, họ thường có một lối ứng xử trượng phu đối với nhau hơn là đối với các nước nhược tiểu. Những ý kiến của Vương Tập Tư nghe ra rất tiến bộ và thuận tai người phương Tây. Nhưng từ kinh nghiệm lịch sử, với người anh cả Trung Quốc bên cạnh, người Việt Nam chúng ta chỉ ngủ được một mắt mà thôi. Anh Hoàng |
Đại chiến lược (grand strategy) của bất cứ một quốc gia nào cũng phải trả lời ít nhất ba câu hỏi: Lợi ích cốt lõi của quốc gia là gì? Những thế lực nước ngoài nào đe dọa những lợi ích đó? Và giới lãnh đạo quốc gia phải làm gì để bảo vệ chúng? Liệu Trung Quốc (TQ) ngày nay có một chiến lược như thế hay chưa, đây là một đề tài còn phải tranh cãi. Một mặt, trên gần ba thập kỷ vừa qua, chính sách đối ngoại và quốc phòng của TQ là rất phù hợp và được phối hợp khá tốt với những ưu tiên trong nước. Mặt khác, chính phủ TQ chưa hề tiết lộ bất cứ một văn kiện nào nhằm trình bày những mục tiêu chiến lược của quốc gia và đường lối thực hiện chúng. Đối với cả những nhà phân tích chính sách tại TQ lẫn những nhà quan sát tình hình TQ ở nước ngoài, đại chiến lược của TQ là một cánh đồng còn phải cày xới.
Trong những năm gần đây, quyền lực và ảnh hưởng của TQ, so với quyền lực và ảnh hưởng của các cường quốc khác, đã gia tăng thậm chí vượt ra ngoài dự kiến của chính các nhà lãnh đạo TQ. Dựa vào thế đi lên của đất nước, những hành vi của TQ trên trường quốc tế đã trở nên ngày càng quyết đoán hơn, như được biểu lộ trong những phản ứng mạnh mẽ của TQ đối với một chuỗi biến cố trong năm 2010: chẳng hạn, việc Washington quyết định bán vũ khí cho Đài Loan, những cuộc thao diễn quân sự Mỹ-Hàn trên Hoàng Hải, và việc Nhật Bản bắt giữ một thủy thủ của TQ được tìm thấy trong vùng biển tranh chấp. Đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần phải tìm hiểu tư duy chiến lược của TQ và cố gắng tiên đoán nó có khả năng phát triển như thế nào theo lợi ích của TQ và viễn kiến của giới lãnh đạo nước này.
THÙ TRONG GIẶC NGOÀI
Một điểm độc đáo trong ý thức lịch sử của giới lãnh đạo TQ là tính nhạy cảm thường trực của họ đối với tình trạng hỗn loạn trong nước do những hiểm họa từ ngoài tạo ra. Từ thời xa xưa, các chế độ cai trị đương thời thường bị lật đổ do sự kết hợp giữa nội loạn và ngoại xâm. Vương triều nhà Minh sụp đổ năm 1644 sau khi nông dân nổi loạn chiếm được Bắc Kinh và người Mãn Châu, với sự thông đồng của các tướng nhà Minh, đã từ phương Bắc tràn vào. Chừng ba thế kỷ sau, chính vương triều nhà Thanh của người Mãn Châu cũng sụp đổ sau một loạt nội loạn xảy ra đồng thời với các cuộc xâm lược của các lực lượng phương Tây và Nhật Bản. Ngày tàn của chế độ Quốc Dân Đảng và sự thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 được thể hiện do một cuộc cách mạng nội địa được Liên Xô và phong trào cộng sản quốc tế khuyến khích và sau đó yểm trợ.
Từ đó trở đi, những lo lắng về nội loạn luôn ám ảnh giới lãnh đạo TQ. Dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, từ năm 1949 đến 1976, Chính phủ TQ không bao giờ chính thức sử dụng quan niệm “lợi ích quốc gia” để mô tả những mục tiêu chiến lược của mình, nhưng những chiến lược quốc tế của TQ rõ ràng được chi phối bởi những lợi ích chính trị và quân sự – và bản thân những lợi ích này lại được đóng khung trong những nguyên tắc ý thức hệ như “chủ nghĩa quốc tế vô sản”. Tư duy chiến lược thời đó tuân theo truyền thống Lê-nin-nit là chia thế giới ra nhiều phe chính trị (political camps): kẻ thù không đội trời chung, kẻ thù thứ yếu, đồng minh tiềm tàng, các lực lượng cách mạng. Lý thuyết “ba thế giới” của Mao chỉ rõ Liên Xô và Mỹ là những hiểm họa chính của TQ từ ngoài vào, với những hiểm họa nội bộ tương ứng đến từ “bọn xét lại” thân Liên Xô và “kẻ thù giai cấp” thân Mỹ. Sinh hoạt chính trị tại TQ trong những năm đó mang tính cách những cuộc tranh đấu lặp đi lặp lại chống các âm mưu quốc tế và quốc nội nhằm lật đổ giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hoặc thay đổi màu sắc chính trị của nó. Tuy nhiên, vì chính sách đối ngoại của Mao trên lý thuyết tiêu biểu cho lợi ích của “giai cấp vô sản quốc tế” hơn là lợi ích của chính TQ, và vì TQ bị cô lập với phần lớn thế giới về mặt kinh tế và xã hội, nên Bắc Kinh không có một đại chiến lược toàn diện để nói đến.
Rồi đến thập niên 1980 và Đặng Tiểu Bình. Khi TQ phát động cải tổ và mở cửa, ĐCSTQ lấy phát triển kinh tế làm ưu tiên hàng đầu. Tư duy về chính sách đối ngoại của họ Đặng khác biệt rõ rệt với tư duy của họ Mao. Theo đó, một cuộc chiến tranh rộng lớn với Liên Xô hay với Mỹ không còn được xem là tất yếu. TQ đã thực hiện nhiều nỗ lực để phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhiều quốc gia khắp thế giới, bất chấp khuynh hướng chính trị hay ý thức hệ; TQ lý luận rằng một lập trường hòa hoãn, không đối đầu, sẽ thu hút đầu tư nước ngoài vào TQ và tăng cường mậu dịch. Một môi trường quốc tế hòa bình, một vị trí tốt đẹp hơn cho TQ trên trường quốc tế, và việc TQ liên tục hội nhập vào trật tự kinh tế đương thời cũng sẽ giúp củng cố quyền lực cho ĐCSTQ ở trong nước.
Nhưng ngay cả khi các lợi ích kinh tế trở nên động lực chính cho hành vi của TQ trên trường quốc tế, những quan tâm an ninh truyền thống và nhu cầu đề phòng sự can thiệp của phương Tây vào chính trị nội bộ TQ vẫn còn quan trọng. Nổi bật nhất là, vụ việc Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và, tiếp sau đó, biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Bắc Kinh luôn luôn nhắc nhở báo động cho các nhà lãnh đạo TQ nhớ rằng những rắc rối từ bên trong và từ bên ngoài có thể dễ dàng kết hợp với nhau. Trong thập kỷ tiếp theo, Bắc Kinh đã trả lời sự khiển trách của phương Tây bằng cách tranh luận rằng chủ quyền của một quốc gia phải vượt lên trên nhân quyền. Bắc Kinh cương quyết không chịu xét đến việc theo đuổi những định chế dân chủ phương Tây và nhấn mạnh rằng TQ sẽ không bao giờ từ bỏ việc chọn con đường sử dụng vũ lực nếu Đài Loan cố tìm cách ly khai để trở thành một quốc gia độc lập.
Tuy nhiên, mặc dù có những mối quan tâm nói trên, vào đầu thế kỷ XXI, các nhà tư tưởng chiến lược TQ lại mô tả một tình hình quốc tế nói chung là thuận lợi. Trong bản báo cáo năm 2002 đọc trước Đại hội Toàn quốc ĐCSTQ, Tổng bí thư Giang Trạch Dân đã tiên đoán một “thời kỳ 20 năm sắp tới đầy thời cơ chiến lược”, trong đó TQ có thể tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trong nước. Từ bấy đến nay, bất ổn xã hội đã nhiều lần bộc phát – chẳng hạn những vụ bạo loạn tại Tây Tạng vào tháng Ba 2008 và tại Tân Cương vào tháng Bảy 2009, những biến cố mà Chính phủ trung ương đổ lỗi cho “các thế lực thù địch nước ngoài” và đã phản ứng bằng những đòn giáng trả nặng nề. Và Bắc Kinh cho rằng việc trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, một nhà tranh đấu chính trị mà Bắc Kinh coi là một “kẻ tội phạm âm mưu phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa”, một lần nữa chứng minh “các ác ý” của phương Tây. Tuy nhiên, chỉ thỉnh thoảng Chính phủ TQ mới bị giao động bởi những biến cố như vậy, nhưng việc này đã cho phép Chính phủ có dịp tập trung vào nỗ lực sửa đổi các bất quân bình trong nước và sự thiếu bền vững trong phát triển.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, trong những năm gần đây Bắc Kinh đã hình thành một chính sách phát triển kinh tế và xã hội mới mẻ nhằm tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đồng thời nhấn mạnh việc điều hành quốc gia tốt, cải thiện mạng lưới an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, khuyến khích sáng kiến độc lập, giảm bớt căng thẳng xã hội, kiện toàn hệ thống tài chính, và kích thích mức tiêu thụ trong nước. Trong khi hàng xuất khẩu TQ bị suy giảm nặng do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kể từ năm 2008, yêu cầu về những chuyển đổi kinh tế và xã hội như thế đã trở nên bức thiết hơn.
Với tư duy này, lãnh đạo TQ đã tái định nghĩa mục đích của chính sách đối ngoại. Như Hồ Cẩm Đào công bố vào tháng Bảy 2009, chính sách ngoại giao của TQ phải “bảo đảm các lợi ích gồm có chủ quyền, an ninh, và phát triển”. Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện đặc trách quan hệ đối ngoại, còn định nghĩa rõ thêm những lợi ích cốt lõi đó trong một bài báo vào tháng Chạp vừa qua: một là, ổn định chính trị của TQ, nghĩa là sự ổn định của ĐCSTQ và của chế độ xã hội chủ nghĩa; hai là, an ninh chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và thống nhất đất nước; và ba là, phát triển kinh tế và xã hội bền vững.
Ngoài vấn đề Đài Loan, mà TQ coi là một phần không thể thiếu của lãnh thổ TQ, chính phủ TQ chưa bao giờ công khai xác định bất cứ một vấn đề nào trong chính sách đối ngoại là một trong những lợi ích cốt lõi của quốc gia. Năm ngoái, có tin cho biết một số bình luận gia TQ gọi Biển Nam Trung Hoa và Bắc Hàn là lợi ích cốt lõi, nhưng những tuyên bố thiếu thận trọng này, đưa ra mà không có sự cho phép chính thức, đã tạo nên nhiều hoang mang. Thật ra, đối với chính quyền trung ương, chủ quyền, an ninh, và phát triển tất cả vẫn là mục tiêu chính của TQ. Bao lâu mà không một mối nguy nghiêm trọng nào – chẳng hạn, việc Đài Loan chính thức ly khai – đe dọa quyền lãnh đạo của ĐCSTQ hay sự thống nhất đất nước, Bắc Kinh vẫn còn phải tập trung vào việc phát triển kinh tế và xã hội của TQ, bao gồm trong chính sách đối ngoại.
NGUYÊN TẮC CỦA NGUYÊN TẮC
Việc phải xác định một nguyên tắc tổ chức để hướng dẫn chính sách đối ngoại của TQ được nhiều người trong giới làm chính sách và cộng đồng học giả TQ, cũng như các nhà phân tích quốc tế, nhìn nhận là cần thiết. Tuy nhiên, định nghĩa các lợi ích cốt lõi của TQ theo ba gọng kềm gồm có chủ quyền, an ninh, và phát triển, vốn là những lợi ích đôi khi xung khắc nhau, có nghĩa là gần như không thể vạch ra một nguyên tắc chỉ đạo thẳng thắn và dễ hiểu. Vả lại, nhiều quan điểm khác nhau trong giới chính trị chóp bu TQ đang tạo nhiều rắc rối cho các nỗ lực hoạch định bất cứ một đại chiến lược nào đặt cơ sở trên sự đồng thuận chính trị.
Một đề xuất thịnh hành lâu nay là phải tập trung mũi dùi vào Mỹ và coi cường quốc này như mối đe dọa chính đối với TQ. Những người chủ trương quan điểm này thường trích dẫn Mạnh Tử, một triết gia cổ đại TQ, người đã nói: “Một nước mà không có thù địch hay đe dọa từ bên ngoài chắc chắn sẽ bị diệt vong”. Nói thế khác, họ đã đảo ngược lý luận của nhà nghiên cứu chính trị Samuel Huntington, rằng “kẻ thù lý tưởng của Mỹ sẽ là một thế lực xung khắc về ý thức hệ, dị biệt chủng tộc và văn hóa, và có quân lực đủ mạnh để tạo một đe dọa khả tín đối với an ninh của Mỹ”, và họ gán cho Mỹ cái vai trò kẻ thù lý tưởng của TQ. Quan niệm này đặt cơ sở trên sự tin tưởng lâu dài là Mỹ, cùng với các cường quốc phương Tây khác và Nhật Bản, có thái độ thù nghịch đối với ý hệ chính trị của TQ và muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của quốc gia này bằng cách hậu thuẫn Đài Loan ly khai với lục địa. Những người đề xướng quan điểm này cũng dẫn chứng bằng cách nêu ra mối thiện cảm mà các chính trị gia Mỹ dành cho Đạt lai Lạt ma và các thành phần Duy Ngô Nhĩ đòi ly khai, việc Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, các liên minh và dàn xếp quân sự của Mỹ mà họ cho là được thiết kế để bao vây lục địa Trung Hoa, những xung đột tiền tệ và mậu dịch do doanh nghiệp Mỹ và Quốc Hội Mỹ gây ra, và luận điệu của phương Tây đòi hỏi TQ phải giảm bớt tốc độ tăng trưởng kinh tế để giúp họ chặn đứng nạn thay đổi khí hậu.
Quan điểm này được phản ánh trên nhiều tờ báo và nhiều trang mạng tại TQ (nhất là những tạp chí về các vấn đề quân sự và an ninh chính trị). Những người đề xướng quan điểm này lý luận rằng đường lối đối ngoại hiện tại của TQ là quá mềm yếu; đường lối ăn-miếng-trả-miếng của Mao được đề cao là một mô hình thích hợp hơn. Do đó, quan điểm này cho rằng TQ phải cố gắng tìm đồng minh chiến lược ở các nước tỏ ra dám thách đố với phương Tây, như Iran, Bắc Hàn, và Nga. Một số người theo quan điểm này còn đề nghị Bắc Kinh sử dụng các tài sản bằng công khố phiếu Mỹ như một công cụ phục vụ chính sách: TQ sẵn sàng bán tháo chúng đi nếu Chính phủ Mỹ có hành động xâm phạm lợi ích của TQ.
Đề xuất này là sai lầm từ cơ bản, vì mặc dù Mỹ thực sự đặt ra một số thử thách chiến lược và an ninh cho TQ, nhưng xây dựng một đại chiến lược dựa vào quan điểm cho rằng Mỹ là đối thủ chính của TQ là thiếu thực tế và nguy hiểm. Rất ít quốc gia, nếu có, chịu đứng cùng TQ trong một liên minh chống Mỹ. Trở thành thù địch với một đối tác thương mại lớn nhất của TQ và là cường quốc kinh tế và quân sự mạnh nhất thế giới sẽ làm cho việc phát triển kinh tế của TQ đình trệ nghiêm trọng. May thay, giới lãnh đạo TQ sẽ không thi hành một chiến lược như thế. Thủ tướng Ôn Gia Bảo không phải chỉ tỏ ra ngoại giao vào năm ngoái khi ông nói đến TQ và Mỹ rằng “lợi ích chung của chúng ta đã vượt xa những dị biệt của chúng ta”.
Ý thức được điều này, một trường phái tư tưởng khác lại ngả theo lời dạy “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình, hay giữ một hình bóng lu mờ trong các vấn đề quốc tế. Những thành phần của nhóm này, gồm cả những nhân vật chính trị có tên tuổi, như Đường Gia Triền (Tang Jiaxuan), cựu Bộ trưởng Ngoại giao, và Tướng Hùng Quang Giai (Xiong Guangkai) cựu Tham mưu phó Quân Giải phóng Nhân dân, lý luận rằng vì TQ vẫn còn là một nước đang phát triển, nên cần phải tập trung vào phát triển kinh tế. Không nhất thiết bác bỏ luận điệu cho rằng phương Tây, nhất là Mỹ, là một mối đe dọa trường kỳ đối với TQ, họ tranh luận rằng tạm thời TQ chưa đủ sức thách thức ưu thế của phương Tây – và một số người trong nhóm này thậm chí còn khuyên không nên vội vàng kết luận là phương Tây đang bị suy yếu. Trong khi đó, họ lý luận, việc duy trì một hình ảnh khiêm nhường trong những thập kỷ đến sẽ cho phép TQ tập trung vào các ưu tiên trong nước.
Mặc dù quan điểm này được quốc tế hoan nghênh hơn quan điểm trước, nhưng nó cũng gợi lên một số lo ngại. Những người đi theo đường lối này đã chịu khó giải thích rằng “thao quang dưỡng hối”, một châm ngôn đôi khi bị dịch sai là “che giấu khả năng của mình để chờ thời cơ”, không phải là một chiêu bài có tính toán nhằm kêu gọi một sự hòa hoãn tạm thời cho đến khi nào TQ có đủ sức mạnh vật chất và đủ tự tin để theo đuổi nghị trình được che giấu của mình. Ở trong nước, đường lối giữ một hình ảnh khiêm nhường này dễ bị quy kết là quá mềm yếu, nhất là khi những vấn đề an ninh trở nên gay gắt. Vì tinh thần dân tộc chủ nghĩa hiện dâng cao tại TQ, một số dân chúng đang đòi hỏi chính phủ phải có một chính sách đối ngoại mạnh dạn hơn. Những kẻ chống đối khuynh hướng “thao quang dưỡng hối” còn tranh luận rằng cái ý niệm mà Đặng Tiểu Bình đưa ra hơn 20 năm trước có thể không còn thích hợp nữa vì bây giờ TQ đã hùng mạnh hơn nhiều.
Một số nhà chiến lược sâu sắc lại nhận thức rằng cho dù việc giữ một hình ảnh khiêm nhường có thể phục vụ tốt các quan hệ chính trị và an ninh với Mỹ, nhưng đường lối này không thể áp dụng cho quan hệ của TQ với nhiều nước khác hoặc cho các vấn đề kinh tế và những vấn đề an ninh phi-truyền thống (nontraditional security issues) đã trở nên bức thiết trong những năm gần đây, như thay đổi khí hậu, y tế, và an ninh năng lượng. (Bắc Kinh không thể giữ một hình ảnh lu mờ khi chính quyền này đã tích cực tham gia những cơ chế như BRIC, một nhóm không chính thức gồm có Brazil, Nga, Ấn Độ, TQ, và thành viên mới là Nam Phi.) Một chính sách đối ngoại chỉ đòi TQ phải giữ hình ảnh khiêm nhường sẽ không thể đối phó hữu hiệu những thách thức đa diện mà đất nước đang gặp phải ngày nay.
CẦN PHẢI QUAN TÂM CÁC VẤN ĐỀ TRONG NƯỚC
TQ cần phải có một đại chiến lược tinh vi hơn để phục vụ các ưu tiên trong nước. Chính phủ chưa đưa ra một tuyên bố chính thức nào bằng văn bản nhằm phát họa một viễn kiến như thế, nhưng người ta có thể rút tỉa một đường hướng nào đó từ các ý niệm như một “nhãn quan khoa khọc về phát triển” và “xây dựng một xã hội hài hòa”; những ý niệm này được Hồ Cẩm Đào tuyên bố và được ghi lại trong các văn kiện quan trọng của ĐCSTQ kể từ năm 2003. Năm 2006, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ công bố rằng chính sách đối ngoại TQ “phải duy trì việc xây dựng kinh tế như là nhiệm vụ trung tâm, phải gắn liền với công việc trong nước, và phải được xúc tiến bằng cách phối hợp tình hình trong nước và tình hình quốc tế.” Ngoài ra, bốn chuyển biến đang diễn ra trong tư duy chiến lược TQ có thể đề xuất những nền tảng cho một đại chiến lược mới.
Chuyển biến thứ nhất là việc Chính phủ TQ đã có một nhận thức toàn diện về vấn đề an ninh, một nhận thức kết hợp các quan tâm kinh tế và phi-truyền thống (economic and nontraditional concerns) với các lợi ích quân sự và chính trị truyền thống. Những nhà lập kế hoạch quân sự TQ bắt đầu xét đến các vấn đề xuyên quốc gia như nạn khủng bố và hải tặc, cũng như các hoạt động hợp tác như tham dự vào các chiến dịch gìn giữ hoà bình của LHQ. Tương tự như thế, rõ ràng là TQ cũng phải tham gia với các nước khác trong việc bình ổn thị trường tài chính toàn cầu nhằm bảo vệ an ninh kinh tế của chính mình. Tất cả những điều này có nghĩa là không thể nào phân biệt ai là thù ai là bạn của TQ. Mặc dù Mỹ có thể đặt ra nhiều đe dọa chính trị và quân sự cho TQ, và Nhật Bản, một đồng minh trung kiên của Mỹ, có thể là một đối thủ địa chính trị của TQ, nhưng hai quốc gia này cũng là hai trong những đối tác kinh tế lớn nhất của TQ. Mặc dù những khó khăn chính trị có vẻ gia tăng với Liên minh châu Âu, nhưng liên minh này vẫn là đối tác kinh tế hàng đầu của TQ. Nga, một quốc gia mà nhiều người TQ cho là có tiềm năng trở thành một đồng minh trong lãnh vực an ninh, lại kém quan trọng về mặt kinh tế và xã hội đối với TQ hơn cả Nam Hàn, một đồng minh quân sự khác của Mỹ. Về phần mình, Bắc Kinh phải chịu khó có nỗ lực hạn chế các căng thẳng giữa những quan điểm chính trị-quân sự truyền thống và các lợi ích kinh tế-xã hội ngày càng gia tăng của TQ – những nỗ lực này thực sự có nghĩa là hòa giải những di sản dị biệt của họ Mao và họ Đặng. Điều tốt đẹp nhất mà Bắc Kinh có thể làm là tăng cường quan hệ kinh tế với các đại cường đồng thời giảm đến mức tối thiểu khả năng đối đầu quân sự và chính trị với họ.
Một chuyển biến thứ hai đang diễn ra trong chính sách ngoại giao TQ: giảm bớt quan hệ song phương với từng quốc gia (country-oriented), tăng cường các quan hệ đa phương và hướng tới giải quyết các vấn đề quốc tế (issue-oriented). Sự chuyển hướng tập trung vào các chức năng – chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, tái thiết hậu-thiên tai – đã phức tạp hóa các quan hệ song phương của TQ, bất chấp mức độ thân thiện của các quốc gia khác đối với TQ. Chẳng hạn, mặc dù những lợi ích địa chiến lược xung khắc và các cuộc tranh chấp lãnh thổ đã tồn tại lâu đời giữa TQ và Ấn Độ, nhưng những lợi ích chung của hai nước trong việc chống lại sức ép của phương Tây về việc giảm khí thải các-bon đã kéo họ xích lại gần nhau hơn trước. Và hiện nay mặc dù Iran đã trở thành một nước cung cấp dầu lửa chính cho TQ, nhưng những vấn đề mà Iran gặp phải với phương Tây về chương trình hạt nhân hiện lại thử thách lời cam kết công khai của TQ đối với qui chế cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.
Những thay đổi trong phương thức phát triển kinh tế của TQ đưa đến chuyển biến thứ ba trong tư duy chiến lược TQ. Mối bận tâm của Bắc Kinh về tăng trưởng GDP đang dần dần nhường bước cho những bận tâm về hiệu năng kinh tế, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, tạo ra một mạng lưới an toàn xã hội, và canh tân công nghệ. Nhận thức của Bắc Kinh về lợi ích cốt lõi của sự phát triển đang được nới rộng để bao gồm những chiều hướng xã hội. Tương ứng với chuyển biến này, lãnh đạo TQ đã quyết định phải cố gắng duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao bằng cách đẩy mạnh sức tiêu thụ trong nước và, qua dài hạn, giảm bớt sự lệ thuộc của TQ vào hàng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Hiện nay lãnh đạo TQ tỏ ra quan tâm hơn về những bất quân bình kinh tế và những giao động tài chính toàn cầu, nhất là vào lúc những va chạm kinh tế quốc tế đang trở nên gay gắt vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những lợi ích dài hạn của TQ sẽ đòi hỏi quốc gia này dần dần tăng giá đồng Nguyên đến một mức nào đó. Nhưng vì TQ muốn gia tăng lượng hàng xuất khẩu trong ngắn hạn, nên các nhà làm quyết sách TQ không thể sử dụng những biện pháp nhanh chóng như Mỹ và nhiều nước khác mong muốn. Chỉ có việc gia tăng mức tiêu thụ trong nước và việc tiếp tục mở rộng các thị trường vốn của TQ mới có thể giúp quốc gia này thoát khỏi những sức ép quốc tế vừa nói.
Chuyển biến thứ tư có liên quan đến các giá trị văn hóa-chính trị TQ. Từ trước đến nay, các quan chức TQ thường nói rằng mặc dù TQ đi theo một hệ thống chính trị và ý thức hệ riêng biệt, nhưng TQ vẫn có thể hợp tác với các quốc gia khác căn cứ trên những lợi ích chung (shared interests) – mặc dù, họ có ý nói là, không căn cứ trên các giá trị chung (shared values). Nhưng bây giờ vì họ rất muốn tăng cường điều mà họ gọi “quyền lực mềm văn hóa của quốc gia” và cải thiện hình ảnh của TQ trên trường quốc tế, TQ tỏ ra cũng cần tìm kiếm các giá trị chung trong môi trường chính trị toàn cầu, như việc điều hành quốc gia tốt đẹp (good governance) và tính minh bạch. Các thử thách và khó khăn đang diễn ra trong nước, như nạn tham nhũng tràn lan cùng với bất ổn sắc dân và xã hội ở một số vùng, cũng có thể thúc đẩy sự thay đổi các giá trị trong giới lãnh đạo chính trị TQ bằng cách chứng minh rằng việc nắm giữ quyền hành của họ và việc đất nước tiếp tục đi lên sẽ tùy thuộc nhiều hơn ở tính minh bạch và tinh thần trách nhiệm, cũng như tùy thuộc vào một sự cam kết mạnh mẽ hơn đối với chế độ pháp trị, dân chủ và nhân quyền, tức các giá trị được chia sẻ rộng rãi khắp thế giới hiện nay.
Tất cả bốn sự phát triển này đang diễn ra một cách ngập ngừng và không phải là không thể đảo ngược. Tuy nhiên, chúng đã để lộ những xu thế cơ bản có khả năng hình thành một đại chiến lược của TQ trong một tương lai có thể thấy trước. Khi Hồ Cẩm Đào và các nhà lãnh đạo khác kêu gọi “phối hợp tình hình trong nước với tình hình quốc tế”, họ muốn nói rằng những nỗ lực nhằm đáp ứng các thách đố quốc tế không được phép làm tổn thất các cải tổ trong nước. Và vì những thách đố từ bên ngoài hiện nay không những chỉ do các cường quốc nước ngoài – nhất là Mỹ và Nhật Bản – mà lại còn do các vấn đề chức năng (functional issues) ngày một gia tăng [các vấn đề như thay đổi khí hậu, tái thiết hậu-thiên tai, ND]. Muốn đối phó hữu hiệu với những vấn đề này, TQ phải cộng tác thân thiện với nhiều quốc gia khác và phải đề cao các giá trị chung.
Vì vậy, nếu Bắc Kinh đặt ra một nguyên tắc chỉ đạo cho chính sách đối ngoại của mình bằng cách xác định một quốc gia nào đó là hiểm họa chính và đòi hỏi phải ngăn chận nó, thì đó là một hành vi liều lĩnh – trừ phi Mỹ, hay bất cứ một đại cường nào khác, thực sự coi TQ là kẻ thù chính và vì thế buộc TQ phải phản ứng tương xứng. Nhưng mặt khác, nếu Bắc Kinh cố giữ một hình ảnh khiêm nhường như là yếu tố cần thiết của chính sách đối ngoại, thì cũng không đủ. Một đại chiến lược cũng cần xét đến các mục tiêu dài hạn khác nữa. Một mục tiêu dài hạn thu hút được một số người TQ hiện nay là ý kiến xây dựng TQ thành quốc gia hùng cường nhất thế giới: Lưu Minh Phúc (Liu Mingfu), một đại tá giảng dạy tại Đại học Quốc phòng thuộc Quân Giải phóng Nhân dân, đã tuyên bố rằng mục tiêu của TQ là phải thay thế Mỹ để làm cường quốc quân sự hàng đầu trên thế giới. Một ý kiến khác là phải biến TQ thành một mô hình phát triển (“Đồng thuận Bắc Kinh”) thay thế mô hình của Mỹ, có khả năng thách thức các hệ thống, các giá trị, và lãnh đạo phương Tây. Tuy nhiên, giới lãnh TQ không nuôi mộng biến TQ thành một bá quyền hay một ngọn cờ đầu. Đối diện với nhiều sức ép ngày càng gia tăng trên các mặt trận quốc nội cũng như quốc tế, lãnh đạo TQ tỏ ra tỉnh táo trong các mục tiêu của mình, dù là ngắn hạn hay dài hạn. Quan tâm chính của họ là làm sao bảo vệ ở mức tốt nhất các lợi ích cốt lõi của TQ – chủ quyền, an ninh, và phát triển – bằng cách chống lại một chuỗi đe dọa phức tạp mà TQ đang đối đầu hiện nay. Nếu có một nguyên tắc tổ chức nào cần được thiết lập để chỉ đạo cho một đại chiến lược của TQ, thì đó phải là cải thiện mức sống, an sinh xã hội, và hạnh phúc của người dân TQ qua công bằng xã hội.
KHAI SINH MỘT QUỐC GIA VĨ ĐẠI
Sau khi xác định các lợi ích cốt lõi của TQ và những sức ép bên ngoài đang đe dọa chúng, vấn đề còn lại là, làm thế nào để giới lãnh đạo TQ có thể bảo vệ lợi ích quốc gia, chống lại những đe dọa nói trên? Việc TQ tiếp tục thành công trong sự nghiệp hiện đại hóa kinh tế và nâng cao mức sống của người dân sẽ tùy thuộc rất nhiều vào sự ổn định toàn cầu. Như vậy, việc đóng góp cho một môi trường quốc tế hòa bình là nằm trong lợi ích của TQ. TQ có bổn phận tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các vấn đề chủ quyền và an ninh còn tồn đọng, kể cả các tranh chấp lãnh thổ gai góc giữa TQ và các nước láng giềng. Vì lãnh đạo hiện nay tại Đài Loan không còn tìm kiếm một nền độc lập chính thức đối với lục địa, Bắc Kinh tin tưởng hơn trước rằng hoà bình có thể được duy trì qua Eo biển Đài Loan. Nhưng Bắc Kinh còn cần phải đạt được một thỏa ước chính trị với Đài Bắc nhằm đề phòng những căng thẳng tái phát trong tương lai. Chính phủ TQ cũng cần tìm kiếm những phương cách hữu hiệu để ổn định tình hình ở Tây Tạng và Tân Cương, vì càng có nhiều bất ổn trong những vùng này thì càng có khả năng đưa đến các phản ứng từ các quốc gia khác.
Mặc dù đại đa số dân chúng TQ sẽ hậu thuẫn một quân lực TQ hùng mạnh hơn để bảo vệ các lợi ích quan trọng của đất nước, nhưng họ cũng phải nhìn nhận một tình trạng khó xử được đặt ra. Khi TQ xây dựng các khả năng quốc phòng, nhất là hải quân, TQ cần phải thuyết phục được các nước khác, kể cả Mỹ và các nước láng giềng tại châu Á, rằng TQ đang xét đến những mối lo ngại của họ. TQ sẽ phải làm cho các kế hoạch quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân có tính minh bạch hơn và bày tỏ thiện chí tham gia các nỗ lực thành lập các cơ cấu an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và bảo vệ các cơ chế an ninh toàn cầu hiện hữu. TQ cũng phải tiếp tục hợp tác với các quốc gia khác để ngăn cản không cho Iran và Bắc Hàn chế tạo vũ khí hạt nhân. An ninh quốc gia của TQ sẽ được phục vụ tốt nếu TQ chịu đóng góp nhiều hơn nữa cho nỗ lực của các quốc gia khác để tăng cường an ninh trong không gian xi-be (cyberspace) và không gian vũ trụ (outer space). Dĩ nhiên, điều này không loại trừ khả năng TQ có thể phải sử dụng vũ lực để bảo vệ chủ quyền hay an ninh quốc gia trong vài tình huống đặc biệt, chẳng hạn trong trường hợp bị tấn công khủng bố.
TQ đã cam kết tuân thủ hầu hết mọi cơ chế kinh tế toàn cầu hiện hữu. Nhưng TQ cần phải phải làm nhiều hơn nữa trước khi được nhìn nhận là một nền kinh tế thị trường thực thụ. TQ đã có tiếng nói ngày càng lớn tại các cơ cấu kinh tế toàn cầu, như Nhóm G-20, Ngân hàng Thế giới, và Quĩ Tiền tệ Quốc Tế (IMF). Bây giờ, TQ cần đưa ra các đề xuất chính sách cụ thể và thực hiện một số điều chỉnh để giúp tái quân bình nền kinh tế toàn cầu và xúc tiến các kế hoạch để thay đổi mô hình phát triển trong nước. Nếu TQ tạo được một gương sáng bằng cách xây dựng một nền kinh tế giảm khí thải các-bon, thì đó là một bước tiến quan trọng mang lại lợi lộc cho cả TQ lẫn thế giới.
Một đại chiến lược đòi hỏi phải xác định một trọng tâm địa chiến lược (geostrategic focus), và trọng tâm địa chiến lược của TQ là châu Á. Khi các tuyến truyền tin tại Trung Á và Nam Á còn yếu kém, chiến lược phát triển và các lợi ích kinh tế của TQ nghiêng về vùng duyên hải phía Đông và Thái Bình Dương. Ngày nay, vùng Đông Á vẫn còn giữ tầm quan trọng sinh tử, nhưng TQ phải và sẽ bắt đầu quan tâm nhiều hơn về mặt chiến lược đối với các vùng ở về phía tây. Chính phủ trung ương đã và đang tiến hành Đại Chương trình Phát triển Miền Tây tại nhiều tỉnh và khu vực ở phía Tây, nhất là Tây Tạng và Tân Cương, hơn một thập kỷ nay. Hiện nay, TQ đang đề xuất và tham dự tích cực hơn vào nhiều dự án phát triển mới tại Afghanistan, Ấn Độ, Pakistan, Trung Á, và khắp vùng Biển Caspian, kéo dài đến tận châu Âu. Cái nhãn quan mới về miền Tây này có thể thay đổi sâu sắc viễn kiến địa chiến lược của TQ cũng như tình hình của vùng Âu-Á.
Tuy nhiên, quan hệ với các đại cường vẫn là thiết yếu cho việc bảo vệ những lợi ích cốt lõi của TQ. Mặc dù thế liên lập kinh tế (economic interdependence) giữa TQ, Nhật Bản, và Mỹ đang diễn ra ở mức chưa từng thấy, nhưng giữa TQ và Mỹ cũng như giữa TQ và Nhật Bản vẫn còn thiếu sự tin cậy chiến lược. Đã đến lúc sự tương tác ba bên (trilateral interaction) Trung-Nhật-Mỹ phải được ổn định và có tính xây dựng, và một cuộc đối thoại chiến lược ba bên (trilateral strategic dialogue) là rất cần thiết. Nói một cách tổng quát hơn, TQ cũng cần phải đầu tư nhiều nguồn lực to lớn để cổ vũ cho một hình ảnh tốt lành hơn trên khán đài thế giới. Một TQ với chế độ cai trị tốt sẽ là một TQ được thế giới yêu chuộng. Quan trọng hơn nữa, TQ sẽ phải biết rằng quyền lực mềm không phải do ngụy tạo mà có: loại quyền lực này phát xuất từ một xã hội chứ không phải từ một nhà nước.
Có hai nhiệm vụ rất khó khăn cần phải làm trước khi một đại chiến lược TQ, được thiết kế tốt hơn, có thể thành hình và được thực hiện. Nhiệm vụ thứ nhất là phải cải thiện sự phối hợp chính sách giữa các cơ quan chính phủ TQ. Hiện nay, gần như tất cả các định chế thuộc lãnh đạo trung ương và chính quyền địa phương đều tham gia vào các quan hệ đối ngoại ở nhiều mức độ khác nhau, như vậy các định chế này gần như không thể thấy những lợi ích quốc gia dưới cùng một góc độ hay có chung một tiếng nói. Những dị biệt này chỉ gây hoang mang cho người nước ngoài cũng như người dân TQ.
Thử thách thứ hai sẽ là làm sao quản lý được những quan điểm khác nhau giữa giới lãnh đạo chóp bu và công chúng, ở một thời điểm mà hệ giá trị TQ đang thay đổi nhanh chóng. Việc huy động hậu thuẫn của dân chúng đối với các chính sách Chính phủ được dự kiến là để tăng cường sức mạnh mặc cả ngoại giao (diplomatic bargaining power) của Bắc Kinh đồng thời củng cố lòng dân đối với chính phủ. Nhưng chủ nghĩa dân tộc quá đà (excessive nationalism) cũng có thể tạo thêm nhiều thất vọng cho quần chúng và tạo thêm sức ép nặng nề lên chính phủ nếu các chính sách nhà nước không đáp ứng kịp thời nguyện vọng của họ, việc này có phương hại đến trật tự chính trị cũng như quan hệ đối ngoại của TQ. Thậm chí khi cho phép nhiều quan điểm khác nhau được phát biểu liên quan đến các vấn đề đối ngoại, ban lãnh đạo trung ương cần phải mạnh dạn công bố cho dân chúng biết quan điểm của chính mình, một quan điểm luôn luôn hoà hoãn và thận trọng hơn những luận điệu kích động được tìm thấy trên các phương tiện truyền thông và các trang báo mạng (Web sites).
Không một cường quốc quan trọng nào có lợi ích hoàn toàn phù hợp với lợi ích của cộng đồng quốc tế; TQ không phải là một ngoại lệ. Và với một dân số bằng 1/5 dân số thế giới, TQ gần giống một lục địa hơn là một quốc gia. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều khó khăn phức tạp trong việc xây dựng một đại chiến lược cho TQ, nỗ lực này là phù hợp với những ưu tiên trong nước và nói chung là có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng quốc tế. TQ sẽ phục vụ lợi ích của mình tốt hơn nếu TQ có thể cung ứng thêm nhiều lợi ích cho cộng đồng quốc tế và chia sẻ thêm nhiều giá trị chung với các quốc gia khác.
Thái độ mà các quốc gia khác dùng để ứng xử với sự xuất hiện của TQ như một cường quốc toàn cầu cũng sẽ có tác động to lớn trên sự phát triển trong nước và hành vi đối ngoại của TQ. Nếu cộng đồng quốc tế tỏ ra không thông hiểu những nguyện vọng, những lo lắng, và khó khăn của TQ trong việc tự túc tự cường và hiện đại hóa, thì một cách chính đáng nhân dân TQ có thể tự hỏi tại sao TQ phải bị ràng buộc bởi những luật tắc chủ yếu do các cường quốc phương Tây đặt ra. Một cách chính đáng, các quốc gia khác có thể kỳ vọng TQ nhận lãnh thêm nhiều trách nhiệm quốc tế. Nhưng, vậy thì, cộng đồng quốc tế phải nhận lãnh trách nhiệm giúp cho thành viên đông dân nhất thế giới tự nâng đỡ chính mình.
V. T. T.
Nguồn: http://boxitvn.blogspot.com/2011/04/trung-quoc-tim-kiem-mot-ai-chien-luoc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét