Giới chuyên gia nhận định tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc không có nhiều ảnh hưởng và phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể hoạt động.
Hôm 6.4, 20 bức ảnh về chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc xuất hiện trên wesbite của Tân Hoa xã. Chú thích dưới một trong số những bức ảnh viết rằng công trình hoàn thiện tàu sân bay Varyag được Trung Quốc mua từ Ukraine vào năm 1988 sắp được hoàn tất, trừ hệ thống radar. Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lại chú thích cho một trong số bức ảnh trên: "Ước mơ 70 năm về tàu sân bay của Trung Quốc sắp trở thành sự thật". Một chú thích khác ghi: "Cách đây vài ngày, các diễn đàn quân sự trong nước liên tục đăng các bức ảnh về tàu sân bay Varyag đang được xây dựng tại Hãng tàu Đại Liên. Từ những bức ảnh, chúng ta có thể thấy dự án hoàn thiện con tàu đang đi vào giai đoạn cuối".
Đây là lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc chính thức đưa tin ảnh về dự án tàu sân bay đầu tiên của nước này cũng như nói rõ dự án đang được tiến hành tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ông Andrei Chang, Tổng biên tập Tạp chí quốc phòng châu Á Kanwa ở Canada và là người theo dõi dự án tàu sân bay của Trung Quốc trong 20 năm qua, cho hay tất cả hình ảnh về con tàu trên Tân Hoa xã là những bức ảnh mới nhất mà ông biết và chúng cho thấy tiến trình xây dựng con tàu nhanh hơn ông dự đoán. Ông cho biết thêm hồi tháng 2, tạp chí của ông đã nhận được nhiều bức ảnh về Varyag và chúng cho thấy cấu trúc phần trên của con tàu chưa được sơn, còn trong những bức ảnh của Tân Hoa xã thì phần sơn đó đã hoàn tất. "Tốc độ rất nhanh. Tôi rất ngạc nhiên", ông Chang nhận định.
Lịch sử tàu sân bay Trung Quốc
Varyag là một trong 2 tàu sân bay thuộc lớp Đô đốc Kuznetsov do hãng tàu Nam Nikolayev của Liên Xô đóng. Tàu lớp Đô đốc Kuznetsov được phân loại là tuần dương hạm mang máy bay hạng nặng, hay nói cách khác, đây là tàu sân bay lai tuần dương hạm. Hiện Hải quân Nga có một chiếc duy nhất thuộc loại này chính là tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.
Theo trang tin Military-heat.com, tàu sân bay lớp Đô đốc Kuznetsov của Nga dài 302,3m và rộng 72,3m, với trọng tải 58.600 tấn. Vận tốc cao nhất là 56 km/giờ và hải trình tối đa là 8.500 km. Thủy thủ đoàn có 1.500 thành viên và tàu mang được từ 41-52 máy bay. Tàu còn được trang bị súng AK-630, hệ thống pháo-tên lửa phòng không Kashtan, tên lửa hành trình chống hạm P-700 Granit và hệ thống tên lửa phòng không đất đối không 3K95 Kinzhal SAM VLS và các bệ phóng rốc-két RBU-12000 UDAV-1 ASW. Trong khi đó, tàu Varyag được thiết kế với chiều dài 300m, chiều rộng 73m, trọng tải 67.500 tấn, vận tốc 59 km/giờ và hải trình tối đa 7.130 km. Tàu có thể chứa thủy thủ đoàn 1.960 người, 50 máy bay và cũng sẽ được trang bị các loại vũ khí tương tự như trên.
Dự án đóng tàu Varyag bắt đầu năm 1985 nhưng bị dừng lại vào năm 1992 sau khi Liên Xô tan rã. Khi đó, công trình đã hoàn tất hơn 60% và Nga giao Varyag cho Ukraine. Sau đó, con tàu này không được bảo trì, nhiều phần bị tháo dỡ như bánh lái và hệ thống vận hành, theo trang tin Asia Times online. Đến năm 1998, Ukraine bán đấu giá Varyag và một công ty ở Hồng Kông đã bỏ ra 20 triệu USD để mua con tàu này với ý định biến nó thành một sòng bạc nổi ở Macau. Tuy nhiên, Macau không phải là điểm dừng chân cuối cùng của Varyag sau khi được đưa về Trung Quốc. Vào năm 2005, tàu được đưa đến cảng Đại Liên, cũng là nơi đóng trụ sở của Học viện Quân sự quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Tại đây vào năm 2008, nhóm binh sĩ đầu tiên bắt đầu tham gia chương trình huấn luyện trở thành phi công lái máy bay tác chiến cho tàu sân bay, theo Asia Times online.
Sau thời gian nằm tại Đại Liên, Varyag được sơn theo màu xanh xám nhạt của PLA, theo một diễn đàn quân sự của tờ Global Times. Số liệu về kích thước và thủy thủ đoàn của Varyag được đưa ra trên webiste này cũng khác với số liệu ban đầu. Theo đó, chiều dài là 291,6m, chiều rộng 71m, trọng tải 65.000 tấn và thủy thủ đoàn là 2.500 người. Tuy nhiên, chưa có nguồn nào khác chứng thực những con số này. Ngoài ra, Varyag dự kiến đổi thành Thi Lang, tên một đô đốc nhà Minh đầu hàng nhà Thanh và giúp nhà Thanh chinh phục đảo Đài Loan vào năm 1681.
Tàu sân bay Varyag có thể hạ thủy trong năm nay Ảnh: Global Times |
"Biểu tượng là chính"
Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Robert Willard, cho rằng tàu sân bay Varyag của Trung Quốc có thể bắt đầu chạy thử vào mùa hè năm nay, theo AP. Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ hôm 12.4, ông Willard đánh giá việc Trung Quốc triển khai tàu sân bay sẽ dẫn đến sự thay đối đáng kể về quan niệm cân bằng quyền lực trong khu vực. Tuy nhiên, đô đốc Mỹ xem tác động của tàu sân bay Varyag chỉ mang tính biểu tượng về sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Ông lập luận rằng Bắc Kinh phải mất một thời gian dài để huấn luyện, phát triển, diễn tập thì con tàu mới có thể đi vào hoạt động chính thức. Tổng biên tập Chang của Tạp chí Kanwa thì cho rằng: "Sau khi chạy thử trên biển, tàu Varyag phải cần ít nhất 8 năm để kiểm tra radar và các loại vũ khí, trong đó có máy bay tác chiến J-15".
Chuyên gia John Pike của webiste phân tích quân sự Globalsecurity.org thì nhận định với Asia Times online rằng chỉ một tàu sân bay không thể tạo ra ảnh hưởng lớn. Ông Pike lập luận: "Nhiều nước khác như Thái Lan và Brazil cũng có một tàu sân bay nhưng hầu như không tạo được khác biệt gì". Chuyên gia Oliver Brauner tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cũng cho rằng sự xuất hiện tàu sân bay của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi cân bằng quân sự tại eo biển Đài Loan. Bản thân một chuyên gia (giấu tên) tại Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc cũng nhận xét với Global Times: "Dù Trung Quốc có hoàn thiện chiếc tàu sân bay mua từ Ukraine, công nghệ của nó vẫn lạc hậu so với các tàu của các nước khác như Mỹ về phương diện chức năng lẫn trang bị".
Lợi thế tàu sân bay Tàu sân bay là một loại tàu chiến được thiết kế với nhiệm vụ chủ yếu là điều động máy bay tác chiến, có chức năng như một căn cứ không quân trên biển. Do đó, tàu sân bay cho phép một lực lượng hải quân triển khai không lực khắp thế giới mà không phải lệ thuộc vào các căn cứ gần đó. Các tàu sân bay thường được hộ tống bởi nhiều tàu khác trong một hạm đội, cung cấp hậu cần, tăng khả năng phòng thủ cũng như tấn công. Các nước lớn đã từng sử dụng tàu sân bay trong nhiều cuộc chiến trước đây. Đầu Thế chiến 2, Hải quân Anh có ưu thế do có nhiều tàu sân bay trong khi Đức và Ý không có chiếc nào. Nhật có thể tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng được cho là nhờ có một lực lượng tàu sân bay hiện đại. Vào năm 1982, Anh đã đưa 2 tàu sân bay HMS Hermes và HMS Invincible tham gia cuộc chiến Falklands/Malvinas với Argentina. Nhờ vào lợi thế này, Anh đã chiến thắng trong một cuộc xung đột cách nước này tới 13.000 km. Tàu HMS Hermes được bán cho Ấn Độ vào năm 1986 và nay là tàu sân bay duy nhất của nước này với tên INS Viraat. Tại Thái Bình Dương, tàu USS George Washington của Mỹ luôn xuất hiện tuần tra hoặc tham gia tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản mỗi khi các "điểm nóng" tại Hoàng Hải, biển Hoa Đông hay eo biển Đài Loan "dậy sóng". Theo website chuyên về thông tin hải quân Hazegray.org, hiện có 9 nước có tàu sân bay đang hoạt động, gồm Mỹ (11 tàu), Nga (1), Pháp (1), Anh (1), Brazil (1), Ý (2), Tây Ban Nha (2), Ấn Độ (1), Thái Lan (1). |
So sánh tàu sân bay Trung Quốc - Mỹ Tàu Varyag Hãng đóng tàu: Nam Nikolayev Lớp và kiểu: hàng không mẫu hạm lớp Đô đốc Kuznetsov Dài: 291,6m Rộng: 71m Trọng tải: 65.000 tấn Động cơ đẩy: chưa có thông tin về độngcơ mới Tốc độ: 59 km/giờ Hải trình tối đa: 7.130 km Thủy thủ đoàn: 2.500 Máy bay mang theo: 50 máy bay và trực thăng Vũ trang: chưa rõ Tàu USS George Washington Hãng đóng tàu: Northrop Grumman Shipbuilding Newport News Lớp và kiểu: hàng không mẫu hạm lớp Nimitz Dài: 332,8m Rộng: 76,8m Trọng tải: 104.200 tấn Động cơ đẩy: 2 lò phản ứng hạt nhân WestinghouseA4W, 4 tua-bin hơi nước… Tốc độ: 56 km/giờ Hải trình tối đa: không giới hạn hoặc trong 20 năm Thủy thủ đoàn: 3.200 Máy bay mang theo: 90 Vũ trang: 2 Mk 57 Mod3 Sea Sparrow, 2 RIM-116 Rolling Airframe Missile 3 Phalanx CIWS (Theo Wikipedia và Global Times) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét